Giáo hội Úc kết thúc công đồng khoá I

Chúa nhật 10/10, Giáo hội Công giáo Úc đã kết thúc khóa họp toàn thể thứ I của Công đồng toàn quốc.

Giáo hội Úc kết thúc công đồng toàn quốc khoá I

Chúa nhật 10/10, Giáo hội Công giáo Úc đã kết thúc khóa họp toàn thể thứ I của Công đồng toàn quốc. Nhận định về kết quả đạt được, Đức Tổng Giám mục Mark Coleridge, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Úc cho rằng, đây chính là ân sủng Chúa và đức tin của Giáo hội trong những thời điểm khó khăn.

Sau 84 năm, Công đồng toàn quốc Úc đã bắt đầu khóa họp toàn thể thứ I trong 1 tuần lễ từ Chúa nhật 3/10 đến Chúa nhật 10/10 tại thành phố Adelaide. Mục đích của Công đồng này là để giúp Cộng đoàn Giáo Hội Công Giáo tại nước này canh tân với một lối sống mới trong thời đại thay đổi hiện nay của thế giới.

Cách đây 5 năm (11/2016), đứng trước nhiều thách đố mà Giáo Hội Công Giáo tại Úc phải đương đầu, các Giám mục nước này đã quyết định xin Tòa Thánh cho phép triệu tập một Công đồng toàn quốc để tìm cách đáp ứng các thách đố. Lời thỉnh cầu này đã được Tòa Thánh chấp thuận và tiến trình chuẩn bị đã bắt đầu từ năm 2018.

Với sự tham gia của 278 thành viên, sự kiện là một cuộc gặp gỡ quan trọng kể từ sau Công đồng toàn quốc diễn ra vào năm 1937. Cộng đoàn Công giáo Úc được kêu gọi thảo luận và suy tư về tương lai sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo hội trong nước, đặc biệt là trước những thách đố của thời đại, bao gồm cả cuộc chiến chống lạm dụng.

Trong Thánh lễ tạ ơn kết thúc, Đức Tổng Giám mục Coleridge bày tỏ sự hài lòng về cuộc họp vì đã “sinh hoa trái thực sự” và “tạ ơn Thiên Chúa vì hơn cả một công việc, đó là một ân ban của Chúa”. Ngài nói: “Chúng ta sẽ tiếp tục phân định để những hạt giống đã gieo có thể sinh hoa trái. Xin cho Giáo hội Úc nhận ra sự phong phú và niềm vui mà Thánh Thần đã mang lại từ những đau khổ và xáo trộn, bởi vì đối với Chúa không có gì là không thể”.

Trong tài liệu kết thúc khoá họp thứ I, trước hết, Công đồng kêu gọi mọi người quan tâm đặc biệt đến “hoán cải sinh thái đối với cá nhân và cộng đoàn”, theo các hướng dẫn của Laudato si’. Về vấn đề này, các tham dự viên đã suy tư về vai trò của các cộng đoàn nhỏ trong Giáo hội, cũng như của các nhóm “cảm thấy bị loại trừ ra khỏi Giáo hội”. Cần phải mau chóng thiết lập một diễn đàn cho việc đối thoại mở đối với họ.

Trọng tâm của suy tư tiếp theo “Sự hiểu biết trọn vẹn về Thánh Thể là sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô”. Về điều này, các tham dự viên nhìn nhận rằng so với trước đây, hiện nay số người tham gia vào đời sống bí tích của Giáo hội ít hơn. Vì vậy những câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để có thể đào tạo tốt nhất về các Bí tích. Ở điểm này, các Giám mục khuyến khích các tín hữu “tập trung vào con người trong việc đào sâu niềm tin và nâng cao kiến thức".

Về ơn gọi linh mục và tu sĩ, Công đồng quan tâm đến không gian đào tạo. Theo đó, cần chú ý việc đào tạo từ các cộng đoàn và nhắm đến một sự chuẩn bị vững chắc về trí tuệ, nhân bản, mục vụ và thiêng liêng. Các Giám mục nhắc lại rằng đây là một nhiệm vụ của tất cả các thành viên của Giáo hội.

Một số vấn đề khác cũng đã được các tham dự viên bàn đến như: Cần có cách tiếp cận “có tổ chức và phối hợp hơn ở cấp quốc gia” để các Giáo hội Đông phương, các nghi lễ của Giáo hội Latinh và các cộng đoàn đa dạng về văn hoá và ngôn ngữ trong Giáo hội Công giáo Úc, đại diện cho “một sự phong phú và một hồng ân”, ngày càng được nhìn nhận hơn.

Công đồng cũng đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ về lòng nhiệt thành truyền giáo, bởi vì “sứ vụ của Giáo hội là sứ vụ của Chúa Giêsu, nghĩa là làm cho Nước Thiên Chúa thành hiện thực và nhập thể Nước Thiên Chúa vào nơi chốn của chúng ta và trong thời đại của chúng ta”.

Ngọc Yến - Vatican News

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...