Câu Chuyện Ca-in và A-ben (St 4,1-11)


Câu Chuyện Ca-in và A-ben (St 4,1-11)

Môn học: Ngũ Thư
Giáo sư: Phạm Tuấn Nghĩa, S.J.
Học viên: Trương Minh Cao, S.J.
Câu chuyện Ca-in và A-ben được người viết tường thuật lại bằng ngòi bút phân tích cũng như mở rộng các liên hệ chú giải và suy tư thần học. Tội lỗi nơi con người – qua hình ảnh Ca-in – được nhìn rõ dưới ánh sáng của Lời và tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa nhìn thấy và thấu hiểu để chủ động đối thoại và mở cho con người ơn tha thứ và biến đổi. Ca-in đã thất bại trong việc đáp lại điều đó. Chúng ta thì sao? Rốt cuộc, lòng thương xót của Thiên Chúa vẫn là ơn huệ lớn lao để tội nhân hoán cải.
Trình thuật Sáng thế chương 4 từ câu 1-16 thuật lại câu chuyện Ca-in và A-ben. Đoạn sách nằm trong phần nói về Thiên Chúa sáng tạo và sự sa ngã của con người, trong trình thuật về nguồn gốc vũ trụ và nhân loại. Trước đây người ta cho rằng tác giả chính của sách là Mô-sê, nhưng đến thế kỷ 19 người ta nhận thấy sách có nhiều nguồn khác nhau (nguồn J, E và P)[1]. Nhưng từ năm 1970, các học giả lại thấy có nhiều nguồn khác nữa, cho đến nay, người ta vẫn chưa xác định được rõ các nguồn của sách. Thông điệp của sách truyền tải một cách nhìn về Thiên Chúa và về chân lý. Sáng thế 4,1-16 là một trong những diễn tả về sự phạm tội của con người và hành động của Thiên Chúa trước tội lỗi của con người, tiếp ngay sau sự sa ngã của nguyên tổ (A-dam và E-va).
Chuyện kể về hai người con đầu lòng của tổ tiên loài người A-dam và E-va. Sau khi đôi vợ chồng đầu tiên này sa ngã, họ phải tự bươn chải với cuộc đời bên ngoài vười E-đen[2] để mưu sinh. Họ sinh được hai người con. Người con cả tên là Ca-in (nghĩa là “có được nhờ Đức Chúa”) làm nghề cày cấy đất đai và người con thứ tên là A-ben (có nghĩa là “hư không”[3]) làm nghề chăn chiên. Hai anh em cùng dâng hy lễ đầu mùa tạ ơn Đức Chúa, nhưng Đức Chúa đoái nhìn đến A-ben và lễ vật của ông, còn của Ca-in thì Ngài không đoái nhìn. Ca-in đã giận dữ và tìm cách sát hại em. Ca-in đã dẫn dụ em ra ngoài đồng và đã ra tay sát hại em mình. “Tiếng máu” của A-ben đã kêu thấu tới tai Đức Chúa. Đức Chúa đã hỏi Ca-in về điều này, nhưng Ca-in đã chối. Đức Chúa đã giáng phạt Ca-in, nhưng bên cạnh đó, Ngài vẫn tỏ lòng xót thương bằng cách không cho ai được phép giết chết Ca-in. Kết thúc câu chuyện, Ca-in đi xa khuất mặt Đức Chúa và tiến về phía đông Ê-đen – nơi vẫn còn niềm hy vọng cho ông, nơi đầy ánh sáng. Giờ đây ta tìm hiểu rõ hơn tiến trình của sự dữ nơi Ca-in trong câu chuyện này, và cách mà Thiên Chúa đã đối xử với những con người tội lỗi.
Khởi đi từ cuộc sa ngã của nguyên tổ[4] – thân sinh của Ca-in và A-ben mà tội lỗi đã đi vào thế gian.[5] Mầm móng tội lỗi ấy là lòng ngờ vực về ý định tốt lành của Thiên Chúa và thực hiện theo cơn cám dỗ mà bỏ qua mệnh lệnh của Người. Và rồi, hệ quả kéo theo của sự sa ngã là họ đã chối bỏ trách nhiệm của mình và kết án nhau.[6] Vì thế mà tội lỗi có cơ hội lan truyền sang cho các thế hệ con cháu.
Ngay từ ban đầu, ý hướng dâng của lễ đầu mùa của Ca-in có lẽ đã không được chân thành. Kinh Thánh không nói rõ về lễ vật của Ca-in, nhưng lễ vật của A-ben thì được xác định rõ “dâng những con đầu lòng của bầy chiên.” Ngụ ý này cho thấy lòng thành của A-ben dành cho Đức Chúa rất rõ ràng. Điều đó cũng ám chỉ lễ vật của Ca-in rất mù mờ, và ý hướng dâng lễ của ông cũng không phải là từ lòng thành tâm.
Lòng dạ của Ca-in mỗi lúc một tỏ lộ rõ dần. Sau khi Chúa không nhận lễ dâng của ông, Ca-in “giận” đến “sa sầm nét mặt” đến nỗi không thể “ngẩng mặt lên” được.[7]Đức Chúa đã thấy và thấu hiểu Ca-in nên Ngài đã hỏi và đã cảnh báo để ông canh giữ lấy chính mình: “… tội lỗi đang nằm phục ở cửa, nó thèm muốn ngươi; nhưng ngươi phải chế ngự nó.”[8] Những ai ở trong tội thường không dám ngẩng mặt lên trước tôn nhan Chúa. Ngôn sứ Etra nhận thấy con cái Thiên Chúa lấy con gái dân ngoại và gia nhập những thói tục mất lòng Chúa thì thốt lên rằng: “Lạy Thiên Chúa của con, con thật xấu hổ thẹn thùng khi ngẩng mặt lên Ngài, lạy Thiên Chúa của con, vì tội chúng con quá nhiều, đến nỗi ngập đầu ngập cổ, lỗi chúng con cứ chồng chất lên mãi tới trời.”[9] Hay trong Aica, hàng ngôn sứ và tư tế đồi bại, tội lỗi: “… ngay ở giữa thành, họ ra tay đổ máu người công chính.” mà: “Tư tế không dám ngẩng mặt lên, kỳ mục chẳng được ai đoái đến.”[10] Tuy nhiên, nếu ai sống trong đường ngay nẻo chính thì họ sẽ ngẩng mặt hiên ngang bước đi: “Phần anh, nếu anh giữ lòng mình cho kiên vững, nếu anh dang tay hướng thẳng về Người, nếu anh ném xa điều gian ác trong tay, và không để cho bất công cư ngụ trong lều, thì bấy giờ, anh sẽ ngẩng mặt lên, không tì ố, anh sẽ được vững vàng, không sợ hãi chi.”[11]Lòng ghen tức nơi Ca-in và những toan tính xấu xa trong thâm tâm đã làm cho ông không còn ngẩng mặt lên được nữa.
Ca-in gần như không để ý gì đến lời cảnh báo của Đức Chúa hay tội lỗi đã làm cho ông ra chai đá “giận quá mất khôn.” Tội ác của Ca-in đi đến một tầm mức mới: cả thái độ lẫn lời nói. Ông nói với em mình: “Chúng mình ra ngoài đồng đi!”[12] Đây là một lời mời mọc ngọt ngào, bản chất của lời ấy là để diễn tả tình bạn, tình thân hay tình anh em. Nay nó trở thành một lời gian dối từ trên môi miệng của Ca-in, lời ấy bị biến chất thành công cụ để thực thi ác tâm và chất chứa giả tâm. Tội ác đã làm cho một dấu chỉ biểu trưng sự thiện biến thành dấu chỉ biểu trưng cho sự ác. Hình ảnh người phụ nữ tội lỗi được tha thứ vì đã yêu mến nhiều trong Tin Mừng Luca cho ta thấy, tình yêu của chị dành cho Đức Giê-su được diễn tả qua việc chị “lấy nước mắt tưới ướt chân [Chúa], rồi lấy tóc mà lau,… không ngừng hôn chân [Chúa].”[13]Nụ hôn còn là dấu chỉ biểu lộ lòng yêu mến và là điều kiện để được chúc phúc. Trước khi chúc phúc cho Gia-cóp, I-sa-ac nói với ông: “Con ơi, lại gần đây và hôn cha đi!”[14]Cũng cùng một nụ hôn ấy, Giu-đa đã thực hiện trong Vườn Dầu như là một dấu chỉ nộp Chúa: “[Giu-đa] lại gần Đức Giê-su để hôn Người. Đức Giê-su bảo hắn: “Giu-đa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao?”[15]Tội lỗi của Giu-đa đã xúc phạm lớn đến tình thầy trò; cũng thế, tội lỗi của Ca-in đã làm tan vỡ tình anh em. Tội lỗi làm biến chất các dấu chỉ của tình yêu và sự sống, làm đảo lộn các trật tự tự nhiên ban đầu của con người. Sự dữ có thể giả dạng hay ẩn tàng trong những gì được xem là tốt đẹp.[16] Đức Chúa đã tiến đến gặp gỡ Ca-in.
“A-ben em ngươi đâu rồi?” là cách hỏi mà Đức Chúa vẫn thường hỏi trước những sa ngã của con người. Mặc dù Ngài là Đức Chúa, Ngài thấu suốt mọi sự nhưng Ngài vẫn hỏi con người và Ngài cần một câu trả lời nào đó từ phía con người. Có lẽ đây là câu hỏi mà Ngài muốn hối nhân hãy nhìn lại, nhìn sâu vào chính mình trước và gợi lên cho hối nhân một cơ hội để đón nhận trách nhiệm mà sám hối. Khi cặp vợ chồng đầu tiên phạm tội ăn trái cấm, Thiên Chúa xuất hiện và hỏi A-dam: “Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà ta đã cấm ngươi ăn không?”[17] Tiếc thay A-dam đã trả lời sai mục đích của câu hỏi khi chối bỏ trách nhiệm của ông. Nếu lúc này A-dam thừa nhận đã ăn trái cấm với tấm lòng hết sức ăn năn xin tha thứ, thì chắc mọi chuyện đã khác. Tương tự thế, khi một nhóm các Kinh sư và Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Chúa Giê-su một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình.[18] Họ muốn gài bẩy Người nên ép Người trả lời một câu hỏi ‘lưỡng đao luận’ (trả lời hướng nào cũng bị bắt lỗi) để phân xử vụ việc. Cuối cùng, Ngài đã trả lời họ bằng một câu hỏi: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” Một câu hỏi làm cho người ta phải quay ngược về với sự thật nơi lòng mình [là những con người bất toàn và tội lỗi] và được mời gọi tự chọn lấy cho mình một lời đáp trả trong tự do. Lời đáp trả ấy có thể dẫn ta tới sự sống và cũng có thể dẫn ta đến đánh mất nguồn ơn cứu độ. Sau khi mọi người đã bỏ đá và đi hết, chỉ còn lại một mình Đức Giê-su và người phụ nữ ngoại tình, Ngài lại tiếp tục hỏi: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” Chúa biết rồi mà Ngài vẫn hỏi. Câu hỏi với nhiều chất chứa yêu thương. Câu hỏi giúp cho người phụ nữ xác nhận trong tiếng “không” rằng, chính chị đã được giải phóng, chính chị đã được thứ tha. Chỉ còn một mình Chúa Giê-su là Đấng có thể kết tội, nhưng Ngài cũng tha nốt. Nếu như người phụ nữ trả lời bằng một sự mắng nhiếc và nguyền rủa đám người kia, thì mọi chuyện đã lại khác. Ca-in cũng có cơ hội là được Chúa hỏi để nhìn sâu về lòng mình, nhưng câu trả lời còn tệ hơn cả câu trả lời của A-dam – một lời nói dối trắng trợn với Đức Chúa: “Con không biết.” Thậm chí ông còn đùa cợt: “Con là người giữ em con hay sao?”[19] Có lẽ vì biết thân phận con người dễ sa ngã nên Đức Chúa luôn có những “câu hỏi xót thương” mở đường cho ơn tha thứ và phục hồi nhân phẩm con người.
Chưa dừng lại ở đây, mầm móng tội ác nơi cá nhân lên đến cực điểm khi Ca-in quyết định giết chết em mình.[20] Sự dữ đã làm cho tình nghĩa huynh đệ trở nên tương tàn,[21] tương quan giữa con người và tạo vật không còn được thân thiện như trước “ngươi có canh tác đất đai, nó cũng không cho ngươi hoa màu của nó nữa.” Hơn thế nữa, tình thân giữa con người với Đấng tạo hóa cũng gãy vỡ. Con người trốn tránh giáp mặt với Đức Chúa và bất tuân Ngài. Tội ác cứ mỗi lúc một tăng dần. A-dam và E-va ăn trái cấm, sau đó họ chối từ trách nhiệm, đổ lỗi và kết án nhau; Ca-in giết chết em ông, sau đó nói dối Đức Chúa. Sau này con cháu của Ca-in là La-méc còn tàn ác hơn: vì một vết thương La-méc giết một người, vì một chút sây sát ông đã giết một đứa trẻ. Ông tuyên bố rằng:  “Ca-in sẽ được báo thù gấp bảy, nhưng La-méc thì gấp bảy mươi bảy (nguyên ngữ Hy Lạp: ἑβδομηκοντάκις ἑπτά = bảy mươi lần bảy)!” Sự báo thù quá nhiều và quá man rợ hơn cả mức trả thù Đức Chúa nói cho những kẻ giết Ca-in “Bất cứ ai giết Ca-in sẽ bị trả thù gấp bảy.”(Sau này Đức Giê-su phải mời gọi các môn đệ của Ngài tha thứ “bảy mươi lần bảy.”[22]) Tội ác con người đã lên đến đỉnh điểm với tư cách là tội tập thể trong câu chuyện tháp Ba-ben. Con người đã tự khẳng định danh tiếng của mình bằng cách liên minh lại với nhau và loại bỏ Đức Chúa.[23] Con người tự cho mình quyền “xử lý” tội của người khác liên quan đến sự sống của họ. Không phải cứ ai phạm tội giết người là tức khắc bị xử tử. Con người được dựng nên có phẩm giá cao quý là được mang hình ảnh Thiên Chúa,[24] cho nên duy chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền trên mạng sống của con người.
Mức độ quá nghiêm trọng của tội[25] nơi con người đến độ buộc Thiên Chúa phải can thiệp. Đức Chúa nói với Ca-in: “Từ dưới đất, tiếng máu của em ngươi đang kêu lên Ta!” Mỗi khi Đức Chúa “đã nghe” – “Chính Ta đã nghe thấy tiếng rên siết của con cái Ít-ra-en đang bị người Ai-cập bắt làm nô lệ (Xh 4,5)”, tai Ngài “đã thấu”- Đức Chúa nói với ông Mô-sê khi dân cứ cằn nhằn, lẩm bẩm kêu trách Chúa: “Ta sẽ xử với các ngươi như lời các ngươi kêu thấu tai Ta.” thì Ngài bắt đầu hành động cho dân của Ngài. Những tiếng kêu, than từ dưới đất vọng thấu tai Chúa thường là những tiếng của báo oán hay những lời than trách Chúa về những bất công và nỗi khốn cùng. Điều này cho thấy mức độ quá nghiêm trọng của sự việc mà Ngài không thể làm ngơ được. Tội ác của Ca-in, tiếng của máu A-ben từ dưới đất kêu thấu tai Đức Chúa. Đức Chúa đã hành động, đã phạt Ca-in: ông bị nguyền rủa, đất đai không còn cho hoa màu và ông sẽ lang thang phiêu bạt trên mặt đất. Máu biểu trưng cho sự linh thánh của sự sống, mà sự sống xuất phát từ Thiên Chúa.[26] Đất là nơi cưu mang sự sống của con người, thân phận con người được gắn chặt với đất.[27]Nhưng nay, “tiếng máu” của A-ben kêu lên Đức Chúa từ đất không còn là tiếng của sự sống mà là tiếng của báo oán, của đòi nợ máu. Đất đã trở nên mâu thuẫn với con người [Ca-in] nên đất không còn sản sinh ra hoa màu nữa. Tội làm tắt nghẽn nguồn sống mà Thiên Chúa đã ban cho con người từ thuở ban đầu.
Nhưng Thiên Chúa vẫn còn tỏ lòng từ bi thương xót. Ngài giận thì giận trong giây lát, nhưng yêu thương thì yêu thương suốt cả đời.[28]Ngài đã ghi dấu trên Ca-in và ra án phạt cho những ai gây hại đến ông. Dấu này là dấu của giảm nhẹ tội và đặt ông ta trong sự quan phòng của Ngài.[29]Dấu ấy là một thứ ấn tín cho thấy Thiên Chúa vẫn yêu thương Ca-in và bảo vệ mạng sống của ông cho dù ông đã phạm tội. Ca-in đi về hướng đông của vườn Ê-den, là hướng của mặt trời, hướng của niềm hy vọng và hướng của sự sống.
Khi nói đến tội giết người thì dù cho chỉ là trong cảm thức hay cả trong luật pháp quy định thì ta luôn nhận thấy tính nghiêm trọng của nó. Vì sự sống là điều cao quý và thánh thiêng nhất được ban cho con người. Cho nên, việc tước đoạt mạng sống luôn là điều man rợ và khủng khiếp, mặc dù điều đó có thể ẩn tàng dưới nhiều hình thức mà ta khó ý thức được tính nghiêm trọng của nó. Tuy nhiên, tội ác không chỉ là một hành vi tức thời, nhưng nó còn là cả một tiến trình lâu dài và có những mầm móng tinh vi từ cõi lòng của con người. Đức Giê-su cũng đã đề cập đến điều này khi nói, tội ác không phải là cái ngoài vào nhưng là những gì từ trong xuất ra.[30] Ngược lại, Ngài cũng để ý đến tấm lòng thành của con người hơn là những gì bề ngoài.[31]Nếu sự ác không được hòa giải cách kịp thời thì tiến trình này sẽ mỗi lúc một lộ ra rõ nét, tương ứng với mức độ nghiêm trọng về hậu quả của nó (từ ý định đến lời nói và hành động). Việc “Thiên Chúa kết án” có thể được nhìn trong lối nhìn của quy luật nhân quả mà con người ngày nay thường nhìn nhận: “gieo gió ắt gặp bảo” hay “cha ăn mặn con khát nước”. Tuy nhiên, ta cũng có thể hiểu điều đó như là một tiến trình nội tâm. Những cuộc chiến liên lỉ giữa chọn lựa sự thiện và sự dữ; những nỗi cắn xé hay dằn vặt của lương tâm khi một ai sa ngã trong tội. Cuối cùng, nếu ta nhìn nó với con mắt siêu nhiên của đức tin, ta nhận ra sự can thiệp của Thiên Chúa, để ngăn chặn sự lây lan của hậu quả, để phục hồi con người và để tỏ tình thương cứu độ. Hiểu được điều này, ta biết được rằng, mọi người đều có thể và hãy ngăn chặn sự lan truyền của tội ngay từ trong trứng nước. Mỗi người đều có một nguy cơ phạm tội và một cơ hội để hoán cải. Khi phạm tội con người tự đánh mất nguồn ân sủng dồi dào của sự sống, xa rời Thiên Chúa, làm tổn thương tương quan đồng loại và các thụ tạo. Tuy nhiên, Thiên Chúa thì giàu lòng thương xót, luôn cho ta có những cơ hội để bắt đầu lại và tìm nhiều cách để phục hồi ta. Vì thế, ta cũng hãy đặt mình trong niềm hy vọng và tin cậy, đồng thời chính ta cũng nên tạo cơ hội cho anh chị em có được niềm hy vọng và sự tin cậy ấy.
[1] New Bible Commantary 21st Century Edition, Genesis – Authorship, (tr…)
[2] St 3,23.
[3] Đây là cách hiểu của anh em Tin Lành.
[4] St 3.
[5] Rm 5,12.
[6] St 3,12.
[7] The International Bible Commentary (tr.364-365): Sự nóng giận và lòng ghen tỵ của Ca-in đã không được kiểm soát đã trở nên sự dữ vì danh dự.
[8] St 4,7.
[9] Et 9,6.
[10] Ac 4,13-16.
[11] G 11,13-15.
[12] New Bible Commentary 21st Century Edition, Cain and Abel: Tội bắt đầu từ một cái gì đó đơn giản “chúng mình ra ngoài đồng đi”, nhưng sau đó là một cái gì hệ trọng “giết A-ben.”
[13] Lc 7,45.
[14] St 27,26.
[15] Lc 22,47-48.
[16] Ignatius Loyola, Linh Thao, số 332.
[17] St 3,11.
[18] Ga 8,1-11.
[19] New Bible Commentary 21st Century Edition, Cain and Abel (tr…).
[20] The Harper Collins Bible Commentary (tr.87): Tội của Ca-in lập lại tội của bố mẹ – muốn nên “giống Chúa”, nghĩa là có quyền quyết định trên sự sống con người.
[21] The New Bible Commentary 21st Century: Nếu tội của E-va là tội đầu tiên phạm đến Thiên Chúa, thì tội Ca-in là tội thứ hai phạm đến con người. Đây là hai chiều kích của tội.
[22] Mt 18,22.
[23] St 11,1-9.
[24] St 1,27.
[25] New Bible Commentary 21st Century Edition: Tội của Ca-in phá hủy tương quan giữa anh em với nhau. Ca-in giết A-ben phạm tội nặng hơn tội của A-dam ăn trái cấm (tr…).
[26] St 9,5-6.
[27] St 2,7.
[28] TV 30,6.
[29] The Oxford Bible Commentary (tr. 44-45) và The Harper Collins Bible Commentary (tr.87). Trong The International Bible Commentary: dấu Thiên Chúa tỏ lòng thương xót tột cùng khi cho phép Ca-in có một sự khởi đầu mới. Còn trong The New Jerome Bible Commentary: tội ác của con người nỗi dậy chống lại Thiên Chúa và chống lại nhau. Thiên Chúa ra hình phạt thì công chính nhưng phạt tội thì lại xót thương.
[30] Mt 15,15-20.
[31] Mt 9,13.
Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...