Công Trình Nhà Chúa

Theo nghiên cứu lịch sử của Giáo phận Ban Mê Thuột, đây chính là điểm dừng chân đầu tiên của các nhà Truyền Giáo tại mảnh đất Cao Nguyên Trung Phần vào những năm 1846 của thế kỷ XVIII
Công Trình Nhà Chúa Nơi Điểm Đầu Mảnh Đất Tây Nguyên


 
Có lẽ dùng cụm từ này cũng chẳng sai khi nói đến ngôi Thánh đường đang xây dựng tại Giáo họ Giuse, bon Junjuh, một Giáo họ nhỏ của anh em đồng bào sắc tộc M-nông thuộc Giáo xứ Vinh An. Theo nghiên cứu lịch sử của Giáo phận Ban Mê Thuột, đây chính là điểm dừng chân đầu tiên của các nhà Truyền Giáo tại mảnh đất Cao Nguyên Trung Phần vào những năm 1846 của thế kỷ XVIII, với tên gọi lúc bấy giờ là Tin juh. Kể từ ngày dấu chân của các vị Thừa sai đặt đến nơi đây, đến nay đã tròn 174 năm. Đây cũng chính là niềm tự hào không chỉ của cộng đoàn dân Chúa Giáo xứ Vinh An, mà còn là niềm tự hào chung của toàn Giáo phận. Đầu năm 2019 được sự cho phép của Đức Cha Vinh Sơn - Giám Mục Giáo Phận, công trình xây dựng ngôi Thánh đường trên mảnh đất này đã được khởi công.
   
Dọc theo đường làng của Giáo xứ Vinh An về hướng tây nam, khoảng 5 km, băng qua những cánh đồng xanh mượt mà của những ruộng lúa đang thì ngậm sữa, đường giao thông hơi khó đi vì những ổ gà ngày càng lở rộng theo thời gian, cùng với sự gồng mình gánh chịu trọng tải của những chiếc xe càng vận chuyển nông sản mỗi lúc mùa thu hoạch về, sự chịu đựng thái quá đã làm cho con đường trở thành gập ghềnh, hư nát, mặc dầu đã được đổ nhựa và nhiều lần gia cố sửa chữa. Để đến được với ngôi Thánh đường Giáo họ Giuse, lại phải vượt qua những cánh rừng càphê, mà ngày hôm nay không xanh tươi đầy sức sống như mọi người thường ca ngợi trước đây, bởi sự xanh tươi đó đã trả lại cho khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng, khô hạn của tháng ba Tây nguyên. Đứng từ xa, ta dễ dàng nhìn thấy một ngôi Thánh đường đang xây dựng trên đồi cao, hướng mặt về đập nước của hồ thủy lợi Đăksăk, một công trình thủy lợi khá lớn và đẹp, đủ để cung cấp nước tưới cho hàng ngàn hecta ruộng lúa và cà phê trên địa bàn. Vị trí thật tuyệt vời, phong cảnh thật hữu tình, khi ai đó một lần ghé thăm, để đón những cơn gió hiền hòa từ hồ thủy lợi thổi lại, đều phải khen thầm.

 

 
đứng từ xa ta dễ dàng trông thấy một ngôi thánh đường đang xây dựng trên đồi cao

Chúng tôi ghé thăm Giáo họ Giuse vào sáng ngày 21/5/2020, cũng là lúc ngôi Thánh đường đang xây dựng, bước vào giai đoạn lợp mái, ngổn ngang trong khuôn viên nhà thờ, là những tấm tôn màu nâu, dài được chuyển đến từ ngày trước đó, từng tấm tôn một được cuộn tròn, và nhờ một hệ thống ròng rọc kéo lên mái nhà thờ. Mái nhà thờ, khá cao và dốc, một tốp thợ cùng với các bạn thanh niên trong Giáo họ Giuse được cử đến phụ giúp, họ đang khó khăn đưa từng tấm tôn lên để lợp, sao cho đúng kỹ thuật là một điều không dễ, tuy nhiên thỉnh thoảng một vài câu nói hài hước, tạo nên những tiếng cười sảng khoái, để quên đi sự mệt mỏi dưới cái nắng gay gắt của trưa hè. Chúng tôi tìm gặp ông Trần Hồng Nghĩa, ủy viên ban TVHĐGX phụ trách kế hoạch, ông cho biết: “để chuyển cho được số tôn vào khuôn viên nhà thờ là một điều hết sức phức tạp, đường sá gập ghềnh khó đi, lại quanh co khúc khỉu, phải dùng đến xe càng để vận chuyển, mỗi tấm tôn  nặng gần 60 kg và dài 14m65. Mỗi chuyến chỉ chở được khoảng 15 tấm, gặp khúc đường cua gấp, xe phải nhích từng chút một, de đi, de lại vì tôn quá dài”. Ông còn thổ lộ thêm: “lo nhất là thời tiết, mặc dầu nắng nóng gay gắt, mọi người ai cũng mong muốn được trời đổ mưa, nhưng những ngày này, khi thấy trời đang chuyển mình, hứa hẹn có một trận mưa lớn, lại là một nỗi lo không nhỏ, ông lại mong sao trời khoan đổ mưa, vì với độ dốc và cao của mái như thế này, chỉ một chút sơ sẩy thôi, thì không biết chuyện gì sẽ đến…” Nói đến đây ông đưa cặp mắt đầy nỗi lo âu hướng lên mái nhà thờ. Tôi chợt mỉm cười suy nghĩ:

Lòng người quả thật khó chiều
Nắng thì la nóng mưa nhiều cũng than.

Trao đổi cùng ông Nguyễn Văn Thế, kiến trúc sư thiết kế bản vẽ và giám sát công trình, ông cho biết: “nhà thờ được thiết kế theo kiểu nhà rông, đây là nét đặc thù của đồng bào dân tộc Tây nguyên, nên mái nhà rất dốc, với thông số 135% cho nên việc lợp mái rất khó khăn và đòi hỏi kỹ thuật”.

 
Ban Truyền Thông Giáo xứ đang trao đổi để xin tư liệu

Quả là khó khăn chồng chất để xây dựng được ngôi Thánh đường nơi đây hẳn rằng ai cũng hiểu, khi một Giáo họ nhỏ chỉ vỏn vẹn 61 hộ gia đình người đồng bào thiểu số, kinh tế còn rất nhiều khó khăn. Nhưng trước hết là sự tin tưởng, phó thác và đồng hành của Thiên Chúa cùng với Thánh cả Giuse, sự quyết tâm của Cha Quản xứ và HĐGX qua các nhiệm kỳ, đặc biệt là sự rộng tay giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm, các đoàn thể, và hết thảy mọi thành phần dân Chúa trong và ngoài Giáo xứ, công trình xây dựng đến nay cũng đã đạt được 2/3 chặng đường. Tuy nhiên nỗi trăn trở và lo lắng của Cha Quản xứ và HĐGX vẫn không nguôi, khi nhìn về phía trước, thuận lợi nhiều nhưng khó khăn cũng không ít đang chờ đợi, nạn đại dịch chưa có dấu hiệu chấm dứt, nên phần nào cũng ảnh hưởng đến kinh tế, hạn hán mất mùa đang diễn ra, giá cả nông sản cà phê hạ thấp so với những năm trước đây. Nhưng với tinh thần hăng say xây dựng nhà Chúa, như là một truyền thống đã có từ bao đời của người dân xứ đạo nơi đây, tinh thần đó đã khơi dậy thêm lòng khát khao và ý thức trong việc sống đạo để đóng góp xây dựng Giáo hội, hơn nữa việc xây dựng ngôi Thánh đường này là tượng trưng cho sự kiên vững và phát triển của Giáo hội trên mảnh đất Tây nguyên này, bởi thế đòi hỏi sự hy sinh và cống hiến nhiều hơn nữa của mọi thành phần dân Chúa để mong sớm thấy ngày hoàn thiện.
 

 

 

 

 

 


 
Ngọc Sương
Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...