Phúc-âm-hóa thế giới tục hóa

Phúc-âm-hóa thế giới ngày nay là một nhiệm vụ mà Hội Thánh đặt niềm hi vọng lớn lao ở đó; tuy nhiên Hội Thánh biết rõ vô vàn trở ngại phải đối diện trong công việc này do những thay đổi rất nhanh diễn ra trên bình diện cá nhân và xã hội, nhất là nền văn hóa hậu hiện đại đang bị khủng hoảng trầm trọng.

Phúc-âm-hóa thế giới tục hóa

 
  •    
    •    
Photo by nwcatholic.org
PHÚC-ÂM-HÓA THẾ GIỚI TỤC HÓA
Tác giả: Lm. Thomas Rosica, CSB
Nguồn: 
icpesg.wordpress.com

Người dịch: Thiên Triệu
WHĐ (28.7.2020) – Trong Đại hội Thánh Thể quốc tế lần thứ 51 tại Cebu, Philippines, tôi được mời suy tư về đề tài “Phúc-âm-hóa thế giới thế tục,” một đề tài vốn ở tâm điểm tác vụ của tôi suốt 30 năm qua. Vì là sinh viên, giảng viên, người yêu mến Kinh Thánh, tôi muốn khai triển đề tài này qua lăng kính của Tân Ước, lăng kính đã cung cấp cho tôi tầm nhìn, năng lực, sự năng động và những hình ảnh cho công việc của tôi những năm qua.
Phúc-âm-hóa thế giới ngày nay - được Thánh Gioan Phaolô II nhấn mạnh và được khắc họa rõ nét dưới triều giáo hoàng của Đức Bênêđictô XVI - là một nhiệm vụ mà Hội Thánh đặt niềm hi vọng lớn lao ở đó; tuy nhiên Hội Thánh biết rõ vô vàn trở ngại phải đối diện trong công việc này do những thay đổi rất nhanh diễn ra trên bình diện cá nhân và xã hội, nhất là nền văn hóa hậu hiện đại đang bị khủng hoảng trầm trọng.
Tại sao ngày nay Phúc-âm-hóa lại mang tính thách đố như thế? Tại sao chúng ta thường gặp phải sự thiếu hiểu biết hoặc dửng dưng với sứ điệp của Đức Giêsu Kitô? Tại sao trong nhiều xã hội và nền văn hóa của chúng ta, Thiên Chúa lại bị gạt ra bên lề? Có lẽ đôi khi chúng ta tự hỏi tại sao người ta không quan tâm đến những chuyện kể và công việc của chúng ta, và tại sao người trẻ không quan tâm đến việc chúng ta làm. Phải chăng một phần lý do là vì chúng ta đã không kể câu chuyện của mình cách đúng hướng, hoặc chẳng kể gì hết? Chúng ta có nhìn cuộc đời mình trên nền lịch sử cứu độ và lịch sử Kinh Thánh không? Làm thế nào để có thể nắm bắt lại kho tàng và tính năng động của Lời Chúa? Làm thế nào để ngày nay có thể rao giảng Lời Chúa cách có thẩm quyền? Nếu quyền năng của Lời Chúa trong Kinh Thánh phải được cảm nhận trong đời sống và sứ vụ của Hội Thánh, thì chúng ta phải tỉnh thức để Kinh Thánh thực sự có vị trí ưu tiên trong đời sống của mình.
Tôi cho là phần lớn những khó khăn chúng ta cảm nghiệm trong nỗ lực Phúc-âm-hóa là do không hiểu biết Kinh Thánh. Để trích lời của thánh Giêrônimô, Giáo phụ và Tiến sĩ Hội Thánh: “Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô”. Việc thiếu hiểu biết hay “mù” Kinh Thánh có liên quan trực tiếp đến những nỗ lực Phúc-âm-hóa nền văn hóa chung quanh chúng ta. Làm thế nào để Kinh Thánh một lần nữa trở thành tâm điểm trong nỗ lực Phúc-âm-hóa? Làm thế nào để tâm hồn con người bừng cháy nhờ Đấng Phục sinh, Đấng mong người ta chạm đến bản văn ghi Lời của Ngài và được những lời đó đánh động sâu xa?
Bất cứ khi nào nói đến việc Phúc-âm-hóa, tôi cũng nghe nói về những nỗi sợ hãi của nhiều người Công giáo, những nỗi sợ hãi có thể ngăn cản chúng ta trở thành một Hội Thánh Phúc-âm-hóa.
Trước hết, muốn tỏ ra mình “lịch sự” và bị tác động bởi cách hiểu sai về đại kết hoặc đối thoại liên tôn, nhiều người Công giáo không muốn áp đặt lên người khác, hoặc không muốn người ta hiểu lầm là chúng ta tỏ ra mình hơn họ.
Thứ hai, nhiều người Công giáo sợ ngay cả từ “Phúc-âm-hóa” vì sợ là người ta sẽ nêu những câu hỏi mà mình không trả lời được. Vượt qua trở ngại này có nghĩa là chúng ta phải học hỏi nhiều hơn về Đức Kitô, Kinh Thánh, về giáo huấn, lịch sử và truyền thống phong phú của Hội Thánh.
Trở ngại thứ ba là không biết Kinh Thánh. Phúc-âm-hóa có nghĩa là loan báo Tin Mừng Đức Giêsu Kitô trong Tân Ước. Làm sao có thể loan báo Tin Mừng này khi thính giả không biết đến từ vựng, ngôn ngữ và hình ảnh trong Tin Mừng?
Đây là điểm được đề cập đến nhiều lần trong Thượng hội đồng giám mục năm 2008 về “Lời Chúa trong đời sống và sứ mạng của Hội Thánh”. Tôi chứng kiến tận mắt điều này vì được trao nhiệm vụ về truyền thông cho Thượng hội đồng, mảng tiếng Anh. Không ai trình bày vấn đề này cách sắc nét cho bằng Đức hồng y Georges của Chicago. Trong một tham luận ngắn nhưng sắc sảo, ngài nói: “Đằng sau sự mất mát những hình ảnh Kinh Thánh là sự đánh mất cảm thức và hình ảnh về Thiên Chúa như tác nhân trong lịch sử nhân loại. Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa vừa là tác giả vừa là tác nhân chính. Trong Kinh Thánh, chúng ta gặp gỡ vị Thiên Chúa sống động, Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacóp, Thiên Chúa Cha của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người dân của chúng ta phần lớn không sống trong thế giới của Kinh Thánh, thế giới với thần linh đang hoạt động, thiên thần và ma quỷ, một thế giới tìm kiếm ý muốn và ý định của Thiên Chúa vì được cai quản bởi sự quan phòng của Ngài. Kinh Thánh sử dụng văn loại “hình tượng” và thế giới Kinh Thánh trở thành bối rối cho con người ngày nay”.
Linh mục Thomas Rosica, CSB thuyết trình trong Đại hội Thánh Thể Quốc Tế, năm 2016 tại Cebu, Philippines
1. Hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu
Chúng ta hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu, người rao giảng Tin Mừng tuyệt hảo, đã cống hiến cho chúng ta một phương pháp bảo đảm trong việc loan báo và sống Tin Mừng. Ngài là một bậc thầy, nhà truyền thông tuyệt hảo và là mẫu mực cho tất cả những ai tìm cách thông truyền Tin Mừng và phúc-âm-hóa nền văn hóa ngày nay. Chúa Giêsu dùng các dụ ngôn để dạy những bài học rất quan trọng. Bằng các dụ ngôn, Chúa Giêsu cố gắng chuyển tải bản tính đích thực của Đấng Thiên Chúa yêu thương và nhân hậu. Những câu chuyện tuyệt vời này làm chứng về Đấng Thiên Chúa lắng nghe tiếng kêu khóc của người nghèo và bảo vệ kẻ mồ côi, góa bụa, di dân. Thiên Chúa của Kinh Thánh là Đấng Thiên Chúa cùng đau khổ với dân. Thiên Chúa đến ở giữa chúng ta như một trẻ thơ mong manh, sinh ra giữa những kẻ vô gia cư, sống như một người di cư và tị nạn, liên đới với những kẻ bị xã hội gạt bỏ, và so sánh Nước Trời với việc đón nhận một trẻ nhỏ. Rồi vị Thiên Chúa này bị hành hình và được chôn táng trong một nấm mồ đi mượn. Vì tính gián tiếp của dụ ngôn nên những kẻ thù địch chỉ bám vào văn tự đã không hiểu được sự khôn ngoan của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để đáp lại những vấn nạn nóng bỏng của các môn đệ và các tông đồ về sự hiện diện của Thiên Chúa, về đời sống của họ với Chúa và về những thách đố, những khủng hoảng họ phải chịu khi thi hành sứ vụ nhân danh Chúa.
2. Dụ ngôn Người gieo giống
Nhiều câu chuyện trong Tin Mừng cho thấy Chúa Giêsu nhìn chung quanh xem có thể dùng cái gì để minh họa cho sứ điệp của Ngài. Một trong những chuyện đó là dụ ngôn Người gieo giống, một dụ ngôn với nhiều sự tương phản. Với các thính giả lúc đó là người Galilê, hình ảnh gieo giống là hình ảnh rất thân quen. Dụ ngôn gây ngạc nhiên về nhiều mặt. Trước hết, dụ ngôn mô tả người gieo giống có vẻ thiếu cẩn trọng. Ông ta gieo hạt mà không tính toán, vì gieo cả ở những nơi không có hi vọng phát triển. Hạt giống đầu tiên rơi xuống vệ đường, không có cơ may lớn lên. Hạt giống thứ hai rơi vào nơi sỏi đá, mọc ngay nhưng cũng chết nhanh. Hạt giống thứ ba rơi vào bụi gai và bị chết nghẹt. Cuối cùng hạt thứ tư rơi trên đất tốt và sinh hoa kết quả, lại là kết quả rất lạ thường. Mùa gặt thông thường trong một năm được mùa là một hạt được gấp 7, nhưng không bao giờ có chuyện gấp 30 hay 60, thậm chí 100! Ở đây tiềm năng sinh sôi của hạt giống vượt ngoài sự tưởng tượng.
Tôi muốn tập trung vào dụ ngôn Người gieo giống trong Tin Mừng Matthêu (13, 1-23). Trong phần giải thích dụ ngôn, Chúa Giêsu nói đến những loại đất khác nhau đã đón nhận hạt giống, nghĩa là những thái độ khác nhau khi đón nhận lời rao giảng. Có 4 loại người tiếp nhận: (1) những người không bao giờ chấp nhận lời của Nước Trời (13,19); (2) những người tin ngay nhưng rồi sa ngã vì bị bách hại (13,20-21); (3) những người tin nhưng nơi họ, Lời bị bóp nghẹt vì những lo lắng sự đời và những cuốn hút của cải (13,22); (4) những người đón nhận Lời và sinh hoa kết quả phong phú (13,23). Như vậy người gieo giống ở đây là người hào phóng quá sức chứ không phải là người dại dột và phí phạm.
Thánh Matthêu lấy hầu hết bài tường thuật của thánh Marcô nhưng ngài lại thêm vào viễn tượng riêng của mình. Trong phần giải thích dụ ngôn cỏ lùng (Mt 13,36-43), có một dòng rất đặc biệt. Khi các môn đệ đến xin Chúa Giêsu giải thích dụ ngôn, Ngài nói: “Ruộng là thế giới này và hạt giống tốt là con cái Nước Trời” (câu 38). Thiên Chúa hoạt động trong thế giới chứ không chỉ trong Hội Thánh. Thế giới là thực tại hỗn hợp giữa cái tốt và cái xấu, và cộng đoàn (Hội Thánh) không thể tách ra khỏi cỏ lùng. Sự giải thoát hoàn toàn khỏi sự ác chỉ đến trong thời tận cùng khi, theo lời dụ ngôn, người công chính sẽ sáng chói “như mặt trời”, còn trong lúc này, cộng đoàn Hội Thánh có mặt trong thế giới, giữa cỏ lùng và lúa.
Chúng ta có thể học được gì từ các Kitô hữu của Matthêu trong nỗ lực phúc-âm-hóa nền văn hóa thời đại chúng ta? Trong thời điểm phát sinh cuộc phản kháng của người Do Thái chống lại Rôma và sự đàn áp tàn bạo của Rôma năm 70, cộng đoàn của Matthêu phải đấu tranh để tự xác định, giữa những thay đổi chóng mặt đối với Kitô giáo Do Thái cũng như với Do Thái giáo Palestine. Thánh Matthêu viết sách Tin Mừng cho một cộng đoàn Kitô hữu Do Thái như thế, đang sống trong cơn sóng thần của lịch sử, lo lắng về mối liên hệ của mình với cội rễ lịch sử thánh trong Do Thái giáo, và run rẩy trước một tương lai hứa hẹn những thay đổi cốt lõi, kể cả tàn phá. Giống như “kinh sư được học hỏi về Nước Trời” hay “chủ nhà” - cả hai hình ảnh về người lãnh đạo được Chúa Giêsu dùng ở phần cuối diễn từ bằng các dụ ngôn (Mt 13) - thánh Matthêu phải rút ra từ kho tàng của mình “cả cái mới lẫn cái cũ” nhằm phục vụ lợi ích của cộng đoàn.
Theo cách trình bày của thánh Matthêu về Chúa Giêsu, chúng ta thấy được những thay đổi rất lớn. Chúa Giêsu khởi đầu sứ vụ công khai bằng việc nhấn mạnh sứ vụ của Ngài chỉ dành cho chiên lạc nhà Israel. Thế nhưng qua kinh nghiệm về sự chết và sống lại, và qua những cuộc gặp gỡ với những người đặc biệt ở vùng biên của cộng đoàn - những bệnh nhân và dân ngoại - đến phần kết thúc của Tin Mừng Matthêu trong khung cảnh vĩ đại trên núi (Mt 28), Đấng Phục sinh lại sai các môn đệ đến với “muôn dân”. Đây là bài sai vĩ đại cho các môn đệ lúc bấy giờ cũng như cho Hội Thánh ở mọi thời.
Theo Matthêu, Chúa Giêsu bắt đầu dự trù bước ngoặt này (từ chỗ tập trung hoàn toàn vào Israel đến sứ vụ bao hàm cả người Do Thái và dân ngoại) khi Ngài gặp những người dân ngoại mong đón nhận Tin Mừng. Chúng ta có thể thoáng thấy sự mở rộng sứ vụ này trong trình thuật Ba đạo sĩ đọc được ý nghĩa của ngôi sao và đi tìm Đấng Mêsia; hoặc câu chuyện về viên bách quản Rôma ở Capharnaum xin Chúa Giêsu chữa lành cho tôi tớ của ông, gợi lên nơi Chúa Giêsu một viễn tượng về sứ vụ tương lai vượt trên những biên giới của Israel - “nhiều người sẽ từ phương đông và phương tây tới đồng bàn với Abraham”. Làm sao có thể quên người phụ nữ xứ Canaan hết lòng hết sức năn nỉ Chúa Giêsu chữa bệnh cho con gái bà, hoặc hai người bị quỷ ám ở miền Gadara, “từ trong đám mồ mả” ra đón Chúa Giêsu khi Ngài “sang bờ bên kia” thuộc miền Thập tỉnh? Trong câu chuyện cảm động đó, sự sống gặp gỡ sự chết, bị kềm kẹp giữa những mồ mả.
Ruộng là thế giới, và những con người nói trên vốn ở vùng biên và bên ngoài biên giới của Israel trong Kinh Thánh nay bước vào lãnh địa của Tin Mừng và trở nên thành phần chính trong sứ vụ của Chúa Giêsu. Đó là điều xảy ra cách bất ngờ khi hạt giống được gieo trong thế giới chứ không chỉ trong Hội Thánh. Với Tin Mừng của Matthêu, chúng ta được nhắc nhớ rằng ruộng mà nơi đó vận mệnh Thiên Chúa ban cho chúng ta được khai mở là thế giới chứ không chỉ đơn thuần là Hội Thánh; Thánh Thần hoạt động trong thế giới và ở đó, giữa sự lẫn lộn của lúa và cỏ lùng, chúng ta phải làm việc cho công trình cứu độ xét như là Dân Thiên Chúa, chăm chú lắng nghe Lời Chúa trong những biến cố, chuyển động, đau khổ trong lịch sử nhân loại. Nhiều lần lặp đi lặp lại, câu chuyện Kinh Thánh chỉ cho chúng ta thấy cái mà ta có thể gọi là những biến cố thế tục, kể cả những điều kinh tởm và hủy hoại, lại là những biến cố đẩy lịch sử đi tới và là bối cảnh của mặc khải Thiên Chúa.
Cũng như người gieo giống gieo hạt ở cả những nơi ít có hi vọng đem lại kết quả, Chúa Giêsu luôn khai mở dòng chảy hiệp thông với những người khép kín con tim, cặp mắt và đôi tai trước lời của Ngài. Một đàng, nếu người ta phải có trách nhiệm về sự mù lòa và điếc lác của mình đối với Lời Chúa, thì đàng khác, các môn đệ cũng chẳng làm được gì để có khả năng hiểu biết. Khả năng đó hoàn toàn là ơn ban. Chúng ta có thể học sự kiên nhẫn của Thiên Chúa khi Ngài cho phép cả cái tốt và cái xấu cùng lớn lên. Khi chúng ta - xét như là Hội Thánh, các cộng đoàn Kitô hữu, những cá nhân - cứ cố gắng để “không vướng vào cỏ lùng”, thì chúng ta lại đánh mất sự nhạy bén và tính Công giáo của mình.
Trong bài “Suy tư Kinh Thánh về Phân định xem chúng ta là ai và đi đâu”, cha Donald Senior, CP, đã viết rất hay:
“Israel không được hình thành trong cõi trống không nhưng trong tương tác với nền văn hóa Canaan và những nền văn hóa cổ xưa khác ở Trung Đông. Sự tương tác với những nền văn hóa này đã đem lại cho Israel ngôn ngữ, văn hóa, nhiều biểu tượng và nghi thức tôn giáo, những hình thức điều hành đất nước. Những trực giác và biểu tượng căn bản vốn đã trở thành ngôn ngữ đức tin trong Kinh Thánh, (những điều đó) được sinh ra từ giữa lòng kinh nghiệm lịch sử riêng của Israel: những đau khổ vì bị áp bức; những khát vọng về dân tộc tính và cấu trúc chính trị hợp nhất; sự hòa trộn giữa thành phố thủ đô và đền thánh trung tâm; bi kịch của thất bại và lưu đầy; niềm hi vọng kiên cường về nền hòa bình và an ninh tối hậu.”
Rồi tác giả tiếp tục: “Cũng thế, Tân Ước được hình thành từ sự tương tác mạnh mẽ của những thôi thúc tôn giáo, di sản linh thánh và những kinh nghiệm văn hóa và lịch sử phong phú. Sứ vụ của Chúa Giêsu không hướng tới một Israel trừu tượng nhưng là một dân đã trải nghiệm niềm hi vọng bị tan vỡ khi cuộc phản kháng của Israel bị đè bẹp và sự tàn bạo của quân chiếm đóng Rôma. Do đó rất nhiều biểu tượng tôn giáo riêng của Chúa Giêsu, được rút ra từ Do Thái giáo, là những biểu tượng về quy tụ và chữa lành, hòa giải và tha thứ, về đổi mới và niềm hi vọng không vơi cạn ngay giữa những đau khổ lớn lao. Con chiên lạc được tìm thấy; tội nhân và kẻ bị loại trừ nay được đưa vào; bệnh nhân và người mang thương tích được chữa lành; kẻ chết trỗi dậy và Vương quốc Thiên Chúa được loan báo đã đến gần. Tất cả những điều đó phản ánh thảm kịch diễn ra trên thế giới và trong lịch sử thời Chúa Giêsu.”
Ruộng là thế giới này, và con đường hướng tới tương lai được Thiên Chúa chuẩn bị cho chúng ta hầu hết không chỉ bằng cách dìm mình trong những truyền thống và sự khôn ngoan của Hội Thánh, nhưng còn là tỉnh thức trước thế giới và những gì diễn ra trên thế giới, nơi Thánh Thần cũng đang hoạt động. Thật vậy, chúng ta phải cẩn trọng để không bị nhận chìm quá đáng trong những chuyện nội bộ Hội Thánh, nhưng phải thường xuyên hướng nhìn thế giới, vị trí và trách nhiệm của chúng ta ở đó. Thử nghĩ đến cuộc khủng hoảng về lạm dụng tình dục đã gây bao thiệt hại cho Hội Thánh, nhưng cũng có thể là cơ may cho Hội Thánh, để biết hối hận về tính giáo sĩ trị và thiếu minh bạch của mình, và là thời điểm để cam kết đặt việc bảo vệ những người dễ bị tổn thương lên trên nỗi sợ hãi vì lo lắng cho Hội Thánh và những người lãnh đạo Hội Thánh. Ruộng là thế giới này - không chỉ như đối tượng của sứ vụ Kitô trong lịch sử nhưng như chất xúc tác của Thánh Thần đánh thức lương tri của chính Hội Thánh.
Món quà vĩ đại - Công đồng Vaticanô II, không chỉ phát xuất từ trực giác mang tính tiên tri của Thánh Gioan XXIII, nhưng từ những biến cố có tính tàn phá của Đệ nhị thế chiến, có lẽ của cả phong trào Khai sáng và cuộc cách mạng công nghệ trước đó, những biến cố tích lũy lại đưa Hội Thánh đến chỗ phải đối diện với những thực tại của thời hiện đại.
3. Sự khẩn cấp
Đức Giáo hoàng Phanxicô kêu mời chúng ta trở thành những chứng nhân, nhà thừa sai và môn đệ. Đó là sứ vụ phúc-âm-hóa ngày nay. Không có gì mới. Cái mới ngài mang tới là sự khẩn cấp mới, đam mê mới, và tôi gợi ý là cả sự chân chính mới. Đối với Đức Giáo hoàng Phanxicô, quyền lực chân chính là sự phục vụ. Ngài nhắc nhở chúng ta ngày này qua ngày khác rằng việc phúc-âm-hóa không phải là hoạt động xã hội, cũng chẳng phải là phục vụ đời sống thiêng liêng, nhưng là cả hai. Chúng ta càng tỏ ra mối quan tâm chân thành và những hành động hữu hiệu để làm vơi đi những cái xấu trong xã hội và giải thoát người nghèo, thì Tin Mừng càng trở nên đáng tin hơn. Ngược lại, hoạt động xã hội chỉ vươn cao khi Tin Mừng được công khai loan báo cùng với hành động.
Nếu chúng ta quyết định đợi tới khi Hội Thánh và toàn thể cộng đoàn Công giáo sống thật tốt lành, mọi vấn nạn và nghi ngờ được giải quyết, mọi xì-căng-đan chấm dứt, mọi nguồn lực tài chính cho các chương trình được bảo đảm, mọi tranh cãi chấm dứt, mọi Kitô hữu và người Công giáo sống hài hòa với nhau... thì sẽ chẳng bao giờ có được.
Đức Kitô đã không thiết lập một Hội Thánh dành cho các thánh và các thiên thần nhưng là dành cho các tội nhân - những người giống như chúng ta, đang cố gắng sống tốt và sống đẹp nhưng cũng biết rằng tinh thần thì nhanh nhẹn, xác thịt lại yếu đuối. Hơn hai ngàn năm qua, chúng ta chưa bao giờ là hoàn hảo và cũng sẽ chẳng bao giờ. Ngay cả khi dạy chúng ta rao giảng Tin Mừng hi vọng, giải thoát và cứu độ, Đức Kitô cũng cảnh giác chúng ta về những xì-căng-đan rình rập trên từng bước đi (x. Lc 17,1-2). Trong các thư của thánh Phaolô, những tội lỗi và vi phạm ngài nói tới không chỉ là của dân ngoại mà của cả các Kitô hữu. Ngay từ đầu, Hội Thánh đã có những chuyện “không ổn”! Chúng ta là một dân tội lỗi cần phải hoán cải. Nhưng điều an ủi là biết rằng Chúa cùng đi với chúng ta. Ngài ở trên thuyền với chúng ta, kể cả khi có vẻ Ngài đang ngủ. Chúa không bỏ rơi chúng ta.
4. Nuối tiếc quá khứ
Đức Giáo hoàng Phanxicô thường xuyên quy chiếu về trình thuật hai môn đệ trên đường Emmaus (Lc 25,13-25), một trình thuật hậu Phục sinh tuyệt hảo. Vì đã viết luận văn về đoạn Kinh Thánh này nên một câu hỏi thường xuất hiện trong tâm trí tôi: tại sao thánh Luca lại dành quá nhiều giờ để kể câu chuyện Emmaus, chỉ có trong sách Tin Mừng của ngài? Hầu chắc câu chuyện được kể để đáp lại sự vắng mặt về thể lý của Chúa Giêsu, sự vắng mặt mà những kẻ theo Ngài cảm thấy như mất mát. Chủ đề chính của câu chuyện là việc nhận ra Chúa, không chỉ là sự hiện diện thể lý, nhưng là sự hiện diện đầy quyền năng của Ngài trong Kinh Thánh và trong việc bẻ bánh. Vấn đề là thánh Luca đã sử dụng câu chuyện thế nào để dạy các độc giả của ngài vào những năm 80 sau Chúa Giêsu. Có lẽ họ nói với nhau: “Những người sống cách mình 50, 60 năm trước may mắn quá vì họ tận mắt nhìn thấy Chúa”; “Giá mà Chúa ở đây với chúng ta bây giờ”. Có lẽ hai môn đệ cũng rơi vào nỗi nuối tiếc quá khứ như thế!
Sự nuối tiếc khiến người ta cho rằng nếu mình có mặt ở đó, lúc ấy, thì mình đã khác, trong suy nghĩ, trong đức tin. Thế nhưng thánh Luca nói rằng ngay cả những người có mặt ở đó đã không nhận ra Chúa Giêsu cho đến khi Kinh Thánh được “mở ra” và bánh “Thánh Thể” được sẻ chia. Ý nghĩa căn bản là thế này: thế hệ đã qua cũng không may mắn và được chúc phúc (vì thấy Đấng Phục sinh) hơn thế hệ hiện nay đã không thấy Ngài! Niềm tin vào Chúa Giêsu vượt trên lịch sử, không gian và thời gian. Các Kitô hữu thời thánh Luca và các Kitô hữu ngày nay vẫn có cùng những yếu tố thiết yếu để nhận ra Chúa: đó là Kinh Thánh và Thánh Thể.
Làm thế nào Chúa Giêsu hiện diện sống động giữa chúng ta? Tâm hồn chúng ta có bừng cháy tình yêu dành cho Chúa không? Chúng ta có để cho tâm hồn những người khác bừng cháy vì Chúa Giêsu không? Hay chúng ta lại là nguyên cớ gây chán nản nơi những người chúng ta được sai đến? Người dân có xa tránh chúng ta vì sự nguội lạnh của chúng ta không? Chúng ta có kinh nghiệm về “con tim bừng cháy” khi nghe Lời Chúa trong Thánh Lễ hoặc khi cầu nguyện riêng không, lúc nào? Chúng ta có nuối tiếc về đời sống đức tin của mình, của Hội Thánh, trong quá khứ không, lúc nào? Tình bạn của chúng ta với Đức Kitô có khả năng lây lan cho người khác không? Chúng ta có thực sự tin rằng Chúa đang cùng đi với mình ngày nay không?
Ngỏ lời với các Giám mục Hoa Kỳ, ngày 23 tháng 9 năm 2015, tại Washington, DC., Đức Giáo hoàng Phanxicô đã kết thúc diễn từ tuyệt vời của ngài bằng những lời này: “Do đó, chỉ có Hội Thánh nào có thể quy tụ chung quanh ngọn lửa gia đình mới có thể lôi cuốn những người khác. Và không phải bất cứ thứ lửa nào nhưng là ngọn lửa chói chang vào buổi sáng Phục sinh. Đấng Phục Sinh tiếp tục thách đố Hội Thánh qua tiếng kêu thầm lặng của biết bao anh chị em chúng ta: “Anh em có gì ăn không?” Chúng ta cần nhận ra tiếng nói của Chúa như các Tông đồ đã nhận ra trên bờ biển Tiberia (Ga 21,4-12). Tiếng nói đó càng cần được lớn lên trong niềm xác quyết rằng ánh sáng hiện diện của Chúa, được thắp lên từ ngọn lửa cuộc khổ nạn, đang đi trước chúng ta và sẽ không bao giờ tàn lụi. Bất cứ khi nào xác quyết đó yếu đi, chúng ta chỉ còn là những người chăm sóc đống tro tàn, chứ không phải là những người canh giữ và phân phát ánh sáng đích thực cùng với hơi ấm làm trái tim ta bừng cháy bên trong (Lc 24,32).”
5. Lòng thương xót
Tháng 3 năm 2015, Đức Giáo hoàng Phanxicô gây ngạc nhiên cho toàn thế giới khi loan báo Năm Thánh Lòng thương xót. Ngài mong muốn Năm Thánh này là dịp để đi sâu hơn về mặt thiêng liêng và trở thành chứng nhân của lòng thương xót Kitô giáo cho thế giới. Lòng thương xót là chủ đề rất thân thương với Đức Phanxicô như được diễn tả qua khẩu hiệu giám mục của ngài “Miserando atque eligendo”, dịch sát là “Được chọn qua cặp mắt của lòng thương xót”. Trong giờ đọc kinh Truyền tin lần đầu tiên sau khi được bầu chọn, Đức Phanxicô đã nói: “Cảm nhận lòng thương xót, từ ngữ này thay đổi mọi sự. Đây là điều tốt đẹp nhất chúng ta có thể cảm nhận: điều đó thay đổi thế giới. Một chút lòng thương xót thôi cũng làm cho thế giới bớt lạnh lẽo và nhiều công chính hơn. Chúng ta cần hiểu cho đúng lòng thương xót này của Thiên Chúa, Đấng là Người Cha nhân hậu và kiên nhẫn" (17-3-2013).
Trong Tông huấn Niềm vui Phúc Âm, người ta đọc thấy 32 lần từ Lòng thương xót được nhắc tới. Trong giờ đọc Kinh Truyền tin ngày 11 tháng 1 năm 2015, ngài nói: “Ngày nay rất cần đến lòng thương xót và điều quan trọng là người giáo dân phải sống lòng thương xót và mang lòng thương xót vào những môi trường xã hội khác nhau. Hãy đi! Chúng ta đang sống trong thời đại của lòng thương xót. Đây là thời đại của lòng thương xót”.
Trong Sứ điệp Mùa Chay 2015, Đức thánh cha bày tỏ: Tôi mong ước biết bao tất cả những nơi nào Hội Thánh hiện diện, cách riêng các giáo xứ và các cộng đoàn, đều trở thành những ốc đảo của lòng thương xót giữa đại dương vô cảm và dửng dưng!” Rồi ngài lặp lại tư tưởng này: “Thương xót không chỉ là một thái độ mục vụ; thương xót là chính bản chất của sứ điệp Tin Mừng”.
Làm thế nào để Năm Thánh có thể là con đường và phương pháp Phúc-âm-hóa? Đức Giáo hoàng Phanxicô muốn toàn thể Hội Thánh, bắt đầu từ các hồng y, giám mục, linh mục và những người sống đời thánh hiến, mở lòng mình ra với lòng thương xót của Thiên Chúa và tìm những cách thế cụ thể để thực hành lòng thương xót trong các lãnh vực mục vụ. Là Giám mục Rôma, ngài làm gương trước bằng lời nói và việc làm, chỉ cho thấy lòng thương xót là gì đối với người nghèo, người vô gia cư, tù nhân, di dân, bệnh nhân và người bị bách hại. Với ngài, những người đó là “thân xác Đức Kitô”.
Trong bài giảng cho các tân hồng y ngày 15 tháng 2 năm 2015, ngài nhắc lại: “Từ thời Công đồng Giêrusalem, con đường của Hội Thánh vẫn là đường của Chúa Giêsu, con đường của thương xót và khôi phục”. Điều đó có nghĩa là “đón tiếp đứa con hoang đàng biết hối cải; chữa lành những thương tích tội lỗi cách can đảm và quyết tâm; xắn tay áo lên thay vì đứng bên lề và nhìn cách thụ động nỗi đau khổ của thế giới”.
Đức Giáo hoàng Phanxicô không có những câu trả lời dễ dãi cho những vấn đề lớn, những khủng hoảng và những vấn nạn của thời đại chúng ta. Ngài thấy rõ cánh đồng Phúc-âm-hóa là thế giới ngài đang sống, thế giới mà Thiên Chúa yêu thương quá đỗi. Ngài muốn tạo dựng một nền văn hóa và tiến trình trong đó chúng ta có thể phân định tốt hơn những câu trả lời của Thánh Thần cho những vấn nạn của chúng ta, không nhất thiết phải mang tính tuyệt đối nhưng là có ý nghĩa trong thời đại chúng ta. Ngài đã viết rằng, “chúng ta không thể để cho niềm hi vọng của mình bị lu mờ vì những câu trả lời và giải pháp dễ dãi chặn đường tiến bộ, phân mảnh thời gian và biến thời gian thành không gian. Thời gian luôn lớn hơn không gian nhiều. Không gian làm khô cứng các tiến trình, còn thời gian đẩy tới tương lai và thúc giục chúng ta bước tới trong hi vọng”.
6. Sự mạnh bạo
Trong sách Công vụ Tông đồ 4,13, chúng ta gặp một trong những khủng hoảng đầu tiên trong việc Phúc-âm-hóa mà Hội Thánh sơ khai phải đối diện, và thấy được Thánh Thần hiện diện ra sao trong sự kiện đó. Phêrô và Gioan bị bắt và bị đem ra trước quan quyền, bị tra hỏi, bị đe dọa và bị cấm không được nói nhân danh Chúa Giêsu nữa. Khi được thả ra, Phêrô và Gioan về với cộng đoàn và chính ở thời điểm này, cộng đoàn dâng lời cầu nguyện tha thiết (4,24-30). Lý do các tín hữu cầu nguyện không phải vì sợ hãi cuộc bách hại nhưng vì Lời Chúa bị xiềng xích, bị ngăn cản bằng vũ lực, bị đe dọa và nhận chìm. Khi họ cầu nguyện xong thì “nơi họ họp nhau rung chuyển, ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh bạo nói Lời Thiên Chúa” (4,31).
Từ “mạnh bạo” ở đây được dịch từ “parreisa” trong Kinh Thánh Tân Ước. Mạnh bạo ở đây là hoa quả của sự can đảm. Mặc cho những đe dọa, mặc cho những thách đố, mặc cho những khó khăn, kể cả phải mất mạng, chúng ta không được xiềng xích Lời Chúa nhưng phải rao giảng Lời cách can đảm và mạnh bạo.
Về mặt chính trị, không có gì là đúng đắn về việc rao giảng và sống Tin Mừng. Thật vậy, theo cách nhìn và lối sống thế gian, có những khi sứ điệp Tin Mừng bị cho là hoàn toàn sai lầm! Tin Mừng Đức Giêsu Kitô phải được loan báo bằng sự can đảm và mạnh bạo. Đó là sự mạnh bạo không mang tính áp đặt, không cứng cỏi, không chửi bới, không xúc phạm ai, không khoe khoang - nhưng nơi đâu Thánh Thần được ban xuống tràn đầy, trên các cá nhân cũng như cộng đoàn, thì Hội Thánh có nghĩa vụ phải công bố và loan báo Đức Giêsu Kitô cách mạnh bạo, thẳng thắn. Chúng ta phải mạnh bạo và sáng tạo trong những nỗ lực mục vụ giới trẻ.
7. Niềm vui Phúc Âm
Trong Tông huấn Niềm vui Phúc Âm, Đức Giáo hoàng Phanxicô mời gọi và thách thức chúng ta vượt ra ngoài “những vùng tiện nghi”. Ngài muốn chúng ta trở thành những con người ấm áp, đón tiếp và tha thứ. Ngài muốn chúng ta ăn uống với những người thu thuế và kẻ tội lỗi; tha thứ cho người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình (đồng thời khuyên chị đừng phạm tội nữa); đón tiếp và tôn trọng ngoại kiều (kể cả kẻ thù) và nhất là đừng xét đoán người khác. Ngài nói cách đơn sơ nhưng mạnh mẽ và đẹp đẽ về sự trở về với mối hiệp nhất đã mất, một mong ước hoàn thành sự phong phú đã bị tổn thương, mời gọi cùng nhau làm chứng cho vẻ đẹp của tình yêu Đức Kitô. Ngài muốn chúng ta bắc những nhịp cầu mọi người có thể bước qua. Đặc biệt là ngài ý thức về người nghèo và những người bị gạt ra bên lề, bị loại trừ ngoài lề xã hội.
Đức Giáo hoàng Phanxicô dạy chúng ta rằng Phúc-âm-hóa ngày nay đòi hỏi “sự canh tân Hội Thánh không thể thoái thác”. Ngài thường tuyên bố: “Tôi mơ về một chọn lựa thừa sai, nghĩa là sự thúc đẩy có khả năng biến đổi mọi sự, đến nỗi các tập quán của Hội Thánh, những cách làm, thời giờ và chương trình, ngôn ngữ và cấu trúc, đều có thể được khai thông nhằm mục đích Phúc-âm-hóa thế giới chứ không chỉ là để tồn tại”.
Về việc cần có niềm vui trong công cuộc Phúc-âm-hóa, ngài viết: “Có những Kitô hữu mà cuộc đời họ giống như Mùa Chay không có Phục sinh... Sứ giả Tin Mừng đừng bao giờ nhìn giống như người mới đi đưa đám về”.
Về việc gần gũi với người dân, ngài viết: “Một cộng đoàn phúc- âm-hóa phải dấn mình vào cuộc sống hằng ngày của người dân; bắc nhịp cầu nối đôi bờ xa cách, hạ mình xuống khi cần thiết, chăm chút sự sống con người, chạm đến thân xác đau khổ của Đức Kitô nơi người khác”.
Ngài mô tả một Hội Thánh lên đường là Hội Thánh mở cửa. Tốt hơn, nên chậm lại, bỏ sang một bên sự vội vã để nhìn thấy và lắng nghe người khác, ở lại với người đã lạc đường. Hội Thánh cần rao giảng ơn cứu độ chứ không phải giáo thuyết. Sẽ mất quân bình nếu Hội Thánh “nói về lề luật nhiều hơn ân sủng, về Hội Thánh nhiều hơn về Đức Kitô, về Giáo hoàng nhiều hơn về Lời Chúa”.
Phúc-âm-hóa phải là lời mời gọi đáp lại tình yêu của Thiên Chúa và tìm kiếm điều tốt đẹp nơi tha nhân. “Nếu lời mời gọi này không chiếu tỏa cách mạnh mẽ và cuốn hút thì lâu đài giáo huấn luân lý của Hội Thánh có nguy cơ trở thành lâu đài bằng giấy, và đó là nguy cơ lớn nhất của chúng ta. Điều đó có nghĩa là không phải Tin Mừng được rao giảng nhưng chỉ là một vài điểm về giáo thuyết và luân lý đặt nền trên những chọn lựa có tính ý thức hệ”.
Về nhu cầu phải mở rộng cánh cửa bí tích: “Cho dù là sự viên mãn của đời sống bí tích, Thánh Thể không phải là phần thưởng cho những người hoàn thiện nhưng là phương dược và lương thực mạnh sức cho người yếu đuối”. “Tôi muốn nhắc nhở các linh mục rằng Tòa giải tội không phải là phòng tra tấn nhưng đúng hơn là sự gặp gỡ lòng thương xót của Chúa, thúc đẩy chúng ta làm điều tốt nhất. Những “cuộc chiến” nội bộ trong Hội Thánh - khuynh hướng tạo ra những nhóm ưu tuyển, áp đặt một vài ý tưởng, kể cả dấn mình vào “việc bách hại nhìn như săn bắt phù thủy” - tất cả đều là phản chứng của Phúc-âm-hóa. Chúng ta sẽ loan báo Tin Mừng cho ai nếu chúng ta hành xử như thế?”
Trong Thánh lễ cầu cho việc Phúc-âm-hóa các dân tộc, cử hành tại Parque Bicentenario (Công viên Nhị bách niên) ở Quito, ngày 7 tháng 7 năm 2015, Đức Giáo hoàng Phanxicô tập trung vào chủ đề Hiệp nhất và Độc lập. Đức Thánh Cha nói về tiếng kêu hiệp nhất của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc ly, và tiếng kêu đòi độc lập của châu Mỹ La tinh được ghi nhớ tại công viên, nơi cử hành phụng vụ: “Tôi muốn nhìn hai tiếng kêu này - hiệp nhất và độc lập - nối kết với nhau trong tầm nhìn tuyệt đẹp của Phúc-âm-hóa”. Ngài nói tiếp: “Chúng ta phúc-âm-hóa không phải bằng những lời lẽ đao to búa lớn, hay bằng những ý niệm phức tạp, nhưng bằng niềm vui của Phúc Âm”.
“Phúc-âm-hóa có thể là con đường hợp nhất những hi vọng, những mối quan tâm, những lý tưởng, kể cả những mơ mộng của chúng ta. Chúng ta tin vào điều này và lớn tiếng công bố. Tôi đã từng nói, trong thế giới của chúng ta, cách riêng trong một vài đất nước, có những hình thái khác nhau của chiến tranh và xung đột đang trỗi dậy, thế nhưng người Kitô hữu chúng ta vẫn luôn bám chắc vào ý định tôn trọng người khác, chữa lành thương tích, bắc những nhịp cầu, củng cố các tương quan và mang đỡ gánh nặng cho nhau” (Evangelium gaudium, số 67).
Ước mong hiệp nhất thúc đẩy niềm vui Phúc-âm-hóa, niềm xác tín rằng chúng ta có một kho tàng bao la để chia sẻ, kho tàng đó lại càng lớn hơn khi được chia sẻ, và ngày càng nhạy bén hơn trước nhu cầu của người khác (ibid., số 9). Do đó cần phải làm việc cho sự đón nhận ở mọi bình diện, tránh những hình thức ích kỷ, phải xây dựng sự hiệp thông và đối thoại, khuyến khích sự hợp tác. Chúng ta cần tận tâm với những bạn đồng hành trên đường đi, không nghi ngờ và bất tín. “Tin tưởng người khác là một nghệ thuật, và hòa bình là nghệ thuật” (ibid., số 244). Sự hiệp nhất của chúng ta khó lòng tỏa sáng nếu tính thế gian làm cho chúng ta xâu xé lẫn nhau trong cuộc kiếm tìm vô ích quyền lực, uy tín, khoái lạc hay bảo đảm kinh tế.
8. Kết luận
Chuẩn mực đánh giá cuối cùng những cố gắng về mục vụ, thiêng liêng, giáo dục và phúc-âm-hóa của chúng ta là ở chỗ này: chúng ta có đánh giá những nỗ lực của mình theo tâm trí của Đức Kitô không. Ngài là Chúa của lịch sử. Thế giới và thời gian của chúng ta thuộc về Ngài. Vậy hãy đánh giá mọi sự chúng ta làm dựa vào tiêu chuẩn này, là chúng ta đã mở mắt mình và mở mắt cho người khác ra sao trước vẻ đẹp sáng ngời của Đức Kitô. Nếu chúng ta muốn là những sứ giả, khí cụ, người mang sứ điệp Vui mừng và Hi vọng, hình ảnh của Niềm vui Phúc âm trong thế giới ngày nay, thì chúng ta phải trực tiếp gặp gỡ Đức Giêsu Kitô, Đấng là niềm vui và hi vọng của gia đình nhân loại. Gặp gỡ Ngài trong Hội Thánh, trong các bí tích và trong phụng vụ. Hãy ghi nhớ những lời Đức Giáo hoàng Phanxicô nói với các sứ thần Tòa thánh (25/6/2015):
“Không thể đại diện cho một ai đó mà lại không phản ánh những đặc tính, không gợi lên khuôn mặt của người đó.” “Đừng đánh mất tầm nhìn dung nhan của Đấng ở cội nguồn hành trình của anh em.” “Tôi thúc giục anh em đừng mong chờ những mảnh đất dọn sẵn nhưng hãy can đảm trồng cấy bằng chính đôi tay của mình - không có máy kéo hoặc những dụng cụ hữu hiệu mà chúng ta chẳng bao giờ bảo đảm được. Hãy tự mình chuẩn bị mảnh đất để gieo trồng, và với sự kiên nhẫn của Thiên Chúa, đợi chờ mùa gặt, mùa gặt mà có lẽ anh em không phải là người được thụ hưởng; đừng tìm cá trong bể nuôi hay trong trang trại, nhưng hãy can đảm ra khỏi vùng bình yên (của những gì đã biết rõ) và thả lưới bắt cá ở những nơi ít ngờ tới. Đừng chỉ quen ăn thứ cá đã đóng gói sẵn.” “Hãy dạy người ta cầu nguyện bằng cách chính mình cầu nguyện; hãy loan báo đức tin bằng chính việc tin; hãy làm chứng bằng chính đời sống của mình”.
Một linh mục nổi tiếng dòng Tên, cha Walter Burghard, có lần giảng Chúa nhật Mùa Chay ở Đại học Georgetown, Washington, DC, ngài trích dẫn một câu của Nietzsche “Các Kitô hữu này nhìn không giống những người đã được cứu độ”. Rồi ngài kết luận: “Việc đền tội cho anh chị em là: hãy (sống làm sao để người ta thấy anh chị em) như người được cứu độ”. Những lời đó cũng được nói với chúng ta. Hãy đi loan báo Niềm vui Tin Mừng của Chúa Giêsu! Hãy đi và trở thành niềm vui và hi vọng cho thế giới!
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, số 112 (tháng 5 & 6 năm 2019)
Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...