Đời sống của Đức Trinh Nữ Maria trước biến cố Truyền Tin


Đời sống của Đức Trinh Nữ Maria trước biến cố Truyền Tin


 
Đời sống của Đức Maria như thế nào trước khi xảy ra cuộc Truyền tin ?
Đức Maria là một trong  ba nhân vật tiêu biểu của trong Mùa
vọng(Isaia, Gioan Tẩy Giả). Nhân dịp này và nhất là dịp lễ Đức
Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, ta cùng đọc lại biến cố
Truyền Tin trong Lc 1,26-38, mà từ đó đưa đến biến cố Con Thiên Chúa Nhập thể làm người.
VHL
Đời sống của Đức Maria như thế nào trước khi sứ thần Gabriel hiện ra với ngài ?
Những năm tháng đầu đời của Đức Maria được ẩn giấu trong mầu nhiệm. Kinh Thánh không nói với chúng ta nhiều về sự có mặt của ngài trước biến cố Truyền Tin. Tuy nhiên, có một vài chi tiết mà Tin Mừng Luca cung cấp cho phép chúng ta ít nhất nắm bắt được một vài ý niệm dù là mơ hồ về đời sống của Đức Maria trước ngày quyết liệt ngài trở thành mẹ của Đấng Mêsia.
Trong loạt bài mới mẻ này, chúng ta sẽ khám phá xem Kinh Thánh nói gì với chúng ta về Đức Trinh Nữ Maria. Đức Maria là ai ? Đời sống của ngài như thế nào ? Đâu là vai trò của ngài trong sứ mạng của Người Con của ngài ? Và làm thế nào mà ngài có thể tiếp tục nắm giữ một vai trò quan trọng trong đời sống chúng ta hôm nay ? Trong khi chúng ta có thể tiếp cận trên một số vấn nạn thuộc lãnh vực minh giáo và những vấn đề đạo lý dọc theo nẻo đường này, thì mục tiêu của tôi đơn giản chỉ là đào bới các dữ liệu Kinh Thánh nói về Đức Maria để chúng ta có thể đi đến việc nhận biết và yêu mến ngài hơn nhờ Kinh Thánh.
Chẳng thấy Nadarét ở đâu cả : Một chọn lựa đầy kinh ngạc
Cứ coi như những gì chúng ta có thể học biết về đời sống tiền-truyền tin của Đức Maria trong những câu sau đây : “Bà Êlisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria” (Lc 1,26-27).
Phải thừa nhận rằng ở đây chúng ta chẳng có một bức hoạ nào về những năm tháng trước biến cố truyền tin của Đức Maria, nhưng ít nhất có ba yếu tố quan trọng rất đáng giá giúp chúng ta có thể bung mở tất cả.
Yếu tố đầu tiên chúng ta khám phá ra nơi Đức Maria là ngài cư ngụ tại “một thành miền Galilê, gọi là Nadarét”. Chi tiết địa lý nhỏ bé này quan trọng vì Nadarét là một nơi gần như vô danh để khởi sự cho một kỷ nguyên Mêsia. Nadarét là một ngôi làng nhỏ bé, hẻo lánh, sống nhờ nông nghiệp thuộc miền Galilê. Xa trung tâm xã hội-tôn giáo là Đền thờ Giêrusalem, Nadarét chỉ có vài trăm cư dân và đường đi không nối trực tiếp với bất cứ trục lộ thương mại chính yếu nào. Hơn nữa, không có lời ngôn sứ nào minh nhiên nói về Nadarét theo truyền thống Do Thái, và thậm chí Cựu Ước không bao giờ có những đề cập đến ngôi làng này.
Sự kiện Đức Giêsu xuất thân từ Nadarét sẽ gây phiền phức cho Người sau này trong sứ vụ công khai của Người. Lời nói nổi tiếng của Nathanaen, “Từ Nadarét Có gì hay đâu?” (Ga 1,46), chứng tỏ ít nhất có một số người Do-thái đánh giá khá thấp Nadarét. Trong thế giới Do thái vào thế kỷ đầu, Nadarét có lẽ sẽ không đứng vào hàng “top ten” của những ứng cử viên thích hợp cho quê hương của Đấng Mêsia. Thế mà Thiên Chúa đã chọn một phụ nữ xuất thân từ một ngôi làng thấp kém ấy để trở thành mẹ của Đấng Mêsia là điều khá lạ lùng.
Từ Giacaria đến Đức Maria
Kiểu chọn lựa gây ngạc nhiên của Thiên Chúa trở nên rõ ràng hơn khi chúng ta xem xét  cách thức Tin Mừng Luca đặt biến cố truyền tin của sứ thần Gabriel cho Đức Maria tương tự với sự kiện truyền tin của sứ thần cho ông Gacaria, cha của Gioan Tẩy Giả, trong hoạt cảnh trước. Trước hết, Luca kể cho chúng ta rằng cuộc truyền tin của sứ thần cho ông Giacaria xảy ra trong một thành phố lớn là Giêrusalem và nằm ngay tại trung tâm tôn giáo của Israen là Đền thờ. Ngược lại, biến cố truyền tin của sứ thần Gabriel cho Đức Maria lại xảy ra trong một ngôi làng Nadarét nhỏ bé, vô danh, và Luca thậm chí không đề cập đến khung cảnh trong đó cuộc truyền tin này diễn ra. Kế đến, cuộc truyền tin thứ nhất của sứ thần Gabriel được thực hiện cho một vị tư tế đáng kính, đang thay mặt cho toàn khối đông dân Do thái giữa một cuộc cử hành phụng vụ trong Đền thờ, trong khi cuộc truyền tin thứ hai lại được thực hiện cho một phụ nữ vô danh, cách minh nhiên giữa cuộc sống thường ngày. Sau cùng, cuộc truyền tin cho Gacaria mang khía cạnh công khai, khi dân chúng nhận biết rằng vị tư tế của họ đã có một thị kiến (1,10.21-22), trong khi cuộc truyền tin cho Đức Maria dường như thoát ra khỏi sự chú ý của mọi người quanh ngài-mặc dù ngài vừa mới nhận được một lời loan báo rất quan trọng của sứ thần trong lịch sử cứu độ!
Trong cuốn Theotokos của ngài, ĐGH Gioan Phaolô II đã cho thấy làm thế nào sự tương phản giữa hai cuộc truyền tin này nhấn mạnh đến bản chất lạ thường của sự can thiệp của Thiên Chúa trong cuộc đời của Đức Maria. “Trong trường hợp của Trinh nữ, hành động của Thiên Chúa chắc chắn gây ngạc nhiên. Đức Maria không có ai để truyên bố là ngài đang tiếp nhận lời loan báo Đấng Mêsia đang đến. Ngài không phải là một thượng tế, một quan chức thuộc Do thái giáo, ngay cả không phải là một người nam, nhưng chỉ là một phụ nữ chẳng có một ảnh hưởng nào trong xã hội vào thời ấy. Thêm vào đó, ngài lại là một người bản xứ Nadarét, một ngôi làng chưa bao giờ được nói đến trong Kinh Thánh.” Bằng việc nhấn mạnh trên địa vị thấp hèn của Maria tương phản với địa vị cao trọng của Giacaria là một tư tế, “Luca nhấn mạnh rằng mọi sự nơi Đức Maria phát xuất từ một ơn cao trọng. Tất cả được ban cho ngài hoàn toàn không do một yêu sách công trạng, nhưng chỉ là sự tuyển chọn tự do và nhưng không của Thiên Chúa (tr.88-89).
Như thế, Đức Maria đang đứng trong truyền thống Kinh thánh về việc Thiên Chúa tuyển chọn những người mà chúng ta ít chờ đợi nhất để đóng một vai trò hết sức khó khăn trong chương trình cứu độ của Người. Thật đáng ngạc nhiên khi Thiên Chúa tuyển chọn một người nam là ông Môsê yếu kém trong lời ăn tiếng nói và không có một bảo đảm nào về khả năng lãnh đạo đưa dân ra khỏi tình trạng nô lệ tại Ai cập, và thật bất ngờ từ trong tất cả con cái của ông Giêsê, Ngài đã chọn chú bé trẻ tuổi nhất là Đavít, trở thành vị vua kế tục của Israen. Cũng thế, Thiên Chúa đã tuyển chọn từ giữa tất cả những người trong xã hội vào thế kỷ đầu không phải một phụ nữ xuất thân từ tầng lớp quý tộc Do-thái, cũng không phải là con gái của một vị Thượng tế tại Giêrusalem, hay là vợ của một luật sĩ nổi tiếng, một người biệt phái, hay người Pharisêu, nhưng lại là một trinh nữ vô danh tên là Maria xuất thân từ một ngôi làng nhỏ bé Nadarét để trở thành mẹ của Đấng Mêsia-Đức Vua mà dân Israen đã mong chờ bao đời.
Đính hôn
Yếu tố thứ hai chúng ta học biết về Đức Maria là ngài là “một trinh nữ” đã “đính hôn.” Điều này nói với chúng ta ba điểm quan trọng về Đức Maria. Trước hết, vì những phụ nữ Do-thái đã đính hôn thường là ở độ tuổi 13, có lẽ Đức Maria còn rất trẻ khi ngài đón nhận sứ điệp hết sức nặng ký này từ sứ thần Gabriel mời gọi ngài phục vụ trong tư cách là mẹ Đấng Mêsia.
Kế đến, là một phụ nữ đã đính hôn, Đức Maria đã lấy (lập gia đình) Giuse một cách hợp pháp, nhưng vẫn còn sống với gia đình của mình. Ơ đây chúng ta thấy việc đính hôn người Do-thái không giống như khái niệm hứa hôn (engagement) hiện nay của chúng ta. Đính hôn là bước đầu tiên trong một tiến trình hôn nhân có hai-giai đoạn. Vào giai đoạn đính hôn (betrothal), Đức Maria và Giuse trao đổi lời ưng thuận cưới nhau của họ trước những nhân chứng, và điều này khiến họ đã lấy nhau một cách hợp pháp rồi. Tuy nhiên, vì là một người vợ đã đính hôn, Đức Maria vẫn còn đang sống với gia đình mình cách xa khỏi người chồng tới một năm cho tới bước thứ hai của cuộc hôn nhân diễn ra. Trong bước thứ hai này, người chồng sẽ đưa vợ về nhà mình để bắt đầu một cuộc sống hôn nhân bình thường. Vì thế, khi sứ thần Gabriel hiện ra với ngài, khi Đức Maria đang sống giữa hai giai đoạn của cuộc hôn nhân này. Ngài đã là vợ của Giuse, nhưng chưa ăn ở với ông.
Điểm thứ ba là theo phong tục hôn nhân của người Do-thái, các tương quan phái tính sẽ không diễn ra cho tới giai đoạn thứ hai của cuộc hôn nhân. Như thế, vì Đức Maria là một phụ nữ đã đính hôn và chưa sống với chồng mình, nên sẽ không có gì ngạc nhiên khi nói ngài là một “trinh nữ” (1,27).
Nhà Đavít
Yếu tố thứ ba và có lẽ là yếu tố gây ấn tượng mạnh nhất về Đức Maria là ngay từ chương mở đầu của Tin Mừng Luca là bà đã đính hôn “với một người đàn ông tên là Giuse thuộc nhà Đavít”(1,27). Mặc dù Kinh Thánh không rõ ràng về tổ tiên của Đức Maria (các nhà thần học tranh cãi liệu ngài cũng thuộc nhà Đavít hay không), nhưng cuộc đính hôn của ngài với Giuse nối kết ngài với dòng tộc Đavít. Điều này có mối liên hệ quan trọng đối với Đức Maria. Nó nói với chúng ta rằng Đức Maria không phải là thành phần của bất cứ gia đình bình thường nào, nhưng thuộc hoàng gia. Thật vậy, “nhà Đavít” là một gia đình nổi tiếng nhất trong lịch sử Israen. Các tiền nhân của Đavít đã cai trị  dân Do-thái nhiều thế kỷ trong những ngày tháng vinh quang của Vương quốc Giuđa. Và Thiên Chúa đã hứa với Đavít rằng nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta ; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi (2 Sm 7,13.16).
          
Tuy nhiên, trong thế giới vào thời Đức Maria và Giuse vào thế kỷ thứ nhất, triều đại Đavít dường như đang nằm bất động hàng bao thế kỷ khi mà một dân tộc ngoại bang sau đó đã đặt sự thống trị trên người Do-thái. Thực ra, không có vị vua thuộc dòng dõi Đavít nào ngự trên ngai kể từ năm 586 tr CG, và người Rôma là những thế lực ngoại bang cuối cùng  kiểm soát miền đất này. Như thế, đối với Maria, là thành phần của “nhà Đavít”, đã không mang đặc ân, vinh sự và quyền bính mà nó đã thi hành trong những ngày tháng các vị vua vĩ đại xưa kia. Đức Maria có thể đã lập gia đình  với một người đàn ông có huyết thống hoàng tộc của các vị vua thộc nhà Đavít, nhưng chồng của nàng trị vì như một hoàng tử trong cung điện tại Giêrusalem. Thay vào đó, ông làm việc như một người thợ mộc khiêm tốn, sống một cuộc sống thầm lặng, một cuộc sống rất bình thường trong một ngôi làng tăm tối Nadarét.
          
Xét bề ngoài, hình như không có bất cứ một sự lạ thường nào nơi Đức Maria. Ngài là một phụ nữ trẻ đã đính hôn với một người đàn ông thuộc nhà Đavít, nhưng ngài sống một cuộc sống tưởng như rất bình thường trong một ngôi làng nhỏ bé, tầm thường Nadarét.
“Đầy ân sủng”
Tuy nhiên, có nhiều điều đang vận hành trong Maria hơn là những gì mắt phàm thấy được. Tin Mừng Luca cung cấp thêm một chi tiết cho thấy làm thế nào bên dưới những gì tỏ hiện ra là một cuộc sống bình thường, nơi đó Thiên Chúa đang thực hiện điều gì đó gây kinh ngạc ghê gớm trong tâm hồn Đức Maria – điều đó chưa bao giờ được thực hiện trước đây trong lịch sử gia đình nhân loại. Cần phải xem xét những lời nói đầu tiên của sứ thần Gabriel nói với Maria : "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà." (Lc 1,28)
“Đầy ân sủng”. Đối với nhiều người Công giáo chúng ta thường xuyên trích dẫn những lời này của sứ thần Gabriel trong kinh Kính mừng, diễn ngữ “đầy ân sủng” có thể quá quen thuộc đến nỗi chúng ta có thể không nắm bắt hết được ý nghĩa sâu xa của cụm từ này. Đây không phải là một lời chào hỏi bình thường. Thật ra, không có ai trong lịch sử cứu độ trước đây đã từng được như thế này. Và cần lưu ý rằng sứ thần không nói “Mừng vui lên, cô Maria, đầy ân sủng.” Sứ thần không gọi bằng tên riêng của ngài, nhưng với một tước hiệu là “đầy ân sủng.” Một số học giả Kinh Thánh như Joel Green, trong cuốn sách chú giải của ông mang tên Tin Mừng Luca, cho thấy rằng, dường như Đức Maria đang được ban cho một danh xưng mới. Đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II, khi suy tư về đoạn này trong cuốn Theotokos, đã nói “đầy ân sủng" là "cái tên Đức Maria sở hữu được trong đôi mắt của Thiên Chúa” (tr. 88): Theo phong tục của người Sêmít, cái tên diễn tả thực tại của con người và sự vật mà nó quy chiếu đến. Kết quả là, tước hiệu ‘đầy ân sủng’ cho thấy chiều kích thẳm sâu nhất của phẩm tính của người phụ nữ trẻ Nadarét : được tạo hình bởi ân sủng và là đối tượng của ân huệ thần linh đến một điểm nhắm là ngài được xác định bởi tình thương đặc biệt này. (p. 90)
Nhưng tước hiệu lạ thường này có ý nghĩa gì ? Thông thường từ Hy-lạp trong đoạn này đã được dịch là “đầy ân sủng” là kecharitomene. Từ này ở hình thức quá khứ phân từ hoàn thành (past perfect participle), muốn nói đến một hành động đã bắt đầu trong quá khứ và còn tiếp tục trong hiện tại. Theo nghĩa đen, nó có thể được dịch là “ngài đã là và còn tiếp tục trở thành ân sủng”. Thật ra, cùng một động từ được dùng trong Ep 1,6-7 để mô tả không chỉ là ân sủng theo nghĩa chung chung là ân huệ của Thiên Chúa đang đổ xuống trên ai đó, nhưng là một loại ân huệ đặc biệt của Thiên Chúa được liên kết với ơn tha tội và ơn cứu độ. Vì thế, y như thể sứ thần nói với Maria là, “Kính chào bà, bà đã là và còn tiếp tục trở thành ân sủng…kính chào bà, bà là đấng đã lãnh nhận ơn tha tội và ơn cứu độ của Thiên Chúa rồi.”
Người ta có thể hiểu rõ giá trị là tại sao nhiều người đã quy câu này cho việc hỗ trợ của Kinh thánh đối với đạo lý của người Công giáo về tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội – niềm tin cho rằng Đức Maria đã được thụ thai trong tình trạng đầy ân sủng và không hề nhuốn màu sắc của tội nguyên tổ. Thật vậy, câu này cho thấy rằng Đức Maria đã có sự tác động của ân sủng trong cuộc sống của ngài rồi trước hoạt cảnh Truyền tin. Mặt khác, chắc chắn trong khi không sử dụng như là “bản văn chứng cớ (proof-text)” cuối cùng cho tín điều VNNT, rõ ràng Tin Mừng Luca cho thấy rằng Đức Maria đã nhận lãnh ơn tha tội và ơn cứu độ rồi trước khi sứ thần hiện ra cho ngài.
Vì thế, những lời của sứ thần Gabriel mạc khải khía cạnh có ý nghĩa nhất trong cuộc sống đầu đời của Đức Maria. Xét bên ngoài, Đức Maria có thể chỉ là một phụ nữ trẻ, đã đính hôn, đang cư ngụ tại một nơi vô danh là Nadarét. Nhưng dường như ngay giữa một cuộc đời rất bình dị này, Thiên Chúa đã làm cho sự “đầy ân sủng” của ngài như Người đã chuẩn bị cách âm thầm cho ngài sứ vụ quan trọng nhất mà trong lịch sử thế giới bất cứ phụ nữ nào cũng đều ấp ủ: trở thành Mẹ Thiên Chúa.
Edward P. Sri
Trong Lay Witness Magazine, Jan/Feb 2007
Lm Antôn Vũ Hữu Lệ, OFM, chuyển dịch
Nguồn: kinhthanh.org
Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...