Phúc Âm – Tin Mừng – Cứu Độ

“Trước đây đã từng đọc và nghe Phúc Âm, Tin Mừng, Cứu rỗi, Cứu chuộc, Cứu độ, Cứu thoát… ngày nay không thường nghe đến Phúc Âm, Cứu rỗi, Cứu chuộc, Cứu độ, Cứu thoát nữa…” thậm chí có bạn còn hỏi Phúc Âm, Cứu rỗi, Cứu chuộc, nghĩa là gì mà nay không dùng tới nữa, chỉ nghe Tin Mừng và Cứu độ? 
 
  1. Bức xúc của một số bạn trẻ.
Sách giáo lý Youcat Việt Nam chào đời năm 2013, khi đó tôi theo thói quen của các sách: Sách lễ, Sách Bài đọc, Sách Phụng vụ các giờ kinh, sách giáo lý của Hội Thánh Công Giáo, các bản dịch Tông Huấn, Thông điệp của Tòa Thánh, để dịch từ bản tiếng pháp: Évangile là Tin Mừng, Salut là (cứu độ)… Sau hơn hai năm, có một số giáo lý viên và bạn đọc hỏi tôi rằng: “Trước đây đã từng đọc và nghe Phúc Âm, Tin Mừng, Cứu rỗi, Cứu chuộc, Cứu độ, Cứu thoát… ngày nay không thường nghe đến Phúc Âm, Cứu rỗi, Cứu chuộc, Cứu độ, Cứu thoát nữa…” thậm chí có bạn còn hỏi Phúc Âm, Cứu rỗi, Cứu chuộc, nghĩa là gì mà nay không dùng tới nữa, chỉ nghe Tin Mừng và Cứu độ? Tôi giật mình và tự hỏi đúng vậy không? Tôi moi trí nhớ xem có chỉ thị nào cấm dùng mấy tiếng đó không mà tự nhiên chúng đã vắng bóng! Tôi cảm thấy bức xúc nhưng cũng cảm thấy mình không được “vô can” nên tôi thử tìm hiểu xem cho nó chính xác.
  1. Tìm hiểu trong một số tài liệu của Giáo hội Việt Nam.

Tôi tìm hiểu trong một số tài liệu của Giáo hội Việt Nam và trong một số từ điển mà tôi có để có thể “can vô”.

a. Tìm hiểu trong một số tài liệu theo thứ tự thời gian
  • Năm 1970, các sách lễ mùa Quanh Năm của Ủy ban Phụng vụ, trước bài Phúc âm thì dùng: Phúc âm thánh …, rồi Bài trích Phúc âm theo thánh … các từ khác như Tin Mừng, Cứu rỗi, Cứu chuộc, Cứu độ, thấy có.
  • Năm 1972, Sách thánh Công đồng chung Vatican II chỉ dùng Phúc âm mà thôi, cũng có cứu rỗi, cứu chuộc.
  • Năm 1975 Tông huấn Evangelii nuntiandi được dịch là “Tông huấn Loan báo Tin Mừng về vấn đề Phúc âm hóa trong thế giới ngày nay”. Có nhiều bản dịch khác nhau:
  • Xuân Bích dịch Chương I là Từ Đức Giêsu nhà rao giảng Tin Mừng đến Giáo hội rao giảng Tin Mừng.
  • Xuân Lộc dịch Chương I là Từ Đức Giêsu Đấng truyền bá Phúc  âm hóa đến Giáo hội truyền bá Phúc âm hóa, Chương II truyền bá Phúc âm hóa là gì, Chương V Thành phần thừa hưởng việc truyền bá Phúc âm, Chương VI Các nhân viên của việc truyền bá Phúc âm, Chương VII Tinh thần truyền bá Phúc âm.
  • Đà Lạt Chương I  Từ Đức Kitô sứ giả Tin Mừng đến Giáo hội sứ giả Tin Mừng, Chương V Người rao giảng Tin Mừng, Sứ giả Tin Mừng.
  • Năm 1976, sách Kinh Thánh do cha Nguyễn Thế Thuấn dịch, trong phần tiểu dẫn về Tân Ước có câu: “trước hết có những sách doãn lại đời Chúa Giêsu, các lời Ngài nói, các việc Ngài làm. Đó là các sách mà ta gọi la Tin Mừng (Phúc Âm)”. Từ Phúc âm chỉ xuất hiện một lần ở đây thôi, ngoài ra là Tin Mừng.
  • Năm 1992, sách lễ Rôma của Ủy ban Phụng vụ chỉ dùng Tin Mừng và cứu độ mà thôi.
  • Năm 2007, sách các Bài đọc do Ủy ban Phụng vụ, trước bài Phúc âm, dùng Phúc âm thánh… và dòng dưới là Bài trích Tin Mừng theo thánh…
  • Năm 2010, sách Giáo lý Hội thánh Công giáo do Ủy ban giáo lý đức tin, ở trang 9 có câu: “Sách giáo lý này sử dụng bản dịch Thánh Kinh của Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, với đôi chút thay đổi khi cần thiết cho phù hợp với văn mạch”. Nghĩa là chỉ dùng Tin Mừng mà thôi, không dùng Phúc Âm hay Cứu rỗi, nhưng số 2103 thì có “lời khuyên Phúc âm”.
  • Năm 2011, Từ điển Công giáo của Ủy ban Giáo lý đức tin có giải nghĩa Phúc âm, Phúc âm hóa, Tin mừng.
  • Năm 2012 cha Huỳnh Trụ trong Từ vựng Công giáo trang 20 có viết: “Các bản dịch tiếng Việt có thế giá nhất (của UBPVHĐGMVN, nhóm CGKPV, cha Nguyễn Thế Thuấn – dựa vào các bản Hy Lạp) thì dịch là Tin mừng không dùng Phúc âm”.
  • Năm 2013, bản tin Hiệp Thông số 97 trang 206, Thư chung của HĐGMVN về Phúc âm hóa có chổ viết: số 1 môn đệ  Chúa Giêsu vẫn được mời gọi làm chứng cho Tin mừng, số 2 nỗ lực “Tân Phúc âm hóa để thông truyền đức tin”, số 4 con người hôm nay có thể hiểu và lĩnh hội được sứ điệp Phúc âm, số 5 tham gia tích cực vào sứ vụ loan báo Tin Mừng, số 6 hăng say loan báo Tin Mừng … tham gia vào sứ vụ Phúc âm hóa…
  • Năm 2013 có Tông huấn của Đức giáo hoàng Phanxicô “Niềm vui của Tin Mừng về việc công bố Tin Mừng trong thế giới hôm nay”. Chỉ nguyên ba từ tiếng Pháp: Evangile, évangélisation, évangélisateur đã được dịch nhiều cách:
  • Bản dịch của Phaolô Phạm Xuân Khôi, Chương I Sự biến đổi của việc truyền giáo của Hội thánh, chương II việc công bố Tin Mừng, Chương IV Chiều kích của việc Phúc âm hóa, Chương V Người rao giảng Tin Mừng đầy Thánh Thần.
  • Bản dịch của Linh mục Inhaxiô Hồ Thông, Chương I Sự biến đổi sứ vụ của Giáo hội … khởi đi từ trọng tâm Tin mừng, Chương III Việc công bố Tin mừng, Chương IV Chiều kích xã hội của công cuộc Phúc âm hóa, Chương V Những người loan báo Tin mừng đầy Thánh Thần.
  • Năm 2014, bản tin Hiệp thông số 80, trang 93 có bài viết của Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm “đọc Tông huấn Evangelii gaudium” được dịch là NIềm vui Phúc âm. Chương I Sự biến đổi mang tính thừa sai của Hội thánh khởi đi từ tâm điểm của Phúc âm, Chương II Đừng để mình đánh mất niềm vui rao giảng Phúc âm … đánh mất những giá trị Phúc âm, Chương III Việc rao giảng Phúc âm… toàn thể dân Chúa loan báo Phúc âm … theo tinh thần Phúc âm, Chương IV Chiều kích xã hội của Phúc âm hóa … sứ điệp Phúc âm, Chương V Những sứ giả đầy tràn Thánh Thần.
Bài của Đức cha Khảm làm tôi sửng sốt, vì đang khi chỉ thấy cả một rừng Tin mừng thì nay thấy lóe lên Phúc âm và Phúc âm hóa. Không những thế Chương V Evangélisaleurs avec esprit còn được dịch khác các bản dịch khác, là “sứ giả đầy tràn Thánh Thần”. Cách dịch này có cái hay là “sứ giả” nói lên tính cách người được sai đi, nhưng lại bỏ Phúc âm hóa là chính công việc được sai đi để làm; và “đầy tràn Thánh Thần” thì quả là hơi quá, bởi vì Chúa dựng nên ta thì chẳng cần hỏi ta nhưng muốn cứu chuộc ta thì phải có ta cộng tác với, bản tiếng Pháp dùng “avec” có nghĩa “với” thì nêu lên tính cách cộng tác với, bởi vì không có Chúa Thánh Thần không thể có Phúc âm hóa…
  • Năm 2016, bản tin Hiệp Thông số 92, Chuyên đề về Truyền giáo; trang 9 có bài của linh mục Ngô Quang Tuyên “Học hỏi về Tông Huấn niềm vui Tin mừng”, dịch Évangélisation là việc “Loan báo Tin Mừng hay Phúc âm hóa”, chổ khác (trang 13) nói “loan báo Tin Mừng tức là hoạt động truyền giáo”… hay ở đây có nghĩa như tức là?
b. Tìm hiểu trong một số Từ điển thông thường
  • Từ điển tiếng Việt (Viện ngôn ngữ học) 1988: Cứu nhân độ thế = cứu người giúp đời để làm phúc theo quan niệm của đạo Phật – cứu rỗi = cứu vớt linh hồn theo một số tôn giáo – cứu thế = cứu người đời thoát khỏi cảnh khổ theo một số tôn giáo – rỗi linh hồn = được cứu vớt khỏi mọi sự ràng buộc tội lỗi, được giải thoát theo một số tôn giáo – tin mừng = tin về bản thân mình có chuyện vui (thường là trong đời sống gia đình).
  • Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh: cứu nhân độ thế = cứu người vớt đời – cứu Chúa (sauveur) – Phúc âm = trả lời thư, cái thơ trả lời, tin tức tốt, Giáo hội Cơ đốc gọi sách Tân ước là sách Phúc âm.
  • Từ điển Việt Pháp (Viện khoa học xã hội) 1994: Cứu nhân độ thế = sauver l’humanité – cứu rỗi = sauver l’âme – cứu thế = rédempteur – phúc âm = évangile – tin mừng = nouvelle de marriage.
  • Từ điển Pháp Việt (Viện khoa học xã hội) 1994: évangile = phúc âm – évangélisation = sự truyền bá phúc âm – évangélisateur = người truyền bá phúc âm – évangéliser = truyền bá phúc âm – évangéliste = người soạn phúc âm, mục sư Tin lành.

Nhìn chung các từ điển ngoài đời ngày nay đều có: Phúc âmchuộc tộingười chuộc tộicứu rỗicứu thếcứu Chúa, cứu nhân độ thế (theo Phật giáo). Không có một từ điển nào có cứu độ. Chỉ có hai từ điển có tin mừng.


So sánh cách dùng các từ của đạo và đời thấy có những khác nhau khiến phải thắc mắc và suy nghĩ và tìm cho ra sự thật về ý nghĩa các từ.
 
 
c. Góp ý của Linh mục Stêphanô Huỳnh Trụ.
 
May thay, năm 2012, linh mục Stêphanô Huỳnh Trụ chuyên viết “Tìm hiểu mỗi tháng một từ”, ngài gốc Trung hoa, giỏi Hán, Việt, Anh, Pháp, có tặng tôi cuốn “Tìm hiểu Từ vựng Công giáo” gồm 74 cụm từ, mỗi cụm từ được giải nghĩa rất công phu, cặn kẽ. Ở đây tôi chỉ trích dẫn vắn tắt về cụm từ  “Phúc âm  – Tin mừng” của linh mục Huỳnh Trụ.
  • Phúc Âm. Phúc âm theo nghĩa hẹp là “tiếng nói may mắn tốt lành lớn”. Nhưng nếu tìm hiểu rộng hơn thì:
             – Chữ Phúc:  là chữ Hán, là một trong 9 phạm trù, chia thành 5 loại: gọi là ngũ phúc
        Trường Thọ = sống lâu dài, không đoản mệnh.
        Phú Quý = tiền của rất nhiều, địa vị tôn quí.
        Khang Ninh = thân thể khỏe mạnh, tâm hồn yên lành.
        Hiếu Đức = tính lương thiện, nhân hậu, bình tĩnh.
 
       Thiện Chung = chết lành, có thể biết trước thời kỳ chết của mình, khi lâm chung không gặp tai họa, thân thể không đau đớn vì bệnh tật, trong lòng không vương vấn phiền não, ôn hòa tự tại rời nhân gian.
 
Trong Ngũ Phúc, Hiếu Đức là quan trọng nhất. Hiếu Đức thì lương thiện, nhân hậu, hiền hòa, thuần khiết, lúc nào cũng bố thí, hay làm việc thiện, tích nhiều ân đức, nhờ đó có thể bồi dưỡng 4 phúc kia làm cho nó không ngừng phát triển.

Phúc là ơn Trời đất ban xuống những điều tốt lành để thỏa mãn nguyện vọng của con người.
        – Chữ Âm là chữ Hán, trong từ Phúc âm, âm có nghĩa là tiếng, tin tức.
  • Tin Mừng
           - Tin tiếng Nôm nghĩa là tiếng, điều được truyền đi hay báo cho biết về sự việc tình hình xảy ra.
           - Mừng tiếng Nôm nghĩa là cảm thấy thích thú vui mừng, tỏ ý chia vui bằng lời nói hay tặng phẩm.
  • Phúc Âm và Tin Mừng
Như vậy Tin mừng có nội dung đơn giản là tin tức đem lại niềm vui sướng “hỉ tín”. Trong khi Phúc âm theo văn hóa Á đông bao hàm nhiều ý tưởng phong phú và sâu sắc hơn nhiều. Phải chăng vì có sự khác biệt giữa: những tin vui phàm tục như tin thắng trận, tin kẻ thù bị tiêu diệt, tin thi đậu, tin trúng số… với tin mừng bất diệt như tin loan báo ơn cứu rỗi, lời hằng sống của Chúa Giêsu… mà các Thánh Kinh La ngữ cũng như các bản dịch ngoại ngữ khác đã không sử dụng chỉ một từ evangelium? Thực ra các ngôn ngữ phương Tây vì không có từ ngữ nào có khả năng diễn tả hết nội dung nên dịch evangelium theo Pháp là évangile, bonne nouvelle, joyeuse messagère, theo Anh là evangel, gospell, good news, good tidings, glad tidings, joyful message.
 

Còn ở Việt Nam “xưa các vị thừa sai cũng đã dịch evangelium là sách evang. Nhưng sau đã có từ Phúc âm với ý nghĩa triết lý Đông Phương rất sâu sắc, mà tiếng các nước Phương Tây không thể có được. Vậy tại sao ngày nay chúng ta bỏ qua mà chỉ dùng một từ Tin Mừng với một ý nghĩa không có gì sâu sắc cả”? (Linh mục Huỳnh Trụ).
 
3. Kết luận.
Sự bức xúc của một số bạn trẻ Việt Nam, việc thả nổi cách dịch một số từ như Phúc âm, Tin mừng, cứu độ, cứu rỗi, cứu chuộc…, sự góp ý của Linh mục Huỳnh Trụ, và nhất là một sự thật mà các nghị phụ nhắc đến trong Tông huấn Loan báo Phúc âm là: “Chúa Giêsu, Phúc âm của Thiên Chúa, là sứ giả Phúc âm hóa đầu tiên và vĩ đại nhất. Người luôn đúng là như thế cho tới cùng: cho tới toàn hảo, cho tới hy sinh cả sự sống trần thế của Người. Phúc âm hóa: mệnh lệnh này có ý nghĩa gì với Chúa Kitô? Hẳn không dễ gì diễn tả trong một tổng hợp đầy đủ cái ý nghĩa, nội dung, những cách thức của việc Phúc âm hóa như Đức Giêsu đã quan niệm và thực hiệnVả lại một tổng hợp như thế sẽ không bao giờ kết thúc được” (Tông huấn số 7). Bốn động lực vừa kể trên thúc đẩy tôi suy nghĩ rồi dứt khoát chọn lựa để trong lần in sách Youcat Việt Nam năm 2016, tôi sửa những chỗ trước đã dịch là Tin MừngCứu độ trở thành Phúc âm (évangile), cứu rỗi (salut), cứu chuộc (rédemption) theo đúng bản tiếng Pháp. Tất cả chỉ nhằm một mục đích giúp giới trẻ dùng sách Youcat Việt nam luôn nhớ: Lòng thương xót Chúa đã muốn cứu rỗi tất cả loài người bằng sai Chúa Giêsu đến cứu chuộc và ban Chúa Thánh Thần đến phúc âm hóa.

 
Linh mục Antôn Nguyễn Mạnh Đồng
Nhà Hưu Dưỡng Linh Mục Cần Thơ 2016.
Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...