e) Cơ chế bí tích

72. [Cơ chế bí tích]. Cơ chế bí tích của Giáo hội [84], được định hình qua một biến hóa trong nhiều thế kỷ, quan tâm đến các hoàn cảnh chủ chốt trong cuộc sống của những con người cá nhân và của cộng đồng để củng cố Kitô hữu trong đức tin của họ, để đem đến cho họ một cách sống động hơn vào mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo hội, đồng hành với họ và củng cố họ trong suốt cuộc hành trình sống đức tin của họ. Không những nó chỉ thu thập những khoảnh khắc cô đọng qua đó mầu nhiệm Chúa Kitô diễn biến trong cuộc sống trần gian của Người, mà còn làm cho công việc của Người tiếp diễn bằng cách làm cho chúng hiện diện một cách bí tích. Nhờ cách này, qua các cử hành bí tích của Giáo hội, tính bí tích nguyên thủy của Chúa Kitô vươn tới tín hữu cá nhân và biến họ thành bí tích sống động của Chúa Kitô. Nhờ nước, bánh, rượu, dầu và các lời bí tích, vốn chứa ý nghĩa trực tiếp qui chiếu về Chúa Kitô và biến nó thành một thực tại, tín hữu được lồng hoàn toàn vào thực tại này và được cấu hình bởi nó miễn là họ chấp nhận những dấu hiệu này bằng một sự chuẩn bị thích đáng.

73. [Các bí tích Khai tâm]. Nằm ở đầu cuộc hành trình, các bí tích khai tâm tháp nhập người tin hoàn toàn vào Chúa Kitô và vào cộng đồng giáo hội, cho phép họ, nhờ ơn thánh, cách nào đó trở thành bí tích của Chúa Kitô bằng cuộc sống của họ. Như vậy, bí tích rửa tội là cửa ngõ. Việc được chôn vùi trong nước và ra khỏi nước nói lên sự tham gia vào cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, tháp nhập vào Thân thể Người và được đồng hình đồng dạng với Người, trở thành một chi thể sống động và tích cực của Giáo hội Chúa Kitô (xem chương 3.1. dưới đây). Phép Thêm sức, với việc lãnh nhận đặc sủng, hàm ngụ một bước đi nữa theo cùng một hướng. Việc xức dầu với dầu thánh (chrism), song song với việc xức dầu của Chúa Kitô, ban năng lực cho Kitô hữu bằng các ơn của Chúa Thánh Thần để làm chứng cho đức tin bằng cách đảm nhận trách nhiệm này trong cộng đồng Kitô giáo bằng đức tin có tính truyền giáo và giáo hội nhiều hơn (x. Chương 3.2. dưới đây). Nhờ Bí tích Thánh Thể, bí tích Mình Thánh Chúa Kitô, việc tháp nhập, việc hiệp thông và tham gia đầy đủ vào Thân thể Chúa Kitô được phát biểu trong mọi chiều hướng: Kitô học, bí tích và giáo hội (x. Chương 3.3 dưới đây). Vào cuối thời kỳ khai tâm, Kitô hữu đã là một chi thể của Chúa Kitô và của Giáo hội Người, sau khi nhận được mọi phương thế thông thường của việc nên giống Chúa Kitô, cho phép họ sống một cuộc sống Kitô hữu và làm chứng cách chân thực.

74. [Các bí tích chữa lành]. Những ai lãnh nhận các bí tích khai tâm không phải lúc nào cũng hành xử một cách hoàn toàn trung thành và toàn vẹn liên quan đến những gì được biểu thị trong đó. Vì lý do này, cũng có những bí tích gọi là bí tích chữa lành, quan tâm đến sự mong manh và tội lỗi của chúng ta. Với phép thống hối, khi nhận được sự nghinh đón của thừa tác viên, người đại diện cho Chúa Kitô và Giáo hội, và tuyên bố những lời giải tội nhân danh Chúa Kitô và Giáo hội, không những có việc hòa giải với Thiên Chúa, sau khi đã bác bỏ Người bằng chính cuộc sống của mình, nhưng còn có việc hoà giải với toàn thể giáo hội, vốn công bố sự tốt lành của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô, như một cộng đồng của những người được tha thứ. Như thế, nhờ phép thống hối, Kitô hữu làm phẳng lại hành trình đức tin của mình. Vì Bí tích Thánh Thể là bí tích tuyệt hảo của Mình Thánh Chúa Kitô, nên việc tham gia đầy đủ vào nó sẽ không có ý nghĩa gì đối với những ai, sau khi làm tổn hại nghiêm trọng việc được lồng vào Thân thể này, không nhận được ơn tha thứ để hòa giải với Thiên Chúa và hân hoan tái nhập làm thành viên cộng đồng.

75. Phép xức dầu bệnh nhân được cử hành trong một tình huống mong manh, chẳng hạn như bệnh tật. Dầu thánh Chúa Kitô, dầu chữa lành và hương thơm, nói lên sức mạnh của Chúa để cứu toàn diện con người và đưa họ vào vinh quang của Người, mặc dù vẫn có những sai phạm nghiêm trọng (tội lỗi) không nhất quán với đời sống đức tin, nên đã minh nhiên bao gồm ơn tha thứ (xem Gcb 5: 14-15). Như thế, người ta đã chứng thực rằng ngay cả bệnh tật cũng có thể là dịp để biểu lộ vinh quang của Thiên Chúa (Ga 11: 4); và, trong bệnh tật, trong sự sống và trong sự chết, chúng ta đều thuộc về Chúa (Rm 14: 8-9) bằng cách chia sẻ với Người cuộc thống khổ và các đau khổ của Người trên đường đến vinh quang. Nhờ cách này, cả tội lỗi lẫn bệnh tật đều trở thành một dịp để lớn lên trong sự kết hợp với Chúa và làm chứng rằng lòng thương xót của Người mạnh hơn sự mong manh của chúng ta.

76. [Các bí tích phục vụ hiệp thông]. Các bí tích khác xem xét trực tiếp hơn tới việc phục vụ hiệp thông. Cộng đồng đòi hỏi một cơ cấu và một việc cai quản phản ảnh thực tại có tính bí tích của mình. Vì lý do này, các thừa tác viên thụ phong gia nhập sacerdotium (hàng linh mục) đại diện cho Chúa Kitô làm Đầu. Các ngài minh nhiên đồng hình đồng dạng với Người thông qua việc thực hiện đức ái mục vụ. Nhờ thế, Chúa Kitô tiếp tục hiện diện trong Giáo hội của Người không những như hồng phúc sinh ra Giáo Hội, mà một cách bí tích, còn như một Đấng liên tục tự hiến cho Giáo Hội, không ngừng sinh ra Giáo Hội một lần nữa. Hơn nữa, xét theo góc độ khác và như chi thể của Giáo hội, các thừa tác viên thụ phong cũng đại diện cho Giáo hội, đặc biệt là trong lời cầu nguyện phụng vụ của họ, ca ngợi Thiên Chúa và cầu xin ơn thánh của Người thay mặt cho mọi người. Như thế, Chúa Kitô Mục Tử và Đấng Xức Đầu tiếp tục xây dựng Thân xác của Người trong lịch sử. Toàn thể Giáo hội nhìn nhận trong thừa tác vụ thụ phong, hết thời này qua thời nọ, mình mắc nợ xiết bao ơn phúc của Chúa, trong Lời và trong các bí tích của Người, trong khi các thừa tác viên thụ phong phải đồng hình đồng dạng cuộc sống của họ với Chúa Kitô để trở thành các mục tử theo trái tim Người.

77. Những người được tái sinh bởi nước và Chúa Thánh Thần đều thi hành chức tư tế chung của họ (x. LG 10), vốn không thể tách biệt khỏi đời sống đức tin, cả trong tình yêu mà họ tuyên bố với nhau như vợ chồng. Tình yêu được vợ chồng tuyên bố công khai là một mối dây liên kết thánh thiêng mà với nó họ làm cho tình yêu Chúa Kitô dành cho chúng ta, Giáo hội của Người, trở thành hữu hình trong lịch sử và hiện diện trong thế giới. Theo cách này, nhờ hôn nhân, cộng đồng Kitô hữu phát triển và con cái được sinh ra, hoa trái của tình yêu, những người, bằng cách hít thở đức tin trong gia đình, làm tăng số lượng chi thể của Nhiệm thể Chúa Kitô. Như thế, gia đình trở thành Giáo hội tại gia, nơi trổi vượt để lãnh nhận, sống và bày tỏ đức tin (x. Chương 4 dưới đây).

f) Tính hỗ tương giữa đức tin và các bí tích trong nhiệm cục bí tích

78. Việc duyệt lại với nhau tính hỗ tương giữa đức tin và các bí tích trong nhiệm cục bí tích này đã cho chúng ta thấy một số khía cạnh có tầm quan trọng lớn đối với chủ đề của chúng ta.

a) Trong nhiệm cục thần linh, mọi sự đều bắt đầu từ việc mặc khải cứu độ về Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhiệm cục này đạt đến đỉnh cao khi Chúa Cha mặc khải Con của Người qua Lễ Vượt qua của Chúa Con và hồng phúc Chúa Thánh Thần trong Lễ Ngũ tuần. Các mầu nhiệm cứu độ này được trường tồn trong lịch sử thông qua Giáo hội và các bí tích nhờ vào hành động của Chúa Thánh Thần.

b) Sự mặc khải và thông đạt này của Thiên Chúa có một bản chất bí tích: ơn thánh vô hình được thông truyền qua các dấu hiệu hữu hình. Bản chất bí tích của sự mặc khải được tri nhận nhờ đức tin.

c) Đức tin là một mối tương quan bản thân với Thiên Chúa Ba Ngôi, qua đó người ta đáp lại ơn thánh của Người, sự mặc khải bí tích của Người. Do đó, đức tin có tính yếu tính và có bản chất đối thoại. Nó cũng là một thực tại năng động đi kèm với toàn bộ cuộc sống của tín hữu. Như trong bất cứ mối tương quan nào, nó có thể phát triển và tự củng cố chính nó, nhưng cũng có những mặt đối nghịch của nó: bị suy yếu hoặc thậm chí bị lạc lối. Đồng thời, nó có một dấu ấn bản thân và giáo hội. Vì mối tương quan bản thân với Thiên Chúa Ba Ngôi đã được sống bằng đức tin, đức tin dẫn đến sự cứu rỗi và sự sống đời đời.

d) Hành động cứu độ của Thiên Chúa, tức nhiệm cục, vượt ra ngoài các biên giới hữu hình của Giáo hội. Nhân tố này dường như sẽ bác bỏ bản chất bí tích của nhiệm cục. Tuy nhiên, xem xét cẩn thận cách thức ơn cứu rỗi hành động trong các trường hợp như vậy cho ta thấy điều này: hành động cứu rỗi của Thiên Chúa, được chào đón bằng một loại đức tin mặc nhiên, không được thực hiện bên ngoài tính bí tích của nhiệm cục thần linh mà chính vì nhiệm cục này [85].

e) Dưới những hình tượng và khía cạnh khác nhau, việc cử hành các bí tích phải luôn luôn đựợc đồng hành bởi đức tin trong các khía cạnh khác nhau của nó: một đức tin bản thân, trong năng động tính của nó hướng về Thiên Chúa, vốn tham gia vào đức tin giáo hội và gắn kết với đức tin ấy thông qua mong muốn thuộc về giáo hội hoặc, ít nhất, biến thành của mình ý định chuyên biệt của giáo hội vốn cố hữu trong các cử hành bí tích. Nhờ cách này, việc cử hành bí tích không bao giờ sa vào chủ nghĩa tự động bí tích.

f) Trong chính yếu tính của nó, chính đức tin có khuynh hướng tự nhiên muốn tự phát biểu mình ra và tự nuôi dưỡng mình một cách bí tích, chính do cơ cấu bí tích của nhiệm cục vốn phát sinh ra nó. Không những đức tin vào ơn thánh cứu độ của Chúa Giêsu Kitô (Ur-Sakrament [bí tích nguyên thuỷ]) không nên đối nghịch với tính thường hằng lịch sử của nó trong không gian và thời gian nhờ Giáo hội (Grund-Sakrament [bí tích nền tảng]), mà thậm chí không nên được biểu thị như là tách biệt.

2.3. KẾT LUẬN: Tính năng động của đức tin và tính bí tích

79. Tóm lại, chúng ta có thể kết luận với một loạt các tính năng động nổi bật, vốn xuất hiện từ việc xem xét bản chất đối thoại của nhiệm cục bí tích:

a) Đức tin tạo thành đáp ứng có tính đối thoại đối với cuộc đàm luận có tính bí tích của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhân tố này niêm ấn tính hỗ tương giữa đức tin và các bí tích. Trong cuộc hành trình của tín hữu, đức tin được điều biến và phát biểu trong nhiều tình huống khác nhau của cuộc sống, được sánh bước với các bí tích khác nhau mà Giáo hội cung ứng cho đời sống Kitô hữu trong suốt cuộc hành trình trần thế.

b) Theo chính cơ cấu riêng của nó, đức tin Kitô giáo có tính bí tích. Vì lý do này, có một sự đồng bản chất (connaturality) giữa đức tin và tính bí tích. Như thế, một trong tính năng động nền tảng của đức tin hệ ở cách phát biểu có tính bí tích của nó, như một cách nuôi dưỡng, củng cố, làm phong phú và tự biểu lộ chính nó.

c) Cả chiều kích bản thân (chủ quan) lẫn chiều kích giáo hội (khách quan) của đức tin đều dự phần vào cách phát biểu bí tích của đức tin. Trong năng động tính tăng trưởng, đức tin bản thân gắn bó một cách thâm hậu hơn và được đồng nhất nhiều hơn với đức tin giáo hội. Tính hỗ tương giữa đức tin và các bí tích loại bỏ khả thể cử hành bí tích hoàn toàn xa lạ đối với đức tin giáo hội (ý định).

d) Tính bí tích riêng của đức tin luôn bao hàm một năng động lực truyền giáo, vì nó đã chủ động khắc ghi nơi tín hữu một năng động tính của nhiệm cục thần linh, ban cho họ một vai trò lãnh đạo nào đó, vai trò mà ơn thánh Thiên Chúa vốn ban năng lực cho. Những ai lãnh nhận một bí tích đều luôn tăng cường việc nên giống Chúa Kitô nhờ Chúa Thánh Thần, tái khẳng định việc họ được lồng vào giáo hội của họ và thực hiện hành vi phụng vụ ca ngợi Thiên Chúa, Đấng phân phát các điều tốt lành của Người cho chúng ta qua các bí tích. Từ quan điểm này, người ta hiểu rằng những ai lãnh nhận phép rửa, trước nhất, được ơn thánh cách nhưng không: họ được đồng hình đồng dạng với mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô; nhưng đồng thời, họ được mời gọi làm chứng cho hồng phúc nhận được qua một cuộc sống ngợi khen xuất phát từ đức tin của Giáo hội. Không ai lãnh nhận các bí tích duy nhất cho riêng mình, nhưng cũng để đại diện và củng cố Giáo hội, một việc, trong tư cách là phương tiện và dụng cụ của Chúa Kitô (x. LG 1), phải là một chứng nhân khả tín và một dấu chỉ hữu hiệu của hy vọng khi không còn hy vọng, làm chứng ơn cứu rỗi của Chúa Kitô, bí tích ưu hạng của Thiên Chúa, cho thế gian. Như thế, qua việc cử hành các bí tích và việc sống đầy đủ chúng một cách thỏa đáng, Nhiệm thể Chúa Kitô được củng cố.

Kỳ sau: 3. TÍNH HỖ TƯƠNG GIỮA ĐỨC TIN VÀ CÁC BÍ TÍCH TRONG KHAI TÂM KITÔ GIÁO