Triết gia Fabrice Hadjadj lật tẩy bảy thủ đoạn của quỷ


lavie.fr, Jean Mercier, 2010-02-22
Satan trước mặt Chúa. Tranh được trưng bày tại Vatican. Tác giả ẩn danh, khoảng năm 1750.
Trong một thời gian dài người ta nghĩ quỷ là dành riêng cho các nhà thần bí vĩ đại. Nhưng bây giờ “cuộc chiến thiêng liêng”, có nghĩa là cự lại trước sức mạnh của sự dữ, đang phục hồi một cách mạnh mẽ. Bằng chứng là thành công của quyển sách Đức tin của ma quỷ hay chủ nghĩa vô thần lỗi thời (La Foi des démons ou l’athéisme dépassé) của triết gia Fabrice Hadjadj được giải thưởng văn chương tôn giáo năm 2010. Đặc biệt tác giả cho thấy ma quỷ hoạt động dưới lốt của sự tốt. Vậy thì phải lật tẩy mánh khóe của chúng… Chúng ta cùng đi theo triết gia Fabrice Hadjadj qua bảy khẳng định rất sốc tóm tắt các chủ đề khác nhau về Satan mà nhà thần học triết gia đưa ra trong quyển sách của ông.
  1. 1. Quỷ hiểu Chúa!
Triết gia Fabrice Hadjadj lưu ý, trong Tin Mừng ma quỷ nói sự thật về Chúa. đứng trước Chúa Giêsu, một linh hồn ô uế đã nói thẳng về Chúa như sau: “Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng thánh của Thiên Chúa.” Con quỷ tin Chúa với cái đầu chứ không với quả tim. Triết gia Hadjadj đưa ra hình ảnh: trong ban nhạc đại hòa tấu, con quỷ biết bè nhạc nhưng nó từ chối không trình diễn. Về phần chúng ta, đức tin không bảo vệ chúng ta khỏi Thần Dữ. Hadjadj thấy ma quỷ ít làm việc nơi những người tự cho là vô thần hơn là ở các “kitô hữu”, những người tin chắc mình nắm sự thật. Mục đích cuối cùng quỷ muốn chiếm cho bằng được là biến người đó thành siêu truyền thống hay siêu tiến bộ, “vừa cảm thấy mình tốt nhất, nhưng cũng cho mình là thiểu số bị bức bách”.
Thuốc chữa. Xin Chúa thúc đẩy chúng ta biết cảnh giác với chính mình, ngay khi chúng ta bắt đầu nghĩ mình nắm giữ sự thật, nhất là trong lãnh vực tôn giáo.
  1. 2. Quỷ muốn sự thánh thiện bằng sức lực của quả đấm
Theo triết gia Hadjadj, thách thức của quỷ là làm cho chúng ta “tin rằng mình có thể cứu mình mà không cần ân sủng”, chúng thuyết phục chúng ta, mình phải tự mình làm thánh, với ý nghĩ duy nhất là chúng ta làm cho mình thành thánh thiện mà không nghĩ chúng ta muôn đời là kẻ có tội.
Thuốc chữa. Sáng tối đều nhắc lại với Chúa, chúng ta cần lòng thương xót của Ngài. Điều này không dính gì với thói tự mãn bệnh hoạn. “Khiêm tốn không phải là hạ thấp mình, nhưng để mình được Chúa nâng lên.”
  1. 3. Quỷ rất khéo léo trong chuyện tâm linh
Theo thành kiến, Chúa là thiêng liêng, còn quỷ là vật chất và chúng cám dỗ chúng ta ham ăn uống và theo xác thịt. Triết gia Hadjadj lật ngược lại tất cả: “Vấn đề đích thực là như sau: Satan rất thiêng liêng. Bản chất của nó là tinh thần thuần túy. Thiêng liêng là lãnh vực của nó.” Hadjadj đảo ngược truyền thống chống nhau giữa phần xác và phần hồn: Satan không thể chấp nhận lựa chọn triệt để của Chúa nhằm lợi ích cho phần xác. Nó không thể tha thứ cho Đấng Toàn năng đã từ Trời xuống thế mặc xác phàm chia sẻ số phận thấp hèn của loài người đến phải chết trên Thập giá. Và thế là nó “ăn mừng” khi người tín hữu cự được với tội về phần xác và quay qua tội kiêu ngạo thiêng liêng, ẩn núp trong loại thiêng liêng quá độ.
Thuốc chữa. Chúng ta nên lo về thói kiêu ngạo ẩn giấu hơn là tập trung vào chủ nghĩa vật chất bất trị của mình.
  1. 4. Quỷ thèm hạnh phúc chúng ta qua sự tự lập của chúng ta
Theo công thức của Fabrice Hadjadj “Lèo lái của sự tự đủ và cha đẻ của không tưởng” thì quỷ không có mục đích nào khác hơn là thuyết phục chúng ta, rằng chúng ta có thể tự tạo hạnh phúc cho mình. “Cốt tủy tội của ma quỷ là làm điều tốt dựa vào chính sức mình, lên kế hoạch cho một hạnh phúc ăn chắc, không để một cái gì bất ngờ lọt vào.” Quỷ làm cho đồi bại, ngay cả những gì quảng đại nhất, ơn dâng hiến bản thân, đến mức “muốn cho mà không muốn nhận, muốn nói mà không muốn nghe, khởi đi từ những gì của chính mình”.
Thuốc chữa. Tin tưởng phó thác vào Chúa để nhận tất cả từ Chúa, từ bỏ tất cả những gì mình cho là tự sức mình. Và như thế là chấp nhận xin giúp đỡ, từ bỏ kiểm soát mọi thứ.
  1. 5. Quỷ muốn chúng ta hiểu Chúa
Triết gia Hadjadj nhắc cho chúng ta, mục đích của quỷ là giữ chúng ta trong “một đức tin không có bóng đêm, vì chúng muốn chúng ta dựa trên sự sáng suốt của chúng ta”. Nhưng Chúa thì ngược lại, Ngài “không muốn áp đặt một sự hiểu biết rõ rệt, cuốn hút chúng ta như con thiêu thân”. Vì thế chúng ta phải chấp nhận Chúa ẩn giấu và đồng ý với một mơ hồ nào đó về hành động của Ngài trong chúng ta.
Thuốc chữa. “Tránh hướng nội vô ích mà dựa vào lòng thương xót không dò tìm được.” Từ chối tìm hiểu thế nào và vì sao Chúa hành động, như thế sẽ giúp chúng ta không quá lo lắng nếu chúng ta cảm thấy mình bị Chúa bỏ rơi. Chấp nhận người khác nhận “nhiều” ơn hay tài năng hơn mình, dù bề ngoài có vẻ như tùy tiện.
  1. 6. Quỷ ủng hộ lòng trung tín
Theo truyền thống, quỷ là “cha của nói dối”. Triết gia Hadjadj nhấn mạnh nguyên tắc nói dối của quỷ là làm như thật. Hadjadj tố cáo “một sự trung tín tuyệt đối cuối cùng là quy sự thật về mình”. Mà sự thật chỉ được nhận từ Chúa. “Sự thật đến từ lòng tốt chiếm giữ chúng ta, chứ không phải chúng ta có được sự thật bằng vũ lực. Vì sự thật là sự thật của gặp gỡ và của giao tiếp, chứ không phải của kỳ công và sự độc lập”.
Thuốc chữa. Trong lời cầu nguyện, xin Chúa cho chúng ta tránh được hình ảnh mà chúng ta tự xây cho mình mà chúng ta xem đó là tuyệt đối. Điều tương tự cũng đúng với người khác hoặc “thể chế” Giáo hội.
  1. 7. Quỷ rất thích các nguyên tắc và các giá trị
Triết gia Hadjadj ghi nhận, chúng ta thường sẵn sàng giúp đỡ những người ở tận cùng quả đất hơn là chịu đựng các khiếm khuyết của người phối ngẫu hay bạn đồng nghiệp của mình. “Quỷ thích loại đức tin khi đức tin này không hiện thể và tự cho mình là người cổ động cho đức bác ái, miễn là bác ái bằng lời và ở xa.” Theo Hadjadj, đức ái đích thực được cụ thể hóa trong việc làm tròn bổn phận của mình với người thân của chúng ta.
Thuốc chữa. Không yêu người bằng cách ảo, nhưng qua hành động cụ thể hàng ngày, thể hiện qua con người của mình. Yêu họ vì họ, như trong Kinh Lạy Cha, để “ý Cha thể hiện” chứ không phải ý chúng ta. 
Đức tin của ma quỷ hay chủ nghĩa vô thần lỗi thời (La Foi des démons ou l’athéisme dépassé, nxb. Salvator) của triết gia Fabrice Hadjadj được giải thưởng văn chương tôn giáo năm 2010.
Marta An Nguyễn dịch
Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...