NGHỆ THUẬT KỂ CHUYỆN KINH THÁNH


NGHỆ THUẬT KỂ CHUYỆN KINH THÁNH

                                                                                                                               Paul NGÔ Đình Sĩ



 
Sách Sáng Thế 12,1-2. 4 viết:


1ĐỨC CHÚA phán với ông Áp-ram: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. 2Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lừng lẫy, và ngươi sẽ là một mối phúc lành.
.......
4Ông Áp-ram ra đi, như ĐỨC CHÚA đã phán với ông. Ông Áp-ram được bảy mươi lăm tuổi khi ông rời Kha-ran.


Câu chuyện tổ phụ Áp-ra-ham thật diệu kỳ; ông đã rời xa quê hương, mang theo cả gia đình chỉ vì một lời kêu gọi của Thiên Chúa, hay nói đúng hơn chỉ một lời hứa và nhất là khi ông đang độ tuổi đáng an nhàn nghỉ ngơi trên quê hương mình. Thánh Phao-lô luôn nhắc lại câu chuyện Áp-ra-ham như một luận chứng cho đức tin Ki-tô hữu trong thư gởi tín hữu Ga-lát (3,6-7. 14.) cũng như trong thư gởi tín hữu Rô-ma (4,1-25). Đối với Phao-lô, Áp-ra-ham"mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán: Dòng dõi ngươi sẽ đông đảo như thế" (Rm 4,18).


Từ câu chuyện của tổ phụ Áp-ra-ham, chúng ta nhận ra rằng đức tin của chúng ta là sự đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa. Lời của Ngài được diễn tả qua các tường thuật, những câu chuyện trong Kinh Thánh. Giáo lý công giáo ít chú trọng đến các tường thuật Kinh Thánh để dành chỗ cho các bài học tín lý thuần túy. Ngày nay, Giáo Hội toàn cầu đã ý thức được vấn đề quảng bá Kinh Thánh cho các tín hữu; và một cách riêng, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong một thư chung năm 2010, các ngài đã viết:


"Đồng thời, các tín hữu Việt Nam cần làm quen với Lời Chúa hơn nữa. Do đó Giáo Hội tại Việt Nam phải “phát động chương trình mỗi gia đình một cuốn Kinh Thánh được đặt nơi xứng hợp, cổ võ đọc và cầu nguyện với Lời Chúa”,[33] khuyến khích học thuộc lòng những đoạn Kinh Thánh cốt yếu.[34] Mọi thành phần Dân Chúa, giáo dân, chủng sinh, tu sĩ và các mục tử, cần tập thói quen đọc và suy niệm Lời Chúa hằng ngày,[35] đặc biệt theo phương thức Lectio divina.[36].


Chúng ta nhận ra tương quan mật thiết giữa Kinh Thánh và việc truyền tải đức tin. Tuy vậy trên thực tế, vấn đề không đơn giản, làm thế nào chúng ta có thể truyền đạt Lời của Thiên Chúa muốn nói với chúng ta hôm nay, qua chứng cứ đức tin của dân Thiên Chúa tuyển chọn, dân của Giao Ước thứ nhất mà chúng ta gọi là Cựu Ước hay Giao Ước cuối cùng, hay còn gọi là Tân Ước?


Các nhà thần học đồng thuận rằng đức tin Ki-tô giáo phát sinh ra từ những gì đã nghe, đã thuật lại. Các tổ tiên của dân Thiên Chúa đã nghe, và đã truyền đạt lại cho hậu duệ của họ, và các họ đã tường thuật lại trong Kinh Thánh; nhờ thế, chúng ta cũng đã đọc và đã nghe những tường thuật, những câu chuyện kể trong Cựu Ước, cũng như nhũng câu chuyện thuật lại các biến cố đảo lộn thế giới con người, biến cố đã xảy ra xung quanh Chúa Giê-su, Đấng cứu thế, và chúng ta đã tin. Các biến cố nền tảng này được tường thuật như một Tin Mừng cho tất cả nhân loại và trong mọi thời đại.


Hơn nữa bản chất của đức tin thuộc một tiến trình đạt đến; các tường thuật Kinh Thánh, soạn thảo bởi con người, nhưng chính là Lời của Đấng Tối cao, đã đưa chúng ta vào đức tin, vào lịch sử Thiên Chúa. Những tường thuật hoàn toàn đạc trưng và như thế, những câu chuyện được kể lại, được thuật lại có vị trí quan trọng và nền tảng trong lịch sử cứu độ mà chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính.


Ý thức về chiều kích nền tảng của các tường thuật và vấn đề truyền tải trong đức tin Ki-tô giáo, chúng ta đặt vấn đề như sau: phải chăng phương pháp kể chuyện Kinh Thánh cho mọi người, nhất là cho giới thiếu nhi và thiếu niên là một con đường của đức tin? Thời điểm chúng ta đang sống đang thuận lợi; vì trên thế giới ngày nay, các ý thức hệ lớn có hệ thống đã sụp đổ vì con người đã mất niềm tin vào chúng, và con người đang cần tạo niềm tin, sức mạnh và ý nghĩa làm cho họ sống, và như thế, chưa bao giờ họ cần nghe và nhất là cần nghe, cần lắng nghe như hôm nay. Trong bối cảnh này, Kinh Thánh đã, đang và luôn là những gì con người cần nghe: vì đó là hoa trái của một truyền thống rất dài, trải qua hằng thế kỷ và xuyên thấu tất cả nền văn hóa. Kinh thánh là một câu chuyện thuật lại một biến cố không ngừng xảy ra, đón nhận và tường thuật lại.


Truyền đạt đức tin, giảng dạy giáo lý, trong một thế giới phân tán bởi các quyến rũ của thế giới hiện đại, mời gọi chúng ta, chú ý và nối kết, bằng nhiều cách khác nhau, với nguồn sự sống, của Lời Thiên Chúa, mặc khải trong truyền thống Do Thái, cũng như trong truyền thống Ki-tô giáo, trong hình thức và nội dung cũng như trong việc đón nhận Kinh Thánh.


Nói tóm lại, đức tin của chúng ta đến từ mặc khải, qua các tường thuật Kinh Thánh, những tường thuật này gặp gỡ được sự đón nhận và tiếp nối của truyền thống, truyền thống đức tin của chúng ta hiện nay. Như thế, các linh mục, tu sĩ, giáo dân, nhất là những người được giao phó cho công việc truyền đạt giáo lý đức tin, có trách nhiệm giúp các tín hữu, và nhất là các em thanh thiếu niên nghe các tường thuật Thánh Kinh và cho họ có khả năng thuật lại những câu chuyện đó như chính mình đã sống và đã tin.


Thế thì chúng ta phải làm gì?
 
 

1. Đọc Kinh Thánh, nhận định và phân định các tường thuật Kinh Thánh

 
Có lẽ điều kiện đầu tiên chúng ta phải làm, là việc cố gắng đọc và nhận biết các câu chuyện hay và có ý nghĩa trong Kinh Thánh.Nhưng đối với những người chưa có kinh nghiệm về việc chọn lựa này, công việc có vẻ phức tạp và không phải là một công việc dễ dàng. Ở Pháp và cũng như ở các nước Tây Phương khác, nhiều sách về nghệ thuật kể chuyện Kinh Thánh đã xuất bản, cũng như các cẩm nang soạn thảo lại các câu chuyện hay của Kinh Thánh cho các trẻ em.


Ví dụ, Martine LAFFON đã ấn hành cuốn Histoires de la Bible (Những câu chuyện Kinh Thánh), năm 2009; cuốn sách dành cho các em từ 9 tuổi trở lên, thuật lại những câu chuyện hồng thủy, Lũ lụt, án mạng, lang thang trong sa mạc, chiến đấu của các lãnh đạo chi tộc Đan cho tự do của người dân, vua khôn ngoan và vị vua điên rồ. Nội dung kể lại một số câu chuyện rất cũ trong Kinh Thánh, nhưng vẫn luôn mới khi được kể lại Qua đó, các trẻ em sẽ biết đến các nhân vật Kinh Thánh của lịch sử dân Thiên Chúa như A-đam, Cain, Abel, Nô-ê, Áp-ra-ham, Gia-cóp, Mô-se, Vua Đa-vít ... Tất cả các nhân vật ấy làm chúng ta sống lại, qua lịch sử biến động của họ, quá khứ của dân tộc Thiên Chúa.


Trong tiếng anh, cũng có những cuốn sách soạn thảo cho vấn đề chúng ta đang đề cập: ví dụ, năm 1991, Janet Litherland, xuất bản cuốn Storytelling from the Bible: Make Scripture Live for All Ages Through the Art of Storytelling (Thuật kể chuyện từ Kinh Thánh: làm sống động Thánh Kinh cho Mọi Thời đại qua nghệ thuật kể chuyện), tại nhà xuất bản Meriwether Pub.
 

Chúng ta cũng biết rằng phần lớn các chủng sinh, các nữ tu, các linh mục Việt Nam khó có thể mua và đọc dễ dàng những cuốn sách ngoại quốc. Hơn nữa, các sách này là những câu chuyện được thuật lại theo một ngôn ngữ nào đó, các tác phẩm đó có thể giúp đở chúng ta, nhưng không thể thay thế các bản văn Kinh Thánh. Như thế, nguồn tường thuật nền tảng là sách Kinh Thánh chúng ta thường dùng. Chúng ta nên đọc hằng ngày, để tìm kiếm và sắp xếp các câu chuyện chúng ta yêu mến, để chúng ta có thể thuật lại chúng trong mục đích chia sẻ kinh nghiệm đức tin của chính chúng ta.


Trong Cựu Ước, người Ki-tô hữu thường xuyên tham dự các nghi thức phụng vụ, có lẽ cũng đã từng nghe qua những câu chuyện Kinh Thánh được sắp xếp trong bảng sau đây:
 

a. Thế giới nguyên thủy

 
- Sáng tạo thế giới và A-đam và E-và (St 1-3).
- Ca-in và A-ben (St 4).
- Đại hồng thủy (St 6,5-9,17).
- Tháp Ba-ben (St 11,1-9).
 

b. Bộ tộc dân Thiên Chúa đầu tiên

 
- Chuyện tích ông Áp-ra-ham (St 12,1-13,18).
- Ít-ma-en chào đời (St 16,1tt).
- Xơ-đôm và Gô-mô-ra (St 18,16).
- I-xa-ác chào đời (St 21,1tt).
- Lễ hy tế I-xa-ác (St 22,1tt).
- Giấc mộng của Gia-cóp (St 28,10tt).
- Câu chuyện Gia-cóp lấy vợ (St 29,1tt)
- Gia-cóp vật lộn với Thiên Chúa (St 32,23tt).
- Chuyện tích ông Giu-se (St 37,1tt).
- Ông Giu-se tại Ai-cập (St 39,1tt).
 

c. Nô lệ trên xứ Ai-cập

 
- Ông Mô-sê chào đời (Xh 2,1tt).
- Bụi cây bốc cháy (Xh 3,1tt).
- Các tai ương dành cho Ai-cập (7,1tt).
- Qua biển đỏ (Xh 39,1).
 

d. 40 năm trong sa mạc

 
- Giao Ước và 10 điều răn (Xh 19-20).
- Con bê vàng (Xh 32,1tt).
 

Bà Mi-ri-am và ông A-ha-ron phản đối ông Mô-sê (Ds 12,1tt)

- Do thám đất Ca-na-an và cơn thịnh nộ của Thiên Chúa (Ds 13-14).
- Cuối đời ông Mô-sê (Đnl 31-32).
 

e. Vào Đất Hứa

 
- Chinh phục đất hứa (Gs 1-4).
- Bà ngôn sứ Đơ-vô-ra (Tl 4-5).
- Thủ lãnh Sam-sôn (Tl 13-17).
- Câu chuyện bà Rút (R 1-4).
 

f. Những câu chuyện thời vương quốc

 
- Câu chuyện thụ thai và ra đời của Sa-mu-en (1 Sm 1,1tt).
- Sa-mu-en ủng hộ Sa-un ( 1 Sm 8).
- Sa-un mất vương quốc (1 Sm 15).
- Đa-vít và Gô-li-át (1 Sm 17).
- Tranh chấp giữa Sa-un và Đa-vít (1 Sm 24).
- Đa-vít chinh phục Giê-ru-sa-lem (2 Sm 6).
-  Đa-vít phạm tội với bà Bát-se-va (2 Sm 11,1tt).
- Phán xét của Sa-lo-môn (1 V 3).
- Vua Sa-lo-môn và nữ hoàng Sơ-va (1 V 10,1tt).
 

g. Chia đôi vương quốc

 
- Vương quốc chia đôi (1 V 11).
- E-li-a và các tư tế thần Ba-an (1 V 18).
- E-li-a về trời trên cổ xe lữa (2 V 2).
 

h. Thời kỳ lưu đày

 
- Giê-ru-sa-lem sụp đổ (2 V 23-24).
- Ngôn sứ Ê-dê-ki-en và thung lũng xương khô (Ed 37).
 

i. Thời kỳ hậu lưu đày

 
- Giô-na và con các lớn (Gn).
- Bà Ét-te cứu Ít-ra-en (Et).
- Trở về từ lưu đày (Er).
- Đa-ni-en trong hầm sư tử (Đn 6).


Ngoài những câu chuyện nói trên chúng ta còn có những tường thuật hấp dẫn khác, ví dụ như các sách ngôn sứ, và có những ngôn sứ trong đó cuộc đời của họ mang nhiều tình tiết thích thú, như ngôn sứ Ê-li-a, Giô-na, Hô-sê,... Những câu chuyện của bà Rút, Ét-te, Đanien, anh em nhà Ma-ca-bê,vv.


Nói chung, Kinh Thánh chúng ta có là một thư viện của các câu chuyện rất đa dạng và phong phú.


Còn Tân Ước thì sao?


Bốn sách Tin Mừng thuật cho chúng ta những câu chuyện về Chúa Giê-su, cuộc đời và sứ mệnh của Ngài. Chính Ngài, là một người kể chuyện rất có tài và chắc chắn những người có may mắn được nghe Ngài sẽ không bao giờ quên các các câu chuyện Ngài kể.


Chúa Giê-su, xứng đáng là một bậc thầy không thể so sánh, đã dùng dụ ngôn để giảng dạy và loan báo Tin Mừng (Mt 13,34-35). Ngài quan sát thiên nhiên, công việc của những người nông dân, ngư phủ, thợ thủ công hay cuộc sống hằng ngày của người dân. Nhưng Thiên nhiên vẫn luôn là những chủ đề yêu thích của Ngài; Ngài đã đi ngang qua những đồng lúa và đồng cỏ chăn nuôi, Ngài quan sát thung lũng hoặc sườn đồi; Ngài ngắm nhìn dãy núi Liban, và nán lại trên những ngôi làng xung quanh bờ hồ Na-da-rét, bơi thuyền dọc theo sông Giô-đan hay đị bộ qua miền Sa-ma-ri-a để đến thủ đô Giê-ru-sa-lem của vương quốc Đa-vít. Người ta đã có lần thốt lên rằng "Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy!" (Ga 7,46). Michel QUESNEL, đã lấy câu nói này làm tựa đề cho một tác phẩm viết về các dụ ngôn của Chúa Giê-su, xuất bản năm 2010, Personne n'a jamais parlé comme Lui: L'enseignement des Paraboles (Nxb Saint Augustin).


Những người khác trước Ngài - các ngôn sứ, hiền nhân - cũng đã sử dụng các châm ngôn, dụ ngôn để thể hiện suy nghĩ khôn ngoan và đức tin của họ; nhưng tài năng của Chúa Giêsu khó có thể so sánh; Ngài làm chủ câu chuyện và tìm ra lối cách thích hợp nhất để loan báo Tin Mừng thiêng liêng dưới một hình thức rất hấp dẫn. Một câu chuyện đơn giản thốt ra từ môi miệng của Ngài một cách tuyệt vời những chân lý sâu sắc nhất; không một ai có thể hơn Ngài khi nói về tình yêu Thiên Chúa và tình yêu của những người thân cận.


Để có một cái nhìn tổng quan, chúng ta sắp xếp hơn năm mươi dụ ngôn của Chúa Giê-su vào trong 9 nhóm sau đây:
 

a. Lời Thiên Chúa (Lc 8,11: “Đây là ý nghĩa dụ ngôn: Hạt giống là lời Thiên Chúa")

 
- Hạt giống và cỏ lùng (Mt 13,24-30).
- Người gieo giống (
Mt 13. 5-8 , Mc 4. 3-17 , Lc 8. 5-8).
- Hạt giống (hoặc hạt giống tự mọc lên không ai biết) (Mc 4,26-29).
- Dụ ngôn cây vả (Lc 21,29-33 ; Mc 13,28-31 ; Mt 24,32-35).
- Người khôn xây nhà trên đá (Mt 7,24-27 ; Lc 6,47-49).
 

b. Nước Thiên Chúa

 
- Kho tàng ẩn dấu (Mt 13,44).
- Ngọn đèn (Mt 5,14-15; Mc 4,21-25; Lc 8,16-18) .
- Men trong bột (
Mt 13,33 ; Lc 13, 20-21).
- Dụ ngôn hạt cải (
Mt 13,31-32 ; Mc 4,30-32 ; Lc 13,18-19).
- Khách mời xin kiếu (Lc 14,15-24 ).
Tiệc cưới (Mt 22,1-14).
- Những người công dân giờ thứ 11 (Mt 20,1-16).
- Ngọc trai (
Mt 13,45-46).
 

c. Cầu nguyện và đời sống mới trong đức Ki-tô

 
- Người bạn quấy rầy (Lc 11,5-8).
- Người biệt phái và người thu thuế (Lc 18,9-14).
- Bà góa và quan tòa bất chính (Lc 18,1-8 ).
- Rơm và xà trong mắt (Mt 7,3-5 ; Lc 6,41). 
- Khung cửa hẹp (
Lc 13,24-29).
- Phải tỉnh thức và sẵn sàng (Mc 13,33-37).
- Áo mới và bầu rượu mới (Mt 9,16-17; Mc 2,22; Lc 5,37-38).
- Muối đất (
Mt 5,13).
- Hoa huệ ngoài đồng và chim trời (Mt 6,26. 28-34).
 

d. Tình yêu Thiên Chúa kiếm tìm con người

 
- Con chiên lạc (Mt 18,12-14; Lc 15,4-7).
- Người phụ nữ tội lỗi được tha thứ (Lc 7,41-43).
- Đồng bạc bị mất (Lc 1,8-10).
- Người cha nhân ái hay đứa con hoang đàng (Lc 15,11-32).
 

e. Cảnh báo

 
- Người nợ không thương xót (Mt 18,23-35).
- Dụ ngôn hai người con (Mt 21,28-32).
- 10 trinh nữ (Mt 25,1-13).
- Dụ ngôn các yến bạc (Mt 25,14-30; 
Lc 19,12-27).
- Những người làm vườn nho bất trung (
Mt 21,33-46 ; Mc 12,1-12 , Lc 20,9-19).
- Thế hệ vô tâm (Lc 7,31-35).
- Dụ ngôn cây vả không ra trái (Lc 13,6-9).
- Người mạnh (
Mc 3,27 , Lc 11,21-22).
- Thu tích của cải (Lc 12,16-21).
- Biết lượng sức (óc phán đoán) (Lc 14,28-33).
- Cây nho thật (Ga 15,1-8).
 

f. Phục vụ Thiên Chúa

 
- Người Sa-ma-ri-ta-nô nhân lành (Lc 10,25-37).
- Người quản gia bất trung (Lc 16,1-9).
- Người quản gia trung tín, khôn ngoan (
Mt 24,45-51 , Lc 12,42-48 ).
- Khi chủ trở về (Mt 24,42-46 , Lc 12,35-40) .
- Chỉ là tôi tớ (Lc 17,7-10).
 

g. Phán xét cánh chung

 
- Dụ ngôn chiếc lưới (Mt 13,47-50).
- Người giàu vô tâm và La-za-rô nghèo hèn (Lc 16,19-31).
- Mười nén bạc (Lc 19,12-27). 


Chúng ta cũng biết rằng Kinh Thánh còn có nhiều thể loại văn chương đa dạng bên cạnh các tường thuật: thi ca, lề luật, gia phả, khôn ngoan, ngôn sứ. Các thể loại đa dạng này liên hệ và bổ sung cho nhau trong tường thuật. Ví dụ, tường thuật chiến thắng dẫn đến bài ca khải hoàn; lề luật luôn liên quan đến những câu chuyện trong đó chúng ta thấy Ít-ra-en vi phạm luật và bị Thiên Chúa phạt. Kinh thánh không những có đa dạng thể loại văn chương với những mục đích cá biệt; những còn có các thể loại chuyện tích hay tường thuật để đưa chúng ta đến đức tin và thần học.


Làm thế nào để kể một câu chuyện Kinh Thánh?
 
  1. Kỹ thuật kể chuyện Kinh Thánh

Tôi cũng chưa có dịp đi tìm trong các nhà sách công giáo xem có những tác phẩm nào có thể giúp chúng ta trong nghệ thuật kể chuyện Kinh Thánh. Ở Pháp một nhóm tác giả như Martine Millet, Odile Lafaurie, Marie-Hélène Luiggi, đã thành lập hội "Chacun(e) Raconte" (Mỗi người kể chuyện). Họ hội họp đều đặn từ 20 năm nay và, đã tổ chức nhiều khóa đào tạo và gặp gỡ xung quang đề tài "Kể chuyện Kinh Thánh". Năm 2006, họ xuất bản cuốn sách L'art de conter la Bible, une approche pratique (Nghệ thuật kể chuyện Kinh Thánh), tại nhà xuất bản Emprunte Temps Présent. Trong tác phẩm này, các tác giả đã trình bày 3 phần chính: a) đọc và hiểu câu chuyện Kinh Thánh, b) soạn thảo lại câu chuyện, c) kể lại câu chuyện trước công chúng.


Ở Mỹ, phong trào kể chuyện Kinh Thánh cũng rất phát triển, nhất là trong các giáo hội Tin lành. Ông Martin BUBER dựa trên tác phẩm The Art of Biblical Narrative của Rober ALTER, đề nghị các từ khóa có thể được chọn và lập lại nhiều lần cho các người kể chuyện để thực hiện hiệu quả việc truyền đạt ý nghĩa câu chuyện rộng hơn. Ví dụ, trong Sách Sáng Thế chương 1, từ khóa "tốt" xuất hiện nhiều lần như muốn thuyết phục chúng ta rằng mọi loài thụ tạo của Thiên Chúa thì "tốt". Và sau nhiều ví dụ tiếp theo, Martin BUBER đưa ra một chuỗi kỹ năng sau đây:


- Nhận định các từ khóa được lập lại nhiều lần.
- Các từ nối kết cảnh này với một câu chuyện khác.
- Các lập lại những biến cố và những đối lập.
- Các lập lại hình ảnh.
- Các sử dụng chặt chẽ các đối thoại.
- ý nghĩa các tên gọi.
- Các chi tiết báo hiệu, hoặc đi trước một điều gì sắp xảy ra.


Các kinh nghiệm trên đây ở những phương trời khác nhau cũng có thể giúp chúng ta; nhưng trong bối cảnh hiện tại của việc dạy giáo lý chúng ta cần có những một phương pháp cụ thể nhắm mục đích phục vụ giáo lý Kinh thánh. Trong hai giai đoạn sau đây, chúng tôi sẽ trình bày một con đường cụ thể hơn về vấn đề này. Giai đoạn thứ nhất được thực hiện trong cách thức nhóm học tập, và giai đoạn thứ hai, liên quan đến việc thể hiện cá nhân.
 

Học hỏi theo nhóm: phương pháp tường thuật


Phân tích tường thuật dựa trên một ý tưởng đơn giản: bất kỳ câu chuyện nào cũng tạo ra các hiệu ứng ý nghĩa đối với người đọc. Chúng ta có thể kiểm định phương pháp này qua những câu hỏi như sau: bản văn truyền tải cho người đọc như thế nào? Bản văn có ý nghĩa như thế nào đối với người đọc?


Khác với phương pháp phê phán sử quan, phân tích tường thuật không quan tâm đến nguồn gốc hay sự hình thành câu chuyện, lịch sử của văn bản, nhưng đọc bản văn như được trình bày, ở trạng thái cuối cùng của nó. Chúng ta gọi đó là phương pháp tiếp cận đồng đại. Người đọc không tìm xem, qua văn bản, ai là tác giả lịch sử và ai là những người đọc đầu tiên; công trình khảo cổ bản văn không nằm trong mục đích của phân tích tường thuật. Quan tâm chính,là hiểu biết việc truyền thông giữa văn bản và người đọc;việc này được hình thành trong quá trình đọc (như thế, người đọc hiện nay được gọi là "người đọc hàm ẩn"). Lợi ích cụ thể của phân tích tường thuật nằm ở phương cách mà văn bản tổ chức điều khiển giao lưu văn bản-người đọc. Nên chúng ta gọi đó là một tiếp cận thực tiễn.


Quy trình đọc, nghiên cứu theo phân tích tường thuật bắt đầu bằng việc nhận định và phân tích cách thức câu chuyện được xây dựng, sau đó chú ý đến các tình tiết - nghĩa là những gì chúng ta gọi là chiến lược kể chuyện. Để làm sáng tỏ chiến lược này, cần xem xét một số yếu tố kiến tạo toàn bộ câu chuyện. Tôi cố gắng trình bày các yếu tố này ở đây một cách ngắn gọn nhưng chính xác trong 7 tiết mục dưới đây. Dạng thức các câu hỏi mang tính tu từ giúp chúng ta tiến vào trong công việc học hỏi. 


1. Khung câu chuyện


Câu chuyện bắt đầu và kết thúc ở đâu? 


Để thực hiện khởi đầu này, chúng ta tìm cách xác định các dấu chỉ thời giannơi chốnnhân vậthành động,chủ đề để giới hạn đoạn văn tường thuật này.


Câu chuyện có bao nhiêu cảnh (scène), bao nhiêu hồi (acte)?
Chúng ta chú ý các cảnh có nối kết với nhau hay không và như thế nào, cũng như tiến trình kể chuyện. 


Đâu là vị trí của câu chuyện trong toàn bộ bản văn rộng hơn cái gọi là chuỗi tường thuật?


Kế đến, chúng ta tìm kiếm nơi thượng nguồn và hạ lưu của bản văn, các dấu chỉ hình thành các nối kết: nhân vật, chủ đề, chỉ dẫn thời gian và nơi chốn, v.v. Chúng ta khám phá xem đoạn văn chúng ta đang khảo sát có liên tục hay ngắt đoạn với chuỗi tường thuật.


2. Tình tiết (hay cốt truyện, intrigue)


Chúng ta có 5 giai đoạn thường thấy trong cấu trúc của tất cả các chuyện kể, 5 chặng đường cấu tạo tình tiết câu chuyện: a) tình trạng khởi đầu, b) các vấn đề phức tạp (cũng có thể gọi là các yếu tố xáo trộn hay thắt nút), c) hành động làm biến đổi, d) mở nút, hay vấn đề được giải quyết, e) tình trạng kết thúc.


Trong phần khảo sát này, chúng ta tìm hiểu vị trí và tầm quan trọng của mỗi giai đoạn, sợi dây nối kết, các mối tương quan cũng như những khác biệt giữa chúng với nhau.


Trong tình tiết chính có chứa đựng hay không nhiều tình tiết phụ, giới hạn hơn, được gọi là các sự kiện hay biến cố
Nếu có, các sự kiện này nối kết và tương tác với nhau như thế nào?


Các sự kiện, xem như các tình tiết phụ có mặc khải điều gì không và có giải quyết vấn đề không?


Trong trường hợp, một tình tiết có giải đáp, hành động biến đổi thành giải quyết vấn đề: bệnh tật, cái chết, thiên tai, v.v. Trong trường hợp sự kiện phơi bày một điều gì đó (mặc khải), hành động biến đổi nhằm mục đích tiết lộ danh tính của một nhân vật. Một câu chuyện có thể soạn thảo theo hai loại tình tiết này. 


3. Các nhân vật 


Trong giai đoạn này, trước tiên, chúng ta hãy liệt kê danh sách các nhân vật. 


Ai và cái gì là những tác nhân (con người, Thiên Chúa, hay sự vật) đóng vai trò trong diễn tiến của tình tiết? Các nhân vật là cá thể hay tập thể?


Những nhân vật đó có bề dày trong câu chuyện như thế nào? Họ có một bề dày quan trọng (tròn, chẳng hạn, nhưnhân vật được xây dựng với nhiều đường nét, nhân vật phức tạp, nhân vật được người kể nhấn mạnh) hoặc nhân vật mỏng (được xây dựng đơn giản, không được nhấn mạnh trong tường thuật).


Kế đến, chúng ta nhận định các nhân vật, vai trò của họ là gì?


Ai là nhân vật chính (anh hùng) hay là người đối lập? (nhân vật cá thể hay tập thể đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển tình tiết).


Ai là những nhân vật phụ? (nhân vật cá thể hay tập thể đóng một vai trò thụ động trong sự phát triển tình tiết)


Ai là nhân vật kết nối? (Cá nhân hoặc tập thể nhân vật đóng vai trò phụ trong việc phát triển tình tiết.)


Các nhân vật khác nhau này đóng vai trò gì trong câu chuyện?


Các nhân vật có tiến triển trong tường thuật không?


Người kể chuyện giới thiệu các nhân vật với người đọc như thế nào?


Người kể chuyện là người đang thuật chuyện. Họ có thể là người đứng ngoài câu chuyện, nhưng cũng có thể là người ở trong câu chuyện. Họ nói gì về các nhân vật và họtrình bày hành động của các  nhân vật như thế nào?


Người kể chuyện đã gợi lên trong người đọc có những cảm tình dành cho các nhân vật nào?


Đồng cảm (cảm giác gần gũi, hiệp thông), thông cảm (thông hiểu một chút giữa các nhân vật và người đọc) hay ác cảm (chối bỏ)?


Khoảng cách bao xa giữa người đọc đối với các nhân vật và tình huống?


Người kể chuyện, giống như một nhà làm phim, sử dụng các cấp độ khác nhau của tiêu điểm ống kính, tùy thuộc vào khoảng cách ông muốn thiết lập giữa người đọc và những gì được kể.


Chúng ta nhận định ba cấp độ tiêu điểm như sau:
 

- Tiêu điểm ở ví trí số "không"(ống kính mở lớn: người kể ra khỏi khung cảnh câu chuyện đang kể và mang đến cho người đọc các thông tin mà các nhân vật chưa biết hoặc không biết);


- Tiêu điểm ngoại tại (ống kính cố định: người đọc tham dự trong khung của câu chuyện, họ biết, thấy những gì các nhân vật biết, thấy);


- Tiêu điểm nội tại (ống kính tiến gần, người đọc đi vào trong nội tâm của nhân vật)


Kiến thức người đọc về các nhân vật, tầm quan trọng của tình tiết, nhiều hơn, cân bằng, hay kém hơn hiểu biết của các nhân vật?


Vấn đề này có mục đích cho người đọc xác định vị trí của mình đối với các nhân vật.


 4. Tính cách thời gian


Khảo sát tính thời gian của tường thuật cũng là một giai đoạn quan trọng trong  việc hiểu câu chuyện. Để thực hiện công việc này, chúng ta cần trả lời cho các câu hỏi dưới đây:
Câu chuyện diễn tiến với tốc độ nào?


Tốc độ một câu chuyện là cách đánh giá thời gian tường thuật dành cho các sự kiện đang diễn tiến. Để đánh giá thời gian này, chúng ta cần nhận định nhịp điệu câu chuyện theo các điểm sau đây:


- Các tạm dừng mô tả trong câu chuyện (một thể loại dừng lại trên một hình ảnh, hành động không tiến triển),


- Các cảnh (tốc độ bình thường, thời gian câu chuyện bằng thời gian chuyện kể),


- Tóm lược (tăng tốc, thời gian câu chuyện ngắn hơn thời gian chuyện kể),


- Tỉnh lược thời gian (câu chuyện tiếp tục các sự kiện trong im lặng).


Câu chuyện thuật các sự kiện theo thứ tự nào?


Thứ tự này có tương ứng với thứ tự xảy ra của các sự kiện được kể không?


Câu chuyện có sử dụng các analepse (quay lùi về quá khứ) hoặc prolepse (bước nhảy đến tương lai) không?


Nếu có, những ám chỉ quá khứ hay dự phóng tương lai soi sáng giai đoạn tường thuật như thế nào?


Câu chuyện thuộc thể loại gì?


Câu chuyện có thể là lặp lại (kể nhiều lần những gì xảy ra một lần), không lặp lại (chỉ kể một lần những gì đã xảy ra nhiều lần), đơn giản (kể những lần sự kiện xảy ra như điều đó đã xảy ra).


5. Khung tường thật 


Khảo sát cách tổ chức "khung" tường thuật cũng là một giai đoạn giúp chúng ta hiểu câu chuyện.


Các dấu chỉ thời gian, không gian, văn hóa, xã hội hoặc các dấu chỉ khác nhận thấy trong câu chuyện là gì?


Các dấu chỉ này có giá trị thực tế hay biểu tượng?


Các dấu chỉ này tương ứng với các chỉ dẫn của chuỗi trình tự tường thuật hay các dấu chỉ này chênh lệch với chuỗi tường thuật?


Đâu là "thế giới" được xây dựng bởi câu chuyện


6. "Giọng" kể


Trong câu chuyện, ai nói, ai kể?


Chính là vấn đề phác họa các tính năng của "giọng" kể và hướng dẫn người đọc, qua việc "giọng" kể theo một cách nào đó, chúng ta nhận ra chiến lược của người kể. Từ các dữ liệu thu thập được trong các giai đoạn trước đó, liệu chúng ta có thể đủ điều kiện để đánh giá quan điểm, giá trị của người kể?


Người kể chuyện có can thiệp vào câu chuyện khôngNếu có, người kể can thiệp bằng cách nàoVới các bình luận rõ ràng (lời giải thích, chuyển dịch, đánh giá cao, vv) ... hay kín đáo hơn, với những ý kiến hàm ẩn (trích dẫn, đa nghĩa, khôi hài, mỉa mai, hiểu lầm, vv)?


7. Bản văn và người đọc 


Giai đoạn thứ 7 bao gồm việc nối kết và tổng hợp: mọi câu chuyện khi gửi đến người đọc và tác giả hàm ẩn (người tham gia vào tác phẩm qua các lựa chọn tường thuật) dựa trên sự hợp tác tích cực của người đọc và sự tham gia của họ. Người đọc nói ở đây gọi là người đọc hàm ẩn. Để có được sự hợp tác này, tác giả hàm ẩn đề nghị người đọc hàm ẩn một loại hợp đồng hoặc một hiệp ước đọc.


Để hiểu hợp đồng này là gì, chúng ta cần đặt câu hỏi trên các điểm sau đây:


Tường thuật có sử dụng hay không một thể loại văn học cá biệt (phép lạ trên thiên nhiên, chữa bệnh, trừ tà, tranh cãi, sử thi, ơn gọi, vv)? Trong trào lưu văn hóa của thời đại soạn thảo, đâu là ý nghĩa việc sử dụng thể loại văn học này?


Tường thật đang được chúng ta tìm hiểu đã sử dụng các quy ước đã nói chưa?Nếu có, theo viễn cảnh nào?


Tác giả hàm ẩn giả định rằng người đọc biết những kiến thức ông đã viết (ví dụ, biết về các bản văn Cựu Ước, những thực hành văn hóa, tôn giáo, vv)? Đó là những điều gì? Các kiến thức này có được phân bổtrong tường thuật không?


Có hay không "những phần trống" trong tường thuật, các sự kiện, các khái niệm quá khứ không được đề cập?


Tường thuật có tạo ngạc nhiên cho người đọc không?


Người đọc có được mời tham dự vào quy trình nhận dạng không? Quy trình nhận dạng có nghĩa là quy trình của một người muốn tự mặc lấy hay cho tự cho mình giống như, một cách tạm thời hay thường hằng, một nét hay một thuộc tính, một phần hay toàn bộ, một nhân vật trong tường thuật.


Phần nào dành cho người đọc xây dựng ý nghĩa, và diễn giải?


Tường thật có tìm cách củng cố hoặc dẫn người đọc đến với Thiên Chúa qua kiến thức của tác giả, niềm tin, các câu hỏi, mối quan hệ của ông với thế giới, với những người khác?


Khi học hỏi và nắm vững phương pháp phân tích tường thuật áp dụng cho các tường thuật Kinh Thánh, những người có trách nhiệm rao giảng, dạy dỗ, giáo huấn cho các tín hữu, đặc biệt là các trẻ em, nên cố gắng học tập cách thể hiện câu chuyện trong công việc mục vụ Kinh Thánh hay giáo lý. Họ nên ý thức và học hỏi nghệ thuật tu từ về kể chuyện.
 

Kỹ năng cá nhân: phương pháp tu từ


Nghệ thuật tu từ về kể chuyện chính là việc tạo cho mình những kỹ năng tốt nhất nhằm mục đính nối kết với cử tọa và mời gọi họ vào trong thế giới câu chuyện.


1) Chuẩn bị cá nhân: tuy chúng ta đã học và hiểu ý nghĩa bản văn Kinh Thánh mà chúng ta sẽ kể, chúng cũng nên đọc lại nhiều lần bản văn Kinh Thánh, để Lời của Thiên Chúa vào trong tâm hồn và thánh hóa chính mình trước. Họ nên chuẩn bị kỹ lưỡng tình tiết tường thuật và nếu có thể học thuộc câu chuyện sẽ kể.


Tôi có gặp một người nỗi tiếng về nghệ thuật kể chuyện, và ông ta thường được mời đến các trường học để thuật chuyện. Tôi nghĩ rằng chắc hẳn ông ta biết rất nhiều câu chuyện khác nhau, nhưng khi có dịp hỏi ông về việc này, câu trả lời của ông là tôi ngạc nhiên: ông nói, trong 30 năm hành nghề thuật chuyện, ông chỉ có 4 câu chuyện, nhưng cho dù khi các trẻ em nghe lần thứ hai, thứ ba hay hơn nữa họ vẫn thấy thích thú. Như thế, có những chuyện chúng ta đã biết, nhưng nếu người kể hay, câu chuyện của họ luôn luôn mới mẻ và thu hút.


So với các câu chuyện cổ tích từ Âu sang Á, Kinh Thánh của chúng ta vượt trội, vì đó là kho tàng của những câu chuyện, như chúng ta đã liệt kê trên đây.


Chúng ta có thể bắt đầu với một số tường thuật nền tảng và những cộng sự viên khác sẽ tiếp nối chúng ta bằng những câu chuyện khác.


Nhưng có một điều quan trọng hơn cả, tất cả các câu chuyện Kinh Thánh là Lời của Thiên Chúa, Lời Ngài luôn sống động và luôn mới với tác động Thánh Thần trong con người chúng ta. Xuyên suốt đã bao thế kỷ và như thế cho đến ngày cuối cùng của thế giới nhân loại, Lời Ngài vẫn không bao giờ là những "chữ chết" (lettre morte), nhưng luôn là những mặc khả mầu nhiệm chính Ngài.


2) Bắt đầu câu chuyện: Người kể, sau khi đã nắm vững những gì mình sẽ kể, nên tạo một bầu khí thoải mái và tự tin cho mình và tự nhiên trước một cử tọa. Họ quan sát và hiểu về những người đang mở tai nghe câu chuyện Kinh Thánh mình sẽ kể. Như các MC hay diễn viên họ học các cách thức thu hút và nối kết thân thiện với những người nghe. Người kể có thể thú hút cử tọa bằng những chào hỏi thân tình, một vài đối thoại ngắn để cử tọa tập trung chú ý, hay một bài hát vui tươi cầu nguyện. Với kinh nghiệm và học hỏi, tôi nghĩ rằng có rất nhiều giáo dân, tu sĩ nam nữ tự khám phá cho mình tài năng phục vụ cho những câu chuyện đức tin này.


3) Các kỹ năng diễn đạt: như chúng ta đã nói, kể chuyện là một nghệ thuật. Người kể sẽ quan sát các diễn giả hay diễn viên sân khấu, họ biết sử dụng mọi cử chỉ và hành vi của họ dễ diễn đạt để quyến rũ, để thu hút. Khi người kể hiểu rõ câu chuyện, tuy phải trung thành với nội dung và tình tiết của tường thuật, họ có thể tạo nhịp điệu với giọng nói trầm bổng tùy theo các sự kiện và tình tiết hấp dẫn hay sôi động của tường thuật. Họ trở thành một cách nào đó tác giả của câu chuyện và những người nghe là những khán thính giả thực thụ. Người kể dấn thân vào câu chuyện với cả tâm trí, tâm hồn và đức tin; thì người nghe cũng như thế, họ mở to đôi mắt, chăm chú vểnh đôi tai để lắng nghe, và tập trung mình vào thế giới của câu chuyện, thế giới của Lời Thiên Chúa.


4) Thuật chuyện dấn thân người kể: khi đọc và thuật chuyện Kinh Thánh, không ai có thể thụ động; vì câu chuyện Kinh Thánh đòi hỏi người đọc tham dự vào một cuộc đối thoại dấn thân với bản văn. Chúng ta thấy có nhiều lý do để người kể dân thân vào câu chuyện. Trước tiên, các tường thuật Kinh Thánh không bao giờ cung cấp cho người kể đầy đủ chi tiết; trong trường hợp này tính tò mò của con người luôn khởi động và như chúng ta đã thấy trong phương pháp phân tích tường thuật nói trên đây, giúp cho người kể bổ sung những yếu tố thiếu vắng hay những khoảng trống của câu chuyện. Thứ đến, người đọc hay người nghe cũng sẽ có những chuyện không hiểu như trường hợp khi Chúa Giê-su kể dụ ngôn người gieo giống, "Các môn đệ hỏi Người dụ ngôn ấy có ý nghĩa gì" (Lc 8,9).


Câu hỏi của các môn đệ cho chúng ta thấy khi nghe Lời của Thiên Chúa, ngoài đôi tai con người chúng ta cần có đôi tai của đức tin, đôi tai để hiểu biết thánh ý Thiên Chúa trong câu chuyện. Người kể dấn thân giống như biểu đạt Kinh Thánh được Chúa Giê-su lập lại trong Mt 22,37: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi". Vì là Lời của Thiên Chúa, người kể chuyện dân thân hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn cho câu chuyện Kinh Thánh.
 

3. Ý nghĩa các việc thuật chuyện Kinh Thánh


Thánh hóa với việc kể chuyện Kinh Thánh


Khi chúng ta kể câu chuyện Kinh Thánh, chúng ta thuật lại chính Lời Thiên Chúa để đưa những người nghe vào thế giới trong đó Lời ngài luôn sống động. Lời của Thiên Chúa qua câu chuyện Kinh Thánh cũng cố và thánh hóa trước tiên chính người kể. Thật vậy, thánh tông đồ Gia-cô-bê đã xác định điều này trong thư của ông: "hãy khiêm tốn đón nhận lời đã được gieo vào lòng anh em; lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em"(Gc 1,21b). Thánh sử Gio-an cũng nói một cách khác sự thật này: "Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em" (Ga 15,3). Sức mạnh của Lời Thiên Chúa, chính là Thánh Thần Thiên Chúa, như trong thư Ê-phê-xô, Phao-lô đã sử dụng một lối nói rất biểu tượng: "Sau cùng, hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa" (Ep 6,17). Như thế, nhờ Chúa Thánh Thần,  người kể đã làm một công việc cao quý, họ dùng lời của họ để truyền đạt Lời thiêng trong tâm trí người nghe, để Lời này tác động trong tâm hồn họ như đã viết trong thư thứ nhất gởi cho ông Ti-mô-thê: "Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng y, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính" (2 Tm 3,16).
 

Thuật chuyện Kinh Thánh dẫn chúng ta vào đức tin


Như chúng ta đã có nói đến trong phần dẫn nhập, đức tin của chúng ta đến từ Kinh thánh, Lời Thiên Chúa vang vọng mặc khải cho con người từ thời nguyên thủy cho đến ngày hôm nay bằng môi miệng và ngôn ngữ nhân loại, qua các chứng nhân lịch sử như dân tộc Thiên Chúa tuyển chọn và nhất là qua trung gian của Chúa Giê-su, con yêu dấu của Thiên Chúa. Truyền thống dân Thiên Chúa cũng như truyền thống của giáo hội Ki-tô giáo, con người đã đón nhận đã tin và đã truyền tải cho đến chúng ta ngày hôm nay. Và chúng ta ai cũng biết rằng, Lời Thiên Chúa được chuyển tải một sống động, chính nhờ linh hứng và tác động của chính Thiên Chúa, như đã viết trong sách Ngôn sứ Giê-rê-mi-a:


1Năm thứ tư triều Giơ-hô-gia-kim, con vua Giô-si-gia-hu, làm vua Giu-đa, có lời ĐỨC CHÚA phán với ông Giê-rê-mi-a rằng: 2“Ngươi hãy lấy một cuộn sách, rồi viết vào đó mọi lời Ta đã phán với ngươi liên quan đến Ít-ra-en, Giu-đa và tất cả các nước, từ ngày Ta phán bảo ngươi dưới triều Giô-si-gia-hu cho đến ngày nay. 3May ra khi nghe biết tất cả những tai hoạ Ta định giáng xuống trên chúng, nhà Giu-đa sẽ trở lại, ai nấy sẽ từ bỏ con đường xấu xa của mình, và Ta sẽ tha thứ các lỗi lầm cũng như tội ác chúng đã phạm.” 4 Ông Giê-rê-mi-a gọi ông Ba-rúc, con ông Nê-ri-gia lại; và theo lời ông đọc, ông Ba-rúc đã viết lại tất cả những lời ĐỨC CHÚA đã phán với ông vào một cuộn sách (Gr 36,1-4).


Và sau này, thánh Phao-lô đã bày tỏ đức tin của ngài trong vấn đề này:


11Thật vậy, thưa anh em, tôi xin nói cho anh em biết: Tin Mừng tôi loan báo không phải là do loài người. 12 Vì không có ai trong loài người đã truyền lại hay dạy cho tôi Tin Mừng ấy, nhưng là chính Đức Giê-su Ki-tô đã mặc khải  (Gl 1,11-12).


Cha Jacques Neuviarts, tu sĩ dòng Đức Bà Về Trời, chuyên gia Kinh Thánh, nhất là về phương pháp tường thuật, phụ trách hằng tuần chương trình kể chuyện toàn bộ Kinh Thánh, trên đài phát thanh công giáo của Pháp (Radio Catholique Française), đã chia sẽ rằng những người kể chuyện Kinh Thánh nghe ngài càng ngày càng đông, vì họ cảm thấy thích thú và làm tăng thêm không những hiểu biết, cách thức mà còn là lòng hăng hái và đức tin nữa. Họ bảo rằng các trẻ em trong các giáo xứ, hay trong các thánh lễ được nghe riêng phần phụng vụ lời Chúa, nghĩa là trong lúc các người lớn nghe các bài đọc và nghe linh mục chủ tế giảng, thích thú lắng nghe kể lại các bản văn Kinh Thánh.


Các tường thuật Kinh Thánh soạn thảo theo hệ thống hình dung từ, với những hình ảnh tượng hình, tượng thanh, gợi được xúc giác và vị giác. Lời người kể trở nên huyền bí, chạm đến những vùng chưa biết đến và sâu thẳm trong con người.Qua dòng chảy câu chuyện và các từ ngữ, người kể cho người nghe nhìn thấy, tự do khởi động trí tưởng tượng của mình để đi vào thế giới của câu chuyện. Cha Neuviarts nói, các trẻ em dấn thân một cách huyền nhiệm vào trong chuyện kể. Một cách tự nhiên, người nghe tự đồng hình đồng dạng với các nhân vật và nhận ra "trò chơi nhân loại": dối trá, sợ hải, giận dữ, tình yêu, thù hận và sự thật. Một cách nào đó, người nghe, cho dù họ đang còn nhỏ, có thể cảm nhận điều gì Thiên Chúa muốn nói với họ. Nếu như các chuyện cổ tích đề cập đến vấn đề hiện sinh con người và giúp cho các trẻ em kiến tạo nhân cách; các câu chuyện Kinh Thánh sẽ góp phần hình thành đức tin của các em, cho dù các em không hiểu tất cả các yếu tố của câu chuyện, nhưng câu chuyện sẽ in dấu trong tâm trí và một ngày nào đó trong cuộc sống, họ sẽ thấy ánh sáng của câu chuyện Kinh Thánh.

Nhưng chúng ta cũng nên nhớ rằng, các tường thuật Kinh Thánh không hình thành như một chuyện cổ tích trong đó các nhân vật được phân bổ một cách có chủ ý giữa bên thiện, bên ác và những người tác động gián tiếp; các nhân vật Kinh Thánh thể hiện một cách thật sự tất cả phức tạp của con người và xã hội họ đang sống. Như thế, không chỉ cho các trẻ em, câu chuyện Kinh Thánh phải được kể cho tất cả mọi giới và mọi lứa tuổi. Đương nhiên, người kể cố gắng tìm các từ ngữ và cách diễn đạt tùy theo thành phần cử tọa, nhưng họ phải lưu tâm và tôn trọng Lời Thiên Chúa, để đừng bao giờ xóa bỏ hay sửa đổi các yếu tố thô thiển (aspérité) của bản văn và biến Kinh Thánh thành một câu chuyện nhạt nhẽo và ủy mị (bible de guimauve).


Những gì người kể nói ra, không phải là một câu chuyện giải trí, thư giản, nhưng chính là "hơi thở", là thần khí xuyên suốt trong tất cả các tường thuật của Kinh Thánh, để mặc khải một Thiên Chúa duy nhất, Đấng Sáng Tạo và Cứu độ nhân loại qua các giao ước.
 

Kinh thánh là một câu chuyện thật, một Tin Mừng phải loan báo


Đã có nhiều người hỏi rằng, quả thật, Kinh Thánh là một câu chuyện hay và thánh thiện, xứng đáng được kể, nhưng các câu chuyện Kinh Thánh thuật lại phải chăng là những sự kiện thật?


Chúng ta cần biết rằng Kinh Thánh không phải là bộ sách của một sử gia, một người soạn thảo lịch sử theo cách hiểu biết của chúng ta ngày nay, có nghĩa là, sử gia đã nghiên cứu, điều tra và sưu tập các dữ liệu và sau đó soạn thảo lại toàn bộ câu chuyện theo hệ thống thời gian và không gian từ thời tạo thiên lập địa cho đến thời đại chúng ta. Kinh Thánh là một thư viện chất chứa toàn bộ lịch sử của Thiên Chúa và con người chính là "thư ký" được linh hứng bởi thần trí của Ngài để ghi lại tất cả trong 73 cuốn sách khác nhau (46 cuốn Cựu Ước và 27 cuốn Tân Ước).


Trong Kinh Thánh chúng ta thấy có tất cả các thể loại văn chương được dùng trong thế giới nhân loại: các truyền thuyết, các câu chuyện dân gian, các câu chuyện lịch sử, các bản văn lề luật, các nghi thức phụng vụ, các anh hùng ca, thơ văn, sấm truyền ngôn sứ, các vụ kiện, thư tín và các dòng văn khôn ngoan, các lời cầu nguyện, lời khuyên răn, đạo đức và luân thường xã hội... Chúng ta phải xác tín một điều: tất cả những gì Kinh Thánh tường thuật lại, các soạn giả muốn truyền đạt cho chúng ta tất cả sự thật họ nghiệm thấy trong đức tin, để đưa chúng ta nhận biết và sống với Thiên Chúa, nhưng cũng để nhận biết con người và thân phận của chính chúng ta nữa.


Nói như thế, không những xác tín rằng các tác giả nhân loại Kinh Thánh không phải là những kẻ dối trá, nhưng ngược lại, chính là những con người đón nhận thần khí Thiên Chúa, được hỗ trợ và soi sáng bởi chính Ngài để kể lại một lịch sử trong đó nhân vật chính là Thiên Chúa và đối tác của Ngài là nhân loại.


Thế thì, trong các sách soạn thảo với hình thức đa dạng này, có chăng những bản văn thuật lại những câu chuyện lịch sử thậtCác biến cố đã diễn ra thật sự như các tường thuật đã viết?


Như đã nói, không nên tưởng tượng các soạn giả Kinh Thánh theo hình ảnh của các sử gia của thế kỷ chúng ta đang sống: họ dùng các yếu tố cụ thể, được xác nhận và minh chứng để diễn tả sự thật lịch sử tổng quát, lịch sử mà chúng ta biết qua công việc và quan điểm của tác giả. Nhưng đối với các tác giả Kinh Thánh, cách thức viết lịch sử của họ có lẽ theo một tiến trình khác biệt: họ nhận biết trước tiên sự thật đức tin, nhờ các chứng nhân cha ông để lại, và cho dù dân Thiên Chúa đã nhiều lần phản bội Giao Ước, Thiên Chúa đã không bao giờ bỏ họ và họ cố gắng gìn giữ niềm tin từ đời này sang đời nọ; dựa trên chân lý này, họ tìm hiểu, nhìn nhận và diễn giải các sự kiện lịch sử của dân tộc họ dưới chân lý của Thiên Chúa.


Và cũng như thế, Tân Ước của chúng ta cũng khởi đầu bằng biến cố Giê-su Ki-tô, chân lý tuyệt đối của Thiên Chúa. Khi các thư của thánh Phao-lô trả lời cho các tín hữu mọi vấn đề có thực trong lịch sử liên quan đến cuộc sống con người và đứctin của các tín hữu thời đó, tất cả đều quy về một chân lý duy nhất: đó là Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô.


Thế thì, khi các thánh sử viết các Tin Mừng, các ngài cũng không làm khác hơn các nguyên lý nền tảng này. Chẳng hạn, trong vụ kiện lịch sử của đức Giê-su Ki-tô, mỗi thánh sử có cách viết riêng tùy theo khả năng và cái nhìn đức tin riêng của họ, dựa trên một sự thật phổ quát, một biến cố khôn tả và khôn dò, họ có thể đơn giản, thay đổi một vài yếu tố hầu làm nổi bật những gì quan trọng nhất, gần với chân lý Thiên Chúa nhất. Bởi vì những gì quan trọng nhất đối với họ, đối với trải nghiệm đức tin của họ và do truyền thống truyền tải lại cho họ, ngoài các sự kiện đã diễn ra, phải diễn tả rõ ràng và thật đúng qua các biên cố chân lý Thiên Chúa muốn mặc khải cho nhân loại. Công việc này tưởng chừng như không thể thực hiện nếu không có trợ giúp của Chúa Thánh Thần.


Ngày hôm nay, người kể chuyện Kinh Thánh hay những người nghe tất cả đều ở trong chân lý của Lời hằng sống. Chân lý ấy được biểu đạt qua Lời nói của Chúa Giê-su Ki-tô trong Tin Mừng theo thánh Giao-an: "Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống" (Ga 6,63). Như thế người kể chuyện tự ý thức mình trong tư thế của một người đang loan báo Tin Mừng theo bước chân các chứng nhân ngày xưa.
 


Kết luận


Trong bối cảnh của hội nghị về đề tài "mục vụ Kinh Thánh", có lẽ không phải là lúc chúng ta viết những bài tham luận chuyên môntrên một chủ đề Kinh Thánh hay một đoạn văn Kinh Thánh. Tôi thiết nghĩ đây là ưu tư của các giám mục Việt Nam, chủ chăn của đoàn dân Thiên Chúa, đã muốn cho Lời Thiên Chúa đến với mọi tâm hồn. Giáo hội Việt Nam chúng ta còn may mắn quy tụ còn đông đảo mọi giới đến với các nghi lễ phụng vụ và các sinh hoạt giáo lý và đoàn thể. Tại sao chúng ta không lợi dụng các tình huống thuận lợi để kể về Thiên Chúa, kể các câu chuyện Kinh Thánh. Đức cha Giu-se VÕ Đức Minh đã có lần chia sẽ việc kể chuyện Kinh Thánh cho các em trong thánh lễ và ngài thấy kết quả thật diệu kỳ, các em nhỏ đã đi vào trong câu chuyện Kinh Thánh và rất thích thú. Qua các quan sát và nhận định nói trên, tôi mạo muội đề nghị một ý kiến trên vấn đề này.


1. Sau khi đặt các suy nghĩ mang tính đề nghị xuống giấy với ba phần chính của bài viết mang một tự đề hơi kiêu sa: "Nghệ thuật kể chuyện Kinh Thánh", tôi chỉ muốn chúng ta, là những người có duyên may được tiếp cận thường xuyên và gần gủi với bản văn Kinh Thánh, tại sao chúng ta không nhìn lại tầm quan trong của việc kể chuyện Kinh Thánh trong kinh nghiệm nền tảng của truyền thống mặc khải, truyền thống truyền khẩu qua các câu chuyện kể.


Có lẽ sẽ có những người đã học các ngành khoa học nhân văn hay văn chương hoặc tự thân đã có khiếu về kể chuyện và họ sẽ áp dụng một cách khá dễ dàng các câu chuyện Kinh Thánh. Nhưng cho dù là ai, chúng ta cũng cần hiểu các tường thuật kinh Thánh trước đã, thì mới có thể diễn đạt hết tâm hồn Lời của Thiên Chúa. Trong trường hợp các câu chuyện Kinh Thánh, phương pháp phân tích tường thuật sẽ là khí cụ tốt nhất để chúng ta khám phá chiều sâu và hiểu thánh ý Thiên Chúa. Nhưng chỉ đọc quy trình phương pháp không chúng ta vẫn không thể nắm bắt các yếu tố của các phân tích đề xuất. Và không có cách nào khác hơn là phải học hỏi. Nhưng làm thế nào để được học hỏi vấn đề này?


2. Một khi chúng ta ý thức với việc kể chuyện Kinh Thánh, các đấng thẩm quyền giáo phận có thể tìm cách tổ chức các khóa học tập mục vụ cho những ai liên quan đến giáo lý và học hỏi Lời Thiên Chúa theo phương pháp phân tích tường thuật. Các linh mục sẽ là những người đi đầu trong công việc này, họ có lẽ phải cố gắng tạo mọi điều kiện tổ chức đào tạo các giáo lý viên trong lãnh vực này.


Song hành với việc đào tạo, tại sao chúng ta không thử bắt chước kinh nghiệm mới phát sinh của thế giới Tây Phương khi họ đang tổ chức các nhóm thuật chuyện Kinh Thánh. Họ đã sử dụng tất cả mọi phương tiện truyền thông của thế giới công nghệ 4.0: Ra-đi-ô, truyền hình, mạng internet, hoặc chính họ cũng được mời đến các trường học công giáo, các cộng đoàn Ki-tô hữu để thuật chuyện Kinh Thánh.


Vạn sự khởi đầu nan, nhưng nếu chúng ta không làm, chúng ta sẽ bỏ lỡ một cơ hội mang Lời Thiên Chúa đến cho mọi tâm hồn, mọi nhà, mọi nơi. Một người Pháp đã nhận định: các bậc cha mẹ là những người kể chuyện hay nhất. Thật vậy, khi còn nhỏ, ông bà cha mẹ chúng ta cũng đã từng kể cho chúng ta các câu chuyện cổ tích và chính vì thế mà nhưng câu chuyện không cần phải học thuộc lòng này vẫn luôn ở trong tâm trí của chúng ta và hình thành văn hóa cơ bản của mỗi người trong chúng ta. Tại sao chúng ta không làm như thế với các câu chuyện Kinh Thánh? Tôi thiết nghĩ, giới phụ huynh công giáo ngày nay có đủ khả năng và trình độ đễ bước vào thế giới câu chuyện Kinh Thánh. Nhưng có ai hay nơi nào giúp đở họ không?


3. Hội đồng Giám mục Việt Nam có cơ may quy tụ được một đội ngũ thành viên được đào tạo trong các lãnh vực chuyên môn về Kinh Thánh. Ngoài công việc giáo dục và đào tạo trong các học viện, một số đông cũng hiện diện trong các nhóm dịch thuật, chú giải, soạn thảo những chia sẽ Tin Mừng. Những người có khả năng chuyên môn Kinh Thánh nên suy nghĩ đến việc xuất bản các cẩm nang giúp ích cho việc kể chuyện Kinh Thánh.


Thể loại thứ nhất có thể là các soạn thảo liên quan đến các phương pháp hay kỹ năng trong vấn đề này; thể loại thứ hai có thể là các sách biên soạn lại các câu chuyện Kinh Thánh thích hợp với mỗi lứa tuổi; và thể loại thứ ba có thể là các sách khảo sát các bản văn Kinh Thánh theo phương pháp phân tích tường thuật. Nếu như chúng ta không có nhiều thời gian hoặc kinh nghiệm soạn thảo, chúng ta cũng có thể tìm đọc các sách ngoại ngữ và lựa ra những tác phẩm chúng ta thấy hay và hợp với văn hóa Việt Nam và xin phép nhà xuất bản của tác phẩm để chuyển dịch sang tiếng Việt, và có lẽ còn những thể loại khác mà tôi không nghĩ đến trong lúc soạn thảo bài viết này.


Đây là một bài viết khiêm tốn hoặc hay đúng hơn là bài thuyết trình đơn giản không ngoài mục đích gợi ý cho chúng ta một phương thức thuận lợi cho việc mang Lời Thiên chúa đến cho mọi người, loan báo tin Mừng của Chúa Giê-su Ki-tô.

Paul NGÔ Đình Sĩ
 
 

Thư mục

  • ALTER,Rober, The Art of Biblical Narrative, Basic Books, 2ème édition, 2011.
  • DECAUX, Alain, Alain Decaux raconte la Bible aux enfants, Nxb Perrin, 1996.
  • LAFAURIE, Odile; Martine MILLET; Marie Hélène LUIGGY, L'art de conter la Bible, une approche pratique, nxbEmprunte Temps Présent, 2006.
  • LAFFON, Martine, Histoires de la Bible, Nxb Livre de Poche Jeunesse, 2009.
  • LITHERLAND, Janet,Storytelling from the Bible: Make Scripture Live for All Ages Through the Art of Storytelling,Nxb Meriwether Pub, 1991.
  • NGÔ, Dinh Si, Đọc và Diễn giải Kinh Thánh, Lịch sử-Ý nghĩa-Phương pháp, Lời thiêng, Nxb Tôn Giáo, 2015.
  • QUESNEL, Michel, Personne n'a jamais parlé comme Lui: L'enseignement des Paraboles, Nxb Saint Augustin, 2010.
  • SONNET, Jean-Pierre, "Lorsque ton fils te demandera..." : De génération en génération l'histoire biblique à raconter, nxb Lessius, 2014.
  • SWANSON, Claude R., Tell Me About The Bible, Nxb Xulon Press, 2010.
  • URA, Miller, OOSTEMA, Gloria (Illustrator) 101 Favorite Stories from the Bible, Nxb Barnes & Noble, 2007.
Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...