Một Thân Thể, Nhiều Bộ Phận (1 Cr 12:12-20)


Một Thân Thể, Nhiều Bộ Phận (CN III, TN C – 1 Cr 12:12-20)

Một Thân Thể, Nhiều Bộ Phận
Chúa Nhật thứ Ba, Năm C, mùa Thường Niên: 1 Cr 12:12-20

 

Sau khi cho các tín hữu Cô-rin-tô thấy rằng những tài năng của họ xuất phát từ cùng một Thần Khí (12:4-11), thánh Phao-lô sử dụng phép ẩn dụ về thân thể để giải thích chức năng của các tài năng phong phú ấy trong lòng Giáo Hội. Lối ẩn dụ này rất quen thuộc trong thời đại của thánh Phao-lô bởi vì các triết gia Hy Lạp và Rô-ma đã sử dụng nó để giải thích vai trò của dân chúng trong xã hội dân sự. Tuy nhiên, thánh Phao-lô đi xa hơn một bước khi phát triển phép ẩn dụ này trong tương quan với Đức Ki-tô. Ngài cho thấy rằng ngoài việc là một thân thể với các bộ phận mang chức năng khác nhau vì ích lợi của toàn thân thể, các tín hữu Cô-rin-tô là một thân thể trong Đức Ki-tô bởi vì mỗi vị đã được tẩy rửa trong một Thần Khí. Vì vậy, các tín hữu Cô-rin-tô phải xem thân thể của mình như là thân thể của Đức Ki-tô bởi vì mỗi vị đã được tẩy rửa trong đó.

Các nhà giảng thuyết không nên coi nhẹ vai trò của Thần Khí trong bài đọc này bởi vì các trích dẫn về Thần Khí rõ ràng có liên quan đến bản văn tuần trước. Vì thế, thánh Phao-lô khẳng định rằng chỉ có một Thần Khí trong đó các tín hữu Cô-rin-tô đã được tẩy rửa, và tất cả họ đều uống một Thần Khí, một ám chỉ đến Thánh Thể. Thế nên, các tài năng của Thần Khí được trao ban là vì Giáo Hội – thân thể của Đức Ki-tô.

Bài đọc bắt đầu bằng việc giải thích hình ảnh ẩn dụ mà thánh Phao-lô sẽ phát triển: mặc dù một thân thể có nhiều bộ phận, những bộ phận này hình thành nên một thân thể (cc. 12-13). Tiếp đó, ngài dùng nhiều ví dụ thực tế để minh họa cho hình ảnh ẩn dụ ấy, cho thấy rằng ngay cả khi một vài bộ phận có vẻ quan trọng hơn những bộ phận khác, thân thể lại cần tất cả các bộ phận ấy để hoạt động hài hòa (cc. 14-26). Cuối cùng, thánh Phao-lô áp dụng bản văn cho trường hợp của các tín hữu Cô-rin-tô, những người vốn không hiểu rằng những tài năng thiêng liêng của họ có được là vì ích chung của toàn thân thể (cc. 27-31). Áp dụng như thế, thánh Phao-lô lưu ý rằng họ là một thân thể trong Đức Ki-tô, và mỗi người họ là một bộ phận của thân thể đó. Trong ánh sáng của những điều thánh Phao-lô vừa nói, họ phải thấy rõ rằng các tài năng phong phú của họ có được là cho toàn thể Giáo Hội.

Thánh Phao-lô kết thúc với một danh sách những sứ vụ trong Giáo Hội, bắt đầu với sứ vụ quan trọng nhất: tông đồ, ngôn sứ, thầy dạy, người làm phép lạ, người chữa lành, người quản trị, và những người nói tiếng lạ. Sứ vụ của những ai nói tiếng lạ xảy ra ở cuối danh sánh bởi vì, như thánh Phao-lô sẽ lập luận ở chương 14, sứ vụ này không xây dựng Giáo Hội trừ khi có một vị ngôn sứ giải thích nội dung của nó.

Sự khác biệt là một thách thức muôn thuở cho Giáo Hội. Một mặt, có một cám dỗ tinh vi khi tán dương những tài năng của một người để làm phương hại những người khác. Mặt khác, cũng có một cám dỗ loại trừ sự khác biệt của Giáo Hội nhân danh sự hiệp nhất. Với thánh Phao-lô, Giáo Hội được hình thành từ một Thần Khí duy nhất, Đấng phân phát những tài năng khác nhau. Một Giáo Hội mà không có khác biệt sẽ không khác gì một thân thể mà không có các bộ phận; nó không phải là thân thể của Đức Ki-tô. Giống như vậy, một Giáo Hội khác biệt mà không có một nguồn của hiệp nhất sẽ là một thân thể không có mục đích chung, một thân thể không thể hoạt động. Thách thức muôn thuở của Giáo Hội là duy trì sự hiệp nhất của Thần Khí mà không loại trừ sự khác biệt vốn có nguồn gốc từ cùng một Thần Khí.

Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong SJ

Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul, (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 115 – 117.
 

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...