Mười điểm nổi bật về truyền giáo theo Đức Phanxicô


Rửa tội và được gởi đi

fr.aleteia.org, Claire Guigou, 2020-01-10
Trong quyển sách-phỏng vấn “Không có Chúa Giêsu, chúng ta không làm được gì (Sans Jésus, nous ne pouvons rien faire, nxb. Bayard) ra ngày 8 tháng 1, Đức Phanxicô đưa ra bản chỉ dẫn về truyền giáo. Đây không phải là một phương pháp soạn sẵn, nhưng theo ngài, đây là sự “phong phú huyền ẩn của truyền giáo, phát sinh từ sự choáng váng mà chúng ta cảm nhận khi nghe Lời Chúa.”
Trong quyển sách-phỏng vấn với nhà báo người Ý Gianni Valente, Đức Phanxicô nêu lên đưa ra tất cả thái độ dẫn đến việc bóp méo sứ mạng truyền giáo. Trong phong cách trau chuốt, ngài định nghĩa lại ý nghĩa của thái độ truyền giáo và tố cáo các hành vi dẫn đến việc bóp méo công việc này.
Sau đây là mười điểm quan trọng
  1. Đi đến vùng ngoại vi
“ ‘Giáo hội đi ra’ không phải là thành ngữ theo mốt do tôi phát minh ra. Đó là điều răn từ Chúa Kitô trong Tin Mừng Thánh Mác-cô, Ngài xin môn đệ đi khắp thế giới để rao giảng Tin Mừng (…). Hoặc là Giáo hội đi ra, hoặc là không phải Giáo hội. Nếu Giáo hội không đi ra, Giáo hội tự hư hỏng, tự biến chất.”
Ngay từ đầu, Đức Phanxicô đã chấn chỉnh thành ngữ này không phải là câu khẩu hiệu sáo mòn, nhưng nguồn gốc của nó có từ Tin Mừng.
  1. Hãy để mình biết ngạc nhiên
“Sứ mạng không phải là chương trình của một công ty đã được chạy tốt. Cũng không phải là buổi trình diễn xem có bao nhiêu người đến xem nhờ mình quảng cáo. Thần Khí hoạt động theo như Ngài muốn, khi Ngài muốn và nơi Ngài muốn.”
Sau đó Đức Phanxicô cảnh báo các thái độ nhằm làm cứng nhắc thái độ truyền giáo, ngài nhắc lại Thần Khí luôn lành mạnh từ nguồn gốc. 
  1. Lắng nghe
“Sự huyền ẩn phong phú của truyền giáo không ở ý định, phương pháp, sáng kiến, lòng nhiệt thành của chúng ta, nhưng trong mối quan hệ với sự chóng mặt này: sự chóng mặt khi chúng ta nghe Lời Chúa Giêsu.”
Đức Phanxicô đi vào trọng tâm của bí mật truyền giáo: cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. 
  1. Làm chứng, không tuyên bố
“Theo kinh nghiệm chung, chúng ta không bị đánh động khi gặp một người vừa đi vừa hô hào thế nào là kitô giáo. (…) Và cũng theo kinh nghiệm chung, thường chúng ta được đánh động khi gặp những người mà cử chỉ và hành vi của họ cho thấy đức tin sâu đậm của họ trong Chúa Kitô.”
Đó là lý do tại sao, theo Đức Phanxicô chứng tá có giá trị hơn các bài diễn văn dài dòng. Ngài nhấn mạnh, truyền giáo là sự cuốn hút.
  1. Ca ngợi lòng dịu dàng của Chúa
“Lớn tiếng loan báo Tin Mừng không phải là bủa vây người khác bằng các bài diễn văn biện giải, hò hét về sự thật Mạc khải. Không có gì vô ích khi ném sự thật và các giáo điều vào đầu người khác như ném đá. Khi điều này xảy ra thì đó là dấu hiệu cho thấy Lời Chúa đã không còn được cân nhắc và đã biến thành ý thức hệ.”
Đức Phanxicô cảnh báo nguy cơ biến Tin Mừng thành ý thức hệ. Ngài luôn nhắc tín hữu tránh nguy cơ của chủ nghĩa chiêu dụ. Không còn thời thực dân, thời chiêu dụ, vậy mà ngày nay nguy cơ này vẫn còn thấy nơi “các giáo xứ, các cộng đoàn, các phong trào hay các dòng tu”. Theo ngài, việc lặp lại theo nghĩa đen không còn hiệu quả và có thể rơi vào trống không, nếu người nghe không có dịp để nếm được “lòng dịu dàng của Chúa”. Kinh nghiệm trở lại cũng giống như kinh nghiệm của một đứa bé khi quan sát tình thương của cha mẹ: trước khi biết thế nào là tình yêu, đứa bé quan sát. 
  1. Có nhân tính cho gia đình
“Ngày nay có những nơi, những môi trường tự cho mình là ‘khai sáng’ và khép kín việc loan báo Tin Mừng, trong lô-gích bóp méo của nó, phân chia thế giới giữa ‘văn minh’ và ‘man rợ’. (…) Họ xem một phần lớn gia đình nhân loại như một thực thể thấp kém.”
Không quanh co, Đức Phanxicô tố cáo thái độ chuộng ưu thế, xa với thông điệp Tin Mừng.
  1. Hiểu rằng mỗi người rửa tội đều được gọi
“Đôi khi trong Giáo hội tôi nghe nói đến các ‘giáo dân dấn thân’. Danh từ này không thuyết phục được tôi. Nếu mình là người đã được rửa tội thì mình đã là giáo dân dấn thân. Rửa tội là đủ. Không cần phải tưởng tượng ra có một rửa tội đúp, một loại rửa tội dành riêng cho ‘giáo dân dấn thân’.”
Theo ngài, người đã được rửa tội được mời gọi đi truyền giáo và không ai có “năng lực” đặc biệt để giữ cho Giáo hội được sống! 
  1. Hãy buông mình chứ không kiểm soát
“Một điểm khác biệt của người truyền giáo là họ làm thuận lợi cho đức tin chứ không tìm cách kiểm soát. (…) Đừng cản trở mong muốn Chúa Giêsu muốn đến với tất cả mọi người, chữa lành mọi người, cứu mọi người. Đừng lựa chọn, đừng thiết lập ‘hải quan mục vụ’. Đừng theo phe của những người đứng kiểm soát ở cổng xem ai có đủ phẩm chất cần thiết mới cho vào.
  1. Truyền giáo là tiếp xúc giữa con người với nhau
“Làm thế nào có thể hình dung đức tin như một loại cấy ghép đem từ nước này đến nước kia (…). Hội nhập văn hóa không làm trong các phòng thí nghiệm thần học, nhưng trong đời sống hàng ngày. Phải cẩn thận với tất cả mọi hệ thống, mọi loại loan báo, dưới bất kỳ lý do nào áp đặt loại cấy ghép này (…). Truyền giáo là tiếp xúc giữa con người với nhau, là chứng từ giữa những người nói với bạn đồng hành với mình: ‘Tôi biết Chúa Giêsu, tôi mong muốn làm cho bạn biết’.”
Vài tháng sau Thượng hội đồng Amazon, Đức Phanxicô còn nhắc lại vấn đề thiết thân của ngài: sự hội nhập văn hóa.
  1. Sống theo thời buổi này
“Để theo Chúa Giêsu và để loan báo Tin Mừng (…), chúng ta phải ‘đậu’ những nơi, những hoàn cảnh mà Chúa dẫn chúng ta đến. Nếu không, truyền giáo sẽ trở thành cái cớ để đi du lịch thiêng liêng ngụy trang làm việc tông đồ, một lối thoát cho chính sự lo lắng của mình. Không được xem truyền giáo như một nghề nhưng là sống với người khác, đi theo họ từng bước, xin họ để được cùng đồng hành với họ, học để đi theo tốc độ của họ.”
Cuối cùng Đức Phanxicô cảnh báo chống lại cám dỗ xem truyền giáo như một hoạt cảnh. Người đi truyền giáo nước ngoài phải “gương mẫu trong kiên nhẫn”, hòa mình với đời sống hàng ngày của người dân bản xứ.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...