2 Đời sống thiêng liêng là gì (1-3)


Đời sống thiêng liêng là gì (1-3)

Trích sách: Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô, Ronald Rolheiser   
Hoàn Cảnh 
Nói như người khôn ngoan, còn không thì giữ thinh lặng,
Vì người đời sẽ chế giễu ngay.
Tôi ca tụng những gì thật sự sống động,
những ước nguyện được bừng cháy cho đến chết. 
Trong dòng nước êm đềm của đêm tối tình yêu,
nơi bạn đã được sinh ra, nơi bạn đang và sẽ sinh sôi
một cảm giác kỳ lạ tràn ngập trên bạn
khi bạn thấy cây nến đang cháy trong cô tịch. 
Giờ đây, bạn không còn bị kẹt
trong nỗi ám ảnh bóng tối,
và một khát khao thương yêu cao hơn
sẽ cuốn bạn lên cao hơn nữa. 
Khoảng cách không làm bạn chùn bước,
giờ đây, khi bước tới trong điều kỳ lạ, khi bay lên cao,
và cuối cùng, say sưa với ánh sáng,
bạn là cánh bướm và bạn ra đi. 
Và cho đến lúc nào bạn chưa nếm được kinh nghiệm này:
chết để được lớn lên,
bạn chỉ là vị khách phiền muộn
trên mặt đất đen tối này.
 
Johann Wolfgang Von Goethe, “The Holy Longing”
 
Đời sống thiêng liêng là gì?
 
“Chúng ta được bắn vào cuộc đời bằng một sức điên cuồng đến từ các vị thần, điều này làm chúng ta tin rằng chúng ta có thể có một tình yêu cao cả, duy trì được mãi mãi dòng giống riêng mình và suy tính những điều thần thánh thiêng liêng.” (Platon)
 
Khát khao, căn bệnh cơ bản của chúng ta 
 
Đi trên trần thế này mà tìm được bình an là chuyện không phải dễ. Trong lòng chúng ta, có vẻ như có một cái gì đó xung khắc với nhịp điệu của sự việc, lúc nào cũng lo lắng, bất mãn, hụt hẫng và đau đớn. Ước muốn quá nhiều nên khó mà đơn thuần nghỉ ngơi. Ước muốn luôn luôn mạnh hơn cảm giác hài lòng.
 
Nói một cách đơn giản hơn, trong lòng chúng ta có một căn bệnh cơ bản, một ngọn lửa không cách nào dập tắt, làm chúng ta không bao giờ có được bình an trọn vẹn trong cuộc sống. Khát khao này ở trọng tâm đời sống, trong xương tủy, trong cõi sâu thẳm tâm hồn. Chúng ta không phải là những con người an lạc chỉ thỉnh thoảng mới bấn loạn, bồn chồn, những con người bình thản chỉ đôi lúc mới bị ám ảnh bởi lòng khát khao. Ngược lại thì đúng hơn. Chúng ta là những con người bị thôi thúc, luôn luôn bị ám ảnh, bị bệnh bất an từ bẩm sinh, như thi sĩ Thoreau từng nói, chúng ta sống trong nỗi tuyệt vọng sâu kín, chỉ thỉnh thoảng mới cảm nghiệm được bình an. Lòng khát khao luôn khuấy động như ống hút khuấy nước.
 
Trọng tâm các nền văn học, thơ ca, nghệ thuật, triết học, tâm lý học, tôn giáo lớn, đều chú trọng đến việc nhận diện và phân tích lòng khát khao này. Vì vậy, nhật ký của Anne Frank, của thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, của Etty Hillesum ám ảnh chúng ta. Ước muốn tác động ngầm trong chúng ta, khuấy động tâm hồn. Chúng ta thích những câu chuyện nói về ước muốn – chuyện tình, tình dục, phiêu lưu, ám ảnh nhớ nhà, tham vọng vô bờ bến, mất mát đau thương. Rất nhiều các nhà tư tưởng thế tục đương đại đã nhóm lên ngọn lửa này, sức mạnh ám ảnh này và đó là trọng tâm suy tư của họ.
 
Ví dụ, Sigmund Freud nói về ngọn lửa không trọng điểm cháy ở trọng tâm đời sống chúng ta, thúc đẩy chúng ta đi tìm lạc thú mãi hoài không chùn chân mỏi gối, không cách nào thoả mãn được. Đối với Freud, ai ai cũng bị nạp quá nhiều năng lượng hơn mức cần thiết cho cuộc sống này. Carl Jung thì nói đến những năng lực sâu thẳm, không thể thay đổi, mang tính cách truyền thừa, năng lực này cấu trúc tâm hồn chúng ta, bắt buộc chúng ta chú ý đến nó một cách tuyệt đối. Jung cảnh báo, năng lượng không thân thiện với chúng ta. Khi nào chúng ta quá bất an, xáo trộn đến mức không ngủ được, chúng ta sẽ hiểu được phần nào điều ông nói. Doris Lessing nói về một loại điện thế nào đó trong cơ thể, một ngàn vôn năng lượng dành cho tình yêu, tình dục, hận thù, nghệ thuật, chính trị. Còn James Hillman thì nói về ngọn lửa màu xanh trong con người chúng ta, về việc bị ám ảnh bởi ma quỷ từ bên ngoài, không phải do bản chất hay do giáo dục, nhưng do ma quỷ, những linh hồn không siêu thoát và đầy đòi hỏi ở bên ngoài, đó mới thực sự là các yếu tố quyết định đối với hành xử của chúng ta. Cả đàn ông lẫn đàn bà đều hay nói đến một loại năng lượng hoang dã nào đó mà chúng ta cần tiếp cận để hiểu đầy đủ hơn. Phái nữ thì nói về tầm quan trọng làm sao đồng hành với chó sói, phái nam thì nói về cuộc hành trình của những người đàn ông hoang dã và lửa sôi sùng sục trong dạ. Các guru của phong trào Thời Đại Mới thì vạch ra quỹ đạo chuyển động của các hành tinh và bảo chúng ta thuận theo những hành tinh phù hợp với mình, nếu không chúng ta sẽ không được bình an.
 
Dù diễn đạt thế nào đi nữa, rốt cuộc, ai cũng nói về một chuyện – ngọn lửa không thể nào dập tắt, nỗi bất an, niềm khao khát, giày vò, đói khát, cô quạnh, nỗi nhớ cồn cào, một sức hoang dã không chế ngự được, căn bệnh bẩm sinh ở trọng tâm kiếp nhân sinh, sức mạnh tối hậu điều khiển mọi chuyện. Đó là căn bệnh, nỗi bất an phổ quát. Khát khao có mặt ở mọi nơi, không hề có ngoại lệ.
 
Tuy nhiên khát khao biểu hiện ra thành nhiều tâm trạng và bộ mặt khác nhau. Đôi khi nó chạm mặt chúng ta dưới hình thức nỗi đau – sự bất mãn, hụt hẫng, đau đớn. Lúc khác, sự chi phối của nó không gây cảm giác đau đớn tí nào, mà là nguồn năng lượng sâu xa, như một cái gì đẹp đẽ, một sức mạnh không cưỡng lại được, quan trọng hơn bất cứ cái gì bên trong chúng ta, kéo chúng ta đến với tình yêu, cái đẹp, sáng tạo, và một tương lai vượt khỏi hiện tại hữu hạn của chúng ta. Khát khao có thể biểu hiện như một nỗi đau nhức nhối hay một niềm hy vọng ngọt ngào.
 
Đời sống thiêng liêng, về tối hậu, là về những gì chúng ta làm để đối xử với lòng khát khao này. Những gì chúng ta làm để đối xử với lòng khát khao, cả những nỗi đau đớn và niềm hy vọng mà chúng mang lại, là đời sống thiêng liêng của chúng ta. Vì vậy, khi triết gia Platon nói rằng chúng ta đang bị đốt cháy vì linh hồn chúng ta đến từ bên trên và cái bên trên này, thông qua khát khao và hy vọng, tạo ra ngọn lửa trong lòng chúng ta, nó cố gắng hướng chúng ta quay lại với nó, ông đã vạch những nét lớn cho một cuộc sống thiêng liêng. Thánh Âu-Tinh cũng nói vậy: “Lạy Chúa! Chúa đã tạo dựng con cho Chúa, lòng con chỉ hết khắc khoải lo âu khi nào con được nghỉ an trong Chúa.” Những gì chúng ta làm đối với nỗi lo âu khắc khoải của mình, đó là hướng đi tinh thần của chúng ta. Tuy nhiên, tất cả những điều này cần phải được giải thích thêm. 
 
Nguyễn Kim Long dịch
 
Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...