LỜI CHÚA LÀ NGUỒN MẠCH CỦA GIÁO HUẤN XÃ HỘI CÔNG GIÁO


LỜI CHÚA LÀ NGUỒN MẠCH CỦA GIÁO HUẤN XÃ HỘI CÔNG GIÁO
 
  Lm. Giuse Maria Lê Quốc Thăng
 
Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo không phải là một ý thức hệ, một lý thuyết xã hội hay một hệ thống kinh tế thuần tuý mà là cách thế diễn giải và áp dụng Lời Chúa vào lãnh vực xã hội. Vì thế, Giáo huấn xã hội của Giáo Hội không chủ trương đưa ra những giải pháp kỹ thuật cho vấn đề chậm tiến và cũng chẳng đề xuất các chương trình xã hội hay chính trị cụ thể. Sâu xa hơn, Giáo huấn xã hội của Giáo Hội chính là một cách thế loan báo Tin Mừng cho con người hôm nay, bởi vì làm chứng cho tình yêu của Đức Kitô ngang qua các công trình phục vụ công lý, hoà bình và phát triển là thành phần của loan báo Tin Mừng. Giáo Huấn này bắt nguồn từ Lời Chúa và được huấn quyền giải thích, hướng dẫn. Không thể nào trình bày chính xác Giáo huấn Xã Hội Của Giáo Hội Công Giáo ngoài ánh sáng Lời Chúa. Lời Chúa là nguồn mạch, là ánh sáng, là kim chỉ nam cho toàn bộ Giáo huấn xã hội. Vì thế, suy tư, giải thích Lời Chúa để áp dụng vào những thực tại xã hội và con người là điều quan trọng nhất, là việc làm trước hết khi trình bày Giáo Huấn Xã Hội cách giáo thuyết hay áp dụng các nguyên tắc của Giáo huấn này vào thực tiễn cuộc sống con người và xã hội.
 
1. Giáo huấn xã hội của Giáo Hội chính là một cách thế loan báo Tin Mừng cho con người hôm nay, bởi vì làm chứng cho tình yêu của Đức Kitô ngang qua các công trình phục vụ công lý, hoà bình và phát triển là thành phần của loan báo Tin Mừng. ĐGH Gioan Phaolô II trong thông điệp Centesimus Annus số 5 đã minh bạch: “Tôi đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, việc rao giảng Tin Mừng trong thời đại mới phải rao giảng những điểm quan trọng của Giáo huấn Xã hội của Giáo hội … chúng ta cần phải lập lại rằng những vấn đề xã hội không thể giải quyết ngoài bối cảnh Tin Mừng được”. GHXHCG  không nhằm mục đích nào khác hơn là hướng dẫn con người cư xử với nhau dựa theo đức công bình. Hơn nữa, GHXHCG như là nền tảng cho việc xây dựng sự hiệp nhất và hòa bình khi con người không thể tránh gặp phải những vấn đề trong đời sống xã hội và kinh tế. Khi thực hiện như thế, Giáo hội chu toàn sứ mạng rao giảng Tin Mừng bằng cách rao giảng chân lý về Đức Kitô, về con người, về Giáo hội và áp dụng chân lý ấy vào những hoàn cảnh thực tế.” Giáo Huấn xã hội của Giáo Hội “tự nó là một công cụ hữu hiệu để Phúc Âm hoá”, và Giáo Huấn ấy được khai sinh là bởi những cuộc gặp gỡ luôn mới mẻ của thông điệp Tin Mừng với đời sống xã hội. Nếu hiểu như thế thì Giáo Huấn xã hội chính là một phương cách đặc biệt để Giáo Hội thi hành tác vụ rao giảng Lời Chúa và làm ngôn sứ. “Thật vậy, giảng dạy và phổ biến Giáo Huấn xã hội là những việc làm có liên quan tới sứ mạng Phúc Âm hoá của Giáo Hội và là một phần thiết yếu trong thông điệp Kitô giáo, vì Giáo Huấn ấy cho biết những kết quả cụ thể của thông điệp này trong đời sống xã hội, cũng như đặt những việc làm hằng ngày và những cuộc đấu tranh cho công lý mỗi ngày vào trong bối cảnh làm chứng cho Đức Kitô Cứu Thế”. Đây không phải là một bận tâm hay một hoạt động bên lề, hoặc chỉ là một bận tâm hay một hoạt động gắn thêm vào sứ mạng của Giáo Hội, mà đúng hơn đó chính là trọng tâm công tác phục vụ của Giáo Hội: với Giáo Huấn xã hội, Giáo Hội “công bố Thiên Chúa và mầu nhiệm cứu độ của Ngài trong Đức Kitô cho hết mọi người, và đó cũng chính là cách để giúp con người biết mình là ai”. Đây là một tác vụ không chỉ xuất phát từ việc công bố mà còn phát xuất từ việc làm chứng (TLGHXH Số 67).
 
2. Giáo huấn xã hội của Giáo Hội là một sự trình bày chính xácnhững thành quả suy tư nghiêm túc về các thực tế phức tạp của đời sống con người, trong xã hội và trong trật tự quốc tế, dựa vào ánh sáng đức tin và truyền thống Giáo Hội. Mục đích chính của sự trình bày này là lý giải các thực tại ấy, xác định xem chúng có phù hợp hay không với đường hướng giáo huấn của Tin Mừng liên quan đến con người và thiên chức của con người, một thiên chức vừa trần thế vừa siêu việt; mục đích là để hướng dẫn người Kitô hữu biết cách cư xử cho đúng. Giáo huấn xã hội của Giáo Hội vừa bắt nguồn từ Kinh Thánh, vừa tích lũy những suy tư và kinh nghiệm của Giáo Hội suốt dọc lịch sử, vừa trung thành với sứ vụ muôn thuở của Kitô giáo, vừa thích nghi và đổi mới không ngừng để trả lời cho những thách đố của mỗi thời đại. Hơn nửa thế kỷ vừa qua, Giáo huấn xã hội của Giáo Hội đã chứng tỏ cho mọi người thấy rằng ước muốn đọc những dấu chỉ thời đại dưới ánh sáng của Tin Mừng và quyết tâm đối thoại với nhân loại hôm nay là một trong những mục tiêu của Giáo Hội trong thời hiện đại.
 
Theo một số chuyên gia, nét độc đáo của Giáo huấn xã hội của Giáo Hội nằm ở tính chất vừa đặc thù, vừa đa dạng và khác biệt, nhưng lại bổ sung và phong phú hóa cho nhau. Hầu như chúng ta luôn luôn bắt gặp hai mặt của cùng một sứ vụ muôn thưở. Đó là trách nhiệm rao giảng Tin Mừng vĩnh hằng cho muôn dân; mặt khác, đòi hỏi phải không ngừng thích nghi và hội nhập sứ điệp Tin Mừng này vào mỗi môi trường văn hóa, điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị của mỗi thời đại. Đây là hai đòi hỏi căn bản, vừa giằng co và đối lập, vừa bổ khuyết và phong phú hóa cho nhau. Bên cạnh yêu sách thích nghi không ngừng, trong Giáo huấn xã hội của Giáo Hội luôn hiện diện yêu sách trung thành và tiếp nối truyền thống xã hội của Kitô giáo từ buổi ban sơ cho đến thời hiện đại. Đây là những hình thức thể hiện nguyên tắc nền tảng của Tin Mừng về tình yêu phổ quát, phẩm giá con người, huynh đệ đại đồng, thái độ liên đới với những người bị áp bức, hành động bảo vệ người nghèo, can đảm chống lại bất công, tranh đấu cho công ích, dấn thân xây dựng một xã hội hòa bình, công bằng và nhân ái hơn... trong điều kiện chính trị, kinh tế, kỹ thuật luôn biến thiên và khác biệt nhau.(Gm Nguyễn Thái Hợp, OP. Một Cái Nhìn về Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo, Nhà Xuất bản Phương Đông, 2010, trang 11)
 
3. Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài theo bước chân của các sứ giả ra đi loan báo Tin Mừng, khởi từ thời các Thánh Tồng Đồ. Đó chính là một nỗ lực rao giảng và dùng ánh sáng Lời Chúa để soi chiếu các thực tại của con người trong bối cảnh xã hội của mỗi thời đại. Nơi Giáo Huấn này, mọi thành phần Dân Chúa khi đối diện hay phải đương đầu với những thực tại xã hội phức tạp, khó khăn sẽ kín múc được những nguyên tắc để suy tư, các tiêu chuẩn để phán đoán và các chỉ dẫn để thực hành. Với những ai thành tâm thiện chí và mọi thành phần trong xã hội thì Giáo Huấn này như là một đóng góp tích cực của Giáo Hội Công Giáo nhằm đưa ra những ý kiến, giải pháp cũng như định hướng để xây dựng một nền văn minh tình thương, xây dựng một xã hội có công lý và hòa bình. Quả thật ngay từ thời Giáo Hội Sơ Khai, khi các Tông đồ ra đi rao giảng Tin Mừng là bắt đầu một cuộc nhập thế dấn thân đối diện với các thực tại của xã hội. Từ việc chia sẻ bác ái, đến những thách đố của cuộc sống. Chính những thách đố, những vấn đề của cuộc sống nhân sinh đòi hỏi Huấn quyền phải dùng ánh sáng Tin Mừng để chiếu soi, để tìm cách can thiệp theo đúng Thánh Ý Chúa, từ đó giúp người ta cũng như xã hội biết chọn lựa sự công chính, công lý của Thiên Chúa để tiến tới mỗi ngày một tốt đẹp hơn. Giáo Hội không lãnh lấy trách nhiệm về hết mọi khía cạnh của cuộc sống trong xã hội mà chỉ lên tiếng trong phạm vi chuyên môn của mình, tức là công bố Đức Kitô là Đấng Cứu Chuộc: “Đức Kitô không để lại cho Giáo Hội một sứ mạng thuộc phạm vi chính trị, kinh tế hay xã hội; mục tiêu Người trao cho Giáo Hội là mục tiêu tôn giáo. Nhưng sứ mạng tôn giáo này có thể là nguồn đưa tới những dấn thân, đường hướng và sức sống để Giáo Hội tìm cách thiết lập và củng cố cộng đồng nhân loại cho đúng với luật Chúa”. Nói thế có nghĩa là Giáo Hội không can thiệp vào các vấn đề kỹ thuật qua Giáo huấn xã hội của mình, cũng không đề xuất hay thiết lập những hệ thống hoặc những mô hình tổ chức xã hội. Đó không phải là sứ mạng Đức Kitô muốn trao cho Giáo Hội. Sở trường chuyên môn của Giáo Hội bắt nguồn từ Tin Mừng: từ thông điệp làm cho con người được tự do, đã từng được Con Thiên Chúa làm người công bố và làm chứng (TLHTXH Số 68).Qua công cuộc Loan báo Tin Mừng, quá trình Tin Mừng tác động, soi sáng, hội nhập vào các cảnh vực của cuộc sống con người và xã hội đã làm cho Giáo huấn Xã Hội của Giáo Hội ngày càng sáng tỏ, rõ ràng và hệ thống hơn. Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI nhận định trong Thông Điệp Bác Ái trong Chân Lý của Ngài: “Giáo huấn xã hội của Giáo hội soi sáng các vấn đề luôn luôn mới xuất hiện bằng một ánh sáng không bao giờ thay đổi. Điều này bảo vệ đặc tính liên tục và lịch sử của gia sản giáo thuyết, vốn là thành phần của Truyền thống sống động trong Giáo hội. Giáo huấn xã hội  của Giáo hội được xây dựng trên nền tảng được các Tông đồ truyền đạt cho các giáo phụ và được các tiến sĩ nổi tiếng của Hội Thánh tiếp nhận và đào sâu. Giáo huấn này hướng đến  Con Người mới, vị Ađam cuối cùng, “Đấng là Thần khí ban sự sống” (1Cr 15,45) và là nguyên lý của đức ái “không bao giờ tàn tạ” (1Cr 13,8). Giáo huấn này được xác nhận bằng chứng tá của chư thánh và của tất cả những ai dâng hiến cuộc sống mình cho Đức Kitô, Đấng Cứu độ, trong lãnh vực công lý và hòa bình. Trong giáo huấn này chúng ta thấy được trách nhiệm ngôn sứ của các vị giáo hoàng: hướng dẫn Giáo hội Chúa Kitô theo cách thức các tông đồ và nhận ra những đòi hỏi mới mẻ của việc Phúc Âm hóa.”(CV Số 12)
 
4. Những Nguyên Tắc, Giá Trị Của Giáo Huấn Xã Hội Thể Hiện Nội Dung Lời Chúa: Khi trình bày các Nguyên tắc: Nhân Vị, Công Ích, Bổ Trợ, Liên Đới và Ưu Tiên Chọn Lựa Người Nghèo cùng các Giá trị : Công Lý, Chân Lý, Tự Do và Tình yêu, Giáo huấn xã hội thực chất là khai triển Lời Chúa cách cụ thể để áp dụng vào thực tế cuộc sống xã hội và con người. Những nguyên tắc và các giá trị này không nằm ngoài phạm vi Lời Chúa, không phải là những chủ thuyết của một giai đoạn nào đó trong lịch sử Giáo Hội hay chủ trương của một vị Giáo Hoàng nào. Tất cả đều là những vấn đề được khởi xướng từ Kinh Thánh. Làm sao Giáo Huấn có thể đặt con người là trung tâm là nền tảng của xã hội. Tất cả vì con người, phục vụ con người. Bởi vì Kinh Thánh cho thấy con người là hình ảnh sống động của chính Thiên Chúa. Hình ảnh này được làm sáng tỏ, sâu sắc hơn nhờ Đức Kitô nhập thể làm người, Người là hình ảnh tuyệt hảo của Thiên Chúa vô hình ( x. Cl 1, 15). Nhờ Người, con người đã được nâng lên thành con Thiên Chúa (x. Gl 1, 4-5). Như thế, con người được Thiên Chúa sáng tạo và cứu độ đã mang một phẩm giá rất cao trọng trong vũ trụ vạn vật, trước mặt Chúa và trước mặt  nhau : Con người là hình ảnh, là con Thiên Chúa. Toàn bộ đời sống xã hội đều là sự biểu hiện của một nhân vật chính không thể lầm lẫn được, đó chính là con người. Con người nên và phải luôn luôn là chủ thể, là nền tảng và là mục tiêu của đời sống xã hội. Kinh Thánh đã cho thấy Thiên Chúa luôn bênh vực và đứng về phía người nghèo. Ngài bảo vệ, bênh vực những người nghèo khó, bé mọn, cô thân cô thế, cô nhi quả phụ. Các Tiên tri có sứ mạng lên án đời sống xa hoa truỵ lạc, tình trạng bất công xã hội và thái độ hờ hững, ích kỷ trước nỗi khốn khổ của đồng bào. Đặc biệt nơi Đức Kitô “Người đã trở nên nghèo để làm cho anh em được giàu có nhờ cái nghèo của Người” (x. 2 Cr 8,9). Người đã chọn cuộc sống khó nghèo và mời gọi ai muốn làm môn đệ người cũng phải sống tinh thần khó nghèo. Trong con người Đức Kitô và qua sứ vụ của Người, “Thiên Chúa hiện diện với con người. Càng ý nghĩa hơn khi con người, trước hết là nhưng người thiếu thốn về vật chất, những người bị tước đoạt tự do, những người không được nhìn vẻ đẹp thiên nhiên, những người đau khổ trong tâm hồn hoặc nạn nhân của bất công xã hội và cuối cùng những người tội lỗi.” (Gioan Phaolô II, Thông điệp Thiên Chúa, Đấng Giàu Lòng Thương Xót, Số 2). Trong suốt hành trình loan báo tin Mừng, Đức Kitô luôn đồng hành và sát cánh với người nghèo khổ, bệnh tật, bị loại trừ và nguyền rủa. Người đã công khai đồng hoá mình với những người cùng khốn mà Người gọi là người bé nhỏ : đói rách, trần truồng, bệnh tật, tù đày…Những gì đụng chạm đến họ, giúp hay không giúp cho họ là đụng chạm, là giúp hay không giúp chính Người (x. Mt 25, 31-45). Đối với Giáo Hội, lựa chọn người nghèo là một phạm trù chủ yếu thần học hơn là một phạm trù xã hội học, chính trị hay triết học. Thiên Chúa tỏ “lòng thương xót của Người trước tiên” cho những người nghèo.(NVTM số 198)
 
Lời Chúa luôn là nền tảng cho Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội. Không có bất kỳ một nội dung nào trong Giáo huấn mà không rút ra từ Lời Chúa. Lời Chúa là gợi hứng cho các hoạt động phục vụ con người và xã hội của Giáo Hội. Khi gặp các vấn nạn, thách đố đến từ thực tại xã hội thì Giáo Hội luôn đi tìm được câu trả lời từ trong Lời Chúa. Giáo Huấn là hoa trái của Lời Chúa được sống và được rao giảng. Không có sự tách biệt Giáo huấn ra khỏi Lời Chúa. Chính vì thế, sức sống của Giáo Huấn là Lời Chúa, Lời được nghiền gẫm, được suy tư, được áp dụng để thành khí cụ xây dựng và mang bình an đến cho con người và thế giới. Không thể sai lầm, không còn sợ hãi cho những người môn đệ Đức Kitô khi ra đi dấn thân rao giảng Tin Mừng trong các lãnh vực trần thế: kinh tế, chính trị, văn hóa … Vì sứ mạnh đến từ Đức Kitô và đường lối mình đi là đường lối Tin Mừng.
Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...