Thái Độ Của Lòng Tin Vào Gia-vê Thiên Chúa Nơi Gia Đình Ông En-ca-na (1Sm 1,20-22.24-28 )


Thái Độ Của Lòng Tin Vào Gia-vê Thiên Chúa Nơi Gia Đình Ông En-ca-na (1Sm 1,20-22.24-28 )

20Ngày qua tháng lại, bà An-na thụ thai, sinh con trai và đặt tên cho nó là Sa-mu-en, vì bà nói : “Tôi đã xin ĐỨC CHÚA được nó.” 21Người chồng là En-ca-na lên với cả gia đình để dâng hy lễ thường niên cho ĐỨC CHÚA và để giữ trọn lời khấn hứa của mình. 22Bà An-na không lên, vì bà nói với chồng : “Đợi cho đến khi đứa trẻ cai sữa đã. Khi đó em sẽ đưa nó đi, nó sẽ ra mắt ĐỨC CHÚA và sẽ ở lại đó mãi mãi.”

24Sau khi cai sữa cho con, bà đưa nó lên với mình, mang theo một con bò mộng ba tuổi, hai thùng bột và một bầu da đầy rượu. Bà đưa con vào Nhà ĐỨC CHÚA tại Si-lô ; đứa trẻ còn nhỏ lắm. 25Họ sát tế con bò và đưa đứa trẻ đến với ông Ê-li. 26Bà nói: “Thưa ngài, xin thứ lỗi, tôi xin lấy mạng sống ngài mà thề: tôi là người đàn bà đã đứng bên ngài, tại đây, để cầu nguyện với ĐỨC CHÚA. 27Tôi đã cầu nguyện để được đứa trẻ này, và ĐỨC CHÚA đã ban cho tôi điều tôi đã xin Người. 28Đến lượt tôi, tôi xin nhượng nó lại cho ĐỨC CHÚA. Mọi ngày đời nó, nó sẽ được nhượng cho ĐỨC CHÚA.” Và ở đó, họ thờ lạy ĐỨC CHÚA.

Tìm hiểu nội dung bản văn

Sa-mu-en được coi là vị tiên tri cuối cùng thời kỳ các thủ lãnh của dân Ít-ra-en. Sau đó là thời kỳ của chế độ quân chủ. Bản văn 2 sách Sa-mu-en mà chúng ta có ngày nay là kết quả của nhiều giai đoạn biên soạn khác nhau. Mặc dù vậy, các bản văn thể hiện rõ biến cố lịch sử thành lập chế độ quân chủ của dân Chúa vào khoảng những năm 1010 TCN, với 3 nhân vật nổi bật là tiên tri Sa-mu-en và hai vị vua đầu tiên của dân là Sa-un và Đa-vít. Nội dung của các bản văn kể về đời sống của con cái Ít-ra-en dưới nhãn quan đức tin từ khi ông Sa-mu-en chào đời (1040 TCN) đến khi vua Đa-vít băng hà (970 TCN).

Trong phần đầu của bản văn 1Sm, biến cố ông Sa-mu-en chào đời được ghi nhận như một dấu chỉ thánh thiêng mà Thiên Chúa thực hiện trong dân Người. Cha của Sa-mu-en là ông En-ca-na. Ông này có hai người vợ là An-na và Pơ-nin-na. Bà Pơ-nin-na có con trước nên thường lên mặt, ức hiếp bà An-na. Với sự sầu muộn, tủi khổ vì nhiều năm mà chưa có con, bà An-na đã khóc than, cầu khẩn trước mặt Đức Chúa tại Si-lô, nơi mà ông En-ca-na và bà, cùng với mọi người trong gia đình hàng năm vẫn tới để thờ kính Đức Chúa. Bà An-na được Chúa nhậm lời. Như thế, ông Sa-mu-en là đứa con cầu tự được Thiên Chúa ban tặng cho bà An-na vì bà đã tin tưởng và khẩn khoản cầu xin Đức Chúa. Đối lại, đoạn (1Sm 1,20-22.24-28) chúng ta đang tìm hiểu cho thấy bà An-na đã giữ lời hứa của mình mà tiến dâng Sa-mu-en lại cho Đức Chúa. Việc tiến dâng đứa con đầu lòng theo luật Do Thái cũng thể hiện lòng tin của bà An-na đối với Gia-vê Thiên Chúa.

Sau khi sinh Sa-mu-en, đến thời điểm gia đình ông En-ca-na lên tế lễ cho Đức Chúa thì bà An-na không đi. Bà muốn để đứa bé cai sữa và bà sẽ đưa đứa bé ra mắt Đức Chúa như lời bà đã hứa (cc.21-22). Ở đây, chúng ta cũng có thể thấy sự đồng thuận ý kiến của ông En-ca-na vì câu 21 ghi nhận rằng ông “dâng hy lễ thường niên cho Đức Chúa và để giữ trọn lời khấn hứa của mình”. Trong luật Do Thái, việc người nữ đã lấy chồng thề hứa với Chúa chỉ có giá trị khi được chồng ưng thuận (x.Ds 30,14). Hơn nữa, ở câu 23 cũng cho thấy rõ ràng sự ưng thuận ấy khi ông nói: “Em nghĩ thế nào là phải thì cứ làm…”. Như thế, việc dâng hiến Sa-mu-en cho Thiên Chúa là quyết định chung của cả hai vợ chồng ông Ec-ca-na và bà An-na.

Một điều tuyệt vời mà bản văn diễn tả qua việc dâng hiến Sa-mu-en của hai vợ chồng En-ca-na và An-na nữa chính là thái độ dâng hiến triệt để của họ. Đó là thái độ của lòng tin và kính sợ Đức Chúa. Ngay sau khi Sa-mu-en dứt sữa, “đứa bé còn nhỏ lắm” (c.24), bà An-na đã đem Sa-mu-en và của lễ đến Si-lô để dâng tiến cho Đức Chúa như lời đã hứa. Thậm chí, nếu theo luật thì gia đình En-ca-na chỉ cần dâng của lễ cho Đức Chúa và đưa đứa con đầu lòng ra mắt Ngài rồi có thể đưa đứa bé về nhà, nhưng ở đây, với sự đồng thuận của chồng, bà An-na đã để Sa-mu-en ở lại nhà Đức Chúa để phụng thờ Ngài suốt đời (cc 22.28). Trong bản 4Qsam (Cum-ran) còn ghi thêm ở cuối câu 22 rằng “tôi sẽ cho nó làm na-dia suốt đời.” Như thế, thái độ của mà ông En-ca-na và bà An-na khi dâng hiến Sa-mu-en thể hiện sự dứt khoát tin tưởng vào quyền năng của Gia-vê Thiên Chúa hoạt động trong đời sống dân Người.

Giáo hội cho chúng ta đọc bài đọc này vào lễ Thánh Gia Thất để chúng ta cảm nghiệm thấy giá trị của lòng tin tưởng vào Thiên Chúa nơi gia đình có đức tin. Giá trị đó là tình yêu thương, đồng tâm nhất trí để Chúa làm chủ đời sống gia đình và cùng nhau thực thi thánh ý của Ngài. Đó cũng là thái độ tin tưởng, dâng hiến trọn vẹn gia đình mình vào bàn tay uy quyền của Đức Chúa. Điều đó được thể hiện nơi gia đình ông bà En-ca-na và An-na. Điều đó còn được thể hiện cách trọn hảo hơn nữa nơi gia đình thánh Giu-se, Đức Ma-ri-a và Chúa Giê-su, như được diễn tả qua bài Tin Mừng hôm nay (Lc 2,41-52).

Giuse Tuân. Vũ Chí Thành, Sj

Tham Khảo

CGKPV, Kinh Thánh – ấn bản 2011, Nxb. Tôn Giáo, 2011, tr.502.

John Barton and John Muddiman, The Oxford Bible Commentary, Oxford University Press, 2001, tr.201.

Ps: Nếu đọc toàn bộ (1Sm 1,1-28), độc giả có thể nhận thấy gia đình là:

1. Nơi thể hiện tình yêu cho nhau: ông En-ca-na luôn dành phần ăn ngon nhất cho bà An-na vì ông yêu bà (1Sm 1,5)

2. Nơi thể hiện sự quan tâm gần gũi: khi thấy bà An-na khóc, ông En-ca-na chạy lại hỏi “An-na, sao em khóc?” (1Sm 1,8)

3. Nơi dành hy sinh cho nhau: bà An-na cũng luôn ước muốn có con nối dõi cho chồng và giữ thể diện cho gia đình chồng. Thậm chí bà con lo nghĩ tới mức buồn rầu, bỏ ăn (1Sm 1, 7b.10-15).

4. Nơi vì Chúa mà thể hiện sự tôn trọng nhau và cùng đồng thuận với nhau trong quyết định một công việc: ông En-ca-na nói với bà An-na khi bà muốn dâng Sa-mu-en trong nhà Chúa mãi mãi, rằng “em thấy gì là phải thì cứ làm,…chỉ xin Đức Chúa thực hiện lời Người” (1Sm 1,23). Cũng qua việc đồng ý này của ông En-ca-na, chiếu theo luật Do Thái (Ds 30,14), điều bà An-na khấn hứa cùng Thiên Chúa trở nên có giá trị. Có thể thấy, việc quyết định dâng Sa-mu-en cho Chúa là quyết định chung của cả 2 vợ chồng chứ không phải riêng bất kỳ 1 trong hai.

5. Nơi cùng nhau tôn vinh quyền năng của Thiên Chúa: Khi Sa-mu-en dứt sữa, ông En-ca-na chuẩn bị cho bà An-na một con bò mộng 3 tuổi, 2 thùng bột và 1 bầu da đầy rượu làm cửa lễ để bà cùng Sa-mu-en lên đường đến nhà Đức Chúa (1 Sm 1,24).

Gia đình là vậy đấy! dễ thương biết mấy!

https://sjjs.edu.vn/blog/2019/01/03/thai-do-cua-long-tin-vao-gia-ve-thien-chua-noi-gia-dinh-ong-en-ca-na-1sm-120-22-24-28-cn-le-thanh-gia-that-nam-c/

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...