Lễ Hiển Linh và công cuộc Loan báo Tin Mừng


Lễ Hiển Linh và công cuộc Loan báo Tin Mừng

“Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi.” “Lạy Chúa, mọi dân tộc trên địa cầu đều thờ lạy Chúa.” “Nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể và đồng thông phần với lời hứa của Người.” “... có mấy nhà đạo sĩ từ phương đông tìm đến... để triều bái Người.” Đây là một số Lời Chúa chúng ta nghe trong thánh lễ trọng thể mừng Lễ Hiển Linh.

Đặc biệt, câu truyện các đạo sĩ trình bày toàn bộ Phúc Âm thu nhỏ về những đối tượng khác nhau tiếp nhận Tin Mừng. Mẹ Maria và thánh Giuse đại diện cho những người Do Thái có lòng tin; vua Hêrôđê đại diện những người Do Thái cứng lòng tin hoặc không có lòng tin; các nhà đạo sĩ đại diện cho những người dân ngoại có tâm trí cởi mở và trái tim rộng mở. Một huyền thoại thú vị cổ xưa nói rằng các nhà đạo sĩ này thực sự đã trở thành các nhà thừa sai Kitô giáo đầu tiên, khi những nỗ lực của các ngài vừa có cả thành công lẫn thất bại vì những người dân ngoại mà các ngài rao giảng có người có lòng tin có người không có lòng tin.

Chắc chắn, điểm mấu chốt của ngày lễ này là “các dân ngoại được nên đồng thừa tự với người Do Thái”, nhưng điều này xảy ra như thế nào? Thánh Phaolô đưa ra câu trả lời: “Nhờ rao giảng Tin Mừng.” Nếu cần phải phá vỡ ngăn cách giữa người Do Thái và dân ngoại, thì điều đó chỉ có thể xảy ra khi cả hai đều được tiếp xúc với sự thật cứu độ của Chúa Giêsu Kitô. Điều đó xảy ra nhờ quá trình rao giảng Phúc Âm, tức là chia sẻ Tin Mừng. Đại lễ Hiển Linh là lời mời gọi chúng ta suy ngẫm về nhiệm vụ cao cả rao giảng Tin Mừng cho thế giới.

Mối quan tâm cơ bản của Giáo hội ở mọi thời đại phải là loan báo Tin Mừng. Vì lý do đó, các Nghị phụ Công đồng Vatican II, trong sắc lệnh về hoạt động truyền giáo, Ad Gentes (Đến với muôn dân), đã dạy: “Tự bản chất, Giáo hội lữ hành là Giáo hội truyền giáo” [n. 2]. Vài năm sau, chân lý này lại được nhấn mạnh trong tông huấn quan trọng Evangelii Nuntiandi (Loan báo Tin Mừng) của Đức Phaolô VI. Điều quan trọng là phải hoàn toàn chú trọng vào sự thật này vì đó là một trong những bản sắc của Kitô giáo. Chẳng hạn, Do Thái giáo không quan tâm như thế đến việc truyền đạo; dĩ nhiên những người quyết tâm theo đạo sẽ không bị bỏ mặc, nhưng đó không phải là một mục tiêu chính của truyền thống tôn giáo đó. Đó cũng không phải là mục tiêu chính của nhiều tôn giáo Đông phương, như Phật giáo hay Shinto (Thần đạo) hay Đạo giáo. Điều gì khiến cho chúng ta khác biệt? Không gì khác hơn là tuân thủ Lời Chúa Kitô dạy: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em.” (Mt 28,19)

Và từ các Đạo sĩ đến các nhà truyền giáo hiện đại, Tin Mừng đã được chia sẻ và bắt rễ ở mọi châu lục. Có những thời điểm Tin Mừng không phải lúc nào cũng được rao giảng một cách đúng đắn và đã để cho các lợi ích thế tục được phép chen vào; vào những thời điểm khác, có người đã cố gắng giết cả sứ điệp lẫn sứ giả của Tin Mừng, để đất của nhiều quốc gia thấm đẫm dòng máu các vị tử đạo.

Tuy nhiên, truyền giáo không phải là công việc của quá khứ; cũng không phải là trách nhiệm của một số ít người được chọn. Ngược lại, loan báo Tin Mừng là nghĩa vụ và đặc ân của mỗi người Kitô hữu đã lãnh nhận phép thanh tẩy vào mọi lúc ở mọi nơi. Năm 1990, Đức Thánh Cha đã ban cho Giáo hội một món quà là tông thư mang tên Redemptoris Missio (Sứ Vụ của Đấng Cứu Thế), về giá trị vĩnh viễn của sứ mệnh truyền giáo của Giáo hội.

Trong văn kiện đó, Đức Giáo hoàng coi toàn bộ Truyền thống của Giáo hội là điểm xuất phát của ngài, đặc biệt là Vatican II, biểu hiện rõ ràng nhất của Truyền thống trong Giáo hội đương đại. Ngài đã dành nhiều phần để chứng minh nhiều điều, trong đó có Chúa Kitô là nguồn cứu rỗi duy nhất cho loài người; Giáo hội là dấu chỉ và công cụ cần thiết của ơn cứu độ; loan báo Đức Kitô là trọng tâm chính của sứ mệnh Công giáo dành cho thế giới.

Tại sao cần phải có thông điệp đó? Tôi nghĩ rằng đó là bởi vì nhiều người trong Giáo hội, qua một thứ hình thức đại kết lẫn lộn và mơ hồ, đã đi đến một quan điểm cho rằng tôn giáo nào cũng tốt đẹp như nhau, và do đó, không ai nên tìm cách lôi kéo người khác gia nhập Giáo hội Công giáo. Tuy nhiên, điều đáng kinh ngạc hơn cả là nhiều nhà truyền giáo cũng bắt đầu chia sẻ cái não trạng  đó, thu gọn bản thân, công việc và Giáo hội chỉ còn, theo một cách tốt đẹp nhất, là những người cung cấp các dịch vụ xã hội, hoặc, theo một cách tệ hại nhất, là những nhà cách mạng chính trị và thậm chí là bạo lực.

Có lẽ đoạn văn khiến chúng ta lo ngại nhất trong toàn bộ tông thư là “con số những người... không thuộc về Giáo hội ... đã tăng gần như gấp đôi” kể từ khi Công đồng Vatican II kết thúc (số 3). Hãy tưởng tượng - số người không liên quan đến Giáo hội đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng 25 năm!

Đôi khi người ta hỏi tôi rằng Thiên Chúa sẽ làm gì đối với tất cả những dân tộc trên thế giới chưa bao giờ nghe nói về Chúa Giêsu Kitô. Họ có bị kết án không? Họ có được cứu rỗi bằng một cách thức khác không? Tôi để lại những thứ đó cho Thiên Chúa... Thay vì vậy tôi sẽ hỏi Chúa Kitô sẽ xét đoán tôi như thế nào, bởi vì có quá nhiều người chưa bao giờ được nghe Lời cứu độ của Người – lý do chính xác là vì tôi thiếu nhiệt tình hoặc muốn tránh xa công việc truyền giáo của Giáo hội.

Hôm nay các đạo sĩ dâng cho Chúa Giêsu những món quà là vàng, nhũ hương và một dược, và tôi chắc chắn rằng những món quà đó làm hài lòng Trái tim Chúa. Nhưng nếu những người tìm kiếm chân lý đầu tiên đó thực sự trở thành những nhà thừa sai Kitô giáo đầu tiên, thì Trái Tim của Chúa Kitô còn vui mừng hơn bao giờ hết. Bạn có muốn tặng cho “Vua người Do Thái mới sinh” một món quà không? Tôi xin đề nghị bạn cầu nguyện cho một người chưa phải là tín đồ và làm việc với người đó để đưa người đó vào sự viên mãn của sự thật và sự sống mà chỉ có thể tìm thấy trong Giáo hội

của Chúa Kitô. Đó có thể là một món quà thực sự có ý nghĩa đối với vị vua sơ sinh. Điều đó sẽ cho mọi người biết bạn là một người thừa kế xứng đáng tiếp nối công việc truyền giáo của các nhà đạo sĩ.

Hỡi các đạo sĩ Caspar, Melchior và Balthasar, xin cầu nguyện cho chúng tôi, để chúng tôi có thể trở thành những nhà truyền giáo can đảm loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô.

Tác giả: Peter M.J. Stravinskas

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...