MARIA MAGDALA


MARIA MAGDALA

Trong Tân ước, có lẽ nhân vật gây nhiều tranh luận và hiểu lầm nhất là cô Maria Magdala (MM). Cô cũng như là người phụ nữ quan trọng thứ nhì sau Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Những chi tiết thu thập được từ các sách Phúc Âm thuộc thư quy không khỏi khiến cho các tín hữu thời sơ khai thắc mắc, thêm vào những ảnh hưởng của cô trên các sách không thuộc quy điển, làm cho nhân vật này vốn bí ẩn, lại càng thêm rắc rối.

Vậy, MM là ai?

Trước hết, về tên gọi: Maria là một tên gọi phổ biến thứ hai ở Do Thái vào thời Hêrôđê, sau tên gọi Salome. Biến thể của tên Maria còn có các tên như Mariam, hay Myriam.

Trong Tân Ước, tên gọi này thậm chí xuất hiện nhiều hơn cả tên Salome. Có 5 tên gọi Maria xuất hiện trong các Phúc Âm: Maria mẹ Đức Giêsu, Maria vợ ông Cleophar, Maria mẹ hai ông Giacôbê và Giôxếp, Maria Bêtania, và Maria Magdala. Theo các nhà chú giải, Maria vợ ông Cleophar và Maria mẹ hai ông Giacôbê và Giôxếp có lẽ là một người. Và hai nhân vật này không xuất hiện nhiều, cũng như không có vai trò quan trọng lắm, nên không gây ra nhiều tranh cãi cho bằng hai tên gọi sau, là Maria Bêtania và Maria Magdala. Nhưng trong chiều thứ Năm tuần thánh vừa qua, cha giáo Giuse Phan Tấn Thành, OP. đã cho chúng ta biết diễn tiến lịch sử về sự phân biệt hai nhân vật này, và đó là hai nhân vật độc lập chứ không phải là một người.
Do đó, căn cước của MM là thế nào?

Tên gọi của cô là Maria. Quê quán ở thị trấn Magdala, có nghĩa là “cái tháp”, nằm phía tây biển hồ Galilê.

Thân thế và gia cảnh của MM không được các sách Tin Mừng cung cấp chi tiết, nhưng dựa vào một vài dữ kiện như tên gọi của cô được lấy theo nguyên quán chứ không lấy theo tên chồng, hoặc con (trường hợp Maria vợ ông Cleophar, hay Maria mẹ ông Giôxếp); thuộc vào số những phụ nữ đi theo Chúa Giêsu ngay từ đầu, và đã lấy của cải để giúp Người và các môn đệ. Như vậy, ta có thể đoán được rằng cô MM là một phụ nữ không có chồng con, giàu có về tài sản.

MM có liên hệ gì với Đức Giêsu?

Tên của cô MM xuất hiện 14 lần trong các sách Phúc Âm: trong đó có đến 13 lần trong khung cảnh cuộc Tử nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu, đó là: lúc Chúa chịu đóng đinh (Mt 27,56.59; Mc 15,40; Ga 19:25), lúc mai táng (Mt 27,61; Mc 15,47), lúc ra viếng mồ (Mt 28,1; Mc 16,1.9; Lc 24,10; Ga 20,1.11.18). Một lần duy nhất ngoài bối cảnh vừa nói là Lc 8,3.

Theo Marcô và Gioan, MM là người đầu tiên được Chúa Phục sinh hiện ra. Marcô còn thêm rằng bà đã được trừ khỏi 7 quỷ. Luca cũng nói như vậy khi thuật lại những phụ nữ đầu tiên đi theo Chúa.

Trong các sách Phúc Âm thuộc quy điển, tương quan của Đức Giêsu và cô đơn thuần chỉ là tương quan của thầy với môn đệ. Cô yêu mến và kính trọng thầy mình, nên luôn đi theo và phục vụ Đức Giêsu và các môn đệ, cùng với những người phụ nữ khác. Khi Đức Giêsu chịu chết, cô và một số người trung thành vẫn đi theo, đứng dưới chân thập giá. Và sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, khi mặt trời chưa ló rạng, cô đã đi viếng mộ và được Người hiện ra, sai đi báo tin cho các môn đệ khác.

Tuy nhiên, mối tương quan của cô và Đức Giêsu trong các sách ngụy thư dễ khiến cho người ta hiểu lầm. Ngụy Tin Mừng của thánh Tôma và Công vụ thánh Phêrô miêu tả cô là một phụ nữ thông minh, được Đức Giêsu yêu thương hơn hết trong số các môn đệ. Phúc Âm thánh Philipphê lại gây tranh cãi khi thường xuyên đề cập đến MM và có những đoạn mô tả Đức Giêsu hôn lên môi MM. Chính từ những nguồn tài liệu không thuộc quy điển này, mà có những giả thuyết về mối quan hệ vượt quá quan hệ thầy trò giữa Đức Giêsu và cô MM. Và đó là ý tưởng để tác giả Nikos Kazantazky sáng tác cuốn truyện Cơn cám dỗ cuối cùng của Đức Giêsu, xuất bản năm 1955, được dựng thành phim năm 1988. Và sau này, năm 2003, Dan Brown, một nhà văn người Mỹ, đã hư cấu từ ý tưởng này để tạo nên tác phẩm Mật mã Da Vinci, cho rằng Đức Giêsu đã cưới MM và có với nhau 2 người con.

Một vài nguồn khác còn cho rằng MM chính là người môn đệ được Đức Giêsu yêu mến trong Tin Mừng thứ tư. Thế nhưng, điều này chỉ là phỏng đoán, không dựa trên căn cứ nào.

Như vậy, loại trừ nguồn tài liệu từ những sách không thuộc thư quy, nếu chỉ dựa trên Tin Mừng, ta có thể nói rằng: MM là một môn đệ trung thành của Đức Giêsu, có thể là người đã được Đức Giêsu chữa cho khỏi bệnh về thể lý do 7 quỷ ám, hay cũng có thể là cô gái tội lỗi ở Lc 7,36-54; cô đã theo Người ngay từ những ngày đầu tiên, đã giúp đỡ về vật chất cho Đức Giêsu, đã được gặp gỡ Chúa phục sinh. Ngày nay, thần học Tây phương đã tách biệt MM ra khỏi cô gái tội lỗi. Nhân vật MM này vẫn còn nhiều bí ẩn hấp dẫn giới nghiên cứu.

MM có vai trò gì sau khi Đức Giêsu Phục Sinh?

Nhìn chung, vai trò của MM trong Phúc Âm thuộc quy điển không nhiều. Nhưng trong các sách ngụy thư, vai trò của cô là khá lớn, đôi khi còn đối chọi với cả vai trò của Phêrô.

Trong các sách ngụy thư như Phúc Âm thánh Tôma, Tin Mừng Đức Maria, Phúc Âm Philipphê, Công vụ thánh Phêrô, cô MM nổi bật hơn hết trong số các môn đệ. Cô thường đưa ra những câu hỏi thông minh trong khi tất cả các môn đệ khác bối rối. Tông đồ trưởng Phêrô xem ra ấm ức bởi vì Chúa Giêsu hiện ra với bà trước ông, và mạc khải cho bà nhiều điều mà ông không được biết. Và một cuộc xung đột khó tránh khỏi giữa Phêrô và MM đã diễn ra, khi ấy, ông Lêvi (tức là tông đồ Matthêu) đã đứng về phe cô MM và bênh vực cho cô.

Trong các tác phẩm của phái ngộ đạo vào thế kỷ II và III, vai trò của cô MM thậm chí còn lớn hơn. Đức Giêsu và cô MM như là đại diện của hai nguyên lý thần thiêng, là Logos và Sophia (lý trí và khôn ngoan). Sophia là bạn đồng hành của Logos, và hai người này phải luôn đoàn kết cùng nhau. Sự kết hợp giữa Đức Giêsu và cô MM không phải là một sự kết hợp thân xác (vì chúng ta biết, phái ngộ đạo khinh chê thân xác, và coi tình dục là xấu xa, tội lỗi), mà là sự kết hợp theo nghĩa tinh thần.

Trong một bản văn ngộ đạo khác, Đức Giêsu đã xuất hiện sau 11 năm vắng bóng, và tiếp tục dạy dỗ các môn đệ. Người thường nhắc tới MM và ban thưởng vị thế đặc biệt cho cô MM và tông đồ Gioan, người được Chúa yêu quý, là được ngồi bên hữu và bên tả của Người.

Mặc dù được phổ biến rộng rãi và có nhiều tính ly kỳ, hấp dẫn, nhưng các tác phẩm không thuộc quy điển trên đây không đưa ra được các lý chứng mang tính lịch sử chắc chắn nào, và không giúp thêm gì cho việc tìm hiểu cuộc sống và tính cách của cô MM, cũng như vai trò của cô trong thời giáo hội sơ khai.

MM trong truyền thống Giáo hội như thế nào?

Các sách Tân ước không đề cập thêm gì về cô MM kể từ sau lễ Hiện Xuống. Cô gần như biến mất hoàn toàn. Thế nhưng, trong truyền thống Giáo hội, vẫn có hai nguồn khác nhau liên quan đến việc sùng kính cô MM.

Theo lưu truyền bên Hy Lạp, cô MM trải qua những năm cuối đời ở Êphêsô cùng với Mẹ Maria và thánh Gioan; qua đời tại đây; sau đó hài cốt được hoàng đế Leo VI đưa về Constantinopolis (năm 866). Ngày nay, cánh tay phải được cho là của cô MM không bị hư hoại được tôn kính tại tu viện Simonopetra, trên núi Athos (Hy Lạp).

Ngoài ra, trong Chính thống giáo, thói quen tặng nhau trứng phục sinh với lời loan báo Chúa Kitô đã sống lại cũng được cho là bắt nguồn từ cô MM. Tương truyền rằng sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ, cô MM cũng ra đi thi hành sứ vụ như các tông đồ khác, nên cũng được gọi là đồng đẳng với các tông đồ. Cô đi rao giảng trên khắp nước Ý, và đến thăm hoàng đế Tiberius, mang cho ông một quả trứng màu đỏ, là màu máu của Chúa, và báo cho ông những tin tức về sự phục sinh của Chúa Kitô. Theo tương truyền này, cô qua đời tại Êphêsô. Hài cốt cô hiện nằm dưới nền nhà thờ Gioan Latêranô (Rôma) và một phần ở gần Marseille (Pháp).

Dù sao, truyền thống Đông phương đã tách biệt cô MM ra khỏi cô Maria Bêtania (em của Marta); lễ phụng vụ mừng kính cô MM ngày 22/7, còn cô Maria Bêtania ngày 4/6. Cô MM cũng hoàn toàn khác với người phụ nữ tội lỗi, nói ở Luca chương 7 (câu 36-54).

Giáo hội Tây phương thì có nhiều rắc rối hơn đối với nhân vật MM, nguyên do là bởi vì có sự nhầm lẫn giữa cô và Maria Bêtania, thậm chí là cả với cô gái tội lỗi trong Lc 7 mà chúng ta đã nói, như trong bài giảng số 33 của Đức Giáo hoàng Gregôriô Cả, năm 591. Lễ mừng kính cả ba cô này (vì bị nhầm là một cô) mừng ngày 22/7.

Theo truyền thống Pháp, MM được đồng hóa với Maria Bêtania. Sau khi Stêphanô bị ném đá, cô cùng với bà chị Marta, em trai Ladarô, ông Maximino (một trong 72 môn đệ), bị quân ngoại giáo bỏ xuống tàu, thả trôi lênh đênh ngoài biển, không người lái. Nhưng Chúa quan phòng đã đưa thuyền trôi sang Pháp, và tạt vào hải cảng Marseille. Tại đây, họ đã rao giảng Tin mừng cho dân chúng ở vùng Provence. Sau đó, MM ước ao sống đời chiêm niệm, cho nên đã rút lên nơi thanh vắng, sống trong một hang động (Sainte Baume) do thiên thần dọn sẵn, trong suốt 30 năm. Trong thời gian ấy, cô chỉ ăn uống nhờ lương thực từ trời. Tất cả những sự tích này được biết nhờ Giacôbê Varazze O.P., Giám mục Genova, tác giả cuốn Hạnh các thánh nổi tiếng Legenda Aurea, viết khoảng năm 1264.

Một nguồn khác thì cho rằng MM đã được hứa hôn với tông đồ Gioan, và hai người đưa nhau đi Êphêsô sinh sống, sau đó, vì bị bách hại, họ chạy qua Pháp và qua đời tại đây.

Cuộc đời của cô MM đã gây nhiều tranh luận, thì đến cả nơi chôn cất cô cũng là một cuộc tranh giành kéo dài giữa hai dòng Biển Đức và Đa Minh, mà chúng ta sẽ nói trong phần tiếp theo đây.

MM và dòng Đa Minh có liên hệ gì?

Để xét đến mối liên hệ giữa cô MM và dòng Đa Minh, trước hết chúng ta cần nhớ rằng, truyền thống Tây phương đã lẫn lộn cô MM với cô Maria Bêtania, và cả với cô gái tội lỗi ở Lc 7.

Về mặt thần học, anh em dòng Giảng thuyết đã mau chóng tìm thấy nét tương đồng giữa cô MM với linh đạo của mình, để chứng tỏ cô là mẫu gương cho lý tưởng của Dòng, với ba gương mặt ứng với ba nhân vật đã bị nhầm lẫn ở trên. Đó là hối nhân, chiêm niệm, và giảng thuyết.
Cô MM là một hối nhân. Dĩ nhiên, tất cả chúng ta đều được mời gọi để hoán cải chính bản thân mình, vì chúng ta đều là tội nhân, dù là tu sĩ, linh mục, giám mục, hay giáo dân. Cô gái tội lỗi ở Lc 7 đã quỳ sát dưới chân Đức Giêsu mà khóc, lấy nước mắt tưới ướt chân Người, lấy tóc mình mà lau, rồi hôn và lấy dầu thơm mà đổ lên chân Người. Hành động của cô là hành động của một người sám hối, nhìn nhận tội lỗi của mình và được Chúa thứ tha: tội của chị đã được tha rồi.

Hơn thế, hình ảnh hối nhân nơi cô MM còn cho chúng ta bài học về sự biết ơn. Sau khi được tha thứ, cô đã đi theo và phục vụ Đức Giêsu và các môn đệ, trung thành đến cùng, nhất là khi khó khăn, gian khổ nhất. Nói cách khác, cô MM là chứng nhân của lòng hy vọng: dù quá khứ chúng ta có thế nào đi nữa, Thiên Chúa vẫn không chấp, nhưng sẵn sàng đón nhận chúng ta, kêu mời chúng ta đi theo Đức Giêsu.

Cô MM là một người chiêm niệm. Hình cảnh cô Maria Bêtania ngồi dưới chân Chúa mà nghe lời Người, trái ngược với hình ảnh cô Marta lăng xăng lo chuyện bếp núc, thường được lấy để mô phỏng cho hai chiều kích của Dòng, là chiêm niệm và hoạt động. Chiều kích chiêm niệm Đa Minh, đặc biệt đối với các chị em đan sĩ, được diễn tả như là ngồi dưới chân và trò chuyện với Chúa. Chính vì thế, cô MM trở thành đại diện cho một trong hai chiều kích quan trọng chính yếu của Dòng. Điều này có được là do sự nhầm lẫn giữa cô MM và cô Maria Bêtania mà chúng ta đã nói.

Cô MM là một nhà giảng thuyết. Dựa trên các bản văn Tin Mừng, chúng ta thấy cô MM là người đầu tiên loan báo Chúa Phục Sinh. Phúc Âm Gioan cho ta biết Chúa đã ủy thác cho cô MM sứ mạng loan báo Chúa đã phục sinh cho các môn đệ được biết. Đây là nguồn gốc của danh hiệu tông đồ của các tông đồ (apostola apostolorum).
Ngoài ra, cũng theo truyền thống, thì sau khi cập bến Marseille, thánh nữ đã đi giảng đạo cho dân trong vùng, bất chấp lệnh của thánh Phaolô không cho phép các bà được rao giảng. Bà là tiền hô cho thánh Đa Minh khi lập dòng giảng thuyết, vì thời ấy giáo luật chỉ cho phép các giám mục được quyền giảng thuyết.

Dù sao, cô MM là mẫu gương cho các tu sĩ Đa Minh trong việc chuyển từ chiêm niệm đến hoạt động. Cô MM không chỉ chiêm niệm cho chính bản thân mà còn truyền thông cho người khác điều mình đã cảm nghiệm.

Về mặt sử học, mối liên hệ giữa cô MM và dòng xuất phát từ hai lý do: 1/ trực kiến của thánh Đa Minh khi thành lập nữ đan viện đầu tiên tại Prouille; 2/ thi hài của cô MM được cho là nằm trong một tu viện Đa Minh tại Pháp.
Thánh Đa Minh đã thiết lập nữ đan viện đầu tiên tại Prouille bằng cách quy tụ các phụ nữ theo lạc giáo Cathar. Đây là hình ảnh của cô gái tội lỗi trong Lc 7. Ngoài ra, từ cuối thế kỷ XIII, đã có những nỗ lực trong Dòng để kêu gọi những cô gái điếm bỏ đàng tội lỗi mà về với Chúa, đồng thời, cũng quy tụ cả những phụ nữ giàu có gia nhập vào hàng ngũ chứng nhân của đức khó nghèo tự nguyện. Đó là hình ảnh của người phụ nữ đã đổ cả cân dầu thơm cam tùng nguyên chất lên chân Chúa, khóc than cho tội lỗi của mình. Và thánh nữ MM đương nhiên là nhân vật đầu tiên được nghĩ đến khi chọn thánh bổn mạng cho các cộng đoàn này. Và cô MM trở thành thánh bảo trợ cho các nữ tu viện Đa Minh là điều phổ biến tại Pháp, Đức, và cả Ý. Chính từ một cộng đoàn ở Đức, mà bản hiến pháp dành cho các nữ đan sĩ Đa Minh đã được trao cho cộng đoàn tu viện San Sisto, do chính thánh Đa Minh cải tổ. Thời điểm cuối thế kỷ XIII này cũng trùng với thời điểm mà tại Pháp, hài cốt của thánh nữ được tìm thấy.

Tuy nhiên, cũng nên nhớ rằng, nhiều nữ đan viện Đa Minh mang danh hiệu MM, không phải là vì nhớ đến người phụ nữ tội lỗi, nhưng là nhớ đến người phụ nữ ngồi dưới chân Chúa. Đó mới là lý do chính của thần học.

Những liên kết trên đây cũng chỉ rất mong manh, vì thực tế cho thấy, trong những tác phẩm đầu tiên về Dòng, như Libellus của chân phước Giorđnô Saxony, hay Vitae Fratrum của anh Gerard Frachet, không chú ý hay đề cập gì đến cô MM. Chính Đức Trinh nữ Maria mới thực là Đấng bảo trợ vĩ đại của Dòng.

Lý do thứ hai là việc phát hiện hài cốt cô MM trong tu viện Đa Minh. Đây là điểm hóa trang quan trọng nhất để móc nối cô MM với dòng Giảng Thuyết. Điều này được thực hiện với hai thủ thuật: 1/ để cho cô MM qua đời tại Pháp; 2/ thi hài được chôn cất tại một tu viện của Dòng.
Như đã trình bày ở trên, theo truyền thống Pháp thì cô MM đã xuất hiện tại Provence, thuộc miền Nam nước Pháp. Theo cha Bernard Gui, OP., thì hoàng thân Charles Anjou, cháu của vua thánh Louis, là một người rất sùng kính thánh nữ. Trong thời gian bị cầm tù ở Barcelona, ông khấn xin thánh nữ giải thoát và lời cầu nguyện được chấp nhận: ông được trả tự do vào ngày 22/7/1279, sau khi thánh nữ hiện ra với ông, và chỉ cho ông biết nơi chôn cất thi hài của ngài. Đồng thời, ngài cũng yêu cầu ông xây cất một tu viện cho anh em dòng Giảng thuyết, bởi vì họ cũng là tông đồ như ngài. Theo lời chỉ dẫn, ông tìm thấy thi hài của thánh nữ ở làng Saint-Maximin, thuộc vùng Provence ngày 9/12/1279. Năm 1285, một tu viện được xây dựng tại đây để kính thánh MM, và theo lệnh của Đức Giáo hoàng Bonifaxio VIII, anh em Đa Minh đến đây sống từ năm 1295.

Tuy thế, dòng Biển Đức tại vùng Burgundy, miền bắc nước Pháp cũng cạnh tranh trong việc gìn giữ hài cốt MM. Theo họ, vào quãng năm 861, theo lệnh của công tước xứ Burgundy, một tu sĩ của dòng này đã hành hương xuống làng Saint-Maximin và mang hài cốt thánh nữ về tu viện Vezelay để tôn kính. Do các phép lạ chữa bệnh xảy ra tại nhà thờ nên danh tiếng tu viện mau chóng lan rộng ra cả các nước Đức và Anh.

Cả hai hội dòng đều đưa ra một loạt các câu chuyện để cho rằng hài cốt ở tu viện của mình là hài cốt thật của cô MM. Năm 1600, theo lệnh của Đức Giáo hoàng Clement VIII, hài cốt của cô MM ở nhà thờ của anh em Đa Minh được chuyển đến một nhà thờ khác do Đức Giáo hoàng xây dựng, chỉ giữ lại hộp sọ của thánh nhân. Điều này một cách nào đó “phong thánh” cho cô MM và nghiêng về các câu chuyện của anh em dòng Đa Minh.

Anh em Đa Minh sống tại tu viện ở Provence cho đến khi bị Cách Mạng Pháp trục xuất. Sau đó, năm 1859, cha Lacordaire đã mua lại tu viện này cho anh em, nhưng đến năm 1957, anh em Đa Minh lại phải rời bỏ đi. Tuy nhiên bên cạnh tu viện, còn có một nữ đan viện Đa Minh vẫn tiếp tục mở cửa đến nay.

Tác giả: Thạch Vịnh O.P.
Nguồn: http://www.catechesis.net

 

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...