11 THKT I TIMÔTHÊ ĐẾN KHẢI HUYỀN

Bất kể sự bách hại, Kitô Giáo tiếp tục lan tràn, và vào năm 300 đã có đến vài triệu tín hữu. Kitô Giáo đi vào một kỷ nguyên mới năm 313 khi Hoàng Đế La Mã là Constantine ra chiếu chỉ Milan, ban sự khoan hồng tôn giáo cho Kitô Hữu.

 
Lm. Oscar Lukefahr C.M. - Dịch giả: Pt. Giuse Trần Văn Nhật
 
11 THKT I TIMÔTHÊ ĐẾN KHẢI HUYỀN
Các tên lính vật ông lão nằm xuống cây thập tự. “Lại một tên Do Thái khác,” viên đội trưởng nhổ nước bọt khinh bỉ. “Tên này nói nó không xứng đáng được chết như Thầy của nó. Hãy cho nó toại nguyện. Đóng đinh nó ngược đầu xuống!” Các tên lính giang tay ông lão ra và đóng những cây đinh xuyên qua xương thịt vào khúc gỗ. Sau đó họ đóng đinh bàn chân ông vào thân cây chính, dựng thập giá lên, và để nó lọt vào một cái lỗ đã đào sẵn. Ông Phêrô rên rỉ vì đau đớn, sau đó ông lại thì thào, “Chúa ơi, Chúa biết con yêu mến Chúa.”
Với đôi tay bị cột giật ra sau lưng, ông Phaolô quỳ xuống trước mặt lý hình. Ông lên tiếng, cốt để các Kitô Hữu đang chờ để lấy thi hài của ông đem đi chôn có thể nghe được: “Hãy sống cho Đức Kitô, và chết là một mối lợi.” Ông chậm rãi cúi đầu về phía trước và chờ đợi. Lưỡi gươm nặng nề vung lên và ông Phaolô đã đi từ sự chết đến sự sống mà ông hằng khao khát.
Với sự tử đạo của ông Phêrô và Phaolô ở Rôma, một kỷ nguyên đã chấm dứt và một thời kỳ mới bắt đầu. Các vị tông đồ vĩ đại đã đưa hàng ngàn người về với Kitô Giáo, đã thiết lập các giáo đoàn, và ấn định các người lãnh đạo. Sứ mệnh loan truyền phúc âm của Đức Kitô đã được truyền lại cho thế hệ Kitô Hữu thứ hai.




Thế Hệ Kitô Hữu Thứ Hai
Chúng ta không biết chính xác ngày tử nạn của ông Phêrô và Phaolô, nhưng chứng cớ đáng tin cậy cho thấy các đấng bị chết vì đạo ở Rôma trong thời bách hại của Hoàng Đế Nêrô, khoảng năm 64-67. Trong những năm này, nhiều Kitô Hữu ở Rôma đã bị tra tấn đến chết. Việc bách hại chấm dứt vào năm 68 khi Nêrô tự sát.
Vào lúc này, ông Phêrô, Phaolô và các nhà truyền giáo khác đã thiết lập các giáo đoàn Kitô Giáo trong suốt vùng Palestine, Tiểu Á, bắc Phi Châu, Hy Lạp, Ý, và Tây Ban Nha. Số Kitô Hữu lên đến hàng ngàn người, phần lớn gốc dân Ngoại. Các bài viết về Đức Giêsu và các Thư của ông Phaolô được lưu hành. Các tín hữu tự coi mình là Thân Thể của Chúa Kitô, được đặc ân là đem tình yêu và chân lý của Chúa Kitô cho toàn thế giới.
Sự Tiêu Hủy Giêrusalem
Trong khi Kitô Giáo lan tràn khắp đế quốc La Mã, một tình trạng bất ổn đang quét qua vùng Palestine. Các quan chức kế vị Phongxiô Philatô thì không kiềm chế nổi sự chống đối của người dân Giuđê, và nhóm Zealot ngày càng lớn tiếng kêu gọi một cuộc nổi dậy chống lại người La Mã. Vào năm 66, khi tổng trấn Rôma là Gessius Florus tịch thu một số vàng rất lớn từ kho báu của Đền Thờ, một đám đông người Do Thái đã biểu tình phản đối. Quan Florus sai binh lính đến giết chết hàng ngàn người. Tức giận, người Zealot vận động toàn thành phố và tấn công binh lính La Mã. Florus tìm cách trốn thoát, nhưng thành Antonia thất thủ và quân lính giữ thành bị thảm sát. Người Do Thái tịch thu các vũ khí từ kho của người La Mã, và bạo loạn lan tràn như lửa cháy khắp vùng Palestine.
Các đội quân La Mã ở căn cứ Syria toan tính chế ngự cuộc nổi loạn nhưng thất bại. Tuy người Do Thái thiết lập một lề luật cứng rắn để kiểm soát và củng cố các thành phố trong suốt vùng Giuđê, Samaria, và Galilê, nhưng phản ứng của người La Mã rất nhanh chóng. Tướng Vesparian lấn chiếm Galilê vào năm 67 với một đạo binh La Mã hùng mạnh. Ông mau chóng chiến thắng toàn vùng Galilê và kiểm soát ven biển Địa Trung Hải cho đến vùng Azotus ở cực nam. Một viên chỉ huy người Do Thái, tên Josephus, bị bắt. Ông này không thành công trong việc thuyết phục người Do Thái rằng sự kháng cự thì vô ích. Nhiều năm sau ông viết một cuốn sử về dân tộc Do Thái.
Năm 68, Vespasian tiến vào nội địa về hướng Giêrusalem. Sau chiến thắng từ thành này đến thành khác, ông sẵn sàng tấn công Giêrusalem thì Nêrô tự sát. Năm 70, Vespasian được chọn làm hoàng đế. Để từ giã lên Rôma, ông đặt con trai là Titus chịu trách nhiệm mọi hoạt động quân sự trong vùng Giuđê. Titus tấn công Giêrusalem với một đạo quân tám mươi ngàn người. Ông bao vây thành này vào mùa xuân khi Giêrusalem đầy chật người, có lẽ một nửa triệu người hành hương đến đây mừng lễ Vượt Qua. Số tử vong thật nặng nề cho cả đôi bên, và lính La Mã không ngừng tấn công đủ mọi phía, chọc thủng các tường bên ngoài và xâm chiếm thành này. Nhưng người Do Thái vẫn trấn thủ bên trong các tường của Đền Thờ, thành Antonia, và nội thành.
Titus quyết định để phiến quân chết đói bằng cách ngăn chặn mọi lối ra vào Giêrusalem. Hàng ngàn người bị đóng đinh vào thập giá khi tìm cách trốn thoát hay lén lút đem thực phẩm vào thành. Không lâu nạn đói và bệnh tật lan tràn. Theo sử gia Do Thái là Josephus, hoàn cảnh này trở nên tuyệt vọng đến độ một số phụ nữ phải ăn thịt con mình. Tuy nhiên, phiến quân vẫn không chịu đầu hàng, và Titus tấn công lực lượng tự vệ đã suy yếu như để trả thù. Lính La Mã đập bể các tường thành Antonia và Đền Thờ. Họ tàn sát, đốt cháy, và cướp bóc cho đến khi thành này chỉ còn các xác chết thối rữa, các cột gỗ âm ỉ cháy và các tảng đá đen sì. Các sử gia ước lượng có đến hàng trăm ngàn người Do Thái, người lớn cũng như trẻ em, đã bị tiêu diệt trong nạn đói và bệnh tật, trong cuộc chiến tàn khốc, cũng như bị đóng đinh trên thập giá. Một ít người còn sống sót thì bị bắt làm nô lệ.
 


Titus tàn phá Giêrusalem
 
Từ Giêrusalem quân La Mã tấn công các nhóm chống cự còn sót lại. Thành cuối cùng, Masada, bên Biển Chết, đã thất thủ vào năm 73. Sau cùng, khi quân Rôma phá vỡ phòng tuyến tự vệ của người Zealot, họ tìm thấy hàng ngàn xác đàn ông, đàn bà, và trẻ em. Thay vì chịu bị bắt, những người Do Thái này đã tự sát.
Trong gần sáu mươi năm, vùng Giuđê thật yên lặng. Dân số ở Palestine, bị tàn sát bởi chiến tranh, từ từ gia tăng. Năm 131 Hoàng Đế Hadrian quyết định xây lại Giêrusalem như một thành của La Mã với đền thờ thần Jupiter. Dĩ nhiên, người Do Thái tức giận, và bùng nổ một cuộc nổi dậy mới dưới sự lãnh đạo của ông Simon bar Kokhba. Giỏi về thuật phục kích, ông tấn công lính Rôma giữ thành, sau đó rút lui và ẩn nấp trong hoang địa vùng Giuđê. Ông buộc người La Mã phải từ bỏ Giêrusalem và kiểm soát được nhiều phần Giuđê. Nhưng người La Mã đã điều một đạo quân thật đông đến dẹp các phiến quân. Ông Simon chống trả bằng những cuộc mai phục và đột kích nhưng sau cùng ông bị dồn vào đường cùng và bị giết với các binh sĩ của ông vào năm 135. Người La Mã bắt làm nô lệ và tàn sát tất cả những người Do Thái nào không trốn thoát khỏi Palestine. Họ đưa dân ngoại vào định cư trong Giêrusalem, xây một đền thờ thần Jupiter, và ra sắc lệnh rằng vùng Giuđê không còn hiện hữu. Tuy có những nhóm Do Thái sống lẻ tẻ trong đế quốc La Mã, nhưng họ không còn quê hương cho đến thế kỷ thứ hai mươi.



Sự Tử Đạo của T. Anrê - Tranh của Murillo
 
Kitô Giáo và Đế Quốc La Mã
Dường như không thể tin được rằng hàng trăm ngàn người Do Thái vẫn đi vào Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua trong khi cuộc tấn công của đạo binh La Mã đã cận kề. Tuy nhiên, người Do Thái có lẽ cảm thấy an toàn hơn trong Giêrusalem vì các tường thành và công sự của nó dường như không thể lay chuyển được. Hơn nữa, hầu hết người Do Thái tin rằng Thiên Chúa sẽ không để Thành Thánh bị tiêu diệt. Thật vậy, người Zealot từ chối đầu hàng ngay cả khi các lực lượng bên ngoài thành đã bị phá vỡ, bởi họ cho rằng Thiên Chúa sẽ sai Đấng Mêsia đến để cứu họ thoát khỏi tay người La Mã.
Tuy nhiên, Kitô Hữu biết rằng Đấng Mêsia đã đến rồi, và các phúc âm ghi nhận rằng Đức Giêsu đã tiên đoán việc tiêu hủy Thành Thánh (Mt 24:1-28). Họ không có ảo tưởng về sự kiên cố của Giêrusalem. Kết quả là nhiều người đã trốn thoát khỏi Palestine khi cuộc xâm lăng của người La Mã bắt đầu. Họ định cư trong các thành phố khắp đế quốc La Mã và đem đức tin đến cho người khác.
Sự lan tràn của Kitô Giáo được thuận lợi bởi hệ thống đường xá và sự kiểm soát đường biển của người La Mã. Các nhà truyền giáo được tự do đi lại để rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu. Lời hứa cứu độ của Chúa Kitô cho mọi người được đón nhận trong một thời kỳ mà tà giáo không còn hấp dẫn.
Các giáo đoàn Kitô Giáo phát triển khắp nơi. Tín hữu gặp nhau thờ phượng trong nhà tư, việc thành lập cộng đoàn được chăm sóc bởi các phó tế, linh mục và giám mục. Hầu hết các tân tòng là dân Ngoại, họ tự coi mình như một tôn giáo riêng biệt chứ không phải là một nhánh Do Thái Giáo. Vào cuối thế kỷ thứ nhất, có khoảng 300,000 đến 500,000 Kitô Hữu từ Ấn Độ cho đến phía tây Âu Châu.
Một số thật đông tín hữu như thế thì cần có sự lãnh đạo nếu họ tự coi mình là một Giáo Hội. Sau khi Giêrusalem bị tiêu hủy, các người lãnh đạo đến từ các thành phố như Antiôkia, Êphêsô, Alexandria, và Rôma. Trong những nơi này, Rôma trở nên nổi bật nhất. Nói cho cùng, nó là trung tâm của toàn vùng Địa Trung Hải. Nơi thành phố này Phêrô, Phaolô đã chết. Vào cuối thế kỷ thứ nhất, Clement, Giám Mục ở Rôma, bày tỏ sự lưu tâm đến các giáo đoàn khác. Trong thế kỷ thứ hai, các văn gia tôn giáo bày tỏ quan điểm rằng mọi giáo đoàn khác phải hợp nhất với giáo đoàn Rôma về giáo lý và đường lối hoạt động.
Sự Bách Hại
Đế quốc La Mã có một tôn giáo chính thức và được sùng bái trên toàn đế quốc, nó thờ lậy các tà thần và chính hoàng đế. Kitô Hữu, vì không muốn sùng bái tà thần như thế, họ trở thành đối nghịch với nhà nước và thường bị kết tội là không trung thành. Nêrô là hoàng đế đầu tiên bách hại Kitô Hữu, dường như để che lấp những khuyết điểm của ông, nhưng sự bách hại của ông chỉ ở Rôma. Hoàng đế Domitian (81-96) phát động sự bách hại Kitô Giáo rộng lớn đầu tiên vào cuối triều đại của mình. Sau ông, có một chính sách chính thức, theo đó Kitô Hữu bị bắt, bị tịch thu tài sản, làm nô lệ, bị tra tấn, và bị sát hại. Một số hoàng đế không tích cực lùng bắt Kitô Hữu, nhưng các ông Trajan (98-117), Marcus Aurelius (161-180), Decius (249-251), và nhất là Diocletian thì tích cực trong việc bách hại Kito hữu. (284-305). Các sử gia tranh luận về số Kitô Hữu bị chết trong những cuộc bách hại này; con số ấy có thể lên đến hàng ngàn người.
Bất kể sự bách hại, Kitô Giáo tiếp tục lan tràn, và vào năm 300 đã có đến vài triệu tín hữu. Kitô Giáo đi vào một kỷ nguyên mới năm 313 khi Hoàng Đế La Mã là Constantine ra chiếu chỉ Milan, ban sự khoan hồng tôn giáo cho Kitô Hữu. Sau đó họ được tự do thờ phượng và giảng đạo. Sức mạnh tình yêu của Chúa Kitô đã chinh phục thế lực của Rôma.
 



Hoàng Đế Nêrô Bách Hại Kitô Hữu ở Rôma - Tranh của Henryk Siemiradzki
 
NHỮNG CÂU TRẮC NGHIỆM
Trả Lời   &     Câu Hỏi
 
Theo bản văn, các ông Phêrô và Phaolô chịu tử đạo ở Rôma khoảng năm (a) 35; (b) 43; (c) 65; (d) 75.
Sự náo động ở Palestine trong cuối thập niên 60 xuất phát từ những nguyên do sau đây, ngoại trừ: (a) sự kém cỏi của những người cầm quyền La Mã; (b) người Dilốt (Zealot) xúi giục nổi loạn; (c) người La Mã tịch thu kho báu của đền thờ; (d) người Sađuxê kêu gọi lập chính phủ mới.
Tất cả những câu sau đây đều đúng, ngoại trừ: (a) Vào lúc Phêrô, Phaolô từ trần, Kitô Giáo đã lan tràn đến Tiểu Á, Âu Châu, và Phi Châu; (b) Người Do Thái nổi loạn chống với La Mã bắt đầu từ Giêrusalem, và mau chóng lan tràn khắp Palestine; (c) Tướng La Mã là Vespasian đặt con là Titus vây hãm Giêrusalem vì Vespasian bị bệnh nặng; (d) Giêrusalem bị vây hãm bởi một đạo quân tám mươi ngàn người do Titus lãnh đạo, và thất thủ vào năm 70.
Hãy suy nghĩ những câu sau đây:
1. Một cuộc nổi loạn sau cùng của người Do Thái vào năm 131 khi Hoàng Đế Hadrian dự định xây lại Giêrusalem với một đền thờ thần Jupiter.
2. Vì tài lãnh đạo của du kích quân Do Thái là “Simon bar Kokhbar”, người La Mã không thể nào kiểm soát được Palestine và Giêrusalem.
3. Hầu hết Kitô Hữu ở Giêrusalem khi cuộc nổi loạn của người Do Thái bắt đầu năm 66 thì cũng cùng chung số phận như người Do Thái.
Trong những câu này: (a) 1 và 2 thì sai; (b) 2 và 3 thì sai; (c) 1 và 3 thì sai; (d) tất cả sai; (e) tất cả đúng.
Hãy suy nghĩ những câu sau đây:
1. Kitô Giáo lan tràn được thuận tiện bởi hệ thống đường xá và chính sách đường biển của người La Mã.
2. Những nơi thờ phượng thông thường của Kitô Hữu thế kỷ thứ nhất là các nhà thờ rập theo mô hình hội đường Do Thái Giáo.
3. Vào cuối thế kỷ thứ nhất, Kitô Hữu có khoảng 300,000 -- 500,000.
4. Sau khi Giêrusalem bị phá hủy, sự lãnh đạo Kitô Giáo tập trung ở Antiôkia, Êphêsô, và Aléchxăngđria, và Rôma không còn nổi bật cho đến thế kỷ thứ tư.
Trong những câu này: (a) tất cả đúng; (b) tất cả sai; (c) 1 và 2 sai; (d) 3 và 4 sai; (e) 2 và 4 sai.
Hãy suy nghĩ những câu sau đây:
1. Vì Kitô Hữu từ chối không tham dự tôn giáo của nhà nước Rôma, họ thường bị coi là không trung thành.
2. Hoàng đế La Mã đầu tiên khởi đầu việc bách hại Kitô Hữu rộng lớn là Domitian.
3. Con số Kitô Hữu chịu tử đạo ở Rôma có lẽ lên đến hàng ngàn người.
4. Trong năm 313, Hoàng Đế Constantine ra chiếu chỉ Milan, ban sự khoan hồng tôn giáo cho Kitô Hữu.
Trong những câu này: (a) tất cả đúng; (b) tất cả sai; (c) 1 và 2 sai; (d) 2 và 3 sai; (e) 3 và 4 sai.
 
Còn tiếp
https://www.nguoitinhuu.org/sachtruyen/CatholicGuideBible/ch11.html
Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...