9 THKT CÁC SÁCH PHÚC ÂM

“Nhà của Cha ta,” cậu Giêsu thì thầm, “nhà của Cha ta.”
Lm. Oscar Lukefahr C.M. - Dịch giả: Pt. Giuse Trần Văn Nhật
 
PHẦN III

9 THKT CÁC SÁCH PHÚC ÂM
 
“Hãy nhìn lại phía sau”, ông Giuse nói. “Mặt trời đang chiếu rọi núi Hơmôn.” Maria và Giêsu quay đầu nhìn lại đỉnh núi còn tuyết trắng khoảng sáu mươi dặm về phía bắc. Họ đang rời Nagiarét, một thành phố nhỏ trong khu vực Galilê, để cùng với đoàn người tiến về Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua.
“Chúng ta ở nửa đường giữa Hơmôn và Giêrusalem,” ông Giuse tiếp tục nói. “Vào ngày hôm sau, chúng ta sẽ ở Đền Thờ!” Đoàn người khoảng 150 người đàn ông, đàn bà, và trẻ em, các loại súc vật, và một hai con chó đang di chuyển về hướng nam trên đường đèo. Vùng Galilê thật rạng rỡ trong mùa xuân. Các cánh đồng lúa mạch và lúa mì, không lâu sẽ được gặt hái, lấp lánh dưới ánh bình minh. Các khu trồng hành, tỏi, tiêu, và các loại rau khác thì rải rác khắp nơi. Các đồng cỏ lấp lánh với các hoa dại đủ mầu sắc. Các cây vả, vườn nho, và rừng cây ôliu tô điểm hai bên sườn đồi. Cây vả sẽ ra trái đầu mùa chỉ trong một hai tháng. Mùa hè sẽ mang lại nhiều trái nho và trái vả hơn nữa. Mùa thu sẽ là lúc thu hoạch các cây ôliu và mừng Lễ Lều. Sau đó sẽ là thời gian chuẩn bị đất đai cho sự gieo trồng khác.

Đến trưa họ đã vào lãnh thổ của người Samari. “Chúng ta có bị nguy hiểm không anh?” Maria hỏi. Ông Giuse trả lời, “Anh không nghĩ như vậy. Chúng ta là một đoàn lớn, và gần đây chỉ có một vài sự khó khăn.” Có lúc người Samari, những người tôn thờ Thiên Chúa trên núi Ghêridim, làm khó dễ người bộ hành trên đường về Đền Thờ Giêrusalem. Nhưng thông thường người Galilê có thể đi qua lãnh thổ này một cách an toàn. Nói cho cùng, người Do Thái ở Giêrusalem giữ luật nghiêm ngặt cũng khinh miệt những người ở Galilê, vì lãnh thổ phía bắc của họ bao gồm các thành phố và đền thờ của người ngoại giáo.

“Khi có những căng thẳng cao độ giữa chúng ta và người Samari,” ông Giuse giải thích, “dân chúng thường dùng con đường dọc theo sông Giođan và ngang qua Giêricô trên đường đến Giêrusalem. Nhưng dưới đó thì nóng hơn, và kẻ cướp thường ẩn nấp trong các khu rừng và núi đá.” Rồi ông chỉ tay về hướng tây. “Ở đó là cánh đồng Xarôn, và phía bên kia đồi, dọc theo Đại Tây Dương, là con đường dẫn đến Ai Cập. Các đoàn lữ hành từ Cực Đông thường dùng con đường đó, và vì thế có những đạo binh trấn đóng trong nhiều thế kỷ…”

Đến tối họ đã đến thành Sêbát. “Nó thường được gọi là Samaria, như tên của lãnh thổ này”, ông Giuse giải thích cho cậu Giêsu, “nhưng khi vua Hêrốt xây lại, ông đặt tên thành để vinh danh hoàng đế La Mã: Sêbát là tiếng Hy Lạp của Augúttô. Ông chia đất cho sáu ngàn lính La Mã trong vùng. Khi Đavít là vua, tất cả vùng đất này thuộc về người. Nhưng sau khi Sôlômon chết, các chi tộc phương bắc tách rời khỏi Giuđa. Sau này người Átxiria chinh phục Samaria và đưa người ngoại quốc đến sống ở đây. Kể từ đó người Do Thái và người Samari không ngừng tranh cãi nhau.”

Cậu Giêsu tư lự đưa mắt nhìn đến thành phố lộng lẫy nhưng không nói gì. Những người hành hương đem theo thực phẩm và nước uống, và sau một bữa ăn thanh đạm, họ nghỉ đêm ở bên ngoài các tường thành.

Mặt trời đã ló dạng trên con đường đá vòng quanh núi Ghêridim. Ba mươi dặm về bên phải là biển lớn Đại Tây Dương. Hai mươi dặm về phía trái là sông Giođan. Từ nguồn trên núi Hêmôn, con sông đổ xuống khoảng hai mươi lăm dặm để chảy vào biển Galilê. Ở đó đã thấp hơn mực nước biển 670 bộ, nó còn thấp hơn 600 bộ nữa khi chảy vào Biển Chết sau sáu mươi dặm dài. Ông Giuse nói với cậu Giêsu về việc con của Đavít, Ápsôlom, đã truy lùng Đavít như thế nào qua vùng hoang địa sông Giođan và sau đó đã đụng độ và bị chết dưới bàn tay người Giôáp. Bấy giờ vùng này được gọi là Pêrê và dưới sự kiểm soát của Hêrốt Antipa.

Đất ở chung quanh có vẻ khô hơn và ít mầu mỡ hơn đất ở Galilê, nhưng các cánh đồng lúa như dợn sóng trong luồng gió nóng và ở đó có nhiều đàn dê và cừu. Vào buổi tối ngày thứ hai, họ cắm lều tại một nơi được gọi là giốc Lêbôna. Đàn ông, đàn bà, và trẻ con truyện trò phấn khởi. Ngay hôm sau họ sẽ ở trong thành Giêrusalem.

Lúc tinh sương đoàn lữ hành vội vàng ăn sáng với bánh và trái cây khô, sau đó họ lên đường. Ông Giuse, bà Maria, cậu Giêsu ngâm nga bài thánh vịnh về người lữ hành đến Giêrusalem: “Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi: ‘Chúng ta hãy cùng lên đền thánh Chúa!’” (Tv 122:1). Bà Maria nói với cậu Giêsu: “Mẹ nóng lòng muốn thấy lại Đền Thờ. Họ nói rằng Đền Thờ của Sôlômon thật tráng lệ, nhưng nó bị phá hủy bởi người Babylon. Khi dân mình trở lại Giêrusalem từ Babylon, họ đã xây lại một cái khác. Sau đó Hêrốt lại hủy bỏ Đền đó và xây lại một cái lớn hơn đền của Sôlômon. Công việc này vẫn còn tiếp tục.”

Khi họ tiến vào Giuđêa, họ nhận thấy các ngọn đồi gồ ghề hơn ở Samaria. Nhưng các cây ôliu, vườn nho, và các khu vườn san sát nhau như cố bám lấy các sườn đồi. Ở bên trái, hơi nóng bốc lên từ hoang địa Giuđêa và các vách đá như lao xuống Biển Chết.

Đoàn lữ hành nép vào một bên đường khi có nhóm kỵ binh La Mã thong thả tiến về Samaria. “Người La Mã chinh phục đất nước mình khi nào vậy?” cậu Giêsu hỏi. “Khi ông nội của Giacóp còn nhỏ, khoảng bảy mươi năm trước,” ông Giuse trả lời. “Hêrốt được chỉ định làm vua xứ Giuđêa trước khi bố sinh ra, nhưng ông ta phải lấy lại Giêrusalem từ tay Antigônút, là người Hátmôni sau cùng. Có một trận chiến khủng khiếp, và phần lớn Giêrusalem bị phá hủy. Hêrốt hành quyết nhiều kẻ thù của ông và tịch thu đất đai của họ. Ông nâng cao tiền nộp thuế, xây cất nhiều dinh thự, lâu đài, và các thành. Một số người gọi ông ta là ‘Hêrốt Đại Đế’, vì các công trình xây cất được thực hiện khi ông ta là vua, nhưng ông là một người hung ác đã giết vợ và nhiều đứa con của mình. Ông từ trần ít lâu sau khi con được sinh ra trong thời gian chúng ta ở Ai Cập. Người La Mã đặt các con của ông lên kế nghiệp -- Hêrốt Antipa coi vùng Galilê, Philíp coi lãnh thổ phía bắc của Galilê, và Áckêlao coi vùng Giuđêa, Samaria, và Iđumê. Nhưng Áckêlao cũng hung dữ như cha mình nên có nhiều cuộc nổi dậy và nội chiến. Hàng ngàn người bị chết, và người La Mã đóng đinh hai ngàn người nổi loạn. Năm qua người La Mã hạ bệ Áckêlao và đặt một người La Mã làm tổng trấn.”

“Bà con của mẹ là Dacaria và Êligiabét nói rằng trong những năm đó, đời sống thật khủng khiếp,” bà Maria tiếp lời. “Tạ ơn Chúa, mọi sự bây giờ êm ả hơn.”

“Nhưng vẫn còn những khó khăn,” ông Giuse cảnh giác. “Người Dilốt (Zealot), họ chiến đấu dành tự do, vẫn đột kích trên con đường tiếp liệu của La Mã. Nhiều người Do Thái ủng hộ họ, và họ tin là Thiên Chúa sẽ không bao giờ để dân tộc chúng ta bị tiêu diệt bởi người La Mã.”

“Em lo sợ không biết điều đó sẽ dẫn đến đâu,” bà Maria nói. “Dân mình bị chia đôi. Người Sađuxê thì giầu có. Họ thích các phong tục của người Hy Lạp và hợp tác với người La Mã. Người Pharisêu không tin tưởng vào những người không giải thích lề luật theo cách của họ. Người La Mã thì sẵn sàng lâm chiến. Đó là một tình hình rất nguy hiểm.” Ông Giuse đồng ý. “Và điều đó không lạ gì,” ông nói thêm, “khi người Étxên từ bỏ thế giới này để sống trong sa mạc dưới kia gần Biển Chết.”
Họ im lặng rảo bước trong một lúc. Sau đó bà Maria lên tiếng, “Tối thiểu các tư tế và người Lêvi của chúng ta vẫn còn làm chủ Đền Thờ.” Ông Giuse công nhận, “điều đó chỉ có lẽ thôi vì nhiều người trong bọn thì hành động giống như người Hy Lạp hơn là Do Thái. Chúng ta lệ thuộc vào Thượng Hội Đồng để có phán quyết về những vấn đề tôn giáo. Không may, hầu hết 70 thủ lãnh là người Sađuxê thì giống như vị thượng tế, và cũng như ông này, họ sống xa hoa và hợp tác với Rôma. Ngay cả thượng tế Anna cũng là người được La Mã chỉ định!”

“Biết thế,” bà Maria nói, “nhưng cũng có nhiều tư tế tốt lành, như anh họ của em là ông Dacaria. Phải chi anh ấy là thượng tế!”

“Nhìn kìa,” cậu Giêsu kêu lên rồi chạy vội về phía trước. “Từ đây chúng ta có thể nhìn thấy Đền Thờ.” Đoàn hành hương vội vã đi lên một đỉnh đồi thấp, và xa xa, nhấp nhánh dưới ánh nắng mặt trời là các tường thành. Nổi bật hơn hết là Đền Thờ với các trang trí bằng vàng lấp lánh phản chiếu ánh sáng mặt trời. Nó nằm giữa một cái sân thật lớn, Khu Dân Ngoại. Trong một công trình xây dựng đáng kể, khu này được dựng lên từ thung lũng ở phía đông của Giêrusalem. Hơn 800 trăm bộ chiều rộng và 400 bộ chiều dài, nó được bao quanh bởi các cổng thật lớn và các phòng chứa đồ, nó được trang hoàng thật mỹ thuật với các cột đá hoa trắng. Về phía nam, tây, và bắc của Đền Thờ là phần còn lại của Giêrusalem.

“Có bao nhiêu người sống ở Giêrusalem?” cậu Giêsu hỏi, khi đoàn hành hương chen qua những con đường đông người tiến về Đền Thờ. “Ít nhất năm chục ngàn người bên trong tường thành, có lẽ một trăm ngàn người trong vùng này,” ông Giuse trả lời, “nhưng có lẽ gấp ba hay bốn lần số người ấy sẽ ở đây trong dịp lễ Vượt Qua.”

Khi họ đến các bậc thênh thang dẫn đến Khu Dân Ngoại, cậu Giêsu, bà Maria, ông Giuse cầu nguyện, “Ôi Giêrusalem, cửa nội thành ta đã dừng chân.” (Tv 122:2). Họ vội vã bước lên các bậc dẫn đến khu này. Ở đó là Đền Thờ, một cảnh tượng tuyệt vời, tất cả là cẩm thạch trắng và vàng, mái của đền thờ được nâng cao đến 150 bộ trên mặt đất. “Nhà của Cha ta,” cậu Giêsu thì thầm, “nhà của Cha ta.”

 

Tái Tạo Giêrusalem và Đền Hêrốt - Tranh của James Tissot

 
NHỮNG CÂU TRẮC NGHIỆM
Trả Lời   &     Câu Hỏi

Hãy suy nghĩ những câu sau đây:

1. Lãnh thổ quen thuộc với Đức Giêsu từ núi Hermon đến Giêrusalem thì khoảng 120 dặm chiều dài.

2. Người Do Thái sống ở Galilê về phía bắc của Samaria, và ở Giuđêa ở phía nam của Samaria.

3. Galilê thì khô cằn và ít mầu mỡ hơn Samaria.

4. Giuđêa được bình an trong mười hai năm đầu của cuộc đời Đức Giêsu.

Trong những câu này: (a) 1 và 2 thì sai; (b) 2 và 3 thì sai; (c) 3 và 4 thì sai; (d) tất cả đều sai; (e) tất cả đều đúng.
 
Còn tiếp ...
https://www.nguoitinhuu.org/sachtruyen/CatholicGuideBible/ch09.html
Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...