Lễ kết thúc năm Tân-phúc-âm hóa gia đình tại Gx. Vinh Quang


Lễ kết thúc năm Tân-phúc-âm hóa gia đình tại Gx. Vinh Quang
(Hc 3, 2-6. 12- 14; Cl 3, 12-21; Mt 2, 13-15. 19-23).

Anh chị em thân mến,

Khi 3 nhà đạo sĩ đến Giê-ru-sa-lem để tìm kiếm Hài Nhi, vua Hê-rô-đê đã cho triệu tập các thượng tế và kinh sư để hỏi thăm về việc Đấng Cứu Thế hạ sinh. Khi được biết là ở Bethlem, vua sai các nhà đạo sĩ đi và dặn rằng: “Xin quí ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người” (Mt 2, 8). Thế nhưng, sau khi các nhà đạo sĩ thờ lạy Hài Nhi Giêsu ở Bethlem, được báo mộng đừng trở lại gặp Hê-rô-đê nữa nên các ngài đi đường khác mà về xứ mình. Hê-rô-đê chờ mà không thấy các đạo sĩ quay lại, biết mình bị lừa, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bethlem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã cặn kẽ hỏi các vị đạo sĩ. Trong bối cảnh đó, Thiên thần Chúa đã hiện ra báo mộng cho Giu-se đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai-cập, cho đến khi Hê-rô-đê băng hà mới trở về lại Israel.

Việc Chúa Giê-su được cứu thoát một cách lạ lùng khiến chúng ta nhớ đến trường hợp của một vị tiên tri sống trước Chúa Giê-su 12 thế kỷ: ông Môi-sen. Khi dân Do-thái bị làm nô lệ, Pharaon đã ra lệnh giết tất cả mọi con trai Do-thái được sinh ra. Môi-sen đã được cứu sống nhờ người mẹ đã đem đặt ông trong cái thúng trét chai, thả trên dòng sông nơi công chúa của Pharaon thường tắm. Chính nàng công chúa đã cứu sống Môi-sen, nhận ông làm con nuôi. Môi-sen đã trở thành người giải phóng dân mình khỏi ách nô lệ Ai-cập và là người nhận lãnh lề luật Chúa truyền cho dân Israel.

Và đây, lịch sử được tái diễn, Chúa Giê-su thoát khỏi cuộc tàn sát của Hê-rô-đê, và sẽ trở thành vị cứu tinh của nhân loại. Chắc chắn là thánh sử Matthêu đã mời gọi chúng ta liên kết hai sự kiện này để nhận ra Chúa Giê-su là Môi-sen mới. Lời hứa trong Cựu Ước đã ứng nghiệm, vì Chúa đã phán với Môi-sen rằng: “Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng, Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy (Đnl 18, 18).

Lời Chúa còn được ứng nghiệm qua câu “Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập”. Đây là lời của tiên tri Ôsê: “Khi Israel còn trẻ, Ta đã yêu mến nó, và Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập” (Os 11. 1). Vị tiên tri đã nói về toàn thể dân Israel, nhưng ở đây thánh Matthêu áp dụng cho một mình Chúa Giê-su. Cứ như là Chúa Giê-su đại diện cho toàn dân Israel. Ở đây, chúng ta có thể hiểu ý của Matthêu muốn giới thiệu Chúa Giê-su như là dân Israel mới, chính Ngài làm hoàn thành Giao Ước mà Thiên Chúa đã ký kết với dân Người. Tước hiệu “Con Thiên Chúa” được dùng cho các vua trong ngày phong vương, và dần dần đã trở thành tước hiệu của Đấng Thiên Sai. Áp dụng tước hiệu này cho Chúa Giê-su, Matthêu muốn giới thiệu Chúa Giê-su là Đấng Thiên Sai.

Việc Hài Nhi Giê-su, Môi-sen mới và Israel mới, được cứu sống một cách diệu kỳ để thi hành chức vụ của Đấng Cứu Thế qua trung gian của thánh Giu-se, người cha nuôi; và Mẹ Maria, thân mẫu của Ngài; cho chúng ta thấy tầm quan trọng của vai trò cha mẹ trong việc bảo vệ và nuôi dưỡng con cái theo ý Chúa. Thánh Giu-se và Mẹ Maria, cả hai người đều sống theo Lời Chúa và thực thi ý Ngài, nên sẵn sàng từ bỏ ý riêng mình mà biết nghĩ đến quyền lợi của người khác. Nhờ đó khi nhận ra ý Chúa các ngài sẵn sàng giúp nhau thực hiện theo cách thế tốt nhất, và đã bảo vệ Hài Nhi Giê-su khỏi mọi nguy hiểm.

Anh chị em thân mến,

Trong năm Tân-phúc-âm hóa gia đình, Giáo xứ chúng ta đã cố gắng tạo điều kiện giúp cho tất cả các gia đình ý thức về hồng ân và trách nhiệm trong đời sống gia đình, từ những đôi mới thành hôn đến những cặp răng long tóc bạc, từ những gia đình song toàn còn có người chia sẻ trách nhiệm với nhau đến những gia đình đơn thân gánh vác cả trách nhiệm. Chắc chắn anh chị em cũng nhận ra rằng: để có thể trung thành với giao ước và yêu thương nhau đến cuối cuộc đời, ngoài ơn Chúa ban, mỗi người cần phải nỗ lực sống tinh thần tôn trọng lẫn nhau, thông cảm lẫn nhau và biết chia sẻ trách nhiệm với nhau. Chúa ban cho anh chị em người vợ, người chồng, để cả hai giúp nhau nên những con người hoàn thiện. Chúa ban cho anh chị em những người con để anh chị em cộng tác với Ngài trong công việc sáng tạo và làm cho hoàn thành công cuộc cứu chuộc. Chúa ban cho anh chị em niềm vui nơi con cái để anh chị em nhận thấy rằng những hy sinh mình dành cho con cái sẽ được bù đắp lại một cách xứng đáng. Nếu anh chị em cảm thấy không thành công trong việc giáo dục con cái, thì đó cũng là dịp giúp chúng ta biết tin cậy, phó thác vào Chúa hơn.

Chúng ta hãy cầu nguyện thật nhiều cho những người làm cha làm mẹ hôm nay, nhất là những gia đình đang gặp những hoàn cảnh éo le. Trong cuộc sống đầy những khó khăn thử thách, một phần do xã hội tạo nên, một phần do lòng ích kỷ, xin cho mỗi thành phần trong gia đình biết lắng nghe tiếng Chúa để biết thông cảm, tha thứ và yêu mến nhau; để cùng nhau chăm sóc cho con cái. Chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho các bạn trẻ biết tôn trọng, yêu mến và vâng lời các đấng sanh thành dưỡng dục. “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu... Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng” (Hc 3, 3-6).

Xin Chúa Hài Đồng ban xuống muôn vàn ơn lành cho gia đình anh chị em, để  chúng ta có thể noi gương Thánh Gia sống đời hạnh phúc.

Gm. Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...