Lòng tôn sùng Đức Mẹ tại vùng Baltic

Các nước vùng Baltic được gọi là "Miền Đất của Đức Mẹ".

Lòng tôn sùng Đức Mẹ tại các quốc gia vùng Baltic – Miền Đất của Đức Mẹ

Lòng sùng kính Đức Mẹ ngày nay đã phát triển và lan rộng khắp nơi, đặc biệt là ở châu Âu, với nhiều đền thánh kính Đức Mẹ, những nơi đã ghi lại dấu ấn của những lần Đức Mẹ hiện ra để an ủi và dạy dỗ con cái Mẹ. Việc tôn kính Đức Mẹ đã phát triển không ngừng và giúp các quốc gia châu Âu tái khám phá lại căn tính Ki-tô giáo của mình. Lòng tôn kính này phát triển dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng luôn dẫn đến Mẹ Maria – Mẹ của Chúa Giê-su. Các nước vùng Baltic được gọi là "Miền Đất của Đức Mẹ".

Châu Âu và lòng tôn kính Đức Mẹ

Trụ sở của liên minh châu Âu nằm tại thành phố Strasbourg nước Pháp. Chính tại nhà thờ chính tòa của giáo phận Strasbourg dâng kính Đức Mẹ, những “cha đẻ của châu Âu” như chính trị gia người Pháp Robert Schuman, cũng như Jean Monnet, một người không theo tôn giáo nào, đã cùng với hai chính trị gia Công giáo Alcide De Gasperi và Konrad Adenauer nghĩ đến một Liên minh châu Âu và kiến thiết châu Âu. Liên minh châu Âu đã ra đời dưới dấu chỉ của Đức Mẹ.

Tất cả các dân tộc châu Âu đều có lòng sùng kính Đức Mẹ. Lòng sùng kính Đức Mẹ Cột trụ ở Tây Ban Nha được truyền đến vùng đất Baltic, đi qua Vương quốc Bỉ và các đền thánh ở Slovenia đến Áo, đi từ Croatia đến Rumania, đi qua các đền thánh của Đức, qua các sạp báo được tìm thấy trên khắp châu Âu, đến đền thánh Đức Mẹ ở Ai Len và ở Anh. Nơi kết nối tất cả, nơi được xem là thánh địa của các thánh địa, lần hiện ra trung tâm của các lần hiện ra, chính là Fatima, với lời yêu cầu thánh hiến nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria và mô tả về những sự kiện lớn và đẫm máu của thế kỷ XX.

Có những điểm chung tại các thánh địa và trong các lần Đức Mẹ hiện ra: Đức Mẹ hiện ra ở nơi người ta lãng quên Chúa, hoặc ở nơi Chúa bị gạt ra ngoài lề xã hội, từ hội Tam điểm Bồ Đào Nha đến thời Khai sáng ở Pháp, đến Ba Lan dưới ách thống trị của Phổ; Đức Mẹ hiện ra để bảo vệ các Kitô hữu (có nhiều hành động anh hùng được thực hiện nhân danh Đức Maria) và để bênh vực Ki-tô giáo; Đức Mẹ luôn hiện ra như một sự trợ giúp trong việc phát triển đức tin.

Các nước vùng Baltic - Miền Đất của Đức Mẹ

Lòng tôn kính Đức Mẹ thấm đẫm trong đời sống các quốc gia vùng Baltic - Estonia, Litva và Latvia, và họ xây dựng căn tính quốc gia của họ xung quanh lòng tôn kính này, vượt qua những giai đoạn lịch sử khắc nghiệt dưới sự thống trị của Đức, Thụy Điển, và Nga Xô.

Chính Đức Giáo hoàng Innocento III đã đặt tên “Miền đất của Đức Maria” cho vùng đất ngày nay là các nước Latvia và Estonia, bởi vì sứ vụ truyền giáo của các nước vùng Baltic bắt đầu vào những năm 1200, giai đoạn lòng sùng kính Đức Mẹ phát triển mạnh mẽ, và ngày lập tức được đặt dưới sự che chở của Đức Mẹ. Hơn nữa, nhà thờ chính tòa Công giáo đầu tiên của vùng Livonia được dâng hiến cho Đức Mẹ.

Việc truyền giáo ở những vùng đất đó rất khó khăn, và ngay sau đó đã mang tính quân sự, được giao cho các Hiệp sĩ Teutonic. Đó là các cuộc Thập tự chinh phương Bắc, với ​​sự khuất phục của Latvia và Estonia, còn Litva đã kháng cự trong hơn một thế kỷ rưỡi. Năm 1836, hoàng tử Jogaila của Litva được lên ngôi vua của Ba Lan, với điều kiện phải trở lại Công giáo. Ông đã chấp nhận. Từ đó cho đến cuối năm 1795, Ba Lan và Litva thống nhất. Dưới thời trị vì của Jogaila, Litva được cai trị bởi Vytautas. Nhân vật này rất sùng kính Đức Mẹ và đã cho xây dựng nhiều nhà thờ kính Đức Mẹ, trong số đó có các nhà thờ ở Kaunas và Naugirdelis.

Một bước ngoặt lớn hơn xảy ra khi một hoàng tử Ba Lan khác, Casimiro, trở thành thống đốc của Litva. Ông lãnh đạo đất nước từ năm 1475 đến 1484. Ông được tuyên thánh và trở thành bổn mạng của đất nước; mộ của ông được tôn kính tại nhà thờ chính tòa Vilnius. Chính ông đã thúc đẩy mạnh mẽ lòng sùng kính Đức Mẹ.

Lòng tôn kính Đức Mẹ và căn tính Ki-tô giáo của các nước vùng Baltic

Thời kỳ Cải cách Tin Lành đã ảnh hưởng đến các quốc gia vùng Baltic. Và chính tại đây, chúng ta mới thấy việc sùng kính Đức Mẹ Maria góp phần xây dựng căn tính các quốc gia như thế nào. Latvia và Estoni ngay lập tức đã chuyển sang Tin Lành vào năm 1525, bởi vì Alberto di Hohenzollern, Thủ lãnh dòng Teutonico, theo Tin Lành và biến những tài sản đó thành một công quốc cha truyền con nối.

Tại Litva, tầng lớp quý tộc hầu như hoàn toàn theo Tin Lành Calvin. Việc giảng dạy của Tin Lành cũng phổ biến bởi vì sử dụng ngôn ngữ địa phương, dùng tài liệu in ấn. Chỉ với phong trào chống cải cách mà Litva thực hiện hoạt động tái truyền giảng Tin Mừng tích cực.

Đức Mẹ hiện ra tại Siluva

Đặc biệt, chính lòng tôn kính Đức Maria phát triển tại Siluva đã đóng góp vào việc đưa Litva trở lại trong cái nôi Ki-tô giáo. Tại Siluva có một nhà thờ, một đền thánh nhỏ được xây dựng vào năm 1457; các tín hữu Tin Lành Calvin cũng thường đến kính viếng nơi này. Một ngày kia, chủ sở hữu của nơi này đã quyết định san bằng nhà thờ. Nhưng vị cha sở cao niên đã kịp lấy đi tượng ảnh Đức Mẹ, các đồ vật quý giá nhất và các tài liệu quan trọng nhất của đền thánh. Tất cả những thứ này được ngài dấu trong một chiếc rương cũ và với sự trợ giúp của một người giúp lễ, ngài đã chôn dấu cạnh một tảng đá.

Năm 1612, khi đang chăn gia sức tại khu vực nơi trước đây là nhà thờ, các tiểu mục đồng đã nhìn thấy một phụ nữ trẻ đang bế một bé trai trên tay và đang khóc. Tin tức loan truyền và ngay lập tức, ngày hôm sau có rất đông người đến nơi người phụ nữ đã hiện ra. Vị mục sư Tin Lành Calvin cũng chạy đến với ý định giải tán đám đông. Người phụ nữ lại xuất hiện. Khi được hỏi về việc tại sao bà khóc, bà trả lời rằng nơi đây từng có một nhà thờ, nhưng bây giờ chỉ dành để chăn thả gia súc.

Tin tức về những lời này lan truyền và đến tai một ông già mù lòa, và ông cho biết mình chính là người giúp lễ trước đây. Khi được đưa đến nơi người phụ nữ hiện ra, ông đã có thể nhìn thấy lại một cách lạ kỳ và chỉ ra nơi cần khai quật và tìm lại các tượng ảnh cũng như các đồ đạc của nhà thờ. Thánh địa cũng như lòng sùng kính Đức Mẹ phát triển mạnh mẽ, và kết quả là căn tính của quốc gia cũng phát triển. Giáo hội công nhận các lần Đức Mẹ hiện ra ở Siluva vào năm 1775, trong khi nhà thờ hiện tại được xây dựng vào năm 1922.

Dưới thời Sa hoàng

Nếu Litva có thể hình thành căn tính của mình xung quanh việc tôn sùng Đức Mẹ, thì đối với Estonia lại khác. Vào năm 1600, lần đầu tiên quốc gia này bị chia cắt giữa Hội Hiệp sĩ Teutonic và người Ba Lan, sau đó thuộc chủ quyền của Thụy Điển cho đến năm 1721, năm quốc gia này được hợp nhất vào Đế chế Nga.

Litva cũng nằm dưới sự cai trị của Đế chế Nga vào năm 1795. Các Sa hoàng đã cố gắng Nga hóa các quốc gia, phá bỏ các biểu tượng của họ. Nhà thờ thánh Casimiro ở Litva bị quân đội Nga trưng dụng và sau đó được nhượng lại cho Giáo hội Chính thống, các tu sĩ dòng Cát Minh bị đưa ra khỏi Đền thánh Cánh cổng Bình minh và vào năm 1866, các cuộc hành hương đến đây bị cấm.

Tuy nhiên, được hỗ trợ bởi đức tin Công giáo, người dân Litva đã chống lại. Ngay cả tướng Nga Mura'ev cũng nhận ra điều này, và viết cho Sa hoàng Alexander: “Chúng ta không được ảo tưởng và phải biết rằng, bao lâu Công giáo còn tồn tại ở nước này thì chính phủ sẽ không thể khuất phục được nó”.

Dưới thời Xô Viết

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, các quốc gia vùng Baltic đã giành được độc lập. Nhưng tình trạng này không kéo dài lâu, chỉ đến năm 1940. Nhưng trong những năm đó, lòng tôn kính Đức Mẹ đã lan rộng. Đặc sứ đầu tiên của Vatican đến những vùng đất đó chính là Achille Ratti, sau này là Đức Giáo hoàng Pio XI, người đã định nghĩa Litva là “Miền đất của Đức Mẹ”.

Với chiến tranh, và sau đó là sự cai trị của Liên Xô, Giáo hội Litva đã trải qua những cuộc đàn áp mới. Trong các cuộc hành hương đến các đền thánh, và cả ở những ngọn núi Thánh giá, ví dụ như ở Siauliai, tín hữu Litva bày tỏ lòng trung thành của họ với Giáo hội Công giáo. Vào ngày 8 tháng 9 năm 1991, vào giai đoạn cuối của chế độ Xô Viết, một Thánh lễ lớn đã được cử hành tại đền thánh Đức Mẹ Siluva, nơi vai trò của tôn giáo và các thánh địa được chính thức nhìn nhận lại khi quốc gia tìm lại được tự do.

Nhà nguyện Cổng Bình minh

Ở Vilnius, có một nơi khác đại diện cho bản sắc của quốc gia: đó là Nhà nguyện Cổng Bình minh, được xây dựng từ năm 1498 đến năm 1503, nơi có tượng Đức Mẹ Lòng Thương xót, được tôn kính tại đây vào năm 1508. Vào giữa những năm 1600, bức tượng được bọc bạc mạ vàng và được đặt trong một nhà nguyện xây phía trên cửa. Các cư dân của Vilnius luôn cho rằng sự cứu rỗi của thành phố là nhờ sự bảo vệ của Đức Trinh Nữ.

Chính tại đó, hình ảnh Lòng Chúa Thương Xót được vẽ theo các chỉ dẫn của thánh nữ Faustina Kowalska đã được trưng bày lần đầu tiên. Sơ Faustina được thánh Gioan Phaolô II phong thánh cách đây hai mươi năm. Chính ở Vilnius thánh nữ đã được mặc khải về Chúa Giêsu Thương xót.

Đền thánh Đức Mẹ Đen ở Aglona, nước Latvia

Ở các nước Baltic, có một đền thờ khác có ý nghĩa đặc biệt: đó là đền thánh Đức Mẹ Đen ở Aglona, nước Latvia, ​​được coi là “trung tâm đại kết của quốc gia”. Nó được xây dựng vào năm 1699; là một nhà thờ nhỏ bằng gỗ, nơi có một pho tượng mô phỏng lại tượng Đức Mẹ ở đền thánh Torki của Litva. Theo thời gian, bức tượng bị đen lại, và do đó trở thành “Đức Mẹ Đen”.

Nhà thờ trở nên nổi tiếng nhờ những điều kỳ diệu diễn ra ở đó. Năm 1768, một nhà thờ mới được khánh thành. Nó tiếp tục là một điểm hành hương rất quan trọng ngay cả trong những năm bị Liên Xô đàn áp. Liên Xô đã làm mọi cách để ngăn cản những người hành hương đến đây. Nhiều cuộc hành hương diễn ra vào các ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống và lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời.

Hồng Thủy - Vatican News

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...