2. Chứng thực các bản văn đã được chọn của Cựu Ước

11. Chúng ta đã chọn các cuốn sách đại diện cho Cựu Ước và Tân Ước để minh họa xuất xứ thần thiêng của những cuốn sách này được phát biểu trong chính bản văn ra sao. Về Cựu Ước, chúng ta theo lối phân chia cổ điển thành Lề Luật, Tiên tri và các trước tác (x. Lc 24:44); cuộc điều tra của chúng ta sẽ tập trung vào Ngũ kinh, các tiên tri và các sách lịch sử (còn được gọi là các tiên tri trước), cuối cùng vào các Thánh vịnh và sách Huấn Ca.


 













2.1 Ngũ kinh


Ý tưởng về nguồn gốc thần thiêng của các bản văn Thánh kinh được khai triển trong các câu chuyện của Ngũ kinh bắt đầu bằng ý niệm viết, ấn định các truyền thống bằng chữ viết. Do đó, trong hoàn cảnh đặc biệt giàu ý nghĩa, Môsê nhận từ Thiên Chúa trách nhiệm "đặt thành bản văn", thí dụ, như văn kiện lập ra giao ước (Xh 24:4), hoặc bản văn liên quan đến việc đổi mới nó (Xh 34: 27); ở nơi khác, dường như ông thi hành lệnh truyền thần thiêng này bằng cách viết ra các yếu tố quan trọng khác (Xh 17:14, Ds 33:2, Đnl 31:22), cho đến khi soạn tác toàn bộ Tôra (xem Đnl 27: 3,8; 31:9). Cuốn Đệ nhị luật đặc biệt nhấn mạnh vai trò chuyên biệt của Môsê, trình bày ông như một người trung gian được linh hứng của mặc khải và là người giải thích có thẩm quyền của Lời Chúa. Chính từ các yếu tố này đã khai triển một cách hợp luận lý ý tưởng truyền thống cho rằng Môsê là tác giả của Ngũ kinh, nghĩa là các sách Ngũ kinh không những nói về ông, mà còn phải được coi như là trước tác của ông nữa.


Các khẳng định chính liên quan đến sự kiện Thiên Chúa tự thông đạt chính Người tìm thấy trong các câu chuyện gặp gỡ của Israel với Thiên Chúa trên Núi Sinai / Hôrép (Xh 19 - Ds 10, Đnl 4 ff.). Các câu chuyện này tìm cách phát biểu bằng những hình ảnh sống động ý tưởng cho rằng Thiên Chúa là nguồn gốc của cả truyền thống Thánh kinh nữa. Do đó, người ta có thể quả quyết rằng nền tảng của sự thấu hiểu Thánh kinh như là Lời Chúa đã bắt đầu ngay lúc ở Sinai, bởi vì ở đó, Thiên Chúa đã đặt Môsê làm người trung gian duy nhất cho sự mặc khải của Người. Tùy thuộc ở Môsê việc cố định hóa mặc khải thần thiêng bằng bản văn, để ông có thể truyền tải nó và bảo tồn nó như là Lời của Thiên Chúa cho mọi người mọi thời. Chữ viết không những có thể truyền tải Lời mà còn thúc đẩy người ta chất vấn về tác giả phàm nhân, người mà trong trường hợp Thánh kinh, có thể làm cho nó tự biểu lộ mình như là Lời Thiên Chúa trong ngôn ngữ con người. Ý tưởng này (xem DV, số 12) đã được phát biểu trong vắn tắt trong Xh 19:19, trong đó có chép rằng Thiên Chúa trả lời Môsê bằng một "tiếng nói"; do đó, người ta ước tính rằng Thiên Chúa "đồng ý" sử dụng ngôn ngữ con người, đặc biệt là đối với người trung gian của mặc khải Người.


12. Mặt khác, nguồn gốc thần thiêng của lời viết được giải thích một cách tinh tế trong câu chuyện Núi Sinai. Trong bối cảnh này, Thập Điều tạo nên một văn kiện độc đáo và khôn sánh. Nó có thể được coi như khởi điểm cho ý tưởng nguồn gốc thần thiêng của Thánh kinh (linh hứng), bởi vì, trong tư cách bản văn, Thập điều là điều duy nhất nên được liên kết với ý tưởng được viết bởi chính Thiên Chúa (xem Xh 24:12; 31:18; 32:16; 34:1,28, Đnl 4:13; 9:10; 10: 4). Bản văn mà chính Thiên Chúa đã viết trên hai phiến đá này là nền tảng cho khái niệm nguồn gốc thần thiêng của các bản văn Thánh kinh. Khái niệm này tự triển khai theo hai hướng trong các câu chuyện của Ngũ kinh. Một mặt, thẩm quyền chuyên biệt của Thập điều được nhấn mạnh, khi so với tất cả các lề luật và lệnh truyền khác của Thánh kinh, mặt khác, người ta có thể nhận thấy rằng khái niệm "viết" (hiểu “đặt thành bản văn”) đặc biệt liên quan đến người trung gian của mặc khải – là Môsê – đến nỗi sau này Môsê và Ngũ kinh được coi như tương đồng.

Về khía cạnh thứ nhất - Thập điều do chính Thiên Chúa viết – người ta cần lưu ý rằng việc truyền tải và tiếp nhận các bản văn đã được chứng thực trong truyền thống Sách Thánh được thể hiện một cách độc lập đối với sự hỗ trợ vật lý của nó – tức hai phiến đá . Không phải những phiến đá trên đó Thiên Chúa viết được bảo tồn và tôn kính, mà là bản văn mà Chúa đã viết mới thuộc về Thánh kinh (xem Xh 20, Dt 5).


Mười điều răn mà Thiên Chúa đã viết và giao phó cho Môsê - ở đây, chúng ta bàn đến khía cạnh thứ hai - ám chỉ mối liên hệ đặc thù hiện diện giữa Thiên Chúa và con người liên quan đến Thánh Kinh. Thực thế, Môsê không được thiết lập làm người trung gian theo một kế hoạch thần thiêng, nhưng đúng hơn, Thiên Chúa thuận theo lời cầu nguyện của dân (Israel), muốn có người trung gian. Sau khi Thiên Chúa tỏ mình ra một cách trực tiếp với dân Do Thái (xem Xh 19), dân chúng khẩn khoản xin Môsê làm trung gian, vì họ sợ phải gặp gỡ Thiên Chúa một cách trực diện (Xh 20: 18-21). Do đó, Thiên Chúa đã chiều theo ý muốn của dân và lập Môsê làm người trung gian, nói chuyện với ông, và thông truyền cho ông một cách chi tiết các huấn giáo của Người (Xh 20:22; 23:33). Môsê cuối cùng đã viết những lời này thành bản văn, vì Thiên Chúa thiết lập giao ước của Người với Israel bằng cách sử dụng những ngôn từ này (Xh 24: 3-8). Để xác nhận hành động này, Thiên Chúa hứa với Môsê sẽ ban các phiến đá trên đó chính Người đã viết (xem Xh 24:12). Chúng ta không thể diễn tả rõ ràng và sâu sắc hơn được sự kiện này: Thánh Kinh, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ nọ trong cộng đồng đức tin của Israel, sau đó là các Kitô hữu, tìm thấy nguồn gốc của nó trong Thiên Chúa, ngay cả trong các tình huống trong đó nó được soạn tác bởi những con người. Trong Ngũ kinh, "sự tự chứng thực" này của Thánh kinh đạt đến đỉnh cao khi nó được khẳng định rằng chính Môsê đặt thành bản văn các yếu tố nhằm giáo huấn dân Israel, trước khi họ vào đất hứa (x. Đnl 31:19), truyền chúng lại cho mọi người như một chương trình cho cuộc sống và tác phong tương lai của dân này. Chỉ khi nào con người cho phép bản thân bị chất vấn bởi lời Thánh kinh đã được mặc khải cho họ này, họ mới có thể nhận ra nó và chào đón nó không phải như lời nói của con người, mà là "lời của Thiên Chúa đang hành động" trong họ, các tín hữu (1Tx 2:13).


2.2 Các sách tiên tri và các sách lịch sử


13. Với Ngũ kinh, các sách tiên tri và các sách lịch sử là một phần của Cựu Ước nhấn mạnh nhiều nhất đến nguồn gốc nội dung của nó. Nói chung, Thiên Chúa tự mặc khải Người cho dân Người hoặc các nhà lãnh đạo của họ qua trung gian của những con người nhân bản: trong Ngũ kinh, qua Môsê, nguyên mẫu các tiên tri (Đnl 18: 18-22); trong các sách tiên tri và lịch sử, qua các tiên tri. Ở đây, người ta sẽ tìm cách chứng tỏ các sách tiên tri và sách lịch sử chứng thực nguồn gốc thần thiêng của nội dung chúng như thế nào.


2.2.1. Các sách tiên tri: các bộ sưu tập những gì Thiên Chúa đã nói với dân của Người qua các trung gian của Người.


Các sách tiên tri được trình bày dưới dạng các bộ sưu tập những gì Chúa đã nói với dân của Người qua các "tác giả" (được cho là) đã ghi tên của mình trên các bộ sưu tập này. Thật vậy, những cuốn sách này quả quyết một cách nhấn mạnh rằng Chúa là tác giả nội dung của chúng. Họ làm điều này bằng nhiều cách diễn đạt khác nhau nhằm dẫn nhập và nhấn mạnh các ngôn từ. Những phát biểu này khẳng định và giả định rằng các sách tiên tri là các ngôn từ của Chúa và chỉ rõ rằng Chúa nói với dân của Người qua các tác giả các cuốn sách này. Và, thực sự, một phần đáng kể nội dung của những cuốn sách tiên tri được đặt, một cách chính thức, vào môi miệng Chúa. Như một hệ quả tất yếu, các cuốn sách này trình bày các tác giả của chúng như những con người được Chúa sai đến với sứ mệnh truyền tải thông điệp tới dân của Người.


a. Các "công thức tiên tri"


Các tiêu đề của hai phần ba các sách tiên tri minh nhiên khẳng định rằng chúng có nguồn gốc thần thiêng, bằng cách sử dụng một công thức xác định rằng lời này phát xuất từ Chúa. Không kể đến các khác biệt chi tiết, công thức được tóm tắt trong câu khẳng định này: "Lời Chúa đã ngỏ cùng ...", theo sau là tên của vị tiên tri đã nhận được lời này (như trong các sách của Giêrêmia, Edêkien, Hôsê, Gioen, Giôna, Xôphônia và Dacaria), và đôi khi là tên của những người nhận nó (như trong Khaggai và Malaki). Những tiêu đề này khiến có khẳng định cho rằng nội dung của những cuốn sách được đề cập, dù được đặt trong miệng của Thiên Chúa hay trong các tiên tri, hoàn toàn là Lời của Thiên Chúa. Tiêu đề của những cuốn sách tiên tri còn lại cho đến nay cho thấy chúng kể lại nội dung các thị kiến mang lại lợi ích cho các nhân vật có tên như Isaia, Amốt, Ôvađia, Nakhum và Khabacúc. Tiêu đề của sách Mikha đặt cạnh nhau công thức nói rằng Lời Chúa diễn ra và việc nhắc đến thị kiến. Mặc dù điều này không được viết một cách minh nhiên, nhưng trong bối cảnh các sách tiên tri, nguồn gốc các thị kiến chỉ có thể là chính Chúa. Do đó, Người là tác giả của những cuốn sách này.


Các tiêu đề không tạo nên phần duy nhất của những cuốn sách tiên tri miêu tả chúng là Lời của Thiên Chúa. Nhiều "công thức tiên tri" để nhấn mạnh bản văn cũng làm như vậy. Biểu thức phổ biến nhất, "công thức tiên tri" tuyệt nhất, là "Chúa nói như thế". Mở đầu diễn từ bằng công thức này, nhà tiên tri tự giới thiệu mình là sứ giả của Chúa. Ngài bác bỏ với người nghe rằng diễn từ ngài ngỏ với họ không phát xuất từ ngài, mà có tác giả là Chúa.


Không dám cho là thấu triệt, cần đề cập đến ba công thức khác nhằm nhấn mạnh các sách tiên tri: "sấm ngôn của Chúa"; "Chúa / Thiên Chúa nói như thế"; và "Chúa phán". Không giống như biểu thức đầu tiên được gọi là "công thức sứ giả" và là biểu thức nhằm dẫn nhập các diễn từ, các biểu thức này có thể kết luận chúng. Hành xử như một chữ ký ở cuối bài viết, chúng chứng thực rằng Chúa là tác giả của diễn từ trước đó.


b. Các tiên tri: sứ giả của Chúa


14. Trong số các trước tác tiên tri, có bốn sách giải thích cách Chúa hành động để các tác giả của chúng trở thành sứ giả của Người: Isaia (6:1-13); Giêrêmia (1:4-10); Êdêkien (1:3-3,11) và Amốt (7:15). Việc sai đi thi hành sứ vụ nơi Isaia và Êdêkien dùng thị kiến làm bối cảnh. Có lẽ cũng tương tự như thế với Giêrêmia. Câu truyện sai Isaia đi thi hành sứ vụ là một thí dụ điển hình của loại này, bởi vì nó vừa khá được khai triển vừa đồng thời rất cô đọng. Trong lời khuyên thần thiêng mà Isaia hỗ trợ trong thị kiến, Chúa, khi đi tìm một tình nguyện viên, đã đặt câu hỏi: "Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ đi làm sứ giả của chúng ta?” và Isaia trả lời: "Con đây: xin hãy sai con đi!". Chấp nhận đề nghị của Isaia, Chúa kết luận: "Hãy đi nói với dân này ...". Hãy theo sứ điệp của Chúa (Is 6:8-10). Câu truyện, được cấu trúc bởi các động từ "sai, đi, nói", tìm thấy kết luận trong diễn từ của Chúa rằng Isaia có sứ mệnh truyền đến dân. Điều tương tự cũng xẩy ra với ba "câu chuyện sai tiên tri" khác được đề cập ở trên, cũng được kết luận bằng lệnh của Chúa để sứ giả của Người truyền đi thông điệp Người muốn truyền đạt (Edk 2:3-4; 3:4-11, Am 7:15). Trong Câu chuyện sai Giêrêmia, Chúa nhấn mạnh vào đặc tính tuyệt đối của mệnh lệnh Người (xem thêm Am 3:8) và, đồng thời, vào độ chính xác phải là đặc điểm cho việc truyền tải thông điệp: "Chúa trả lời: Đừng nói 'Con là một đứa trẻ!' Ngươi sẽ đi đến tất cả những người mà Ta sẽ sai ngươi đến; tất cả những gì Ta sẽ truyền cho ngươi, ngươi sẽ nói chúng ... "(Grm 1:7, xem 1:17, 26:2,8, Đnl 18:18,20). Những tường thuật này ấn định trách nhiệm của "sứ giả của Chúa", mà các sách tiên tri thừa nhận cho các tác giả tương ứng của chúng và, đồng thời, thiết lập nguồn gốc thần thiêng cho thông điệp của chúng.


2.2.2. Sách lịch sử: lời của Chúa có hiệu quả không thể sai lầm, và kêu gọi hoán cải.

a. Các sách của Giosuê – Các Vua






15. Trong các sách Giosuê, Thủ lãnh, Samuen và Các Vua, Chúa thường xuyên lên tiếng, như trường hợp trong các sách tiên tri, mà theo truyền thống Do Thái, bộ sưu tập này cũng thuộc về. Thực thế, ở mỗi bước trong cuộc chinh phục Đất Hứa, Chúa nói với Giosuê điều ông phải làm. Trong Gs 20:1-6 và 24: 2-15, Ngài nói với mọi người qua trung gian Giosuê, người do đó được trao cho sứ mệnh tiên tri. Trong cuốn Thủ Lãnh, Chúa hay Thiên thần của Người, thường nói chuyện với các nhà lãnh đạo, đặc biệt là Giđêông hoặc dân. Chúa hành động đích thân, ngoại trừ ở Tl 4:6-7 và 6:7-9 khi Người qua trung gian nữ tiên tri Đơvôra và một tiên tri ẩn danh để ngỏ lời một mặt với Barắc, và một mặt với toàn dân.


Mặt khác, trong các sách Samuen và Các Vua, ngoài một số ngoại lệ hiếm hoi, Chúa thường tự mặc khải chính Người cho những người mà Người ngỏ lời qua các trung gian các nhân vật tiên tri. Các diễn từ của Người sau đó được đóng khung bởi các phát biểu giống hệt với các cách phát biểu nhằm dẫn nhập và nhấn mạnh các sách tiên tri. Trong số các sách Thánh Kinh, các sách Samuen và Các Vua đặc biệt nhấn mạnh đến các tiên tri và hoạt động làm sứ giả cho Chúa của họ. Đối với phần lớn các sấm ngôn được ghi lại trong Samuen và Các Vua, Chúa công bố những bất hạnh mà Người sẽ giáng xuống các nhà lãnh đạo của dân, đặc biệt hơn xuống vị vua này hay vị vua nọ và triều đại của ông, hoặc xuống các vương quốc Israel (xem 1 V 14: 15-16) và Giuđa (xem 2 V 21:10-15), vì sự kiện ở đó có việc thờ phượng các vị thần khác với Người. Các lần Chúa công bố bất hạnh thường được kèm theo với việc kể lại thành tựu của họ. Các sách Samuen và Các Vua được trình bày, phần lớn, như một chuỗi nối tiếp các công bố bất hạnh và những câu truyện thành tựu. Chuỗi nối tiếp này chỉ kết thúc với sự hủy diệt của vương quốc Giuđa. Trong phần dẫn nhập câu truyện chinh phạt Babylon (597-587 TCN), 2 V 24:24 công bố rằng sự hủy diệt Giuđa là công việc của Chúa, thể hiện những gì Người đã công bố "qua trung gian các tôi tớ tiên tri của Người". Vì Chúa không bao giờ lại không hoàn thành điều Người đã công bố, nên lời nói của Người tự mặc khải là vô cùng hiệu quả. Nói cách khác, Chúa là tác giả chính của lịch sử dân Người; Người công bố các sự kiện của nó, và làm chúng xảy ra.


Như các bản văn mà nó từng là vấn đề, 2 V 17:7-20 tóm tắt lịch sử Israel và Giuđa giống như một chuỗi các diễn từ mà Chúa đã ngỏ cùng họ qua sự trung gian của các tôi tớ tiên tri. Tuy nhiên, giọng điệu của các diễn từ khá khác nhau. Chúa không công bố bất hạnh cho Israel cũng như cho Giuđa, nhưng khuyên nhủ họ hãy hoán cải. Vì các kẻ có liên hệ đã cứng đầu trong việc từ chối trước lời kêu gọi của Chúa (2 V 17:13-14), nên Người mới bác bỏ họ xa khỏi Thánh Nhan Người.


b. Các sách Sử biên


16. Như trong bộ Giosuê-Các Vua J, các diễn từ của Chúa hiện diện rất nhiều trong các sách Sử Biên. Người nói chuyện trực tiếp với Salômôn (2 Sb 1:7, 11-12; 7:12-22). Nói chung, Chúa ngỏ lời với nhà vua hoặc người dân qua các trung gian: hầu hết trong số họ nhận danh hiệu "tiên tri", nhưng một số thì không. Vị trí đầu tiên thuộc các tiên tri như Nathan (x. 1 Sb 17:1-15) và nhiều vị khác. Chúa cũng sử dụng các thầy chiêm (voyants) như Gát (1 Sb 21: 9-12) và những người trong các ngành nghề khác nhau và thậm chí các vị vua nước ngoài như Nơkhô (2 Sb 35:21) và Kyrô (2 Sb 36:23). Các gia đình chính của các nhạc sĩ đền thờ nói tiên tri (xem 1 Sb 25:1-3).


Các sách Sử biên lấy lại các quan niệm về Lời Chúa đã diễn tả trong Samuen và Các Vua. Cũng trong những sách này, nhưng có lẽ ít nhấn mạnh hơn, các diễn từ của Chúa có mục đích công bố các biến cố mà sau đó thuật lại các thành tựu (x. 1 Sb 11:1-3; 6:10; 10:15). Các sách Sử biên đặc biệt nhấn mạnh vai trò này của Lời Chúa khi nhắc đến việc lưu đày ở Babylon. Theo 2 Sb 36:20-22, lưu vong, cũng như kết cục của nó, hoàn thành những gì Chúa đã công bố qua miệng Giêrêmia (x. Grm 25:11-14; 29:10). Với các hạn từ khác với 2 V 17:13-14; 2 Sb 36:15-16 lấy lại chủ đề can thiệp không ngừng được Chúa thực hiện một cách vô ích để tránh sự bất hạnh cho dân Người, dân mà Người đã sai các tiên tri và / hoặc sứ giả đến. Cuối cùng, người ta cần lưu ý rằng các sách Sử biên không khẳng định nguồn gốc thần thiêng cho nội dung của chúng, nhưng dường như chúng gợi ý điều này, theo mức chúng nhắc đến các nguồn tiên tri (xem 2 Sb 36:12,15-16, 21-22).

Tóm lại, các sách tiên tri được trình bày trọn vẹn như lời của Thiên Chúa. Những lời này cũng chiếm một vị trí quan trọng trong các sách lịch sử. Cả hai, và trên hết, các sách lịch sử, xác định rằng Lời Thiên Chúa có hiệu lực không thể sai lầm, và kêu gọi hoán cải.


Kỳ tới: 2.3 Các Thánh Vịnh