6 Làm sao đọc Phúc Âm mà không mất đức tin - Bao nhiêu lần, vậy con?


6 Làm sao đọc Phúc Âm mà không mất đức tin - Bao nhiêu lần, vậy con?
 
 


 
Trích sách Làm sao đọc Phúc Âm mà không mất đức tin, Linh mục  Alberto Maggi (Comment lire l’ Évangile sans perdre la foi. Nhà xuất bản Fides, Pháp). 

Đức Giêsu tại Samari

Nhóm Pharisêu nghe tin Đức Giêsu thâu nạp và làm phép rửa cho nhiều môn đệ hơn ông Gioan. (Thực ra, không phải chính Đức Giêsu làm phép rửa, nhưng là các môn đệ của Người). Biết thế, Đức Giêsu bỏ miền Giu-đê mà trở lại miền Galilê. Do đó, Người phải băng qua Samari. Vậy, Người đến một thành xứ Samari, tên là Xykha, gần thửa đất ông Giacóp đã cho con là ông Giuse. Ở đấy, có giếng của ông Giacóp. Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa.

Có một người phụ nữ Samari đến lấy nước. Đức Giêsu nói với người ấy: “Chị cho tôi xin chút nước uống!” Lúc đó, các môn đệ của Người đã vào thành mua thức ăn. Người phụ nữ Samari liền nói: “Ông là người Do thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao? ” Quả thế, người Do thái không được giao thiệp với người Samari. Đức Giêsu trả lời: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: “Cho tôi chút nước uống”, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống.” Chị ấy nói: “Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống? Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Giacóp, người đã cho chúng tôi giếng này? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy.” Đức Giêsu trả lời: “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.”
Người phụ nữ nói với Đức Giêsu: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước.” Người bảo chị ấy: “Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây.” Người phụ nữ đáp: “Tôi không có chồng.” Đức Giêsu bảo: “Chị nói: “Tôi không có chồng” là phải, vì chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng.” Người phụ nữ nói với Người: “Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ… Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giêrusalem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa.” Đức Giêsu phán: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem. Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do thái. Nhưng giờ đã đến -và chính là lúc này đây - giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.” Người phụ nữ thưa: “Tôi biết Đấng Mêsia, gọi là Đức Kitô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự.” Đức Giêsu nói: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây.”

Vừa lúc đó, các môn đệ trở về. Các ông ngạc nhiên vì thấy Người nói chuyện với một phụ nữ. Tuy thế, không ai dám hỏi: “Thầy cần gì vậy?” Hoặc “Thầy nói gì với chị ấy?” Người phụ nữ để vò nước lại, vào thành và nói với người ta: “Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao?” Họ ra khỏi thành và đến gặp Người.

Trong khi đó, các môn đệ thưa với Người rằng: “Ráp-bi, xin mời Thầy dùng bữa.” Người nói với các ông: “Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết.” Các môn đệ mới hỏi nhau: “Đã có ai mang thức ăn đến cho Thầy rồi chăng?” Đức Giêsu nói với các ông: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người. Nào anh em chẳng nói: Còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt? Nhưng này, Thầy bảo anh em: Ngước mắt lên mà xem, đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái! Ai gặt thì lãnh tiền công và thu hoa lợi để được sống muôn đời, và như thế, cả người gieo lẫn kẻ gặt đều hớn hở vui mừng. Thật vậy, câu tục ngữ “kẻ này gieo, người kia gặt” quả là đúng! Thầy sai anh em đi gặt những gì chính anh em đã không phải vất vả làm ra. Người khác đã làm lụng vất vả; còn anh em, anh em được vào hưởng kết quả công lao của họ.”

Có nhiều người Samari trong thành đó đã tin vào Đức Giêsu, vì lời người phụ nữ làm chứng: ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm. Vậy, khi đến gặp Người, dân Samari xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. Số người tin vì lời Đức Giêsu nói còn đông hơn nữa. Họ bảo người phụ nữ: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian.” (Ga 4: 1-42)

“Ai nói chuyện lâu với phụ nữ sẽ tự mình hại mình, họ bỏ bê không học hỏi Lề Luật và sẽ chết trong ngục lửa.” Đó là những gì truyền thống Do thái xem là gương mẫu cho rằng Chúa “không nói chuyện với một người đàn bà nào, nếu người đàn bà đó không công chính, và hơn nữa, nếu không có lý do chính đáng!” Đúng vậy, một Chúa không nói chuyện với bất cứ một phụ nữ, một Chúa làm bà Xara sợ, phải nói dối là đã không cười (St 18: 15).

Trong bối cảnh văn hóa đó, thái độ của Chúa Giêsu đối với phụ nữ sẽ bị coi là chướng mắt, như chúng ta thấy trong Phúc âm thánh Gioan, các đồ đệ ngạc nhiên khi thấy Chúa nói chuyện với phụ nữ thành Samari. Cuộc nói chuyện sống động giữa Chúa Giêsu và phụ nữ không những làm cho người cùng thời ngạc nhiên mà còn làm cho các nhà đạo đức bất cứ thời nào cũng ngạc nhiên, họ, những người thấy cái gì cũng tội.

Ngược lại, nếu Chúa Giêsu tỏ ra dễ dãi tha tội cho người đàn bà ngoại tình (Ga 8: 2-11) hay cô gái điếm (Lc 7: 36-50) mà không một lời khiển trách – đã làm cho những người mê đạo, mộ đạo bực mình – thì trong đoạn Chúa Giêsu đối thoại với người phụ nữ Samari (Ga 4: 1-42) này, họ sẽ không còn bực mình. Ở đây, cuối cùng, Chúa Giêsu khoác bộ áo của nhà đạo đức và lên tiếng chỉ trích đời sống riêng tư của người phụ nữ, hỏi con số người tình chính xác của bà: “Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây.” Người phụ nữ trả lời: “Tôi không có chồng.” Chúa Giêsu nói lại: “Chị nói: Tôi không có chồng – là phải, vì chị đã năm đời chồng rồi và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị.” Đây là lần đầu tiên và lần duy nhất trong các Phúc âm, Chúa Giêsu hỏi đến đời tư của một người. Nhưng đó có phải là bài học luân lý thánh Gioan muốn truyền đạt? Chính các thánh sử – lúc nào cũng vậy – đều đặt độc giả đi trên một con lộ chính và họ thường để “chìa khóa” trên đường đi hầu giúp độc giả hiểu rõ bản văn hơn. Trong đoạn người phụ nữ Samari, các chìa khóa chính là “phụ nữ” và “năm.”

Các “bà vợ”của Chúa

Đoạn “người phụ nữ Samari” được chú giải dưới ánh sáng của sách tiên tri Hôsê, tiên tri của Samari. Từ hoàn cảnh hôn nhân bi thương, tiên tri Hôsê lần đầu tiên dùng hình ảnh đám cưới để nói lên quan hệ giữa Thiên Chúa và dân của Người.

Dù bà Gôme, người đàn bà có ba đứa con với ông đã phản bội ông với rất nhiều người tình, ông vẫn tiếp tục yêu thương bà với một lòng quyết tâm và trung tín, vì vậy ông hiểu được tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với dân của Người. Sau nhiều cuộc phiêu lưu, cuối cùng bà trở về với ông, ông giận dữ trách cứ bà, nêu ra không biết bao nhiêu là tội của người vợ không chung thủy, của người mẹ bất xứng nhưng đến câu “Bởi thế…” thì thay vì  trách cứ tiếp tục, lòng ông lại đề nghị một cuộc du hành trăng mật: “Ta sẽ quyến rũ nó, đưa vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình (…) vào ngày đó, ngươi sẽ gọi Ta: “Mình ơi”, chứ không còn gọi “ông chủ ơi” nữa. (Hs 2: 16-18) Hiểu được vợ mình đi tìm một tình yêu mà bà không thể có nơi ông chồng-chủ, bà chỉ tìm được tình yêu nơi các tình nhân, tiên tri Hôsê thay đổi thái độ: tình yêu mà ông muốn xây dựng với vợ thì tương khắc với tình trạng chồng chúa vợ tôi và ông đề nghị có một quan hệ mật thiết hơn, quan hệ của người chồng: “Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu.” (Hs 2: 21)

Đương nhiên thái độ này của nhà tiên tri sẽ không được người đương thời hiểu, họ cho ông “nói sảng” và “điên” rồ (Hs 9: 7). Nhưng tiên tri Hôsê khá yêu thương vợ để tha thứ mà không cần bà phải ăn năn hối cải thật sự, ông đã thấy lờ mờ đối với dân Ítraen cũng vậy, việc trở lại không phải là điều kiện để nhận ơn Chúa mà kết quả của ơn Chúa. Trong khi truyền thống tôn giáo rao giảng phải ăn năn hối cải mới nhận được ơn tha thứ thì tiên tri Hôsê đã hiểu ơn tha thứ của Thiên Chúa đã được ban trước khi con người cầu xin, sau này sách Tân Ước cũng đã nói như sau: “Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.” (Rm 5: 8)

Chúa Giêsu, mà thánh Gioan đã giới thiệu dưới nét một chàng rể (Ga 3: 29), đã làm giống như ông Hôsê, nói chuyện với người đàn bà ngoại tình, gọi bà là “bà.” Trong Phúc âm thánh Gioan, Chúa Giêsu dùng chữ “bà” để gọi ba nhân vật phụ nữ: Mẹ của Chúa Giêsu (Ga 2: 4; 19: 26), người phụ nữ Samari (Ga 4: 21) và bà Maria Mácđala (Ga 20: 15). Đó là ba bà “phối ngẫu” của Thiên Chúa: mẹ của Chúa Giêsu tượng trưng cho phối ngẫu luôn luôn trung thành với giao ước cũ; bà Samari, người đàn bà ngoại tình mà vị hôn phu muốn chinh phục bằng tình yêu của mình; và bà Maria Mácđala, người phối ngẫu của giao ước mới.

Món thịt quay của những người Samari

Thánh sử viết muốn đi từ vùng Giuđê đến Galilê thì phải băng qua sa mạc Samari. Vì cần phải chinh phục người phụ nữ ngoại tình Samari nên Chúa Giêsu không đi theo lộ trình bình thường, nếu muốn an toàn thì phải tránh vùng sa mạc nguy hiểm Samari, phải dùng con đường Transjordanie. Cuộc gặp gỡ với người đàn bà ngoại tình không bắt đầu một cách tốt đẹp. Ai cũng biết là người Do thái rất khinh các phụ nữ Samari, xem họ ô uế từ khi mới sinh; dù vậy, Chúa Giêsu không ở địa vị trên cao của người đàn ông Do thái để nói chuyện, mà ở thế của người đang mệt và khát: “Chị cho tôi xin chút nước uống!”; người đàn bà trả lời một cách thách thức, nhắc Chúa Giêsu nhớ lại vị thế chống đối tận căn: “Ông là người Do thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao?” Và thánh sử giải thích thêm: “Quả thế, người Do thái không được giao thiệp với người Samari”, nói rõ ra là họ ghét người Samari một cách triệt để, đương nhiên lúc nào cũng nhân danh Chúa để ghét người khác!

Hận thù giữa người Do thái và người Samari có từ bảy thế kỷ trước, khi người Do thái bị đày biệt xứ sang Átsua. Vua Átsua đưa dân các xứ đến ở Samari nên người Samari trở thành dân tạp chủng sinh ra từ dân các xứ đến và dân địa phương (2V 17: 24-28). Sự pha giống đã có ảnh hưởng trên tôn giáo, người Samari tuy vẫn thờ Đức Giavê nhưng cũng còn thờ các thần do dân tứ xứ mang đến (2V 17: 29-34). Sự ô nhiểm này đã làm cho người Do thái khinh người Samari, không cho họ cộng tác vào việc xây dựng đền thánh Giêrusalem, xem họ là người ngoại đạo, không cho họ vào đền thánh.

Trong Thánh Kinh, người Samari cùng chung số phận với người Philitinh, là kẻ thù tiêu biểu, bị những kẻ thành kính cho đó là “đám dân ngu xuẩn ở vùng Sikhem” (Hc 50: 26). Ở thời Chúa Giêsu, những kẻ thành kính tránh không nói đến chữ “Samari” để nói người Samari tốt lành mà nói “kẻ đã thực thi lòng thương xót” (Lc 10: 37); và khi chửi ai tệ nhất thì nói đó là người Samari (Ga 8: 48). Sự thù nghịch giữa dân tộc Do thái và người Samari dữ dội nhất là vào các năm thứ 6 và 9 sau công nguyên, khi người Samari ngăn việc mừng lễ Vượt Qua bằng cách ném xương người vào Đền thánh ban đêm. Từ đó hận thù giữa hai bên lan truyền, nhóm của Chúa Giêsu không tránh thoát được, và người ta hiểu lời chúc của hai môn đệ lắm lời Giacôbê và Gioan: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống tiêu hủy chúng nó không” (Lc 9: 54).

Để trả lời cho thái độ hung hăng của người phụ nữ Samari và không để ý đến nguồn gốc chia rẽ của người Do thái và người Samari, Chúa Giêsu trả lời bằng món quà phi thường “nước … hằng sống”. Khi người phụ nữ Samari sẵn sàng để đón nhận “nước hằng sống” huyền nhiệm này, nước có khả năng hạ vĩnh viễn cơn khát. Chính lúc đó, Chúa Giêsu đột ngột đổi đề tài từ nguồn nước qua đời sống riêng, nhắc cho chị nhớ chị đã có năm đời chồng, chưa kể người chồng hiện tại. Trong ngôn ngữ Do thái, “Baal” là danh xưng nói về thần linh và cũng có nghĩa là “chồng”, là “Chúa”: người phụ nữ ngoại tình Samari xem như đã bỏ Thiên Chúa để quay về thờ năm vị thần trong vùng, người Samari cũng đã xây năm ngôi đền trên năm ngọn đồi (2V 17: 24-41) vì thế thánh sử nhấn mạnh khi nói đến năm lần chữ “chồng” trong bản văn.

Như thế đây không phải là vụ lên án người đàn bà có tính tình nhẹ dạ nhưng lên án tội bất trung của người phụ nữ Samari. Để đón nhận ơn Chúa, Chúa Giêsu mời gọi bà bỏ các vị thần khác, các vị hứa hẹn mang lại hạnh phúc mà họ không thể nào làm được (“Tôi phải trở về với người chồng đầu tiên của tôi, vì hồi ấy tôi hạnh phúc hơn bây giờ” (Hs 2: 9). Người phụ nữ, đã hiểu ý Chúa nói, Chúa không nhìn vào đời tư của bà mà nhìn vào quan hệ của bà với Thiên Chúa, bà đi ngay vào trọng tâm của gút thắt: “Thưa ông, tôi thấy ông thật là ngôn sứ… Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giêrusalem  mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa.” Người phụ nữ Samari tưởng rằng quan hệ với Thiên Chúa sẽ thích hợp hơn nếu được thờ ở một nơi quy định và bây giờ bà sẵn sàng quay về với Thiên Chúa thật, bà muốn biết Thiên Chúa đó ở đâu. Nhưng Chúa Giêsu đã làm một cuộc cách mạng về nơi thờ phượng: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem.” Nếu Chúa của tôn giáo cần một đền thờ, cần một hình thức để thờ thì để thờ phượng Chúa Cha, chỉ cần con cái Cha giống Cha. Giống với tình thương của Người là hình thức thờ phượng duy nhất mà Chúa Cha đòi hỏi.

Người phụ nữ muốn biết nơi nào để đến thờ Chúa thì Chúa Giêsu trả lời chính Chúa sẽ đến với bà, bằng cách cho bà một khả năng yêu thương. Thiên Chúa không chờ quà tặng từ con người mà chính Chúa tự hiến mình cho nhân loại, bởi vì “Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ và muôn loài trong đó, Đấng làm Chúa Tể trời đất, không ngự trong những đền do tay con người làm nên. Người cũng không cần được bàn tay con người phục vụ, như thể Người thiếu thốn cái gì, vì Người ban cho mọi loài sự sống, hơi thở và mọi sự.” (Cv 17: 24-25). Và đó là tin vui mà bà là phát ngôn viên khi bà mời các người Samari “Đến mà xem…” Chúa Giêsu, Đấng hạ các hàng rào cản của tôn giáo và quốc gia, không còn được xem như một người “Do thái” nhưng như một con người. Và thế hệ Người khai mở, không có đền thờ cũng không có nghi thức thờ phượng, đã làm cho lời nói của người thành phổ quát, làm cho những người dị giáo, những người Samari cũng được thông hiệp để đón nhận “Đấng cứu độ.”

Ignace Trần An Huy dịch

http://phanxico.vn/2019/12/23/bao-nhieu-lan-vay-con/
 
 
Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...