THƯ GỬI TÍN HỮU GA-LÁT


THƯ GỬI TÍN HỮU GA-LÁT

Các bài đọc trong sáu tuần Năm C được rút từ thư gửi tín hữu Ga-lát và chúng đều không quá dài. Tuy nhiên, chúng là những đoạn văn quan trọng được trích từ năm trong sáu chương của lá thư. Khi được đọc trong bối cảnh, những bản văn này giúp các nhà giảng thuyết cách này hay cách khác nói về toàn bộ lá thư.

Lá thư này đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử Giáo Hội nhờ vào giáo huấn về sự công chính hóa bởi đức tin. Thánh Âu Tinh, Gioan Kim Khẩu, Tôma Aquinô, thậm chí cả Luther và Calvin cũng đã có những chú giải quan trọng về lá thứ này, một phần là vì giáo huấn của nó về sự công chính hóa. Tuy nhiên, điều thánh Phao-lô nói về sự công chính trong thư Ga-lát lại khó nắm bắt bởi vì ngài không trình bày giáo huấn của mình một cách trung lập nhưng là để trả lời cho những đối thủ, những người đã chất vấn chức tông đồ và sứ mạng của ngài giữa các Dân Ngoại. Kết cục, bức thư mang tính chiến một cách sắc bén khi thánh Phao-lô bảo vệ “chân lý của tin mừng” (2:5,14). Để hiểu lập luận của thư Ga-lát và hiểu được cách thức các bài đọc này hoạt động, chúng ta phải nói đôi chút về bối cảnh và cấu trúc của lá thư.

Chiến lược: Hiểu Bối Cảnh

Bối cảnh lịch sử. Thư Ga-lát là hồi âm của thánh Phao-lô về một khủng hoảng. Sau khi thiết lập nhiều cộng đoàn ở Ga-lát (một tỉnh của Rô-ma, nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ), thánh Phao-lô ra đi. Không lâu sau khi rời khỏi Ga-lát, những nhà truyền giáo Ki-tô giáo gốc Do Thái đã đến các hội thánh thánh Phao-lô đã thiết lập và dạy các tín hữu rằng nếu họ muốn được kể là con cháu Áp-ra-ham và được thông phần với Đấng Mê-si-a họ phải chịu cắt bì và tuân giữ Lề Luật, nhất là những luật Sa-bát và luật giữ chay.

Ngược lại với những nhà truyền giáo ấy, thánh Phao-lô không đòi các tín hữu Ga-lát phải chịu cắt bì hoặc phải noi theo lối sống của những người Do Thái. Kinh nghiệm hoán cải soi sáng cho ngài hiểu rằng Thiên Chúa đã làm mới một điều gì đó trong Đức Ki-tô, điều mà Luật Mô-sê đã không thể thực hiện được: Đó là sự công chính của một đời sống biết hy sinh nhờ cái chết và sự phục sinh của Đức Ki-tô. Vì thế thánh Phao-lô viết, “bởi vì nếu sự công chính hóa đến từ lề luật, thế thì Đức Ki-tô đã chết vô ích” (2:21). Lại nữa, “vì nếu một luật có thể mang đến sự sống, thì sự công chính trên thực tế sẽ đến từ lề luật” (3:21). Từ quan điểm của thánh Phao-lô thì các tín hữu Dân Ngoại Ga-lát, vốn đã kinh nghiệm ân sủng của Thần Khí (3:1-6), đã là hậu duệ của Áp-ra-ham rồi bởi vì họ thuộc về hậu duệ độc nhất của ông, đó là Đức Ki-tô.

Không gì khác nhưng chính chân lý Tin Mừng bị đặt vào vòng nguy hiểm trong cuộc khủng hoảng ở Ga-lát (2:5, 14); nghĩa là, Thiên Chúa không làm công chính hóa con người dựa trên nền tảng của việc tuân giữ Lề Luật nhưng dựa trên lòng tin vào điều ngài đã thực hiện qua cái chết và sự phục sinh của Con Một của ngài. Thế nên thánh Phao-lô lập luận rằng các tín hữu Dân Ngoại không cần phải bắt chước lối sống của các tín hữu gốc Do Thái. Họ đã là con cháu của tổ phụ Áp-ra-ham trong Đức Ki-tô bởi vì họ thuộc về Đức Ki-tô. Điều họ phải làm là kiên tâm bền chí trong đức tin của mình và sống theo thúc đẩy của Thần Khí.

Thứ đến, thư Ga-lát là một lá thư trong đó thánh Phao-lô lập luận rằng không cần thiết phải làm những thứ cao xa hơn điều Thiên Chúa đã thực hiện. Thiên Chúa đã hoàn thành công trình cứu độ, và hồi đáp tương xứng của những người công chính là tin vào Đức Ki-tô.

Các độc giả hiện nay có lẽ sẽ thấy lạ lẫm và khó chịu về cuộc tranh luận của thánh Phao-lô và các nhà truyền giáo Ki-tô giáo về tầm quan trọng của điều Thiên Chúa đã làm trong Đức Ki-tô. Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng thư Ga-lát thuộc về một giai đoạn phôi thai trong tiến trình phát triển những giáo lý Ki-tô giáo. Đó là thời gian mà các tín hữu vẫn đang cố gắng tìm hiểu đầy đủ ý nghĩa của cái chết và sự phục sinh mang tính cứu độ của Đức Ki-tô. Những người phản đối lời dạy của thánh Phao-lô là những tín hữu chân thành, nhưng họ không hiểu đầy đủ ý nghĩa của việc Thiên Chúa đã làm nơi Đức Ki-tô. Ngược lại, thánh Phao-lô đã nhận ra rằng Thiên Chúa đã thiết lập một điều mới mẻ nơi Đức Ki-tô mà Luật Mô-sê không thể làm được: sự công chính của một đời sống hy sinh. Chính trong ánh sáng của cuộc luận chiến ở Ga-lát này mà thánh Phao-lô đã công thức hóa, có lẽ là lần đầu tiên, giáo huấn của mình về sự công chính hóa nhờ đức tin tách biệt khỏi Lề Luật.

 

Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong SJ
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 125-127

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...