Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Khi hai phó tế phục vụ Thánh lễ, người ta hiểu rằng một phó tế là phó tế cho Phụng vụ Lời Chúa và một phó tế là phó tế cho Phụng vụ Thánh Thể. Tuy nhiên, có sự bất đồng về việc liệu có hay không có các phần “nói” chuyển dịch với phụng vụ. Liệu mỗi phó tế có các phần nói liên quan đến phụng vụ được chỉ định của mình, hay liệu phó tế Lời Chúa phải công bố lời chúc lành bình an và lời giải tán cộng đoàn? - C. D., Colorado Springs, Colorado, Hoa Kỳ.

Đáp: Theo một tài liệu của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, phó tế trong Thánh lễ có các vai trò chính như sau:

“Khi có một phó tế trong Thánh lễ, thầy thực hiện thừa tác của mình trong lễ phục của thầy (số 338). Phó tế:

“- hỗ trợ linh mục và đứng bên cạnh linh mục (trừ khi thầy mang Sách Tin Mừng, và trong trường hợp đó, thầy đi trước linh mục);

“- phụ trách chén thánh hoặc Sách lễ Rôma ở bàn thờ;

“- công bố bài Tin Mừng và, theo yêu cầu của linh mục chủ tế, có thể thuyết giảng (số 55);

“- đưa ra các chỉ dẫn kịp thời cho tín hữu và loan báo các ý trong Lời nguyện chung;

“- giúp linh mục chủ tế cho Rước lễ, đặc biệt là thừa tác của Máu Thánh, tráng chén và xếp đặt các bình thánh;

“- khi cần, thực hiện vai trò của các thừa tác viên khác khi họ không có mặt ở đó (số 171).

Ngay cả các quy định trên hoặc các quy định tổng quát cũng không đi sâu vào chi tiết liên quan đến việc phân chia vai trò của hai phó tế, mặc dù khả năng này tồn tại trong Sách Lễ Nghi Giám mục, và là khá phổ biến trong các dịp long trọng đặc biệt, hoặc cho các Thánh lễ đồng tế.

Sách Lễ Nghi Giám mục, số 122, trong mục “Thánh lễ chặng viếng, Stational Mass” của Giám mục giáo phận, đưa ra ưu tiên cho ít nhất ba phó tế: “Một phó tế công bố bài Tin Mừng và thừa tác viên bàn thờ, hai phó tế trợ giúp Giám mục. Nếu có nhiều hơn ba phó tế, các vị nên phân chia các thừa tác cho phù hợp, và ít nhất một vị chịu trách nhiệm hỗ trợ sự tham gia tích cực của các tín hữu”.

Vì lý do này, các quy định về điểm này là không tuyệt đối và cho phép một mức độ linh hoạt nhất định, để thích ứng với các hoàn cảnh đặc biệt. Đồng thời, có một số khía cạnh của việc trang trí phụng vụ cần được tôn trọng càng nhiều càng tốt.

Tất cả mọi thứ đều là bình đẳng, nên khi có hai phó tế, họ thường được chia làm phó tế Lời Chúa và phó tế Thánh Thể. Tuy nhiên, cần phải nói rằng các thuật ngữ này, mặc dù là phổ biến, không là chính thức và thường không có trong các sách phụng vụ. 

Ngoài việc công bố bài Tin Mừng và các lời nguyện chung, phó tế Lời Chúa cỏn đưa ra lời mời chúc bình an và các can thiệp khác, như “Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an”. Phó tế Lời Chúa đứng bên trái chủ tế trong phần Phụng vụ Thánh Thể; ngoài ra, thầy có thể xông hương cho Thánh Thể trong phần Kinh nguyện Thánh Thể.

Phó tế Thánh Thể dành tất cả những gì phải làm với bàn thờ, và đọc lời nguyện riêng được dùng cho việc chuẩn bị chén thánh. Thầy đứng bên phải chủ tế trong phần Kinh nguyện Thánh Thể. Thầy có thể đậy hoặc cất tấm đậy chén thánh khi cần, và nâng chén thánh lên cao trong kinh Vinh tụng ca. Nếu cần, thầy cũng có thể giúp trong nghi thức bẻ bánh. Nếu phó tế Lời Chúa xông hương Thánh Thể, thầy cũng có thể phụ giúp với Sách lễ.

Cả hai phó tế đứng hơi sau linh mục một chút, khi linh mục đứng ở bàn thờ. Các linh mục đồng tế nên cẩn thận để không làm cản trở hành động của phó tế.

Đây là sự phân chia thông thường cho các vai trò trong thánh lễ đại triều và các phụng vụ long trọng khác. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, các tập tục này là không cứng nhắc, và chúng không đáp ứng cho các quy định chính xác. Tôi tin rằng sự phân chia này đã được bỏ ngỏ, để có thể thích nghi với các hoàn cảnh thay đổi.

Vì vậy, đôi khi, một số thay đổi có thể diễn ra; chẳng hạn, nếu phó tế Lời Chúa thiếu khả năng âm nhạc, phó tế kia có thể thay thế trong việc hát lời mời chúc bình an, hoặc lời giải tán cộng đoàn cuối lễ. 

Tương tự như vậy, phó tế đứng gần micro nhất trên bàn thờ có thể đọc lời mời chúc bình an, thay vì thực hiện các chuyển động phức tạp.

Một phó tế phải thuyết giảng thường nên đảm nhận vai trò phó tế Lời Chúa, để thực hiện cả hai chức năng một cách dễ dàng và không bị gián đoạn.

Đôi khi có thể có lý do tốt cho một sự thay đổi thừa tác viên. Chẳng hạn, nếu bài Tin Mừng cần được hát, thì phó tế nào có đủ điều kiện tốt hơn cho nhiệm vụ này nên công bố bài Tin Mừng, mặc dù phó tế kia sẽ thuyết giảng. (Zenit.org 15-1-2019)

Nguyễn Trọng Đa