SỨ ĐIỆP NƯỚC THIÊN CHÚA TRONG TIN MỪNG MÁC-CÔ...


SỨ ĐIIỆP NƯỚC THIÊN CHÚA TRONG TIN MỪNG MÁC-CÔ (MC 1,14-15) CHO NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT NAM HÔM NAY - NT. MARIA NGUYỄN THỊ KIM OANH, O.P.


Thời kỳ đã mãn, và Nước Thiên Chúa đã đến gần.
Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng (Mc 1,15)
                                                                                                             Nt. Maria Nguyễn Thị Kim Oanh, O.P.


Nước Thiên Chúa” (Hy-lạp: Basileia tou Theou; Do-thái:malkuth shamayim
) hay “Nước Trời” (Basileia ton Ouranon) là chủ đề chính mà Đức Giê-su giảng dạy trong Tân Ước, xuất hiện trên 150 lần trong toàn bộ sách Tin Mừng; ở Tin Mừng Nhất Lãm, nó được dùng 83 lần.[1]Tin Mừng Mác-cô và Lu-ca dùng kiểu nói “Nước Thiên Chúa,” trong khi Tin Mừng Mát-thêu trình bày cho người Do-thái, nên hầu hết dùng “Nước Trời,” có lẽ là do xu hướng Do-thái giáo tránh dùng trực tiếp danh Thiên Chúa; tuy nhiên hai lối diễn tả này không khác biệt về ý nghĩa. Tin Mừng Mác-cô quảng diễn rộng rãi và thâm sâu lời giảng dạy của Đức Giê-su về Nước Thiên Chúa, Tin Mừng Mát-thêu và Lu-ca dựa trên Mác-cô. 

Khởi đầu sứ vụ hoạt động công khai, Đức Giê-su loan báo Nước Thiên Chúa đã đến gần và Mác-cô tóm kết trong 1,14-15. Để hiểu rõ sứ điệp mà Đức Giê-su loan báo, trước hết, chúng ta khảo cứu cách diễn tả Nước Thiên Chúa trong Cựu Ước.
 


 
  1. Nước Thiên Chúa trong Cựu Ước

Cụm từ “Nước Thiên Chúa” chỉ xuất hiện một lần trong toàn bộ Cựu Ước và được tìm thấy trong sách Khôn Ngoan 10:10: “Đức Khôn Ngoan hướng dẫn chính nhân đi đúng đường đúng lối, ... và được thấy Nước Thiên Chúa,” nhưng ý niệm Yahweh là “Vua” (melek) xuất hiện 41 lần, và chủ đề “sự thống trị của Thiên Chúa hay vương quyền của Thiên Chúa” xuyên suốt Cựu Ước. Ý niệm Đức Chúa là Vua đã được Ít-ra-en đưa vào trong phụng vụ (x. Tv 47; 93; 95; 96) và được diễn đạt rộng rãi trong sách I-sai-a (x. Is 43,15; 44,6; 52,7).
Cuộc xuất hành ra khỏi Ai-cập đến miền Đất hứa có ý nghĩa quan trọng đối với đức tin và hiểu biết của Ít-ra-en về Thiên Chúa – Đấng đã giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai-cập (x. Xh 7,14-11,10; 13,21-22; 14,13-15,6); hướng dẫn trong thời gian lang thang trong sa mạc (x. Xh 15,22-17,7); ký kết Giao ước với dân (x. Xh 19,5-8; 34,14-15); ban miền Đất hứa (x. Gs 24,13; Tv 44,3) và cho chia sẻ vương quyền của Người (1 Sm 9-10). Nhưng sau thời kỳ lưu đày Ba-by-lon, vương quyền trần gian vắng bóng; Ít-ra-en hy vọng Thiên Chúa sẽ tỏ bày rạng rỡ vương quyền Người tại Xi-on và lan tỏa trên toàn cõi địa cầu (x. Is 24,23; 52,7; Gr 3,17; 8,19).


Trong thời gian Đức Giê-su tại thế, dưới sự thống trị của đế quốc Rô-ma, dân Ít-ra-en mong đợi đấng Mê-si-a, vị cứu tinh, cai trị vương quốc của họ. Chính trong bối cảnh này, Đức Giê-su loan báo Nước Thiên Chúa đã đến gần và để được vào đó phải sám hối, triệt để quay về với Thiên Chúa và tin vào Tin Mừng (Mc 1,14-15).
 
  1. Nước Thiên Chúa trong Tin Mừng Mác-cô

 
Trong Tin Mừng Mác-cô, 1,14-15 là đoạn chuyển tiếp, nối kết lời tựa (1,1-13) với sứ vụ của Đức Giê-su tại Ga-li-lê (1,16-8,26). Lời tựa cho biết Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a, Con Thiên Chúa, Đấng mà Gio-an Tẩy Giả loan báo sẽ đến (1,2-8); chuẩn bị cho sứ vụ của mình, Đức Giê-su chịu phép rửa (1,9-11) và chịu Xa-tan cám dỗ trong sa mạc (1,12-13). Đề cập đến sự kiện Gio-an Tẩy Giả bị bắt (1,14a), tác giả khép lại phần lời tựa. Đức Giê-su đến Ga-li-lê rao giảng Nước Thiên Chúa ngụ ý một kỷ nguyên mới được thành lập, kỷ nguyên Thiên Chúa hoàn tất các lời hứa của Người, bắt đầu với sứ vụ của Đức Giê-su.


Hầu hết các học giả cho rằng 1,14-15 là đoạn tóm kết của Tin Mừng Mác-cô, bởi vì lời nói và việc làm của Đức Giê-su trong 1,16-16,8 tương đồng với lời Ngài giảng dạy ở 1,14-15.
 
  1. Đức Giê-su rao giảng Nước Thiên Chúa (Mc 1,14-15)

Đức Giê-su bắt đầu sứ vụ rao giảng “sau khi ông Gio-an ‘bị nộp’ (paradotheÄnai)” (1,14). Mác-cô dùng paradotheÄnaimà không mô tả nguyên do Gio-an bị bắt và bỏ tù, cốt để báo trước điều sẽ xảy ra cho Đức Giê-su (x. 9,31; 10,33; 14,21.41). Số phận của Gio-an và Đức Giê-su được nối kết với 9,12-13. Mặc dầu không đưa ra lý do buộc tội Gio-an, tuy nhiên nó sẽ được nói tới ở 6,17-18. Gio-an giữ vai trò tiên báo về Đức Giê-su cả trong lời rao giảng (1,4.7) lẫn việc ông bị giao nộp và bị trảm quyết (x. 6,14-29). Cuộc đời và cái chết của Gio-an phục vụ cho sứ mạng tiền hô của ông về Đức Giê-su. Bây giờ công việc của vị tiền hô đã hoàn tất và thời kỳ của Đức Giê-su đã bắt đầu - Gio-an bị giết chết và Đức Giê-su xuất hiện.


Ga-li-lê là nơi Đức Giê-su bắt đầu sứ vụ rao giảng (x. 1,14); nó được coi là địa điểm quan trọng trong Tin Mừng Mác-cô. Thật vậy, cái tên Ga-li-lê gợi lên một chuỗi dữ kiện trong Tin Mừng: nơi Đức Giê-su kêu gọi và huấn luyện các môn đệ (1,16-20), đi trước họ trong suốt sứ vụ rao giảng (10,32-34), chuẩn bị để họ thông phần vào cuộc khổ nạn của Ngài (10,38-40). Và cũng chính nơi đó, Chúa Phục Sinh đến Ga-li-lê trước các môn đệ sau khi từ cõi chết sống lại (16,7) và truyền lệnh cho họ tiếp tục sứ mạng rao giảng Tin Mừng đến tận cùng trái đất (x. Mt 28,16-20).


Tuy nhiên đối với Mác-cô, Ga-li-lê giữ vai trò biểu tượng và mang ý nghĩa thần học, hơn là đơn thuần địa dư. Nó là miền đất của ơn cứu độ (nơi Đức Giê-su rao giảng Tin Mừng, cứu chữa những người tội lỗi và bệnh tật, cho kẻ chết sống lại); trái với Giê-ru-sa-lem, miền đất của chống đối và xung đột (x. 3,22; 7,1-5; 14,27-33; 12,13-40). Bởi chọn Ga-li-lê ở khởi đầu sứ vụ rao giảng, Đức Giê-su muốn cho thấy rằng Nước Chúa không phụ thuộc vào tôn giáo hay quyền lực chính trị, mà là quà tặng của Thiên Chúa cho những người bị gạt ra bên lề xã hội. Sự chọn lựa này nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa - ơn cứu độ được ban cho “dân Người tuyển chọn,” nhưng được định cho toàn thể nhân loại. Nó được nhận ra không phải nơi giai cấp giầu sang, quyền thế, hay giới trí thức sống ở thành thị, mà là nơi những con người nghèo khổ, thấp hèn và bị bỏ rơi.


Nội dung lời rao giảng đó là Tin Mừng về Thiên Chúa, nghĩa là Tin Mừng về việc Người can thiệp trong lịch sử nhân loại nhờ Đức Giê-su. Lời rao giảng của Đức Giê-su được tóm kết trong 1,15 này bao gồm hai phần. Phần thứ nhất tập trung vào việc loan báo Tin Mừng: “Thời kỳ đã viên mãn, và Nước Thiên Chúa đã đến gần;” và phần thứ hai kêu gọi khẩn cấp bắt lấy “cơ hội” (kairos) và không để thời điểm thích hợp qua đi mà không “sám hối và tin vào Tin Mừng.”
 
  1. “Thời kỳ đã viên mãn, và Nước Thiên Chúa đã đến gần” (Mc 1,15a)

Đức Giê-su rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa bắt đầu với lời loan báo: “Thời kỳ đã viên mãn” (pepleÄroÄtai ho kairos) (Mc 1,15a). Đối lập với “thời gian thông thường” (chronos) đo lường các sự kiện của con người; “thời kỳ” (kairos) là thời gian ấn định, thời điểm thích hợp (khái niệm này của thời gian thường xảy ra trong Cựu Ước và có nghĩa thời cánh chung được ấn định bởi Thiên Chúa, cơ hội để điều gì đó xảy ra làm viên mãn chương trình cứu độ của Chúa [x. Ed 7,12; Is 60,22; Đn 12,9]). Dạng thụ động pepleÄroÄtai (“đã viên mãn”) biểu thị Thiên Chúa đã mang đến thời gian thích hợp này, và thì hoàn thành pepleÄroÄtai biểu thị tình trạng viên mãn đã thực sự tồn tại.


Vậy khi nói “thời kỳ đã viên mãn,” Đức Giê-su loan báo thời Thiên Chúa ấn định để thực hiện các lời hứa của Người đã tới - qua lời nói và việc làm của Đức Giê-su thời kỳ viên mãn đã đến. Nhưng thời kỳ viên mãn thì chưa phải là thời kỳ hoàn thành, Nước Thiên Chúa đến trong uy lực và vinh quang vẫn còn là thực tại của tương lai (Mc 9,1; 13,26; 14,62) và nó là gần kề hay đã đến gần.


Nối kết với lời loan báo thời kỳ đã chín muồi để Thiên Chúa cứu độ con người, Đức Giê-su đề cập đến sự thống trị của Thiên Chúa khi tuyên bố: “eÄggiken he Basileia tou Theou” (Mc 1,15a). Chìa khóa để hiểu lời này ngụ ở động từ eÄggiken và bối cảnh của nó. EÄggiken ở thì hoàn thành có nghĩa “đến gần,” bao gồm chiều kích hiện tại của Nước Thiên Chúa nhưng “ẩn” trong sứ vụ của Đức Giê-su (x. 1,1.14; 4,11.26-29.30-32), và chiều kích tương lai hoàn hảo của Nước Thiên Chúa trong uy quyền (x. 9,1). Trong văn cảnh 1,1-13 và 1,16-16,8, Mc 1,15a mô tả Đức Giê-su như sứ giả thời cánh chung loan báo Nước Thiên Chúa. Đức Giê-su không chỉ loan báo thời kỳ Thiên Chúa ấn định đã đến, nhưng nó cũng đến qua Ngài. Đức Giê-su không chỉ loan báo Nước Thiên Chúa đã đến gần, nhưng việc làm của Ngài cũng cho thấy Thiên Chúa thống trị lịch sử. Khởi đầu sứ vụ của Đức Giê-su, một kỷ nguyên mới đã bắt đầu, và nó mời gọi con người đáp trả bằng “sám hối” và “tin vào Tin Mừng.”
 
  1. “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15b)

Từ Hy-lạp dùng để chỉ “sám hối” là metanoeoÄ : “thay đổi con tim.” Trong văn cảnh kêu gọi sám hối (1,4.14-15; 6,12), metanoeoÄ mang nghĩa sūb của Cựu Ước, nghĩa là “quay trở lại,” “trở về,” như lời kêu gọi của các ngôn sứ: “trở về với Yahweh với toàn thể con người mình” (x. Ed 18,21-23.30-32; Is 31,6; Gr 3,12-14; 4,1). Mời gọi sám hối, Đức Giê-su đòi hỏi những kẻ nghe Ngài thay đổi hướng đi, triệt để quay về với Thiên Chúa và dấn bước vào một đời sống mới.


Cùng với sám hối, Đức Giê-su khẩn cấp kêu gọi “tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15b). Trong Kinh Thánh, “đức tin” hay “niềm tin”(pistis) không chỉ gợi lên một “xác tín” thuộc lãnh vực lý trí, nhưng còn nói đến sự “tín nhiệm” và “dấn thân cách đích thân” để chuyển hướng đến một tương lai nào đó (e.g., St 15,6; Xh 4,4-5). Khi kêu gọi “tin vào Tin Mừng,” Đức Giê-su đòi hỏi những người nghe lấy đức tin mà đón nhận toàn diện thông điệp Nước Thiên Chúa mà Ngài công bố.
 
  1. Chiều kích hiện tại và tương lai của Nước Thiên Chúa

“Nước Thiên Chúa đã đến gần” bao hàm chiều kích hiện tại và tương lai. Với sự hiện diện của Đức Giê-su, thời kỳ viên mãn đã đến trong lịch sử. Lời nói và việc làm của Ngài khánh thành hoạt động của Thiên Chúa nhằm mang ơn cứu độ cho nhân loại và biến đổi hoàn vũ. Nước Thiên Chúa bắt đầu bây giờ nơi Đức Giê-su và sứ vụ của Người, nhưng nó sẽ đến trong uy lực và vinh quang với sự trở lại của Con Người vào ngày tận thế (x. Mc 8,38-9,2; 13,24-27; 14,62).



Bởi vì có mối tương quan giữa Đức Giê-su và Nước Thiên Chúa, nên những ai nghe lời giảng dạy của Đức Giê-su, sám hối, tin vào Tin Mừng và kiến tạo một thế giới tốt đẹp, thì Nước Thiên Chúa đã hiện diện trong kinh nghiệm của người đó. Thế nên, Nước Thiên Chúa là ở đây và bây giờ;nó trở nên thực trên thế giới khi con người sống trong bình an, yêu thương, tự do và công bình. Và Nước Thiên Chúa trong tương lai sẽ không còn thế lực của sự dữ và bất công, nhưng thay vào đó là yêu thương và hạnh phúc. Hy vọng vào cái chưa đến của Nước Thiên Chúa được nuôi dưỡng bởi tin vào cái đã rồi ở hiện tại.
 
  1. Mầu nhiệm Nước Thiên Chúa
Nước Thiên Chúa cuối cùng sẽ lan rộng và lớn mạnh, mặc dầu ban đầu còn bé nhỏ. Dụ ngôn “Hạt giống tự mọc lên” (4,26-29) cho thấy rằng hạt giống phát triển và trưởng thành chờ ngày gặt hái mà không phụ thuộc vào nỗ lực của con người. Cũng vậy, Nước Thiên Chúa tiếp tục âm thầm lớn mạnh mà không một người nào có thể can thiệp.
 
  1. Điều kiện để được vào Nước Thiên Chúa

Để vào Nước Thiên Chúa, trước hết, phải tránh làm cớ cho mình và cho người khác vấp ngã. Mc 9,42-48 yêu cầu phải chặt tay chân hay móc mắt vức đi, nếu chúng là nguyên cớ ngăn cản người ta tham dự vào sự sống đời đời. Nghiêm khắc đối với một phần thân thể không phải là điều mà tự nó là quan trọng, và cũng chẳng phải nhằm ủng hộ quan điểm hay lập trường thân xác tự bản chất là xấu xa. Nhưng điều quan trọng là tuân phục thánh ý Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống hơn là tồn giữ nguyên vẹn một phần thân thể. Với Mc 9,42-48, Đức Giê-su không yêu cầu loại bỏ một phần thân xác để được vào Nước Thiên Chúa, nhưng Người muốn nhấn mạnh đến sự hy sinh từ bỏ. Người yêu cầu các môn đệ sống thanh thoát với tất cả những gì có thể cản trở họ sống tình bằng hữu với Thiên Chúa. Các môn đệ không chỉ không được làm cớ cho mình sa ngã, nhưng cũng không được giăng bẫy để người khác vì đó mà té nhào.


Thứ hai, nhận lãnh Nước Thiên Chúa với tinh thần trẻ thơ. Trong Mc 10,13-16, Đức Giê-su cho thấy Nước Thiên Chúa là một tặng phẩm quý giá và được ban cho tất cả những ai nhận lãnh với tinh thần trẻ thơ, đó là biết ơn và ý thức mình không có công trạng cũng chẳng xứng đáng. Thật vậy, không một người nào có thể mang đến Nước Trời hay yêu sách có được nó; chỉ những ai khiêm nhường nhận lãnh như quà tặng của Thiên Chúa mới xứng đáng được vào Nước Trời. J. Fuellenbach khẳng định mạnh mẽ rằng: Nước Trời là món quà đặc biệt của Thiên Chúa, Đấng yêu thương vô vị lợi đã đến với con người và ban tặng ơn cứu độ cho tất cả; nước Trời là hồng ân đặc biệt của Thiên Chúa mà chúng ta chỉ có thể lãnh nhận với tinh thần trẻ thơ, tin tưởng vào sự tốt lành của Thiên Chúa và kính sợ Ngài.[2]


Thứ ba, sống thanh thoát với của cải vật chất. Mc 10,23-27 cho thấy rằng giầu có và sở hữu nhiều của cải vật chất có thể ngăn cản người ta vào Nước Thiên Chúa. Vì thế, Đức Giê-su mời gọi các môn đệ sống thanh thoát với của cải trần gian, và đó trở thành lời mời gọi cho tất cả các tín hữu.


Thứ tư, kính mến Thiên Chúa và yêu thương anh chị em đồng loại. Trong Mc 12,28-34, Đức Giê-su dạy giới luật yêu thương, và đó được coi là điều kiện để được vào Nước Trời. Giới luật “Mến Chúa – Yêu người” được xây dựng trên niềm tin Thiên Chúa là Chúa duy nhất, nguồn sống của chúng ta và muôn tạo vật (x. Đnl 6,4; cf. Mc 12,29). Người đi bước trước để diễn tả tình yêu thương của Người cho chúng ta – tình yêu này được vén mở cách đặc biệt nơi Đức Giê-su: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1 Ga 4,19).


Bởi vì Thiên Chúa là Đấng duy nhất, quyền uy, và bởi vì Ngài yêu chúng ta trước, nên chúng ta được kêu gọi đáp trả tình yêu thương của Người. Yêu mến Chúa như giới luật lớn nhất và quan trọng nhất đòi hỏi là yêu mến Thiên Chúa với toàn thể con người, thể xác và linh hồn (x. Mc 12,29-30). Và tình yêu mến đó, được diễn tả qua sự quan tâm vô vị lợi đối với anh chị em đồng loại (x. 12,31). Thật vậy, kính mến và tôn thờ Chúa hết lòng sẽ không được coi là hoàn trọn nếu không yêu đồng loại, và tình yêu thương người thân cận được tuôn chảy từ tình yêu Thiên Chúa. Yêu người thân cận bao gồm tha thứ cho những người đã xúc phạm đến ta (x. 11,25), tha thứ liên tục và không giới hạn, không chỉ tha thứ cho bạn hữu, nhưng ngay cả kẻ thù; nhận lãnh sự tha thứ thì cũng phải biết trao tặng sự thứ tha; từ chối tha thứ cho người khác là tự chuốc lấy sự phán xét. Thêm vào đó, yêu người thân cận được diễn tả qua việc phục vụ - và tận cùng của sự phục vụ là làm tôi tớ cho mọi người  (x. 9,35; 10,43-44).
 
 
  1. Sứ điệp Nước Thiên Chúa cho người Công Giáo Việt Nam hôm nay

Hiện nay, tại Việt Nam, trào lưu tục hóa đã thâm nhập vào tâm thức con người, các giá trị đạo đức đang xuống cấp trầm trọng, cụ thể như: các thực phẩm bẩn và độc hại được bày bán khắp nơi đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân; nạn phá thai và nghiện ngập lan tràn, nhất là nơi giới trẻ; tình trạng tham nhũng dẫn đến những thảm họa đau thương cho quốc gia và cản trở sự phát triển xã hội,..... Thực trạng này của đất nước đã làm đức tin của người Công giáo Việt Nam phần nào bị lung lay. Chiều kích hiện tại và tương lai của Nước Thiên Chúa mời gọi họ giữ vững đức tin và hy vọng vào ơn cứu độ vĩnh cửu. Nước Thiên Chúa hiện diện nơi Đức Giê-su thúc bách các Ki-tô hữu dấn thân theo Ngài. Điều kiện để vào Nước Thiên Chúa mời gọi họ trở thành người môn đệ chân chính. Sự phát triển lớn mạnh của Nước Thiên Chúa hối thúc họ lên đường truyền giáo làm chứng cho Tin Mừng.
 
  1. Giữ vững đức tin

Như chúng ta đã thảo luận trước đây, trong khi Nước Thiên Chúa sẽ đến cách viên mãn hoàn trọn vào thời cánh chung, nó đã thể hiện phước lành ngay thời gian hiện tại, và điều đó đòi hỏi các Ki-tô hữu Việt Nam, những người đang chạy theo khuynh hướng chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa hưởng thụ, đã đánh mất đức tin hoặc không còn xem mình là thành phần của Giáo hội, biết quay ngược lại với con đường sai lạc của mình mà phục tùng Thiên Chúa, đặt niềm tin tưởng tuyệt đối vào Ngài.


Sự thống trị của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại mời gọi tất cả mọi người phải vượt qua mọi nỗi sợ hãi và sờn lòng nản chí mà họ gặp trên đường đời. Thiên Chúa hiện diện, Ngài hoạt động giống như nắm men, đó là, “bàn tay Ngài” hiện diện trong mọi sự, hướng nó đến thành toàn. Vào thời cánh chung, Nước Thiên Chúa sẽ đến cách viên mãn và toàn thế giới sẽ được biến đổi. Do đó, các tín hữu cần có đức tin để nhìn sâu hơn, vượt trên sự xuất hiện thực tế và khám phá ra sức mạnh thật đang hướng dẫn lịch sử. K. Barth viết: “Tin là cầm giữ lời hứa của Thiên Chúa và sự hướng dẫn của Ngài, bất chấp tất cả những gì mâu thuẫn với nó.”[3]


Thế giới không tồn hữu mãi như nó là, cuộc sống và hoàn cảnh có thể thay đổi, vì thế các tín hữu cần kiên nhẫn chờ đợi ngày Thiên Chúa thực hiện lời hứa của Ngài và tích cực tham gia vào việc biến đổi xã hội ngày một công bình, bác ái và tự do hơn. Thế giới mới sẽ đến với chúng ta nếu có những người chuyên chăm cầu nguyện cho Triều đại Chúa mau đến, có những người tham gia vào sứ mệnh tông đồ, một số khác góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo và bênh vực những người bị áp bức.



Hội đồng Giám Mục Việt Nam, trong Thư Mục Vụ 2014 đã khuyến khích các tín hữu sống đức tin cách trưởng thành qua việc suy niệm Lời Chúa và áp dụng vào đời sống. Các Giám mục cũng thúc giục họ học hỏi và đào sâu nội dung cơ bản của đức tin được trình bày trong Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo; xây dựng gia đình mình thành trường dạy đức tin, ngôi nhà cầu nguyện, ngôi nhà của tình yêu thương, ngôi nhà mở ra cho tình liên đới và chia sẻ. Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II trong Lễ Phong Thánh 117 vị Tử đạo Việt Nam lên hàng hiển thánh (ngày 19/06/1988), đã nhắn nhủ họ:


Hỡi các Ki-tô hữu Việt Nam, chúng tôi có thể nói rằng máu các Thánh Tử Đạo là cho anh chị em, là nguồn ân sủng để tăng trưởng đức tin. Nơi anh chị em, đức tin của cha ông chúng ta tiếp tục được thông truyền cho những thế hệ mới. Đức tin này là nền tảng giúp cho anh chị em, vừa trung thành với quê hương Việt Nam, vừa tiếp tục là những môn đệ đích thực của Đức Ki-tô.
 

 
 
  1. Dấn thân theo Đức Giê-su

Mc 4,10-12 hé mở rằng Nước Thiên Chúa phải được giải thích và hiểu trong ánh sáng của Đức Giê-su Ki-tô. Chỉ qua cuộc gặp gỡ cá nhân và cam kết với Ngài, chúng ta mới có thể hiểu được ý nghĩa của Nước Thiên Chúa mà Ngài đã rao giảng. Cam kết với Đức Giê-su có nghĩa là đến với Ngài, tin và chấp nhận Ngài là tâm điểm đời mình. Hoàn toàn gắn bó với Đức Giê-su trong đức tin và hoán cải là dấu hiệu đi theo Ngài – đó là môn đệ phải bước theo bước chân của Thầy.


Lời kêu gọi đi theo Đức Giê-su là dứt khoát và khẩn thiết cho mọi người. Nó trổi vượt các lòng trung thành khác và hy vọng người nghe phải từ bỏ mọi sự để chấp nhận lối sống của Ngài. Nó là dức khoát vì đó là ơn cứu độ. Những người trở thành môn đệ của Đức Giê-su, cuối cùng sẽ được thấy Nước Thiên Chúa là gì và Đức Giê-su là ai, nơi Ngài Nước Thiên Chúa hiện diện. Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phaolô II trong bài giảng ngày 28/10/1987 đã diễn tả cách này:


Đức Giê-su kêu gọi chúng ta đi theo Ngài. Lời kêu gọi này, có thể nói, chính là tâm điểm của Tin Mừng … Theo Đức Giê-su thường không chỉ là để lại nghề nghiệp và cắt đứt những liên hệ với thế giới, mà còn là từ bỏ điều kiện sống sung túc mà người ta có thể hưởng dùng để chia sẻ cho người nghèo.[4]

Các Ki-tô hữu Việt Nam, những người đang trên hành trình tiến tới yến tiệc cánh chung, được mời gọi theo Đức Giê-su qua việc bắt chước lối sống và suy nghĩ của Ngài như: quan tâm đến người khác, thực thi bác ái trợ giúp người nghèo và hoàn toàn phó thác - tin tưởng vào Thiên Chúa Cha. 

 
  1. Trở thành môn đệ

Nước Thiên Chúa là sáng kiến và quà tặng nhưng không của Chúa cho nhân loại. Trong ánh sáng đó, Mác-cô trình bày các đòi hỏi thiết yếu của người môn đệ, đó là: phải tránh mọi điều làm cản trở chính mình (x. 9,43-47) hoặc người khác (x. 9,42) đạt ơn cứu độ; đón nhận Nước Thiên Chúa với thái độ vâng phục (x. 10,13-16); phải sẵn sàng hy sinh của cải vì lợi ích của Nước Trời (x. 10,23-27); và đặc biệt, họ phải hết lòng kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân (x. 12,28-34). Bằng lối diễn tả này, Mác-cô muốn các độc giả mình suy nghĩ về vai trò của người môn đệ chân chính, với hy vọng rằng việc hồi tâm này sẽ thúc bách họ thay đổi thái độ và cách hành xử xứng hợp với Tin Mừng. Những ai chấp nhận các đòi hỏi của Nước Thiên Chúa sẽ sống trong cộng đoàn của những người xưng mình là môn đệ Đức Ki-tô.


Như đã nói trước đây, do ảnh hưởng của tinh thần thế tục, một số Ki-tô hữu Việt Nam đang chạy theo khuynh hướng chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa hưởng thụ, những đòi hỏi của Nước Thiên Chúa khẩn thiết kêu gọi họ thấu hiểu vai trò của người môn đệ, để có thể trở thành người môn đệ đích thực của Đức Ki-tô. 


Theo R. C. Tannehill, môn đệ đích thực là người bước theo Đức Giê-su để hiểu Ngài là ai. Họ đánh giá thế giới từ quan điểm của Thiên Chúa; trở thành đầy tớ và nô lệ của mọi người, người lớn nhất trong họ sẽ là đầy tớ của mọi người. Ngoài ra, môn đệ đích thực còn là người không ngừng cầu nguyện và kiên vững trong đức tin ngay cả trong những gian nan thử thách; chia sẻ cách nghĩ cũng như sứ mệnh của Đức Giê-su. Nhận thức sự hiện diện bí ẩn của Nước Thiên Chúa, họ kiên vững trong đức tin và mong đợi sự tỏ hiện cuối cùng của Nước Thiên Chúa đến trong uy quyền và vinh quang.[5]

Quan tâm đến các đặc tính của người môn đệ mà các Ki-tô hữu Việt Nam cần có, các Giám Mục Việt Nam trong Thư Mục Vụ 2001, khuyến khích các Ki-tô hữu làm mới lại đời sống tâm linh. Các ngài nhấn mạnh rằng người có đời sống tâm linh là người sống yêu thương và phục vụ, đồng thời giữ mình không bị ô nhiễm bởi những tệ nạn trần gian. Giáo hội là cộng đoàn môn đệ Chúa Ki-tô. Đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa và thực hành vai trò của người môn đệ làm cho tư cách phần tử Giáo hội của chúng ta có ý nghĩa.
 
  1. Tham gia vào sứ mệnh tông đồ

Các dụ ngôn Hạt giống tự mọc lên và Hạt cải chuyển tải chắc chắn sự tăng trưởng và lớn mạnh của Nước Thiên Chúa. Như hạt giống phát triển chờ vụ thu hoạch và hạt cải phát triển từ hạt nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống trở thành một cây lớn trong tất cả các cây bụi (x. Mc 4,26-29,30-32), cũng vậy, Nước Thiên Chúa sẽ phát triển và thành toàn trong tương lai. Hiện nay, Nước Thiên Chúa bị che giấu, chưa được thế giới công nhận, nhưng vẫn liên tục biến đổi thế giới hướng đến vận mệnh cuối cùng của nó. Hai dụ ngôn này nhắc nhở độc giả rằng các sự kiện vĩ đại có khởi đầu khiêm tốn.


Những lời khích lệ trong hai dụ ngôn là một sự an ủi lớn lao cho Giáo hội Việt Nam. Hiện tại, số tín hữu Công Giáo Việt Nam chỉ chiếm khoảng 8% dân số cả nước. Hai dụ ngôn này mời gọi họ tích cực tham gia vào sứ mạng truyền giáo của Giáo hội.


Đức Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II,trong Redemptoris Missio, nhắc nhở họ rằng là một chứng nhân truyền giáo có nghĩa là lấy Đức Ki-tô làm mẫu mực. Ki-tô giáo hướng về tình huynh đệ đại đồng:


Chứng từ của đời sống Ki-tô hữu là thể thức đầu tiên không thể thay thế của việc truyền giáo: Chúa Ki-tô, Ðấng chúng ta đang tiếp nối việc truyền giáo của Người, là một “chứng từ” (Kh 1,5; 3,14) tuyệt nhất, và là mẫu mực cho tất cả mọi chứng từ Ki-tô giáo. 


Ki-tô hữu và các cộng đồng Ki-tô hữu đóng góp rất nhiều vào cuộc sinh hoạt nơi đất nước khả kính của họ, và có thể trở thành dấu chỉ Tin Mừng, khi họ trung thành với quê hương, dân tộc và văn hoá đất nước của mình, mà vẫn luôn giữ được tự do Chúa Ki-tô ban cho. Ki-tô giáo hướng về tình huynh đệ đại đồng, vì tất cả mọi người nam nữ đều là những người con của cùng một Cha và là anh chị em trong Chúa Ki-tô.[6]


Các Giám mục Việt Nam, ngay từ Thư Mục Vụ 2003, đề nghị mọi thành phần Dân Chúa hãy tuỳ theo ơn gọi và sứ mạng của mình, tích cực tham gia sứ vụ loan báo Tin Mừng bằng các việc cụ thể như: cầu nguyện cho việc truyền giáo; nỗ lực xây dựng một nếp sống lành mạnh trong khu phố xóm làng, loại trừ mọi tệ đoan tật xấu, đặc biệt là tôn trọng sự sống và phẩm giá con người, sống hiệp nhất yêu thương. Bên cạnh đó, người Công giáo được khuyến khích thăm viếng các tín hữu tôn giáo bạn, chúc mừng trong những dịp vui, an ủi trong lúc u sầu và nâng đỡ khi gặp hoạn nạn; đặc biệt là tham gia vào sứ mạng loan báo Tin Mừng. Những chỉ dẫn mục vụ về truyền giáo của Hội Đồng Giám Mục cần được tiếp tục thực thi và làm triển nở hơn nữa, hầu dân tộc Việt Nam có thể cảm nghiệm được sự hiện diện của Nước Thiên Chúa trên quê hương đất nước mình. Tất cả mọi Ki-tô hữu đều có phần trong sứ mệnh truyền giáo và chắc chắn Thiên Chúa là Đấng sẽ ân thưởng bội hậu cho những nỗ lực của các nhà truyền giáo và chúc phúc cho các hoạt động của họ.


Vậy nên, suy niệm về dụ ngôn Hạt giống tự mọc lên và Hạt cải, cuộc sống của người Công giáo Việt Nam được mới lại. Nhiệm vụ của họ là khám phá sự hiện diện của Nước Thiên Chúa ngay tại quê hương Việt Nam, vui mừng trước sự hiện diện của nó và tham gia vào sứ mệnh xây dựng xã hội đạt đến sự hiệp thông trọn vẹn - hiệp thông với Thiên Chúa, hiệp thông với Giáo hội và hiệp thông với mọi người.
 
  1. Hy vọng vào ơn cứu độ vĩnh cửu

Mc 9,1; 14,25; và 15,43 trình bày chiều kích tương lai của Nước Thiên Chúa. Ở Mc 9,1, Đức Giê-su tiên báo Nước Thiên Chúa sẽ hoàn thành viên mãn vào thời cánh chung trong uy lực và vinh quang. Trong 14,25, Ngài hứa sẽ trở lại với các môn đệ và uống thứ rượu mới trong bữa tiệc cánh chung. Và với 15,43, Mác-cô miêu tả ông Giô-xếp, người có niềm mong đợi Nước Thiên Chúa, đã mạnh dạn mai táng Đức Giê-su.


Chiều kích tương lai của Nước Thiên Chúa cho các Ki-tô hữu niềm hy vọng ơn cứu độ - được hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi, với Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, với các Thiên Thần và các Thánh. Thiên Đàng là cùng đích tối hậu và hiện thực hóa khát vọng sâu xa nhất của con người, tình trạng hạnh phúc tuyệt hảo và chung cuộc.[7] Khát vọng được hưởng sự sống đời đời cho phép các Ki-tô hữu tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa trong cuộc sống hàng ngày, bảo vệ họ khỏi những thất vọng, nâng đỡ họ khi bị bỏ rơi và giúp họ phấn khởi mong đợi hạnh phúc vĩnh cửu.[8] Niềm hy vọng này cũng thúc đẩy họ hoạt động biến đổi thế giới, đặt nó dưới sự thống trị của Thiên Chúa.


Hy vọng vào ơn cứu độ được diễn tả và nuôi dưỡng nhờ cử hành Thánh Thể. Tham dự vào Bữa Tiệc Thánh Thể uốn lòng chúng ta nên giống trái tim Chúa, làm cho chúng ta khao khát cuộc sống vĩnh cửu và đó nâng đỡ chúng ta trên hành trình lữ hành dương thế.[9]
 
  1. Những đề nghị về việc sống Lời Chúa

Sứ điệp Nước Thiên Chúa trong Tin Mừng Mác-cô mời gọi Giáo hội Việt Nam trở thành cộng đoàn môn đệ Chúa Ki-tô và dấn thân vào sứ vụ truyền giáo để mở mang Nước Chúa.
 
  1. Cộng đoàn môn đệ Chúa Ki-tô

Trong Tân Ước, đặc biệt trong Mc 3,13-15, các yếu tố cơ bản của theo Chúa là được gọi, ở với Ngài và được sai đi. Vì thế, cộng đoàn môn đệ Chúa Ki-tô là cộng đoàn hiệp thông, chia sẻ và dấn thân. Nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng là sứ mệnh chính yếu của Giáo hội.[10] Giáo hội hiện diện ở Việt Nam, một đất nước còn nhiều người đang sống trong cảnh nghèo đói. Trong bối cảnh này, Giáo hội cần trở thành Giáo hội của người nghèo để có thể truyền giảng Tin Mừng cách hữu hiệu và giúp người nghèo thoát cảnh nghèo đói cùng cực.

 
  1. Hiệp thông

Lumen Gentium số 4 mô tả Giáo hội như “một dân tộc hiệp nhất do sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” Do đó, Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn gốc và kiểu mẫu của Giáo hội Việt Nam.


Hiệp nhất trong đa dạng. Trong Thiên Chúa Ba Ngôi, ba Ngôi vị khác nhau nhưng cùng một bản tính Thiên Chúa. Cũng vậy, Giáo hội không đồng nhất nhưng hiệp nhất trong đa dạng. Thánh Phao-lô mô tả hình ảnh Giáo hội tuyệt đẹp khi so sánh với thân thể: “Ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Ki-tô cũng vậy” (1 Cr 12,12). Trong Giáo hội, chúng ta tuyên xưng đức tin vào một Thiên Chúa duy nhất (Nicene Creed), nên phải tôn trọng sự đa dạng; mỗi người góp phần mình vào đời sống và sứ mệnh của Giáo hội. Các cá nhân và hội đoàn là quà tặng được ban cho Giáo hội; cả cá nhân sở hữu đặc sủng và cộng đồng đều phải trả lẽ trước mặt Chúa về các ân huệ Người ban. Chính nơi đây, chúng ta thấy được vẻ đẹp hỗ tương của các bộ phận khác nhau trong cộng đoàn môn đệ Chúa Ki-tô (1 Cr 12,14-21).


Theo kiểu mẫu hiệp thông Ba Ngôi và liên tưởng đến đời sống hiệp nhất của cộng đoàn tiên khởi Giê-ru-sa-lem, các Ki-tô hữu Việt Nam được mời gọi nhận thức và thực hành hiệp nhất trong Giáo hội, chấp nhận lẫn nhau và tìm cơ hội chia sẻ và tương giao với nhau.


Bình đẳng trong phẩm giá. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là một trong những mầu nhiệm lớn lao nhất mà Đức Giê-su mạc khải cho nhân loại. Ba Ngôi khác biệt nhau nhưng luôn hiệp nhất với nhau nên chỉ có một Thiên Chúa. Cả Ba Ngôi ngang bằng nhau về mọi mặt, thần tính cũng như quyền năng. Bình đẳng trong phẩm giá Ki-tô hữu không loại bỏ phẩm trật trong Hội thánh. Theo ý muốn của Thiên Chúa Cha, Hội thánh Công Giáo có một cơ cấu phẩm trật. Tuy nhiên, phẩm trật nhằm để phục vụ; ân sủng và tình yêu đo lường phẩm giá Ki-tô hữu.[11]


Sự bình đẳng trong phẩm giá của tất cả các Ki-tô hữu cũng đòi hỏi rằng trong các nghi thức của Giáo hội, không có sự phân biệt đối xử giữa người giàu và người nghèo; tất cả các Ki-tô hữu đều được đối xử bình đẳng, vì tất cả đều là một trong Chúa Giê-su Ki-tô.[12]
 
  1. Chia sẻ

Trong Ba Ngôi Thiên Chúa, có sự chia sẻ vĩnh viễn và hiệp thông trọn vẹn: Chúa Cha yêu Chúa Con và trao ban tất cả cho Chúa Con; Chúa Con yêu Chúa Cha và dâng hiến tất cả cho Chúa Cha; Chúa Thánh Thần là tình yêu phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con.


Trong Giáo hội Việt Nam mỗi phần tử phải thực thi những đóng góp riêng của mình cho các phần tử khác và cho toàn thể Giáo hội; phải có một mối dây liên kết hiệp nhất và tình nguyện chia sẻ cho nhau, ví dụ: sau các Thánh Lễ Chúa Nhật tuần IV có cuộc lạc quyên để trợ giúp các anh chị em nghèo túng - việc làm này biểu thị sự cam kết với nhau, và kết quả là không có người nghèo đói hoặc thiếu thốn trong cộng đoàn. Một sự gắn kết như vậy sẽ làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn và con người sống bình đẳng với nhau hơn. Đây là một thách đố lớn đối với Giáo hội Việt Nam, nơi mà tồn hữu một khoảng cách lớn giữa người giàu và người nghèo ngay cả trong lòng Giáo hội.


Sự chia sẻ trong Giáo hội không chỉ là của cải vật chất nhưng còn bao gồm đời sống đức tin. Sự chia sẻ này được chứng thực trong các thư Phao-lô, người đã truyền đạt kinh nghiệm đức tin sâu sắc của mình cho các độc giả (x. Gl 1,11-24). Mọi người đều có kinh nghiệm đức tin của riêng mình vào Đức Ki-tô, do đó, chúng ta cần chia sẻ kinh nghiệm đức tin của mình trong khi lãnh nhận sự chia sẻ đức tin của người khác.


Công đồng Va-ti-can II khai sáng cho Giáo hội Việt Nam rằng “các thành phần khác nhau của Giáo hội liên kết với nhau bằng mối dây hiệp thông mật thiết về ơn phúc thiêng liêng, về thợ truyền giáo và về sự trợ giúp vật chất. Quả thật, mọi phần tử Dân Thiên Chúa được kêu gọi chia sẻ cho nhau những điều thiện ích” (LG, 13). Khi Giáo hội Việt Nam thực hành chia sẻ ân phúc thiêng liêng, của cải vật chất và đức tin, nó sẽ trở thành dấu chỉ tiên tri cho một thế giới bị phân tán bởi tham lam và ích kỷ; và Giáo hội thực sự trở thành cộng đoàn môn đệ Chúa Ki-tô.
 
  1. Tham gia

Thiên Chúa Ba Ngôi không chỉ có đời sống nội tại nơi Ba Ngôi, mà còn lan tỏa đời sống ấy ra bên ngoài, và kết quả trong công trình sáng tạo và cứu chuộc. Phỏng theo kiểu mẫu Ba Ngôi Thiên Chúa, Giáo hội không thể chỉ sống hiệp thông và chia sẻ trong Giáo hội, nhưng phải đến với muôn dân nước. Điều này đã được trình bày rõ trong sắc lệnh Ad Gentes số 2: “Tự bản tính, Giáo hội lữ hành phải truyền giáo, vì chính Giáo hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Thiên Chúa Cha.”


Là môn đệ là tham gia vào sứ mạng của Giáo hội, được hiện thực hóa trong chương trình mục vụ của Giáo xứ hoặc Giáo phận. Không ai nghèo đến nỗi không có gì để chia sẻ trong việc xây dựng Giáo hội và phục vụ Nước Thiên Chúa. Bằng cách làm cho thế giới thấm nhuần tinh thần Tin Mừng, Nước Thiên Chúa ngày một hiện trị trên thế giới. Ki-tô hữu trưởng thành là người ý thức mạnh mẽ về sứ mệnh tông đồ.


Ở Việt Nam hiện nay, giáo dân chiếm khoảng 99,7% tổng số Ki-tô hữu, vì thế Giáo hội Việt Nam cần những người nam và người nữ tham gia tích cực vào đời sống Giáo hội, phát huy các đặc sủng Chúa ban theo ơn gọi và bậc sống của mình.
 
  1. Giáo hội của người nghèo

Theo thống kê của Báo Pháp Luật và Xã Hội, số hộ nghèo năm 2017 của cả nước là 1.642.489 hộ trên tổng số 24.511.255 hộ dân, chiếm tỷ lệ 6,7%.[13] Sự hiện diện của người nghèo quả là một thách đố lớn cho Giáo hội. Tiếng kêu than của họ luôn nhắc nhở cho Giáo hội về bản chất và sứ mệnh của mình trong thế giới. Thế nên, Giáo hội Việt Nam trở thành cộng đoàn môn đệ Chúa Ki-tô bởi trở thành Giáo hội của người nghèo. Đó là một Giáo hội theo Chúa Giê-su Ki-tô bằng cách thực hành tinh thần nghèo khó và ưu tiên chọn lựa người nghèo.


Tinh thần nghèo khó. Giáo hội của người nghèo là Giáo hội sống tinh thần nghèo khó Tin Mừng, sống phó thác và quảng đại chia sẻ với người cùng khổ. Họ làm như vậy bởi luôn tin tưởng vào tình yêu và sự quan phòng của Chúa Cha, Đấng không bao giờ thua kém lòng rộng lượng của con người. Các phần tử Giáo hội của người nghèo sẵn sàng trở nên giống Chúa Giê-su, Đấng đã trải qua nghèo khó và áp bức để thực hiện công trình cứu độ.Theo Chúa Giê-su, các phẩm trật trong Giáo hội và các tín hữu loan báo Tin Mừng cứu độ không chỉ bằng lời nói nhưng còn bằng chính đời sống khiêm nhường, tự hủy, từ khước danh vọng và phú quý: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên” (Mt 23,11-12).


Ưu tiên chọn người nghèo. Sự chọn lựa ưu tiên đối với người nghèo đến từ niềm tin vào Thiên Chúa. Người nghèo được Chúa yêu thương cách đặc biệt, không vì họ tốt, nhưng vì họ nghèo, vì họ sống trong những điều kiện mà Ngài không muốn. Qua việc gặp gỡ người nghèo khuôn mặt Đức Ki-tô được tỏ hiện. Sự lựa chọn ưu tiên này được coi là yêu cầu thiết yếu của Đức Ki-tô dành cho các môn đệ (x. Mt 25,31-46).


Trong Giáo hội của người nghèo, các Giám mục và Linh mục được trông đợi quan tâm phục vụ người nghèo cách đặc biệt như: chia sẻ với họ tình bạn, ơn lành, Lời Chúa, cử hành các bí tích và chỉ cho họ con đường cứu độ, giúp họ trưởng thành trong đức tin (x. LG, 20-23). Và cộng đồng Giáo hội, nói chung, phải tích cực nâng cao đời sống của người nghèo qua việc chia sẻ tài nguyên, bảo vệ quyền lợi của người nghèo và cộng tác với họ và với những người khác để giải thoát người nghèo ra khỏi cảnh nghèo túng. Đó là toàn bộ cộng đoàn ưu tiên cho người nghèo và người nghèo cảm thấy Hội thánh là nhà. Trong bài nói chuyện với “Hội nghị các Bề Trên Thượng Cấp” ngày 05/11/2013, Đức cố Tổng Giám mục Phao-lô Bùi Văn Đọc đã xác định Giáo Hội là “Giáo hội của người nghèo và cho người nghèo.”


Thêm vào đó, Giáo hội của người nghèo cũng có nghĩa là Giáo hội không chỉ truyền giáo cho người nghèo, mà chính người nghèo sẽ trở thành nhà truyền giáo. Sẽ có một sự phụ thuộc đáng tin cậy vào người nghèo trong sứ mạng truyền giáo của Giáo hội.


Như vậy, Giáo hội của người nghèo là Giáo hội cho - với - ở giữa người nghèo. Chỉ với cách đó, Giáo hội Việt Nam mới “hiệp thông” – dấu hiệu Nước Thiên Chúa ở Việt Nam. Thật vậy, trừ khi Giáo hội trở thành Giáo hội của người nghèo, sự hiệp thông không thể hoàn toàn kinh nghiệm được nơi người dân Việt, và vì vậy Giáo hội sẽ không thực sự trở thành cộng đoàn môn đệ của Chúa Ki-tô theo cách mà sứ điệp Nước Thiên Chúa cho Giáo hội.
 
  1. Sứ mệnh truyền giáo của Giáo hội

Sứ điệp Nước Thiên Chúa không chỉ mời gọi giáo dân Việt Nam sống đức tin cách có ý nghĩa hơn, nhưng còn làm phong phú sứ mệnh của Giáo hội qua việc rao giảng, đối thoại và làm chứng.
 
  1. Rao giảng
Mục đích cuối cùng của Giáo hội là phục vụ Nước Thiên Chúa và dẫn nhân loại đến Vương quốc vĩnh cửu. Giáo hội phục vụ Nước Thiên Chúa đặc biệt qua việc giảng dạy kêu gọi sám hối và tin vào Tin Mừng: “Những ai tin vào danh Người thì Người ban cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12).


Giáo hội không chỉ rao giảng bằng lời nói nhưng còn bằng cả việc làm. Qua việc tiếp cận với mọi người thuộc mọi chủng tộc và văn hóa, chăm sóc người nghèo và người bị bỏ rơi, cũng như phục vụ con người trong tình liên đới, Giáo hội chứng tỏ Nước Thiên Chúa đang hiện diện giữa lòng thế giới. Nơi mà Thiên Chúa được tin nhận, những giá trị Tin Mừng được sống, phẩm giá con người được tôn trọng, thì Nước Thiên Chúa đã hiện diện và hướng tới sự hoàn thành viên mãn trong tương lai.
 
  1. Đối thoại

Trong Tông huấn Ecclesia in Asia, Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II nói đối thoại như là một phần thiết yếu trong sứ mạng của Giáo hội.[14]Giáo hội phải thúc đẩy đối thoại giữa các dân tộc, các nền văn hóa và tôn giáo, để nhờ việc làm cho nhau nên phong phú này, những giá trị ấy có thể giúp vào việc canh tân thế giới. Việt Nam là một quốc gia đa chủng tộc và đa văn hóa. Nó cũng là cái nôi của hầu hết các tôn giáo lớn trên thế giới và chứa đựng nhiều hộ dân sống trong cảnh nghèo túng. Trong bối cảnh này, sứ mệnh của Giáo hội là đối thoại với nền văn hóa, với các tôn giáo và với chính quyền. Việc đối thoại này sẽ dẫn quốc gia đến sự hiệp thông trọn vẹn hơn với Thiên Chúa và giữa họ.

 
  1. Đối thoại với nền Văn hóa Việt Nam

Với việc nhập thể, Đức Giê-su đã đặt mình vào trong nền văn hóa và truyền thống tôn giáo của dân tộc mình. Ngài rao giảng Nước Thiên Chúa, sứ điệp và cách thức giảng dạy bắt rễ sâu trong nền văn hóa và truyền thống tôn giáo đó. Vì vậy, Giáo hội Việt Nam được mời gọi đi theo con đường của Đức Giê-su trong việc đối thoại với nền văn hóa nơi nó thuộc về. Lời cầu nguyện cách nào đó được hội nhập và diễn tả trong văn hóa Việt Nam, và cần phải tiếp tục phát triển hơn nữa. Hiện nay, đối thoại giữa Giáo hội và văn hóa Việt Nam, có lẽ nên tập trung vào các hình thức tôn kính tổ tiên và bình đẳng nam nữ trong Nước Thiên Chúa.


Các hình thức tôn kính tổ tiên. Mặc dù có sự hiểu biết khác nhau sau khi chết, cả niềm tin bản địa và Ki-tô giáo khẳng định rằng có điều gì đó xảy ra sau cái chết.Trong niềm tin bản địa, thế giới của người chết tương tự như cuộc sống trần gian bao gồm ăn mặc và chi tiêu. Từ quan điểm này, người dân bản địa đặc biệt quan tâm đến ngày giỗ; họ dâng cúng thức ăn để tổ tiên không bị thiếu thốn. Họ quan niệm rằng nếu các quy định giỗ chạp không được tuân thủ nghiêm ngặt thì hậu duệ sẽ bị coi là xúc phạm và không tôn trọng tổ tiên, và có nguy cơ bị tổ tiên oán giận hoặc trừng phạt.


Trong đức tin Ki-tô giáo, các Ki-tô hữu tin vào cuộc sống vĩnh cửu, thế giới của người chết không được định nghĩa trong không gian và thời gian mà phân biệt nó với thế giới của người sống. Người Công Giáo bày tỏ tình yêu và sự tôn kính tổ tiên bằng cách dâng Thánh Lễ, cầu nguyện và làm việc từ thiện vào ngày giỗ. Dịp này tất cả các thành viên trong gia đình xung họp để cầu nguyện và tưởng nhớ đến người đã khuất. Đó không chỉ hoàn thành nghĩa vụ hiếu thảo, mà còn bày tỏ tình thương mến và lòng biết ơn đối với đấng sinh thành dưỡng dục mình. Đặc biệt, Giáo hội Công giáo Việt Nam đã chọn ngày mồng hai tết là ngày kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ. Đây là ngày truyền thống tốt đẹp và ý nghĩa đối với người Việt Nam, bởi vì dịp đầu năm là dịp đoàn tụ gia đình, các tín hữu cùng nhau tham dự Thánh Lễ để dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện cho linh hồn tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã qua đời, để ngày Xuân không vắng bóng những người thân thương, đó cũng là cách báo hiếu đối với tổ tiên. Giáo lý Công giáo dạy rằng người chết không có khả năng ban phước lành hoặc trừng phạt; điều duy nhất mà tổ tiên có thể làm cho con cháu là chuyển cầu cho họ trước nhan Thiên Chúa.


Sự bình đẳng nam nữ. Văn hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu đậm của Khổng giáo, phụ nữ phải tùng phục nam giới suốt cuộc đời. Phụ nữ bị chi phối bởi luật tam tòng, ấy là: tùng phục cha khi còn trẻ, tùng phục chồng khi kết hôn và tùng phục con trai trưởng khi góa bụa. Trong bối cảnh văn hóa này, nó là cực kỳ quan trọng để khẳng định sự bình đẳng của tất cả mọi người trong Nước Thiên Chúa.


St 1,26-28 tỏ rõ rằng người nam và người nữ được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa; và trong lời giảng dạy của Đức Giê-su, mọi người nam và người nữ đều bình đẳng trước mặt Chúa, vì tất cả đều là con cái của một Cha trên Trời. Đức Giê-su kính trọng các phụ nữ và cho họ cộng tác trong sứ vụ rao giảng (x. Lc 8,1-3). Hơn thế nữa, theo Ngài, Nước Thiên Chúa bao gồm tất cả mọi người, kể cả phụ nữ.
 
  1. Đối thoại với các Tôn giáo

Đối thoại với các tôn giáo địa phương có tầm quan trọng đặc biệt đối với Giáo hội Việt Nam. Các tôn giáo truyền thống của Việt Nam đòi chúng ta phải tôn trọng vì những giá trị tâm linh và giá trị con người tiềm ẩn trong đó.


Trong Thư Mục Vụ 2001, các Giám mục nói rằng đa số dân tộc Việt Nam có tín ngưỡng và tôn giáo, vì thế tôn giáo phải là nền tảng cho người ta xích lại gần nhau.[15] Và Thư Mục Vụ 2003, các Giám mục đề nghị thăm viếng thân hữu các thành viên tôn giáo bạn, cầu nguyện, giao lưu, chia sẻ vật chất và trao đổi với người ngoài Công giáo về một đề tài chung.[16]Những đề nghị này của các Giám mục đã được đưa vào thực hành và cần được duy trì cùng phát triển hơn nữa. 
 

Trong bối cảnh hiện nay của đất nước, Giáo hội cần cộng tác với các tôn giáo địa phương để thăng tiến đời sống của người dân, ví dụ: mở các “Trung tâm giáo dục – dạy nghề” điều hành bởi một hiệp hội liên tôn giáo (các nhà lãnh đạo của các tôn giáo) - đây là nơi mà giới trẻ được đào tạo tay nghề; thành lập “Nhà hưu dưỡng” cho những người cao niên, những cụ ông và cụ bà không nơi nương tựa,.... Đối thoại với các tôn giáo khác cho phép Giáo hội Việt Nam hoàn thành vai trò tiên tri của mình cách hiệu quả hơn, và đời sống của người dân Việt Nam trở nên có ý nghĩa hơn.
 

Vì vậy, tham gia vào việc đối thoại, Giáo hội Việt Nam được kêu gọi tìm đường cộng tác với các tôn giáo khác để thăng tiến xã hội. Sứ mệnh của Giáo hội là thúc đẩy lòng khoan dung, tôn trọng lẫn nhau, tự do lương tâm, công bằng, và chia sẻ giá trị tinh thần cũng như kinh nghiệm thiêng liêng trong lời cầu nguyện. Vượt trên tất cả, mục tiêu của Giáo hội là cùng với các tôn giáo bạn vươn tới tầm mức viên mãn cánh chung của Nước Thiên Chúa.
  1. Đối thoại với Chính quyền

Một cách đặc biệt, Giáo hội kêu gọi các Ki-tô hữu đối thoại với chính quyền bằng chứng từ cuộc sống và cộng tác với chính quyền để xây dựng đất nước ngày một phát triển hơn. Tuy nhiên, để cuộc sống nhân chứng có hiệu quả, các Ki-tô hữu Việt Nam phải có kinh nghiệm sâu sắc về Thiên Chúa.

 
  1. Làm chứng
Mặc dù Nước Thiên Chúa là chủ quyền thống trị của Thiên Chúa trên hoàn vũ, do Ngài mang đến, nhưng nó vẫn cần những nhân chứng để mọi người có thể nhận thấy và tham gia vào đó. Giống Đức Giê-su, bằng việc rao giảng và thực hiện các phép lạ đã làm chứng cho Nước Thiên Chúa, các Ki-tô hữu Việt Nam cũng làm chứng cho Nước Thiên Chúa trên quê hương mình qua việc sống sứ điệp Nước Thiên Chúa trong cuộc sống hàng ngày. Việc thực hành cụ thể được tìm thấy trong Thư Mục Vụ 2003 của các Giám mục Việt Nam:
 

Cầu nguyện cho việc truyền giáo. Việc cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo phải được tiếp tục trong gia đình và với bản thân mỗi người, không chỉ bằng lời kinh mà còn bằng những hy sinh hãm mình hằng ngày.
 

Nêu gương sống lương tâm Công giáo. Trước khi rao giảng bằng lời nói, hãy rao giảng bằng đời sống. Người tín hữu giáo dân hãy nỗ lực cùng với đồng bào xây dựng một nếp sống lành mạnh trong khu phố xóm làng, loại trừ mọi tệ đoan tật xấu. Đặc biệt, hãy nêu gương tôn trọng sự sống, tôn trọng phẩm giá con người, sống theo lương tâm ngay thẳng làm chứng về sự hiện diện của Nước Thiên Chúa, Nước “đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn ân sủng và thánh thiện, đầy tràn tình thương, công lý và bình an.”[17]

Theo Chúa Giê-su, các Ki-tô hữu làm chứng cho Nước Thiên Chúa bằng đời sống đoàn kết và yêu thương. Bằng cách này, họ cũng có thể tuyên bố lời hứa của Đức Giê-su cho các môn đệ: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).


 
Kết Luận

Sứ điệp Nước Thiên Chúa được trình bày thâm thúy và rõ nét trong Tin Mừng Mác-cô, tác giả mô tả Đức Giê-su như sứ giả thời cánh chung, Đấng loan báo thời kỳ Thiên Chúa ấn định để thực hiện và hoàn tất các lời hứa của Người, và sự đến gần của Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa bao gồm hai chiều kích hiện tại và tương lai. Nước Thiên Chúa đã xuất hiện nhưng ẩn dấu trong con người cũng như sứ vụ của Đức Giê-su và sẽ đạt đến viên mãn hoàn trọn trong tương lai. Đây chính là sứ điệp Tin Mừng cứu độ của Thiên Chúa ban tặng cho toàn thể nhân loại. Tuy nhiên chỉ những ai tin vào Thiên Chúa, trông cậy vào lòng nhân hậu của Ngài; mến Chúa – yêu người và xa tránh tất cả những gì có thể tách họ ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa mới đạt được món quà cứu độ này.
 

Sứ điệp Nước Thiên Chúa mời gọi các Ki-tô hữu Việt Nam, tùy theo ơn gọi và sứ mạng của mình, hãy giữ vững đức tin, dấn thân theo Chúa Giê-su và trở thành môn đệ của Ngài, tích cực tham gia vào sứ mạng truyền giáo của Giáo hội, làm chứng cho sự hiện diện của Nước Chúa bằng cách xây dựng đất nước ngày một phát triển, an bình, công lý và tự do, hầu Nước Chúa được nhận ra và đón nhận bởi mọi người dân Việt Nam, đặc biệt là người nghèo và những người bị gạt ra bên lề xã hội. 

 

[1]Nước Thiên Chúa/Nước Trời: xuất hiện 14 lần ở Tin Mừng Mác-cô, 37 lần ởTin Mừng Mát-thêu và 32 lần ở Tin Mừng Lu-ca.
[2] See John Fuellenbach, The Kingdom of God: The Message of Jesus Today (Maryknoll, New York: Orbis Books, 1995), 97.
[3] See Karl Barth, Dogmatic in Outline (New York: Philosophical Library, 1949), 15-21.
[4] John Paul II, Homily on October 28, 1987, no. 3.
[5] See Robert C. Tannehill, “The Disciples in Mark: The Function of a Narrative Role,” JR, vol. 57, 4 (October, 1977), 386-405; see also Frank J. Matera, New Testament Ethics (Louisville, Kentucky: Westminster John Knox Press, 1996), 34-35.
[6]RM, 42-43.
[7]X. SGLHTCG, 1024.
[8]X. Ibid., 1818.
[9]X. Ibid., 1419.
[10]See EN, 14.
[11] See Second Plenary Council of the Philippines, 95.
[12] See Teodoro C. Bacani, Towards the Third Millenium: The PCP II Vision (Manila: N.P., 1993), 43-44.
[13]Báo Pháp Luật & Xã Hội, từ  https://baomoi.com/nam-2017-ca-nuoc-con-1-642-489-ho-ngheo/c/27009811.epi(ngày 10/11/2018).
[14]SeeEA, 29,98-99.
[15] X. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư Mục Vụ 2001, 13.
[16] X. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư Mục Vụ 2003, 11-12.
[17]See Ibid., 10.
Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...