Câu hỏi 53. “Rapture”(được đem đi) là gì?


Câu hỏi 53. “Rapture”(được đem đi) là gì?

Vì sự phổ biến của những cuốn sách và bộ phim Left Behind (Bỏ Lại Đằng Sau), nhiều người Công Giáo hỏi tại sao họ lại chưa bao giờ được dạy về “rapture” (“việc được đem đi”) (xem 1 Tx 4:17). Thực sự mà nói, từ này không có trong Kinh Thánh. Điều thú vị là những người Kitô hữu luôn tin rằng chỉ có Kinh Thánh mới là thẩm quyền duy nhất (sola scriptura) lại là những người sử dụng thuật ngữ và ý niệm ngoài Kinh Thánh.

Thực ra, từ “rapture” bắt nguồn từ bản dịch Kinh Thánh tiếng Latinh của thánh Giêrônimô vào năm 400 sau Công nguyên theo ý Đức Giáo Hoàng Đamasô đệ nhất. Đây là ấn bản trọn bộ với một ngôn ngữ đầu tiên của Kinh Thánh. Cả Cựu Ước lẫn Tân Ước được chuyển dịch từ bản gốc tiếng Do Thái và Hy Lạp sang tiếng phổ thông (nhờ Đế quốc Roma, tiếng Latinh) vào thời điểm đó.

Harpagésometha là từ tiếng Hy Lạp được dùng trong thư thứ nhất của thánh Phaolô gởi tín hữu Thêxalônica (4,17). Thánh Giêrônimô đã dịch từ này thành rapiemur trong bản Kinh Thánh Phổ Thông tiếng Latinh (Vulgate Latin Bible). Cả hai từ này đều có nghĩa là “chúng ta sẽ được đem đi” hay “sẽ được bắt đi” hoặc “chúng ta sẽ được cất đi.”

Bản King James về đoạn này dịch: “Vì chính Chúa sẽ từ trời ngự xuống với tiếng sấm, với tiếng tổng lãnh thiên thần và tiếng kèn của Thiên Chúa: và những người chết trong Đức Kitô sẽ sống lại trước tiên, rồi đến chúng ta, những người đang sống, những người còn lại, sẽ được đem đi (shall be caught up) trên đám mây cùng với họ, để nghênh đón Chúa trên không trung, và như thế chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi”. Không có bản Kinh Thánh tiếng Anh nào sử dụng từ “rapture” và từ này cũng không được dạy trong cả giáo lý Công Giáo, lẫn Chính Thống và Tin Lành. Khái niệm này đến từ anh em Tin Lành phái Tin Mừng (Evangelicals) thế kỷ 19, và ngay cả những nhà cải cách như Luther, Calvin, Zwingli, Hus và Cramner (trước đó 300 năm) cũng chưa bao giờ sử dụng hoặc dạy về “rapture”. Hầu hết các Kitô hữu tin rằng vào ngày tận thế, chắc chắn vẫn còn một số người đang sống trên trái đất, những người tốt sẽ được “đem đi” trong khi người xấu sẽ bị bỏ lại, nhưng không có một giáo lý cụ thể nào về “rapture”. “Đem đi” được xem là một sự bất ngờ, giống như những hiện tượng khác được tiên báo trong sách Khải Huyền như bốn người cưỡi ngựa và bảy ấn. Chỉ gần đây, các giáo phái Kitô khác mới bắt đầu nhấn mạnh về những sự kiện khải huyền như “rapture”. Kitô giáo thời Trung Cổ và Cải Cách không tập trung vào những chi tiết nhỏ nhặt như thế vì chúng không ảnh hưởng trực tiếp đến cùng đích tối hậu của đời người là thiên đàng hay hoả ngục.

Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên

Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 77-78.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...