5. KẾT LUẬN: TÍNH HỖ TƯƠNG GIỮA ĐỨC TIN VÀ CÁC BÍ TÍCH TRONG NHIỆM CỤC BÍ TÍCH

183. [Tính hữu hình bí tích của ơn thánh]. Nhiệm cục bí tích, như một nhiệm cục nhập thể, tự nó đòi cho ơn thánh một tính hữu hình nào đó. Giáo hội, người thừa kế và tiếp tục công trình của Chúa Kitô, thiết lập ra dấu hiệu hữu hình này trong lịch sử. Ý nghĩa của nó không bị giản lược vào việc cung cấp phương tiện cứu rỗi cho chính các tín hữu. Nó làm cho ơn thánh cứu rỗi của Thiên Chúa hữu hình trong thế giới. Nếu Giáo hội có ngày biến đi, tính hữu hình lịch sử của ơn cứu rỗi trong Chúa Giêsu Kitô cũng sẽ tan biến. Vì lý do này, chính Giáo hội trở thành người phục vụ mọi người. Giáo hội là phương tiện và là công cụ công bố sự hiện diện trong lịch sử của kế hoạch cứu độ phổ quát nơi Chúa Giêsu Kitô. Mỗi Kitô hữu tham gia vào sứ mệnh này của Giáo hội, một sứ mệnh được mỗi bí tích củng cố theo cách riêng của nó. Trong mỗi bí tích đều có việc lãnh nhận ơn phúc của Thiên Chúa; có một sự đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô và một sứ mệnh giáo hội vì sự sống của thế giới.

184. Vì lãnh vực bí tích qui chiếu vào tính hữu hình bề ngoài và có thể kiểm chứng được, nên khi quyền lãnh nhận bí tích bị từ chối, như trong trường hợp những người ly dị và tái hôn hoặc những người khác, không thể từ đó rút ra kết luận nào về sự thật toàn diện liên quan đến phẩm chất đức tin của người đó. Các Kitô hữu của các giáo phái Kitô giáo khác không trọn vẹn hiệp thông bí tích hữu hình với Giáo Hội Công Giáo, do việc dai dẳng có những dị biệt sâu xa về tín lý và lối sống Kitô giáo. Vì lý do này, việc cử hành bí tích không làm cho việc hiệp thông trọn vẹn trở thành hữu hình [231]. Tuy nhiên, trên nguyên tắc, không nên loại trừ việc này là sự kết hợp với Chúa Kitô của các Kitô hữu ngoài Công Giáo, qua đức ái và cầu nguyện, có thể mạnh mẽ hơn so với sự kết hợp của người Công Giáo, bất chấp sự kiện này: người Công Giáo được hưởng sự viên mãn khách quan của các phương tiện cứu rỗi. Như phụng vụ vốn khẳng định, sự phán xét tối hậu về phẩm chất đức tin của mỗi người chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa mà thôi: “mà Chúa đã biết đức tin và lòng sùng kính của họ” [232].

185. [Tăng trưởng, thời kỳ dự tòng]. Đức tin, như một nhân đức, là một thực tại năng động. Nó có thể lớn lên, củng cố và trưởng thành; nhưng cũng trải nghiệm những điều ngược lại. Thời gian dự tòng (catechumenate) giúp việc lãnh nhận các bí tích với một đức tin có ý thức hơn về điều được lãnh nhận và về cam kết bản thân của người ta đối với nó. Đức ái mục vụ sẽ phải quyết định các phương thức cụ thể cho thời kỳ dự tòng theo bí tích đang bàn và những người yêu cầu lãnh nhận nó, có tính đến phẩm chất và cường độ của môi trường tôn giáo mà từ đó họ xuất phát. Việc đào tạo các giáo lý viên và chứng từ cuộc sống của họ là điều rất quan yếu. Mặt khác, chính việc lãnh nhận bí tích, với cam kết mà nó hàm ngụ, mời gọi chúng ta tiếp tục thời kỳ dự tòng, qua việc dạy giáo lý dẫn vào huyền nhiệm (mystagogical catechesis), chắc chắn sau khi lãnh nhận các bí tích khai tâm và hôn nhân. Sự lớn lên trong đức tin và một loại thời kỳ dự tòng liên tục được cung ứng một cách khéo léo trong một số điều gọi là các phong trào giáo hội mới. Trong đó, có việc xã hội hóa đạt được trong đức tin và trong việc thuộc về giáo hội. Hơn nữa, trong đó, chiều kích bí tích của đức tin được nhấn mạnh một cách mạnh mẽ, khi nhấn mạnh đến việc lãnh nhận ơn phúc, thờ lạy Chúa, năng lãnh nhận các bí tích, nhấn mạnh trên hết đến mọi ơn phúc bất khả thu hồi của Thiên Chúa, những ơn phúc gắn kết ơn thánh của Người vào các bí tích mà không bắt chúng tủy thuộc sự hoàn hảo của các thừa tác viên hoặc công đức của những người lãnh nhận chúng. Họ được củng cố theo chiều dọc của tính bí tích, vì họ không dựa vào chính họ để làm chứng theo chiều ngang trước mặt thế giới, việc ơn thánh của Thiên Chúa đã đi vào sự yếu đuối như thế nào (2 Cr 12: 9).

186. [Việc được lồng vào nhiệm cục bí tích nhờ đức tin và các bí tích]. Việc lồng các Kitô hữu vào nhiệm cục bí tích diễn ra nhờ đức tin và các bí tích. Các bí tích cung ứng cho những người mong muốn nó và được chuẩn bị thỏa đáng một điều có giá trị như lời cam kết được sự sống đời đời và được Chúa Kitô gần gũi yêu thương.

187. Trong việc thể hiện nhiệm cục bí tích, hiểu như việc khai mở mầu nhiệm nhập thể và luận lý học của nó, mầu nhiệm vượt qua được nêu bật như đỉnh cao trong đó tình yêu được thể hiện đến tột đỉnh (Ga 13: 1; 15:13). Người Kitô hữu, qua bí tích rửa tội (bí tích đức tin) được tháp nhập vào mầu nhiệm này, tham gia vào cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu một cách bí tích (Rm 6: 3-4); và đồng thời, họ trở thành viên đá sống động của Giáo hội. Do đó, đời sống Kitô hữu bắt đầu với việc được lồng vào tâm điểm thiết yếu của nhiệm cục bí tích.

188. Mầu nhiệm Chúa Kitô bao gồm trong hồng phúc Thần khí của Người, như hồng phúc vĩ đại của Đấng Phục sinh. Trong ngày lễ Ngũ tuần, với việc lãnh nhận Chúa Thánh Thần, ở đỉnh cao kết cấu của chính mình, Giáo hội nhận thức đầy đủ mình được ban ơn và được sai đi thi hành một sứ mệnh phổ quát. Kitô hữu được tháp nhập vào biến cố Ngũ Tuần qua các bí tích khai tâm, với việc củng cố đức tin và trách nhiệm của mình cả đối nội trong cộng đồng giáo hội lẫn đối ngoại như “một môn đệ truyền giáo”.

189. Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã dự ứng bằng cử chỉ và lời nói ý nghĩa của cả cuộc đời và mầu nhiệm của Người: thân thể Người được cho đi và máu Người đã đổ ra cho “nhiều người”. Trong Bí tích Thánh Thể, một lần nữa, Kitô hữu lãnh nhận ơn phúc của Chúa, ơn phúc mà họ chấp nhận một cách minh nhiên như vậy trong tiếng thưa “Amen”, để tiếp tục là một chi thể tích cực của nhiệm thể Chúa Kitô đang hiện diện trong thế giới.

190. Động lực của nhiệm cục bí tích có thể được hiểu như là giao ước của Thiên Chúa với dân Người, một hình ảnh không xa lạ gì với ý nghĩa phu thê. Trong toàn bộ mầu nhiệm Chúa Kitô, việc đổi mới dứt khoát và không thể thu hồi của giao ước Thiên Chúa với dân Người diễn ra qua Chúa Kitô. Vợ chồng Kitô hữu, khi kết hôn “trong Chúa’, đã trở thành một dấu hiệu minh chứng cho tình yêu vốn chủ trì mối tương quan của Chúa Kitô với Giáo hội.

191. Với đời sống, cái chết và sự phục sinh của Người, Chúa Giêsu đã mang đến ơn cứu rỗi của Thiên Chúa, một ơn cứu rỗi bao gồm ơn tha thứ tội lỗi, hòa giải với Thiên Chúa và hòa giải giữa anh chị em bằng cách phá đổ bức tường ngăn cách (Eph 2: 4-6, 11-14). Khi Kitô hữu mâu thuẫn với ý nghĩa của Tin Mừng và việc theo chân Chúa Kitô, bằng cách lãnh nhận bí tích thống hối với một đức tin sám hối, họ được giao hòa với Thiên Chúa và với Giáo hội. Như vậy, nếu một mặt Giáo hội được đổi mới, người được tha thứ sẽ trở thành một đại sứ của ơn tha thứ của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô.

192. Chúa Giêsu đã tiếp cận nhiều người bệnh, an ủi họ, chữa lành cho họ và tha thứ tội lỗi của họ. Ai lãnh nhận xức dầu được kết hiệp một cách bí tích với Chúa Kitô vào một lúc khi sức mạnh của bệnh tật và cái chết xem ra như chiến thắng, để tuyên xưng bằng đức tin chiến thắng của Chúa Kitô và niềm hy vọng được sống đời đời.

193. Chúa Giêsu tập hợp xung quanh Người một nhóm môn đệ và tín hữu, những người mà Người đang giáo huấn trong các mầu nhiệm của nước Thiên Chúa và biểu lộ mầu nhiệm về bản thân Người. Những ai lấy đức tin đáp lại lời kêu gọi của Chúa và lãnh nhận bí tích Truyền chức Thánh được đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, như Đầu và Mục tử, tiếp tục loan báo Tin Mừng, lãnh đạo cộng đồng giống Đấng Chăn Chiên Nhân Lành và dâng hiến lễ sống động và thánh thiện.

194. [Bản chất bí tích của đức tin]. Nhiệm cục thần linh của ơn cứu rỗi bắt đầu với việc sáng thế, được hiện thực hóa trong lịch sử và tiến tới sự hoàn thành vĩnh cửu. Tuy nhiên, không phải mọi cái nhìn vào lịch sử đều nắm bắt được trong đó sự hiện diện của hành động Thiên Chúa; chẳng hạn, nó có thể không nắm bắt được việc rời khỏi Ai Cập là cuộc giải thoát do Thiên Chúa thực hiện. Tương tự như vậy, người ta có thể biết rằng Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ hoặc Người bị đóng đinh, nhưng chỉ có cái nhìn của đức tin mới nhận ra trong các phép lạ dấu chỉ bản chất thiên sai của Người (x. Lc 7: 18-23) và thiên tính của Người (x. Mt 14:33; Lc 5: 8; Ga 5), chứ không phải sức mạnh của Ben Giê Búp (x. Mc 3, 22); hoặc nó có thể không nắm bắt được việc trên thập giá, ơn tha tội đã diễn ra (x. Mt 27: 39-44), cùng với việc hòa giải với Thiên Chúa (2 Cô 5: 18-20) chứ không phải chỉ là một cuộc hành quyết.

195. Do đó, theo Thánh Augustinô và Origen [233], chúng ta có thể phân biệt điều chúng ta có thể gọi là cái nhìn chỉ có tính lịch sử về các biến cố của lịch sử cứu độ. Nó có đặc điểm tự giới hạn vào việc nhận thức các biến cố, dành tính đáng tin cho các nhân chứng thuật lại chúng, mà không nắm được ý nghĩa lịch sử - cứu rỗi của chúng. Tuy nhiên, một ánh mắt thích hợp với đức tin, nhờ ơn Chúa Thánh Thần, không những biết các biến cố lịch sử trong tính vật chất lịch sử của chúng, mà còn nhận thấy ở chúng bản chất cứu rỗi của chúng. Nói cách khác, ánh mắt này thâm nhập vào thực tại bí tích đích thực của những gì đang xảy ra. Bằng cách nắm bắt tính hữu hình của biến cố lịch sử, nó tri nhận được chiều sâu của ơn thánh đang hiện diện và hành động trong những biến cố này. Hình thức đức tin này, đúng là đức tin Kitô giáo, chịu trách nhiệm không những việc nắm bắt sự hiện diện của hành động thần thiêng trong lịch sử hữu hình, mà cả khả năng tri nhận được mối liên kết của những biến cố này với niềm hy vọng được sự sống đời sau. Do đó, loại đức tin này không những chỉ tin vào sự sống đời đời, vào Thiên Chúa Ba Ngôi và vào Chúa Kitô, Chúa chúng ta, mà còn là loại đức tin riêng của những người nhìn nhận Đấng Phục sinh trong các lần hiện ra. Không có đức tin này, lịch sử không có hình thức của một nhiệm cục cứu rỗi thần linh; nó được giải quyết trong sự tích lũy của các sự kiện mà ý nghĩa của nó rất khó để phân định; dù sao, nó được gán cho từ bên ngoài. Tuy nhiên, với ơn phúc đức tin, ý nghĩa của dòng biến cố lịch sử nằm ở ý nghĩa mà chính Thiên Chúa ban cho chúng: nhiệm cục thần linh chủ trì và cai quản lịch sử, dẫn nó đến sự sống đời đời. Nói tóm lại, vì nhiệm cục thần linh Ba Ngôi có bản chất bí tích, đức tin Kitô giáo có tính bí tích chân chính.

Kỳ sau: Các ghi chú

 
VietCatholic News