Kinh Mân Côi


Kinh Mân Côi
(catechesis.net)
Dominican
 Có nhiều cách thế tôn kính Đức Maria và đi vào những ý định của Thiên Chúa khi Người đã ban cho Đức Maria làm Mẹ chúng ta. Vì thế, kinh Mân Côi đáng được chú ý cách đặc biệt như là việc diễn tả đời sống Đức Maria.
 
Đức Thánh Cha Pio XI nhắc nhở chúng ta công thức này: “Mân Côi là kinh nhật tụng của các tín hữu.” Kinh Mân Côi đã không gợi lên một trật tự phong phú lẫn sự giản đơn, vừa vắn gọn lại vừa đầy đủ, vừa có tính chất thường ngày, vừa là một đòi hỏi phải làm điều thiện, vừa là sự gần gũi, vừa là sự khai mở với vô biên đó sao?! Sau cùng, đó là cuộc đối thoại có thể ngưng lại trong khoảnh khắc nhưng không khi nào chất chấm dứt và luôn tiếp tục lại dễ dàng? Những ý tưởng này và những ý tưởng khác nữa phải chăng xưa kia không được gợi ra do cái tên gọi “tràng hạt Đức Bà diễm phúc” được gán cho kinh Mân Côi?
 
Ý tưởng đầu tiên mà tiếng kinh nhật tụng gợi lên là ý tưởng về một quyển sách quen thuộc mà người ta không thể tách rời và cuốn sách đó làm thành bản tóm lược bao gồm tất cả các đạo lý sống, một bản tóm tắt mà sự đa dạng và sự phân bố của nó thích hợp cho đời sống nhân loại chúng ta, một đời sống luôn luôn liên tục và phức tạp, để đưa đời sống đó hợp nhất trong tình yêu, mở ra trước Thiên Chúa. Kinh Mân Côi phô diễn đặc tính phong phú này bởi vì nó là một bản Phúc Âm tóm tắt và phác họa lại mầu nhiệm đáng tôn thờ của Đấng “đã xuất từ Cha và đã đến trong thế gian, bây giờ lại bỏ thế gian mà trở về cùng Cha” (x. Ga 16,28). Những chân trời vô biên được tiết lộ theo cách thật gần gũi. Không có một hình thức tôn sùng nào lại dễ dàng và thuận tiện đến thế, chỉ cần mở tâm hồn mình đón nhận Đức Kitô và được nuôi dưỡng bằng lời của Người.
 
Vì thế, sự dễ dàng phân chia kinh Mân Côi thành những chục kinh và dễ dàng lặp lại từng chục kế tiếp, cho phép ta làm chuỗi Mân Côi thành cái khung bao trùm các giờ giấc trong ngày, các công việc thường nhật. Một cha sở của một giáo xứ lơn – vốn không thể đọc kinh Mân Côi luôn luôn được – tâm sự với một người bạn rằng: mỗi sáng, những mầu nhiệm mùa Vui kéo dài tâm tình tạ ơn của mình, những mầu nhiệm sự Thương cổ xúy cho những giờ lao nhọc, và gánh nặng trong ngày – những lớp giáo lý hay những cuộc thăm viếng bệnh nhân – và những mầu nhiệm sự Mừng mang lại cho mình sự bình an mỗi buổi chiều. Người ta chỉ thu lượm được kết quả với điều kiện đọc ít nhất là một tràng mỗi ngày: một hoặc hai chục chỉ là một thói quen thuần túy, dĩ nhiên là tốt và có thể là cơ hội phát sinh một cách cầu nguyện, nhưng nó không là một sự ràng buộc vào đời sống của Chúa Kitô.
 
Xét như kinh nhật tụng, kinh Mân Côi vẫn còn là một hành vi hoàn toàn riêng tư, hoặc trong lúc đọc kinh chung thì kinh Mân Côi trở thành sự liên kết hoặc hòa hợp giữa hai hoặc ba người: Chúa Giêsu ở đó và Chúa Cha không từ chối điều gì (x. Mt 18,19).
 
Tuy nhiên, từ cái nhìn sâu xa đó đã mở ra những lời của Đức Pio XI. Như kinh nhật tụng thích hợp để đào luyện linh hồn các linh mục, thì kinh Mân Côi có thể và phải tác động đối với các tín hữu dấn thân trong thế giới.
 
Nghĩa là đối với các tín hữu, việc đào luyện không chỉ là sở đắc một vài ý tưởng và một vài tập quán nào đó, dầu là tập quán tốt. Nhưng một tín hữu chỉ được thành hình khi Đức Kitô sống trong họ. Thánh Phaolô đã nói điều đó trong thư gửi tín hữu Galat, mà ngày này người ta áp dụng cho Đức Bà Mân Côi: “Hỡi các con bé nhỏ của tôi, những kẻ tôi phải sinh mãi cho đến khi nào Đức Kitô được hình thành trong anh em” (Gl 4,19).
 
Đức Kitô đang sống trong những người thuộc về Người khi Người thông chia những cảm nghĩ của Người cho họ và Người trở thành luật nội tâm cho sự tăng trưởng của họ, vừa ấn định mục đích để đạt đến đồng thời quy định những phát triển cần thiết và khơi lên những hành vi cũng như những phản ứng của họ. Vậy chính điều đó được thể hiện nơi người tín hữu qua việc tôn sùng kinh Mân Côi. Trong khi gắn chặt người đọc kinh Mân Côi vào trong tâm hồn Đức Maria, thì Đức Maria làm cho họ bước vào sự hiệp thông sâu xa với Người, tình con thảo đáp lại tình mẫu tử đẩy ta thấu hiểu những tư tưởng, những tâm trạng của Đức Maria, và như thế, làm cho chúng ta thành người con của Người.
 
Trước tiên, tình yêu tập chúng ta quen nhìn Chúa Kitô và bước theo Người trong những mầu nhiệm khác nhau đến nỗi chúng ta chìm ngập trong những vinh quang của thần tính và những phong phú nhân tính Người được tỏ lộ cho chúng ta Người Con: “Tràn đầy ân sủng và chân lý” (Ga 1,14) mạc khải sứ mệnh cứu chuộc, lòng mên vô song, những nhân đức và những tận tụy đáng kính của Người không lời nào tả xiết.
 
Sự liên kết giữa các mầu nhiệm và sự lặp lại thường xuyên ghi sau dần dần những nét của Người trong tâm hồn người tín hữu. Với cái nhìn đơn thành, nhà thần học khám phá ra những chân lý cao cả, đứa trẻ thì thấy những hình ảnh tuyệt đẹp, còn nhà chiêm niệm nhận được sự hiện diện mà Thiên Chúa đã ban cho họ.
 
Trên hết, người môn đệ ngày càng ý thức về một tâm trạng mà phải coi như đó là tâm trạng của chính mình: “Ngành nho phải sinh hoa kết quả.” Do một kinh nghiệm sống, Kitô hữu phải nhận ra đâu là thái độ cụ thể của chính mình khi vui cũng như khi buồn, đâu là tâm trạng của mình đứng trước Chúa Cha và trong tương giao với anh em.
 
Điều mà Thầy Chí Thánh đã làm cho họ, thì người tín hữu hiểu rằng tình yêu của họ phải lặp lại như thế đối với thầy mình. Tình yêu sống bằng hiệp thông và nhân ái. Nhờ có sự đòi hỏi này, không thể rơi vào quên lãng, kể cả những quyết định mà nó gợi lên cũng thế: vì lúc đó sự trầm tư trở lại với họ và mỗi lúc càng đè nặng trong tâm hồn.
 
 Hơn nữa, không những kinh Mân Côi là sự nhắc nhở để chúng ta khỏi quên một quyết định phải thực hiện, nó còn hơn cả sự tiếp máu cho tâm hồn. Không thể chiêm ngắm Đức Kitô mà không chia sẻ những sở thích và những nhân đức của Người. Không thể hít đầy hương thơm của bông hoa mà không bị chìm ngập trong đó, vì thế chúng ta phải trở thành hương thơm của Chúa Kitô (x. 2 Cr 2,15).
Tuy nhiên, để tránh rơi vào những ảo tưởng gây thất vọng, phải nhắc đi nhắc lại rằng: sự thành hình của Đức Kitô trong tâm hồn người tín hữu qua các mầu nhiệm kinh Mân Côi chỉ được thực hiện với một vài điều kiện cần thiết.
 
Điều kiện trước tiên là phải loại trừ thói quen xấu. Chẳng hạn, đọc hàng nghìn chuỗi hạt sẽ không giúp ích được gì cả nếu người ta chỉ lâm râm nó một cách máy móc. Đọc kinh Mân Côi phải là sự thông hiệp với tâm hồn Đức Maria, và qua Đức Maria thông hiệp với Đấng là chính sự sống của tâm hồn Người.
 
Lần chuỗi Mân Côi không bao giờ là một hành vi tầm thường, nhưng lòng hăng say nhiệt thành đó giúp ta bước vào cuộc đối thoại cùng với Đức Maria và như thế đã là cầu nguyện, Người còn cho chúng ta cùng thông chia những điều bí nhiệm mà Người cất trong tâm hồn Người. Kinh Mân Côi sẽ không còn ý nghĩa nữa nếu người ta tách nó ra khỏi đời sống nội tâm của Đức Maria và người ta quên rằng đối với Đức Maria, hơn bất cứ ai, đời sống của Mẹ là Chúa Kitô, Đức Maria là ánh mắt, là tình yêu của Chúa Kitô; và sự thể cũng y như vậy đối với những ai đến gần Đức Maria.
 
Có lẽ người ta nói rằng điều kiện đầu tiên này liên quan tới sự chuẩn bị gần cho việc đọc mỗi thánh vịnh trong kinh nhật tụng của chúng ta, tức là kinh Kính Mừng của Mân Côi. Điều kiện thứ hai thích hợp cho việc chuẩn bị xa: để cho việc khơi lên cách vắn gọn mầu nhiệm Mân Côi mang lại một sự phong phú cho đời sống thường nhật, đối với con người nhiệt tâm và tỏa rạng tình yêu thì tâm hồn phải mang trong mình cả một kho tàng kỷ niệm, suy niệm và lời cầu nguyện. Bởi vậy, điều quan trọng để sống cách thâm sâu những ngày lễ phụng vụ mà chục kinh Mân Côi nhắc nhở ta liền sau đó, phải trở về với các suy niệm của mình lâu hơn về chính mầu nhiệm đó, phải suy niệm những gương mẫu nơi Chúa, Đấng chờ đợi sự trung tín đầy tình mến của chúng ta cách này hay cách khác.
 
Chắc chắn kinh Mân Côi không ngừng mang lại những ánh sáng mới và vì những hoàn cảnh độc nhất trong đó ánh sáng chiếu tỏa, Mân Côi biểu lộ những chiều kích vẫn còn chưa được sáng tỏ của mầu nhiệm. Nhưng rất thường do sự ngắn gọn của mỗi chục, do việc đi vào trong những công việc dồn dập của đời sống và sự xô bồ của thế giới, Mân Côi là một sự nhắc nhở, là sự gợi nhớ lại hơn là một việc tìm tòi trong những chiều hướng mới. đó là vai trò riêng biệt của nó và qua đó Mân Côi phục vụ cách tuyệt diệu cho hành động của thần chân lý được ban cho các môn đệ và làm cho họ nhớ lại những giáo huấn của Đức Kitô.
 
Tắt một lời, để kết thúc cho khái niệm này, học thuyết đáng phục của thánh Louis Maria về việc Đức Maria hình thành Đức Kitô trong tâm hồn ở đây dã được áp dụng cách trọn vẹn. Vì thế, cần hiệp thông với tâm hồn Đức Kitô, cần đặt mình vào thái độ của các môn đệ và muốn sống tình thân ái của Đức Kitô đến độ thực sự trở nên một Kitô khác do sự liên kết bằng tình mến, để được gắn bó trong tình mến của Đấng yêu mến chúng ta như Cha.
Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...