CHÚT SUY NGHĨ VỀ NGÀY TRUYỀN GIÁO


CHÚT SUY NGHĨ VỀ NGÀY TRUYỀN GIÁO

Hàng năm, cứ gần đến ngày Khánh nhật Truyền Giáo, người người, nhà nhà, giáo xứ, hội dòng cùng nhau xúm xít chuẩn bị cho việc truyền giáo. Khởi từ nơi các nhà thờ, lời mời chia sẻ với Giáo hội trong việc truyền giáo được gợi nhắc, để người người, nhà nhà sẻ chia chút xíu về vật chất, điều kiện hiện tại của họ cho công cuộc truyền giáo.

Nói đến đây, chúng ta có nên trở về nguồn của lời mời gọi này từ Thầy Chí Thánh không, để việc làm, lời cầu nguyện và sự cộng tác cho việc truyền giáo được hiệu quả, và hơn nữa là đúng với tinh thần của Chúa Giêsu mong muốn trước khi Ngài về trời.

Trên những nẻo đường loan tin vui Nước Trời, Chúa Giêsu thấy dân chúng đi theo Người đông đảo, trên khuôn mặt họ hiện lên những thiếu thốn, không phải về vật chất nhưng là thiếu thốn trong đời sống tinh thần, đời sống thiêng liêng, vì thế, “Người động lòng xót thương họ, vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn. Người liền bảo môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa”. (Mt 9, 36 – 39). Nỗi niềm ước mong mọi người được sống trong mái ấm gia đình của Thiên Chúa đã thôi thúc Ngài, Ngài muốn đưa tất cả về cùng một mái nhà. Và đó cũng là lời mời gọi tất cả mọi người hãy luôn cầu nguyện cho việc truyền giáo của Giáo hội, của mỗi tín hữu Công Giáo.

Rảo quanh những nẻo đường cuộc sống, không chỉ dừng lại nơi mảnh đất Palestine, nhưng trên những con đường khác, Ngài đã gặp không biết bao người lầm đường lạc lối, ước mong mọi người được quy tụ trong một gia đình nơi tâm hồn Ngài lại trỗi dậy, Ngài lên tiếng: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử”. (Ga 10, 6). Với tâm tình đó, chúng ta có thể hiểu được phần nào nỗi niềm của Đấng Cứu Thế trước viễn cảnh của nhân loại. Bao người lầm lạc, bao người không biết đến Thiên Chúa, bao người lại bỏ đoàn chiên ra đi. Đau khổ nhất đối với người mục tử là khi chiên bỏ đàn, bỏ đồng cỏ xanh, bỏ dòng suối nước trong, ra đi theo những lời mời gọi hấp dẫn của bao thế lực khác, đối nghịch với Thiên Chúa.

Có phải khởi đi từ đó mà hôm nay Giáo hội luôn coi rằng bản chất của Giáo hội là truyền giáo, là đem tin vui đến cho mọi người, đặc biệt người nghèo.

Trong tiếng Việt, hai chữ truyền giáo được hiểu đại khái như sau; chữ truyền: có nghĩa là loan truyền, rao truyền một tin vui, một điềm lành, một sự may mắn cho một ai đó, một cộng đoàn nào đó; còn từ giáo: được hiểu nôm na là giáo lý, giáo thuyết, giáo huấn nào đó có nội dung lành mạnh, có ý nghĩa sâu xa và có giá trị lớn cho con người. Vậy có thể nói rằng truyền giáo là loan truyền một giáo huấn, giáo lý cho những ai chưa biết, chưa nghe và chưa một lần “chạm” vào nó. Nếu vậy thì truyền giáo đâu nhất thiết phải là có tiền bạc, vật chất thật nhiều, mà điều cần thiết đầu tiên là chính cái tâm của con người. Mỗi người Kitô hữu cần loan truyền tin vui về ơn cứu độ, về niềm hạnh phúc được làm con Thiên Chúa của con người khi họ tin vào một Thiên Chúa duy nhất. Việc loan truyền đó được gọi là chứng từ, là nhân chứng sống. Ngày nay người ta cần nhiều chứng nhân hơn là thầy dạy. Nhân chứng sống là những lời chứng thuyết phục nhất đem lại cho tha nhân sức mạnh tinh thần, để họ vượt thắng những ngại ngùng từ cuộc sống, hầu có thể đến với Thiên Chúa, với Mẹ Giáo hội.

Thế nhưng, người giáo dân hôm nay vẫn coi việc truyền giáo là trách nhiệm của các Giáo sĩ, Tu sĩ và của các nhà truyền giáo. Họ đứng ngoài cuộc trước lời mời gọi của Chúa Giêsu. Nếu không nói là dửng dưng thì đó cũng là cách thức nói lên thái độ vô ơn của chính họ. Đức tin hôm nay họ có được là nhờ bao công sức, mồ hôi và cả máu nữa của các nhà truyền giáo, để rồi họ mới được dự phần vào tiệc Mình và Máu Con Chí Thánh của Thiên Chúa. Nếu nhận rồi mà không biết cho thì quả là đáng buồn, bên cạnh đó, còn bao người coi việc truyền giáo như là một ân huệ của người Công Giáo trao tặng cho người chưa là Công Giáo. Nếu như ngày nào đó trước đây, các nhà truyền giáo sống vô cảm như thế, thì làm sao hôm nay tôi được ở trong gia đình của Thiên Chúa ở trần thế này? Cũng không thiếu những người cho rằng họ sẽ tham gia việc truyền giáo với điều kiện mọi thành công sẽ là của họ, còn thất bại thì do người khác, chứ họ vô can trong chuyện này.

Lời mời của Chúa Giêsu cũng là nỗi niềm của Ngài mong muốn con người không bị hư mất, không bị rơi vào chốn tối tăm đời đời. Vì thế, Ngài mời các Tông Đồ ngày xưa và mọi Kitô hữu hôm nay hãy lên đường với Ngài. Dù ra đi được khuyên đừng mang bị, đừng mặc hai áo, chân đi dép, nhưng biết bao người vẫn giữ quan niệm cần phải có đủ phương tiện mới có thể truyền giáo được. Chúng ta vẫn thường được nhắc nhở truyền giáo là công việc con người được cộng tác với Chúa Thánh Thần, chứ đâu phải chỉ mình ai đó đơn thân độc mã đâu. Chúa Thánh Thần vẫn hoạt động mãnh liệt giữa thế giới này, đặc biệt nơi những ai quảng đại cộng tác với Ngài đó sao?

Bạn có thấy thế giới loài người chúng ta đã mỗi ngày trở nên phức tạp hơn không? Của ăn, tiền bạc, đạo đức, luân lý không chỉ biến động, mà còn đảo lộn cả vị trí. Có biết bao con người đang rơi vào tình trạng hoang mang, sợ hãi và trượt dài theo sự đổi thay của cuộc sống mà không có lấy một điểm tựa để quay về. Chính chúng ta, những người đi theo Chúa mà đôi phen cũng cảm thấy chóng mặt trước sự hỗn độn của dòng chảy cuộc đời. Trong ngày khánh nhật truyền giáo hôm nay, chúng ta ý thức lại niềm tin sâu xa vào Chúa. Chúng ta tin rằng Chúa vẫn đang hiện diện trong vũ trụ, đang từng bước dẫn đưa nhân loại chúng con trở về với trật tự tốt đẹp của buổi ban đầu. Ước gì niềm tin này cũng giúp mọi thành phần dân Chúa can đảm góp phần vào việc xây dựng thế giới hôm nay theo các giá trị Tin Mừng.

Lạy Chúa, xin cho con luôn biết cầu nguyện cho việc truyền giáo, xin cho con luôn quảng đại cộng tác với việc truyền giáo, xin cho con đừng tính toán với anh em trong công việc truyền giáo, xin cho con đừng mong được đền đáp trong công việc truyền giáo và xin cho con luôn biết cộng tác với Chúa Thánh Thần trong việc truyền giáo mỗi ngày. Amen.

 

Lm. Pet. Trần Bảo Ninh

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...