Kinh Thánh và Luân Lý


Kinh Thánh và Luân Lý
TSTH số 61, tháng 8/2013, trang 73-92

“Kinh thánh và luân lý” là tựa đề của một văn kiện của Ủy ban Giáo hoàng về Kinh thánh, được xuất bản năm 2008. Sau khi trình bày lịch sử vấn đề (Nhập đề), chúng tôi sẽ tóm tắt nội dung của văn kiện gồm hai phần chính, và đưa ra vài nhận xét trong phần kết luận.

Nhập đề

Mối tương quan giữa Kinh thánh và luân lý có thể được bàn dưới nhiều khía cạnh: khía cạnh lịch sử, khía cạnh lý thuyết, khía cạnh thực hành.

1/ Dưới khía cạnh lịch sử, có thể đặt câu hỏi như thế này: quan điểm của Kinh thánh về luân lý như thế nào? Thế rồi người ta sẽ lần lượt rảo qua các giai đoạn của lịch sử Israel để trình bày sự tiến triển trong Cựu ước (a/ trước thời quân chủ; b/ thời quân chủ;

c/ các ngôn sứ; d/ thời lưu đày; e/ sau thời lưu đày) cũng như những luồng tư tưởng nổi bật (Torah; Đệ-nhị-luật; Các nhà hiền triết). Một cách tương tự như vậy, trong Tân ước, người ta lần lượt tìm hiểu quan điểm luân lý của Đức Giê-su Nazareth với những chủ đề nổi bật (Nước Thiên Chúa; Hoàn tất lề luật; giới răn yêu thương; trở nên môn đệ), thánh Phaolô (đời sống trong Thánh Linh; Tự do và lề luật; con người mới). Một thí dụ của lối tiếp cận này có thể nhận thấy nơi cuốn Nuovo Dizionario di Teologia Morale[1] (Từ điển thần học luân lý) xuất bản bên Ý. Không nói ai cũng đoán được, phương pháp này không dễ áp dụng, bởi vì một đàng, các bản văn của Kinh thánh hiện nay đã được viết đi viết lại nhiều lần (Ngũ thư không phản ánh hoàn toàn trung thực thời buổi ông Mosê), đàng khác mỗi học giả có khuynh hướng dừng lại ở vài tư tưởng then chốt (chẳng hạn như: giao ước) và bỏ qua những tư tưởng khác.

2/ Dưới khía cạnh lý thuyết, khi bàn về phương pháp giảng dạy thần học, công đồng Vaticanô II đã muốn rằng Kinh thánh phải là linh hồn của thần học nói chung (Hiến chế tín lý về Mạc khải, số 24), và điều này cũng cần được áp dụng cho thần học luân lý (Sắc lệnh về việc đào tạo linh mục, số 16)[2].

Để hiểu lý do của lời nhắc nhở này, thiết tưởng cần phải đi lùi lại lịch sử thần học. Vào thời các giáo phụ và các nhà thần học thế kỷ XIII (điển hình nơi thánh Tôma Aquinô), thần học luân lý luôn được liên kết với nền tảng Kinh thánh và tín lý. Thậm chí các nhà chú giải còn xếp “nghĩa luân lý” như là một trong bốn chiều kích của Kinh thánh[3]. Thế nhưng từ thế kỷ XVII, thần học luân lý mang tính cách thực dụng (nghĩa là tìm cách giải các “nố lương tâm”), và làm mất tính hệ thống của nó[4]. Sang thế kỷ XX, người ta tìm cách xây dựng một khoa luân lý theo phương pháp khoa học có hệ thống. Từ đó vấn đề “nền tảng” được đặt ra. Thần học luân lý cần đặt nền trên Thánh kinh và Thánh truyền[5]. Tuy nhiên nhiều câu hỏi đã sớm nảy lên, chẳng hạn như:

- Phải đọc Kinh thánh như thế nào? Có nên hiểu theo chữ đen không? Nếu như vậy thì phải giải thích thế nào về những quy luật tương phản ngay trong Kinh thánh? Rồi còn phải nói gì về những quy luật đã lỗi thời và chính Giáo hội đã gạt sang một bên? Những quy luật ấy còn ý nghĩa gì nữa không?

- Ngày nay, chúng ta gặp nhiều vấn đề chưa được đặt ra cách đây 20 thế kỷ. Có thể tìm được lời giải đáp trong Kinh thánh cho các vấn đề ấy hay không?

- Nói cho cùng, trọng tâm của Kinh thánh là kerygma (loan báo Tin mừng cứu độ), hay Kinh thánh cũng bao hàm các quy tắc luân lý nữa? Làm thế nào để biết cái gì là trọng tâm, cái gì là thứ yếu? Làm thế nào biết được cái gì có giá trị mãi mãi, cái gì chịu lệ thuộc vào văn hóa một thời?

3/ Hai khía cạnh vừa rồi xem ra chỉ liên quan đến môi trường học thuật. Người tín hữu thông thường sẽ đặt câu hỏi cách khác: tôi có cần phải mở Kinh thánh để tìm những giải đáp cho các vấn đề luân lý gặp thấy hằng ngày không? Trên thực tế, có lẽ ít người tín hữu nghiền ngẫm Kinh thánh để tìm ra đường hướng cho các hành động, bởi vì họ nghĩ rằng Kinh thánh chứa đựng các đạo lý đức tin, hơn là các điều luật thực hành. Muốn hiểu biết các nghĩa vụ luân lý, các tín hữu sẽ truy tầm các sách giáo lý, giáo luật, hơn là Kinh thánh. Họa chăng, những ai muốn sống lý tưởng cao thượng thì mới suy niệm Bài giảng trên núi, hoặc Bài giảng ở nhà Tiệc ly của Đức Giêsu. Đó là nói đến những tín hữu “còn có lòng tin”, bởi vì ngày nay nhiều người thích sống tự do, không muốn bị ràng buộc bởi các quy luật nào ở bên ngoài.

Để trả lời cho các câu hỏi này, Ủy ban Giáo hoàng về Kinh thánh đã xuất bản một văn kiện tựa đề “Kinh thánh và luân lý. Những cội rễ Thánh kinh cho người Kitô hữu hành động” người Kitô hữu[6]mà chúng tôi muốn giởi thiệu trong bài này.


Văn kiện “Kinh thánh và luân lý

Trước đây, Ủy ban Giáo hoàng Kinh thánh đã đề cập vấn đề này trong văn kiện “Việc giải thích Kinh thánh trong Giáo hội” (15/4/1993). Ở phần cuối (III.D.3), khi bàn đến việc áp dụng các việc chú giải vào các ngành thần học, văn kiện đã viết như sau:
Bên cạnh những câu chuyện liên quan đến lịch sử cứu độ, Kinh thánh cũng liên kết nối nhiều huấn dụ về cách ăn nết ở - những mệnh lệnh, cấm giới, lệnh truyền, các lời khuyên răn và tố cáo của các ngôn sứ, các lời bàn của các bậc khôn ngoan, vân vân. Một trong những vai trò của khoa chú giải là chuẩn bị công tác cho thần học luân lý bằng cách xác định ý nghĩa của những tài liệu phong phú này.

Công việc này không đơn giản, bởi vì thường các bản văn Kinh thánh không quan tâm phân biệt những nguyên tắc luân lý phổ quát, những quy định thuộc về sự tinh sạch của lễ nghi và những lề luật pháp lý. Tất cả đều trộn lẫn với nhau. Mặt khác, Kinh thánh phản ánh một sự tiến triển luân lý, đạt tới sự hoàn tất trong Tân ước. Vì thế không phải bất kỳ quan điểm nào về luân lý của Cựu ước (chẳng hạn như: tục nô lệ hoặc ly dị, việc tru diệt địch quân sau chiến thắng) cũng đều có giá trị. Cần thiết phải phân định, dựa trên sự tiến triển của ý thức luân lý. Các bản văn Cựu ước chứa đựng vài yếu tố còn “bất toàn và tạm thời” (Dei Verbum 15), mà đường lối sư phạm của Thiên Chúa không diệt bỏ ngay lập tức. Ngay cả Tân ước cũng có nhiều đoạn không dễ giải thích trong lãnh vực luân lý, bởi vì nó thường sử dụng nhiều hình ảnh mang tính tương phản và thậm chí khiêu khích; ngoài ra tương quan của các Kitô hữu đối với luật Do thái đang còn tranh luận gắt gao.

Vì thế các nhà luân lý có lý do để đặt ra cho các nhà chú giải nhiều câu hỏi quan trọng thúc đẩy họ tìm kiếm. Một điều đã xảy ra hơn một lần là nhà chú giải trả lời: không có bản văn nào đã đụng đến câu hỏi được đặt lên. Dù vậy, xét trong toàn bộ chứng tích của Kinh thánh, thì có thể tìm ra một hướng đi sâu sắc. Về những điểm quan trọng, luân lý của Thập điều vẫn là cơ bản. Cựu ước đã chứa đựng những nguyên tắc và giá trị hướng dẫn hành động phù hợp với nhân vị, được tạo dựng “theo hình ảnh Thiên Chúa” (St 1,27). Tân ước mang thêm ánh sáng cho những nguyên tắc và giá trị ấy nhờ mạc khải về tình yêu Thiên Chúa trong Đức Kitô.
Những nét phác thảo trên đây được khai triển trong văn kiện “Kinh thánh và luân lý”. Đề tài được gợi lên từ năm 2002 do vị Chủ tịch Ủy ban Kinh thánh thời ấy là đức hồng y Joseph Ratzinger. Văn kiện viết bằng tiếng Ý được biểu quyết trong phiên họp khoáng đại thường niên từ ngày 16 đến 20 tháng 4 năm 2007. Vị thư ký của ủy ban, cha Klemens Stock S.J., cho biết rằng sau khi bản văn được toàn thể Ủy ban (gồm 19 thành viên) biểu quyết chấp thuận, còn được giao cho các chuyên viên để sửa văn rồi mới đệ lên “cấp trên” (Hồng y William Levada, Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin kiêm Chủ tịch ủy ban) duyệt y. Văn kiện được phát hành vào lễ Hiện xuống ngày 11/5/2008, dưới hình thức một tập sách, dày 238 trang. Trang đầu tiên được dành cho bản văn của Thập điều (Xh 20,2-17) và các chân phúc (Mt 5,3-12), tượng trưng cho luân lý của Cựu ước và Tân ước.

Sau lời dẫn của hồng y Levada, và “Nhập đề” (số 1-6) giải thích những mục tiêu của tài liệu, tài liệu được chia làm hai phần. Phần thứ nhất mang tựa đề là “Một nền luân lý mạc khải: quà tặng của Thiên Chúa và sự đáp trả của con người” (số 7-91), trình bày những nét chính của luân lý Kinh thánh. Tựa đề của phần thứ hai là “Vài tiêu chuẩn Kinh thánh để suy tư về luân lý” (số 92-154), trình bày vài nguyên tắc trong Kinh thánh có thể giúp tìm ra những giải pháp cho các vấn đề luân lý thời nay. Kết luận (số 155-160) tóm lại chủ đề của văn kiện, nêu bật rằng luân lý mạc khải được nhìn từ phía Thiên Chúa trước khi nhìn về phía con người.

Thực ra, ngay từ những lời dẫn nhập, văn kiện đã muốn sửa lại quan điểm thông thường về luân lý. Thực vậy, người ta thường nghĩ tới luân lý như là một mớ những điều truyền khiến hoặc lệnh cấm, đặt ra những quy luật, nghĩa vụ, ngăn cấm. Hậu nhiên, Thiên Chúa được nhìn như một nhà độc tài khống chế. Không phải thế, luân lý cần được nhìn trong viễn tượng của hạnh phúc là điều mà thâm tâm con người luôn khao khát. Thiên Chúa muốn cho con người được hạnh phúc, và chỉ cho con người những phương thế để đạt tới hạnh phúc.



. Phần thứ nhất: Luân lý mạc khải


Kinh thánh hàm chứa một nền “luân lý mạc khải”, nghĩa là một nền luân lý không tùy thuộc vào lý luận của con người, nhưng đặt nền trên mạc khải Thiên Chúa.Trong mạc khải này có ba dữ kiện làm nền tảng cho những hành động của các Kitô hữu. Thứ nhất, có một quà tặng của Thiên Chúa, và con người cần phải đón nhận quà tặng này. Thứ hai, Thiên Chúa bày tỏ lòng nhân lành không những qua quà tặng (dono) và còn qua sự tha thứ nữa (perdono). Thứ ba, chân trời hành động của con người không chỉ giới hạn vào đời sống trên đời này, nhưng còn mở rộng đến sự thông hiệp vĩnh cửu vào sự sống Thiên Chúa (số 7).

Trong Kinh thánh chúng ta gặp thấy ba quà tặng lớn lao của Thiên Chúa. Những quà tặng này mang theo những nền tảng cho hành động của con người. Càng nhận thức sự cao cả và phong phú của những quà tặng, ta càng hiểu rõ động lực của hành động ngay chính. Những quy tắc hành động không được áp đặt tự bên ngoài, nhưng đã được gói ghém trong chính quà tặng.
Đặc biệt Kinh thánh nói đến ba quà tặng của Thiên Chúa[7]:

1) Thứ nhất là sự tạo dựng, quà tặng nguyên khởi và nền tảng. Kinh thánh tuyên xưng rằng Thiên Chúa là Đấng Tạo dựng trời đất. Quà tặng mà Tạo hóa ban cho con người là Ngài đã dựng nên con người theo giống hình ảnh của mình (St 1,26). Quà tặng này mang theo sáu ân huệ: lý trí có khả năng hiểu biết, tự do có khả năng quyết định, chức vụ lãnh đạo thế giới, khả năng bắt chước Thiên Chúa trong hành động, phẩm giá nhân vị sống có tương quan, đời sống thánh thiện. Những ân huệ này mang theo những quy tắc cho hành động ngay chính.

2) Thiên Chúa còn bày tỏ lòng nhân hậu qua việc tuyển chọn dân Israel và ban cho họ giao ước. Cựu ước nói đến nhiều giao ước (với ông Noe, Abraham, Mosê, Đavid), nhưng quan trọng nhất là giao ước với ông Mosê, trong đó bao hàm “Thập điều”, được mở đầu với tuyên ngôn giải phóng như sau: “Ta là Adonai, Thiên Chúa của người, kẻ đã đưa ngươi ra khỏi xứ Ai cập, ra khỏi cảnh nô lệ” (Xh 20,2). Giao ước này sẽ là điểm quy chiếu cho giáo huấn luân lý của các ngôn sứ.

3) Quà tặng cuối cùng của Thiên Chúa là giao ước trong Con của Ngài là Đức Giêsu. Người được Thiên Chúa ban cho loài người như là “Đường, Sự thật, Sự sống” (Ga 14,6). Người là quà tặng của Thiên Chúa cho nhân loại, đồng thời cũng là mẫu mực cao cả nhất cho hành động của con người. Văn kiện cũng phân tích sứ điệp luân lý của Tin mừng nhất lãm (sứ điệp Nước Trời), thánh Gioan, thánh Phaolô, thánh Giacôbê và thánh Phêrô, thư Hipri, Khải huyền).

Hành động của người Kitô hữu không hạn chế vào cuộc đời trần thế này, nhưng mở rộng sang bên kia cái chết. Đặc trưng của người Kitô hữu là họ nuôi dưỡng niềm hy vọng sẽ được phục sinh với đức Kitô (x. 1 Tx 4,23). Chiều kích cánh chung không làm suy giảm giá trị của những hoạt động ở đời sống trần gian, nhưng mang lại cho nó ý nghĩa sung mãn và trách nhiệm. 

Kinh thánh không chỉ kể lại những việc làm của Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng thuật lại những sự yếu đuối, sai lầm, sa ngã của con người. Trong tình trạng ấy, Sách thánh cho thấy rằng bên cạnh “quà tặng” (dono) còn có “tha thứ” (perdono) nữa. Thiên Chúa không hành động như thẩm phán nghiêm khắc, nhưng Ngài xót thươngcác thụ tạo sa ngã, mời gọi họ hãy thống hối, trở về và Ngài tha thứ tội lỗi của họ. Đây là một dữ kiện cơ bản của luân lý mạc khải: nó không phải là một bộ hình luật cứng nhắc, nhưng đàng sau nó là Thiên Chúa giàu lòng lân tuất (x. số 81).

II. Phần thứ hai: Vài tiêu chuẩn của Kinh thánh cho việc suy tư luân lý

Ngày nay nhiều vấn đề mới mẻ được đặt lên chẳng hạn như: bạo lực, khủng bố, chiến tranh, di dân, bảo vệ môi trường, lao động, sinh học, vv. Kinh thánh có giải đáp nào cho những vấn đề ấy không? Dĩ nhiên là Kinh thánh không đưa ra những câu trả lời cụ thể, nhưng Kinh thánh cung cấp một số tiêu chuẩn có thể giúp chúng ta tìm ra những quy tắc hành động.

Văn kiện đề nghi hai tiêu chuẩn nền tảng và sáu tiêu chuẩn đặc thù.

1/ Hai tiêu chuẩn nền tảng: bản tính con người và mẫu gương của Đức Giêsu.

a) phù hợp với hình ảnh Kinh thánh về phẩm giá con người, và ơn gọi con người vào hiệp thông với Thiên Chúa (số 95-99);

b) phù hợp với mẫu gương của Đức Giêsu, lời dạy và cách cư xử của Người (số 100-103).

Tất cả mọi quyết định luân lý cần phải phù hợp với hai tiêu chuẩn nói trên. Hai thí dụ cho tiêu chuẩn thứ nhất. Điều răn “chớ giết người” nhắm tới giá trị tích cực là tôn trọng sự sống. Việc tôn trọng sự sống cần phải được duy trì cho hết mọi người ở hết mọi lứa tuổi, kể cả đối với những thành phần yếu kém xét về sản xuất kinh tế. Việc tôn trọng sự sống khiến cho Giáo hội duyệt lại thái độ đối với án tử hình và đối với chiến tranh, đưa đến việc tôn trọng mọi hình thức sự sống, kể cả thảo mộc và động vật, và bảo vệ thụ tạo. Việc tôn trọng sự sống bắt nguồn từ Thiên Chúa là nguyên ủy của muôn loài. Một cách tương tự như vậy, điều răn “chớ ngoại tình” cung cấp rất nhiều suy nghĩ về giá trị của trách nhiệm cá nhân. Đôi hôn nhân được mời gọi làm chứng tá cho tình yêu vững bền của Thiên Chúa. Điều răn này không chỉ ngăn cấm sự tháo thứ luân lý nhưng còn bảo vệ ý nghĩa trọn vẹn của hôn nhân trong chương trình của Thiên Chúa. Tiêu chuẩn thứ hai là sự phù hợp mẫu gương của Đức Giêsu. Việc bắt chước Đức Giêsu được mô tả như là “trọng tâm của luân lý Kitô giáo” (số 100). Bản văn cơ bản là bài giảng trên núi. Các mối chân phúc chứng tỏ phẩm giá của những con người trong những tình trạng bi thảm nhất. Đức Giêsu là hiện thân của những giá trị và tình trạng ấy nơi sự khó nghèo, khiêm tốn của bản thân, cũng như cảnh chịu bách hại. Đồng thời Người cũng kiện toàn và đào sâu của Lề luật, khi đề ra sự “công chính” lớn hơn cho những con cái Thiên Chúa. Tuy bài giảng trên núi phản ánh điều kiện của con cái Chúa trong thời viên mãn của Nước Trời, nhưng những lời giảng và tấm gương của Đức Giêsu không phải là lý tưởng không thể với tới. Những định hướng mà Đức Giêsu đề ra có giá trị như những mệnh lệnh luân lý: chúng khuyến khích người môn đệ hãy sống phù hợp với các giá trị của Nước Trời.

2/ Sáu tiêu chuẩn đặc thù. 

Ngoài hai tiêu chuẩn nền tảng, văn kiện còn đề ra sáu tiêu chuẩn đặc thù, dựa trên những nhận xét là: (1) Kinh thánh tỏ ra cởi mở với luật tự nhiên (tương đồng); (2) Kinh thánh cương quyết chống lại những gì tương phản với các giá trị (tương phản); (3) Kinh thánh chứng tỏ một sự tinh luyện ở vài quan điểm luân lý (tiến triển); (4) Kinh thánh đề cao chiều kích cộng đồng của luân lý (cộng đồng); (5) Kinh thánh cung cấp cho con người một động lực để tiến đến sự trọn hảo (cứu cánh); (6) Kinh thánh cho thấy rằng không phải tất cả mọi nguyên tắc đều có giá trị ngang nhau (phân định). Mỗi tiêu chuẩn được minh họa bằng những bản văn Cựu ước và Tân ước cùng với vài thí dụ áp dụng cho thời buổi hôm nay.

a) Sự tương đồng (convergenza: số 105-110). Chúng ta gặp thấy một sự tương đồng không nhỏ giữa Kinh thánh với những quy tắc, lề luật, mệnh lệnh luân lý của các dân tộc khác, ra như một thứ luân lý phổ quát. Trong Cựu ước, chúng ta thấy sự tương đồng giữa luật của Ngũ thư với các bản luật cổ khác (chẳng hạn bộ luật Hammurabi). Các sách Khôn ngoan thường phản ánh sự khôn ngoan của các dân tộc khác. Trong Tân ước, bản liệt kê các nhân đức trong các thư thánh Phaolô cũng giống như mối quan tâm của các triết học đương thời (chẳng hạn phái Khắc kỷ) muốn chế ngự các dục tình. Điều mới mẻ là thánh Tông đồ thêm vào Thần khí của Đức Giêsu là Đấng nâng đỡ bản tính yếu đuối của chúng ta. Điều này khuyến khích chúng ta hãy đối thoại với tất cả mọi người và với mọi văn hóa để tìm ra một lối cư xử chung trước các vấn đề hiện nay, tựa như: nhân quyền, sự bình đẳng giữa phái tình, công lý, bảo vệ môi trường .

b) Sự tương phản (contrapposizione: số 111-119). Luân lý Kinh thánh trân trọng tất cả những gì tốt đẹp trong thế giới, nhưng đồng thời cũng chống lại hết mọi hình thức tội lỗi và bất công. Các ngôn sứ trong Cựu ước cũng như thánh Phaolô trong Tân ước đều chống lại các tội lỗi, nghĩa là sự vi phạm mối tương quan với Thiên Chúa cũng như những vi phạm phẩm giá và quyền lợi của tha nhân: thờ ngẫu tượng, tham lam tiền bạc đưa đến việc bóc lột người nghèo. Những hình thức ấy vẫn tiếp diễn vào thời đại chúng ta, qua những hình thức ngẫu tượng mới, thờ phụng cá nhân, giai cấp, chủng tộc; hoặc hình thức loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi xã hội và dẫn đến sự bóc lột người nghèo, chạy theo lợi nhuận; hoặc những chế độ tự phong cho mình vai trò Thượng đế để áp đặt một ý thức hệ. Sự kháng cự những hình thức tội lỗi đã nhiều lần đưa buộc các tín hữu phải kiên trì can đảm làm chứng cho chân lý.

c) Sự tiến triển (progressione: số 120-125). Người ta nhận thấy một sự tiến triển trong các quy luật luân lý từ Cựu ước sang Tân ước; vì thế không thể nào xếp tất cả các mệnh lệnh ấy ngang hàng với nhau (n.120). Kinh thánh không phải là một hệ thống luân lý cứng nhắc, nhưng là một ý thức tăng trưởng theo dòng mạc khải, cách riêng nhờ ánh sáng của mầu nhiệm phục sinh của Đức Kitô phục sinh và ân huệ của Thánh Linh. Ta có thể nhận thấy sự tiến triển qua ba thí dụ. Vào lúc khởi nguyên, sự báo oán xem ra quá mức (St 4,23-24), vì thế được điều chỉnh bởi luật talion (đền bù cân bằng: mắt đền mắt, răng đền răng: Xh 21,23-24); nhưng lại bị Đức Giêsu xét lại trong Bài giảng trên núi (Mt. 5.39): Thiên Chúa là Đấng tha thứ, và yêu cầu loài người cũng hãy làm như vậy. Vào thời xưa, tục đa thê được chấp nhận; rồi chế độ đa thê tiến đến độc thê với ly dị, và cuối cùng Đức Giêsu chủ trương độc thê nhưng không được ly dị (Mt 5,31-32). Một thí dụ nữa là hệ thống các hy lễ trong Cựu ước được thay thế bằng hy lễ duy nhất của Đức Kitô và phụng vụ mới của những Kitô hữu là các tư tế vương giả[8].

d) Chiều kích cộng đồng (dimensione comunitaria: số 126-135). Con người mà sứ điệp luân lý nhắm tới không phải là cá nhân đơn độc nhưng là những phần tử của một cộng đồng. Do đó không ai có thể tự mình ấn định những quy luật hành động nhưng cần phải quy chiếu về cuộc sống trong cộng đồng. Dân Thiên Chúa trong Cựu ước chuẩn bị cho đoàn dân mới của Đức Kitô, được mời gọi sống trong hiệp thông, được mời gọi thực hành “sự công chính lớn hơn” bao hàm lòng thương yêu dành cho hết mọi người, kể cả người thù địch, cũng như mối quan tâm dành cho người nghèo, người ngoại kiều.

e) Cứu cánh ( finalità: số 136-149). Tiêu chuẩn này nêu bật tầm quan trọng của đức hy vọng trong luân lý Kitô giáo. Niềm hy vọng vào cuộc sống tương lai là một động lực quyết liệt cho các hành động của chúng ta. Theo Kinh thánh, cuộc đời ở trần gian này không khép kín, bởi vì chúng ta sống trong một chân trời cánh chung đã được khai mở trong cuộc Phục sinh của Đức Giêsu. Cái chết và cuộc phục sinh của Người mang lại tia sáng mới cho những mối lo âu của con người trước cái chết, và xác nhận những nỗi niềm trông mong của nhiều trang Kinh thánh. Viễn tượng của cuộc sống kết hợp với Thiên Chúa khiến cho ta dễ chấp nhận con đường thập giá. Thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu hãy tìm kiếm những sự trên cao, nơi mà Đức Kitô ngự trị (x. Cl 3,1). Hội thánh mong đợi thời viên mãn ấy, vì biết rằng một ngày kia mình sẽ yêu mến Đức Kitô như Người yêu mình.

f) Phân định (discernimento: số 150-154). Không phải tất cả các mệnh lệnh luân lý đọc thấy trong Kinh thánh đều có giá trị ngang nhau, bởi vì có sự tiến triển như vừa nói. Vì thế đến sự phân định về phía cộng đoàn cũng như cá nhân. Cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng bối cảnh của mỗi mệnh lệnh, để thẩm định giá trị của nó: điều gì có giá trị cho hết mọi nơi mọi thời, và điều gì đã lỗi thời. Sự phân định cũng cần thiết trong những quyết định hằng ngày của chúng ta. Việc phân định cần được hướng dẫn bởi lương tâm và cộng đoàn, trong đó cần lưu ý đến sự tiến triển của Truyền thống Hội thánh[9].

Kết luận

Như đã nói ở đầu, có nhiều cách thức để bàn về “Kinh thánh và luân lý”. Ngoài những khó khăn đã nêu, thiết tưởng cũng cần lưu ý đến những khó khăn thuộc lãnh vực phương pháp luận: + phải đọc Kinh thánh như thế nào (phương pháp lịch sử? phương pháp thần học? vv); + phải hiểu thần học luân lý như thế nào (sự phân biệt với thần học tín lý, thần học tâm linh, vv.); + ngoài Kinh thánh ra, thần học luân lý còn phải tham khảo những nguồn nào khác nữa hay không?

1/ Câu hỏi thứ ba dễ trả lời hơn cả. Thần học luân lý không chỉ quy chiếu về Thánh kinh mà còn phải khảo sát truyền thống Hội thánh cũng như kinh nghiệm con người nữa[10]. Chắc hẳn thần học luân lý là nơi mà ta thấy nổi bật hơn sự đối thoại giữa “đức tin” và “lý trí”. Ở đây lý trí được hiểu không những là triết học và còn các khoa học nhân văn khác (x. Thông điệp Fides et ratio số 98).

2/ Về câu hỏi thứ hai, chúng ta có thể nói rằng văn kiện này đã trình bày vài cái nhìn mới về luân lý. Luân lý không phải là một mớ những lệnh truyền và cấm giới. Luân lý là một sự đáp trả ơn gọi. Thiên Chúa đã mạc khải cho con người biết ơn gọi cao quý của mình; một khi đã nhận ra ơn gọi (“quà tặng” ấy), con người đón nhận và trả lời: đây là cấu trúc đối thoại của “gọi-đáp” (tiếng Đức Wort-Antwort), mà chúng ta đã quen gặp nơi phạm trù “giao ước”. Lời gọi này mang tính cách năng động: con người luôncố gắng đáp lại tiếng gọi trải qua những hoàn cảnh khác nhau trong cuộc đời[11].

3/ Đối với câu hỏi thứ nhất, chúng tôi không muốn đi sâu vào phương pháp chú giải Kinh thánh[12], nhưng chỉ muốn đưa ra vài nhận xét sau đây:

a) Dĩ nhiên, không thể đọc bản văn Kinh thánh theo chữ đen, nhưng cần phải phân tích bản văn trong bối cảnh lịch sử của nó, ngõ hầu phân biệt điều gì lệ thuộc vào thời gian và không gian, và điều gì có giá trị thường hằng (chúng ta tạm đặt tên là “nguyên tắc lịch sử” ); b) bên cạnh đó, cũng cần nắm giữ vài nguyên tắc căn bản thần học về lịch sử mạc khải (chúng ta tạm đặt tên là “nguyên tắc thần học”), chẳng hạn như: sự tiến triển từ Cựu ước sang Tân ước, hoặc chiều kích Hội thánh, chiều kích cánh chung, tính duy nhất của toàn thể bộ Kinh thánh. Nói cho cùng, Lời Chúa không phải là những chữ viết nhưng chính là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể.

b) Văn kiện đã đưa ra hai nhóm tiêu chuẩn để giải thích Sách thánh: hai tiêu chuẩn nền tảng và sáu tiêu chuẩn cụ thể. Thoạt tiên xem ra các tiêu chuẩn cụ thể có vẻ hữu dụng hơn, nhưng trên thực tế, hai tiêu chuẩn nền tảng lại quan trọng hơn. Thực vậy, người ta thường hiểu luân lý như một mớ các điều luật dạy cách cư xử trong những trường hợp cụ thể. Nhưng đó là não trạng của xã hội Do thái cổ thời (cũng tương tự như đạo Islam ngày nay), khi mà người ta còn lẫn lộn thần quyền và thế quyền, luân lý và hình luật, vì thế người ta muốn quy định tất cả mọi chi tiết kể cả liên quan đến y tế (xc. các luật lệ quy định đồ ô uế)
[13]. Các chi tiết ấy hầu như đã lỗi thời. Vì thế ngày nay người ta có khuynh hướng muốn tìm ra những “giá trị”, “định hướng” tổng quát có giá trị vững bền, hơn là những quy định chi tiết chỉ áp dụng tùy nơi tùy thời. Các giá trị ( hoặc định hướng) sẽ hướng dẫn chúng ta trong cách suy xét, quyết định, hành động trong những trường hợp cụ thể. Dĩ nhiên, mỗi tác giả có thể chú trọng đến một vài “giá trị căn bản”, tựa như: giao ước, đi theo Đức Kitô, đời sống mới trong Thánh Linh, sự công chính của Nước Trời, agape, vv. Văn kiện đưa ra hai tiêu chuẩn căn bản: bản tính con người và bắt chước Chúa Giêsu, mà ta có thể gọi là “luật tự nhiên” (phẩm giá con người) có giá trị cho tất cả mọi người, và “Tin mừng” (mẫu gương Đức Kitô). Hai tiêu chuẩn này mời gọi chúng ta một đàng biết hợp tác với tất cả mọi người để xây dựng một xã hội xứng với con người (dựa trên những tuyên ngôn về nhân quyền, bảo vệ thụ tạo), cũng như nhìn nhận những giá trị luân lý trong các nền văn hóa của các dân tộc[14]; đàng khác, nhìn nhận phẩm giá đặc biệt của người Kitô hữu, đó là được thông dự vào đời sống Thiên Chúa. Luân lý Kitô giáo vừa bao gồm “luân lý tự nhiên” vừa bao gồm chiều kích huyền bí, chiều kích của ba đức tin cậy mến. Luân lý Kitô giáo không nhắm đến sự kiện toàn bản thân, nhưng mở ra đến gặp gỡ Thiên Chúa nhờ Đức Kitô trong Thánh Linh.

Chúng tôi xin kết thúc bài này với một câu hỏi bỏ ngỏ, dành cho các nhà chuyên môn: cuối cùng, ai có thẩm quyền để bàn về “Kinh thánh và luân lý”: nhà chú giải Kinh thánh? Hay là thần học luân lý? Thật khó nói: các nhà chú giải Kinh thánh có lẽ chỉ giới hạn vào việc phân tích bản văn, chứ không chuyên môn về những câu hỏi nhân sinh hiện đại; đối lại, các nhà thần học luân lý rất quan tâm đến các chuyện nhân sinh hiện đại nhưng lại không quen thuộc với bản văn Kinh thánh. Sự hợp tác liên ngành thật là quan trọng.

 
[1] F. Compagnoni – G. Piana – S. Privitera ( a cura di), Nuovo Dizionario di Teologia Morale, Paoline, Cinisello Balsamo, 1990. “Morale dell’Antico Testamento e del Giudaismo” (B. Cavedo, p.770-786); “Morale del Nuovo Testamento” (R. Fabris, p.786-800).

[2]“Những bộ môn thần học khác [ ngoài Thần học tín lý ] cũng phải được canh tân bằng cách thiết lập những tiếp xúc sinh động hơn với Mầu nhiệm Chúa Kitô và lịch sử cứu độ. Phải đặc biệt chú ý hoàn thiện môn thần học luân lý, nhờ cách trình bày mang tính khoa học và thấm nhuần giáo lý Thánh Kinh sâu đậm hơn, sẽ làm nổi bật tính cách cao cả nơi ơn gọi của các tín hữu trong Chúa Kitô, cũng như bổn phận phải mang lại hoa trái cho cuộc sống trần thế trong đức ái”.

[3]Vào thời Trung cổ, người ta thường nói đến bốn nghĩa của Kinh thánh: 1/ nghĩa văn chương (sensus litteralis, historia), theo bản văn; 2/ nghĩa ẩn dụ (sensus allegoricus) tiên báo hoặc làm chứng cho Đức Kitô; 3/ nghĩa luân lý (sensus moralis), hướng dẫn đời sống; 4/ nghĩa cánh chung (sensus anagogicus), nhắm đến cuộc quang lâm của Đức Kitô. x. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 118. Tông huấn Verbum Domini, số 37.

[4]Mục tiêu của các sách thần học luân lý là giúp cho các linh mục “ngồi tòa giải tội”, cung cấp những câu trả lời cho các “nố lương tâm”: “nố” (casus) có nghĩa là hoàn cảnh, trường hợp cụ thể. Linh mục cần biết đường trả lời cho hối nhân: có tội hay không có tội? được phép hay không được phép làm?

[5]“Nền tảng” có thể hiểu theo hai nghĩa: 1/ đâu là những nền tảng xây dựng thần học luân lý Kitô giáo (những nguồn mạch thần học)? 2/ những câu hỏi nền tảng của thần học luân lý (chẳng hạn: cứu cánh cuộc đời, các hành vi nhân linh, những yếu tố quyết định một hành vi là tốt hoặc xấu), trước khi đi vào những vấn đề chuyên biệt; nói cách khác, đó là “luân lý tổng quát”.4

[6] Bibbia e morale. Radici bibliche dell'agire cristiano,Libreria Editrice Vaticana,  2008. Có thể đọc bản văn trên mạng, với các bản dịch bằng tiếng Anh, Pháp, Tây ban nha, Bồ đào nha, Đức: http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/pcb_doc_index_it.htm

[7]Văn kiện nói đến ba quà tặng hoặc món quà. Đây là một từ ngữ mới để ám chỉ ba “luật luân lý” trong lịch sử cứu độ: luật tự nhiên, luật cũ, luật mới, được sử dụng trong Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 1950-1974, dựa theo mô hình của sách Tổng luận thần học của thánh Tôma Aquinô (I-II, qq.94;98;106).

[8]Về tính bất toàn của Cựu ước liên quan đến lãnh vực luân lý, x. Tông huấn Verbum Domini số 42. Về giá trị của Cựu ước nói chung, Ủy Ban Giáo hoàng về Kinh thánh đã phát hành một văn kiện Dân tộc Do thái và Kinh thánh của họ trong Bộ Kinh thánh Kitô giáo (24/5/2001). Tương quan giữa Cựu ước và Tân ước được nhìn qua ba ý niệm: liên tục; bất liên tục; tiến triển.

[9]Nên ghi nhận là kèm theo việc nêu lên 6 tiêu chuẩn vừa rồi, văn kiện cũng nhắc đến 6 nhân đức cần thiết khi áp dụng, đó là: cao minh, đức tin, công chính, yêu thương, hy vọng, khôn ngoan (số 164).

[10]Có thể trưng dẫn một đoạn văn của Công đồng Vaticanô II để dẫn chứng. Khi bước sang phần thứ hai, Hiến chế mục vụ về “Hội thánh trong thế giới ngày nay” viết rằng: “Sau khi trình bày phẩm giá nhân vị cũng như về một số bổn phận cá nhân hay xã hội mà con người được mời gọi để chu toàn trong vũ trụ [nghĩa là trong Phần thứ nhất], giờ đây, dưới ánh sáng của Tin mừng và kinh nghiệm nhân loại (sub luce Evangelii et humanae experientiae), Công đồng muốn mọi người lưu tâm đến một số yêu cầu khẩn thiết của thời đại đang ảnh hưởng rất nhiều đến nhân loại” (số 46)

[11]Ý tưởng tương tự cũng có thể trình bày cách khác. Trong các thư của thánh Phaolô, ta có thể nhận thấy sự nối kết giữa “thể trình bày” (indicative) sang “thể mệnh lệnh” (imperative): bạn đã là một thụ tạo mới trong Đức Kitô (trình bày), bạn hãy sống cuộc đời mới (mệnh lệnh); bạn đã là bánh không men, hãy trở thành bánh không men.

[12]Trong phần nhập đề (số 3), văn kiện cho biết là sẽ áp dụng phương pháp “phê bình lịch sử” (metodo storico-critico) và lối tiếp cận “quy điển” (approccio canonico).

[13]Trong tổ chức xã hội thời nay, người ta phân biệt (tuy không lúc nào cũng rõ ràng) phạm vi “luân lý” với “hình luật”. Ngay cả trong Giáo hội, phạm vi của “giáo luật” và “luân lý” không nhất thiết trùng hợp với nhau. Không phải tất cả mọi vi phạm giáo luật đều có tội!

[14]Ở số 30, văn kiện đề nghị đọc “Mười điều răn” theo viễn tượng của “mười giá trị”, hoặc “mười quyền lợi”.

http://www.catechesis.net/index.php/van-kien-giao-hoi/4552-kinh-thanh-va-luan-ly

 
Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...