Giờ chầu Thánh Thể tháng 4 năm 2018


Giờ chầu Thánh Thể tháng 4 năm 2018

NĂM THÁNH MỪNG KIM KHÁNH GIÁO PHẬN
Chủ đề: BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG: GIA ĐÌNH, XÃ HỘI

1. KHAI MẠC
1.1. Lời dẫn mở đầu:
Kính thưa Cộng đoàn, Giờ chầu cho năm mới trong Năm Thánh nầy, Giáo phận mời gọi chúng ta quy hướng về việc Bảo vệ Môi trường, nghĩa là quan tâm đến việc xây dựng và bảo vệ môi trường nơi mình sinh sống được trong lành và sạch đẹp, qua việc ngăn chặn và khắc phục những hậu quả xấu mà con người chính là tác nhân.
Thông điệp Chúc tụng Chúa (Laudato Si’) được ĐTC Phanxicô ban hành ngày 18.6.2015, nhằm khuyến khích mọi người trên thế giới suy nghĩ sâu xa và đổi mới trái tim, để họ biết:
Sống sạch về khía cạnh thể lý, nghĩa là ăn sạch, ở sạch, để giúp cơ thể khỏe mạnh và tạo ra môi trường thiên nhiên lành mạnh.
Sống sạch về khía cạnh tinh thần, nghĩa là biết kiểm soát suy nghĩ và có những tư duy tích cực để tạo nên chất lượng cuộc sống.
Sống sạch về khía cạnh thiêng liêng, nghĩa là biết hướng lòng lên Thiên Chúa để tạo nên cuộc sống bình an, thanh thản và thánh thiện. Và
Sống xây dựng môi trường sáng xanh sạch đẹp hơn, để bảo vệ công trình sáng tạo của Thiên Chúa.
Bởi thế, việc bảo vệ Môi trường trước tiên chính là góp phần “làm sạch môi sinh tâm hồn”. Trong những tâm tình ấy, giờ đây Cộng đoàn chúng ta cầu xin Chúa Giêsu Thánh Thể nâng đỡ bổ sức, nhằm giúp chúng ta biết nỗ lực củng cố và bảo vệ môi trường sống của Gia đình và xã hội theo những giá trị của Tin Mừng.
1.2. Đặt MTC (xông hương).
1.3. Hát:
1.4. Tâm tình thờ lạy:
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con tôn kính và thờ lạy Chúa đang ngự trong Bí tích Thánh Thể, là nguồn mạch sự sống và sức mạnh để chúng con có thể kín múc được những ơn cần thiết, trên Hành trình lữ thứ nầy.
Chúng con xin thành tâm sám hối bao lỗi lầm thiếu sót vì con người quá tham lam, tính toan ích kỷ, đã hủy hoại môi trường vũ trụ và vạn vật, là ngôi nhà chung của nhân loại, làm ảnh hưởng đến sự sống con người; nhất là nhân loại ngày nay đã từ chối xây dựng nền “Văn minh tình thương”, mà cổ vũ cho nền “Văn hóa sự chết”, ngay từ trong Gia đình mình.
Lạy Chúa, trong Thông điệp “Tin Mừng Sự Sống” (Evangelium Vitae, số 92), Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã mời gọi chúng con “Cổ vũ và xây dựng nền văn hóa sự sống để chống lại nền văn hóa sự chết”. Từ việc sử dụng vô trách nhiệm, bóc lột các tài nguyên thiên nhiên; làm ô nhiễm đất, nước hoặc thực phẩm, đến thái độ sống buông thả theo dục vọng, con người tiến đến việc sử dụng các phương pháp ngừa thai bất chính, phá thai, giết người, buôn bán hàng giả, hàng độc hại, làm thương tổn đến sự sống thể lý của chính mình và người khác. Bởi thế, để loại trừ “Văn hóa sự chết”, “Văn hóa đào thải”, các Gia đình Công giáo chúng con cần phải tích cực cổ vũ và xây dựng nền “Văn hóa sự sống” bằng những hành động cụ thể và thiết thực trong đời sống hằng ngày, như cố gắng “chỉ nghĩ điều tốt đẹp, chỉ nói lời chân thành, chỉ làm việc chính đáng”, vì sự sống là tất cả những gì có giá trị tích cực được Thiên Chúa tạo dựng, để chúng con được sống và sống dồi dào (x. Ga 10,10).
Lạy Chúa, chúng con không thể bảo vệ Môi sinh “nếu cõi lòng thiếu sự nhân hậu, lòng thương xót và quan tâm đến người đồng loại” (Laudato Si’, số 91). Xin ban cho chúng con trái tim yêu thương của Chúa, trái tim biết thổn thức, biết “chạnh lòng thương” trước những mảnh đời bất hạnh, để chúng con mau mắn ra tay trợ giúp họ; nhất là, xin cho chúng con biết yêu thương tất cả những người thân yêu trong gia đình chúng con, không loại trừ một ai; bởi vì “Tình thương bắt đầu từ trong gia đình”.
 2. LỜI CHÚA & SUY NIỆM
2.1. Lời Chúa: Mc 7, 18a. 1415. 2123 (Cộng đoàn đứng)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước. Vì theo đúng tập tục của tiền nhân, những người biệt phái và mọi người Do-thái không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng. Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?” Người đáp: “Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: ‘Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người’. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người”.
Và Người lại gọi dân chúng mà bảo rằng: “Hết thảy hãy nghe và hiểu rõ lời Ta. Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu: ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho người ta ra ô uế”. Đó là lời Chúa.
2.2. Suy niệm: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?”
Kính lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, trong nhiều thế kỷ, người Do Thái đã không đụng chạm đến những gì bị xem là ô uế, tiếp xúc với dân ngoại và ăn uống với họ là điều cấm kỵ. Người ta phải rửa tay trước khi ăn, đó là vấn đề sạch dơ theo nghĩa thiêng liêng. Chúa và các môn đệ khi đi rao giảng, đã tiếp xúc với những người ngoại giáo, nên bị xem là ô uế, cần phải rửa tay, phải làm nghi thức thanh tẩy. Nhưng Chúa đã trả lời một câu đầy ấn tượng: Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu: ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho người ta ra ô uế”.
Vâng lạy Chúa, Lời Chúa còn mời gọi “Làm sạch môi sinh tâm hồn”. Cần phải làm sạch từ bên trong ra bên ngoài, từ nội tâm ra ngoại giới. Nhưng thực ra, cái bên ngoài mới khiến chúng con đặt vấn đề về cái bên trong. Những tâm tư ẩn sâu bên trong con người lại được thể hiện ra bên ngoài qua những hành vi, lời nói và hành động. Thật vậy, Chúa là Đấng Khôn Ngoan đã nhìn thấu tâm can con người khi bảo rằng: “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5,28). Chúa coi trọng những ý định ở trong lòng con người, đó là nguồn gốc xuất phát ra những hành động bên ngoài. Cho nên, thế giới nội tâm rất quan trọng, nó làm nên chính con người chúng con. Đó là lý do tại sao Chúa mời gọi mỗi người chúng con phải làm sạch môi sinh bên trong thì môi sinh bên ngoài mới sạch sẽ. Thật vậy, cái chết của linh hồn thì đáng sợ hơn cái chết của thân xác, sự sống của linh hồn mới đáng quý hơn sự sống của thân xác; bệnh tật thể lý đưa tới cái chết của thân xác, nhưng chưa đáng sợ bằng bệnh tật của tâm hồn, tức là tội lỗi, sẽ đưa chúng con tới cái chết đời đời.
Vâng. Gia đình là môi sinh quan trọng nhất cho sự sống con người. Thật vậy, gia đình là môi trường đầu tiên và căn bản, nơi con người được sinh ra, nuôi dưỡng, học tập những gì là căn bản nhất cho cuộc sống làm người. Thế nhưng, cũng như môi trường thiên nhiên, môi sinh gia đình nhân loại chúng con ngày nay đang bị tàn phá trầm trọng. Khi phân tích tình trạng thế giới ngày nay, ĐTC Phanxicô nói đến “ thứ văn hóa đào thải ảnh hưởng đến những con người bị loại thành rác rưởi(Laudato si’, số 22). Vì “Những gì làm thương tổn tình liên đới và tình thân hữu của dân chúng cũng đều gây hại cho môi trường” (Laudato si’, số 142).
Chính lối sống hưởng thụ và chủ nghĩa cá nhân khiến cho nhiều gia đình không còn là bầu khí quyển lành mạnh, để mỗi thành viên có thể hít thở và phát triển nhân cách của mình cách đúng đắn. Bởi thế, làm sạch môi sinh tâm hồn, nghĩa là chúng con cần phải có hành động bên ngoài, nghĩa là cầu nguyện, là lắng nghe tiếng Chúa, là kết hợp với Người trong Bí tích Thánh Thể hoặc trong Thánh lễ mỗi ngày. Bởi thế, làm sạch môi sinh tâm hồn, không những để nạp năng lượng tinh thần mà còn để Thánh Thần Chúa thanh luyện tâm hồn của chúng con bằng Lời của Chúa.
Lạy Chúa, mỗi người cảm thấy có trách nhiệm đối với tha nhân, và đối với thiện ích của nhau. Bởi thế, muốn bảo vệ và làm sạch môi sinh tâm hồn, người Kitô hữu chúng con cần phải bắt đầu từ bên trong. Nếu mỗi cá nhân giữ sạch sẽ, thì môi trường gia đình ấy sẽ sạch. Nếu mỗi gia đình đều sạch, thì cả quốc gia sẽ sạch. Nếu mỗi quốc gia đều sạch, thì cả thế giới được sạch. Đúng như lời của Khổng Tử: Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Xin Chúa trợ giúp cho những gia đình Công giáo lành mạnh, để từ đó sẽ cung cấp cho Giáo Hội những Kitô hữu trưởng thành và những con người có khả năng xây dựng một xã hội lành mạnh theo định hướng Nước Trời.
Lạy Chúa! Xin ban ơn Thánh Thần của Chúa xuống trên chúng con, giúp chúng con có được những hoa trái của Thánh Thần, ngõ hầu xua đuổi những những gì là ô uế trong lòng chúng con, để trong lòng chúng con luôn phát xuất ra những hoa trái của Chúa Thánh Thần: Bác ái, vui vẻ, bình an, kiên nhẫn, nhân từ, hòa nhã, nhẫn nại, hiền lành, tin tưởng, nhã nhặn, tiết độ và trong sạch, giúp chúng con ngày càng yêu mến Chúa và tha nhân một cách hữu hiệu hơn.
2.3. Hát
   3. CẦU NGUYỆN
3.1. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Kitô hữu chúng con được mời gọi “hoán cải về môi sinh” để bảo vệ công trình sáng tạo của Thiên Chúa, và yêu quý “Mẹ Thiên nhiên” bằng cách thay đổi lối sống. Vì thế, chúng con cần “làm sạch môi sinh tâm hồn” bằng việc hành động theo tiếng lương tâm mách bảo. Đó là làm lành lánh dữ, thực thi bác ái, giúp đỡ người thiếu thốn, bênh vực kẻ cô thế, khó khăn.
CĐ: Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa.
3.2. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, gương của Thánh nữ Têrêsa HĐGS đã mời gọi chúng con thực hiện con đường nhỏ của tình yêu, nghĩa là đừng đánh mất cơ hội để nói một lời dễ thương, một nụ cười, bất cứ một cử chỉ nhỏ bé nào tạo bình an và tình bạn. Tình yêu được hiện thực từ những cử chỉ bé nhỏ mà con người quan tâm dành cho nhau. Bởi thế, tình yêu mến xã hội và sự dấn thân cho công ích là một biểu lộ tuyệt vời cho tình bác ái (x.Laudato si 230+231).
CĐ: Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa.
3.3. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con cần tích cực cổ vũ và bồi đắp cho nền “Văn minh tình thương”. Đó là “xóa bỏ sự thờ ơ, vô cảm, đánh mất cảm xúc…” (x. Misericordiae Vultus, số 15). Vì “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực mà là nơi không có tình thương” (Macxim Gorki). Thế nên, chúng con cần tích cực chống lại “căn bệnh vô cảm”, nghĩa là sống có tình thương, có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng; đặc biệt phải biết quý trọng “phẩm giá lớn lao của người nghèo” (Laudato Si’, số 158).
CĐ: Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa.
3.4. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, để “làm sạch môi sinh tâm hồn”, chúng con cũng cần tích cực xây dựng nền “Văn hóa sự sống”. Bởi vì nguyên nhân gây ra thảm họa môi trường chính là hậu quả của cách sống “Văn hóa đào thải và loại trừ” (Laudato Si’ số 22), nghĩa là mọi thứ, ngay cả mạng sống của người khác, đều có thể trở thành rác thải khi không phục vụ cho lợi ích của họ: “Việc buôn bán hay sử dụng các bộ phận cơ thể của người nghèo, hoặc việc ‘quăng’ đi các em bé, chỉ vì không đáp ứng đươc các mong muốn của cha mẹ chúng”. Đấy cũng là cách suy nghĩ “sử dụng và quăng đi”, vì tạo ra quá nhiều rác thải…” (Laudato Si’ số 123).
CĐ: Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa.
3.5. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, trong mỗi gia đình chúng con đang tồn đọng bao thứ rác, làm môi trường sống ngày càng trở nên vẩn đục, ô nhiễm và ngột ngạt. Bởi lẽ, càng chung sống với nhau lâu năm và càng trải nghiệm nhiều, thì lại càng xuất hiện nhiều loại rác. Từ những lúc “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, đến những tranh cãi; bực mình khó chịu, cùng những xung khắc bất đồng, đã dần tích lũy lên cả một núi rác thải, tất cả đều xuất phát từ lối suy nghĩ, tâm tính, và quan niệm sống khác nhau. Từ đó, tâm hồn chúng con ngày càng trở nên cằn cỗi, ích kỷ, nhỏ nhen, để rồi đánh mất Lòng thương xót với nhau.
CĐ: Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa.
3.6. Trong tinh thần mừng năm Kim Khánh giáo phận, Đức Giám mục Giáo phận mời gọi chúng con “cố gắng chú ý đến hai điểm quan trọng làm nên đời sống Giáo hội: 1/ Xây dựng sự hiệp nhất trong đức tin và trong các cộng đoàn. 2/ Thực hiện tinh thần sống yêu thương, chia sẻ giữa cộng đoàn anh chị em đồng bào sắc tộc và cộng đoàn người Kinh”. Nguyện xin Chúa nâng đỡ bổ sức cho các thành viên trong gia đình, cũng như trong đại gia đình Giáo phận BMT chúng con/ biết làm sạch môi sinh tâm hồn, để bảo toàn sự hiệp nhất, biết lắng nghe nhau và biết quan tâm đến niềm hạnh phúc của nhau, cách riêng của những anh chị em nghèo khó, đang gặp khó khăn trong cuộc sống. Nhờ đó, mỗi gia đình, mỗi Giáo xứ cũng như toàn thể Giáo phận được hưởng bầu không khí trong lành, và sạch đẹp như ý Chúa muốn.
Hát: Kinh Hòa Bình
Lời Nguyện Kết
Lạy Chúa Giêsu, xin soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con. Nguyện xin Chúa giúp chúng con, trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.
Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.

 4. PHÉP LÀNH MÌNH THÁNH CHÚA
4.1. Hát: Này con là Đá
4.2. Lời nguyện cầu cho Đức Giáo Hoàng
4.3. Hát: Đây nhiệm tích
4.4. Lời nguyện
4.5. Phép lành Thánh Thể
4.6. Hát Kết thúc

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...