Câu hỏi 58. Bí tích là gì?


Câu hỏi 58. Bí tích là gì?

The Seven Sacraments (colour litho) by French School, (20th century); ( Bridgeman Art Library )


Bí tích là một dấu chỉ bên ngoài (một điều gì đó có thể đụng chạm bởi các giác quan) do Đức Giê-su thiết lập để chuyển ban ân sủng. Các bí tích là con đường chính yếu mà Ngài thông truyền sự sống mình cho chúng ta. Ví dụ, trong bí tích Rửa Tội, dấu chỉ bên ngoài là nước được đổ trên đầu ba lần nhân danh Ba Ngôi. Trong bí tích Thánh Thể, dấu chỉ bên ngoài là bánh và rượu trở nên thân thể, máu, linh hồn và thiên tính của Đức Giê-su nhờ lời truyền phép. Trong bí tích Thêm Sức, dấu chỉ bên ngoài là dầu; khi dầu được xức trên trán với lời cầu nguyện thánh hoá đặc biệt, Chúa Thánh Thần sẽ được trao ban. Trong bí tích Truyền Chức Thánh, chính việc đặt tay và xức dầu thánh tấn phong một người nam trở thành một linh mục. Trong bí tích Hôn Nhân, việc trao đổi lời hứa giữa người nam và người nữ kết hợp họ nên vợ nên chồng. Trong bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, chính là dầu được xức trên trán và lòng bàn tay của người bệnh. Cuối cùng, bí tích Hoà Giải, hối nhân xứng thú tội lỗi của mình và những lời xá giải của linh mục mang lại ơn tha thứ.


Để các bí tích được cử hành một cách hợp luật, phải có sự kết hợp của chất thể, mô thể và ý hướng. Thừa tác viên phải có ý hướng làm điều Giáo Hội làm. Chất thể của bí tích là hành động bên ngoài của thừa tác viên. Mô thể của bí tích là lời được sử dụng. Cuối cùng, thừa tác viên cử hành bí tích phải là người được trao năng quyền. Ví dụ, đối với bí tích Thánh Thể, Thêm Sức, Hoà Giải và Xức Dầu Bệnh Nhân để cử hành một cách thành sự, thừa tác viên phải là một linh mục có năng quyền do đức giám mục ban để cử hành các bí tích này. Trong bí tích hôn phối, đôi phối ngẫu là người cử hành bí tích, nhưng bí tích này phải được thực hiện trước sự hiện diện của một vị phó tế, linh mục hay giám mục được thụ phong một cách thành sự. Phó tế và linh mục phải được ủy quyền từ cha xứ hay giám mục địa phận. Trong trường hợp thụ phong, chỉ có giám mục mới có năng quyền này. Cuối cùng, với bí tích Rửa Tội, thừa tác viên thông thường là phó tế, linh mục hay giám mục. Tuy nhiên, trong trường hợp khẩn cấp, bất cứ ai cũng có thể cử hành bí tích Rửa Tội nếu họ làm theo điều Giáo Hội muốn bằng cách dùng nước và rửa tội theo công thức Ba Ngôi, đồng thời đổ nước trên đầu. Giám mục có năng quyền cử hành tất cả bảy bí tích vì ngài là thừa tác viên thông thường của mọi bí tích.
 

Mục đích của các bí tích là thánh hoá đời sống người tín hữu. Đời sống được xem là một cuộc hành hương có một khởi đầu và một kết thúc đặc biệt. Với người Công Giáo, đời sống thiêng liêng bắt đầu từ bí tích Rửa Tội và được đạt đến sự viên mãn trọn vẹn trên thiên đàng nơi Bí Tích Căn Nguyên (Primordial Sacrament) là chính Đức Ki-tô. Các bí tích nuôi dưỡng đời sống người tín hữu trong suốt hành trình này ngõ hầu họ không bị lạc lối.
 

Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên

Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 86-87.

https://sjjs.edu.vn/blog/2018/08/25/cau-hoi-58-bi-tich-la-gi/

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...