Lịch sử Bí tích Giải tội trong năm thế kỷ đầu


Lịch sử Bí tích Giải tội trong năm thế kỷ đầu

A. NGUỔN GỐC, CHIỀU RỘNG VÀ SỰ HỮU HIỆU CỦA PHÉP XÁ GIẢI TRONG HỘI THÁNH
Phần lớn các sử gia không Công giáo, khi nghiên cứu lịch sử xá giải trong Giáo Hội, đưa ra những kết luận như sau :
1. Kỷ luật xá giải của Giáo Hội không do ý muốn minh nhiên của Đức Giêsu. Giáo Hội sơ khai tự coi mình là Giáo Hội những người thánh, nên không chấp nhận sự thống hối nào khác ngoài sự thống hối để chịu phép Rửa. Những kitô-hữu có tội, nếu phạm những tội trầm trọng và công khai, thường bị khai trừ khỏi cộng đồng. Về sau, vì số người theo đạo ngày càng đông, nên số kitô-hữu có tội cũng ngày càng đông, sự nghiêm khắc của Giáo Hội giảm bớt dần dần.
2. Trong Giáo Hội lúc ban đầu, không phải mọi tội đều được tha. Mãi cho tới giữa thế kỷ II, Giáo Hội mới chấp nhận cho những tội nhân đã hoán cải trở lại hiệp thông, trừ những người phạm tội “chối đạo”, “giết người” và “ngoại tình”. Chúng ta biết điều này do chứng từ của Pasteur dHermas vào khoảng năm 150. Đức Thánh Cha Callixtô chấp nhận xá giải cho những người phạm tội ngoại tình, dù các giáo phụ Hippolyte, Tertullien và Origène phản đối. Thời Cornêliô và Cyprianô, Đức Thánh Cha (251) lại chấp nhận xá giải cho những người chối đạo đã ăn năn thống hối, và do đó có phái ly khai Novatianô. Sau cùng, vào khoảng năm 314 (Công Đồng Ancyre), tội giết người cũng được xá giải.
3. Kỷ luật xá giải không có giá trị bí tích, vì chỉ mang lại sự hòa giải với Giáo Hội, chứ không có sự hòa giải với Thiên Chúa.
Mọi sử gia Công giáo khẳng định là có bí tích giải tội ngay từ những ngày đầu của Hội Thánh, dựa trên chứng từ của Tân Ước. Về chiều rộng của bí tích thì có ý kiến khác nhau :
– Một số người chủ trương rằng Giáo Hội, trong những thế kỷ đầu, ít nữa là đến cuối thế kỷ III, không chấp nhận xá giải cho các tội “chối đạo”, “giết người” và “ngoại tình”, vì lý do mục vụ.
– Đa số cố gắng minh chứng rằng Giáo Hội, ngay từ đầu, đã không từ chối ơn tha thứ và hòa giải đối với những tội nhân thực sự thống hối, dù đã phạm ba thứ tội trầm trọng. Có vài giám mục, trong một số vùng, đã không chấp nhận xá giải cho ba thứ tội này trong một thời gian khá lâu.
B. HÌNH THỨC XÁ GIẢI TRONG GIÁO HỘI SƠ KHAI
Một trong các lý do khiến cho các sử gia không Công giáo chối bỏ sự hữu hiệu của bí tích giải tội trong Giáo Hội sơ khai là nhận thấy mãi đến thế kỷ VI-VII, chưa có hình thức xá giải riêng hay cá nhân như bí tích giải tội sau này.
Các sử gia Công giáo đều nỗ lực tối đa để minh chứng hình thức hiện nay của bí tích Giải tội đã bắt nguồn từ xa xưa. Morin (+1651) cho rằng kỷ luật xá giải công khai chỉ áp dụng cho ba thứ tội trầm trọng, những thứ tội trọng khác, được xá giải riêng. Petavio và Petau thì cho rằng kỷ luật xá giải công khai dành cho những tội trọng công khai, còn việc giải tội riêng dành cho những tội trọng còn kín. Gần đây, Galtier và Grotz (1955) cho rằng từ đầu vẫn có cả hai cách xá giải riêng và công khai song song với nhau, cả hai đều có giá trị bí tích.
Ngày nay, ai ai cũng đều thống nhất rằng kỷ luật xá giải trước đây trong Giáo Hội rất khác với hình thức giải tội hiện nay.
Rất nhiều người đồng ý khẳng định rằng chưa bao giờ có hình thức giải tội riêng được coi là bí tích, khác biệt với sự “xá giải công khai” cho tới thế kỷ VI-VII khi bắt đầu có biểu giá đền tội.
Amman viết : “Trong các xứ đạo có lâu đời, việc rửa tội người lớn là một điều rất hiếm. Bối cảnh này xác định việc thực hành bí tích Giải tội. Chúng ta rất khó tưởng tượng ra các cộng đồng tiên khởi, nơi mà đa số những người chịu phép Rửa đều đã trưởng thành, đôi khi rất lớn tuổi, chính vì thế đòi hỏi sự hoán cải rất chân thật và sâu xa. Nếu chúng ta “thực sự” nghĩ tới đời sống luân lý của những cộng đồng nhỏ như vậy, được quyền bính chăm sóc và hướng dẫn kỹ lưỡng, chúng ta sẽ thấy rằng bấy giờ bí tích Giải tội không cần thiết như ngày hôm nay” (DTC [1973], 757).
Vấn đề từ ngữ cũng rất phức tạp. Chữ “công khai” (publique) có thể làm cho ta hiểu rằng người có tội phải “xưng thú lớn tiếng” trước đám đông mọi tội của mình. Thực ra, đã không bao giờ có như thế. Năm 459, Đức thánh cha Lêô Cảû đã nghiêm cấm điều này trong Thư gửi các Giám mục xứ Campania : “Đó là một cách hành xử ngược với Truyền thống Tông Đồ, một cách hành xử được bày ra không đúng phép, như tôi vừa được biết, và tôi ra lệnh hủy bỏ. Chúng tôi cấm đọc công khai (trước mặt mọi người) danh sách các tội. Chỉ cần xưng tội với Giám mục trong một cuộc đàm thoại kín” (Epistula 168,2 : PL 54, 1210-1211).
1. Những tội được Giáo Hội xá giải
Nguyên tắc chung là “mọi tội trọng làm tách lìa khỏi Nhiệm Thể Chúa Kitô đều phải đặt dưới kỷ luật xá giải của Giáo Hội”.
Các tội ấy được gọi bằng nhiều tên khác nhau : tội ác (scelera, crimina), tội đầu (peccata capitalia), tội lớn hơn (peccata majora), tội nặng hơn (peccata graviora), tội ác làm đầu (delicta capitalia), tội trọng (peccata mortalia). Còn các tội nhẹ (peccata quotidiana, levia) được tha nhờ lời cầu nguyện riêng hay cộng đồng, nhờ ăn chay bố thí và các việc lành. có khi những lời cầu nguyện hay những việc đền tội, được thi hành dưới sự hướng dẫn của những con người “đạo đức” (thiêng liêng).
Cần lưu ý là trong thời gian này chưa có sự phân biệt thật chắc chắn giữa tội nặng và tội nhẹ.
Theo học giả Vogel, từ đầu đến giữa thế kỷ II, Giáo Hội dựa vào các sách Tân Ước và Giáo phụ Sứ Đồ có lẽ đã sắp xếp theo một thứ tự nặng nhẹ tương đối : 1) tội lỗi đức trong sạch (impureté) : ngoại tình (luxuria), thông dâm (fornication), loạn luân (pédérastie), dục tình, tục tĩu ; 2) tội giết người ; 3) tội thờ quấy ; 4) tội ma thuật ; 5) tội hà tiện ; 6) tội ăn cắp ; 7) tội tham lam : ganh tị, hám lợi, háo danh, ghét ; 8) tội gian dối : làm chứng gian, thề gian, giả hình, vu cáo ; 9) tội xấu nết : nóng giận, phản loạn, tranh cãi, hành vi đồi bại, chửi thề, bất công, lừa gạt ; 10) tội kiêu ngạo : khoác lác, phù vân, tự cao ; 11) tội thiếu kiên trì và thiếu sáng suốt ; 12) tội say rượu, không điều độ.
Nhìn vào danh sách các tội do Vogel đưa ra, chúng ta phải công nhận là sự phân biệt cũng như sắp xếp các tội chưa rõ ràng và chắc chắn.
Theo Vogel, vào thế kỷ VI, có danh sách tội trọng :
a. Tội phạm mười giới răn : phạm thánh, chối đạo, dị đoan, giết người, ngoại tình, thông dâm, tội không thực hành “lịch cấm quan hệ chăn gối”, tội xem trò dâm dật – chết người, tội khiêu vũ, ăn trộm, làm chứng gian, thề gian, cáo gian, phá thai.
b. Các mối tội đầu : tội hà tiện, thù ghét, tham lam, nóng giận, kiêu căng, hay say rượu.
c. Các tội khác : tội bị xử phạt đại hình theo dân luật, tội do nhiều tội nhẹ chồng chất – [quan niệm các tội nhẹ chồng chất thành tội trọng cho thấy thần học về yếu tính của tội còn đang thời kỳ phôi thai].
Danh sách các tội nhẹ cũng đã có :
– Tội nhẹ phạm đến Thiên Chúa : lo ra khi cầu nguyện, chậm trễ trong việc đọc kinh, lời thề bất cẩn, lời khấn hứa vô trách nhiệm.
– Tội nhẹ phạm đến tha nhân : Nói xấu, cáo gian, phán đoán vội vã, thinh lặng đồng lõa, cứng cỏi với tha nhân, không tử tế với người ăn xin, không hòa giải, nịnh bợ.
– Tội nhẹ đối với bản thân : ham ăn, lười biếng, tư tưởng xấu, nhìn không trong sạch, thích nói chuyện tục, quan hệ chăn gối mà không có ý muốn sinh con, nói chuyện nhảm trong nhà thờ.
Theo K. Rahner, mặc dù trên nguyên tắc, chỉ những trọng tội mới giải quyết theo kỷ luật xá giải của Giáo Hội ; trong thực tế, kỷ luật ấy đã ứng dụng rộng rãi, vượt ra ngoài các trường hợp tội phạm trầm trọng (K, Rahner, La Penitenza della Chiesa, Ed. Paoline, Roma 1964, p. 482) .
Chúng ta có thể vẽ ra bối cảnh của vấn đề bằng một số nét chủ yếu. Theo những chứng từ cổ, từ đầu trong Giáo Hội đã có việc thực hành nghi thức hòa giải, do Giám mục điều khiển. Mọi tội được coi là trọng đều phải theo kỷ luật xá giải này. Những khẳng định tổng quát trong thư I Clêmentê là bằng chứng theo chiều hướng đó :
“Các con yêu dấu, thật là một điều xấu hổ quá lớn : người ta kể lại rằng Giáo Hội Côrintô phản loạn chống các trưởng lão vì cớ một hai cá nhân nào đó. Thật là bất xứng với hạnh kiểm cần phải có dưới quyền thủ lãnh của Chúa Kitô. Tiếng đồn không những đến với chúng tôi, mà ngay cả những người không cùng niềm tin với chúng ta, đến nỗi Danh Chúa đã bị xúc phạm vì sự điên rồ của các con, và vì các con tự liều mình nguy hiểm.
Hãy mau tiêu diệt sự dữ ấy và hãy quỳ gối dưới chân Chúa, hãy khóc lóc khẩn cầu Người thương, hòa giải chúng ta và tái lập nơi chúng ta sự thực hành đức ái huynh đệ cách đạo đức và thánh thiện” (S. Clément I, I Ep. c. 47, 6-7 ; 48, 1 : Écrits des Pères Apost. Cerf 1963, p. 97).
Đối với Ignatiô Antiôkia, ngay cả những người lạc giáo hoán cải cũng được ơn hòa giải và đưa vào sự hiệp nhất trong Giáo Hội. Pasteur dHermas cũng chấp nhận hòa giải các tội nhân phạm ba loại tội trầm trọng, dĩ nhiên đòi hỏi đền tội lâu dài. Cả Irênê và Clêmentê thành Alêxandria cũng cho phép hòa giải các tội nhân ngoại tình, giết người, lạc giáo.
Có lẽ Tertullien là người đầu tiên đưa ra danh sách các tội trọng phải tuân theo kỷ luật xá giải của Giáo Hội : tội bỏ đạo, tội thờ bụt thần, tội cáo gian, tội dâm dục, tội ngoại tình, tội thông dâm, tội giết người, tội làm chứng dối, tội lường gạt, tội nói dối, tội xem trò tục tĩu và đổ máu, tội ham mê của cải.
Khi theo phái Montanô, Tertullien mới chủ trương người phạm tội ngoại tình không được hòa giải với Thiên Chúa nhờ Giám mục, nhưng phải nhờ “người đạo đức” (spirituel).
Origène cũng đưa ra danh sách các tội trọng, phần lớn là các tội khai trừ khỏi Nước Thiên Chúa, giống như danh sách của các thư Phaolô. Những tội ấy đều phải được phép xá giải của Hội Thánh.
Thánh Cyprianô, với tư cách là Giám mục, đã đòi hỏi quyền điều khiển kỷ luật xá giải, nại đến Tin Mừng Mt 18,18. Năm 251, ngài quyết định cho những người đã sa ngã bỏ đạo được hòa giải lại với Hội Thánh, vừa chống lại nhóm khắc nghiệt vừa chống lại nhóm buông lỏng. Công Đồng Carthage đã phê chuẩn lập trường của thánh Cyprianô giống như lập trường Đức thánh cha Cornêliô. Người có chứng chỉ chối đạo dễ được chấp nhận hòa giải hơn. Những người đã tế lễ cho bụt thần thường phải đợi đến giờ chết. Khi Cornêliô được bầu làm Giáo hoàng, Nôvatianô, vì chủ trương khắt khe, đã ly khai khỏi Giáo Hội.
2. Phụng vụ xá giải
Có nhiều chứng từ thuộc những thế kỷ đầu cho biết có phụng vụ xá giải trong Giáo Hội, nhưng hình thức cử hành chưa được xác định rõ ràng. Chỉ từ thế kỷ III mới có những nét rõ hơn. Từ thế kỷ IV đến thế kỷ VI có nhiều chứng từ, phần đông lấy lại phụng vụ thế kỷ III và bổ sung thêm vài yếu tố. Dù mỗi Giáo Hội có sắc thái riêng, vẫn có thể nêu ra những nét lớn chung quanh phụng vụ xá giải từ thế kỷ III-VI. Những nét lớn ấy thường được các Công Đồng xác định : Ancyre (314), Neocesarea (314-325), Nixê (325), Antiôkia (341). Đối với Giáo Hội Đông phương, các thư luân lưu về đền tội của các giáo phụ như Grêgôriô Taumaturgô (+270), Pietro dAlexandria (+311), Basiliô Magno và Grêgôriô Nissênô đóng vai trò rất quan trọng. Trong Giáo Hội Tây phương thì có Cyprianô, Tertullianô, Ambrôsiô, Augustinô, Lêô Cả.
a. Sự gia nhập đoàn người đền tội và việc đền tội
Chính Giám mục, đôi khi linh mục, quyết định cho một người kitô-hữu gia nhập đoàn người đền tội. Khi có người phạm tội ác tỏ tường, và Giám mục biết trực tiếp hay do ai tố cáo, thì Giám mục ra quyết định đền tội. Nếu tội nhân từ chối, Giám mục có thể ra vạ tuyệt thông và khai trừ khỏi cộng đoàn.
Thường xuyên hơn, nhất là khi tội đã phạm còn kín, tội nhân đến với Giám mục hoặc linh mục để xưng thú tội mình. Giám mục nhận định xem tội ấy có phải chịu kỷ luật đền tội không ; Giám mục cũng xác định cách thức và thời gian theo những quy định hay tập tục của Giáo Hội địa phương. Bấy giờ tội nhân công khai gia nhập đoàn người đền tội.
Tiến trình có thể phân biệt như sau : tội nhân xin đền tội (petere paenitentiam), giám mục ra việc đền tội (imponere paenitentiam), tội nhân lãnh việc đền tội (accipere paenitentiam). Và đó là một nghi thức phụng vụ. Nghi thức này không nhằm hạ nhục tội nhân, nhưng làm nổi bật sự tách lìa thiêng liêng của tội nhân khỏi Giáo Hội và mời gọi cả Cộng đồng dấn thân đồng hành với tội nhân trong hành trình hoán cải và đền tội.
Đôi khi nghi thức phụng vụ bao gồm sự thú nhận công khai và tổng quát tội lỗi của mình, công nhận mình là tội nhân. Nhưng thông thường thì gia nhập đoàn người đền tội đã là tự coi mình như tội nhân. Không bao giờ đòi buộc xưng thú tội lỗi công khai cách chi tiết.
Nghi thức bao gồm việc Giám mục đặt tay, dấu chỉ nhận tội nhân thống hối trở về hiệp thông với Giáo Hội. Một vài nơi, Giám mục còn mặc cho tội nhân “chiếc áo nhặm”, có nơi bắt “cạo đầu”, nơi khác bắt để râu để tóc, v.v.
b. Hành vi đền tội
Theo chứng từ của Tertullianô, vào đầu thế kỷ III, có rất nhiều cách đền tội hoặc riêng hoặc chung.
Đền tội riêng, tội nhân phải ăn chay, ngủ trên giường gồ ghề có rắc tro, khóc lóc và đọc kinh lâu giờ, không tắm rửa.
Đền tội công khai, tội nhân mặc bao bố, xin các thánh Tử Đạo, các tín hữu cầu nguyện, quỳ gối ở tiền đường nhà thờ, sau đó vào chỗ dành riêng cho kẻ có tội, không được hiệp thông Thánh Thể cho tới khi nào được hòa giải.
Trong thời gian từ thế kỷ IV-VI có ba loại bổn phận đền tội :
1. Bổn phận tổng quát : các tội nhân phải sống cuộc đời hãm mình, ăn chay, bố thí, làm các việc minh chứng mình thực sự hoán cải, bằng không sẽ không được lãnh ơn hòa giải. Hãm mình rõ nhất là “kiêng thịt”.
2. Đòi hỏi nghi thức : phụng vụ có những nghi thức dành riêng cho việc thanh tẩy tội lỗi : trong mùa Chay, các trưởng lão đặt tay trên đầu tội nhân ; trong những ngày lễ, tội nhân phải cầu nguyện quỳ gối, đôi khi tội nhân phải đưa xác kẻ chết tới nhà thờ và lo chôn cất.
3. Bổn phận đền tội : đây là những điều cấm làm để đền tội, ngay cả sau khi được hòa giải, ví dụ : cấm buôn bán, cấm làm công chức, cấm tham gia tòa án, cấm chịu chức thánh. Có nơi còn cấm quan hệ vợ chồng, cấm tái giá v.v.
Tổ chức của Giáo Hội phân biệt bốn hạng người đền tội :
1) hạng khóc lóc (flentes) là những tội nhân chỉ được đứng ngoài cửa nhà thờ, mặc áo nhặm, khóc lóc nài xin cộng đoàn cầu nguyện cho mình ;
2) hạng lắng nghe (audientes), đứng ở lối vào nhà thờ, có thể nghe Lời Chúa, nhưng sau đó phải ra ngoài, không được tham dự Thánh lễ ; 3) hạng quỳ (substrati) được phép tham dự Thánh lễ, quỳ gối hay phủ phục ; 4) hạng đứng (consistentes) được đứng tham dự Thánh lễ, nhưng không được dâng của lễ và không được hiệp thông.
Bình thường, tội nhân thống hối phải trải qua cả bốn giai đoạn. Đôi khi, do nhiệt tình và thống hối tích cực, có thể giảm một vài giai đoạn.
Thời gian thực hiện việc đền tội cũng khác biệt tùy nơi và tùy thời. Tác phẩm “Didascalia Apostolorum” ở Syria đòi hỏi từ hai đến bảy tuần. Origène thì đòi hỏi thời gian lâu hơn thời gian dự tòng, nghĩa là hơn ba năm. Đối với tội sát nhân, thánh Basiliô Cả đòi hỏi hai mươi năm chia làm bốn giai đoạn : giai đoạn khóc lóc (4 năm), giai đoạn lắng nghe (5 năm), giai đoạn quỳ (7 năm) và giai đoạn đứng (4 năm).
Sau thế kỷ IV, thời gian đền tội có giảm. Người quyết định thời gian đền tội là Giám mục. Ngài căn cứ vào mức độ trầm trọng của tội và sự dấn thân hoán cải của tội nhân. Giám mục tuân theo quy định của các Công Đồng và không thể tự ý thay đổi những đòi hỏi căn bản dành cho từng giai đoạn.
Tội nhân nào không tuân hành, bỏ dở giai đoạn đền tội, thì bị vạ tuyệt thông vĩnh viễn, được coi như bỏ đạo.
c. Hòa giải và ban ơn xá giải
Sau giai đoạn đền tội, tội nhân thống hối được hòa giải bằng một nghi thức phụng vụ tương đối trọng thể, với sự tham dự của cả cộng đoàn. Nghi thức này gồm việc đặt tay của Giám mục với “lời nguyện tư tế” (prière sacerdotale). Có những bản văn tường thuật tương đối tỉ mỉ : cả cộng đoàn cầu nguyện và đưa tội nhân vào nhà thờ, đến trước bàn thờ tội nhân xin mọi người cầu nguyện và xin Giám mục ban ơn hòa giải ; Giám mục thường giảng một bài, đặt tay lên đầu và đọc lời xá giải. Tất cả nghi thức đều chỉ việc hòa giải với Giáo Hội và lãnh nhận ơn Thánh Thần. Do đó việc hòa giải thường kết thúc bằng hiệp thông Thánh Thể.
3. Đặc điểm của kỷ luật xá giải
a. Một lần duy nhất, không tái diễn. Đặc điểm quan trọng nhất của kỷ luật xá giải trong Giáo Hội thời ban đầu là đặc tính duy nhất, chỉ thực hiện một lần và không được tái diễn. Nguyên tắc này do Pasteur dHermas nêu ra đầu tiên. Ông gọi là “rửa tội lần thứ hai”, “hoán cải lần thứ hai”, nhờ đó tội nhân được hoàn toàn tha thứ một lần nữa. Việc sa ngã lại sau khi hòa giải được coi như dấu hiệu chưa hoán cải. Nguyên tắc này được tuân giữ cho đến thế kỷ VI-VII. Dù vậy, cũng không nên quên rằng trước đó Giáo Hội không hoàn toàn bỏ rơi tội nhân sa ngã lại, vẫn cầu nguyện cho họ, cho họ trở lại gia nhập đoàn người đền tội, nhưng thường không xá giải cho họ, trừ khi nguy tử, bấy giờ Giáo Hội mới chấp nhận đưa Của Ăn Đàng đến cho họ.
Nguyên tắc trên không là một quy luật phổ quát và bất biến, vì lịch sử sau này minh chứng. Nhưng dù việc thực hành phép Xá giải có biến chuyển nhiều sau này, ý nghĩa thần học của nguyên tắc này vẫn còn : nếu xét tận thâm sâu trong tâm hồn, phải nhận rằng hoán cải thực sự là “hoán cải hoàn toàn và trọn vẹn”.
b. Lao nhọc và nghiêm khắc. Đặc điểm này minh chứng sự nghiêm túc của việc hoán cải. Hoán cải phải là hành động hữu hiệu tiêu diệt sự dữ mà tội lỗi đã tạo ra. Phải thực hiện và biểu lộ sự hoán cải bằng một chuỗi những hành vi được lập đi lập lại cách kiên trì. Lý do thứ hai là quan điểm coi tội trọng phạm sau phép Rửa còn nặng nề hơn các tội phạm trước phép Rửa. Truyền thống, từ Pasteur dHermas, còn cho rằng phép Rửa tha tội và cả hậu quả của tội ; còn phép Xá giải không xóa những hậu quả của tội nên đòi hỏi lao nhọc vất vả để đền tội và hoán cải thực sự. Việc phạm tội trọng sau phép Rửa được coi là dấu hiệu thiếu kết hiệp với Đức Kitô và Giáo Hội, dấu hiệu cưỡng lại tác động của Chúa Thánh Thần, chống lại năng lực cứu rỗi phát sinh từ phép Rửa.
c. Hiếm hoi hoặc “luật trừ”. Rất ít kitô-hữu nhận lãnh phép Xá giải, có nhiều lý do : Lý do thứ nhất là chưa phân biệt rõ giữa tội trọng và tội nhẹ, và chỉ coi tội trọng và tỏ tường mới phải tuân hành kỷ luật xá giải. Khi các cộng đoàn kitô-hữu còn ít người và sốt sắng, rất ít người phạm tội trọng. Lý do thứ hai là sự nghiêm nhặt và đặc tính duy nhất của phép Xá giải. Sau khi tôn giáo được tự do thời Constantinô, nguyên tắc này vẫn giữ, nhưng xảy ra một tình trạng ngược đời : nhiều Giám mục khuyên giới trẻ đừng nhận phép Xá giải, vì sợ họ không giữ mình được mà tái phạm. Những người có vợ có chồng không thể nhận lãnh phép Xá giải, nếu vợ hay chồng không đồng ý. Giáo sĩ và đan sĩ không được nhận lãnh phép Xá giải. Giáo sĩ phạm tội trọng và tỏ tường thì bị hạ bệ ; nếu hoán cải, chỉ được thông phần bí tích Thánh Thể như giáo dân thường. Như vậy, việc thực hành phép Xá giải dành riêng cho một số người già, chuẩn bị chết lành.
4. Đặc tính bí tích của phép Xá giải
Phải nhớ rằng thời gian đầu trong Giáo Hội, thần học về bí tích chưa phát triển mạnh, định nghĩa về bí tích chưa rõ ràng và chắc chắn. Phải rất cẩn thận và mềm dẻo trong việc phân tích các chứng từ để tìm ra một số yếu tố căn bản.
a. Giá trị của việc hoán cải chủ thể
Các giáo phụ đồng thành khẳng định sự cần thiết phải hoán cải và đền tội để được ơn tha thứ. Để được tha các tội hằng ngày (tội nhẹ), nỗ lực hoán cải cùng với lời cầu nguyện riêng cũng như chung của cộng đoàn, được coi như đủ.
Sự hoán cải giống như ngọn lửa thiêu đốt, do Ngôi Lời thắp lên nơi tâm hồn những người có tội, thanh tẩy họ khỏi các tội lỗi và dấu vết của tội, giúp họ thoát khỏi sự phán xét tương lai của Thiên Chúa. Đau khổ kèm theo nỗ lực hoán cải và đền tội được nhiều tác giả coi như thông phần cái chết của Đức Kitô, cùng chịu đóng đinh với Người. Theo Origène, chính Đức Kitô chịu đau khổ với những tội nhân sám hối, những người thông phần cuộc Khổ Nạn – Phục Sinh của Người nhờ phép Rửa.
b. Sự can thiệp của Giáo Hội
Sự can thiệp của Giáo Hội được coi là hữu hiệu và trong trường hợp tội trọng, là cần thiết để tội nhân được hòa giải với Thiên Chúa.
Thánh Augustinô viết : “Lòng mến của Hội Thánh, gieo trong tâm hồn chúng ta nhờ Thánh Thần, tha tội lỗi cho những ai thông phần, cầm buộc đối với những ai không đón nhận” (In Joannis ev. Tract. 121,4 : PL 35, 1958).
“Hòa giải với Giáo Hội sẽ mang lại ơn tha tội, không hòa giải với Giáo Hội thì không được tha” (De baptismo contra Donatistas III, 18,23 : PL 43, 151).
Tất cả cộng đồng tham dự cách hữu hiệu vào việc hòa giải tội nhân với Thiên Chúa, mang lại ơn tha các tội nhẹ cũng như tội trọng.
Sự tham dự hay can thiệp của cộng đồng Giáo Hội được diễn tả bằng ba hình thái khác nhau :
– Lời cầu nguyện hướng về Thiên Chúa để xin ơn tha tội cho anh em, để nâng đỡ những người sám hối trong nỗ lực hoán cải, giúp đỡ họ từ bỏ tội lỗi, diệt trừ hậu quả của tội. Lời cầu nguyện này không chỉ là lời cầu bầu có giá trị riêng lẻ, mà là lời kinh phụng vụ của Nhiệm Thể Đức Kitô, chắc chắn mang lại ơn tha tội. Cộng Đồng còn cử hành Thánh Thể để xin ơn tha tội cho anh em.
– Lòng mến, tình huynh đệ mà Cộng Đồng dành cho tội nhân cũng là sự tha thứ của Cộng Đồng, vì tội đã phạm như làm “sứt mẻ” sự thánh thiện của Cộng Đồng. Lòng mến được biểu lộ bằng lời cầu nguyện, còn được biểu lộ bằng gương lành, cuối cùng biểu lộ bằng việc sửa sai huynh đệ.
– Hình thái khác nữa là Cộng Đồng lắng nghe Lời Chúa, cùng sám hối với tội nhân. Lời Chúa có sức mạnh cứu độ, mang lại ơn tha thứ các tội nhẹ và tội trọng.
Trong toàn bộ sự can thiệp của Cộng Đồng Giáo Hội để xin ơn sám hối và hòa giải cho tội nhân, sự can thiệp của Giám mục là điều cần thiết hơn cả. Sự hòa giải chính thức do Giám mục ban cho là một sự hòa giải hữu hiệu. Nhờ việc đặt tay và “lời nguyện tư tế” của Giám mục, tội nhân lãnh nhận ơn Thánh Thần.
Sự hữu hiệu đặc biệt của hành vi xá giải chính thức của Giám mục có nhiều ý nghĩa, và đôi khi được giải thích khác nhau. Có người cho rằng đó là điều kiện tất yếu để được Thiên Chúa tha tội. Cyprianô viết : “Ai không có Giáo Hội là Mẹ thì không có Thiên Chúa là Cha”.
Người khác cho rằng hành vi xá giải của Giám mục có giá trị nguyên nhân : kết hiệp với Đức Kitô, do quyền bính nhận lãnh từ Người, hành vi ấy mang lại ơn cứu độ cho tội nhân. Các giáo phụ thường trích dẫn Mt 16,18-19 và Ga 20,22-23.
Người khác nữa cho rằng hành vi của Giám mục nhằm đưa người anh em đã phạm tội trở lại với Cộng Đồng Giáo Hội để lãnh nhận ơn Thánh Thần.
Sự can thiệp của Giám mục không thể tách rời khỏi sự can thiệp của cả Cộng Đồng Giáo Hội : tính hữu hiệu đặc biệt của sự can thiệp ấy biểu lộ và thực hành trong lòng Giáo Hội. Toàn thể Giáo Hội là trung gian ơn cứu độ, củng cố tình yêu dành cho người anh em đã phạm tội và hòa giải người anh em với Thiên Chúa. Sự can thiệp của Giám mục là cần thiết và bất khả thay thế, vì quyền bính đặc biệt mà ngài đã lãnh nhận từ Chúa Kitô để phục vụ cả Cộng Đồng. Nó làm cho hành vi của cả Cộng Đồng trở nên hữu hiệu. Cũng như nhờ phép Rửa, cả Giáo Hội sinh hạ những người con trong đời sống đức tin : nhờ phép Xá giải, cả Giáo Hội tha thứ cho người anh em đã phạm tội.
c. Kết hợp giữa hai yếu tố : sám hối chủ thể và Giáo Hội can thiệp
Có người, vì quá nhấn mạnh sự sám hối chủ thể, làm cho người khác nghĩ rằng sự hòa giải của Giáo Hội chỉ là “công bố” ơn tha thứ đã được ban.
Nhưng đa số các giáo phụ đều lưu ý chiều kích Giáo Hội của tội : tội lỗi đi ngược chiều với sự thánh thiện của Giáo Hội và năng lực cứu rỗi do phép Rửa. Các ngài coi sự hoán cải của tội nhân là trở về với Giáo Hội. Điều đó làm cho các ngài chủ trương có một quan hệ mật thiết giữa sự sám hối của tội nhân và sự dấn thân của toàn thể Giáo Hội để đưa tới sự hòa giải. Cả hai yếu tố chủ quan và khách quan đều là hoa quả của Thánh Thần.
Thánh Thần của Đức Kitô thúc đẩy tội nhân sám hối, từ bỏ tội lỗi. Cũng Thánh Thần ấy thúc đẩy toàn thể Giáo Hội giúp đỡ tội nhân hoán cải và ban cho họ cách chính thức ơn tha thứ của Thiên Chúa.
C MỘT SỐ THỰC HÀNH SONG SONG VỚI PHÉP XÁ GIẢI CỦA HỘI THÁNH
1. Việc xưng tội, việc sửa đổi và hướng dẫn thiêng liêng
Theo Cyprianô, Origène và một số giáo phụ khác, có một cách sám hối và lãnh nhận ơn tha thứ cho những tội lỗi hằng ngày là thú nhận các tội ấy với một linh mục, để ngài khuyến thiện và chữa lành bằng lời cầu nguyện và những lời khuyên. Trong Giáo Hội Đông phương, thường người ta xưng tội với các vị hướng dẫn thiêng liêng. Vị này xác định tội nào phải chấp nhận kỷ luật xá giải, tội nào có thể được tha thứ bằng lời cầu nguyện.
Từ thế kỷ IV-V, cách xưng tội này được lập đi lập lại nhiều lần, xưng với đan sĩ, có khi với giáo dân ; các đan sĩ cũng xưng tội với nhau. Cách thực hành này ngày càng lan rộng.
Galtier và Grotz coi đó là một hình thái xưng tội riêng như hiện nay. Thực ra không đúng, vì nếu không có tội trọng thì việc xưng tội nhằm mục tiêu sửa đổi đời sống và được hướng dẫn thiêng liêng để chiến thắng các nết xấu. Thánh Augustinô còn nói đến một loại “thuốc chữa” thiêng liêng mà Giám mục có thể dùng để giúp các tín hữu hoán cải và nhận lãnh ơn tha thứ cho các tội nhẹ. Trong trường hợp tội trọng, Giám mục không ban phép Xá giải riêng, nhưng cho tội nhân gia nhập đoàn người đền tội theo kỷ luật xá giải.
2. Hòa giải không cần hành vi đền tội
Từ thế kỷ IV – V, Giáo Hội ban “phép Hòa giải” chính thức cho những người hấp hối có biểu lộ lòng ăn năn, không đòi buộc gia nhập đoàn người đền tội.
Có người cho đó là bí tích Giải tội riêng. Nhưng phần đông các học giả cho rằng đó chỉ là thích nghi và rút vắn kỷ luật xá giải của Giáo Hội. Còn những trường hợp khác, thì Giáo Hội chưa công nhận chính thức là hành vi hữu hiệu để đền tội và mang lại ơn tha thứ. Phúc lành sám hối (benedictio paenitentiae) không là phép Giải tội riêng, mà là một cử chỉ liên đới với tội nhân đã hoán cải ; tội nhân ấy được Giáo Hội nâng đỡ trong đời sống đền tội với tư cách đan sĩ hay một người trở lại.
3. Hiệp thông Thánh Thể cho tội nhân kitô-hữu không có hòa giải trước
Bất cứ ai thuộc về “đoàn người đền tội” thì không được hiệp thông Thánh Thể. Từ thế kỷ IV-V trở đi, có rất nhiều kitô-hữu không muốn gia nhập đoàn người đền tội.
Một số khá đông trong những người này được hiệp thông Thánh Thể. Trường hợp những giáo sĩ phạm tội trọng và tỏ tường, thường không phải chịu kỷ luật xá giải như những người khác, nhưng, nếu thực sự thống hối, được hiệp thông Thánh Thể như giáo dân. Nhiều đan sĩ và những người trở lại cũng thế. Lời khấn đan sĩ được coi như phép Rửa thứ hai, một loại sám hối đền tội. Kẻ đã phạm tội ác, sám hối, đi tu, trở thành đan sĩ, nếu hoán cải thực sự, cũng được hiệp thông Thánh Thể, dù trước đó chưa được hòa giải chính thức.
Những người trở lại cũng vậy, dù không trở thành đan sĩ, nhưng sống đời khổ hạnh vì sám hối.
Những kitô-hữu, khi đã tái phạm sau một lần được xá giải chính thức, cũng có thể được hiệp thông Thánh Thể như Của Ăn Đàng trước khi chết, dù không được chính thức xá giải lại.
Sau thế kỷ IV, vì số kitô-hữu tăng quá nhanh, có những người đến hiệp thông Thánh Thể mà không lưu ý tới đời sống luân lý. Một số giáo phụ như Gioan Kim Khẩu, Hiêrônimô, Augustinô phải ra vạ tuyệt thông đối với một số, cảnh cáo một số khác và khuyên nhủ các kitô-hữu chuẩn bị xứng đáng.
ĐGM Phaolô Bùi Văn Đọc
Nguồn: http://www.simonhoadalat.com
Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...