Thánh Kinh Do Thái thì Kitô hữu nào cũng đã rõ. Nó được công nhận làm phần thứ nhất của Bộ Thánh Kinh và được gọi là Cựu Ước, thuật lại những việc Thiên Chúa thực hiện giữa loài người từ thuở ban đầu cho tới lúc Chúa Giêsu xuất hiện. Giống Kitô hữu, người Do Thái Giáo tin Thánh Kinh của họ là lời Thiên Chúa và được họ hết sức tôn kính.

Tuy nhiên, bên cạnh Bộ Thánh Kinh đó, họ còn có một bộ sách khác gọi là Talmud, được họ tôn trọng không thua gì Bộ Thánh Kinh. Theo giáo sĩ Berel Wein, thì Talmud ghi lại lịch sử hàng thế kỷ các cuộc thảo luận về luật truyền khẩu của Do Thái Giáo trong các học viện Torah tại lãnh thổ Israel và tại vùng Babylon trong các thế kỷ đầu của kỷ nguyên Kitô Giáo.

Hai bộ Talmud

Thoạt đầu ta có Talmud Giêrusalem (Talmud Yerushalmi) tức bộ Talmud được hoàn thành khoảng năm 350 CN tại Giêrusalem khi cộng đồng Do Thái tại lãnh thổ Israel bắt đầu cảm thấy bị đế quốc Byzantine Kitô Giáo bách hại. Cũng vì sự bách hại này, một số học giả Do Thái phải trốn qua vùng Babylon, nơi quyền thống trị của Kitô Giáo không mạnh lắm. Ở đấy họ tiếp tục tu chỉnh bộ Talmud và đến giữa hoặc cuối thế kỷ thứ 6 CN, họ hoàn thành bộ Talmud Babylon (Talmud Bavli) và bộ này trở thành bộ Talmud chính thức, dù nó tự hạ coi mình như được viết ra trong “tối tăm” (lưu đầy).

Thực vậy, giáo sĩ Yitzchak Alfasi, nhà san định luật Do Thái vĩ đại của thế kỷ 11 cho rằng các ý kiến của Talmud Babylon được theo nhiều hơn các ý kiến của bộ Talmud Giêrusalem vì bộ Babylon được san định hai thế kỷ sau bộ Giêrusalem và do đó đã xem sét và tổng hợp các ý kiến của bộ Giêrusalem.
Dù là bộ nào thì Talmud đều gồm hai phần Mishnah, tức phần chép lại các qui định tôn giáo và luật lệ truyền khẩu của Do Thái Giáo và Gemara hay bộ sưu tập các cuộc thảo luận và giải thích Mishnah.

Mishnah gồm sáu sera¯ rîm, hay ‘‘mệnh lệnh’’ (order), mỗi mệnh lệnh gồm một số masse¯kôt hay tiểu luận (tracts), và những tiểu luận này được chia thành pera¯ qîm hay chương. Như được chia trong các bản in, trọn bộ Mishnah có 63 tiểu luận và 525 chương. Tên của các mệnh lệnh như sau và nội dung của chúng:

(1). Zera‘im (hạt giống), chứa 11 tiểu luận, mà tiểu luận đầu tiên, Berakhot nói về việc chúc tụng và cầu nguyện. Theo như thế, việc tôn kính Thiên Chúa chiếm vị trí hàng đầu trong các lề luật. Các tiểu luận khác chủ yếu bàn đến các luật lệ tôn giáo liên hệ tới nông nghiệp tại Palestine. (2). Mo‘ed (ngày lễ), chứa 12 tiểu luận bàn đến các ngày lễ tôn giáo. (3). Nashim (phụ nữ), chứa 7 tiểu luận bàn về luật hôn nhân và gia đình. (4) Neziqin (gây hại), gồm 10 tiểu luận bàn đến luật dân sự và hình sự. (5) Kodashim (những đồ thánh), gồm 11 tiểu luận bàn về bản chất các hy lễ khác nhau, các qui định về thực phẩm, và về các hướng dẫn sát sinh theo nghi thức (sˇeh: îta¯ ). (6). T: ohorot (những đồ sạch), chứa 12 tiểu luận về các luật đặc biệt về trong sạch theo nghi thức.

Các bậc thầy của Mishnah được gọi là Tannaim (người lặp lại). Có tất cả 5 thế hệ Tannaim. Trong khi đó, các bậc thầy của Gemara được gọi là Amoraim (người giải thích). Thực vậy, Amoraim có nhiệm vụ giải thích các Tannaim và không thể giải thích học lý của Tannaim như là vô giá trị. Nhưng họ cố gắng giải thích các giáo huấn của Tannaim cho phù hợp với các suy nghĩ của họ. Ở Palestine có 5, còn ở Babylon, có 7 thế hệ Amoraim lo giải thích các giáo huấn được các Tannaim truyền lại. Các tranh luận và giáo huấn của các Amoraim được gọi là Gemara (tuyển tập). Mishnah thường được viết bằng tiếp Híprơ, còn Gemara phần lớn được viết bằng tiếng Aram.

Lý do hình thành

Theo từ nguyên, Talmud có nghĩa dạy dỗ, học hành, như trên đã nói là bộ sách gồm hai phần. Phần đầu là Mishnah, tóm lược Torah truyền khẩu của Do Thái Giáo Rabbinic (khoảng năm 200 CN). Phần thứ hai là Gemara (khoảng năm 500 CN) là phần giải thích Mishnah. Trọn bộ Talmud gồm 63 khảo luận in thành 6, 200 trang sách, bao gồm lời dạy và ý kiến của hàng ngàn giáo sĩ (rabbi) về đủ mọi chủ đề từ lề luật, đạo đức, triết lý, phong tục, lịch sử, truyền thuyết, và nhiều thứ khác. Nó là căn bản cho mọi bộ luật Do Thái và được các trước tác Rabbinic trích dẫn rất nhiều.

Ta biết từ Esdras, nền tảng của cộng đồng tôn giáo Do Thái là lề luật. Mọi sự đều được qui định theo các qui phạm cố định; không gì có thể được thêm vào hay thay đổi trong lề luật đã trình bầy trong Ngũ Kinh. Tuy nhiên, các điều kiện sống luôn thay đổi đòi những qui định mới, và các qui định này được ban hành theo nhu cầu thời đại và các trường hợp đặc biệt cần được ấn định. Từ đó, hình thành một thứ lề luật và phong tục được truyền tụng bằng miệng. Người Do Thái, kể cả người Do Thái Giáo chính thống, đều tin thứ luật truyền khẩu này bắt nguồn từ chính Môsê. Họ tin rằng trên núi Sinai, cùng lúc với việc tiếp nhận lề luật thành văn trong Ngũ Kinh, Môsê cũng tiếp nhận được các giải thích chi tiết các lề luật khác nhau đã được lưu truyền bởi truyền thống như là lề luật truyền khẩu. Thậm chí, chính các giải thích riêng và những điều họ thêm vào Lề Luật cũng đã được ban cho Môsê trên núi Sinai bằng miệng (Berakhot 5a). Theo một truyền thống, lý do duy nhất tại sao Mishnah không được ban cho Môsê bằng chữ viết là để nó không bị phiên dịch sang tiếng Hy Lạp và do đó, rơi vào tay dân ngoại. Sau khi dân ngoại chiếm hữu Lề Luật viết của Môsê, Thiên Chúa chỉ có thể nhận ra Dân của Người bằng việc họ chiếm hữu Mishnah, nghĩa là truyền thống truyền miệng tổng hợp trong Mishnah (Pesikta rabbati 14b).

Thêm vào đó, các luật sĩ (scribes) ở ngay giai đoạn đầu, qua việc giải thích Torah, đã cố gắng biến lề luật thành có thể áp dụng vào các điều kiện thay đổi của đời sống, tạo căn bản cho các giới điều mới trong Torah, ít nhất một cách hồi tố (retrospectively) và từ đó rút ra các luật tôn giáo mới.

Người ta thấy, thoạt đầu, các bậc thức giả Do Thái thường chỉ giảng thuyết, không viết lách. Họ trình bày và tranh luận về Torah, tức Torah thành văn trong Thánh Kinh Do Thái, và thảo luận về Tanakh, tức qui điển Thánh Kinh Do Thái, hoàn toàn không có một bản viết nào, ngoại trừ chính Bộ Thánh Kinh chính thức. Tuy nhiên tình thế này đã thay đổi, khi họ phải đương đầu với sự hủy diệt nhà nước Do Thái và Đệ Nhị Đền Thờ vào năm 70 CN và những biến động sau đó về xã hội và luật lệ. Lúc này, họ không còn Đền Thờ làm trung tâm giáo huấn và học hỏi và không còn một nhà nước độc lập nữa, nên họ say sưa tranh luận với nhau về luật lệ và họ cảm thấy hệ thống truyền khẩu không còn thích hợp nữa. Họ bắt đầu ghi chép lại các cuộc tranh luận và thảo luận của các giáo sĩ. Hình thức Torah truyền khẩu đầu tiên được ghi chép dưới hình thức midraschic, trong đó, cuộc thảo luận về luật lệ tôn giáo (halakhic) được xếp đặt như một bản giải thích Ngũ Thư (Pentateuch).

Midrash là các câu truyện có tính giảng lễ (homiletic), được các giáo sĩ thức giả trong Do Thái Giáo sử dụng để giải thích các đoạn trong qui điển Thánh Kinh. Nói cách khác, Midrash là một phương pháp giải thích các trình thuật Thánh Kinh vượt quá việc đúc kết đơn giản các giáo huấn tôn giáo, luật lệ hay luân lý. Nó trám đầy các khoảng trống trong các trình thuật của Thánh Kinh liên quan tới các biến cố và các nhân vật mới chỉ được ám chỉ mà thôi. Mục đích để giải quyết các nan đề trong việc giải thích các đoạn văn khó hiểu của bản văn Thánh Kinh, dựa vào các nguyên tắc của khoa giải thích và triết lý Rabbinic nhằm giúp chúng phù hợp với các giá trị tôn giáo và đạo đức của các bậc thầy trong Đạo.


Đến khoảng năm 200 CN, một hình thức khác đã trở thành thịnh hành, tổ chức theo chủ đề chứ không theo số câu trong Sách Thánh nữa. Luật Truyền Khẩu không hề nhất thống một khối; đúng hơn nó thay đổi tùy theo trường phái. Hai trường phái nổi tiếng nhất chính là Trường Phái Shammai và Trường Phái Hillel. Nói chung, mọi ý kiến có giá trị, kể cả những ý kiến không có tính qui phạm, cũng được ghi lại trong Talmud. Thủ bản đầy đủ và xưa nhất của Talmud có từ năm 1342, dưới tên là bản Talmud Munich (Cod.hebr. 95), hiện có trên trực tuyến.

Tóm lại bộ Talmud ghi thành văn các lề luật truyền khẩu. Theo quan điểm Do thái giáo Chính thống, “luật truyền khẩu” ghi trong Talmud chỉ thua mỗi một “luật thành văn” tức Torah hay Ngũ Kinh; Về lý thuyết, nó được coi gần như ngang hàng với Torah, nhưng trong thực tế, theo một nghĩa nào đó, nó được coi trọng hơn.

Theo Bách Khoa Từ Điển Công Giáo bộ mới, lý do vì người Do Thái giáo vẫn có ý niệm Luật truyền khẩu có trước luật thành văn. Các học giả Kinh Thánh thời hiện đại thừa nhận rằng truyền thống truyền khẩu thông thường được giả thiết trước khi các máng chuyển (channels) của nó trở thành ổn định trong các văn kiện thành văn. Thí dụ giữa các biến cố thời các tổ phụ và các trình thuật viết về chúng trong sách Sáng Thế có từ 800 đến 1, 300 năm.

Ngay cả khi các luật lệ đã được ổn định trong Ngũ Kinh, chúng vẫn được bổ túc bằng truyền thống luật lệ truyền khẩu. Thí dụ, trong Xuất hành 21:2, người ta giả thiết đã có các qui định về việc mua bán nô lệ Do Thái; các qui định này rõ ràng chỉ chứa trong truyền thống luật lệ truyền khẩu. Việc bổ túc và giải thích luật lệ thành văn này được các trước tác Talmud gọi là tôrâ sˇebbe‘al peh (luật lệ truyền khẩu), khác với tôrâ sˇebikta¯b (luật lệ thành văn).

Luật truyền khẩu này, đến các thế kỷ sau cùng trước Kitô giáo càng trở nên quan trọng vì phái thắng thế lúc đó là phái Pharisiêu cho rằng sau cái chết của ba vị tiên tri nhỏ Hắcgai, Dacaria và Malaki, Chúa Thánh Thần, tức hồng ân tiên tri, đã đi khỏi Israel. Theo ý kiến các rabbi, truyền thống truyền khẩu cũng là một phần của việc nói tiên tri. Thành thử trong Mishnah (Avoth 1:1), có lời chép rằng “Môsê tiếp nhận Lề Luật trên Núi Sinai và truyền lại cho Giôsê, Giôsê truyền lại cho các bậc trưởng thượng, các bậc trưởng thượng truyền lại cho các tiên tri, và các tiên tri truyền lại cho các người thuộc Đại Thượng hội đồng”.

Khoảng cuối thế kỷ thứ nhất và bắt đầu thế kỷ thứ hai của kỷ nguyên Kitô giáo, khi các tư liệu lề luật được truyền khẩu trở nên quá lớn giữa các giới Pharisiêu, nên mới có việc tổ chức viết chúng xuống.

Vai trò trong Do Thái Giáo

Giáo sĩ Wein cho rằng: vì dựa vào tính thánh thiện và tính toàn vẹn của Torah, tức Luật Thành Văn, nên Talmud kết hợp được toàn bộ người Do Thái khắp thế giới ở bất cứ không gian nào và thuộc bất cứ xã hội nào. Người Do Thái khắp thế giới đều tôn kính các giá trị, các sứ điệp, các quyết định và các trình thuật của Talmud. Nó là sách hướng dẫn đời họ, không phải chỉ trong các vấn đề nghi thức và luật lệ mà thôi, mà còn cả các vấn đề thuộc tác phong bản thân, các mục tiêu xã hội và viễn kiến về tương lai Do Thái nữa. Giáo sĩ này thậm chí còn cho rằng khi người ta nói tới “dân tộc của sách” thì sách này chính là Talmud.

Không lạ gì, Talmud trở thành mục tiêu và tiêu điểm của việc chống lại Do Thái Giáo, các giá trị và thực hành cũng như người thực hành tôn giáo này. Ông cho rằng: việc đốt sách Talmud là việc thường xuyên diễn ra trong các cuộc bách hại người Do Thái khắp Âu Châu từ thời Vua Louis IX thế kỷ 13 cho tới Đức Quốc Xã thế kỷ 20.

Điều cũng đáng lưu ý là: tất cả những người Do Thái bất đồng, chủ trương bác bỏ truyền thống luật truyền khẩu và tìm cách tạo ra các hình thức “mới” cho đời sống Do Thái cũng tấn công Talmud một cách chua cay và bác bỏ các ý niệm và công thức của nó. Từ thời phong trào Karaites thế kỷ thứ 7 tới thời phong trào Yevsektzia (một bộ phận Do Thái trong Đảng Bônsêvích bị Stalin thanh trừng sau này) ở thế kỷ 20, Talmud luôn bị chế giễu và đốt phá bởi những người Do Thái chống đối giáo huấn của nó và cho rằng sẽ không thể có hình thức “mới” nào cho Do Thái Giáo bao lâu Talmud vẫn còn được thế giới Do Thái học hỏi, tôn kính và yêu mến.

Ấy thế nhưng, theo giáo sĩ Wein, giống như dân tộc Do Thái là dân tộc bảo vệ nó, Talmud đã kinh qua mọi sóng gió. Nó vẫn là bản văn và chủ đề học hỏi chính tại mọi cộng đồng Do Thái khắp thế giới. Khả năng trong việc học hỏi nó là điều kiện đầu tiên cho mọi giáo sĩ và thầy dạy ngõ hầu duy trì và bảo vệ được tính chân thực của truyền thống Do Thái từ thời Sinai cho tới ngày nay. Tuy đã có từ lâu, Talmud vẫn tươi trẻ và đầy sức sống. Việc học hỏi nó phức tạp, đầy thách thức, nhưng là việc làm của yêu thương. Vì hiểu Talmud là hiểu linh hồn Do Thái, hiểu tinh chất Do Thái trong mọi người Do Thái, và do đó, là sợi dây nối kết họ với quá khứ và với định mệnh họ.

Các quan điểm khác nhau

Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có nhiều quan điểm đối với vai trò của Talmud trong Do Thái Giáo. Những người Do Thái Giáo Chính Thống và ở một mức độ kém hơn, Do Thái Giáo Bảo Thủ nhìn nhận tính thẩm quyền của Talmud, trong khi Do Thái Giáo Tái Tạo (Reconstructionist) và Canh Tân thì không nhìn nhận như vậy.

Thực ra, ngay từ thời Chúa Giêsu, phái Xa Đốc (Sadducees), một phái chống phái Pharixiêu, là phái sau này trở thành Do Thái Giáo Rabbinic, đã bác bỏ Luật Truyền Khẩu rồi. Sau đó, trong vòng hai thế kỷ từ ngày hoàn thành Bộ Talmud, phái Karaite (Karaism) cũng chính thức bác bỏ Luật Truyền Khẩu, chỉ tôn trọng Torah Thành Văn mà thôi, hoàn toàn chống lại ý niệm căn bản của các Rabbi cho rằng Torah Truyền Khẩu được ban cho Môsê trên núi Sinai cùng lúc với Torah ThànhVăn.

Với sự ra đời của Do Thái Giáo Canh Tân ở thế kỷ 19, người ta càng nghi vấn thế giá của Talmud. Người Do Thái Canh Tân coi Talmud chỉ là sản phẩm của thời hạ thượng cổ, chỉ có giá trị như một tài liệu lịch sử. Họ tuyên bố: “Tuyển tập các tranh cãi, các luận văn và các qui định thường được chỉ danh dưới tên Talmud không có một thế giá nào đối với chúng tôi, xét trên cả quan điểm tín lý lẫn thực hành”.

Ngày nay, Do Thái Giáo Chính Thống vẫn tiếp tục nhấn mạnh tới sự quan trọng của Talmud, coi việc học hỏi nó là yếu tố chính trong học trình của các định chế giáo dục Do Thái Giáo, nhất là đối với những người đang được đào tạo thành Rabbi (giáo sĩ). Đối với tín hữu bình thường, việc học hỏi nó cũng khá phổ biến với các buổi học hàng ngày hay hàng tuần.

Do Thái Giáo Bảo Thủ cũng nhấn mạnh tới việc học hỏi Talmud. Tuy nhiên, nói chung họ học hỏi nó như nguồn văn có tính lịch sử đối với qui điển Thánh Kinh. Phương thức của họ đối với việc đưa ra quyết định nhấn mạnh tới việc đặt các bản văn cổ điển và các quyết định quá khứ vào ngữ cảnh lịch sử và văn hóa, và khảo sát việc phát triển có tính lịch sử của qui điển Thánh Kinh. Phương thức này có tính mềm dẻo thực tiễn hơn phương thức của Do Thái Giáo Chính Thống.

Do Thái Giáo Canh Tân không nhấn mạnh đến thế, nhưng họ vẫn dạy Talmud trong các nơi đào tạo giáo sĩ của họ. Thế giới quan cấp tiến của họ bác bỏ ý niệm bó buộc của luật Do Thái và chỉ sử dụng Talmud như là nguồn gây cảm hứng và giảng dạy luân lý. Họ thường nhấn mạnh hơn tới việc học hỏi Thánh Kinh Do Thái hay Tanakh.

Kỳ sau: Chỉ trích