Dụ ngôn chiếc ca-nô hay làm thế nào để duy trì tình yêu lứa đôi?


 

Dụ ngôn chiếc ca-nô hay làm thế nào để duy trì tình yêu lứa đôi?

Trích sách 15 Dụ ngôn quy về điều chủ yếu, Linh mục René-Luc, nxb. Plon


 

Có một công thức nào để duy trì tình yêu đôi lứa không? Dĩ nhiên trong tình yêu luôn có các câu chuyện của một tình yêu đích thực. Với các năm làm mục vụ, tôi dám kể cho quý vị nghe câu chuyện mà tôi dần dần khám phá trong các năm này.


Có người ngạc nhiên khi thấy các linh mục độc thân lại cho lời khuyên về đời sống lứa đôi. Nhưng mục vụ của chúng tôi là lắng nghe, chúng tôi bỏ ra hàng giờ để nghe các cặp đủ mọi lứa tuổi tâm sự, vậy chúng tôi có đủ khả năng! Những người tìm đến chúng tôi thường xin chúng tôi giúp họ tìm Chúa trong những lúc họ gặp thử thách, chuyện này thì chúng tôi rành! Chúng tôi biết tùy theo trường hợp chúng tôi gởi họ đi tâm lý gia, đi tham vấn nhưng chúng tôi cũng có thể giúp họ làm sáng tỏ vấn đề bằng cầu nguyện, bằng tha thứ, bằng kiên nhẫn, bằng đối thoại dưới ánh sáng là lời giảng dạy của Chúa Giêsu. Chuyện này giúp chuyện kia.


Kỷ niệm ngày cưới


Khi giảng trong các hôn lễ, tôi có thói quen mời các cặp, nếu được, mỗi tháng một lần đi chơi tình tứ với nhau. Một ngày nọ, vào cuối thánh lễ, có một ông ngoài sáu mươi đến gần tôi, ông tự hào nói:


– Thưa cha, xin cám ơn cha về bài giảng hôm nay. Từ 40 năm nay, mỗi tháng đến ngày kỷ niệm đám cưới của chúng tôi, chúng tôi ra ngoài ăn tiệm với nhau!


Tôi thấy ý này thật hay. Chẳng hạn quý vị làm đám cưới ngày 19 tháng 5, mỗi tháng quý vị thu xếp đi chơi với nhau vào ngày 19 hay một ngày gần đó.


Không thanh toán nhau


Tôi kể cuộc gặp của một cặp vợ chồng bạn, ông chồng có vẻ không hăng hái cho mấy. Tôi cố gắng tìm hiểu, tôi biết ông ở trong Nhóm Đức Bà. Tôi biết phong trào này vì tôi có dịp tháp tùng một trong các nhóm này khi tôi còn là linh mục trẻ. Phong trào này gặt được nhiều kết quả, mỗi tháng vài cặp gặp nhau chung quanh linh mục tuyên úy để làm việc về một chủ đề và nhìn lại các việc mà phong trào dấn thân. Một trong các công việc dấn thân này có tên là “bổn phận ngồi xuống”. Mỗi tháng các cặp phải bỏ ra một buổi tối với nhau để nhìn lại mình. Bạn tôi không mấy sốt sắng với sáng kiến hẹn nhau, nhìn lại xem chuyện gì chạy, chuyện gì không chạy giữa hai vợ chồng. Có bao giờ dễ chịu khi phải lên dây cót lại! Chuyện này cũng đúng cho đời sống nghề nghiệp hay đời sống tu trì của chúng ta. Thỉnh thoảng việc lên dây cót này cũng cần thiết. Nhưng tôi cần trấn an anh bạn: những gì tôi đề nghị thì hơi khác, không phải hẹn để “thanh toán nhau”, nhưng chỉ là buổi hẹn tình tứ. Trong buổi hẹn này không nói đến các vấn đề, chỉ khơi lại ngọn lửa yêu thương. Tôi nghĩ phong trào Nhóm Đức Bà cũng thích ứng cho bạn tôi khi họ đề nghị buổi “niềm vui ngồi xuống”. Như thế buổi hẹn này phải ở ngoài nhà, không có con cái, bạn bè bên cạnh, chỉ có “chàng và nàng!”


Chứng tỏ tình yêu


Về điểm này, càng ngày tôi càng xác quyết, giáo dục tốt nhất cha mẹ mang lại cho con cái là cho chúng thấy họ yêu nhau và tiếp tục yêu nhau. Cho nhau tình dịu dàng, tay trong tay, có những buổi đi chơi riêng với nhau, chắc chắn đó là cái bệ vững chắc cho con cái, ngay cả khi con cái đã lớn. Các cha mẹ thường lo cho tương lai và sự quân bình của con cái, nhưng đôi khi họ quên chuyện căn bản: chứng tỏ cho con cái thấy họ yêu nhau!


Cuộc hẹn làm bạn ngạc nhiên


Nhưng chúng ta hãy trở về với anh bạn của tôi. Khi nói chuyện với anh, tôi nảy ra ý kiến mà tôi gọi đó là “công thức của tôi”. Để cuộc hẹn này là cuộc hẹn tình tứ thì nó không ở trong bầu khí bình thường hàng ngày. Để tránh nhàm chán thì phải tạo ngạc nhiên và tôi đề nghị họ mỗi tháng thay phiên nhau mời. Tháng này chàng mời nàng đi xem kịch, tháng sau nàng mời chàng đi ăn tiệm đặc biệt. Dĩ nhiên mục đích là cốt giữ bí mật lâu nhất có thể dù đó là chuyện gì. Các bạn tôi thích thú với sáng kiến này và họ làm mỗi tháng. Các cặp bạn khác cũng áp dụng, thỉnh thoảng họ gởi cho tôi xem hình họ tình tứ bên nhau trong tiệm ăn.


Tôi hy vọng các độc giả cũng sẽ thử công thức này. Đơn giản là ai cũng làm được và dĩ nhiên mang lại nhiều hoa trái cho đời sống vợ chồng và cho cả gia đình.  Vì săn sóc gia đình trước hết là săn sóc đời sống vợ chồng.


Dụ ngôn chiếc ca-nô
 

Có rất nhiều tác phẩm hay để giúp các cặp vợ chồng. Tôi xin khiêm tốn đề nghị một vài điểm trong đời sống vợ chồng với dụ ngôn chiếc ca-nô.
 

Chúng tôi đang ở tuần lễ cuối tháng 6 ở vùng Tarn gần Montpellier. Đó là truyền thống đi chơi ca-nô hàng năm của nhóm trẻ có nghề nghiệp, có hơn mười lăm người trong nhóm, trong số này có bốn đến năm cặp. Dĩ nhiên hai người một chiếc ca-nô. Các vật dụng để ở bi-đông để không bị nước rò rỉ. Người cho thuê ca-nô dặn dò vài chỉ dẫn và chúng tôi ra tay chèo, chỉ đơn giản như thế.
 

Louis và Victoire rất kích thích, đây là lần đầu tiên họ đi ca-nô và họ đi trước không chờ ai. Đầu chuyến đi thì nước lặng. Họ chèo chầm chậm và chiếc ca-nô đi zic-zac như người say rượu. Tôi thích thú nhìn họ. Tôi định gọi họ để chỉ cho họ cách chèo nhưng họ đã ra xa. Một cái gì cho tôi biết là chúng tôi sẽ đuổi kịp họ.
 

Đúng vậy, một cây số xa hơn, chiếc ca-nô của chúng tôi chạy nhanh. Louis và Victoire vẫn chèo một cách mất trật tự. Khi thấy nước xoáy nhanh, họ sợ. Họ chèo không đúng khớp. Bỗng chiếc ca-nô nghiêng hẳn về phía trái. Theo bản năng, cả hai quay về phía bên kia. Kết quả là chiếc ca-nô ngay lại. Với sức mạnh của dòng nước, chiếc ca-nô quay ngược lại và nghiêng hoàn toàn về phía trái khi đến dòng nước nhanh. Hoảng loạn, Louis cố gắng kiểm soát, Victoire buông tay chèo và hét lên bám vào thuyền. Thuyền đâm vào tảng đá và quay lại. Louis và Victoire rơi xuống nước, bị dòng nước cuốn, họ bơi giữa các bi-đông.
 

Sau khi uống vài ngụm nước, Louis và Victoire leo lên thuyền và tiếp tục chèo. Nhưng lần này thì họ hỏi tôi cách chèo. Tôi giải thích:
 

“Nguyên tắc thì rất dễ: ai chèo đàng trước là động cơ, ai chèo đàng sau là tay lái. Nếu Victoire ngồi đàng trước thì phải chèo đều, một mái chèo bên mặt, một mái chèo bên trái. Còn Louis đàng sau thì phải nhịp nhàng theo, cùng lúc và cùng phía như Victoire. Nhưng thỉnh thoảng bạn phải ngừng chèo để điều khiển chiếc ca-nô bằng cách gác mái chèo bên mặt hay bên trái. Ai ngồi đàng trước là người canh chừng, báo cho người ngồi sau biết có trở ngại sắp tới. Người ngồi sau phải tin vào người điều khiển. Nếu vì sợ mà làm động tác này, động tác kia thì sẽ không lái được.”
 

Louis và Victoire đồng ý. Họ hiểu kỹ thuật và chèo thoải mái khi gặp dòng nước chảy nhanh. Victoire tiếp tục chèo nhịp nhàng. Giữa hai dòng nước nhanh, khi nước yên tôi thấy Louis gác chèo trên đùi mình. Anh nhắm mắt thưởng thức giây phút này. Victoire chẳng nghi ngờ gì, cứ tiếp tục chèo. Louis thoải mái thư giãn.
 

Kinh nghiệm của những người lớn tuổi
 

Rất nhiều cặp cúi đầu đi mà không thu thập kinh nghiệm của những người lớn tuổi. Tôi thấy được điều này trong các khóa chuẩn bị hôn nhân. Bây giờ đa số các cặp xin đám cưới ở nhà thờ đã sống chung với nhau nhiều năm. Các khóa này thường do vợ chồng giáo dân trong giáo xứ đảm trách, các cặp tham dự cho tôi biết họ ngạc nhiên trước những chuyện họ học và khám phá. Đa số họ xây dựng đời sống vợ chồng và trao đổi kinh nghiệm với những người trẻ cùng thế hệ. Đôi khi họ bất đồng với khuôn mẫu của cha mẹ mình. Rất hiếm khi họ hỏi kinh nghiệm của người đi trước. Họ nhắm mắt nhắm mũi đi như cặp Louis và Victoire, và khi gặp thử thách thì họ nhanh chóng bị đảo ngược.
 

Điểm mạnh và điểm yếu
 

Dĩ nhiên muốn có được một bầu khí hài hòa thì đầu tiên hết phải biết người kia. Người phối ngẫu của tôi mạnh hay yếu, kiên nhẫn hay mong manh? Phải hiểu nhịp sống của người kia để thích ứng và tìm cái gì phù cho cả hai: không quá chậm, không quá nhanh. Muốn được vậy phải nhìn nhau. Trên chiếc ca-nô phải thay đổi chỗ, người đàng trước biết việc người đàng sau và ngược lại. Trong đời sống vợ chồng cũng vậy, phải luôn thay thế chỗ của nhau để giữ hài hòa với người kia. Hiểu nhau, đó là chìa khóa của thành công. Điều này có vẻ là chuyện đương nhiên, nhưng thường đó lại là lý do của rất nhiều thất bại. Nhiều cặp vợ chồng trẻ xây dựng cuộc sống chung trước hết trên sự lôi cuốn nhau. Nhưng họ không có một sinh hoạt chung nào. Chàng “bia-pizza-đá banh”, nàng “xem kịch, đọc sách, đi nhảy”. Điều này có thể chạy, nhưng nhất thiết phải tìm các nơi chốn hài hòa chung, nếu không sẽ dễ chìm xuồng.
 

Hiểu nhau, hài hòa với nhau phải cần rất nhiều thời gian. Không đốt giai đoạn được. Trong khôn ngoan của mình, Giáo hội mời gọi các bạn trẻ yêu nhau phải có thời gian đính hôn, tìm hiểu nhau trước khi lao vào quan hệ tình dục trong thời gian cưới hỏi. Chuyện này bây giờ hoàn toàn lỗi thời và chẳng còn ai nghe, kể cả những người công giáo giữ đạo. Lời chỉ trích thật nặng:
 

– Dứt khoát Giáo hội chưa làm cách mạng, đã đến lúc Giáo hội phải thoát ra khỏi các gò bó của mình và đừng có sợ dục tính nữa!
 

Những ai nghĩ như vậy thì chắc chắn họ chưa hiểu Thần học thân xác của Đức Gioan-Phaolô II, ngài đặt giá trị quan hệ tình dục như ơn Chúa cho con người được tạo dựng theo hình ảnh Ngài. Ngày nay có nhiều tác phẩm trong Giáo hội nói về nhãn quan mới này về dục tính: Olivier Florant trong tác phẩm Đừng phí đời bạn trong lạc thú, nó là thiêng liêng. Để có một nghi thức cực khoái (Ne gâchez pas votre plaisir, il est sacré. Pour une liturgie de l’orgasme) hay tác phẩm của Fabrice Hadjadj Chiều sâu giới tính: cho một thần bí của thân xác (Dans La Profondeur des sexes: pour une mystique de la chair). Nhìn trong quan hệ tình dục hình ảnh của Chúa là bao gồm trọn cả nét đẹp và cao cả của nó. Chính vì vậy Giáo hội mời gọi phải cẩn trọng trước khi trao thân cho nhau, không phải vì sợ dục tính, nhưng ngược lại, Giáo hội xem đây là một ơn rất lớn, không nên làm tổn hại.
 

Đó là hình ảnh của hai lá bài, bạn chồng chúng lên nhau thì tách chúng ra dễ dàng, nhưng nếu dán chúng dính vào nhau, muốn tách ra thì phải bị rách. Cũng vậy với đời sống vợ chồng. Khi hai người yêu nhau đi chơi chung với nhau, họ kiên nhẫn, họ không trao thân cho nhau quá nhanh thì khi họ thấy không hợp nhau, họ dễ xa nhau. Ngược lại nếu họ dính nhau nhanh chóng qua quan hệ tình dục thì chắc chắn họ sẽ khó xa nhau. Những ai hiểu ngược lại, có thể họ chưa học cách gieo vần tình dục với tế nhị, tình yêu với mãi mãi.
 

Can dự vào
 

Chúng ta trở lại với chiếc ca-nô của chúng ta. Hai người phải chấp nhận chèo với nhau mãi. Đừng làm như Louis nghỉ xả hơi mà người kia không biết. Trong đời sống vợ chồng đừng nói có lãnh vực nào đó không can dự gì đến tôi. Với tất cả những gì thuộc chung với nhau, cả hai phải luôn chèo với nhau. Họ cùng chèo chung trong công ăn việc làm, trong gia đình, với con cái, trong đời sống đức tin. Chẳng hạn khi hai người quyết định, vợ tạm gác công việc, ở nhà lo cho con khi con còn nhỏ, người đàn ông ra ngoài làm việc. Chồng phải thấy mình can dự đến công việc của vợ ở nhà và vợ thấy mình can dự đến công việc của chồng ở sở. Mọi người cùng chèo! Nếu một người nghỉ thì người kia phải biết, phải có thỏa thuận của người kia.
 

Chia trách nhiệm
 

Hài hòa trong cách chèo chung giúp điều hướng tốt cho đời sống vợ chồng. Người này, người kia phải có trách nhiệm khi lèo lái lãnh vực này hay lãnh vực kia. Chẳng hạn, người lo đi làm bên ngoài, người ở nhà lo việc nhà. Nếu người này áp đặt lên người kia, tìm cách kiểm soát hết thì sẽ rơi vào bẫy ‘đầy quyền năng’, người kia không triển nở được, chỉ sống núp bóng người nọ.
 

Tin tưởng
 

Chúng ta đã thấy, người ngồi trước thuyền là người thấy các trở ngại trước, nhưng họ phải tin tưởng vào người điều khiển, vì nếu họ sợ, họ can thiệp thì sẽ làm ngược hướng với người điều khiển đàng sau. Tin tưởng là chìa khóa chủ yếu của đời sống vợ chồng. Một người bạn hướng dẫn leo núi giải thích cho tôi hiểu, khi có hai người leo núi đang ở trên sườn núi, nếu một người bị ngã thì cách duy nhất để cứu bạn mình là người kia ném mình vào khoảng trống bên kia. Đó là sự tin tưởng trong đời sống vợ chồng, chấp nhận rơi vào khoảng trống!
 

Mỗi người ở chỗ của mình là một canh thức cho người kia. Họ nhận ra có nguy cơ này, nguy cơ kia để tránh. Phải nói chuyện với nhau! Từ bao nhiêu năm nay tôi tháp tùng các cặp, tôi ngạc nhiên thấy chữ quan trọng nhất trong sự thành công của các cặp là đối thoại, khó khăn của họ là thiếu đối thoại. Thường thường họ đối thoại nhiều lúc ban đầu, sau đó dần dần thành “đối thoại câm”. Tác giả Gary Chapman có một đóng góp vô cùng to lớn trong việc giao tiếp của vợ chồng qua tác phẩm được cả thế giới biết của ông: Các ngôn ngữ của tình yêu. Nhờ ông, các cặp hiểu ngoài lời nói còn nhiều ngôn ngữ khác họ phải coi trọng: những lời nâng cao tinh thần, những giây phút chất lượng, quà cáp, giúp ích cho nhau, âu yếm nhau. Mỗi người có ngôn ngữ mạnh riêng của mình. Khuynh hướng tự nhiên của chúng ta là chờ người khác và chung chung là những người khác nói ngôn ngữ của mình. Chúng ta hình dung Louis có ngôn ngữ nổi trội là “các giây phút chất lượng”. Anh ở trong phòng khách với Victoire. Trẻ con đã đi ngủ, anh đã chuẩn bị một ly rượu nhẹ. Victoire đến ngồi bên cạnh anh, cười với anh rồi đem điện thoại di động của mình ra xem. Đối với Louis là không chấp nhận được, anh muốn vứt chiếc điện thoại ra cửa sổ! Anh đã có cùng phản ứng như vậy với một người bạn. Nhưng Louis phải chấp nhận những người khác không có cùng mong chờ có những giây phút cùng ở bên nhau như anh. Hiểu ngôn ngữ ưu thế của mình và chấp nhận người khác không có cùng quan tâm như vậy là đã giúp cho mình rất nhiều, để bao dung, để thông cảm.
 

Tác giả Gary Chapman nhắc chúng ta chú ý về tiến triển của các cặp theo thời gian. Ông nói đến các mùa của hôn nhân: mùa xuân, mùa hạ, mùa thu, mùa đông. Cả một xáo trộn khi đứa con đầu lòng ra đời! Nhưng còn xáo trộn hơn khi hai mươi, ba mươi năm sau khi đứa con cuối cùng rời tổ ấm ra đi, bỗng chốc hai người diện đối diện. Chính vì vậy mà các cặp phải không ngừng trau dồi để giữ giao tiếp. Cũng như đường rầy xe lửa; nếu chúng chỉ trệch 0,5 xăng-ti-mét thì vài cây số sau, xe lửa sẽ trật đường rầy.
 

Thiên Chúa là giao tiếp của Tình yêu giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Khi người đàn ông, người đàn bà, được dựng nên theo hình ảnh của Chúa, sống trong sự giao tiếp yêu thương đẹp đẽ thì họ trở thành hình ảnh tuyệt vời của Chúa ở thế gian này. Và không ngạc nhiên gì khi đối phương muốn làm đủ cách để ngăn chia và làm sai lệch hình ảnh hiệp nhất của người đàn ông, đàn bà. Các bạn hãy can đảm tìm trong lời cầu nguyện công thức riêng của mình để không bị chìm xuồng và để cùng nhau đi qua mọi dòng nước xoáy trong đời sống vợ chồng.


Marta An Nguyễn dịch
http://phanxico.vn/2019/01/12/du-ngon-chiec-ca-no-hay-lam-the-nao-de-duy-tri-tinh-yeu-lua-doi/

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...