KINH TRUYỀN TIN VỚI ĐTC 15/09/2019


KINH TRUYỀN TIN VỚI ĐỨC THÁNH CHA 15/09/2019


Chúng ta có thể viết trên cánh cửa các nhà thờ: “Chúa Giêsu đón tiếp những người tội lỗi và mời họ đến bàn tiệc của Ngài”. ĐTC Phanxicô đã nói như trên vào trưa Chúa nhật 15/9, trước khi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu và khách hành hương quy tụ trước Quảng trường Thánh Phêrô. ĐTC đã có bài huấn dụ ngắn dựa theo Tin Mừng Thánh Luca chương 15 nói về Lòng Thương xót của Thiên Chúa qua ba dụ ngôn: Dụ ngôn con chiên bị mất, Dụ ngôn đồng bạc bị đánh mất và Dụ ngôn người cha nhân hậu.

Có thể viết trên cánh cửa của các nhà thờ: “Chúa Giêsu đón tiếp những người tội lỗi và mời họ đến bàn tiệc của Ngài".

ĐTC mở đầu bài huấn dụ: “Tin mừng hôm nay (Lc 15, 1-32) bắt đầu với việc một số người chỉ trích Chúa Giêsu, họ thấy Ngài đang ở trong nhóm của những người thu thuế và tội lỗi, và họ nói với thái độ khinh bỉ: "Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng" (câu 2). Thực tế, câu này lại tỏ cho thấy một loan báo tuyệt vời. Chúa Giêsu đón tiếp những người tội lỗi và ăn uống với họ”.

ĐTC giải thích: “Chính điều này cũng xảy ra với chúng ta trong mỗi Thánh lễ: Chúa Giêsu vui mừng đón chúng ta đến bàn tiệc của Người, nơi đây Người dâng mình cho chúng ta. Đây là câu mà chúng ta có thể viết trên cánh cửa của các nhà thờ: “Chúa Giêsu đón tiếp những người tội lỗi và mời họ đến bàn tiệc của Ngài".

“Để đáp lại những người chỉ trích mình, Chúa Giêsu kể ba dụ ngôn tuyệt vời, tỏ cho thấy Chúa yêu thương đặc biệt những người đang cảm thấy xa cách Ngài”. Trước hết Chúa nói: ‘Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?’(c. 4). Người nào trong các ông? Một người theo lẽ thường thì không làm như vậy. Người đó sẽ làm hai phép tính và kết quả là hy sinh một để giữ được chín mươi chín”.

Chúa không chấp nhận phép tính: hy sinh một để được chín mươi chín

ĐTC nhắc nhở mọi người nhớ rằng đối với Thiên Chúa, Ngài không chấp nhận như vậy, nghĩa là hy sinh một để được 99. Và để nhấn mạnh tình yêu của Thiên Chúa đối với mỗi người, ĐTC sử dụng ở ngôi thứ hai số ít: “Đối với Chúa, bạn ở trong trái tim Ngài, mặc dù bạn vẫn chưa biết đến vẻ đẹp tình yêu Ngài, bạn chưa đón tiếp Chúa Giêsu như là trung tâm của cuộc đời, bạn không thể chiến thắng tội lỗi. Trong dụ ngôn thứ hai, bạn là đồng xu nhỏ mà Chúa không cam chịu để mất và Ngài tìm kiếm không ngừng: Chúa muốn nói với bạn rằng trong mắt Ngài bạn quý giá, bạn là duy nhất. Không ai có thể thay thế bạn trong trái tim Thiên Chúa”.

“Và trong dụ ngôn thứ ba, người cha chờ đợi đứa con hoang đàng trở về: Thiên Chúa chờ đợi chúng ta, không mệt mỏi, không ngã lòng. Bởi vì mỗi chúng ta là người con lại được ôm hôn, đồng tiền được tìm thấy, con chiên được âu yếm và đặt lên vai Ngài. Chúa chờ đợi chúng ta mỗi ngày để chúng ta nhận ra tình yêu của Ngài. Chúng ta có thể nói: "Nhưng tôi đã lỗi phạm quá nhiều!" Đừng sợ: Chúa yêu bạn và biết rằng chỉ có tình yêu của Ngài mới có thể thay đổi cuộc đời bạn”.

Tình yêu vô biên của Thiên Chúa có thể bị từ chối

Tới đây ĐTC cảnh giác Tình yêu vô biên của Thiên Chúa có thể bị từ chối. ĐTC nói: “Nhưng tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với chúng ta là tội nhân, trung tâm của Tin Mừng có thể bị từ chối. Đây là những gì người con cả trong dụ ngôn đã làm. Trong tâm trí anh, người đã sinh thành ra anh, là ông chủ hơn là người cha. Đó cũng là một nguy cơ cho chúng ta. Chúng ta tin vào một vị thần nghiêm khắc hơn là thương xót, một vị thần đánh bại cái ác bằng sức mạnh hơn là sự tha thứ. Không, Chúa cứu chúng ta bằng tình yêu, không phải bằng vũ lực; Ngài không áp đặt. Người con cả không chấp nhận lòng thương xót của cha, đã phạm một sai lầm tồi tệ: anh tự nhận mình là công chính và phán xét mọi thứ dựa trên công bằng của mình. Vì vậy, anh ta tức giận với em và trách móc cha mình: "Còn thằng con của cha đó nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!" (c. 30). Thằng con của cha: anh không gọi là em con, mà là thằng con của cha. Chúng ta cũng sai lầm khi chúng ta tin rằng mình công chính, khi nghĩ người xấu là những người khác, còn mình là người tốt. Đừng nghĩ như vậy, vì nếu Thiên Chúa tốt lành không trợ giúp, chúng ta sẽ không biết cách chiến thắng cái ác”.

Bí tích Giao hòa, đánh bại điều xấu trong ta

Cuối cùng ĐTC đặt câu hỏi: “Làm cách nào chúng ta có thể đánh bại điều xấu? Đón nhận sự tha thứ của Chúa?”. ĐTC trả lời: “Điều này xảy ra mỗi khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Giao hòa. Nơi tòa Giải tội chúng ta đón nhận tình yêu Chúa Cha, tình yêu chiến thắng tội lỗi. Tội của chúng ta không còn nữa, Chúa đã quên nó. Không như chúng ta, sau khi nói "không có gì", nhưng chúng ta lại nhớ tới điều lầm lỗi và đau khổ vì nó. Không, Chúa xóa bỏ điều xấu, làm cho tâm hồn chúng ta trở nên mới và mang lại niềm vui cho chúng ta”. Hãy can đảm! đối với Chúa, tội không phải là tiếng nói cuối cùng. Đức Maria, người tháo cởi những nút thắt cuộc sống, giải thoát chúng ta khát vọng tin vào chính mình và làm cho chúng ta cảm thấy cần phải đến với Chúa, người đang chờ đợi để tha thứ cho chúng ta”.
 
Ngọc Yến - Vaticannews.va
 
Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...