Công Đồng Vaticanô II: Tóm Lược Hiến Chế Tín Lý về Hội Thánh Lumen Gentium
Công Đồng Vaticanô II: Tóm Lược Hiến Chế Tín Lý về Hội Thánh Lumen Gentium
Tìm Hiểu Công Đồng Vaticanô II - Bài 2
Phaolô Phạm Xuân Khôi
Lumen gentium là một trong bốn hiến chế nền tảng của Công Đồng Vaticanô II. Muốn hiểu những văn kiện của Công Đồng, người ta trước hết phải hiểu hiến chế này. Lumen gentium có thể được chia thành hai phần. Phần thứ nhất gồm các chương 1 đến 4, trình bày bản chất của Hội Thánh Công Giáo, Duy Nhất và Tông Truyền. Phần thứ nhì gồm các chương 5 đến 8 trình bày những bình diện khác nhau của bình diện Thánh Thiện của Hội Thánh. Trong bài này chúng tôi cố gắng tóm lược trong 4 trang những điểm chính yếu của Lumen gentium nhằm giúp độc giả có một cái nhìn tổng quát về giáo huấn cơ bản của Công Đồng trong Hiến Chế Tín Lý về Hội Thánh, vì nó là chìa khóa để hiểu những văn kiện khác của Công Đồng.
1. Hội Thánh là Mầu Nhiệm Hiệp Thông
Lumen Gentium mở đầu với lời tuyên xưng rằng Đức Kitô là ánh sáng muôn dân (Lumen gentium). Vì mối liên hệ đặc biệt của mình với Đức Kitô, Hội Thánh là bí tích hay dấu chỉ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và sự hiệp nhất vời toàn thể nhân loại. Như thế Hội Thánh cũng là một mầu nhiệm. Hội thánh là thân thể hữu hình của Mầu Nhiệm Nhập Thể của Đức Kitô, Chúa Con, được Chúa Cha sai đến để khai trương Nước Trời trên trần gian, những cá nhân là những phần tử của Hội Thánh kết hợp với nhau thành nhiệm thể Đức Kitô. Nhiệm thể này là đại diện hữu hình của sự tốt lành của Thiên Chúa vô hình. Hiến chế giải thích rằng “Mầu nhiệm của Hội Thánh thánh thiện đã được đưa ra ánh sáng theo cách nó được thành lập, vì Chúa Giêsu đã khai trương Hội Thánh của Người bằng cách rao giảng Tin Mừng, nghĩa là, việc trị đến của Nước Thiên Chúa, là điều đã được Thiên Chúa hứa trong Thánh Kinh qua nhiều kỷ nguyên.”
Công việc mà Chúa Cha đã trao cho Chúa Con thi hành trên thế gian đã hoàn thành, và Chúa Thánh Thần được sai đến để tiếp tục thánh hóa Hội Thánh. Những ai tin có thể đến cùng Chúa Cha qua Đức Kitô trong Chúa Thánh Thần. Đối với Hội Thánh và mỗi tín hữu, Chúa Thánh Thần là nguyên tắc của sự kết hợp và hợp nhất của họ trong giáo huấn của các Tông Đồ và sự thông công cùng nhau trong việc bẻ bánh và cầu nguyện. Chúa Thánh Thần ở trong Hội Thánh và trong tâm hồn các tín hữu. Ngài hướng dẫn Hội Thánh đến toàn thể Chân Lý. Nhờ quyền năng của Tin Mừng, Chúa Thánh Thần làm cho Hội Thánh phát triển, liên tục canh tân và dẫn Hội Thánh đến kết hợp trọn vẹn với Đức Kitô. Như thế Hội Thánh sáng ngời như một dân duy nhất trong sự hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi.
Sau khi chết và sống lại, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ và đổ trên họ Chúa Thánh Thần mà Chúa Cha đã hứa. Từ đó trở đi Hội Thánh được Đấng sáng lập ban cho nhiều hồng ân và đã trung thành tuân giữ những giới luật của Người về bác ái, khiêm nhường và từ bỏ mình, cùng “nhận sứ vụ rao giảng và thiết lập giữa muôn dân vương quốc của Đức Kitô và của Thiên Chúa. Hội Thánh là hạt giống và khởi đầu của vương quốc ấy nơi trần gian. Trong khi từ từ đi đến trưởng thành, Hội Thánh mong chờ ngày Nước Thiên Chúa được hoàn thành. Với tất cả sức lực của mình, Hội Thánh hy vọng và mong ước được kết hợp với Vua của mình trong vinh quang.
Theo Lumen Gentium thì Đức Kitô là trung tâm của giáo huấn về Hội Thánh. Qua việc truyền thông Thần Khí của Người, Đức Kitô kết hợp những anh em mà Người mời gọi từ mọi dân tộc lại thành nhiệm thể của Người. Là chi thể của nhiệm thể của Người, các tín hữu sống trong Đức Kitô, được gọi qua Bí Tích Rửa Tội thành một Tinh Thần duy nhất. Thực sự được thông phần vào Mình Máu Chúa trong bí tích Thánh Thể, chúng ta được đưa vào hiệp thông với Chúa và với nhau, được kết hợp thành một nhiệm thể duy nhất của Đức Kitô. Để xây dựng nhiệm thể này, các chi thể có những chức năng khác nhau.
Hội Thánh nhìn nhận Đức Kitô là Đầu của thân thể cùng là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” và trong Người mọi sự được tạo thành. Mọi phần tử của Hội Thánh phải được đúc theo hình ảnh của Người, cho đến khi Đức Kitô được hình thành nơi họ (x. Gl 4:19).
Trở nên mẫu gương của một người chồng yêu thương vợ mình như chính mình, Đức Kitô yêu thương Hội Thánh như hiền thê của Người, và Hội Thánh nhìn nhận mối liên hệ của mình với Đức Kitô. Đấng trung gian, Đức Kitô, đã thành lập và không ngừng duy trì Hội Thánh thánh thiện của Người dưới thế, là cộng đồng đức tin, đức cậy, và đức mến, như một tổ chức hữu hình, hay một bí tích, mà qua đó Người truyền đạt chân lý và ân sủng cho mọi người. Sau khi phục sinh, Đức Kitô đã trao Hội Thánh này cho Thánh Phêrô cai quản. Như Đức Kitô thi hành công trình cứu độ của Người trong nghèo khó và áp bức, Hội Thánh cũng được mời gọi đi theo cùng một con đường trong khi truyền thông cho nhân loại hoa quả của ơn cứu độ. Hội Thánh không tìm vinh quang thế trần, nhưng rao giảng sự khiêm nhường và tự hiến bằng chính gương sáng của mình.
2. Hội Thánh là Dân Thiên Chúa
Thiên Chúa không muốn cứu độ và thánh hóa con người như những cá nhân không có sự liên hệ gì với nhau, nhưng biến họ thành một dân có thể nhận biết Ngài và phục vụ Ngài trong sự thánh thiện. Thiên Chúa đã thiết lập một giao ước với dân Israel, và Đức Kitô đã thiết lập một Giao Ước Mới với Hội Thánh, một Giao Ước được đóng ấn bằng chính máu Người. Người triệu tập một chủng tộc mới bao gồm cả người Do Thái lẫn Dân Ngoại và họ sẽ nên một, không theo xác thịt, nhưng trong Thần Khí. Chủng tộc mới này là “dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa” (1 Ph 2:9-10). Vì là hàng “tư tế vương giả” nên mọi tín hữu đều được thừa hưởng chức tư tế của Đức Kitô. Lumen Gentium dùng thuật ngữ “chức tư tế cộng đồng của các tín hữu” để phân biệt chức tư tế thừa tác của các giám mục và linh mục. Mọi tín hữu đều là tư tế cộng đồng, trong khi chỉ có những người được thánh hiến bởi Bí Tích Truyền Chức Thánh mới là những tư tế thừa tác. Chức tư tế công đồng cũng được gọi là “chức tư tế vương giả”, một thuật ngữ được sử dụng khi các tín hữu tham gia vào việc dâng của lễ trong bí tích Thánh Thể. Họ thi hành chức tư tế ấy qua việc lãnh nhận các bí tích, cầu nguyện, tạ ơn, và làm nhân chứng bằng đời sống thánh thiện, từ bỏ mình và tích cực trong việc bác ái. Ngoài ra tất cả các phần tử của Hội Thánh cũng được chia sẻ sứ vụ Ngôn Sứ và Vương Giả của Đức Kitô qua việc rao giảng và làm chứng Tin Mừng cùng phục vụ tha nhân.
Vấn đề người ta có thể được cứu độ bên ngoài Hội Thánh hay không cũng được trình bày trong văn kiện này. Trước hết, Công Đồng khẳng định rằng Hội Thánh cần thiết cho ơn cứu độ, cho nên những ai biết rằng Hội Thánh cần thiết cho ơn cứu độ mà không chịu gia nhập hay không tiếp tục ở lại trong Hội Thánh thì không được cứu độ. Còn những ai không phải do lỗi của riêng mình, không biết Tin Mừng của Đức Kitô hay Hội Thánh của Người, nhưng vẫn tìm kiếm Thiên Chúa với một lòng chân thành, và được ân sủng tác động, cố gắng làm theo Thánh Ý Thiên Chúa mà họ biết qua tiếng nói của lương tâm, những người ấy cũng có thể được cứu độ. Lumen gentium cũng nhìn nhận rằng Hội Thánh liên hệ với những người đã được rửa tội, và nhìn nhận họ là Kitô hữu, mặc dù họ không hoàn toàn hiệp thông với Hội Thánh và Đấng Kế Vị Thánh Phêrô.
3. Phẩm Trật Hội Thánh
Chương 3 của Lumen gentium bàn về phẩm trật trong Hội Thánh, một cấu trúc bắt nguồn từ Chính Chúa Giêsu khi Người tuyển chọn mười hai Tông Đồ mà Người gọi đích danh và đặt làm những người lãnh đạo. Chúa còn tuyển chọn những môn đệ tụ tập chung quanh các Tông Đồ. Tân Ước chứng tỏ rằng có những cấp bậc môn đệ khác nhau. Lumen Gentium giải thích phẩm trật này của Hội Thánh được truyền lại như thế nào qua các các Tông Đồ, là những vị đã được Đức Kitô đặc biệt ban Thánh Thần. Qua việc đặt tay của mình, các ngài đã truyền lại cho những người trợ giúp các ngài ơn Chúa Thánh Thần, là điều được truyền lại cho đến thời đại chúng ta qua việc truyền chức giám mục và linh mục. Hơn nữa, tài liệu nói rất rõ rằng qua việc đặt tay và qua những lời truyền phép, ân sủng của Chúa Thánh Thần được ban cho, và một ấn tích thánh được in trên các vị, đến nỗi các giám mục và linh mục, một cách hữu hình, thay thế chính Đức Kitô để là thầy dạy, mục tử, cùng hành động như những đại diện của Người.
Khi nói về mối liên hệ giữa các giám mục và Đức Giáo Hoàng, Lumen gentium nói rằng “Chức vụ của các giám mục như những người kế vị Tông Đồ Đoàn trong vai trò là thầy dạy và mục tử, và trong đó Tông Đồ Đoàn được tồn tại. Cùng với đầu của họ, là Đức Thánh Cha, và không bao giờ tách khỏi ngài, các giám mục có quyền tối cao và đầy đủ trên Hội Thánh hoàn vũ; nhưng quyền này không thể được thực thi mà không có sự ưng thuận của Đức Giáo Hoàng.” Sau đó tài liệu giải thích thêm về mối liên hệ giữa các giám mục và Đức Giáo Hoàng. “Cá nhân các giám mục là nguồn mạch hữu hình và nền tảng của sự hiệp nhất trong Hội Thánh địa phương của họ, là những Hội Thánh được thành lập theo mô hình của Hội Thánh hoàn vũ; chính trong những Hội Thánh này và hình thành từ chúng mà có Hội Thánh Công Giáo duy nhất. Và chính vì lý do đó mà mỗi giám mục đại diện cho Hội Thánh riêng của mình, trong khi tất cả các gám mục, cùng với Đức Giáo Hoàng, đại diện cho toàn thể Hội Thánh trong mối dây hòa bình, yêu thương và sự hợp nhất.”
Các linh mục, trong mối liên hệ với các giám mục đã được mô tả như “những cộng sự viên và cơ quan ngôn luận cùng hỗ trợ của Giám Mục Đoàn, được mời gọi để phục vụ dân Thiên Chúa.” Các linh mục cùng với giám mục của mình, tạo thành một “linh mục đoàn duy nhất” tận tâm với những nhiệm vụ khác nhau. “Trong mỗi cuộc tụ tập địa phương của các tín hữu, theo một nghĩa nào đó, họ đại diện giám mục, mà với ngài họ liên quan trong tất cả niềm tin và sự đại lượng”.
Các phó tế, ở mức độ thấp hơn của phẩm trật, nhận được việc đặt tay “không phải cho chức linh mục, nhưng cho việc phục vụ.” Chức phó tế vĩnh viễn được Công Đồng Vatican II phục hồi, và Lumen gentium trình bày các nhiệm vụ liên quan đến chức vụ này. Phó tế có thể ban bí tích rửa tội trọng thể, họ có thể giám sát và cho rước Mình Thánh, họ có thể, nhân danh Hội Thánh, giúp đỡ và chúc lành các cuộc hôn nhân, họ có thể mang của ăn đàng cho người lâm tử, họ có thể đọc Thánh Kinh cho các tín hữu , hướng dẫn và khuyên nhủ dân chúng, và chủ tọa những buổi phụng tự và lời nguyện giáo dân, và họ có thể ban các á bí tích và cử hành tang lễ và mai táng.
4. Giáo Dân
Ơn gọi của giáo dân được nói đến trong Chương 4 của Lumen gentium. Vì có một một tài liệu riêng của Công Đồng về chủ đề này là Sắc Lệnh Tông Đồ Giáo Dân, nên chúng tôi sẽ trình bày ơn gọi này cách vắn tắt ở đây. Trước hết giáo dân là những người đã được rửa tội nhưng không có chức thánh hoặc sống đời thánh hiến như các tu sĩ. Qua bí tích rửa tội, giáo dân hợp thành dân Thiên Chúa và được thiết lập trong Nhiệm Thể Đức Kitô như những chi thể. Giáo dân, bất kể là ai, như những chi thể sống động, được mời gọi xây dựng Hội Thánh và để thánh hóa liên tục tất cả các khả năng mà họ đã nhận được từ lòng nhân lành của Đấng Tạo Hóa và từ ân sủng của Đấng Cứu Thế .... Việc tông đồ của giáo dân là sự chia sẻ trong sứ vụ cứu độ của Hội Thánh.... Tuy nhiên, giáo dân được ơn gọi đặc biệt này là làm cho Hội Thánh hiện diện và hiệu quả ở những nơi và hoàn cảnh mà chỉ qua họ Hội Thánh mới có thể trở thành muối đất, đó chính là môi trường sống hằng ngày của họ giữa lòng thế gian. Giáo dân được mời gọi dâng lên Chúa những lao công và vui buồn sướng khổ thường nhật của họ hiệp cùng với Hy Lễ của Đức Kitô như những của lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa. Họ được mời gọi làm nhân chứng cho Đức Kitô và đem Tin Mừng vào thế gian để sinh động hóa trật tự trần thế.
5. Lời Mời Gọi Nên Thánh Phổ Quát
Lumen Gentium đưa ra một “lời mời gọi nên thánh phổ quát.” Hiến chế nói rẳng trong Hội Thánh mọi người đều được mời gọi đến sự thánh thiện của Đức Kitô, Đấng được ca ngợi là “Đấng Thánh”, Đấng yêu thương Hội Thánh như Hiền Thê uốn mình theo hình ảnh Đức Kitô, tìm Thánh Ý Chúa Cha trong mọi sự. Những cặp vợ chồng và cha mẹ… qua tình yêu chung thủy và nâng đỡ nhau cả cuộc đời, cùng thấm nhuần con cái bằng chân lý và nhân đức Kitô giáo. Những người lao động … phải cố gắng nâng xã hội và tạo vật lên một cách sống mới qua công việc hằng ngày họ có thể đạt được tình trạng thánh thiện tông đồ. Những người bị đè bẹp bởi nghèo khổ, bệnh tật và những khó khăn khác có thể biết rằng họ được kết hợp với sự đau khổ của Đức Kitô để cứu độ thế gian.
6. Các Tu Sĩ
Hội Thánh luôn tôn trọng và đề cao những người theo đuổi những lời khuyên Phúc Âm hiến thân trong đời sống tu trì. Lumen gentium viết rằng “Mẹ Hội Thánh vui mừng rằng có trong mình rất nhiều những người nam nữ người theo đuổi việc từ bỏ mình của Chúa Cứu Thế cách gần gũi hơn và bày tỏ một cách rõ ràng hơn, bằng cam kết sống sống khó nghèo với sự tự do của con cái Thiên Chúa, và từ bỏ ý riêng mình: họ chịu phục tùng con người vì tình yêu Thiên Chúa, do đó họ vượt quá phạm vi những gì là giới luật trong việc hoàn thiện, ngõ hầu làm cho mình trở nên giống sự vâng phục của Đức Kitô cách trọn vẹn hơn.”
7. Bản Chất Cánh Chung của Hội Thánh Lữ Hành và Sự Kết Hợp với Hội Thánh trên Trời
Trong khi suy niệm về tính mầu nhiệm và bí tích của Hội Thánh hiện diện giữa chúng ta và trong vinh quang vĩnh hằng, chúng ta không thấy hai Hội Thánh, nhưng một Hội Thánh duy nhất đang lữ hành và ở trên trời trong vinh quang. Hội Thánh lữ hành chỉ đạt được sự hoàn thiện trọn vẹn trong vinh quang Thiên Quốc. Hợp cùng Đức Kitô trong Hội Thánh và được đánh dấu bằng Chúa Thánh Thần là “bảo chứng cho phần gia nghiệp của chúng ta” (Eph 1:4). Chúng ta thực sự được gọi là con cái Thiên Chúa, nhưng chúng ta chưa xuất hiện cùng Đức Kitô trong vinh quang. Một tình yêu chung thúc đẩy chúng ta sống nhiều hơn cho Người, là Đấng chết và sống lại vì chúng ta. Vì chúng ta không biết ngày giờ Chúa trở lại nên chúng ta phải luôn sẵn sàng trong niềm hy vọng được kết hợp với Người trên Thiên Quốc. Niềm hy vọng này giúp chúng ta hiệp thông sâu xa với tất cả những ai sống trong ân sủng của Chúa, là những người vẫn còn ở nơi dương thế, những người trong Luyện Ngục và những người trên Thiên Đàng. Hội Thánh khuyến khích chúng ta sùng kính các Thánh vì các ngài thông phần vào Hội Thánh lữ hành qua việc chuyển cầu, làm mẫu gương nên thánh cùng chia sẻ trên Thiên Quốc Phụng Vụ Thánh của chúng ta dưới thế. Công Đồng cũng khuyến khích tín hữu cầu nguyện cho những người quá cố.
8. Vai Trò của Đức Mẹ trong Mầu Nhiệm của Đức Kitô và Hội Thánh
Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, giữ một vai trò đặc biệt và cao quý trong Hội Thánh, nhưng Lumen gentium kêu gọi các tín hữu tôn Mẹ trong nội dung giáo lý chân chính và những giáo huấn của Hội Thánh liên quan đến Mẹ. Lumen gentium nói rằng trong công trình cứu độ, Đức Mẹ đóng vai trò Mẹ Đấng Cứu Thế. Mẹ nổi bật trong những số người nghèo khổ và khiêm hạ của Chúa, là những người tin tưởng mong chờ ơn cứu độ của Người. Mẹ không hợp tác với Thiên Chúa một cách thụ động nhưng qua đức tin và việc tự nguyện vâng phục.
Tuy chỉ có một mình Đức Kitô là Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, nhưng vì là Mẹ Đức Kitô thì cũng là Mẹ Hội Thánh là nhiệm thể Người. Mẹ cũng có nhiệm vụ chăm sóc và bầu cử cho chúng ta qua Đức Kitô. Mẹ kết hợp với Đức Kitô thế nào thì cũng kết hợp với Hội Thánh như thế. Hơn nữa, Mẹ là mẫu gương cho Hội Thánh và các tín hữu. Các môn đệ Đức Kitô đang cố gắng nên thánh phải nhìn lên Đức Mẹ như mẫu gương nhân đức, suy niệm về Mẹ trong ánh sáng của mầu nhiệm Nhập Thể và noi gương Mẹ.
Lumen gentium khuyên nhủ các tín rằng những hình thức khác nhau trong việc sùng kính Mẹ Thiên Chúa mà Hội Thánh đã phê chuẩn trong phạm vi giáo lý chắc chắn và chính thống đảm bảo rằng trong khi Mẹ được tôn vinh, thì Chúa Con, mà nhờ Người mọi sự được tạo thành và trong Người mà Chúa Cha được đẹp lòng cùng tất cả sự viên mãn cư ngụ, cũng phải được biết đến, yêu mến và tôn vinh, và giới răn của Người được tuân giữ. Trong khi cảnh báo các tín hữu về việc sùng kính Đức Mẹ, Lumen gentium cũng khuyến khích các giáo sĩ cổ võ lòng sùng kính Mẹ, giữ lại những sắc lệnh đã được đưa ra trước đây về việc tôn kính hình ảnh Đức Kitô, Đức Mẹ và các Thánh, và cũng yêu cầu tránh những hình thức sùng kính thái quá.
http://www.kinhthanhvn.org/viewItem.jhtml?itemId=6713