Chúa Nhật Lễ Lá - Năm A

Khi Đức Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem, cả thành náo động, và thiên hạ hỏi nhau: “Ông này là ai vậy?” Dân chúng trả lời: “Ngôn sứ Giê-su, người Na-da-rét, xứ Ga-li-lê đấy.” (Mt 21,10-11)
05/04/2020
CHÚA NHẬT LỄ LÁ – A
Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó của Chúa

Mt 21,1-11


 

NGƯỜI LÀ AI?

Khi Đức Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem, cả thành náo động, và thiên hạ hỏi nhau: “Ông này là ai vậy?” Dân chúng trả lời: “Ngôn sứ Giê-su, người Na-da-rét, xứ Ga-li-lê đấy.” (Mt 21,10-11)

Suy niệm: Khi chứng kiến quyền năng của Chúa, các môn đệ đã phải thốt lên: “Người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng phải tuân lệnh?” (Mc 4,41). Câu hỏi đó tiếp tục là thắc mắc của cư dân thành Giê-ru-sa-lem khi họ chứng kiến một cảnh tượng chưa từng có: Một đoàn rước trọng thể bởi một đám rất đông hò reo vang trời. Tuy nhiên, nhiều người lại không biết nhân vật chính của cuộc rước đó là ai, họ mới hỏi nhau: “Ông này là ai vậy?” Câu trả lời cũng đến từ phía đám đông nhưng xem ra không mấy rõ ràng: “Ngôn sứ Giê-su, người Na-da-rét.” Hiển nhiên, nhiều người Do-thái vẫn chỉ coi Đức Giê-su là một ngôn sứ giống như bao ngôn sứ thời Cựu Ước của họ. Họ trả lời nhưng chính câu trả lời của họ vẫn mơ hồ về căn tính của Chúa. Chỉ khi Phi-la-tô điệu Chúa cho dân chúng với bộ dạng không còn là người để “giới thiệu”: “Này là Người”, thì chúng ta mới thấy đây mới đích thực là Đấng Mê-si-a –nghĩa là Ki-tô– Người phải chịu đau khổ, chịu chết để cứu chuộc nhân loại.

Mời Bạn: “Đức Giê-su là ai?” Đó không chỉ là thắc mắc của dân thành Giê-ru-sa-lem năm xưa mà còn là câu hỏi của nhân loại thời nay, đặc biệt là những người đang khao khát được biết về căn tính thật sự của Đức Giê-su. Bạn là Ki-tô hữu, bạn sẽ giới thiệu Chúa cho người khác như thế nào?

Sống Lời Chúa: Suy niệm Đàng Thánh Giá để hình ảnh Chúa Chịu Đóng Đinh được khắc sâu trong tâm hồn bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con ơn can đảm để chúng con dám giới thiệu Chúa cho tha nhân.

 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin mau cứu giúp tôi, xin kíp bảo vệ tôi. Xin cứu tôi thoát hàm sư tử, và giữ mạng sống yếu hèn tôi khỏi sừng tê giác.

Ðọc kinh tin kính

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn cho Ðấng cứu chuộc loài người phải sống kiếp phàm nhân và chịu khổ hình thập giá để nêu gương khiêm nhường cho thiên hạ noi theo. Xin cho chúng con biết đón nhận bài học Người để lại trong cuộc thương khó, và được thông phần vinh quang phục sinh với Người. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Is 50, 4-7

"Tôi đã không giấu mặt mũi tránh những lời nhạo cười, nhưng tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn".

(Bài ca thứ ba về Người Tôi Tớ Chúa)

Trích sách Tiên tri Isaia.

Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn. Mỗi sáng Người đánh thức tôi, Người thức tỉnh tai tôi, để nghe lời Người giáo huấn. Thiên Chúa đã mở tai tôi, mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu; tôi đã không che giấu mặt mũi, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi. Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không phải hổ thẹn; nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 21, 8-9. 17-18a. 19-20. 23-24

Ðáp: Ôi Thiên Chúa! Ôi Thiên Chúa! sao Chúa đã bỏ con?

Xướng: Bao người thấy con đều mỉa mai con, họ bĩu môi, họ lắc đầu: "Hắn tin cậy Chúa, xin Ngài cứu hắn, xin Ngài giải gỡ hắn, nếu Ngài yêu thương".

Xướng: Ðứng quanh con là đàn ưng khuyển, một lũ côn đồ bao bọc lấy con. Chân tay con chúng đều chọc thủng, con có thể đếm được mọi đốt xương con.

Xướng: Phần chúng thì nhìn xem con và vui vẻ, đem y phục của con chia sẻ với nhau, còn tấm áo dài, thì chúng rút thăm... Phần Ngài, lạy Chúa, xin chớ đứng xa con, ôi Ðấng phù trợ con, xin kíp ra tay nâng đỡ.

Xướng: Con sẽ tường thuật danh Chúa cho các anh em, giữa nơi công hội, con sẽ ngợi khen Người. "Chư quân là người tôn sợ Chúa, xin hãy ca khen Chúa, toàn thể miêu duệ nhà Giacóp, hãy chúc tụng Người, hãy tôn sợ Người, hết thảy dòng giống Israel!"

Bài Ðọc II: Pl 2, 6-11

"Người đã tự hạ mình; vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Người".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.

Chúa Giêsu Kitô, tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải giành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô là Chúa để Thiên Chúa Cha được vinh quang.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm

Chúa Kitô vì chúng ta, đã vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu.

Bài Thương Khó: Mt 27, 11-54 (bài ngắn)

"Sự Thương Khó Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta".

(C: Người đọc Chung, Thánh Sử; S: Người đối thoại khác, hoặc Cộng đoàn. J: Chúa Giêsu)

C. Bài Thương Khó Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu đứng trước tổng trấn Phi-latô, và quan hỏi Người rằng:

S. "Ông có phải là Vua dân Do-thái không?"

C. Chúa Giêsu đáp:

J. "Ông nói đúng!"

C. Nhưng khi các thượng tế và kỳ lão tố cáo Người thì Người không trả lời chi cả. Bấy giờ Philatô bảo Người:

S. "Ông không nghe thấy tất cả những điều họ tố cáo ông sao?"

C. Chúa Giêsu cũng không đáp lại về một điều nào, khiến quan tổng trấn hết sức ngạc nhiên.

Vào mỗi dịp lễ trọng, quan tổng trấn có thói quen phóng thích cho dân một người tù tuỳ ý họ xin. Lúc ấy có một phạm nhân nổi tiếng tên là Baraba. Vậy Philatô nói với dân chúng đã tụ tập lại đó rằng:

S. "Các ngươi muốn ta phóng thích ai, Baraba hay Giêsu mà người ta vẫn gọi là Kitô?"

C. Quan biết rõ chỉ vì ghen ghét mà chúng đã nộp Người. Vậy trong khi quan ngồi xét xử, bà vợ sai người nói cùng quan rằng:

S. "Xin ông đừng can thiệp gì đến vụ người công chính ấy, vì hôm nay trong một giấc chiêm bao, tôi đã phải đau khổ rất nhiều vì người ấy".

C. Nhưng các thượng tế và kỳ lão xúi giục dân xin tha Baraba và giết Chúa Giêsu. Quan lại lên tiếng hỏi họ:

S. "Trong hai người đó các ngươi muốn ta phóng thích ai?"

C. Họ thưa:

S. "Baraba!"

C. Quan lại lên tiếng hỏi họ:

S. "Vậy đối với Giêsu gọi là Kitô, ta phải làm gì?"

C. Họ đồng thanh đáp:

S. "Ðóng đinh nó đi!"

C. Quan lại hỏi:

S. "Nhưng người này đã làm gì nên tội?"

C. Chúng càng la to:

S. "Ðóng đinh nó đi!"

C. Bấy giờ Philatô thấy mất công, lại thêm náo động, nên ông lấy nước rửa tay trước mặt dân chúng và nói:

S. "Ta vô can về máu người công chính này, mặc kệ các ngươi".

C. Toàn dân đáp:

S. "Hãy để cho máu nó đổ trên chúng tôi và trên con cái chúng tôi".

C. Bấy giờ quan phóng thích Baraba cho họ, còn Chúa Giêsu thì trao cho họ đánh đòn, rồi đem đi đóng đinh vào thập giá.

Bấy giờ lính tổng trấn liền điệu Chúa Giêsu vào trong công đường và tập họp cả cơ đội lại chung quanh Người. Họ lột áo Người ra, khoác cho Người một áo choàng đỏ, rồi quấn một vòng gai đặt trên đầu Người và trao vào tay mặt Người một cây sậy, họ quỳ gối trước mặt Người mà nhạo báng rằng:

S. "Tâu vua dân Do-thái!"

C. Ðoạn họ khạc nhổ vào Người và lấy cây sậy đập trên đầu Người. Khi đã chế nhạo Người xong, họ lột áo choàng đỏ ra, mặc y phục cũ lại cho Người và điệu Người đi đóng đinh vào thập giá. Lúc đi ra, họ gặp một người thành Xyrênê tên là Simon, liền bắt ông vác đỡ thánh giá cho Người.

Họ đi đến một nơi gọi là Golgotha, nghĩa là Núi Sọ. Họ cho Người uống rượu hoà với mật đắng, Người chỉ nếm qua nhưng không muốn uống. Khi đã đóng đinh Người trên thập giá rồi, họ rút thăm chia nhau áo Người, để ứng nghiệm lời tiên tri rằng: "Chúng đã chia nhau áo Ta, còn áo ngoài của Ta, chúng đã bắt thăm". Rồi họ ngồi lại canh Người. Họ cũng đặt trên đầu Người bản án viết như sau: Người này là Giêsu, vua dân Do-thái. Lúc ấy, cùng với Người, họ đóng đinh hai tên trộm cướp, một tên bên hữu, một tên bên tả.

Những người đi ngang qua, lắc đầu chế diễu Người và nói:

S. "Kìa, ngươi là kẻ phá đền thờ và xây cất lại trong ba ngày, hãy tự cứu mình đi, nếu là Con Thiên Chúa, thì hãy xuống khỏi thập giá đi!"

C. Các thượng tế cùng luật sĩ và kỳ lão cũng chế nhạo Người rằng:

S. "Nó đã cứu được kẻ khác mà không cứu nổi chính mình! Nếu nó là vua dân Do-thái, thì bây giờ hãy xuống khỏi thập giá đi để chúng ta sẽ tin nó. Nó đã trông cậy Thiên Chúa, nếu Ngài thương nó thì bây giờ Ngài hãy cứu nó, vì nó nói: "Ta là Con Thiên Chúa!"

C. Cả những tên cướp bị đóng đinh trên thập giá với Người cũng nhục mạ Người như thế. Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, khắp cả xứ đều tối tăm mù mịt. Vào khoảng giờ thứ chín thì Chúa Giêsu kêu lớn tiếng:

J. "Eli, Eli, lema sabachtani!"

C. Nghĩa là:

J. "Lạy Chúa con, lạy Chúa con! sao Chúa bỏ con!"

C. Có mấy người đứng đó nghe vậy nói rằng:

S. "Nó gọi tiên tri Elia".

C. Lập tức một người trong bọn chạy đi lấy một miếng bọt biển, nhúng đầy dấm và cuốn vào đầu cây sậy và đưa lên cho Người uống. Nhưng có kẻ lại bảo:

S. "Hãy chờ xem Elia có đến cứu nó không?"

C. Ðoạn Chúa Giêsu lại kêu lên lớn tiếng và trút hơi thở.

(Quỳ gối thinh lặng thờ lạy trong giây lát)

Bỗng nhiên màn đền thờ xé ra làm đôi từ trên xuống dưới, đất chuyển động, đá nứt ra. Các mồ mả mở tung và xác của nhiều vị thánh đã qua đời được sống lại. Và sau khi Chúa sống lại, họ ra khỏi mồ, vào thành thánh và hiện ra cùng nhiều người. Còn viên sĩ quan và những kẻ cùng ông canh giữ Chúa Giêsu, thấy đất chuyển động và các sự xảy ra, thì thất kinh sợ hãi và nói:

S. "Ðúng người này là Con Thiên Chúa".

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến, Chúa nhật hôm nay, Giáo Hội tưởng niệm việc Chúa Giêsu tiến vào thành thánh Giêrusalem, để hoàn tất cuộc khổ nạn và phục sinh. Chúng ta khẩn cầu Chúa Cha, Đấng giầu lòng thương xót, ban ơn cứu độ cho tất cả mọi người. Trong tâm tình đó, chúng ta dâng lời cầu nguyện.

1. Trong Tuần Thánh, Giáo Hội tưởng niệm Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu, ước gì trong thời gian hồng phúc này, Chúa nhìn thấy chúng ta đang chờ đợi và mong muốn đi theo Ngài, cùng với Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, các Đức Giám Mục, Linh Mục và toàn thể Giáo Hội.

2. Chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho những người đang tham dự vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu, họ là những người bệnh tật và nghèo khổ, bị bỏ rơi và bị bách hại, xin cho họ tìm thấy nơi Chúa Giêsu con đường dẫn tới ơn cứu độ.

3. Chúng ta cầu nguyện cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta đang quy tụ nơi đây để cử hành cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, xin cho mỗi người biết sử dụng thời gian hồng phúc này như là thời khắc sám hối và đổi mới đời sống.

4. Chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho các bạn trẻ trên toàn thế giới, cách riêng các bạn trẻ trong giáo phận, xin cho họ cảm nhận được kinh nghiệm sâu xa khi gặp gỡ Chúa Giêsu, Đấng là Ánh Sáng của nhân loại.

Chủ tế: Lạy Cha, xin lắng nghe lời cầu nguyện của dân Cha, đang khi chúng con cử hành cuộc khổ nạn của Con Cha; sau khi tôn vinh Con Cha trong ngày vui mừng này, xin giúp chúng con vững bước theo Người với tình yêu bền vững và trung tín, ngay cả trong thời khắc đêm tối của thập giá. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, cúi xin Chúa nhớ lại cuộc khổ hình của Ðức Ki-tô và cho chúng con được làm hoà cùng Chúa. Thật chúng con chẳng làm gì nên công trạng, nhưng chúng con tin sẽ được Chúa mở lượng khoan hồng tha thứ, nhờ hiến lễ độc nhất vô song của Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con. Người là Ðấng vô tội, đã cam chịu khổ hình thay cho những người tội lỗi, và bằng lòng chịu kết án bất công thay cho kẻ gian tà. Người đã chết để tẩy trừ tội lỗi, và đã sống lại để thánh hoá chúng con. Vì thế, cùng với toàn thể Thiên thần và các thánh, chúng con ca ngợi Chúa, và vui mừng phấn khởi tung hô rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!...

Ca hiệp lễ

Lạy Cha, nếu chén này không thể qua đi được mà con phải uống, thì xin theo ý Cha.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, tại bàn tiệc Thánh Thể, Chúa cho chúng con được thoả chí toại lòng. Nhờ Con Một Chúa chịu khổ hình thập giá, Chúa làm cho chúng con tin tưởng vững vàng sẽ được ơn cứu độ, thì nhờ mầu nhiệm Người đã phục sinh, xin cho chúng con đạt tới quê trời như lòng hằng mong ước. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

Đau khổ của Đức Kitô
Sưu tầm

Trong thời đệ nhị thế chiến, có một linh mục Hoà Lan bị Đức quốc xã bắt và đem về trại tập trung ở Dachau. Tại đây ngài bị nốt trong một chiếc cũi. Bọn lính mua vui bằng cách bắt ngài phải sủa lên như con chó mỗi lần chúng đi qua. Cuối cùng ngài đã chết vì bị tra tấn. Bọn lính đâu có ngờ giữa cơn thử thách, ngài vẫn tiếp tục viết nhật ký, qua đó chúng ta biết sở dĩ ngài có thể chịu đựng được mọi đau đớn là vì ngài biết rằng Chúa Giêsu đã từng đau đớn như thế trước ngài. Trong một lời kinh, ngài đã bày tỏ cùng Chúa: Lạy Chúa, sẽ không có nỗi đau đớn nào làm con ngã gục bởi vì con luôn nhìn thấy đôi mắt đầy đau khổ của Chúa. Con đường thập giá Chúa đã đi qua giúp con chịu đựng nỗi đắng cay một cách khôn ngoan. Vậy trong cuộc thương khó, Chúa Giêsu đã phải chịu đựng những khổ đau nào?

Trước hết là nỗi đớn đau trong tâm hồn. Thực vậy, tại vườn Cây Dầu, Ngài đã đổ mồ hôi máu khi nghĩ đến cơn thử thách sắp tới. Còn gì đau đớn cho bằng khi bị những người thân yêu của mình bỏ rơi và phản bội. Chúa Giêsu đã trải qua nỗi đớn đau này khi bị Giuđa bán đi với giá 30 đồng bạc, khi bị Phêrô chối bỏ chỉ vì một vài câu hỏi vu vơ, khi bị các môn đệ bỏ rơi. Và điều quan trọng hơn nữa, đó là Ngài đã mặc lấy thân phận tội nhân, và cảm thấy như bị chính Chúa Cha từ bỏ. Bởi đó, trên thập giá Ngài đã phải thốt lên: Lạy Cha, sao Cha lại bỏ con?

Có lẽ mỗi người chúng ta đều đã có kinh nghiệm về vấn đề này, khi chúng ta bị những người trong gia đình, trong khu xóm, những người chúng ta yêu mến và kính trọng phản bội.

Tiếp đến là những đau khổ ngoài thể xác. Ngài đã bị đánh đập, bị đội mão gai và bị đóng đinh vào thập giá. Dĩ nhiên chúng ta chưa nếm thử những đớn đau khủng khiếp như thế, nhưng ít ra chúng ta cũng đã trải qua những đau khổ ngoài thân xác, chẳng hạn như khi chúng ta đau yếu bệnh tật.

Có một bác sĩ vì chữa lành thương tích cho một thành viên chống đối chính phủ, nên đã bị cảnh sát bắt giữ và bị tra tấn dã man. Trong lúc bị tra tấn như vậy, vị bác sĩ này cảm nghiệm được một cách mơ hồi nỗi đau đớn Chúa Giêsu đã từng chịu, cũng như thấy được rằng Chúa luôn ở bên cạnh và giúp đỡ để ông được kiên vững. Còn chúng ta thì sao?

Nói theo kiểu nhà Phật thì đời là bể khổ, mà mỗi người chúng ta là một cách bèo trôi dạt trên đó. Đúng thế, đau khổ là một cái gì gắn liền với thân phận con người. Hay nói cách khác, đã là người thì ai cũng phải đau khổ. Thoạt sinh ra thì đã khóc choé, đời có vui sao chẳng cười khì. Trong những giây phút đớn đau và tăm tối, chúng ta hãy nhìn lên thập giá và chúng ta sẽ thấy được rằng chính Chúa cũng đã đớn đau trước chúng ta và hơn chúng ta bội phần.

Từ đó, chúng ta sẽ tìm thấy được niềm an ủi và khích lệ để biết chấp nhận mọi đớn đau gian khổ, như góp một phần nhỏ bé của chúng ta vào thập giá Đức Kitô.



Cùng với Chúa Giêsu bước vào Tuần Thánh tại gia


Từ trước tới giờ, Chúa Nhật Lễ Lá năm nay thật ngoại lệ đến lạ thường. Ngoại lệ vì Giáo Hội cho phép giáo dân tham dự nghi lễ online; lạ thường vì chúng ta không được nhận những nhành lá, không cùng nhau hiện diện tại thánh đường để cử hành lễ Lá. Tất cả vì một nguyên nhân ai cũng biết và phải đề phòng: Virus Covid–19.

Dẫu sao chúng ta có thể đọc hoặc nhớ lại biến cố ngày này thời Đức Giêsu: Ngài đã cưỡi lừa vào thành thánh Giêrusalem. Đó là biến cố bước vào Tuần Thánh cùng với Đức Giêsu chịu thương khó. Đây là một trong những dịp lễ trọng đại và kéo dài cả tuần trước ngày Sa bát. Tuy nhiên, các thánh sử chỉ ghi lại cho chúng ta vài câu về biến cố này. Chẳng hạn thánh Gioan thuật lại như sau:

“Dân chúng lũ lượt tuôn đến mừng lễ. Thoạt nghe tin Ðức Giêsu tới Giêrusalem, họ cầm nhành lá thiên tuế ra đón Người và reo hò:

Hoan hô! Hoan hô!
Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Chúa!
Chúc tụng vua Ítraen!

Ðức Giêsu gặp một con lừa nhỏ, liền cỡi lên như có lời chép:

Hỡi thiếu nữ Sion, đừng sợ!
Này Ðức Vua của ngươi ngự đến,
ngồi trên lưng lừa con.” (Ga 12,12–19)

Đó là những ngày đại lễ Vượt Qua của người Do Thái. Thiên Chúa của chúng ta vào thành thánh với muôn vạn lời chúc tụng. Ngài cũng đang hòa cùng niềm vui lễ hội với dân. Hôm nay Giáo Hội cũng mời gọi chúng ta sống lại biến cố này một cách khác thường, nhưng không thiếu tâm tình thiêng liêng.
 
1. Chúa muốn vào nhà chúng ta

Nếu không có Covid–19, mỗi giáo xứ trong những này này rộn ràng lắm. Nào là vệ sinh, lau dọn nhà thờ, nào là tập dượt bài Thương Khó, chuẩn bị nhành lá, tập hát mừng đại lễ. Nói chung, mỗi người một việc để chuẩn bị cho cả Tuần Thánh. Các giáo xứ, nhà thờ năm nay vắng người. Phải chăng Chúa muốn cho chúng ta một kinh nghiệm độc đáo trong mùa dịch này: Chúa tiến vào nhà mình!

Với mệnh lệnh của nhà nước và hướng dẫn của Giáo Hội, chúng ta cử hành lễ Lá tại gia đình. Thay vì đến nhà thờ gặp Chúa, chính Đức Giêsu tìm đến tận mỗi gia thất của chúng ta. Nơi đó, Ngài có được mỗi người đón tiếp, tung hô và trò chuyện không? Dù giàu sang gấm lụa, nghèo nàn thiếu thốn, Chúa thực sự muốn bước vào tất cả những nơi đó. Cũng như dân thành năm xưa, hẳn là mỗi người cũng hạnh phúc đón Đức Vua, Thiên Chúa của chúng ta vào nhà mình.

Một lý do đơn giản: gia đình cần Chúa đến lúc này. Khi dấu hiệu đại dịch mỗi lúc một tăng, van xin Chúa hiện diện là điều cần thiết. Trong khi tham dự lễ Lá online, xin đừng giam Chúa trong chiếc điện thoại, máy tính hoặc nơi TV. Qua những phương tiện truyền thông, chúng ta tin rằng Thiên Chúa cũng thực sự đến với mỗi người. Chẳng phải mỗi người chúng ta là một đền thờ của Chúa Thánh Thần sao? (1 Cr 6,19–20). Chẳng phải gia đình cũng là Giáo Hội thu nhỏ đó sao? Dù Virus có khủng khiếp đến đâu, với Chúa và trong Chúa, hy vọng tình thế sẽ tươi sáng hơn nhiều.

2. Xin Chúa cứu nhân loại

Thử tưởng tượng người người tung hô Thiên Chúa lúc đó: vang rền cả một vùng trời. Nếu để ý, chúng ta thấy đám đông đang tán dương Đức Giêsu bằng lời của thánh vịnh 118. Nơi đó, họ hoan hô, chúc tụng Đấng ngự nhân danh Chúa mà đến! Hoan hô trong tiếng Do Thái là “Ho–san–na”, nghĩa là “xin cứu”, “xin ban ơn cứu độ”. Vào thời Chúa Giêsu, từ này cũng ám chỉ Đấng Thiên Sai. Lời hoan hô ấy thường được dùng trong bối cảnh phụng vụ. Dĩ nhiên, lúc này mỗi người cũng đang ước nguyện van xin Chúa giúp: “Hoan hô Chúa trên các tầng trời!”  

Nếu mạng xã hội có thể nối kết con người, thì nơi đó, chúng ta cũng thấy biết bao lời nguyện cầu dâng về Chúa. Mỗi người một ý nguyện, tâm tình. Dù cách xa về địa lý, nhưng chúng ta được liên kết gần gũi với nhau. Cùng nhau phòng chống dịch, cùng hướng về nhau và về Chúa. Khi đó, lời cầu nguyện của chúng ta cũng sẽ vang thấu trời. Hy vọng Chúa sẽ nhận lời chúng con.

Theo truyền thống Do Thái, các tư tế cũng dùng thánh vịnh 118 để chúc phúc cho các trưởng phái đoàn tiến lên Đền Thờ. Trong ý nghĩa này, chúng ta thấy Đức Giêsu cũng được chúc phúc. Hay nói đúng hơn, chính nhờ sự hiện diện của Ngài mà đoàn người hôm ấy được chúc phúc. Họ nhìn ngắm Đức Giêsu trên lưng lừa mà van xin: “Nguyện xin Chúa tuôn đổ phúc lành cho dân người lúc này.”

Trước cảnh u ám này, Chúa nhắn với mỗi người đừng sợ hãi, đừng hoang mang. (Mt 28,5). Chúa Giêsu đã không sợ khi bước vào thành thánh, dù Ngài biết nơi đó nguy hiểm đến tính mạng mình. Là người Công Giáo, chúng ta có nhiều lý do để sẵn sàng ứng phó với đại dịch lần này. Bằng cách nào? Cùng với Chúa và với nhau. Đó là mẫu số chung cho mỗi người lúc này. Nghe có vẻ lạ tai! Cứ nhìn vào xã hội và Giáo Hội, chẳng phải chúng ta đang cố gắng theo hướng đó sao?
   
3. Chúa bắt đầu chết vì tôi


Trong ngày Lễ ngày, chúng ta được nghe lại bài Thương Khó của Chúa chúng ta. Sau ngày lễ này, Thượng Hội Đồng quyết định bắt Đức Giêsu (Ga 11,45–54). Vậy là Đức Giêsu đã có án tử. Ngài đang đi vào con đường tử nạn, và chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta. Đó là nguồn sức mạnh để mỗi người thêm lý do bám vào Chúa. Ngài nhất định không bỏ con người. Dù dịch bệnh có tàn nhẫn đến đâu, dù con người có chối bỏ Thiên Chúa, Đức Giêsu vẫn đang chịu chết để cứu độ con người.

Nếu chúng ta đang chịu đau khổ vì virus, thì chính Con Thiên Chúa cũng đang chịu cực hình. Trong hoàn cảnh đó, Đức Giêsu một lòng tín trung vào Chúa, sẵn sàng chấp nhận thử thách. Trong đó, đau khổ thực sự là một thử thách đức tin của mỗi người. Hoặc nói như thánh Giacôbê tông đồ: “Anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn.” (Gc 1,2–3). Cụ thể hãy kiên nhẫn với Thiên Chúa, bởi Ngài đang rất kiên nhẫn với con người. Ngài sẽ nhậm lời khẩn nguyện của ta. Đồng thời kiên nhẫn đi cùng với Chúa trong đau khổ, vinh quang sẽ chờ ta phía trước.

Giáo Hội vẫn đang gọi mời chúng ta hãy cùng bước vào con đường của Đức Giêsu. Với lời tung hô chúc tụng, lời van nài nguyện xin, hy vọng mỗi người đi với Chúa đến cuối con đường thập giá. Nơi đó, Chúa đã chết vì chúng ta và mời gọi mỗi người đón nhận mọi khổ đau, dịch bệnh trong bình an và tin tưởng. Vì chúng ta muốn yêu mến Thiên Chúa thật nhiều. “Đức mến này thì nhẫn nhục, hiền hậu, ...tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.” (1Cor 13,1–8).  

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ


 

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...