LỜI CHÚA BỀN VỮNG ĐẾN MUÔN ĐỜI


LỜI CHÚA BỀN VỮNG ĐẾN MUÔN ĐỜI

( 1 Pr 1, 25 )
                                          
+ Gm. Giuse Võ Đức Minh
Tông Huấn “LỜI CHÚA” (VERBUM DOMINI) của Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI được chính thức công bố vào ngày 11 tháng 11 năm 2010. Tông Huấn nầy đã được Đức Thánh Cha ký ngày 30 tháng 9 năm 2010, nhân lễ kính Thánh Hiêrônimô, Linh mục, vị Thánh bổn mạng của những người yêu mến, học hỏi, loan truyền và giảng dạy Kinh thánh trong Hội Thánh.  Đây là Tông Huấn được mọi thành  phần Dân Chúa chờ mong sau khi có Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ XII về “Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ của Hội thánh” năm 2008.
 

Mở đầu Tông Huấn, Đức Thánh Cha muốn làm vang vọng lại cho cả Hội thánh lời tuyên xưng đức tin cùng với tâm tình và kinh nghiệm sống từ hai ngàn năm về trước của Thánh Phêrô, vị ngư phủ Galilê, người đã được Đức Giêsu Nadarét tuyển chọn và đặt làm nền tảng Hội thánh: “Lời Chúa bền vững đến muôn đời. Đó chính là Lời Tin Mừng đã được loan báo cho anh em” (1 Pr 1, 25).


Năm xưa, Thánh Phêrô đã thay mặt anh em mình trong Tông đồ đoàn để công bố Tin mừng về mầu nhiệm tử nạn-phục sinh của Đức Giêsu Nadarét (Cv 2, 14-40); và lời loan báo lịch sử đó đã đem đến kết quả là “trong ngày ấy, đã có thêm lối ba ngàn linh hồn (tin vào Đức Giêsu Kitô)” (Cv 2, 41) và từ đó số tín hữu của Chúa Kitô càng phát triển và lan rộng trên cả thế giới.


Ngày nay, Đấng kế vị Thánh Phêrô, là Đức Bênêđitô XVI, sau khi đã lắng nghe ý kiến và đề nghị của Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XII, thay mặt cho tập thể Giám mục đoàn trên thế giới, nhóm họp tại Vatican, từ ngày 5 đến ngày 26 tháng 10 năm 2008, tiếp tục công bố Tin mừng về Đức Giêsu Nadarét với tựa đề “LỜI CHÚA” (VERBUM DOMINI) cho con người đang sống những năm đầu của thiên niên kỷ thứ ba. Chính Ngài đã nói rõ điều đó: “Cùng hợp tiếng với các Nghị Phụ, tôi muốn nói với tất cả các tín hữu bằng chính những lời của thánh Gioan trong Thư thứ nhất của người: “Chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời, là sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi - chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giêsu Kitô, Con của Người” (1 Ga 1,2-3). Thánh tông đồ dùng các động từ nghe, thấy, đụng chạm và chiêm ngưỡng (x. 1 Ga 1,1) Lời Sự Sống, vì chính Sự Sống được tỏ bày trong Đức Kitô’’.
 

Ngài gửi Tông Huấn nầy cho các Giám mục là những Đấng kế vị các Thánh Tông đồ, cho hàng Giáo sĩ, cho các người nam nữ sống đời thánh hiến và cho các tín hữu giáo dân trong Hội thánh. Ngài mời gọi tất cả một lòng một ý với Ngài  tiếp nối sứ vụ của các Tông đồ, lên đường đem LỜI CHÚA là ĐỨC GIÊSU KITÔ đến cho mọi dân tộc, mọi ngôn ngữ, mọi quốc gia.
 

Tông Huấn LỜI CHÚA đưa Hội Thánh chúng ta vào một giai đoạn mới của Lịch sử cứu độ: Loan báo và tái loan báo LỜI CHÚA cho con người thời đại hôm nay.


Đức Giáo Hoàng dẫn chúng ta đi từ Hiến chế tín lý của Công Đồng Vatican II về Mạc khải “Dei Verbum” công bố năm 1965 đến Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới năm 2008, và lấy Lời Tựa của Thánh Gioan trong Phúc âm thứ tư làm kim chỉ nam cho Tông huấn Verbum Domini. Tông huấn có 3 phần. Phần 1: Verbum Dei (Lời Thiên Chúa) gợi ý từ Gioan 1, 1.14: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, Và Ngôi Lời là Thiên Chúa… Ngôi Lời đã trở nên người phàm”. Phần 2: Verbum in Ecclesia (Lời trong Hội thánh) gợi ý từ Gioan 1, 12: “Còn những ai đón nhận, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa”. Phần 3: Verbum pro mundo ( Lời Chúa cho thế giới ) gợi ý từ Gioan 1, 18: “Chưa bao giờ có ai thấy Thiên Chúa cả; nhưng Con Một hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha đã tỏ cho chúng ta biết”.
  • Từ Dei Verbum đến Thượng Hội Đồng về Lời Chúa.
Hàng Giáo phẩm Công giáo Việt Nam được Tòa thánh thành lập không bao lâu (24.11.1960), thì Công Đồng Vatican II được cử hành (11.10.1962). Các Đức Giám mục Việt Nam lúc bấy giờ đã được kể trong số 2904 Nghị phụ trên thế giới được mời tham dự. Trong lần công bố triệu tập Công Đồng, nhằm vào tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các tín hữu Chúa Kitô năm 1959, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã nói như sau: “Chúng ta hãy hiệp nhất với nhau và chúng ta hãy chấm dứt mọi bất hòa”. Tinh thần hiệp nhất đã trở nên niềm hy vọng và là động lực hướng dẫn cho Công Đồng. Chính Đức Gioan XXIII cũng đã dùng một hình ảnh thật sống động khiến cho bầu khí trong cả Giáo Hội hướng về Công Đồng như một lễ Hiện Xuống mới: “Chúng tôi muốn mở rộng cánh cửa sổ của tòa nhà Hội thánh cho làn gió mát (của Chúa Thánh Thần) thổi vào”. Ngay từ khóa họp đầu tiên, chính Ngài muốn các Nghị phụ bàn về Kinh thánh, để có thể dùng Lời Chúa soi dẫn cho các khóa họp Công Đồng; Ngài đã cho đặt cuốn Kinh thánh ngay tại trung tâm Đền thờ Thánh Phêrô, nơi các Nghị Phụ hội họp và cử hành các Nghi lễ trong suốt thời gian các Khóa họp Công Đồng. Thế rồi, trải dài 4 năm qua các Khóa họp, trước khi bế mạc Công Đồng, chính Đức Giáo Hoàng Phaolô đệ VI cùng với các Nghị Phụ đã long trọng công bố Hiến chế tín lý về Mạc Khải “Lời Thiên Chúa” (Dei Verbum) vào ngày 18.11.1965 trong bầu khí hân hoan, an bình, tràn đầy niềm hy vọng: “Trong niềm thành kính lắng nghe và tin tưởng công bố Lời Thiên Chúa, Thánh Công Đồng lập lại lời Thánh Gioan: “Chúng tôi loan truyền cho anh em sự sống đời đời, đã có nơi Chúa Cha và đã hiện đến với chúng tôi: điều chúng tôi đã thấy, đã nghe, chúng tôi loan truyền cho anh em, để anh em cũng được hiệp nhất với chúng tôi và chúng tôi hiệp nhất với Chúa Cha và với Chúa Giêsu  Kitô, Con của Ngài” (1 Ga. 1, 2-3). Lắng nghe với thái độ thành kính, vì Lời Thiên Chúa là Lời hằng sống; tin tưởng công bố Lời Thiên Chúa, vì chính đây là sứ điệp cứu độ.


Nếu ơn gọi của Hội thánh là “lắng nghe Lời Thiên Chúa trong niềm thành kính” và “tin tưởng công bố Lời Thiên Chúa”, thì ơn gọi và sứ mạng của Hội thánh Việt Nam cũng không thể khác được. Cùng với Hội thánh toàn cầu, Hội thánh Việt Nam thể hiện đúng ơn gọi của mình, khi “thành kính lắng nghe Lời Thiên Chúa”, và càng “thành kính lắng nghe”, thì Hội thánh Việt Nam sẽ luôn “tin tưởng công bố Lời Thiên Chúa” cho mọi người.
 

Hội thánh Việt Nam với thời gian, đã thật sự mở rộng cánh cửa đón lấy luồng gió mới của Thánh Thần mà Công Đồng Vatican II đem lại, cách riêng trong lãnh vực Lời Chúa. Trong Thư Mục vụ năm 2005 với tựa đề “Sống Lời Chúa”, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã nói về việc tăng cường vai trò ưu tiên của Kinh thánh trong đời sống của người tín hữu: “Yêu mến Kinh thánh không chỉ thể hiện qua việc phổ biến sách Kinh thánh, mà còn là siêng năng đọc Lời Chúa trong đời sống và cho đời sống cụ thể của mình. Nói cách khác, đọc Lời Chúa không những để hiểu về Chúa, mà còn để tìm hướng đi cho cuộc đời”. Với nhận định trên, các vị Chủ chăn của chúng ta cho thấy lòng yêu mến Kinh thánh là điểm son của người tín hữu chúng ta. Giáo Hội Việt Nam đã có những nổ lực rất nhiều khi cung cấp cho mọi người  bản dịch Kinh thánh từ nguyên ngữ Do thái, Hy lạp, Aramêô hay từ bản Phổ thông bằng ngôn ngữ latinh. Cho tới ngày nay, chúng ta đã xuất bản khoảng ba trăm ngàn bản Kinh thánh Tân Cựu Ước toàn bộ và trên hai triệu ấn bản Kinh thánh Tân Ước. Những bản văn Lời Chúa dần dần không còn xa lạ với các gia đình công giáo, cách riêng đối với giới trẻ và thiếu nhi Công giáo Việt Nam.


Cách đây gần 50 năm, đã có một thế hệ gồm 17 vị Giám mục Việt Nam tham dự Thánh Công Đồng Vaticacan II, trong đó có các Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, Phêrô Martinô Ngô Đình Thục, Philipphê Nguyễn Kim Điền đáng kính; và đặc biệt, trong một bài tham luận phát biểu bằng tiếng latinh, Đức Cha Simon-Hòa Nguyễn Văn Hiền, Giám mục Giáo phận Đalat, nguyên Giám quản Tông Tòa Địa phận Saigon, đã làm bỡ ngỡ các Nghị Phụ tại Công Đồng khi gợi lên hình ảnh “gia đình nơi Thiên Chúa Ba Ngôi” (đại ý: Thiên Chúa Ba Ngôi là một gia đình, có sự sống và được liên kết với nhau bằng tình yêu thương; đó là hình ảnh mẫu mực của gia đình Hội thánh và của cả gia đình nhân loại). Từ gợi ý kỳ diệu đó, ngày nay khoa Thần học tín lý luôn xây dựng nền tảng thần học trên mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi: Ba Ngôi Thiên Chúa là cội nguồn; Ba Ngôi Thiên Chúa là quê hương. Tất cả đều bắt nguồn từ Thiên Chúa và hướng tới, quay trở về Thiên Chúa!


Trải qua dòng thời gian, nhiều thế hệ Giám mục Việt Nam khác tiếp tục góp phần của mình vào các sinh hoạt cũng như các công việc chung của cả Hội thánh; các ngài cũng đã tích cực tham dự các Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới, theo tinh thần Công Đồng Vatican II. Cụ thể, tại Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ XII, diển ra ở Roma, từ ngày 5 tháng 10 đến 26 tháng 10 năm 2008, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã bầu hai Giám mục tham dự: Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, Chủ tịch Ủy Ban Kinh thánh/HĐGMVN, Giám mục Giáo phận Nha Trang và Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Giám mục Giáo phận Thanh Hóa. Đức Cha Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Huế cũng được bầu với tư cách dự khuyết. Thêm vào đó, linh mục Vinh sơn Nguyễn Văn Bản (nay là Giám mục Giáo phận Ban mê thuột) đã được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đề cử tham dự với tư cách là chuyên viên. Đề tài của Thượng Hội Đồng nầy là: “Lời Chúa trong đời sống và sứ mạng của Hội thánh”.
 
  • Thượng Hội Đồng Giám mục về Lời Chúa năm 2008.
Thật hạnh phúc trong thời gian 3 tuần lễ được hiện diện, lắng nghe, học hỏi, chia sẻ, phát biểu và góp ý với Hội nghị. Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI hiện diện, soi sáng, hướng dẫn và lắng nghe tất cả các chia sẻ, các phát biểu của các Nghị phụ. Ngài có một câu nói rất tuyệt vời và dí dỏm: “Lời Chúa không bao giờ già!”. Tham dự Thượng Hội Đồng, có  253 Nghị phụ đến từ 118 nước và khoảng 150 chuyên viên và dự thính viên. Có các đại diện các Cộng đoàn Kitô giáo không phải là Công giáo cũng được mời tham dự, như Tòa Thượng phụ Đại kết Constantinople, Tòa Thượng Phụ Matxcơva, Tòa Thượng phụ Chính thống Romania, Tòa Thượng Phụ Chính thống Serbia, Tòa Thượng phụ Chính thống Hy lạp, Giáo hội tông truyền Armênia, Cộng đoàn Anh giáo, Liên hiệp thế giới Luthêranô, Hội đồng Đại kết các Giáo hội Kitô; ngoài ra, còn có vị Tổng thư ký Hiệp hội United Bible Society và thầy Tu viện trưởng Cộng đoàn Taizé. Trong Thượng Hội Đồng, lần đầu tiên có một vị Rabbi Do thái giáo đến từ Israel, ngài Rabbi niên trưởng của Haifa. Chính ngài đã tham dự ngay từ ngày đầu tiên và phát biểu về đề tài: “ Người Do thái đọc Kinh thánh và chú giải Kinh thánh”. Đặc biệt Đức Thượng Phụ Đại kết Barthôlômêô đệ I, thường được gọi là Giáo Chủ Đông phương, cùng Phái đoàn từ Constantinople đến tham dự giờ Kinh chiều thứ bảy 18.10.2008 tại Nhà nguyện Sixtina. Buổi cầu nguyện đã diển ra chung với Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI, thường được gọi là Giáo Chủ Tây Phương và các Nghị Phụ. Đức Giáo Hoàng và Vị Thượng phụ cùng chủ sự giờ cầu nguyện. Đức Giáo Hoàng khai mạc giờ Kinh cầu nguyện; Vị Thượng phụ được mời suy niệm và giảng Lời Chúa; Đức Giáo Hoàng ban phép lành bằng ngôn ngữ latinh; còn vị Thượng phụ ban phép lành bằng ngôn ngữ Hy lạp. Đông Tây gặp nhau trong giờ Kinh cầu nguyện tuyệt vời! Buổi cầu nguyện để lại một ấn tượng về đại kết thật sâu đậm. Trong Thượng Hội Đồng, Đức Tổng Giám mục Nicola Eterovic, người Croat, trong vai trò Tổng Thư ký Thượng Hội Đồng, đã giới thiệu một cách tổng quát nghị trình của Hội Nghị. Bản văn chính thức với đề tài: “Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ của Hội thánh” được Đức Hồng Y Marc Ouellet, Tổng Giám mục Québec, Canada trình bày. Kế đó, 5 vị Giám mục thay mặt cho 5 Châu lục đã tường trình về những nét nổi bật của Lời Chúa tại các Hội thánh địa phươngg ở 5 Châu lục; các tổ thảo luận được sắp xếp theo các nhóm ngôn ngữ: Latinh, Ý, Anh, Pháp, Đức, Bồ đào nha, Tây Ban Nha, trao đổi xoay quanh bản văn quan trọng nầy. Rồi, tại Hội trường, các Nghị Phụ có những phát biểu tham luận. Khoảng 150 phát biểu đã được chuẩn bị từ trước và thời gian mỗi bản tham luận là 5 phút; khoảng trên 300 phát biểu tự do, bổ sung về mỗi đề tài, thời gian mỗi phát biểu tự do là 3 phút.


Hòa trong bầu khí sinh hoạt của các Nghị Phụ, đoàn Việt Nam cũng tham dự rất tích cực. Đức Cha Giuse Võ Đức Minh đã có bài phát biểu tham luận vào sáng ngày 11.10.2008 với đề tài: “Lời Chúa là nguồn an ủi và là sức mạnh của Dân Chúa tại Việt Nam”. Ngày 14.10.2008, Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh có bài phát biểu: “Lời Chúa thật sự là nguồn hy vọng cho Giáo Hội Việt Nam”. Ngoài ra, một vinh dự rất lớn đối với đoàn Việt Nam, đó là liền sau ngày khai mạc với bài giảng của Đức Giáo Hoàng, Đức Cha Giuse Võ Đức Minh đã được Ban tổ chức mời chia sẻ Lời Chúa trong bài giảng ngày lễ kính Đức Mẹ Mân côi, mồng 7.10.2008, với đề tài: “Lời Chúa trong đời sống của người tín hữu”.


Tuần lễ cuối cùng của Hội Nghị, Ban Thư ký tổng hợp tất cả các ý kiến từ các bài tham luận, các ý kiến phát biểu tại Hội trường hay tại các Nhóm thảo luận, bổ sung cho bài tường trình; rồi Đức Hồng Y Marc Ouellet một lần nữa công bố văn bản chính thức của Thượng Hội Đồng: “Lời Chúa trong đời sống và sứ mạng của Hội thánh”.
 

Đức Cha Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội Đồng Tòa thánh về Văn hóa (vừa được lên tước Hồng Y) công bố Sứ điệp Thượng Hội Đồng Giám Mục khóa thường kỳ lần thứ XII gửi Cộng đoàn  Dân Chúa”. Sứ điệp gồm 4 phần đề cập đến Mầu nhiệm Mạc Khải như là “Tiếng của Lời”, được tỏ hiện qua “Khuôn mặt của Lời là Đức Giêsu Kitô”; rồi giới thiệu “Căn nhà của Lời là Hội thánh”, để xác định đời sống và sứ vụ của Hội thánh “trên những nẻo đường của Lời: là công cuộc rao giảng Tin mừng”. 
 
  • Tiếng của Lời: Mạc Khải
“Thiên Chúa đã nói với các ngươi giữa lửa hồng: các ngươi nghe tiếng nói, nhưng các ngươi không thấy hình dạng nào, không có gì khác ngoài tiếng nói!” (Đnl 4,12). Chính Môisê nói, khi gợi lại kinh nghiệm mà Israel đã trải qua trong cảnh cô độc cam go ở sa mạc Sinai. Tại đó, Chúa tự giới thiệu không phải như một ảnh hay hình nhân, hoặc tượng giống như con bò vàng, nhưng “như một âm thanh của lời nói”. Đó là một tiếng nói xuất hiện ngay từ đầu công trình tạo dựng khi màn thinh lặng của hư vô bị xé toang: “Từ khởi thủy... Thiên Chúa nói: Hãy có ánh sáng! Và đã có ánh sáng... Từ khởi thủy đã có Lời.. và Lời là Thiên Chúa.. Tất cả được tạo thành nhờ Người và nếu không có Người thì chẳng có gì đang hiện hữu được tạo thành” (St 1,1.3 ; Ga 1,1.3). 


Tạo vật không nảy sinh từ cuộc chiến giữa các thần minh như huyền thoại cổ xưa của miền Mesopotamie đã dạy, nhưng vạn vật được tạo thành từ một lời nói chiến thắng hư vô và tạo nên sự hữu. Tác giả Thánh Vịnh ca lên: “Từ lời nói của Chúa, trời được tạo thành, từ hơi thở miệng Ngài tất cả đạo binh của Ngài... vì Ngài đã nói và mọi sự liền có, Ngài truyền và mọi sự hiện hữu” (Tv 33,6.9). Và Thánh Phaolô về sau lập lại: “Thiên Chúa ban sự sống cho kẻ chết và kêu gọi những sự chưa có đi vào hiện hữu” (Rm 4,17). Thế là chúng ta có được mạc khải đầu tiên “có tính chất vũ trụ” làm cho toàn thể thụ tạo giống như một trang bao la mở ra trước toàn thể nhân loại, và trong đó ta có thể đọc được sứ điệp của Đấng Tạo Hóa: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Ngài làm. Ngày qua mách bảo cho ngày tới, đêm này kể lại với đêm kia. Chẳng một lời lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh, mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển” (Tv 19,2-5).


Nhưng Lời Chúa cũng ở nơi căn cội của lịch sử loài người. Người nam và người nữ là “hình ảnh giống Thiên Chúa” (St 1,27) và vì thế họ mang trong mình dấu vết Thiên Chúa, họ có thể đối thoại với Đấng Tạo Hóa và cũng có thể xa lìa và chối bỏ Ngài do tội lỗi. Bấy giờ, Lời Chúa cứu vớt và xét xử, thấu nhập vào các tế bào lịch sử với những thăng trầm và các biến cố: “Ta đã thấy, Ta đã thấy lầm than của dân Ta ở Ai Cập. Ta đã nghe tiếng kêu của họ.. phải, ta biết những lo âu của họ. Ta xuống để giải thoát họ khỏi tay người Ai Cập và đưa họ từ miền đất này tiến về một miền đất xanh tươi và rộng lớn” (Xh 3,7-8). Vì thế có sự hiện diện của Chúa trong những biến cố của loài người, các biến cố này, qua hoạt động của vị Chúa Tể lịch sử, được ghi vào trong một ý định cứu độ cao cả hơn, để “Mọi người được cứu thoát và nhận biết chân lý” (1Tm 2,4).


Vì vậy Lời Chúa, hiệu năng, sáng tạo và cứu độ là nguồn gốc của vạn vật và lịch sử, công trình sáng tạo và cứu chuộc. Chúa đến gặp nhân loại và tuyên bố: “Ta đã nói và ta đã làm!” (Ed 37,14). Nhưng còn một giai đoạn nữa mà tiếng nói của Chúa vượt qua: đó là giai đoạn lời được viết ra, Graphé hoặc Graphai, các Sách Thánh, như Tân Ước nói với chúng ta điều đó. Ông Môisê đã từ đỉnh núi Sinai đi xuống “tay cầm hai bia đá ghi chứng từ, những tấm bia được viết hai mặt. Những tấm bia đó là công trình của Thiên Chúa, chữ viết là bút tích của Thiên Chúa” (Xh 32, 15-16). Và chính Môisê truyền cho Israel phải giữ gìn và viết lại những “bia chứng từ ấy”: “Ngươi hãy viết trên đá tất cả những lời của luật này, bằng chữ thật rõ ràng” (Đnl 27,8).


“Kinh Thánh là ‘chứng từ’ của Lời Chúa dưới hình thức chữ viết, là văn kiện tưởng niệm theo qui luật, lịch sử và văn chương, làm chứng biến cố mạc khải sáng tạo và cứu độ. Vì thế, Lời Chúa đi trước và đi xa hơn Kinh Thánh, Kinh Thánh cũng được Thiên Chúa linh hứng, và chứa đựng Lời Chúa hiệu năng (x. 2Tm 3,16). Chính vì thế, đức tin của chúng ta không có trọng tâm là cuốn Kinh Thánh mà thôi, nhưng là lịch sử cứu độ và một nhân vật là Chúa Giêsu Kitô, Lời Thiên Chúa nhập thể làm người và là lịch sử. Vì thế, người đọc Kinh Thánh luôn luôn cần có sự hiện diện của Chúa Thánh Linh, Đấng dẫn đến chân lý toàn vẹn (Ga 16,13). Đây chính là đại Truyền Thống, là sự hiện diện hữu hiệu của Thánh Thần chân lý trong Giáo Hội, là người giữ gìn Kinh Thánh, được Huấn Quyền Giáo Hội giải thích chính Với Truyền thống, ta đi đến sự hiểu biết, giải thích, thông truyền và làm chứng về Lời Chúa. Chính thánh Phaolô, khi công bố kinh Tin Kính đầu tiên của Kitô giáo, đã xác nhận mình “truyền lại” điều đã nhận được từ Truyền Thống (1Cr 15,3-5).
 
  • Khuôn mặt của Lời: Đức Giêsu Kitô
Trong nguyên ngữ Hy Lạp, chỉ có ba từ căn bản: Lógos sarx eghéneto, “Ngôi Lời / Lời nhập thể”. Đây không những là cao điểm trong Lời Tựa Tin Mừng theo thánh Gioan (1,14), một bảo vật quí giá về phương diện thi phú và thần học, nhưng còn là trọng tâm của đức tin Kitô. Lời vĩnh cửu và thần linh đi vào không gian vào thời gian, nhận lấy một khuôn mặt và căn cước phàm nhân, đến độ ta có thể đến gần và trực tiếp xin Ngài, như nhóm người Hy Lạp hiện diện ở thành Jerusalem : “Chúng tôi muốn thấy Đức Giêsu” (Ga 12,20-21). Những lời nói nào không có một khuôn mặt thì bất toàn, vì không thực hiện đầy đủ cuộc gặp gỡ, như ông Gióp đã nhắc nhớ vào cuối hành trình tìm kiếm bi thảm của ông: “Con đã nhận biết Ngài qua điều Ngài nói, giờ đây mắt con trông thấy Ngài” (42,5).


Chúa Kitô là “Lời ở nơi Thiên Chúa và là Thiên Chúa”, là “hình ảnh Thiên Chúa vô hình, được sinh ra trước mọi loài thụ tạo” (Cl 1,15); nhưng Ngài cũng là Đức Giêsu thành Nazareth bước đi trên những nẻo đường trong một tỉnh ngoại biên của đế quốc Roma, Ngài dùng ngôn ngữ địa phương, biểu lộ những sắc thái của một dân tộc, dân Do thái, và nền văn hóa của dân tộc này. Vì thế, Chúa Giêsu Kitô đích thực là một con người mong manh và hay chết, là lịch sử và nhân tính, nhưng cũng là vinh quang, là thần tính, mầu nhiệm: Ngài là Đấng đã mạc khải cho chúng ta Thiên Chúa mà chưa ai được thấy (Ga 1,18). Con Thiên Chúa tiếp tục như thế cả trong thi hài được an táng trong mộ và sự sống lại của Ngài là chứng cớ sinh động và hữu hiệu về sự kiện ấy.
 

Truyền thống Kitô giáo thường đặt song song Lời Chúa nhập thể làm người với chính Lời Chúa trở thành sách. Đó là điều được nói đến trong kinh Tin Kính khi ta tuyên xưng rằng Con Thiên Chúa “nhập thể làm người do hoạt động của Chúa Thánh Linh trong lòng Đức Trinh Nữ Maria”, nhưng cả khi ta tuyên xưng niềm tin nơi “Chúa Thánh Linh, Đấng đã nói qua các ngôn sứ”. Công đồng Vatican II đã đón nhận truyền thống cổ kính theo đó “Mình của Chúa Con là Kinh Thánh được thông truyền cho chúng ta” - như thánh Ambrôsiô đã quả quyết (In Lucam VI, 33) và minh bạch tuyên bố rằng: “Lời Chúa, được biểu lộ qua ngôn ngữ người trần, đã trở nên giống ngôn ngữ loài người, cũng như Ngôi Lời vĩnh cửu của Chúa Cha, sau khi nhận lấy những yếu đuối của bản tính con người, đã trở nên giống loài người” (DV 13).
 

Thực vậy, Kinh Thánh cũng là “xác thể”, là “chữ” được diễn tả trong những ngôn ngữ đặc thù, qua những hình thức văn chương và lịch sử, trong những ý niệm gắn liền với một nền văn hóa cổ xưa, bảo tồn ký ức về những biến cố nhiều khi bi thảm, các trang Kinh Thánh nhiều khi đầy những vết máu và bạo lực, trong Kinh Thánh vang dội tiếng cười của nhân loại và những dòng nước mắt chảy dài, cũng như kinh nguyện của những kẻ bất hạnh được trổi lên và niềm vui của những kẻ yêu nhau. Do chiều kích “thể xác” này Kinh Thánh cần có sự phân tích lịch sử và văn chương, theo nhiều phương pháp và lối đề cập vấn đề khác nhau mà khoa chủ giải Kinh Thánh cung cấp. Mỗi độc giả Kinh Thánh, dù là người đơn sơ nhất, đều phải có kiến thức tương ứng về Bản Văn thánh, và cần nhớ rằng Lời Chúa mang hình thức những lời cụ thể, được giải thích và thích ứng để có thể được nhân loại nghe và hiểu. 
 

Đây chính là một công việc cần thiết: nếu không để ý tới điều đó, người ta có thể rơi vào thái độ chỉ hiểu Kinh Thánh theo nghĩa chữ (fondamentalisme), thái độ này, trong thực tế, chối bỏ sự nhập thể của Lời Chúa trong lịch sử và không nhìn nhận rằng Lời được diễn tả trong Kinh Thánh theo ngôn ngữ loài người, và phải được giải đoán, nghiên cứu và hiểu, và thái độ như thế cũng cố tình không biết rằng sự linh hứng của Chúa không xóa bỏ căn tính lịch sử và nhân cách riêng của các tác giả nhân trần. Nhưng Kinh Thánh cũng là Lời vĩnh cửu thần linh và vì thế, Kinh Thánh đòi hỏi một sự hiểu biết khác, được Thánh Linh ban cho, Ngài là đấng biểu lộ chiều kích siêu việt của Lời Chúa, hiện diện trong những lời nhân trần.


Đó chính là sự cần thiết của “Truyền thống sinh động của toàn thể Giáo Hội” (DV 12) và của đức tin để hiểu Kinh Thánh một cách thống nhất và trọn vẹn. Nếu ta chỉ dừng lại ở “chữ viết”, thì Kinh Thánh chỉ là một văn kiện trang trọng của quá khứ, một chứng từ cao quí về mặt luân lý đạo đức và văn hóa. Đàng khác, nếu loại bỏ sự nhập thể, thì người ta có thể rơi vào sự lầm lạc duy nghĩa đen (fondamentaliste) hoặc một thái độ duy linh hay duy tâm lý mơ hồ. Vì vậy, kiến thức về chú giải phải liên kết chặt chẽ với truyền thống linh đạo và thần học để sự hiệp nhất giữa chiều kính thần linh và nhân trần của Chúa Giêsu Kitô và của Kinh Thánh không bị phá vỡ.
 

Trong sự hòa hợp được phục hồi như thế, khuôn mặt của Chúa Kitô sẽ chiếu sáng trọn vẹn và giúp chúng ta khám phá một sự hiệp nhất khác, đó là sự hiệp nhất sâu xa và thâm thúy hơn của Bộ Kinh Thánh, gồm 73 cuốn, nhưng được tháp nhập vào một “Sổ Bộ” duy nhất, một cuộc đối thoại duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, trong một ý định cứu độ duy nhất. “Sau khi đã nói với các Tổ Phụ và Ngôn Sứ xưa kia, nhiều lần và dưới nhiều hình thức, trong những ngày sau hết này, Thiên Chúa đã nói với chúng ta qua Con của Ngài” (Dt 1,1-2). Như thế, Chúa Kitô chiếu ngược ánh sáng của Ngài vào toàn thể lịch sử cứu độ trước đó và cho thấy sự hòa hợp, ý nghĩa và đường hướng của lịch sử ấy.


Ngài là dấu ấn, “Alpha và Omera” (Kh 1,8) của cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và mọi loài thụ tạo, được kéo dài trong thời gian và được chứng thực trong Kinh Thánh. Chính dưới ánh sáng của dấu ấn cuối cùng ấy mà những lời của Môisê và các Ngôn Sứ đạt được “ý nghĩa trọn vẹn”, như chính Chúa Giêsu đã nói, trong một buổi chiều mùa xuân, khi Ngài đi từ Jerusalem đến làng Emmaus, đối thoại với Cléophas và bạn ông, và Ngài giải thích cho họ “những gì nói về Ngài trong toàn thể Kinh Thánh” (Lc 24,27). 

Sở dĩ như thế vì ở trọng tâm của mạc khải, có Lời Chúa trở thành khuôn mặt, mục đích tối hậu của kiến thức Kinh Thánh không phải ở “trong một quyết định luân lý đạo đức hay một ý tưởng lớn, nhưng là cuộc gặp gỡ với một biến cố, với một Người, mang lại cho cuộc sống một chân trời mới và qua đó một hướng đi quyết định” (Deus caritas est, 1).
 
  • Căn nhà của Lời:  HỘi THÁNH
Như sự khôn ngoan của Thiên Chúa trong Cựu Ước đã xây nhà trong thành thị của những người nam nữ và đặt nhà ấy trên 7 cột (x. Cn 9,1), cũng vậy Lời Chúa có nhà trong Tân Ứơc: chính Giáo Hội có khuôn mẫu ở trong cộng đồng mẹ Jerusalem, Giáo Hội được xây dựng trên Phêrô và các Tông Đồ, và ngày nay qua các Giám Mục hiệp thông với Đấng Kế Vị thánh Phêrô, tiếp tục là người bảo tồn, loan báo và giải thích Lời Chúa (x. LG 13). Thánh Luca, trong Tông Đồ Công Vụ (2,42), đã phác họa cấu trúc Giáo Hội dựa trên 4 cột trụ lý tưởng, ngày nay vẫn còn được các cộng đoàn Giáo Hội, với những hình thức khác nhau, làm chứng: “Họ chuyên cần lắng nghe lời dạy của các Tông Đồ, trung thành với niềm hiệp thông huynh đệ, bẻ bánh và cầu nguyện”.
 

Trước tiên là didaché, giáo huấn Tông Đồ, tức là việc rao giảng Lời Chúa. Thánh Phaolô nhắn nhủ chúng ta rằng “đức tin đến từ việc lắng nghe và lắng nghe ở đây là nghe Lời Chúa” (Rm 10,17). Từ Giáo Hội nảy sinh tiếng nói của người công bố trình bày cho tất cả mọi người “Kérygma”, tức là sự loan báo tiên khởi và cơ bản mà chính Chúa Giêsu đã loan báo khi Ngài mới bắt đầu sứ vụ công khai: “Thời giờ đã mãn, và nước Chúa gần kề; anh chị em hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Các tông đồ loan báo sự khai mạc Nước Thiên Chúa và đó là sự can thiệp quyết định của Chúa trong lịch sử nhân loại, các vị công bố cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô: “Không có ơn cứu độ nơi người nào khác: thực vậy, dưới bầu trời này, không có danh xưng nào khác được ban cho loài người trong đó có thiết định rằng chúng ta được cứu thoát” (Cv 4,12). Kitô hữu làm chứng về niềm hy vọng này “một cách dịu dàng, tôn trọng và với lương tâm ngay chính”, nhưng cũng sẵn sàng chịu liên lụy và bị đảo lộn vì cơn lốc của thái độ từ chối và bách hại, với ý thức rằng “chẳng thà chịu đau khổ khi làm điều thiện hơn là làm điều ác” (1Pr 3,16-17).


Rồi trong Giáo Hội, cũng vang lên lời huấn giáo: việc huấn giáo này nhắm đào sâu nơi Kitô hữu, “mầu nhiệm Chúa Kitô dưới ánh sáng Lời Chúa để toàn thể con người được ánh sáng ấy chiếu tỏa” (Gioan Phaolô 2, Catechesi tradendae, 20). Nhưng tột đỉnh của việc rao giảng là ở nơi bài giảng mà ngày nay đối với nhiều tín hữu Kitô, đó là lúc quan trọng chủ yếu để gặp gỡ với Lời Chúa. Trong việc giảng, thừa tác viên cũng phải trở thành ngôn sứ. Thực vậy, vị giảng thuyết phải có ngôn ngữ rõ ràng, quyết liệt và có chất lượng, không những “loan báo một cách thế giá những công trình kỳ diệu của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ” (SC 35), những công trình được trình bày trước tiên qua việc đọc một cách rõ ràng và sinh động bản văn Kinh Thánh mà phụng vụ đề nghị, nhưng cũng phải thời sự hóa những công trình ấy trong thời đại thính giả đang sống và làm nảy sinh nơi tâm hồn họ câu hỏi về sự hoán cải và sự dấn thân quyết liệt: “Chúng tôi phải làm gì đây?” (Cv 2,37).
 

Vì vậy, việc loan báo, huấn giáo và giảng thuyết đòi phải đọc, hiểu, diễn nghĩa và giải thích, một sự can dự của tâm trí trong đó. Trong việc giảng thuyết có hai chuyển động. Chuyển động thứ nhất, ta đi ngược tới căn cội của các đoạn Sách Thánh, các biến cố, những câu nói tạo nên lịch sử cứu độ, để hiểu chúng trong ý nghĩa và sứ điệp của chúng. Chuyển động thứ hai ta đi xuống hiện tại, tới cuộc sống thực tế của người nghe và đọc, luôn luôn dưới ở dưới ánh sáng của Chúa Kitô vốn là sợi dây rạng ngời nhắm thống nhất toàn thể Kinh Thánh. Đó là điều mà chính Chúa Giêsu đã làm – như đã nói – trong hành trình từ Jerusalem đến Emmaus, khi tháp tùng hai môn đệ của Ngài. Đó cũng là điều mà sau này Thầy Phó Tế Philiphê đã làm trên đường từ Jerusalem đến Gaza, khi Thầy bắt chuyện với một quan chức người Ethiopie: “Ông có hiểu điều ông đang đọc không?” và ông đáp: “Làm sao tôi có thể hiểu nếu không có ai chỉ dẫn cho tôi?” (Cv 8,30-31). Và mục đích nhắm tới là gặp gỡ trọn vẹn với Chúa Kitô trong bí tích. Và đó là cột trụ thứ hai nâng đỡ Giáo Hội là nhà của Lời Chúa.
 

Cột trụ này là việc Bẻ Bánh. Cảnh tượng Emmaus (cf Lc 24,13-35) một lần nữa lại là tấm gương và diễn lại điều xảy ra hằng ngày trong các thánh đường của chúng ta: tiếp nối bài giảng của Chúa Giêsu về Môisê và các ngôn sứ, là việc Bẻ Bánh Thánh Thể tại bàn ăn. Đó chính là lúc đối thoại thân tình của Thiên Chúa với dân của Ngài, là hành vi giao ước mới được ký kết trong máu Chúa Kitô (x. Lc 22,20), là công trình tột đỉnh của Ngôi Lời, Đấng hiến mình làm lương thực trong thân thể chịu hiến tế, là nguồn mạch và là tột đỉnh đời sống và sứ mạng của Giáo Hội. Trình thuật Tin Mừng về bữa Tiệc Ly, tưởng niệm hy tế của Chúa Kitô, khi được công bố trong Thánh Lễ, trong lời cầu xin Chúa Thánh Linh trở thành biến cố và bí tích. Chính vì thế, Công đồng chung Vatican 2 đã tuyên bố trong một đoạn rất xúc tích rằng: “Giáo Hội luôn tôn kính Kinh Thánh như đã tôn kính chính Mình Chúa Kitô, Giáo Hội không bao giờ bỏ qua, nhất là trong phụng vụ thánh, mà không nuôi dưỡng mình bằng Bánh Sự Sống nơi bàn tiệc Lời Chúa cũng như bằng Mình Chúa Kitô và trao ban cho các tín hữu” (DV 21). Vì vậy, cần phải đưa trở lại vị trí trung tâm đời sống Kitô giáo “phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể, vốn được liên kết chặt chẽ với nhau đến độ họp thành một hành vi thờ phượng duy nhất” (SC 56)


Cột trụ thứ ba của tòa nhà thiêng liêng Giáo Hội, nhà của Lời Chúa, là kinh nguyện được dệt bằng “các ca vịnh, thánh ca và những bài ca tinh thần” (Cl 3,16) như thánh Phaolô đã nói. Phụng vụ các giờ kinh dĩ nhiên chiếm chỗ đứng ưu tiên, vì là kinh nguyện tuyệt hảo của Giáo Hội, nhắm phân nhịp ngày và mùa trong năm Kitô giáo, cung cấp lương thực thiêng liêng hàng ngày cho các tín hữu, nhất là với bộ thánh vịnh. Bên cạnh phụng vụ này và các buổi cử hành chung Lời Chúa, tuyền thống còn du nhập “lectio divina”, tức là việc đọc và cầu nguyện trong Thánh Linh, có khả năng mở ra cho tín hữu kho tàng Lời Chúa, và cũng tạo nên cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô là Lời Chúa hằng sống.


Phương pháp này bắt đầu bằng việc đọc (lectio) đoạn Kinh Thánh, gợi lên một câu hỏi về việc hiểu biết chính xác nội dung đích thực của văn bản: đoạn Kinh Thánh này tự nó nói lên điều gì thế? Tiếp đến là suy niệm (meditatio) trong đó câu hỏi là: đoạn Kinh Thánh này nói gì với chúng ta? Và sau đó là cầu nguyện (oratio), việc làm này giả thiết một câu hỏi khác: chúng ta nói gì với Chúa để đáp lại Lời Ngài? Và cuối cùng là chiêm niệm (contemplatio) trong đó chúng ta đón nhận như hồng ân của Chúa chính cái nhìn của Ngài khi nhận xét về thực tại và chúng ta tự hỏi: Chúa đang yêu cầu chúng ta phải hoán cải tâm trí và cuộc sống như thế nào?
 

Đứng trước người đọc và cầu nguyện với Lời Chúa có tấm gương lý tưởng của Mẹ Maria, Mẹ của Chúa, Mẹ “đã giữ tất cả những điều ấy và suy niệm trong lòng” (Lc 2,19 ; x. 2,51), nghĩa là – như nguyên bản tiếng Hy lạp chỉ rõ – tìm thấy một mấu chốt sâu đậm liên kết các biến cố, các hành động và sự việc trong kế hoạch rộng lớn của Thiên Chúa, tuy rằng bề ngoài chúng có vẻ rời rạc không liên hệ với nhau. Hoặc tín hữu khi đọc Kinh Thánh cũng có thể nghĩ đến thái độ của bà Maria, em bà Marta, ngồi dưới chân Chúa và lắng nghe lời ngài, không để cho những giao động bên ngoài hoàn toàn xâm chiếm trọn tâm hồn, dành không gian tự do cho “phần tốt hơn” không bị tước đoạt mất (x. Lc 10, 38-42).
 

Và cột trụ cuối cùng nâng đỡ Giáo Hội, nhà của Lời Chúa, là: koinonia, sự hiệp thông huynh đệ, một danh xưng khác của từ agápe, nghĩa là tình yêu Kitô. Như Chúa Giêsu nhắc nhớ, để trở thành anh chị em của Ngài, thì cần phải là “những ngừơi lắng nghe Lời Chúa và mang ra thực hành” (Lc 8,21). Lắng nghe đích thực chính là vâng lời và hành động, là làm cho công lý và tình thương nảy sinh trong cuộc sống, là làm chứng tá trong cuộc sống và trong xã hội theo đường hướng tiếng gọi của các ngôn sứ, liên tục nối kết Lời Chúa với cuộc sống, niềm tin và sự ngay chính, việc phụng tự và sự dấn thân xã hội. Đó là điều Chúa Giêsu đã nhiều lần lập lại, từ lời nhắn nhủ nổi tiếng trong Bài Giảng trên núi: “Không phải kẻ nói rằng: Lạy Chúa, Lạy Chúa! mà được vào nước trời, nhưng là những người thi hành ý Cha Thầy ở trên trời” (Mt 7,21). Trong câu nói này dường như vang âm Lời Chúa đã được ngôn sứ Isaia trình bày: “Dân này chỉ đến gần Ta bằng lời nói, cầu khẩn Ta bằng môi miệng, nhưng lòng chúng xa Ta” (29,13). Lời cảnh giác này cũng nói về các Giáo Đoàn khi họ không trung thành lăng nghe Lời Chúa trong tinh thần vâng phục. 
 

Vì thế, Lời Chúa phải hiển hiện và có thể đọc được trên khuôn mặt, và trong đôi tay của tín hữu, như thánh Grêgôriô Cả đã gợi ý khi thấy nơi thánh Biển Đức và các vĩ nhân khác của Chúa như những chúng nhân về sự hiệp thông với Thiên Chúa và với anh em, Lời Chúa được biến thành cuộc sống. Người công chính và trung thành không phải chỉ “giải thích” Kinh Thánh, nhưng còn “triển khai” Kinh Thánh trước mọi người như một thực tại sinh động và được thực hành. Chính vì thế “viva lectio, vita bonorum”, đời sống của những người tốt lành là một bài đọc / bài học sinh động về Lời Chúa. Thánh Gioan Kim Khẩu đã nhận xét rằng các tông đồ xuống núi Galilea, nơi mà trước đó các vị đã gặp Chúa Phục sinh, các vị không mang theo bia đá được viết chữ trên đó như trường hợp ông Môisê : từ lúc đó chính cuộc sống của các tông đồ đã trở thành sách Tin Mừng sống động.
 

Trong nhà của Lời Chúa, chúng ta cũng gặp các anh chị em của các Giáo Hội khác và các cộng đồng Giáo Hội, tuy vẫn còn chia cách, nhưng vẫn cùng liên kết với chúng ta trong việc kính mến Lời Chúa là nguyên lý và là nguồn mạch của sự hiệp nhất đầu tiên và thực sự, cho dù sự hiệp nhất này không toàn vẹn. Mối liên hệ này phải luôn luôn được củng cố qua các bản dịch Kinh Thánh cung, phổ biến Sách Thánh, cầu nguyện đại kết với Kinh Thánh, đối thoại về chú giải, nghiên cứu và đối chiếu các giải thích khác nhau về Kinh Thánh, trao đổi các giá trị hiện hữu trong các truyền thống linh đạo khác nhau, loan báo và làm chứng tá chung về Lời Chúa trong một thế giới bị tục hóa”.
  • Những nẻo đường của Lời: Loan Báo Tin Mừng.
“Từ Sion Thánh Luật ban xuống và từ Jerusalem Lời Chúa phán truyền” (Is 2,3). Lời Chúa được nhân cách hóa “đi ra” khỏi nhà mình, ra khỏi đền thờ và tiến bước dọc theo những nẻo đường thế giới để gặp cuộc đại lữ hành mà các dân tộc trên trái đất đã khởi xướng hầu tìm kiếm chân lý, công lý và hòa bình. Thực vậy, cả nơi các thành thị hiện đại bị tục hóa, nơi các quảng trường và đường phố, nơi mà dường như thái độ bất tín và dửng dưng đang hiển trị, nơi mà sự ác dường như lướt thắng sự thiện, tạo cho người ta có cảm tưởng thành Babilone chiến thắng Jerusalem, vẫn có một khao khát thầm kín, một niềm hy vọng manh nha, một nỗi rên xiết mong chờ. Như ta đọc thấy trong sách ngôn sứ Amos, “Này đây sẽ đến ngày Ta gửi đói khát đến trong xứ, không phải đói cơm bánh, cũng chẳng phải là khát nước, nhưng là đói khát nghe Lời Chúa” (8,11). Sứ mạng truyền giảng Tin Mừng của Giáo Hội muốn đáp ứng sự đói khát ấy.


Cả Chúa Kitô phục sinh cũng kêu gọi các tông đồ đang do dự hãy ra khỏi biên cương chân trời được bảo bọc của họ: “Các con hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ… giảng dạy họ tuân giữ tất cả những gì Thầy đã truyền cho các con” (Mt 28,19-20). Kinh Thánh đầy những lời mời gọi “đừng im tiếng”, hãy “gào lên”, hãy “loan báo Lời Chúa dù gặp thời thuận tiện hay không thuận tiện”, hãy trở thành những người lính canh phá tan im lặng của sự dửng dưng lãnh đạm. Những nẻo đường mở ra trước chúng ta giờ đây không phải chỉ là những con đường trên đó thánh Phaolô hoặc những nhà truyền giáo đầu tiên đã đi qua, hoặc sau các vị, là tất cả những nhà thừa sai tìm đến với dân ngoại ở những vùng đất xa xăm.


Giờ đây, việc truyền thông trải rộng một mạng lưới bao trùm toàn thể địa cầu và lời mời gọi của Chúa Kitô nay có một ý nghĩa mới: “Điều mà Thầy nói với các con trong bóng tối hãy nói trong ánh sáng, và điều các con nghe rỉ tai hãy rao giảng trên mái nhà” (Mt 10,27). Chắc chắn, Lời Kinh Thánh phải duy trì sự hiển hiện đầu tiên và phổ biến qua văn bản được in ấn, với những bản dịch được thực hiện theo những ngôn ngữ khác nhau trên trái đất. Nhưng tiếng nói của Lời Chúa cũng phải vang dội qua đài phát thanh, các mạng Internet, các kênh truyền bá trực tuyến, các đĩa CD, DVD, các Ipods, vv; Lời Chúa phải xuất hiện trên các màn ảnh truyền hình, điện ảnh, trên báo chí, trong các biến cố văn hóa và xã hội.


Hình thức truyền thông mới mẻ này, so với truyền thông theo truyền thống, có những qui luật riêng để diễn tả và vì thế, cần phải trang bị, không những về mặt kỹ thuật, nhưng cả về mặt văn hóa cho công trình này. Trong một thời đại bị hình ảnh thống trị, hình ảnh được trình bày đặc biệt qua phương tiện trổi vượt trong ngành truyền thông là truyền hình, kiểu mẫu được Chúa Kitô ưu tiên sử dụng vẫn còn đầy ý nghĩa và gợi ý. Ngài dùng các biểu tượng, kể chuyện, ví dụ, kinh nghiệm thường nhật, dụ ngôn: “Chúa nói với họ về nhiều điều bằng dụ ngôn… và Ngài không nói gì với dân chúng mà không dùng dụ ngôn” (Mt 13,3.34). Khi loan báo nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu không bao giờ lướt trên đầu những người đối thoại với một thứ ngôn ngữ mơ hồ, trừu tượng và xa lạ, nhưng Ngài chinh phục họ ngay từ phần đất nơi họ đặt chân lên, để hướng dẫn họ, từ cuộc sống thường nhật đến mạc khải nước trời. Vì thế, cảnh tượng mà thánh Gioan gợi lại thật là ý nghĩa: “Một số người muốn bắt Chúa Giêsu, nhưng không ai dám ra tay bắt Ngài. Lính canh trở về gặp các trưởng tế và người Biệt Phái; những người này nói với họ: Tại sao các người không điệu hắn về đây? Lính canh đáp: “Chưa hề có ai nói như ông ấy!” (7,44-46).


Chúa Kitô tiến bước dọc theo những con đường trong thành thị chúng ta và dừng lại trước ngưỡng của nhà chúng ta: “Này đây, Ta đứng ở cửa và gõ. Nếu có ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào, dùng bữa tối với người ấy và người ấy ở với Ta” (Kh 3,20). Gia đình, với những niềm vui và thảm kịch trong 4 bức tường gia cư, là một không gian cơ bản mà Lời Chúa phải đi vào. Kinh Thánh rải rác những mẫu chuyện lớn nhỏ về gia đình và tác giả Thánh Vịnh mô tả một cách linh hoạt khung cảnh thanh thản một người cha ngồi tại bàn ăn, với người vợ, giống như cây nho sai trái, và các con cái, như những “ngành ôliu” (Tv 128). Chính Kitô giáo nguyên thủy đã cử hành phụng vụ trong đời sống thường nhật của một gia cư, cũng như Israel ủy thác cho gia đình việc cử hành lễ Vượt Qua (x. Xh 12,21-27). Sự thông truyền Lời Chúa diễn ra qua hệ thống gia đình, trong đó cha mẹ trở thành “những người đầu tiên thông truyền đức tin” (LG 11). Và tác giả Thánh Vịnh cũng nhắc nhớ rằng “điều mà chúng tôi đã nghe và đã biết, và cha ông chúng tôi đã kể lại cho chúng tôi, chúng tôi không giấu diếm con cái chúng tôi, nhưng kể lại cho thế hệ mai sau những hoạt động vinh hiển và quyền năng của Chúa và những kỳ công Chúa đã làm… và sau này chúng sẽ kể lại cho con cháu của chúng” (Tv 78,3-4.6).


Vì thế, mỗi nhà cần có cuốn Kinh Thánh riêng, gìn giữ cẩn thận và xứng đáng, đọc và cầu nguyện với Kinh Thánh; gia đình phải đề ra những hình thức và kiểu mẫu giáo dục cầu nguyện, huấn giáo, học hỏi về việc sử dụng Kinh Thánh, để “các thanh niên thiếu nữ, người già cùng với trẻ em” (Tv 148,12) lắng nghe, hiểu, chúc tụng và sống Lời Chúa. Đặc biệt các thế hệ trẻ, trẻ em và người trẻ, phải được giáo dục thích hợp và chuyên biệt để giúp họ cảm thấy sự thu hút của hình ảnh Chúa Kitô, mở rộng cửa trí thông minh và tâm hồn họ, kể cả bằng những cuộc gặp gỡ và chứng tá chân thực của người lớn, ảnh hưởng tích cực của bạn hữu và sự tháp tùng rộng lớn của cộng đồng Giáo Hội.


Chúa Giêsu, trong dụ ngôn về người gieo giống, nhắc nhở chúng ta rằng có những thửa đất khô cằn, nhiều sỏi đá, bị những bụi gai bóp nghẹt (x. Mt 13,3-7). Ai tiến bước trên những nẻo đường thế giới cũng khám phá thấy những hố trũng, những đau khổ và nghèo đói, tủi nhục và áp bức, nạn bị gạt ra ngoài lề và lầm than, bệnh tật thể lý và tâm lý, cô đơn. Nhiều khi những sỏi đá trên đường bị đẫm máu vì chiến tranh và bạo lực, nơi các dinh thự quyền lực nạn tham nhũng quyện với bất công. Vang lên tiếng kêu của những người bị bách hại vì trung thành với lương tâm và niềm tin của họ. Có những người bị chao đảo vì cuộc khủng hoảng hiện sinh hoặc có một tâm hồn vắng bóng hướng đi mang lại ý nghĩa và giá trị cho chính cuộc sống. Giống như “những bóng đi qua, như một hơi thở tàn lụi” (Tv 39,7), nhiều người cảm thấy bị đè nặng vì sự im lặng của Thiên Chúa, vì Ngài dường như vắng bóng và dửng dưng: “Lạy Chúa, Chúa tiếp tục quên con cho đến bao giờ? Chúa che giấu tôn nhan với con cho đến bao giờ?” (Tv 13,2). Và sau cùng là mầu nhiệm sự chết xuất hiện trước mắt mọi người.


Tiếng thở than khắp nơi vì đau khổ như thế đi từ đất lên tới trời cao không ngừng được Kinh Thánh diễn tả, Kinh Thánh đề nghị một đức tin có chiều kích lịch sử và nhập thể. Chỉ cần nghĩ đến những trang đầy bạo lực và áp bức, tiếng kêu ai oán và liên lỷ của Ông Gióp, những lời cầu khẩn thiết tha trong Thánh vịnh, cuộc khủng hoảng tinh tế trong nội tâm phủ ngập tâm hồn Qohelet, những lời tố giác mạnh mẽ của các ngôn sứ chống lại các bất công xã hội. Đàng khác, tội lỗi căn cội bị quyết liệt lên án, không chút giảm khinh, tội lỗi xuất hiện với tất cả quyền lực tàn phá của nó ngay từ đầu nhân loại trong một văn bản nền tảng của sách Sáng Thế (c.3). Thực vậy, “mầu nhiệm sự dữ” hiện diện và hành động trong lịch sử, nhưng nó bị Lời Chúa vạch trần, trong Đức Kitô, Thiên Chúa bảo đảm chiến thắng của sự thiện trên sự ác.


Nhưng trong Kinh Thánh, hình ảnh trổi vượt nhất chính là Chúa Kitô, Ngài khai mạc sứ vụ công khai với mộ lời loan báo hy vọng cho những người rốt cùng trên trái đất: “Thánh Thần Chúa ngự xuống trên tôi; vì thế Ngài đã xức dầu thánh hiến tôi và sai tôi đi mang tin mừng cho người nghèo khó, công bố sự giải thoát cho các tù nhân và người mù được thấy; trả tự do cho những người bị áp bức, công bố năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19). Đôi tay của Chúa bao lần đặt trên những thân thể bệnh hoạn hoặc bị nhiễm bệnh, lời Ngài công bố công lý, trao ban hy vọng cho người bất hạnh, ban ơn tha thứ cho kẻ tội lỗi. Sau cùng, chính Ngài hạ mình xuống mức độ tột cùng, “từ bỏ mọi vinh quang, mặc lấy thân phận tôi tớ, trở nên giống phàm nhân. Ngài cư xử như một người thường và càng hạ mình hơn nữa, vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá” (Pl 2,7-8).


Vì thế, Ngài cảm thấy sợ chết (“Lạy Cha, nếu có thể, xin cất chén này xa con!”), cảm thấy cô đơn và bị bỏ rơi, và bị bạn hữu phản bội, đi sâu vào trong tối tăm của đau đớn dữ dằn nhất về thể lý với cuộc đóng đanh, và thậm chí cả trong tăm tối do sự im lặng của Chúa Cha (“Lạy Chúa của con, Lạy Chúa con, sao Chúa bỏ con?”) và đi tới tận vực thăm của mỗi người, vực thẳm của cái chết (“Ngài kêu lớn tiếng rồi tắt thở”). Quả thực người ta có thể áp dụng cho Ngài định nghĩa mà ngôn sứ Isaia đã đành cho Người Tôi Tớ Chúa: “Người của đau khổ, quen thuộc với khổ đau” (53,3). 


Nhưng chính trong lúc cùng cực ấy, Ngài không ngừng là Con Thiên Chúa: trong tình liên đới yêu thương và với sự hy sinh bản thân, Ngài đặt trong sự giới hạn và trong sự ác của nhân loại một hạt giống thiên tính, hay một nguyên lý giải thoát và cứu độ; qua sự hiến thân cho chúng ta, qua sự cứu chuộc, Ngài chiếu sáng đau khổ và chết chóc mà Ngài đã chấp nhận và sống, và cũng mở ra cho cả chúng ta bình binh của sự sống lại. Vì thế, Kitô hữu có sứ mạng loan báo Lời Chúa hy vọng, bằng cách chia sẻ với người nghèo và người đau khổ, bằng chứng tá đức tin trong Nước sự thật và sự sống, thánh thiện và ân phúc, công lý, tình thương và hòa bình, qua sự gần gũi yêu thương không xét đoán và kết án, nhưng nâng đỡ, soi sáng, an ủi và tha thứ, theo Lời Chúa Kitô: “Hãy đến cùng tôi hỡi anh em là những người mệt mỏi và bị áp bức, tôi sẽ bổ dưỡng cho” (Mt 11,28).


Trên những nẻo đường thế giới, Lời Chúa tạo cho các tín hữu Kitô một cuộc gặp gỡ khẩn trương với dân tộc Do thái , mà chúng ta có liên hệ mật thiết vì cùng nhìn nhận và yêu mến Kinh Thánh Cựu Ước và vì từ Israel “Chúa Kitô đến theo xác thể” (Rm 9,5). Tất cả các trang Sách Thánh Do thái chiếu sáng mầu nhiệm Thiên Chúa và con người, biểu lộ các kho tàng suy tư và luân lý, vạch rõ hành trình dài của lịch sử cứu độ cho đến khi viên mãn, mạnh mẽ chiếu sáng cuộc nhập thể của Lời Chúa trong những biến cố con người. Những trang Sách Thánh ấy cho chúng ta hiểu trọn vẹn hình ảnh Chúa Kitô, Ngài đã tuyên bố “tôi đến không phải để hủy bỏ Luật và các Ngôn Sứ, nhưng để hoàn tất” (Mt 5,17). Các trang ấy là con đường đối thoại với dân ưu tuyển đã được Thiên Chúa “nhận làm con, được vinh quang, giao ước, lề luật, việc phụng tự và lời hứa” (Rm 9,4), và phong phú hóa sự giải thích của chúng ta về Kinh Thánh với những nguồn mạch phong phú của truyền thống chú giải Do thái.
 

“Phúc cho người Ai Cập dân Ta, người Assiri công trình của tay Ta và Israel gia sản của Ta” (Is 19,25). Vì thế Chúa mở rộng áo choàng bảo bọc của phúc lành Ngài trên mọi dân tộc trên trái đất, Chúa muốn rằng “Mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1Tm 2,4). Cả các tín hữu Kitô chúng ta, dọc theo những con đường của thế giới, cũng được mời gọi đi vào cuộc đối thoại, trong niềm tôn trọng, với những người nam nữ thuộc các tôn giáo khác mà không rơi vào chủ trương tôn giáo hỗn hợp lẫn lộn và làm suy giảm căn tính tinh thần của mình. Họ là những người lắng nghe và trung thành thực hành những chỉ dẫn trong Sách Thánh liên hệ, bắt đầu từ Hồi giáo là tôn giáo đón nhận nhiều nhân vật, biểu tượng và đề tài Kinh Thánh vào trong truyền thống của họ, và nêu cho chúng ta chứng tá một đức tin chân thành nơi Thiên Chúa duy nhất, từ bi và thương xót, là Đấng Sáng Tạo mọi loài và là Thẩm Phán của nhân loại.
 

Ngoài ra, Kitô hữu tìm được những hòa hợp chung với các truyền thống tôn giáo lớn từ Đông phương; qua các Sách Thánh của họ, họ dạy chúng ta sự tôn trọng sự sống, sự chiêm niệm, thinh lặng, đơn sơ, từ bỏ, như trong Phật giáo. Hoặc như trong Ấn giáo, có sự ca ngợi ý thức thánh thiêng, hy sinh, hành hương, chay tịnh, những biểu tượng thánh thiêng. Hoặc, trong Khổng giáo, họ dạy sự khôn ngoan và các giá trị gia đình và xã hội. Cả đối với các tôn giáo cổ truyền với các giá trị tinh thần của họ được biểu lộ qua các nghi lễ và qua các nền văn hóa truyền khẩu, chúng ta cũng muốn bày tỏ mối quan tâm thân tình và đối thoại với họ trong niềm tôn trọng, Và cả những người không tin Thiên Chúa, nhưng đang cố gắng “thực hành công lý, yêu mến điều tốt lành, tiến bước trong sự khiêm tốn” (Mk 6,8), chúng ta phải cộng tác với họ để đạt tới một thế giới công bằng và an bình.
 

Ngoài ra, các Nghị Phụ đã đóng góp 254  đề nghị và một Ủy Ban đặc biệt đã cô đọng lại thành 55 đề nghị dâng lên cho Đức Giáo Hoàng. Những đề nghị nầy được các Nghị Phụ bỏ phiếu trong phiên họp khoáng đại: Placet hoặc Non Placet hoặc Placet juxta modum. Kết quả là 55  đề nghị nầy đã được bỏ phiếu kín và hầu hết đều nhận được sự đồng tâm nhất trí của các Nghị phụ với lá phiếu: Placet.
 

Bản tường trình, Sứ điệp, các bài tham luận, các phát biểu góp ý và các đề nghị đều được dâng lên Đức Giáo Hoàng. Chính đây là chất liệu để Ngài soạn ra Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa.
 

Tại Việt Nam, trên cơ sở Thư mục vụ năm 2005 với chủ đề “Sống Lời Chúa”, Giáo Hội Việt Nam đã khẳng định “Lời Chúa là Lời cứu độ, là nguồn sống của Giáo Hội” và đã có những quyết tâm: 
 

   “Phải mở rộng lối vào Thánh Kinh cho các Kitô hữu” (MK 22)
 

Thánh Giêrônimô đã viết: “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô” (được trích trong MK 25). Do đó, bận tâm hàng đầu của chúng tôi là làm sao cho mọi tín hữu có thể tiếp cận với Lời Chúa, không những trong Phụng vụ mà còn trong đời sống thường ngày. Cụ thể là: Phát động và cổ võ để mỗi gia đình có sách Thánh Kinh, ít là Tân Ước; Tạo cơ hội tôn vinh và suy niệm Lời Chúa, riêng từng cá nhân, trong gia đình hoặc cộng đoàn; Dành vị trí trọng yếu cho Lời Chúa trong các giờ cầu nguyện và các việc đạo đức; Phát huy phương pháp diễn giải phù hợp với từng giới, áp dụng những hình thức phổ biến Lời Chúa bằng các phương tiện truyền thông hiện đại.  
    
  • Tăng cường vai trò ưu tiên của Thánh Kinh
Yêu mến Thánh Kinh không chỉ thể hiện qua việc phổ biến sách Thánh Kinh, mà còn là siêng năng đọc Lời Chúa trong đời sống và cho đời sống cụ thể của mình. Nói cách khác, đọc Lời Chúa không những để hiểu về Chúa mà còn để tìm hướng đi cho cuộc đời.
 

Nhìn chung, Kitô hữu Việt Nam còn chưa thực sự chú trọng đến việc đọc Thánh Kinh. Có thể nói, chúng ta rất siêng năng đọc kinh, nhưng còn chưa chú trọng đến việc đọc và suy niệm Lời Chúa. Thánh Kinh chưa có chỗ đứng xứng đáng trong các sinh hoạt đạo đức, nhất là trong đời sống gia đình.

Việc suy gẫm Lời Chúa ngày càng trở nên quan trọng và cấp bách, nhất là trong một xã hội đang biến chuyển sâu rộng về mọi phương diện, bởi lẽ Lời Chúa chỉ ra những định hướng và nền tảng cho đời sống luân lý đạo đức. Ước gì Thánh Kinh, nhất là những trang liên hệ đến đời sống mới trong Đức Kitô, từ Bài Giảng Trên Núi cho đến những lời khuyến thiện trong Thư các thánh Tông đồ, từ các sách Khôn Ngoan trong Cựu Ước cho đến những lời cảnh tỉnh trong sách Khải Huyền, thực sự trở thành sức mạnh nâng đỡ và ánh sáng soi đường cho chúng ta.   
 
  • Canh tân đời sống trong ánh sáng Lời Chúa
a- Với các linh mục và phó tế: chúng tôi xin mượn lời Công Đồng Vatican II để nhắc nhở anh em, hãy lo “gắn bó với Thánh Kinh nhờ chuyên cần đọc Sách Thánh và học hỏi kỹ càng; nếu không, sẽ có người trong họ thành “kẻ rao giảng Lời Thiên Chúa bên ngoài uổng công, bởi vì họ không lắng nghe Lời đó trong lòng” (x. T. Augustinô, được trích dẫn trong MK 25). Ước gì lời nhắn nhủ của Đức Giám mục trong Nghi lễ phong chức linh mục luôn vang mãi trong tâm trí anh em: “Chúng con đã vui mừng lãnh nhận Lời Chúa, chúng con hãy đem ra phân phát cho mọi người. Khi suy gẫm Lời Chúa, chúng con hãy chú tâm tin điều chúng con đọc, dạy điều chúng con tin và thi hành điều chúng con dạy” (Nghi lễ phong chức linh mục). Loan báo Lời Chúa là sứ mạng chính yếu và là lẽ sống của chúng ta. Chính vì sứ mạng này mà chúng ta được chọn và sai đi (x. Mt 10,4; Mc 3,13-14). Đó cũng là di chúc của Thầy Chí Thánh trước khi về trời (x. Mt 28,19-20; Mc 16,15-18).
 

b- Với các tu sĩ:  ước mong việc sống Lời Chúa trong năm nay sẽ là thời gian thuận lợi cho việc canh tân đoàn sủng mà anh chị em đã lãnh nhận và cam kết dấn thân. Như lời Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong “Tông huấn về Đời Sống Thánh Hiến” (94), Lời Chúa là “nguồn mạch đầu tiên của mọi linh đạo”. Trong Tông Thư “Khởi Đầu Ngàn Năm Mới” (39), ngài viết: “Lời Chúa phải trở nên một sự gặp gỡ ban sự sống, theo truyền thống xa xưa và luôn vững chắc về việc đọc Sách Thánh (lectio divina), cho phép rút ra từ bản văn Thánh Kinh Lời Hằng Sống, là lời chất vấn, hướng dẫn và hình thành cuộc sống chúng ta”. Anh chị em hãy đào sâu kinh nghiệm thiêng liêng về Lời Chúa một cách đặc biệt, nhờ đó anh chị em có thể trở lại với trọng tâm ơn gọi của mình, và giúp cho cộng đoàn tín hữu thăng tiến trên con đường thánh đức (x. Huấn thị “Xuất phát lại từ Đức Kitô”, 13).
 

c- Với anh chị em giáo dân: chúng tôi mời gọi anh chị em trở lại với dụ ngôn người gieo giống trong Tin Mừng Thánh Luca để ý thức rằng mỗi Kitô hữu vừa là người gieo giống vừa là thửa đất để đón nhận Lời Chúa (x. Lc 8,5-15). Đối với Lời Chúa, anh chị em hãy sửa soạn tâm hồn để trở thành mảnh đất màu mỡ. Đối với tha nhân, anh chị em hãy trở nên người gieo giống cần cù, kiên nhẫn tin tưởng không quản ngại chông gai sỏi đá. Đây là một sứ mạng đòi hỏi nhiều hy sinh và cố gắng để khắc phục mọi nghịch cảnh. Cuộc sống hôm nay đặt ra những thách đố lớn lao, nhiều lúc khiến anh chị em chao đảo, thất vọng. Trong những hoàn cảnh như thế, anh chị em hãy nhớ đến Chúa Giêsu trong câu chuyện hai môn đệ làng Emmau (x. Lc 24,13-35). Khi đồng hành với hai môn đệ đang bi quan chán nản, Người đã đem lại cho các ông niềm vui và sức mạnh qua việc diễn giải Thánh Kinh. Người cũng sẵn sàng hiện diện để nâng đỡ anh chị em, nếu anh chị em biết mở rộng tâm hồn để lắng nghe Lời Người.
 

d- Cách riêng với các bạn trẻ: chúng tôi muốn nhắc lại lời Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI trong bài giảng bế mạc Ngày Quốc tế Giới Trẻ tại Cologne, ngày 21-8-2005: “Các bạn hãy giúp nhân loại khám phá ánh sao dẫn đường đích thực là Đức Giêsu Kitô. Chính chúng ta cũng cần tìm hiểu về Người mỗi ngày một hơn để có thể dẫn đưa tha nhân tin tưởng đến với Người. Vì thế, nếu yêu mến Thánh Kinh là điều hệ trọng, thì am hiểu đức tin của Giáo Hội cũng hệ trọng không kém, bởi vì nhờ Giáo Hội, ta mới  hiểu được ý nghĩa của Thánh Kinh”. Các bạn sẽ là chủ nhân của tương lai, là niềm hy vọng của Giáo Hội. Trước bao nhiêu khuynh hướng, trào lưu và thần tượng của thời đại, các bạn không được phép sai lầm khi lựa chọn tiêu chuẩn hướng dẫn hành động. Lời Chúa là Ánh Sáng duy nhất giúp các bạn trong sự lựa chọn có tính quyết định này.
 
  • Để Lời Chúa đi vào cuộc sống
Ý chính của những gì vừa nêu ra trên đây là mỗi giới cần phải phát huy lòng yêu mến Lời Chúa sao cho phù hợp với điều kiện riêng của mình, nhưng tất cả đều phải biểu lộ lòng yêu mến ấy bằng hành động như Chúa đã dạy: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” mà được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi” (Mt 7,21). Lòng yêu mến không phải chỉ là chuyện lý thuyết, nhưng phải minh chứng bằng việc làm: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ Lời Thầy” (Ga 14,23). Việc thực hành Lời Chúa chính là nền tảng cho cuộc sống Kitô hữu như Lời Chúa phán: “Ai nghe Lời Ta nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá” (Mt 7,24). Chính Đức Giêsu đã thực hành những lời Người rao giảng: Người đã tha thứ cho những kẻ giết mình, quan tâm đến những người bé mọn, hy sinh mạng sống cho nhân loại mà Người yêu mến. Trong bữa tiệc ly, sau khi giải thích sứ mạng Người Tôi Tớ, Đức Giêsu đã nêu gương cụ thể trong cử chỉ rửa chân cho các môn đệ, như để thực hiện chính điều Người đã truyền dạy. Đến ngày phán xét, Chúa không chất vấn chúng ta về sự uyên bác lý thuyết, nhưng về những việc chúng ta đã làm cho tha nhân.
 

Trong một xã hội còn thiếu tôn trọng sự thật, Kitô hữu phải tập và nêu gương sống ngay thẳng. Trong một xã hội còn thiếu tôn trọng sự sống con người, Kitô hữu quyết tâm cổ võ và bảo vệ nền văn hóa sự sống. Trong một xã hội chạy theo lợi nhuận, thiếu tôn trọng phẩm giá con người, gạt người nghèo sang bên lề cuộc sống… Kitô hữu được mời gọi dấn thân xây dựng nền văn minh tình thương.   
  • Sống Lời Chúa theo gương Đức Maria
Để kết luận, chúng tôi mời gọi tất cả anh chị em hướng về Thập Giá, nơi có Đức Maria và người môn đệ Chúa yêu, để lắng nghe lời trăn trối: “Này là Mẹ con” (Ga 19,26-27). Tưởng không có gì sâu xa và thấm thía hơn khi Đức Giêsu chỉ công bố “mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,30) sau khi thốt ra lời trao gửi đó, như thể trong việc đón nhận Mạc Khải Thiên Chúa không thể thiếu sự hiện diện của Đức Maria.


Hành trình đức tin của Đức Maria là hành trình của người môn đệ. Mẹ là người môn đệ hoàn hảo luôn biết lắng nghe Lời Chúa và cộng tác với chương trình của Thiên Chúa qua sự vâng phục và tình mến. Trước những biến cố cứu độ được thực hiện qua cuộc đời và sứ mạng của Đức Giêsu, Mẹ đã ghi nhớ và suy niệm  trong lòng (x. Lc 2,51). Ngày hôm nay Mẹ đang nói với chúng ta điều Mẹ đã nói với những người giúp việc tại tiệc cưới Cana: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5).


Mẹ Maria, người đã đón nhận Lời Chúa trong tâm hồn trước khi cưu mang Ngôi Lời trong lòng dạ, xin Mẹ dạy chúng ta biết sống Lời Chúa bằng tất cả tấm lòng, để chính cuộc sống chúng ta cũng trở thành Tin Mừng cho mọi người anh em, trên quê hương Việt Nam thân yêu này. ( Thư Mục vụ của HĐGMVN năm 2005 ).


Trong “Năm thánh 2010’’, tại Đại Hội Dân Chúa, Giáo Hội Việt Nam khẳng định lại quyết tâm của mình “Sống Lời Chúa” qua Sứ điệp của Đại Hội Dân Chúa Việt Nam 2010:


“Vì thế, trong mọi hoàn cảnh, điều quan trọng nhất vẫn là củng cố, canh tân, đào sâu mối hiệp thông của mỗi người tín hữu cũng như của mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn với Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa và cử hành Thánh Thể. Cử hành Thánh Thể phải thực sự trở thành tâm điểm trong đời sống Hội Thánh tại Việt Nam. Để được như thế, cử hành Thánh Thể cần được nối dài bằng cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa, đào sâu chân lý đức tin. Ước mong rằng trong những năm sắp tới, Hội Thánh tại Việt Nam sẽ đẩy mạnh việc phổ biến và học hỏi Lời Chúa bằng những phương thế khác nhau, để Lời Chúa thực sự trở thành của ăn nuôi dưỡng tâm hồn, kim chỉ nam và ánh sáng soi dẫn mọi quyết định và chọn lựa của các tín hữu”.


Rất nhiều ý kiến, nguyện vọng của mọi thành phần Dân Chúa trong Đại Hội đều nói lên khát vọng được học hỏi, chia sẻ, trao đổi, cầu nguyện, đào sâu và sống Lời Chúa.


Và nay, Tông huấn Verbum Domini ( Lời Chúa ) của Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI xuất hiện, thật sự đáp ứng nguyện vọng sâu xa của toàn Dân Thiên Chúa: “Qua Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng này, tôi muốn đáp lại thỉnh cầu của các Nghị Phụ là phổ biến cho Dân Chúa biết thành quả phong phú đạt được từ những phiên họp của Thượng Hội Đồng tại Vatican và các đề nghị được đưa ra trong quá trình làm việc chung của chúng tôi. Trong viễn tượng đó, tôi muốn nhìn lại những công việc của Thượng Hội Đồng bằng cách duyệt lại các tài liệu đã được trình lên: Lineamenta (Đề cương), Instrumentum laboris (Tài liệu làm việc), các Báo cáo ante et post disceptationem (trước và sau thảo luận), các bài tham luận được đọc trong khi họp và những bản văn viết, các báo cáo của các nhóm thảo luận, bản văn Sứ Điệp chung kết gởi cho Dân Chúa, và nhất là một số đề nghị (Propositiones) quan trọng mà các Nghị Phụ đặc biệt quan tâm. Bằng cách đó, tôi muốn vạch ra một vài đường nét căn bản để tái khám phá Lời Chúa trong đời sống của Giáo Hội, vì Lời Chúa là nguồn mạch bất tận luôn đổi mới, đồng thời tôi ước mong Lời Chúa luôn ngày càng trở nên trung tâm điểm của mọi hoạt động trong Giáo Hội” (Verbum Domini, số 1).
 

Mong rằng với những hướng dẫn cụ thể của Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI trong Tông Huấn Lời Chúa, mọi thành phần Dân Chúa sẽ tìm được nơi Lời Chúa là Đức Giêsu Kitô, không những là nguồn an ủi, là sức mạnh, mà còn là lương thực, là tình yêu, là sự sống  và ánh sáng cho cuộc đời của mình.

 
http://www.kinhthanhvn.net/loi-chua-ben-vung-den-muon-doi-gm-giuse-vo-duc-minh
Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...