BÀI 16 -Văn Hóa Ứng Xử

”Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường” (Mt 15,32).

BÀI 16

Văn Hóa Ứng Xử - QUAN TÂM ĐẾN NGƯỜI KHÁC

1. LỜI CHÚA: Đức Giê-su gọi các môn đệ lại mà nói: ”Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường” (Mt 15,32).

2. CÂU CHUYỆN: TÊN ÔNG GÁC CỔNG TRƯỜNG LÀ GÌ?

Khóa sư phạm mầm non được tổ chức vào mỗi dịp hè để bồi dưỡng kiến thức sư phạm cho các thầy cô giáo sắp tới lúc kết thúc. Nhà trường đã tổ chức một cuộc thi mãn khóa. Học viên chúng tôi đã rất ngỡ ngàng khi đọc được câu hỏi cuối cùng trong bài thi: ”Bạn hãy cho biết tên ông gác cổng trường của chúng ta là gì?”. Một câu hỏi không có trong các đề tài đã học suốt khóa. Ai cũng nghĩ đây chỉ là câu hỏi phụ thêm và sẽ không được tính điểm cho bài kiểm tra cuối khóa.

Thực ra bác gác cổng là một người tóc hoa râm khoảng 62 tuổi, tính tình dễ mến thể hiện qua nét mặt luôn tươi cười mỗi khi tiếp xúc với chúng tôi. Thế nhưng cũng như hầu hết các học viên khác, tôi không bao giờ nghĩ đến việc hỏi tên của ông. Hôm ấy, nhiều học viên trong đó có tôi, đành phải bỏ không trả lời câu hỏi cuối này. Sau đó, vào lúc cuối giờ, một học viên đã hỏi giáo sư chủ nhiệm rằng: ”Liệu câu hỏi cuối cùng về tên người gác cổng có được tính điểm vào bài thi hay không, thì được vị này trả lời: ”Chắn chắn là có tính điểm rồi”. Ông nói tiếp: ”Trong việc giáo dục con em, các anh chị là những thầy cô giáo sẽ phải tiếp xúc với nhiều hạng người khác nhau, và họ đều quan trọng cho sự thành công hay thất bại trong sự nghiệp giáo dục của chúng ta. Do đó họ rất xứng đáng nhận được sự quan tâm biết tên và gia cảnh của họ. Chúng ta cũng cần nở nụ cười thân thiện hay nói một câu chào hỏi mỗi khi tiếp xúc với họ”.

3. SUY NIỆM:

Từ ngày ấy, tôi không bao giờ quên bài học này là: phải biết quan tâm đến những người đã cộng tác giúp đỡ trong đời nhà giáo của tôi. Tôi cũng không bao giờ quên được tên của bác Tiến, nhân viên bảo vệ nhà trường trong khóa bồi dưỡng năm đó. Cũng nhờ biết quan tâm nghĩ đến người khác như thế, mà tôi đã thành công khi gây được thiện cảm của các bậc phụ huynh và những người làm việc trong cùng mái trường với tôi sau này.

4. SINH HOẠT: Bạn có thường quan tâm đối xử tốt đối với những người thua kém bạn về địa vị xã hội hay không? Bạn sẽ làm gì trong những ngày sắp tới để nên người trưởng thành về nhân cách?

5. LỜI CẦU:

Lạy Chúa. Xin giúp chúng con biết quan tâm đến mọi người chung quanh, và sẵn sàng giúp đỡ phục vụ họ với hết khả năng của mình, để nên người trưởng thành về nhân cách, và được thành công trong mọi công việc.- AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...