Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.


Hỏi: Trong giáo xứ của chúng con, con nhận thấy rằng cha xứ chuyển lễ Nhớ buộc của một vị thánh sang một ngày khác (thường là ngày lễ thường gần nhất), bởi vì nó luôn trùng với lễ kỷ niệm cung hiến nhà thờ chính tòa của chúng con. Theo cách tương tự, ngài chuyển lễ Nhớ tùy chọn của một vị thánh sang một ngày lễ thường khác, vì lễ này trùng với lễ thánh bổn mạng của giáo xứ chúng con, vốn không còn có trong lịch chung Rôma nữa, kể từ sau cải cách phụng vụ của Công đồng chung Vatican II. Có luật phụng vụ nào đòi hỏi điều này không? Và có thực sự cần thiết không, thưa cha? - T. C., Manila, Philippines.



Đáp: Về chủ đề chung này, Tòa Thánh đã ban hành Thông báo vào năm 1997 về một số khía cạnh giải quyết như thế nào số lượng trùng hợp ngày càng tăng của các lễ trong năm phụng vụ. Trong một phần, thông báo nói như sau:


“1. Công đồng chung Vatican II đã tái khẳng định nguyên tắc rằng các lễ của các Thánh, mà trong đó các kỳ công của Chúa Kitô được liên tục công bố nơi các tôi tớ của Ngài, mặc dù là quan trọng, không nên trong bất kỳ trường hợp nào lấn lướt các lễ kỷ niệm các mầu nhiệm cứu độ, vốn diễn ra hàng tuần vào ngày Chúa Nhật và trong dòng năm phụng vụ. Do đó, nhận thức này xác định rằng việc cử hành lễ nhiều vị Thánh phải được để dành cho các giáo phận, quốc gia và các Dòng tu hội (Sacrosanctum Concilium, số 111). Nguyên tắc này, cùng với các nguyên tắc khác do Công đồng thiết lập, phục vụ cho việc phục hồi năm phụng vụ và Lịch chung của Nghi lễ Rôma.


“2. Quy chế tổng quát của Lịch phụng vụ và Niên lịch, cùng với Bảng các ngày phụng vụ (Tabula dierum liturgicorum), có mục đích áp dụng cụ thể tiêu chuẩn trên đây, cho cả Lịch chung và các lịch riêng. Hơn nữa, Huấn thị Lịch riêng (Calendaria particularia) của Thánh Bộ Phượng Tự, ngày 24-6-1970, giải thích một số cân nhắc bổ sung liên quan đến các lịch riêng.


“3. Kể từ khi các quy chế này được ban hành, hai yếu tố mới đã được giới thiệu. Một mặt, số lượng lớn các lễ tuyên chân phước và tuyên thánh, được cử hành trong các năm gần đây bởi Đức Thánh Cha, đôi khi đã dẫn đến một sự gia tăng đáng kể trong các lễ mừng được ghi trong các lịch riêng. Mặt khác, việc đưa thêm một số ngày lễ vào Lịch Chung, hoặc tăng cấp độ của ngày lễ đã có, đã làm giảm số lượng các ngày không mừng lễ các thánh.


“4. Thánh Bộ Phượng Tự và Kỷ Luật Bí Tích không cho là phù hợp, vào lúc này, để thay đổi các quy chế đang có hiệu lực; tuy nhiên, Thánh Bộ thấy là cần thiết để nhấn mạnh một số điểm của các quy chế và điều khoản này, mà việc tuân thủ có thể giúp tránh sự thay đổi đáng kể trong các lịch phụng vụ.


“5. Ngày thích hợp để đưa thêm lễ mừng vào một lịch riêng là cùng ngày mà lễ mừng diễn ra trong Lịch chung (Normae, số 56a; Calendaria particularia, số 23), ngay cả khi bậc lễ mừng phải được thay đổi.


“6. Một sự thực hành tốt đẹp, liên quan đến việc mừng các tước hiệu tôn sùng truyền thống của Chúa Giêsu Kitô và của Đức Trinh Nữ Maria, là nối kết chúng vào một trong các Lễ Kính hoặc Lễ trọng, vốn được tìm thấy trong Lịch chung. Trong trường hợp của Đức Mẹ, người ta thường liên kết lễ Kính với ngày 12-9, vốn là ngày lễ Thánh Danh Đức Maria trong Lịch Rôma. Đồng thời, trong cùng một tinh thần tái hòa nhập và làm sáng tỏ, người ta nên tránh việc tạo ra các tước hiệu mới hoặc các lễ Kính mới dành cho Chúa hoặc Đức Mẹ, giới hạn các ngày lễ đã có trong các sách phụng vụ, trừ khi chúng đáp ứng với tình cảm đạo đức rất phổ biến nơi các Kitô hữu, và chúng đã được kiểm tra trước và thận trọng dưới khía cạnh giáo lý.


“7. Trong trường hợp của một vị Thánh, trong khi không có lễ mừng trong Lịch chung, ngày thích hợp nhất cho lịch riêng sẽ là ngày ly trần (dies natalis, tức ngày sinh nhật trên trời) của vị thánh ấy. Tuy nhiên, nếu ngày này là không rõ, hoặc bị ngăn chặn bởi một Lễ trọng, Lễ Kính hoặc Lễ Nhớ buộc, vốn đã được ghi trong Lịch chung hoặc trong lịch riêng, thì lễ mới thường được ấn định vào một ngày thích hợp khác: đó có thể là ngày rửa tội, ngày truyền chức thánh, ngày phát hiện hoặc di chuyển thi hài của thánh nhân, hoặc đơn giản là ngày gần nhất không bị ngăn trở (Normae, số 56b, 56c). Tuy nhiên, tốt hơn là không nên chọn ngày tuyên thánh (xem bên dưới, số 39).


“8. Trong trường hợp mà một lễ Nhớ tùy chọn của lịch riêng bị cản trở vào ngày thích hợp nhất bởi một lễ Nhớ buộc khác, vốn đã có trong Lịch chung hoặc, thí dụ, trong lịch quốc gia, nên chọn một trong hai giải pháp sau đây (xem Lịch riêng, số23): trong một số trường hợp nhất định, có thể làm giảm bậc của lễ Nhớ buộc thành lễ Nhớ tùy chọn, điều này cho phép một sự tự do mục vụ phủ hợp để chọn một trong hai lễ mừng; hoặc có thể kết hợp, mặc dầu nên hiếm khi cử hành, hai lễ thành cùng một bậc.


“9. Các vị Chân Phước là rõ ràng không có trong Lịch chung, nhưng việc đưa các Ngài vào một lịch riêng thường tuân theo, nói chung, các nguyên tắc tương tự được nêu ra trên đây đối với một vị Thánh.


“10. Trong các năm gần đây, các Thánh Bộ của Tòa Thánh quan tâm đến Phụng vụ, theo yêu cầu chính đáng của các Giám mục giáo phận và vì lý do mục vụ, đã cấp phép một số việc chuyến ngày, bao gồm các lễ đã có trong Lịch chung. Tuy nhiên, bây giờ có vẻ thích hợp để đưa ra một số phản ánh ngắn gọn về vấn đề này.


“11. Tính toàn vẹn của Lịch chung phải được bảo tồn, như một sự diễn tả, trong số các điều khác, về sự thống nhất chủ yếu của Nghi lễ Rôma (x. Sacrosanctum Concilium, số 38). Trên thực tế, nguy cơ là rằng một thực hành quá rộng dẫn đến sự suy yếu của sự thống nhất và gắn kết nội bộ của Lịch chung và, ở các độ khác nhau, của mỗi lịch riêng quốc gia hoặc lịch bao trùm khu vực của nhiều giáo phận.


“12. Vì vậy, trong tương lai, Thánh Bộ dự định sẽ nhấn mạnh nhiều hơn về sự cần thiết phải duy trì các lễ mừng trong Lịch chung vào ngày được ấn định cho chúng, và không cho phép chuyển lễ kỷ niệm vào một ngày khác, ngoại trừ các lý do mục vụ đặc biệt, liên quan đến một số lượng đáng kể tín hữu. Điều tương tự cũng sẽ đúng với lịch quốc gia và lịch của các khu vực, khi chúng đi vào xung đột với lịch giáo phận.


“13. Trên thực tế, khi nào có vấn đề một lễ diễn ra ở một cấp có tính địa phương hơn đang bị cản trở, chúng ta thường sẽ tuân thủ nguyên tắc rằng nếu lễ bị cản trở là cao hơn lễ cản trở, nó sẽ được chuyển ngày.


“14. Đôi khi có trường hợp là việc chuyển lễ cản trở, do có việc rước kiệu hoặc các lễ truyền thống dân gian khác nơi người Công Giáo. Các trường hợp này đáng được xem xét đặc biệt. Tuy nhiên, khi các biểu hiện như vậy là dân gian hoặc mang tính dân tộc hơn là bản chất phụng vụ, chúng nên diễn ra độc lập với các chức năng phụng vụ, và do đó không cần chuyển ngày lễ. Tuy nhiên, vẫn còn các lễ Trọng và lễ Kình, mà ở đó có một truyền thống dân gian sâu xa và xa xưa, sẽ tạo thành một lý do đầy đủ cho việc chuyển ngày lễ cản trở (xem lịch riêng, số 23b).


“15. Hiếm khi lý do quan trọng cho việc chuyển ngày của một lễ là ý tưởng xem xét sự phối hợp với một lễ tương tự có trong lịch phụng vụ, hoặc lịch phổ biến của một cộng đồng Kitô giáo ngoài Công Giáo. Ngoại trừ các lý do thực sự đặc biệt, một động lực như vậy không nên được coi là đủ. Điều này là đúng, một cách đặc biệt, với Lịch chung, vốn là biểu hiện của sự hiệp thông tồn tại giữa các Giáo hội địa phương theo cùng một nghi lễ. Tuy nhiên, các cân nhắc này, thậm chí đáng khen ngợi, không được chiếm ưu thế trong mối quan hệ với các cộng đồng giáo hội, mà với họ không có hiệp thông trọn vẹn.


“17. Phù hợp với mong muốn của Công đồng chung, các quy chế nhấn mạnh rằng khoảng thời gian thường rơi vào Mùa Chay hoặc các ngày Bát Nhật Phục sinh, cũng như các ngày từ 17 đến 24-12, không được tổ chức lễ các Thánh. Tuy nhiên, các quy chế này có thể cho phép các ngoại lệ theo luật chung. Trước hết, về điểm này, một sự tự do nhất định được dành cho các lễ Kính riêng và lễ Nhớ riêng tùy chọn.


“18. Điều quan trọng cần lưu ý là các lễ được ghi lại trong lịch riêng được điều chỉnh chính xác bởi các quy chế hiện hành.


“19. Lịch của giáo phận bao gồm: Lễ của vị bổn mạng chính của giáo phận, Lễ cung hiến nhà thờ chính tòa, cũng như lễ Nhớ buộc của bất cứ vị bổn mạng thứ hai nào. Cũng bao gồm lễ của các Thánh và Chân Phước có một mối liên kết đặc biệt với giáo phận: thí dụ, nếu các vị sinh ra ở đó, phục vụ lâu dài cho Hội Thánh ở đó, hoặc qua đời ở đó, đặc biệt là nếu thi hài hoặc thánh tích chính của các vị được lưu giữ ở đó, hoặc thậm chí nếu các vị được tôn kính và được cầu nguyện nhiều ở đó (xem Normae, số 52a; Tabula số 8a, 8b, 11a; Lịch riêng, số 9). Việc yêu cầu, không thường xuyên, rằng vị thánh bổn mạng chính của giáo phận có thể có lễ với bậc lễ Trọng là không hoàn toàn hài hòa với các quy chế (xem Tabula, số 8a) và không thể chấp nhận được…


“22. Từ những điều trên, có thể suy luận rằng, trong trường hợp không có lý do mục vụ đặc biệt, thì không thích hợp để giới thiệu các lễ khác vào lịch riêng. Các trường hợp đặc biệt như vậy đòi hỏi sự phê chuẩn của Tòa Thánh.


“23. Các quy chế pháp lý là ít được phát triển hơn cho các lịch khác. Đó là một mặt các lịch liên giáo phận (khu vực, quốc gia) hoặc lịch giữa giáo phận (của các thành phố hoặc các địa điểm khác, của các nhà thờ đặc biệt), và mặt khác là các Dòng tu hội hoặc các Tinh Dỏng làm nên Dòng tu, hoặc các lịch chung cho các nhánh khác nhau của một Dòng tu duy nhất. Các gợi ý cơ bản được tìm thấy trong Bảng Ngày Phụng Vụ (Tabula dierum liturgicorum), và cả trong các Lịch riêng nữa (số 8, 10, 11).


“24. Một trong các điều chung nhất bị bỏ qua sự tồn tại của lịch riêng cho các giáo hội riêng lẻ, vốn bao gồm các lễ được nhìn nhận trong Tabula dierum liturgicorum. Ngoài Lễ trọng kỷ niệm cung hiến nhà thờ, và Lễ trọng bổn mạng, có thể có các lễ riêng với bậc lễ Kính”.


Bây giờ đến câu hỏi chính xác của bạn đọc, chúng tôi thấy ở trên rằng ưu tiên là dời lễ địa phương hơn là lễ chung. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ phụ thuộc vào lễ đặc biệt. Lễ vị thánh bổn mạng của một giáo xứ là một lễ trọng trong nhà thờ ấy, và do đó được ưu tiên hơn các lễ Nhớ, lễ Kính, Chúa Nhật mùa thường niên và thậm chí một số lễ trọng khác.


Nếu điều này xảy ra hàng năm, thì sẽ được phép, nhưng không bắt buộc, chuyển một lễ Nhớ buộc vào ngày gần nhất. Điều này sẽ được đặc biệt khuyến khích, nếu vị thánh bị cản trở là một đối tượng của sự sùng kính lớn trong giáo xứ.


Lễ cung hiến của nhà thờ chính tòa giáo phận là một lễ trọng. Trong phần còn lại của giáo phận, nó sẽ phụ thuộc vào bất cứ quy chế phụng vụ nào xảy ra. Thí dụ, nếu tước hiệu của nhà thờ chính tòa cũng là vị thánh bổn mạng của giáo phận, thì đó có thể là một lễ Kính trong cả giáo phận và, theo các tiêu chuẩn mục vụ được đưa ra ở trên, một lễ Nhớ buộc cũng có thể được chuyển ngày.


Nếu lễ giáo phận là một lễ Nhớ buộc trong giáo phận, thì, theo các quy chế được đưa ra ở trên, lễ ở địa phương tốt nhất nên được chuyển ngày.


Nếu lễ cung hiến nhà thờ chinh tòa chỉ được cử hành phụng vụ trong nhà thờ chính tòa, thì không cần phải chuyển ngày nữa. (Zenit.org 7-5-2019)


Nguyễn Trọng Đa


https://zenit.org/articles/transferring-obligatory-memorials/