CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN – C

“Nếu các con có lòng tin”. (Lc 17, 5-10)

02.10.2022
Chúa Nhật XXVII Thường Niên – Năm C

 

Lc 17, 5-10


Tin Mừng hôm nay cung cấp một tường thuật rất ý nghĩa về đức tin và một dụ ngôn vắn về vai trò làm tôi tớ Thiên Chúa của chúng ta. Hai giáo huấn khác nhau này trong Tin Mừng Luca được trình bày theo sau một giới luật gắt gao của Đức Giêsu về tội và sự tha thứ, và dẫn tới câu truyện Chúa Giêsu chữa lành mười người phong cùi. Không có mối liên kết rõ ràng, lôgích nào giữa các giáo huấn của Đức Giêsu trong Luca 17, hay giữa các giáo huấn ấy và câu truyện chữa lành theo sau. Tuy nhiên, khi suy niệm về ơn gọi truyền giáo của người Kitô hữu, chúng ta trở thành những bạn đồng hành với các môn đệ (ở đây gọi là tông đồ) khi các ngài cầu xin với Chúa Giêsu: “Xin Thầy thêm đức tin cho chúng con” (Lc 17:5).

Đáp lại lời cầu xin tăng thêm đức tin (rõ ràng là một lời cầu xin thánh thiện cho sự tăng trưởng thiêng liêng), Đức Giêsu nêu lên một sự so sánh giữa hai thái cực, phối hợp hình ảnh một hạt cải nhỏ xíu trong ngạn ngữ với hình ảnh một cây dâu to lớn. Khi sử dụng hình ảnh ngạn ngữ này, Đức Giêsu thúc đẩy chúng ta vượt lên trên lối suy nghĩ lôgích thường ngày, bằng cách gợi ý rằng đức tin không hoạt động theo các tiêu chuẩn nhân loại bình thường, nhưng có vẻ khó hiểu đối với con mắt của loài người giống như một cây cải ở giữa đại dương. Tự cơ bản, đức tin là sự tín thác sâu xa vào Thiên Chúa và theo các cách thức Thiên Chúa hoạt động. Có lẽ mọi người truyền giáo có chút kinh nghiệm đều đã từng nhìn thấy những kết quả được tạo ra bởi hành động của Thiên Chúa trong các hoàn cảnh có vẻ hoàn toàn chống lại mọi kết quả. Bài Tin Mừng hôm nay thách thức chúng ta tin tưởng vào Thiên Chúa vượt lên trên các giới hạn của cái lôgích nhân loại và ý nghĩa của cái có thể xảy ra, nhờ đó chúng ta trở nên một với tinh thần, trí tưởng tượng, lối suy nghĩ và trái tim của Thiên Chúa.

“Các Tông Đồ thưa với Chúa Giêsu rằng: ‘Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con’” (Lc 17:5-6). Ở đây Thánh Luca gọi mười hai người đã được Đức Giêsu chọn khúc khởi đầu sứ vụ của Người (x. Lc 6:12-16) là “Tông Đồ”. Có nghĩa là “được sai đi”. Trong khi các sách Tin Mừng khác chỉ sử dụng thuật ngữ ngày một lần duy nhất để chỉ về nhóm cụ thể các môn đệ này của Đức Giêsu, Luca sử dụng từ “tông đồ” sáu lần trong sách Tin Mừng của ngài và hai mươi tám lần trong sách Công vụ Tông Đồ. Hội Thánh sơ thời ý thức rằng đặc quyền của Nhóm Mười Hai này là không thể chuyển nhượng; tính xác thực về sự uỷ nhiệm và sứ mạng của họ được dựa trên sự chọn lựa của chính Đức Giêsu. Người đã chọn và sai họ đi. Vì thế những tông đồ ấy là những chứng nhân chính thức cho Tin Mừng về Chúa Phục Sinh! Và theo nghĩa này, họ sẽ phải có đủ đức tin vào Người. Họ là những chứng nhân ưu việt về những lời giảng dạy và những phép lạ của Đức Giêsu (x. Lc 18:31), và đồng thời họ cũng là những con người mỏng dòn như tất cả chúng ta, cũng có những hoài nghi và thiếu lòng tin (x. Lc 24:11.25.38-39). Đó là lý do của lời cầu xin họ dâng lên Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay, “Xin tăng thêm lòng tin cho chúng con”, với niềm tin chắc rằng Người là Thiên Chúa.

Điều này có nghĩa là gì đối với tất cả chúng ta là những người “được sai đi” hôm nay? Chúng ta phải khiêm tốn nhìn nhận rằng chúng ta rất thiếu lòng tin trong sứ mạng loan báo Tin Mừng cho thế giới. Có lẽ Đức Giêsu không bảo chúng ta, “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc,’ nó cũng sẽ vâng lời anh em” (Lc 17:6). Do đó, không thể có lòng tin để chuyển núi dời non nếu chúng ta thiếu lòng tin cơ bản vào Đức Giêsu là Chúa, Đức Giêsu phục sinh và đang sống trong Hội Thánh của Người. Có ích gì khi muốn có một đức tin làm được phép lạ trước đám đông, hay có khả năng chữa bệnh, hay có sức mạnh phi thường gây kinh ngạc cho người ngoại giáo và người có đạo hôm nay? Bản thân Đức Giêsu đã từng làm nhiều, rất nhiều phép lạ trước mặt những người đương thời và các tông đồ của Người, nhưng điều đó đã không tăng thêm đức tin cho họ. Điều cốt yếu đối với chúng ta là có lòng khiêm nhường của các tông đồ để xin Chúa không ngừng đến trợ giúp chúng ta. “Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi!” Đây là lời thốt lên của người cha có đứa con bị quỉ ám mắc bệnh động kinh (Mc 9:24; x. Lc 9:37-43). Mỗi khi đến bàn tiệc Thánh Thể, được gặp Chúa Giêsu phục sinh, chúng ta hãy xin Người ban đức tin cần thiết cho chúng ta để gặp Người trong cuộc sống và trong thế giới của chúng ta. Chỉ có cầu nguyện không ngừng, linh hồn của việc truyền giáo, mới làm cho đức tin chúng ta sống động.

Ngay sau đó (x. Lc 17:5-10), đoạn tường thuật của Tin Mừng Lc đặt chúng ta đối diện với một cảnh được lấy từ đời sống hằng ngày trong nhà để dạy chúng ta về việc tông đồ: dù công việc chúng ta làm có những kết quả tuyệt vời đến đâu, chúng ta vẫn chỉ là đang chu toàn nhiệm vụ được Chúa giao cho. Trong nếp sống hằng ngày vào thời Đức Giêsu, có sự thiết lập rõ ràng những mong đợi của chủ và tớ liên quan đến vai trò của mỗi người. Chủ ra lệnh và đầy tớ thì thi hành. Đầy tớ được yêu cầu chuyển từ công việc đồng áng sang công việc nhà và thậm chí không được nghỉ. Đầy tớ không thể phản đối vì mệt, đói hay khát. Chắc chắn không được hiểu những lời của Chúa Giêsu như là một sự biện minh cho thể chế nô lệ thời xưa; Người chỉ đang sử dụng một thực tế xã hội thời xưa như một ẩn dụ để gợi ý về một sự giống nhau giữa thực tế này với việc chúng ta phục vụ Thiên Chúa.

Khi Đức Giêsu đặt câu hỏi tu từ: “Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao?” Người hỏi đám đông, bao gồm cả chúng ta, và chờ đợi câu trả lời đương nhiên là “Không”. Rồi Đức Giêsu nói tiếp rằng khi chúng ta đã làm tất cả những gì Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta, chúng ta phải thưa với Người, “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm những gì chúng tôi phải làm.” Hình ảnh cực đoan này có ý là một bài học sư phạm để hoán cải người môn đệ truyền giáo về với cái lôgích của đức tin―không phải hiệu quả và lợi ích của việc phục vụ, nhưng là kết quả của đức tin là sự hiệp thông với Chúa Giêsu.

Bằng các lời nói của chúng ta và qua kinh nghiệm hằng ngày, Đức Giêsu đặt chúng ta đối diện với sự thật rằng việc mong đợi phần thưởng thì không tương xứng với thực tại. Tuy nhiên, cái tương xứng ở đây là sự hiểu biết rằng Thiên Chúa là ai và chúng ta mắc nợ Người điều gì. Đức Giêsu muốn chúng ta nhìn nhận rằng Thiên Chúa mong đợi chúng ta một sự cam kết nghiêm túc và chân thành với công việc mà Thiên Chúa kêu gọi chúng ta làm, đó là sứ mạng làm cho Đức Kitô được biết đến trong thế giới.

Hai bài đọc khác của ngày hôm nay mời chúng ta suy tư về các chủ đề đức tin và việc phục vụ Thiên Chúa này, nhưng từ hai viễn tượng khác. Sách ngôn sứ Khabacúc, được viết một thời gian ngắn trước khi dân Do Thái bị lưu đày xa quê hương vào thế kỷ 6 trước C.N., kêu cầu sự trợ giúp của Thiên Chúa giữa cảnh phá phách và bạo tàn. Đáp lại, Thiên Chúa tuyên bố rằng một số kẻ nghênh ngang tự đắc mặc dù họ không có sự “công chính”, trong khi “người công chính sẽ sống bởi đức tin” (Kb 2:4). Khabacúc nhấn mạnh rằng, trái với những kẻ phá phách và bạo tàn, một số người tin tưởng nơi Thiên Chúa. Đây là đức tin đơn sơ và tinh tuyền; đây là cái làm cho họ nên công chính trước mặt Thiên Chúa.

Khi Phaolô gặp Đức Giêsu Phục Sinh, cách hiểu về đức tin của Khabacúc đã được biến đổi. Ngài bắt đầu biết được những cách thức phi thường của Thiên Chúa khi yêu thương chúng ta, khoảng cách mà Thiên Chúa đã vượt qua để đưa chúng ta trở về với mối quan hệ đúng đắn với Người. Phaolô thấy rằng sự tin tưởng vào quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa cũng hoạt động trên chúng ta, trong Đức Giêsu Kitô. Phaolô đã khám phá ra chính sự tự do và đức tin trong mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa, và nó thúc đẩy ngài và mọi tín hữu sau ngài đi ra thế giới để làm cho mọi người biết tin mừng về tình yêu tái sinh của Thiên Chúa, và loan báo cuộc Phục Sinh cứu độ của Chúa Giêsu.

Cách nhìn mới của đức tin về các sự vật được tập trung vào Đức Kitô. Tin vào Đức Kitô đem lại ơn cứu độ bởi vì nơi Người cuộc sống của chúng ta được mở ra một cách triệt để cho một tình yêu đi trước chúng ta, một tình yêu biến đổi chúng ta từ bên trong, hành động trong chúng ta và qua chúng ta. Điều này được thấy rõ ràng trong cách chú giải của Phaolô về một bản văn từ sách Đệ Nhị Luật, một chú giải phù hợp với trọng tâm của sứ điệp Cựu Ước. Ông Môsê nói với dân rằng lệnh truyền của Thiên Chúa không ở quá cao cũng không ở quá xa chúng ta. Không cần phải nói: “Ai sẽ lên trời lấy xuống cho chúng tôi?”, hay “Ai sẽ sang bên kia biển lấy về cho chúng tôi?” (Đnl 30:11-14). Phaolô giải thích sự gần gũi của lời Thiên Chúa bằng sự hiện diện của Đức Kitô trong các Kitô hữu. “Ðừng tự hỏi: ‘Ai sẽ lên trời?’ (ngụ ý là: để đem Ðức Kitô xuống), hay ‘Ai sẽ xuống âm phủ?’ (ngụ ý là: để đưa Ðức Kitô lên từ cõi chết)” (Rm 10:6-7). Đức Kitô đã xuống trần gian và đã sống lại từ cõi chết; bằng việc nhập thể và phục sinh của Người, Con Thiên Chúa đã ôm ấp toàn thể đời sống và lịch sử loài người, và bây giờ đang ở trong lòng chúng ta nhờ Thánh Thần. Đức tin biết rằng Thiên Chúa đã đến gần chúng ta, Đức Kitô đã được ban cho chúng ta như một ân huệ lớn lao nhằm biến đổi bên trong chúng ta, cư ngụ trong chúng ta và nhờ đó ban cho chúng ta ánh sáng chiếu soi nguồn gốc và chung cuộc của sự sống.

Do đó chúng ta thấy được sự khác biệt mà đức tin tạo ra cho chúng ta. Những ai tin thì được biến đổi bởi tình yêu mà họ đã mở lòng mình ra cho trong đức tin. Nhờ sự mở lòng cho món quà tình yêu nguyên thuỷ này, cuộc sống họ được mở rộng và triển nở. “Không còn là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2:20). “Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Ðức Kitô ngự trong tâm hồn” (Ep 3:17). Sự ý thức về mình của người tín hữu bây giờ được mở rộng bởi vì sự hiện diện của một người khác; bây giờ sự tự thức ấy sống trong người khác này và vì vậy, trong tình yêu, sự sống mang lấy một hơi thở hoàn toàn mới. Ở đây chúng ta thấy Chúa Thánh Thần hoạt động. Người Kitô hữu có thể nhìn bằng con mắt của Đức Giêsu và chia sẻ tinh thần của Người, thái độ con thảo của Người, vì họ được chia sẻ tình yêu của Người là chính Thần Khí. Trong tình yêu của Đức Giêsu, chúng ta một cách nào đó nhận được cái nhìn của Người. Nếu không nên giống Người trong tình yêu, không có sự hiện diện của Thần Khí, thì không thể tuyên xưng Người là Chúa (x. 1 Cr 12:3). (ĐGH Phanxicô, Lumen Fidei, 20-21).

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXVII Thường Niên – Năm C

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Trong Phúc Âm hôm nay khi các tông đồ xin Chúa Giêsu thêm đức tin, các ông nghĩ rằng nếu có thêm đức tin, thì mọi sự sẽ được xuôi chảy mà không còn gì là khó khăn. Nhưng Chúa chỉ cho các ông thấy không cần phải có thêm đức tin, nhưng là cần một đức tin có phẩm chất, nghĩa là một đức tin vững mạnh và kiên trì. Vì người có đức tin vững mạnh thì không tin nhảm nhí vào bói quẻ, vào tướng số, vào ngày lành tháng tốt, không xiêu bên này vẹo bên kia. Nếu có niềm tin vững mạnh, thì Thánh Phaolô Tông Đồ dân ngọai thúc giục chúng ta, hãy mạnh dạn mà loan báo điều mình đã tin, điều mình đã lãnh nhận, hãy công bố cho muôn dân biết Thiên Chúa quyền năng và vinh hiển. Vì như tiên tri Habacúc nói rằng: “người công chính sẽ sống được nhờ trung tín”, nghĩa là chúng ta phải có ơn bền đỗ trong niềm tin ấy. Chúng ta hãy hiệp dâng Thánh Lễ để nhận ra tình yêu của Chúa đối với mỗi người chúng ta. Nhưng để có thể cử hành Thánh Lễ cách sốt sáng, chúng ta hãy thành tâm thống hối….

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã tác tạo mọi sự theo thánh ý Chúa, và không ai có thể chống lại thánh ý Chúa. Vì Chúa đã tạo thành mọi sự trên trời dưới đất, và cả những gì trong bầu trời; Chúa là Chúa tể mọi loài.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, tình thương Chúa thật là cao cả, vượt xa mọi công trạng và ước muốn của con người, xin rộng tình tha thứ những lỗi lầm cắt rứt lương tâm chúng con, và thương ban những ơn trọng đại, lòng chúng con chẳng dám mơ tưởng bao giờ. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Kb 1, 2-3; 2, 2-4

“Người công chính sẽ sống được nhờ trung tín”.

Trích sách Tiên tri Khabacúc.

Lạy Chúa, con kêu cầu Chúa cho đến bao giờ mà Chúa không nghe? Con phải ức ép kêu lên cùng Chúa, mà Chúa không cứu con sao? Cớ sao Chúa tỏ cho con thấy sự gian ác và lao khổ, cướp bóc và bất lương trước mặt con? Dù có công lý, nhưng kẻ đối nghịch vẫn thắng.

Chúa đáp lại tôi rằng: “Hãy chép điều con thấy, hãy khắc nó vào tấm bảng, để đọc được dễ dàng. Bởi hình lạ còn xa, nó sẽ xuất hiện trong thời sau hết, và sẽ chẳng hư không. Nó kết duyên với ngươi, hãy chờ đợi nó, vì nó sẽ đến không trì hoãn. Chắc chắn nó sẽ đến, không sai. Người không có lòng ngay thì ngã gục, nhưng người công chính sẽ sống nhờ trung tín”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9

Ðáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Các ngươi đừng cứng lòng!” (c. 8).

Xướng: Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Ðá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người.

Xướng: Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy; hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Ðấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người.

Xướng: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Ðừng cứng lòng như ở Meriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta; họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta. 

Bài Ðọc II: 2 Tm 1, 6-8, 13-14

“Con chớ hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Timô-thêu.

Con thân mến, cha khuyên con hãy làm sống lại ơn Thiên Chúa đã ban cho con do việc đặt tay của cha. Vì chưng, Thiên Chúa không ban cho chúng ta một thần khí nhát sợ, mà là thần khí dũng mạnh, bác ái và tiết độ. Vậy con chớ hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta, và cho cha nữa, là tù nhân của Người, nhưng con hãy đồng lao cộng tác với cha vì Tin Mừng, nhờ quyền năng của Thiên Chúa.

Con hãy lấy những lời lành lẽ phải, con đã nghe cha nói, làm mẫu mực trong đức tin và lòng mến nơi Ðức Giêsu Kitô. Con hãy cậy nhờ Thánh Thần là Ðấng ngự trong chúng ta mà gìn giữ kho tàng tốt đẹp.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 10, 27

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta: Ta biết chúng và chúng theo Ta”. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 17, 5-10

“Nếu các con có lòng tin”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, các Tông đồ thưa với Chúa Giêsu rằng: “Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con”. Chúa liền phán rằng: “Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng: ‘Hãy bứng rễ lên mà đi trồng dưới biển’, nó liền vâng lời các con.

“Ai trong các con có người đầy tớ cày bừa hay chăn súc vật ngoài đồng trở về, liền bảo nó rằng: ‘Mau lên, hãy vào bàn dùng bữa’, mà trái lại không bảo nó rằng: ‘Hãy lo dọn bữa tối cho ta, hãy thắt lưng và hầu hạ ta cho đến khi ta ăn uống đã, sau đó ngươi mới ăn uống’. Chớ thì chủ nhà có phải mang ơn người đầy tớ, vì nó đã làm theo lệnh ông dạy không? Thầy nghĩ rằng: Không. Phần các con cũng vậy, khi các con làm xong mọi điều đã truyền dạy các con, thì các con hãy nói rằng: ‘Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm'”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Đức tin là một ơn nhưng không do Thiên Chúa ban tặng. Chúng ta sẽ không thể sống trọn hảo tinh thần Kitô hữu nếu không có đức tin. Vậy chúng ta hãy tha thiết khẩn cầu Chúa ban ơn đức tin cho chúng ta, một đức tin vững mạnh, kiêu hùng.

1. “Người công chính sẽ sống nhờ trung tín” – Xin cho các vị lãnh đạo dân Chúa một niềm tin mãnh liệt, trong sự khiêm nhường thẳm sâu, để giữa những khó khăn của công tác mục vụ, các ngài vẫn sẵn sàng và tích cực phục vụ, để nước Chúa hiển trị giữa xã hội trần thế.

2. “Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con” – Xin cho các Kitô hữu biết luôn lặp lại lời cầu xin đức tin hằng ngày trong đời sống, để có thể duy trì được lòng tin tưởng và phó thác vào sự quan phòng của Chúa trong mọi cảnh huống của cuộc đời.

3. “Con chớ hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta” – Xin cho những anh chị em đang phải sống cô lập trong xã hội, biết kiên trì trong đức tin, hoàn cảnh khó khăn vẫn nên nhân chứng cho Thiên Chúa.

4. “Chúng tôi là đầy tớ vô dụng” – Xin cho mọi người trong giáo xứ chúng ta, biết sống đức ái đích thực qua việc phụng sự Chúa và phục vụ anh chị em, trong tinh thần khiêm tốn và yêu thương chân thành.

Chủ tế: Lạy Chúa, chúng con chỉ là những đầy tớ vô dụng trước mặt Chúa, xin ban cho chúng con đức tin sáng ngời, để chúng con biết tận dụng mọi năng lực xác hồn, sống trọn vẹn cho Chúa và trở nên hữu dụng cho các linh hồn. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chính Chúa đã thiết lập lễ tế này để chúng con dâng lên mà tỏ lòng thần phục tôn kính; xin Chúa thương chấp nhận và thánh hoá chúng con, xin cho chúng con được hưởng dồi dào ơn cứu chuộc. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa nhân lành đối với những ai trông cậy vào Người, và đối với tâm hồn kiếm tìm Người.

Hoặc đọc:

Chỉ có một tấm bánh, nên tuy nhiều, chúng ta cũng chỉ là một thân thể, vì hết thảy chúng ta thông phần cùng một tấm bánh, và cùng một chén rượu.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa lãnh nhận Mình và Máu Ðức Kitô, xin cho chúng con được nên một với Người và no say tình Chúa. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

TẠI SAO PHẢI XIN THÊM LÒNG TIN? (Kb 1,2-3 ; 2,2-4;Tm 1,6-8.13-14; Lc 17,5-10)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Các Tông đồ đã được Đức Giêsu mạc khải nhiều lần về Ngài qua những lời giảng dạy và nơi các dấu lạ điềm thiêng. Ngài lại còn ban cho các ông quyền năng để dẹp trừ những thần ô uế và chữa lành bệnh tật (x. Mt 10, 1-2), nhằm củng cố niềm tin cho họ. Tuy nhiên, vì mang trong mình thân phận con người, các Tông đồ thấy có những lúc còn quá yếu đuối, nên các ông mới cất tiếng xin với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17, 5).

Lời cầu xin này toát lên nỗi trăn trở trước sứ mạng và sự lo sợ trước những thách đố lớn lao của sứ vụ mà các Tông đồ sẽ đón nhận sau này. Đây cũng là tâm tình của mỗi chúng ta ngày hôm nay.

1. Tại sao phải xin thêm lòng tin?

“Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17, 5). Lời cầu xin đó của các Tông đồ cho thấy đức tin không phải do cố gắng của con người mà đạt được, nhưng nó được xuất phát từ Thiên Chúa và do tình thương của Ngài. Vì vậy, Ngài trao ban cho ai tùy ý. Hệ quả chân thực của đức tin chính là lòng kiên trì, trung thành, can đảm và phó thác nơi Thiên Chúa (x. Mt 6, 25 -34).  

Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay làm toát lên đặc tính đó của đức tin: “Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17,5). Lời cầu xin này được cất lên phát xuất từ con tim của các Tông đồ. Các ông được chứng kiến nhiều phép lạ Thầy mình đã làm, nhưng cũng cảm nghiệm được sự khó khăn, phức tạp trong quá trình loan báo Nước Trời của Đức Giêsu. Đồng thời, các ông cũng thấy được trách nhiệm quá lớn lao nơi sứ vụ mà rồi đây các ông sẽ tiếp nhận. Bên cạnh đó là những đòi hỏi quá khắt khe của luật mới nơi người môn đệ Đức Giêsu. Vì thế, các ông không khỏi những lo lắng trước trách nhiệm to lớn đó. Các ông xin Chúa ban thêm lòng tin là để giúp các ông đứng vững trước mọi cuồng phong bão tố trên hành trình loan báo Tin Mừng và để xứng đáng trong tư cách là người môn đệ chân chính.

“Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17, 5) còn là một cách minh chứng cho thấy đức tin của các ông chưa đủ lớn. Và như thế, không thể đối diện với những nghịch cảnh trên hành trình theo Chúa cũng như loan truyền sứ vụ. Một cách gián tiếp, chúng ta nhận thấy các Tông đồ đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Khó khăn lớn nhất đối với các ông lúc này là thử thách về niềm tin vào chính con người Đức Giêsu. Có lẽ các ông ít nhiều vẫn mang trong mình những tâm trạng hoài nghi và tự hỏi về vị Thầy mà các ông đã bỏ mọi sự để đi theo: Đức Giêsu này có phải là Đấng mà muôn dân mong đợi hay không? Tại sao Ngài là Thiên Chúa mà vẫn chấp nhận bị người ta xua đuổi, khinh thường…? Tại sao Ngài không thiết lập và tổ chức triều đình để đem lại sự giàu sang, phồn thịnh cho nhân loại…?

Đức Giêsu thấy được tâm trạng hoang mang cũng như cái tôi ích kỷ của họ nổi lên, điều này được biểu hiện qua việc tranh nhau xem ai là người lớn nhất trong Nước Trời, rồi bà mẹ của Giacôbê và Gioan đến xin cho một ngồi bên tả, một bên hữu…! Nhân cơ hội này, Đức Giêsu đã dạy cho họ bài học yêu thương, khiêm tốn và phục vụ. Thật thế, đức tin phải đi đôi với việc làm, nghĩa là phải “hoạt động qua đức ái” (Gal 5,6) vì: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2:17). Đức tin đi đôi với sự trung thành phục vụ (x. Ga 12,26). Đức tin không phải để khoe khoang. Vì thế, Đức Giêsu đã lấy hình ảnh người tôi tớ trong vai trò phục vụ để giáo huấn cho các ông bài học về sự khiêm tốn trong phục vụ:  “Ðối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10). 

Như vậy, các ông thấy rõ những đòi hỏi của Đức Giêsu và nhận thấy con người mình yếu đuối, nên các ông cần thêm lòng tin để tin vào Chúa hơn, yêu người hơn, khiêm tốn hơn, và phục vụ cách vô vị lợi hơn.

2. Sống Đức Tin trong đời thường

Còn chúng ta ngày hôm nay thì sao? Trong cuộc sống, ngoài xã hội, nơi thương trường, nhiều lúc chúng ta cảm thấy mình bất lực hoặc hèn nhát không dám can đảm để làm chứng cho Chúa. Lý do là vì thiếu niềm xác tín nơi Chúa. Vì thế, lời cầu xin của cácTông đồ khi xưa cũng là lời cầu nguyện của mỗi chúng ta ngày hôm nay.

Quả thật, xã hội ngày hôm nay nhiều người sống rất vô cảm, ít tương trợ lẫn nhau, và nhiều khi còn cắn xé lẫn nhau, hệ quả xảy ra là: tham nhũng, bóc lột, đàn áp những người thấp cổ bé họng… đứng trước những bạo nạn đó, nhiều khi chúng ta thấy mình quá nhỏ bé nên không dám lên tiếng, không dám nói lên chính kiến của mình, không dám thể hiện một nghĩa cử liên đới với những anh chị em đang lâm nạn. Những lúc chúng ta cảm thấy bất lực vì sợ hãi như vậy, ấy là lúc chúng ta cần phải: “Xin Chúa ban thêm lòng tin cho chúng ta” (x. Lc 17,5).

Câu nói của Karl Marx đáng để cho mỗi chúng ta suy nghĩ: “Chỉ có súc vật mới quay lưng lại với nỗi đau đồng loại mà chăm chút bộ lông của mình”. Chớ trêu thay, sự thật này đang là chuyện rất bình thường trong một xã hội hiện đại. Chúng ta biết nó là không tốt, nhưng đôi khi chúng ta cũng sống không kém gì họ, hay không bao giờ dám đứng lên đi ngược dòng để tìm về sự thật và xây dựng tình liên đới chỉ vì sợ sự liên lụy. Đây chính là yếu đuối của chúng ta. Vì thế chúng ta hãy: “Xin Chúa ban thêm lòng tin cho chúng ta” (x. Lc 17,5).

Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta xin Chúa mãi mà vẫn không được những ơn chúng ta xin. Những lúc đó, chúng ta hay phàn nàn trách móc Chúa vì Ngài không nhận lời. Ta thấy tâm trạng của mình lúc này có phần giống tiên tri Kha-ba-cúc trong bài đọc I, ông phải chịu đựng những điều nghiệt ngã tương tự: “Con la lên: Bạo tàn! Mà Ngài không cứu vớt”; “Cho đến bao giờ, lạy Đức Chúa, con kêu van mà Ngài chẳng đoái nghe?” (Kb 1,2-3). Tuy nhiên, chúng ta đâu biết được rằng: “Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn? Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Ðấng ngự trên trời, Người sẽ ban những của tốt lành cho những kẻ xin Người” (Mt 7, 9-11). Chúng ta chưa nhận được là vì chưa có niềm tin đủ mạnh. Vì thế, chúng ta cũng cần: “Xin Chúa thêm lòng tin cho chúng ta” (x. Lc 17,5).

Trên thương trường, nhiều khi chúng ta bị cám dỗ làm ăn bất chính. Vẫn biết là tội, nhưng nhiều người làm như thế, nếu chúng ta không thế thì không thể sống được, và chúng ta đã sẵng sàng thỏa hiệp với gian dối, để làm ăn bất chính. Những lúc như thế, chúng ta phải xin với Chúa như các Tông đồ: “Xin Thầy thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17, 5).

Lạy Chúa Giêsu, lời cầu xin của các Tông đồ khi xưa cũng là lời cầu xin của chúng con ngày hôm nay: “Xin Chúa ban thêm lòng tin cho chúng con”, để chúng con vững bước trên con đường theo Chúa và sẵn sàng thi hành sứ vụ Chúa trao phó. Amen.


CHÚA NHẬT 27C THƯỜNG NIÊN
(Lc. 17:5-10) Lm Lã Mộng Thường

Câu trả lời được Luca ghi lại nơi Phúc Âm khi các tông đồ xin Chúa Giêsu ban thêm nhân đức tin chẳng những khiến các tông đồ ngỡ ngàng mà cỏn lật tẩy lòng ruột của mỗi người chúng ta, “Nếu các con có đức tin bằng hạt cải, thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng: “Hãy bứng rễ lên mà đi trồng dưới biển; nó liền vâng lời các con”. Ai cũng biết, hạt cải nơi đất Do Thái rất nhỏ, chỉ lớn hơn bột mì tinh (giong ta). Với phân lượng đức tin nhỏ như thế mà đã có thể khiến cây dâu di chuyển nên nếu không thể khiến được cây dâu di chuyển tất nhiên đã chẳng có đức tin chút nào.

Hơn kém hai ngàn năm trước, dẫu các tông đồ theo chân Chúa Giêsu rày đây, mai đó rao giảng Tin Mừng Nước Trời, được Ngài trực tiếp dạy dỗ, chứng kiến những gì được gọi là phép lạ và cũng được Chúa giải thích khi trả lời cho những người lãnh nhận hồng ân rằng đó là kết quả của lòng tin, đức tin, mà các tông đồ vẫn bị phân định, “Nếu có đức tin bằng hạt cải…;” điều này có nghĩa các ông không có đức tin hoặc không biết đức tin là gì; phương chi chúng ta, hai ngàn năm trôi qua dẫu tự yên ủi, “Phúc cho ai không thấy mà tin” thì cũng chẳng hơn gì được các tông đồ, thấy mà cũng đã chẳng biết đức tin là gì. “Nếu các con có đức tin bằng hạt cải…”

Thiển nghĩ, ngày xưa cũng như ngày nay, đức tin thường bị đồng hóa hoặc cố ý hiểu lầm thành niềm tin hoặc sự tin tưởng hay cho rằng, nghĩ rằng. Xin thưa, lật nơi Phúc Âm, bất cứ khi nào đức tin, lòng tin được nhắc tới đều nói lên một sự thể, thực thể ẩn chứa, mang một quyền lực đang hoạt động, không bất lực đối với bất cứ sự gì, và chỉ Phúc Âm mới nói đến sự thể này khi đặt nơi miệng Chúa Giêsu những minh xác, “Đức tin con chữa con; đức tin con cứu con”. Ai trong chúng ta không tin rằng hay cho rằng Chúa chữa, Chúa cứu! Vậy sao Phúc Âm ghi lại lời Chúa Giêsu một mực đoan chắc, đức tin con chữa con, đức tin con cứu con.

Đức tin nơi Phúc Âm là gì mà mang quyền lực ngang ngửa với Thiên Chúa như chúng ta thường quan niệm, Chúa chữa, Chúa cứu? Tôi muốn xác định rõ ràng và đó là đức tin được ghi lại nơi Phúc Âm vì ngày nay chúng ta thấy có nhiều danh hiệu được gán ép với ngôn từ đức tin chẳng hạn, dức tin Tin Lành, đức tin Phật giáo, đức tin Anh giáo, đức tin Thệ Phản, đức tin Công giáo, đức tin Ấn giáo. Phỏng đức tin được nhắc đến nơi Phúc Âm là đức tin Do Thái giáo vì Chúa Giêsu theo Do Thái giáo? Tuy nhiên, trong toàn bộ Cựu Ước, gốc gác của Do Thái giáo không có câu nào nhắc đến “Đức tin chữa, đức tin cứu”, mà chỉ có nơi Phúc Âm.

Ai cũng tin tưởng, cho rằng hay nghĩ rằng mình có đức tin. Nhưng thử hỏi, đức tin của họ là gì? Đức tin thế nào? Sử dụng làm sao, mang lợi ích gì cho con ngưòi, và có thể chứng minh hoặc rờ thấy được chăng? Chắc chắn ai cũng trả lời khác hẳn như nơi Phúc Âm nhắc đến. Đức tin nơi Phúc Âm chỉ có một và được Chúa Giêsu đoan chắc, “Đức tin con chữa con, đức tin con cứu con”. Thế mà sau hai ngàn năm lại phát sinh ra lắm thứ đức tin mà không thứ nào chữa, chẳng thứ nào cứu. Chẳng lẽ ngày nay con người văn minh, lắm bác sĩ giỏi giang nên đức tin mất chức năng như được nhắc đến nơi Phúc Âm? Hoặc vì các bè phái đã lạm dụng danh hiệu nên đức tin mất phẩm chất chữa lành hoặc cứu chữa.

Cao điểm nơi Phúc Âm là đức tin, nhưng mục đích cuộc đời của Chúa Giêsu là rao giảng Tin Mừng Nước Trời như được ghi lại nơi Luca 4:43, “Nhưng Ngài bảo họ: ‘Ta còn phải đem Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, chính vì thế mà Ta đã được sai đến”. Như thế, đức tin chính là thành quả của Tin Mừng Nước Trời, Nước Thiên Chúa. Để tâm suy nghiệm và nhận định, Phúc Âm Matthêu được viết, “Này trinh nữ sẽ thụ thai và sinh con và người ta sẽ gọi ngài là Emmanuel, dịch được là Thiên Chúa ở cùng chúng tôi” (
1:23). Danh hiệu của Chúa Giêsu là Emmanuel. Danh hiệu minh định công việc, nhiệm vụ. Emmanuel có nghĩa “Thiên Chúa ở cùng chúng tôi;” như thế công việc, nhiệm vụ của Chúa Giêsu là rao giảng, “Thiên Chúa ở cùng chúng tôi, chúng ta”. Và như vậy, Tin Mừng Nước Trời là Thiên Chúa ở cùng chúng ta; Thiên Chúa ngự trị và hoạt động nơi mọi người, nơi quí ông bà, nơi anh chị em, cũng như nơi tôi.

Xét như thế, vì Thiên Chúa ngự trị và hoạt động nơi mọi người nên đức tin là quyền lực của Thiên Chúa nơi mỗi người. Nói cách khác, Thiên Chúa là quyền lực sự sống, quyền lực hiện hữu nơi mọi người. Nhận định như vậy, chúng ta đành cúi đầu chấp nhận mình chẳng khác gì em bé một hoặc hai tuổi, tay cầm chiếc “credit card” nhưng không biết cách nào sử dụng để rồi chết khát vì thiếu sữa.

Nói rằng đức tin là quyền lực của Thiên Chúa, quyền lực sự sống, sự hiện hữu nơi mỗi người thì có đức tin hay không trở thành sự chân thành nhận biết, nhận thức, thức ngộ được sự hiện hữu và hoạt động của Thiên Chúa nơi mình hay không. Và như vậy, nói rằng đức tin cứu, đức tin chữa cũng đồng nghĩa với Chúa chữa, Chúa cứu.

Hiểu được như thế, chúng ta không ngạc nhiên với câu khuyên nhủ nơi Phúc Âm, “Khi các con làm xong mọi điều đã truyền dạy các con thì các con hãy nói rằng ‘Chúng tôi là đầy tớ vô dụng vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm.’” Vấn đề chỉ là chúng ta có để tâm nghiệm chứng sự hiện diện của Chúa nơi mình hay không! 

HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN C

Kb 1, 2-3; 2, 2-4; 2Tm 1, 6-8.13-14; Lc 17, 5-10
LM ĐAN VINH - HHTM

 

KHIÊM TỐN PHỤC VỤ TRONG TIN YÊU
I. HỌC LỜI CHÚA


1. TIN MỪNG: Lc 17, 5-10
(5) Các Tông đồ thưa với Chúa Giê-su rằng: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con”. (6) Chúa đáp: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: “Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em”. (7) Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: “Mau vào ăn cơm đi!”, (8) chứ không bảo: “Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau!” (9) “Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao? (10) Đối với anh em cũng vậy: Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng. Chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi”.

2. Ý CHÍNH: Nhân việc các Tông đồ xin Đức Giê-su ban thêm đức tin, Người đã đề cao sức mạnh của một đức tin đích thực. Qua dụ ngôn về một người đầy tớ luôn vâng lời và khiêm tốn, Người muốn các ông phải tránh thái độ công thần khi đòi Chúa trả công cho mình ngay đời này. Trái lại, phải khiêm tốn phục vụ chu toàn sứ vụ rao giảng Tin mừng với tinh thần quảng đại vô vụ lợi.
3. CHÚ THÍCH:

- C 5-6: + Tông đồ: Ở đây đức Giê-su nói riêng với nhóm Tông đồ chứ không phải nói chung với các môn đệ. Tông đồ là tước hiệu dành riêng cho Nhóm 12 được Đức Giê-su tuyển chọn từ nhóm 72 môn đệ (x. Lc 10,1; 6,12-13). Các Tông đồ phải từ bỏ mọi sự mà đi theo Đức Giê-su và sau này sẽ được Người trao quyền lãnh đạo đoàn chiên và được sai đi rao giảng Tin mừng Nước Thiên Chúa. + Xin thêm lòng tin cho chúng con: Đứng trước những đòi hỏi của Luật Mới (x. Lc 17,1-4) và sứ vụ phải mở rộng Nước Thiên Chúa, các Tông đồ cảm thấy bất lực. Các ông đã xin Đức Giê-su gia tăng thêm lòng tin đang yếu kém của các ông (x. Lc 8,25). Các ông đã xin Người mở rộng tâm hồn để đón nhận được ánh sáng đức tin. + “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải”: Hạt cải là loại hạt giống nhỏ nhất (x. Mt 13,32). Khi so sánh lòng tin với hạt cải, Đức Giê-su muốn nhấn mạnh về mặt phẩm chất hơn về số lượng của đức tin. Một sự phó thác dù nhỏ bé đến đâu, nếu được thực hiện với đức tin, thì vẫn có thể đạt được kết quả lớn lao kỳ diệu. Vì khi ấy người ta làm việc không dựa vào sức riêng, nhưng nhờ vào quyền năng Thiên Chúa. + “Thì dù anh em có bảo cây dâu này: “Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em”: Cây dâu là một cây đại thụ, rễ của nó rất lớn và có thể sống tới 600 năm. Nhưng chỉ cần một lời nói phát xuất từ niềm tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa, cũng có thể bứng được cây đó khỏi mặt đất xuống mọc trong lòng biển hồ Ga-li-lê (x. Mt 17,20). Ở đây Đức Giê-su không khuyến khích người ta cầu xin phép lạ giật gân, và chắc không bao giờ Người lại thực sự di dời cây dâu xuống trồng dưới lòng biển. Vì Người luôn từ chối làm phép lạ để chứng minh Người là Con Thiên Chúa như đòi hỏi của các đầu mục Do thái nhiều lần. Đây chỉ là một kiểu nói nhằm đề cao sức mạnh của lòng tin thôi.

- C 7-8: + Có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên...: Theo tập tục thời đó, người đầy tớ không được tự do làm việc theo ý mình, nhưng phải luôn làm theo ý của ông chủ. Ở đây, người đầy tớ vừa cày ngoài ruộng về, hoặc vừa dẫn chiên từ đồng cỏ về nhà. Ông chủ đòi anh ta phải tiếp tục phục vụ bữa ăn tối cho ông. Bổn phận của người đầy tớ là phải làm việc hết mình theo ý muốn của ông chủ.

- C 9-10: + Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao?: Qua hình ảnh đầy tớ. Đức Giê-su muốn dạy người làm việc cho Chúa không được vênh vang đòi Chúa phải đền ơn mỗi lần làm được một việc. Trái lại, họ cần ý thức thân phận tôi tớ thấp hèn của mình để sẵn sàng làm mọi việc theo lệnh Chúa truyền. + “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng. Chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi”: Đầy tớ vô dụng” không có nghĩa là không làm được gì. Ở đây, “đầy tớ vô dụng” là một kiểu nói cường điệu ám chỉ “mang thân phận hèn kém”. Người Tông đồ cần tránh thái độ “công thần”. Vì các thành quả tuy bề ngoài do các ông làm, nhưng thực sự đều nhờ ơn Chúa giúp, như lời Người phán: “Không có Thầy, anh em không làm được gì” (Ga 15,5). Thánh Phao-lô cũng khiêm tốn nhận rằng: “Tôi trồng, anh A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới cho lớn lên” (1 Cr 3,6). Tóm lại, khi rao giảng Tin Mừng ta cần noi gương khiêm hạ của Đức Giê-su (x. Pl 2,6-8).

4. CÂU HỎI: 1) Tông đồ là những ai? 2) Tại sao các ông lại xin Đức Giê-su gia tăng thêm lòng tin? 3) Khi so sánh đức tin với hạt cải, Đức Giê-su muốn dạy điều gì? 4) Đức Giê-su nói về sức mạnh của một đức tin chân chính qua câu nói nào? 5) Tại sao Người lại muốn các Tông đồ phải tránh thái độ “công thần”? 6) Tại sao Đức Giê-su muốn các Tông đồ phải luôn tự nhủ: mình chỉ là “những đầy tớ vô dụng”?

 

II. SỐNG LỜI CHÚA


1. LỜI CHÚA: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17, 5).

2. CÂU CHUYỆN:

1. ĐỨC TIN HẠT CẢI CỦA MẸ TÊ-RÊ-SA CAN-QUÝT-TA:

Ngày nay, trên thế giới, ít có người không biết tên Mẹ TÊ-RÊ-SA CAN-QUÝT-TA. Mẹ là một nữ tu đã được tặng nhiều giải thưởng cao quý nhất: Năm 1963, Ấn Độ đã tặng Mẹ giải thưởng “Bông Huệ Tuyệt Vời”; Phi-líp-pin thì tặng giải thưởng Mas-say-say; Năm 1974 Rô-ma tặng Mẹ giải “Hòa Bình Gio-an 23” và đến năm 1979, Mẹ được tặng giải No-ben Hòa Bình thế giới. Mẹ đã qua đời vào năm 1997 hưởng thọ 87 tuổi. Dù chỉ là một nữ tu không chút địa vị quyền hành, không có nhiều tiền bạc hay quyền lực... thế mà khi qua đời, Mẹ lại được nhiều vị đứng đầu quốc gia như Tổng Thống, Chủ Tịch Nhà Nước của các nước lớn như Liên Xô, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ... hay các nước nhỏ như Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia... hiện diện hay cử đại biểu đến dự lễ an táng, tiễn đưa Mẹ đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Vào năm 1948, Mẹ đã nhìn thấy một người đàn bà đang bị đói ăn đang ôm đứa con nhỏ mới sinh nằm bên một đống rác hôi thối, ruồi nhặng bu đầy chung quanh. Cảnh tượng ấy làm Mẹ xúc động như nhìn thấy Đức Giê-su đang bị bỏ rơi trên cây thập giá. Từ đó Mẹ đã quyết hiến trọn cuộc đời để phục vụ những người cùng khổ. Họ là những người đang bị bệnh tật, đói rách, không nhà phải nằm ngủ trên các hè phố hay bãi rác công cộng để chờ chết mà không được ai chăm sóc. Mẹ đã mang họ về nhà dòng và phục vụ họ thật chu đáo, cho đến khi qua đời. Nhờ lời cầu nguyện và sự cộng tác giúp đỡ của nhiều nhà hảo tâm, Mẹ và các nữ tu dòng Thừa Sai Bác Ái đã lập được gần 300 nhà hấp hối như thế. Cuộc đời và công việc của Mẹ Tê-rê-sa, một nữ tu nghèo nhưng đã làm được những việc phi thường nhờ đức tin, đã minh chứng cho Lời Chúa dạy hôm nay: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em” (Lc 17, 6). Vậy đức tin là gì? Tại sao chúng ta phải xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng ta?

2. KHIÊM NHƯỜNG LÀ NỀN TẢNG MỌI NHÂN ĐỨC:

Một thầy Ráp-bi già bị bệnh phải nằm liệt giường. Các môn đệ rủ nhau đến thăm và thì thầm nói chuyện với nhau cố ý làm vui lòng ông. Họ hết lời ca tụng các nhân đức tuyệt vời của thầy.

Một người trong bọn nói: "Từ thời vua Sa-lo-mon đến nay, chưa có ai khôn ngoan được như thầy mình". Người khác nói: "Đức tin của thầy ngang ngửa với đức tin của tổ phụ Áp-ra-ham”. Người thứ ba nói: "Chắc chắn sự kiên nhẫn của thầy không thua sự kiên nhẫn của thánh Gióp". Người thứ tư thêm vào: "Về sự cầu nguyện thân mật với Chúa, thì chỉ có hai vị đứng đầu là ông Mô-sê và thầy chúng ta mà thôi".

Nghe các môn đệ khen như vậy, nhưng xem ra thầy ráp-bi vẫn tỏ thái độ không vui. Chờ cho đám môn đệ ra về rồi, vợ thầy mới lên tiếng hỏi:

- Ông có nghe thấy họ ca tụng ông không?

- Có.

- Thế tại sao ông vẫn không vui?

Vị ráp-bi liền than phiền:

- Vì không thấy ai nhắc đến nhân đức khiêm nhường của tôi cả.

Muốn được người ta ca ngợi sự khiêm nhường của mình thì thầy ráp-bi này lại chẳng có nhân đức khiêm tốn chút nào! Cho dù thầy có khôn ngoan như vua Sa-lo-mon, đức tin có mạnh mẽ ngang ngửa với tổ phụ Áp-ra-ham, lòng kiên nhẫn có được như thánh Gióp và có sống thân mật với Đức Chúa như mục tử Mô-sê… mà không có lòng khiêm hạ thì tất cả các nhân đức nói trên cũng chỉ là con số không to tướng. Cũng vậy, nếu chúng ta tập thành được nhiều nhân đức, có chu toàn được các bổn phận đạo đức hằng ngày, có làm được nhiều việc từ thiện lớn lao, nhưng chúng ta lại tự mãn và khoe khoang thành tích ấy ra để được người đời ca tụng, thì chúng ta lại không còn phải là người thực sự thánh thiện nữa.

Vì khiêm tốn là nền tảng của mọi nhân đức, nên hôm nay Chúa Giê-su đã dạy các môn đệ: "Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: "Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi" (Lc 17, 10).

3. QUAN TÂM PHỤC VỤ MANG LẠI HẠNH PHÚC THỰC SỰ:

Tại văn phòng của một Cố vấn Tâm lý, một thiếu phụ vừa trẻ vừa giàu giải bày tâm sự: "Bất cứ thứ gì tôi muốn thì chồng tôi đều cho tôi cả. Tôi có đủ mọi sự, nhưng không biết tại sao trong lòng vẫn cảm thấy trống vắng. Xin cho tôi lời khuyên". Nhà Cố vấn tâm lý không trả lời, nhưng bảo cô thư ký của bà kể chuyện đời tư của cô ta, Câu chuyện ấy như sau:

“Chồng tôi đã chết lâu, cách nay 3 tháng con tôi cũng chết vì bị xe đụng. Tôi cảm thấy như đã bị mất tất cả và không thể chợp mắt ngủ được, cũng chẳng thiết ăn uống và không muốn nở nụ cười với ai. Một hôm tôi đi làm về hơi khuya. Có một chú mèo con cứ đi theo sau tôi. Ngoài trời đang rất lạnh và tôi thấy tội nghiệp con mèo, nên tôi mở cửa cho nó vào nhà. Tôi pha một ly sữa cho nó uống. Nó kêu meo meo rồi đến ngồi bên cạnh và cọ mình vào chân tôi. Lần đầu tiên tôi cười. Rồi sau đó tôi nghĩ: nếu việc giúp đỡ một chú mèo con có thể làm cho tôi cười được, thì việc giúp cho một người nào đó chắc sẽ còn làm tôi được hạnh phúc nhiều hơn nữa.

Thế là hôm sau tôi nướng vài ổ bánh mì mang sang cho một bà cụ hàng xóm đang bị bệnh. Từ đó mỗi ngày tôi đều để tâm làm một vài việc gì đó giúp cho người chung quanh. Và quả thực tôi đã dần dần tìm thấy hạnh phúc. Tôi nghiệm ra được điều này là: ta sẽ không có hạnh phúc khi ta chỉ chờ được người khác đem lại hạnh phúc cho ta; Trái lại ta sẽ có hạnh phúc thực sự khi biết quan tâm phục vụ tha nhân, làm cho người khác được hạnh phúc".

Nghe đến đó, người thiếu phụ trẻ đã bật khóc. Quả thật, cô đã có rất nhiều thứ mà đồng tiền mang lại, nhưng cô lại không cảm thấy hạnh phúc, là thứ mà đồng tiền không thể mua được. Và cô đã quyết định sẽ thực hành theo gương cô thư ký kia là làm cho người khác vui. Chính khi quên mình để nghĩ đến người khác lại là cách hữu hiệu để mang lại niềm vui cho bản thân mình (Charlene Johnson).

4. THỰC THI BÁC ÁI LÀ PHƯƠNG THẾ CỦNG CỐ ĐỨC TIN:

Có một bà cụ già nọ đã trải qua một thời gian nghi ngờ về sự hiện diện của Thiên Chúa khi phải đối diện với nhiều tai ương hoạn nạn liên tiếp xảy ra cho mình. Trong lúc tâm hồn bối rối hoang mang, bà đến gặp cha linh hướng để xưng tội và xin ngài một lời khuyên. Bà hy vọng vị linh mục này sẽ nói với bà về sự hiện hữu và lòng nhân từ yêu thương của Thiên Chúa. Nhưng bà rất ngạc nhiên khi cha linh hướng lại cho bà lời khuyên không mấy ăn nhập với thắc mắc của bà: Cha khuyên bà hãy về nhà thực thi những cử chỉ đẹp, hãy cảm thông với những nỗi đau khổ bất hạnh của người chung quanh. Dù không mấy thỏa mãn về đáp án này nhưng bà vẫn làm theo lời khuyên của cha. Quả thật sau một thời gian, bà đã lấy lại được niềm tin trước đó. Những nghi ngờ về sự hiện hữu và lòng nhân từ của Thiên Chúa cũng tự nhiên biến mất.

3. SUY NIỆM:

Nhân việc các Tông đồ xin Đức Giê-su ban thêm đức tin, Người đã cho biết đức tin là một hồng ân nên các ông phải cầu xin Chúa ban. Tiếp đến Người đề cao sức mạnh của một người có đức tin đích thực. Qua dụ ngôn về một người đầy tớ luôn vâng lời và khiêm tốn, Đức Giê-su muốn các môn đệ tránh thái độ “công thần”, tự hào khi làm được việc tốt và đòi Chúa phải thưởng công ngay cho mình. Trái lại các ông phải luôn khiêm tốn phục vụ tha nhân, hăng hái chu toàn sứ vụ rao giảng Tin mừng vô vụ lợi.

1) “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con”:

- Đức tin là ơn do Chúa thương ban: Trong cuộc sống chúng ta thấy đức tin không luôn đi đôi với sự khôn ngoan của thế gian, nhưng là một ơn do Chúa thương ban, như lời Đức Giê-su đã thưa với Chúa Cha: “Lay Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11, 25). Do đó, muốn có đức tin vững mạnh chúng ta phải noi gương các Tông đồ để cầu xin Chúa: "Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con" (Lc 17, 5).

- Sức mạnh của đức tin: Tiếp theo, Đức Giê-su đã đề cao sức mạnh của đức tin khi nói: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em” (Lc 17,6). Nói câu này, Đức Giê-su không khuyến khích các Tông đồ làm phép lạ để cho người ta tin, nhưng Người muốn các ông ý thức về sức mạnh của một đưc tin đích thực. Nếu có đức tin vững vàng, chúng ta sẽ làm được những việc lớn lao vượt quá khả năng giới hạn của chúng ta như Người đã hứa: “Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha.” (Ga 14, 12-13).

- Thành quả của đức tin: Quả thật, sau khi Đức Giê-su lên trời, nhờ quyền năng Thánh Thần, các Tông đồ đã thực hiện được nhiều dấu lạ: Sau bài giảng của Tông đồ Phê-rô, đã có ba ngàn người xin tòng giáo. Các Tông đồ còn làm nhiều phép lạ trên những người tin (x. Cv 2, 41; 5, 12-16). Như vậy, dù yếu đuối, các ông cũng đã trở nên mạnh mẽ nhờ cậy vào ơn Chúa giúp. Về vấn đề này, thánh Phao-lô viết: “Chúa quả quyết với tôi: Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối. Thế nên, tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi… Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12, 9-10c).

2) Đức tin phải đi đôi với thái độ khiêm tốn phục vụ:

- Phục vụ cách khiêm tốn: Người tín hữu phải biết phục vụ Chúa và tha nhân một cách khiêm tốn vô điều kiện, giống như một người đầy tớ, sau khi đã đi cày hay đi chăn chiên về, sẽ tự thấy mình còn phải phục vụ bữa tối cho ông chủ, rồi sau đó mới được ăn.

- Phải tránh thái độ “công thần”: Đức Giê-su đã dạy các môn đệ: "Đối với anh em cũng vậy: Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: "Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi" (Lc 17, 10). Phải tránh thái độ “công thần”, nghĩa là tự hào về công việc tốt đã làm để đòi Chúa phải thưởng công, như người biệt phái trong dụ ngôn hai người lên Đền thờ cầu nguyện đã cầu nguyện kể công và khinh thường người thu thuế (x. Lc 18, 11.13).

3) Chúng ta phải làm gì?

- Xin thêm đức tin: Noi gương các Tông đồ xưa, chúng ta hãy năng cầu xin Chúa: "Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con" (Lc 17,5). Chính nhờ ơn Chúa, chúng ta sẽ làm được những điều lớn lao. Chẳng hạn: Sẽ giúp cho nhiều tội nhân hồi tâm trở về; Sẽ giúp nhiều anh em lương dân nhận biết tin thờ Thiên Chúa; Sẽ kêu gọi được nhiều người rộng rãi đóng góp công sức tiền bạc để làm các việc từ thiện bác ái lớn lao, noi gương Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta đã làm. Đàng khác, Tin và yêu luôn đi đôi với nhau: Có yêu Chúa nhiều thì mới tin vững vàng vào Chúa được. Do đó, ngoài việc năng cầu xin Chúa ban thêm đức tin, chúng ta còn phải xin Chúa ban thêm lòng yêu mến Chúa nữa.

- Loan Tin Mừng bằng việc bác ái: Ngày nay, loan báo Tin Mừng không những phải dựa vào ơn Chúa giúp, mà còn phải khiêm nhường dấn thân phục vụ tha nhân noi gương Chúa Giê-su (x. Ga 13,6.13-15). Thực tế cho thấy: Việc chia sẻ bác ái cụ thể có sức thuyết phục khiến nhiều người dễ dàng đón nhận đức tin hơn bài giảng hùng hồn, như Thánh Giáo hoàng Phao-lô VI đã dạy: “Người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy và người ta có nghe theo thầy dạy là vì thầy dạy cũng là chứng nhân” (Thông điệp Evangelii nuntiandi, số 41).

- Yêu phải đi đôi với tin: Có yêu Chúa nhiều thì mới vững tin vào Chúa. Trươc khi trao quyền chăn chiên cho Si-mon Phê-rô, Chúa Phục Sinh đã ba lần sát hạch ông về lòng mến dành cho Người: Này anh Si-mon, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” (x. Ga 21,15-17). Do đó, ngoài việc năng cầu xin Chúa ban thêm đức tin, mỗi tín hữu chúng ta cũng cần xin Chúa ban thêm lòng mến Chúa cho chúng ta.

- Phục vụ trong khiêm hạ: khi đã làm tất cả những việc được giao rồi, chúng ta cần tránh tự mãn khoe khoang thành quả đạt được, nhưng phải luôn tự nhủ: “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng. Chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi”. Đến ngày tận thế, Vua Thẩm Phán Giê-su sẽ ban thưởng cho các tôi trung của Người, cho họ được tham dự bàn tiệc Nước Trời và sẽ phục vụ lại họ (x. Lc 12, 37).

4. THẢO LUẬN: 1) Khi bạn làm việc tông đồ mà cảm thấy chán nản và muốn buông xuôi tất cả thường do những nguyên nhân nào? 2) Bạn cần làm gì để lấy lại tinh thần hăng say phục vụ Tin Mừng Nước Thiên Chúa?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin ban cho con một đức tin như hạt cải, để con loại bỏ các thói hư tật xấu khỏi lòng trí con. Xin cho con một đức tin can đảm, để con không sợ bị thiệt thòi khi dấn thân, sẵn sàng từ bỏ những điều con thường cậy dựa xưa nay. Xin cho con một đức tin sáng suốt, để con nhìn thấy Chúa đang hoạt động trong vũ trụ và trên thế giới, thấy Chúa đang hiện thân trong những người nghèo khổ chung quanh con. Xin cho con một đức tin quảng đại, dám hy sinh bản thân vì Chúa và tha nhân. Xin cho con một đức tin liều lĩnh, dám lội ngược dòng và khước từ những cám dỗ của ma quỷ và thế gian. Xin cho con một đức tin vui tươi, vì biết những gì đang chờ đợi con lúc cuối đời, sung sướng và hy vọng vì biết mình sẽ được Chúa yêu thương đón nhận. Cuối cùng, xin cho con một đức tin trưởng thành, để con luôn kiên vững khi gặp những khó khăn gian khổ, dù phải trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, nhưng vẫn luôn cậy trông và phó thác cho duy một “Thiên Chúa Tình Yêu”.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CN 27 TN – KÍNH TRỌNG THỂ LỄ MÂN CÔI

Cv 1, 12-14; Lc 1, 26-38
LM ĐAN VINH – HHTM

SỐNG MẦU NHIỆM MÂN CÔI GIỮA ĐỜI THƯỜNG
I. HỌC LỜI CHÚA


1. TIN MỪNG: Lc 1,26-38.

(c 26) Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, (c 27) gặp một Trinh Nữ đã đính hôn với một người tên là Giu-se, thuộc nhà Đa-vít, Trinh Nữ ấy tên là Ma-ri-a. (c 28) Sứ thần vào nhà Trinh Nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. (c 29) Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. (c 30) Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. (c 31) Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giê-su. (c 32) Người sẽ nên cao cả và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. (c 33) Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”.

(c 34) Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” (c 35) Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà. Vì thế Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ là thánh, sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. (c 36) Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy đã già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: Bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. (c 37) Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”.

(c 38) Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa. Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

2. Ý CHÍNH:

Câu chuyện truyền tin của sứ thần Ga-bri-el cho đức Trinh nữ Ma-ri-a biểu lộ tình thương và sự trung tín của Thiên Chúa trong công cuộc cứu độ loài người. Thái độ lắng nghe Lời Chúa, tìm hiểu Ý Chúa và mau mắn “Xin Vâng” của Đức Ma-ri-a cũng phải là thái độ mà các tín hữu chúng ta cần học tập nơi Mẹ khi lần chuỗi Mân Côi. Nhờ đó chúng ta sẽ có thể hiệp cùng Mẹ xây dựng hòa bình bằng việc chiến thắng ma quỷ, tội lỗi và các thói hư nơi bản thân mình.

3. CHÚ THÍCH:

- (c 26) + Gáp-ri-en: là một trong bảy Tổng Lãnh thiên thần (x. Tb 12, 15), trong đó ba vị được nêu rõ tên trong Cựu Ước là: Mi-ka-en, Ra-pha-en, và Gáp-ri-en. Tên của các vị này có ý nghĩa phù hợp với sứ mệnh của mỗi vị như sau: Mi-ka-en nghĩa là “Ai bằng Thiên Chúa?” (Đn 12,1), Ra-pha-en nghĩa là “Thiên Chúa chữa lành” (Tb 3, 17) và Gáp-ri-en nghĩa là “Anh hùng của Thiên Chúa” (Đn 8, 16).

- (c 27) + Trinh nữ: Từ này không xác định về đức trinh khiết của Đức Ma-ri-a, vì trinh nữ đơn giản chỉ là một cô gái chưa lấy chồng. Sự thanh khiết của Đức Ma-ri-a được khẳng định qua lời thưa với sứ thần: “Việc đó xảy ra thế nào được, vì tôi không biết đến người nam” (Lc 1,34). Sở dĩ trinh nữ Ma-ri-a được chọn cho thấy lời tuyên sấm của I-sai-a về một trinh nữ thụ thai và sinh con trai là Đấng Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, đã được ứng nghiệm nơi Đức Ma-ri-a (x. Is 7,14; Mt 1,23). + Đã đính hôn: Từ khi đính hôn, Giu-se và Ma-ri-a đã được luật pháp công nhận là vợ chồng, và con cái sinh ra trong thời kỳ này được kể là con chính thức của hai người. Tuy nhiên, theo phong tục trong xã hội Do Thái thì việc kết hôn chỉ hoàn tất khi họ đàng trai tổ chức lễ cưới đón rước cô dâu về nhà chồng (x. Mt 1,18). + Thuộc nhà Đa-vít: Chi tiết này thêm vào nhằm chứng minh Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế vì theo sấm ngôn của I-sai-a thì Đấng Cứu Thế phát xuất từ gốc là tổ phụ Giê-sê cha của Đa-vít (x. Is 11, 1) và nơi sinh của Người là Bê-lem, quê hương của vua Đa-vít (x. Mk 5,1). + Ma-ri-a: hay Mi-ry-am, là tên gọi của nhiều thiếu nữ Do thái đương thời. Để phân biệt, người ta thường thêm một biệt danh sau tên gọi. Chẳng hạn: Ma-ri-a Mác-đa-la (x. Lc 8, 2-3); Ma-ri-a Bê-ta-ni-a (x. Lc 10, 39); Ma-ri-a mẹ Gia--bê và Giô-xép (x. Mt 27, 56); Ma-ri-a vợ ông Cơ--pát (x. Ga 19, 25); Ma-ri-a mẹ Gio-an (x. Cv 12, 12) và bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su (x. Cv 1, 14).

- (c 28) + “Mừng vui lên”: Đây không phải là cách chào giữa những người dân bình thường, nhưng là lời chào đặc biệt chỉ dành cho những người được gặp Thiên Chúa (x Dcr 9,9). + “Đầy ân sủng”: Tước hiệu dành riêng cho Đức Ma-ri-a, một người trong sạch vẹn toàn. Ngài đã được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, nên đã được Thiên Chúa ban đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội và luôn có Chúa ở cùng.

- (c 29) + “Bà bối rối và tự hỏi”: Khác với thái độ “bối rối sợ hãi” của Da-ca-ri-a (x. Lc 1, 12), ở đây Ma-ri-a chỉ ngạc nhiên và băn khoăn về ý nghĩa của lời Chúa vừa mặc khải (x. Lc 1, 34 và 2, 19).

- (c 31) + Giê-su: nghĩa là “Cứu Chúa” (x. Mt 1, 21) hay “Đấng Cứu Thế” (x. Lc 2, 11).

- (c 32) + Con Đấng Tối Cao: Đây là tước hiệu thường được áp dụng cho các ông vua dòng tộc Đa-vít. Qua câu này, sứ thần ám chỉ Đức Giê-su là vua thuộc nhà Đa-vít. Người sẽ cai trị Ít-ra-en, và triều đại của Người sẽ vững bền mãi mãi.

- (c 34) + “Việc ấy xảy ra cách nào, vì tôi không ‘biết’ đến người nam!: Biết” theo nghĩa Thánh Kinh có nghĩa là “sự giao hợp vợ chồng”. Câu thắc mắc của Ma-ri-a không chứng minh việc Ma-ri-a đã khấn hay có ý khấn giữ mình đồng trinh, mà Ma-ri-a chỉ thắc mắc: làm sao thực hiện được việc thụ thai ngay lúc này được, khi mà Ma-ri-a mới chỉ đính hôn để làm vợ thánh Giu-se về luật pháp, và chưa được Giu-se tổ chức rước dâu về nhà.

- (c 35) + Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà...”: Sứ thần giải thích cho Ma-ri-a hiểu việc thụ thai của Ma-ri-a xảy ra do quyền năng Thánh Thần, để ứng nghiệm lời tuyên sấm của I-sai-a: Đấng Cứu Thế sẽ do một gái đồng trinh thụ thai và sinh ra (x. Is 7,14). + rợp bóng: Kiểu nói nhắc lại sự kiện đã từng xảy ra trong sa mạc, khi dân Do Thái vượt qua sa mạc để về Đất Hứa: Đức Chúa luôn hiện diện giữa dân Người bằng cách cho cột mây “rợp bóng” che phủ Nhà Tạm và Lều Hội Ngộ (x. Xh 40,34-38). Ngoài ra, “rợp bóng” cũng ám chỉ sự bang trợ của Đức Chúa, giống chim phượng hoàng sải cánh bao phủ và che chở con dân Ít-ra-en của Người (x. Tv 17, 8).

+ “Đấng Thánh” sắp sinh ra sẽ là “thánh”: Thánh” nghĩa là thuộc về Thiên Chúa, được hiến “thánh” dành riêng cho Thiên Chúa để thi hành sứ mạng cứu thế.

- (c 36) + Kìa bà Ê-li-sa-bét...: Sứ thần chứng minh quyền năng của Thiên Chúa qua việc bà chị họ Ê-li-sa-bét, tuy đã cao tuổi và bị hiếm hoi, nhưng đã được Thiên Chúa ban cho đặc ân thụ thai con trai và tới nay đã được sáu tháng.

- (c 38) +“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa”: Khi tự nhận là “nữ tỳ của Chúa”, Ma-ri-a biểu lộ đức khiêm nhường và lòng tin yêu sâu xa đối với Thiên Chúa. + “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”: Ma-ri-a đại diện nhân loại để đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa. Thực vậy, ngay sau lời thưa “Xin Vâng”, Thánh Thần đã tác động làm cho Ma-ri-a thụ thai, mà không cần tới việc tri giao vợ chồng (x. Lc 1, 34). Rồi Ngôi Lời “đã xuống thế làm người”, nhập vào bào thai ấy trở thành Đấng “Em-ma-nu-en”, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (x. Mt 1, 23). Như vậy, Đức Giê-su chỉ có một Ngôi là “Ngôi Con”, “Ngôi Hai” hay “Ngôi Lời” Thiên Chúa, nhưng lại có hai bản tính: vừa là Thiên Chúa vừa là người phàm.

HỎI: Thắc mắc của Đức Ma-ri-a và của ông Da-ca-ri-a (x. Lc 1, 18) có giống nhau hay không?

ĐÁP: Cả hai cùng đưa ra thắc mắc, nhưng trong hai tâm trạng khác nhau: Thắc mắc của Da-ca-ri-a biểu lộ tâm trạng hoài nghi về quyền năng của Thiên Chúa, nên ông đã bị phạt cấm khẩu không thể nói được. Sự cấm khẩu này là dấu chỉ bà Ê-li-sa-bét chắc chắn sẽ có thai cách khác thường (x. Lc 1, 20). Còn lời thắc mắc của Đức Ma-ri-a biểu lộ tâm trạng tin tưởng: Ma-ri-a muốn tìm biết thánh ý Chúa để xin vâng. Do đó, Mẹ đã được sứ thần ca tụng là Đấng “đầy ân sủng” vì bà đẹp lòng Thiên Chúa” (Lc 1, 30), và Mẹ đã được bà Ê-li-sa-bét khen ngợi: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1, 45).

4. CÂU HỎI: 1) Thánh Kinh cho biết có mấy Tổng lãnh thiên thần? Các Tổng lãnh thiên thần được nêu đích danh là những ai? Ý nghĩa của các tên gọi của các vị ấy là gì? 2) Tại sao Thiên Chúa lại chọn Ma-ri-a đang là một “Trinh nữ” để làm mẹ Đấng Cứu Thế? 3) Lúc thưa “Xin vâng” để được thụ thai Đấng Cứu Thế do quyền năng Chúa Thánh Thần, Đức Ma-ri-a đã kết hôn với thánh Giu-se chưa? 4) Câu thắc mắc của Đức Ma-ri-a khác với thắc mắc của ông Gia-ca-ri-a ra sao? 5) Sứ thần muốn nói gì qua câu: ”Quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà”?

 

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa. Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38).

2. CÂU CHUYỆN:

1) KINH MÂN CÔI MANG LẠI BÌNH AN CHO HỘI THÁNH:

- Vào thế kỷ 13, ở miền
Nam nước Pháp đã xuất hiện lạc thuyết An-bi-gioa (Albigeois). Nhờ tràng chuỗi Mân côi do Đức Mẹ trao ban, nên chỉ trong một thời gian ngắn, thánh Đa-minh đã đưa được 150.000 người theo lạc giáo trở về cùng Hội Thánh Công giáo.

- Thế kỷ 16, đạo Tin lành do linh mục Lu-ther khởi xướng đã nổi lên mạnh mẽ và nhờ sự hỗ trợ của các lãnh chúa mà đạo Tin Lành lan tràn đi khắp các nước Âu châu. Nhưng dân thành Lu-xem-bourg vẫn trung thành với Hội Thánh Công giáo. Một hôm rất đông người dân trong thành phố đã được mời tới nhà thờ để nghe một vị mục sư Tin lành nổi tiếng giảng thuyết. Khi vị mục sư bước lên tòa giảng trong nhà thờ, thì một giáo dân đã xướng kinh Mân côi và tất cả nhà thờ đều lần hạt to tiếng, khiến vị mục sư không thể bắt đầu buổi giảng. Cuối cùng ông đành phải bước xuống tòa giảng và rời nhà thờ. Chính nhờ kinh Mân Côi mà thành Lu-xem-bourg đã giữ vững được đức tin công giáo.

- Năm 1571, vua Thổ đã điều hằng ngàn chiến thuyền đi xâm chiếm các nước Âu Châu. Viên tướng chỉ huy đạo quân bách chiến bách thắng đã ngạo mạn đe dọa sẽ biến thành Rô-ma nước Ý và là thủ đô của đạo công giáo biến thành một cái chuồng ngưa. Bấy giờ Đức Giáo Hoàng Pi-ô V một mặt kêu gọi các vua Âu châu đoàn kết chống đỡ, thành lập một đạo quân thánh giá từ hai nước Ý và Tây Ban Nha để ra tiền tuyến nghênh địch, mặt khác ngài cũng kêu gọi mọi người công giáo Âu châu siêng năng lần hạt Mân Côi để xin Mẹ Ma-ri-a phù giúp.

Cuộc chiến tàn khốc đã diễn ra tại vịnh Le-pan-te vào ngày 07 tháng 10. Tuy quân số ít oi ô hợp và vũ khí thô sơ, nhưng đạo quân thánh giá đã chiến thắng vẻ vang, chặn đứng được đà tiến của 10 ngàn chiến thuyền của quân Hồi Hồi được trang bị vũ khí hùng hậu. Từ Ro-ma, khi nghe tin chiến thắng, Đức Pi-ô V đã kêu gọi mọi người trong giáo triều đang hiện diện cùng nhau dâng lời tạ ơn Chúa, vì chính nhờ lời cầu bầu đắc lực của Mẹ Mân Côi mà Hội Thánh đã thoát khỏi cơn đại nạn bị tiêu diệt. Sau đó, Đức Pi-ô V cũng đã truyền thiết lập lễ kính Đức Mẹ Mân Côi vào ngày 7 tháng 10 hằng năm để tỏ lòng biết ơn Chúa và ghi nhớ biến cố lịch sử này.

- Trước năm 1917, nước Bồ Đào Nha ở vào tình trạng bị suy thoái nặng nề về đức tin. Hội Thánh Công giáo đã bị bè phái Tam Điểm bách hại. Một số nhà thờ bị phá hủy, nhiều linh mục và tu sĩ bị chính quyền theo phái Tam Điểm bắt bớ, rất nhiều hội đoàn nổi lên chống đối Hội Thánh. Thế nhưng từ khi Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ em tại làng Fa-ti-ma, kêu gọi thực thi ba mệnh lệnh, trong đó chủ yếu là năng lần hạt Mân Côi, thì Hội Thánh tại Bồ Đào Nha đã dần được bình an. Rất nhiều hoạt động cổ võ việc lần hạt Mân Côi đã xuất hiện để xin Mẹ Thiên Chúa cầu bầu cho quê hương đất nước. Từ đó đến nay Bồ Đào Nha trở thành cái nôi của kinh Mân Côi.

Các biến cố nói trên cho thấy phép lần hạt Mân Côi chính là một phương thế hữu hiệu mang lại sự bình an cho Hội Thánh và cho mọi tín hữu. Mỗi lần hiện ra tại Lộ Đức (Pháp) hay tại Fa-ti-ma (Bồ đào nha), Đức Mẹ đều kêu gọi mọi người hãy siêng năng lần hạt Mân Côi. Ở đâu người ta siêng năng lần hạt Mân Côi thì ở đó Hội Thánh sẽ được bình an. Các gia đình nào năng đọc kinh Mân Côi trong giờ kinh tối gia đình, thì gia đình đó sẽ được hòa hợp hạnh phúc.

2) ĐẾN VỚI CHÚA GIÊ-SU NHỜ MẸ MA-RI-A (AD JE-SUM PER MA-RI-AM):

Vào một buổi chiều đông lạnh giá, PHUN-TƠN (Fulton Oursler), một tín hữu đã bị mất đức tin và bỏ đến nhà thờ trong nhiều năm, bấy giờ đang trong tâm trạng tuyệt vọng vì gặp phải quá nhiều vấn đề khó khăn nan giải. Khi đi ngang qua đại lộ nơi có Nhà Thờ Chính Toà của thành phố Nữu Ước, tự nhiên ông cảm thấy như có một sức mạnh vô hình đã lôi cuốn ông đi vào nhà thờ và đẩy ông đến quỳ gối trước tượng Đức Mẹ. Sau một lát im lặng, Phun-tơn tự nhiên thốt ra một lời cầu nguyện như sau: “Lạy Mẹ Ma-ri-a, có thể chỉ một lát nữa thôi là con sẽ lại đổi ý để tiếp tục bài bác chế diễu các việc đạo đức con đang làm, và trở lại con đường vô tín như cũ. Nhưng bây giờ con cảm thấy tâm hồn thật bình an, dù con đang gặp muôn vàn khó khăn nan giải. Xin Mẹ cầu cùng Chúa Giê-su ban thêm đức tin cho con”. Ngay lúc đó Phun-tơn cảm thấy một điều lạ lùng kỳ diệu đã xảy ra nơi bản thân, biến ông trở thành một con người mới: Ông đã có lại đức tin và sau đó từng bước hóa giải được mọi vấn đề khó khăn gặp phải! Từ đây, ông luôn sống kết hiệp với Mẹ Ma-ri-a để làm chứng cho Chúa Giê-su bằng một lối sống khiêm nhường, cậy trông phó thác và đầy vị tha bác ái. Chính nhờ Mẹ mà Phun-tơn đã đến được với Chúa Giê-su.

3) ĐỨC TIN GẮN LIỀN VỚI KINH MÂN CÔI:

Trên một chuyến xe lửa về Pa-ris, một anh sinh viên trẻ tuổi ngồi bên một cụ già. Chỉ ít phút sau khi đoàn tàu chuyển bánh, anh thấy cụ già rút từ trong túi áo ra một tràng chuỗi mân côi và từ từ chìm đắm trong lời cầu nguyện. Chàng sinh viên quan sát cử chỉ của cụ già với vẻ bực bội. Sau một hồi lâu, khi cụ già đã đọc kinh xong, chàng ta liền lên tiếng:

- Thưa ông, nếu cháu không lầm thì ông vẫn còn tin vào những chuyện tôn giáo nhảm nhí ấy chứ?

Cụ già bình tĩnh trả lời:

- Đúng thế, tôi vẫn tin. Còn cậu, cậu không tin sao?

Chàng sinh viên nở một nụ cười ngạo mạn và nói:

- Lúc còn nhỏ cháu có tin, nhưng bây giờ sau khi đã học lên đại học, cháu làm sao còn tin được những chuyện nhảm nhí ấy nữa. Khoa học đã thực sự mở mắt cho cháu. Ông cứ tin cháu đi, hãy quăng chuỗi tràng hạt kia đi, và hãy học để biết thêm những khám phá mới. Ông sẽ thấy rằng những gì ông đã tin từ trước đến giờ đều chỉ là mê tín cả.

Cụ già bình tĩnh hỏi chàng sinh viên:

- Cậu vừa nói về những khám phá mới của khoa học. Cậu có cách nào giúp tôi hiểu được điều nầy không?

Chàng sinh viên liền hăng hái đề nghị:

- Ông cứ cho cháu biết địa chỉ của ông, cháu sẽ gởi đến cho ông những quyển sách mới. Ông sẽ tha hồ đi vào thế giới của khoa học.

Cụ già từ từ rút trong túi áo ra một tấm danh thiếp và trao cho chàng sinh viên. Vừa đọc qua danh thiếp, anh chàng liền tái mặt vì xấu hổ, anh lặng lẽ đi sang toa tàu khác. Bởi vì trên tấm danh thiếp của cụ già có ghi hàng chữ: “Louis Pasteur - viện nghiên cứu khoa học
Paris”.

4) KHI GẶP NGUY KHỐN HÃY ĐỌC KINH MÂN CÔI ĐỂ ĐƯỢC MẸ CỨU GIÚP:

a) Năm 1507, ông VA-LEN-TI-bị một bọn cướp bắt cóc tống tiền. Chúng đã xiềng chân và xích tay ông, rồi giam ông trong một ngọn tháp cao tối tăm hôi hám. Trong hoàn cảnh bi đát ấy, Va-len-ti-nô và gia đình ở nhà luôn tin cậy lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ. Rồi một ngày kia, sau khi đọc kinh Mân Côi, ông vô cùng bỡ ngỡ khi thấy xiềng xích chân tay đều tự bung ra. Bấy giờ ông đã lần mò trong bóng tối, gõ tay vào tường của cây tháp, đến một chỗ ông chỉ nghe bục bục. Ông đẩy mạnh và viên đá đã nhúc nhích. Ông vội cậy viên đá ra và đã tìm được lối thoát ra ngoài bình an. Phải chăng chính Đức Mẹ đã cầu cùng Chúa ra tay giải thoát ông.

b) Kinh Mân côi không phải chỉ cứu người ta về phần thể xác, mà còn cứu chữa về phần hồn nữa: --NE là một nàng kỹ nữ đã làm cho bao nhiêu người đàn ông phải chết mê chết mệt. Ngày kia nàng ta đã theo một người bạn vào bên trong một nhà thờ, gặp ngay lúc vị linh mục đang giảng về hiệu lực của kinh Mân côi. Trở về nhà, nàng nhờ người mua một cỗ tràng hạt, và âm thầm lần hạt mỗi ngày vì sợ bị cười nhạo. Ít lâu sau, nàng được Chúa ban ơn lòng được bình an mỗi khi lần hạt. Sau đó, nàng đã được Chúa ban ơn ăn năn sám hối, tình nguyện dâng mình cho Đức Mẹ, và đã sống một cuộc sống thánh thiện cho đến chết.

c) Một bà nọ thuộc hàng quí tộc, một hôm bị bệnh nặng hấp hối gần chết. Người nhà liền đến mời đức cha DU-PAN-LOUP đến thăm và ban các bí tích sau hết. Sau khi hoàn tất, bệnh nhân đã bình thản hỏi: “Thưa Đức cha, liệu con có được ơn cứu độ không?”- “Cha hy vọng là được”. Bấy giờ bệnh nhân liền nói cách xác tín: “Phần con, con tin chắc con sẽ được hưởng ơn cứu độ của Chúa”. Đức cha ngạc nhiên hỏi lại: “Sao con lại tin chắc như thế?” Bệnh nhân trả lời: “Thưa Đức cha, từ ngày còn bé đến nay, mỗi ngày con đều lần hạt Mân Côi, trong kinh Kính Mừng có lời cầu xin Mẹ Thiên Chúa thương cứu con khi nay và trong giờ lâm tử. Lẽ nào bây giờ lúc con sắp chết, chẳng lẽ Mẹ lại ngoảnh mặt không cầu cùng Chúa cho con được ơn cứu độ hay sao?”.

3. THẢO LUẬN: 1) Noi gương Thánh Mẫu Ma-ri-a xưa, mỗi tín hữu chúng ta cần làm gì để có thể thưa “Xin Vâng” thánh ý Thiên Chúa, dù gặp nhiều tai nạn, rủi ro, thất bại hay những điều trái ý cực lòng? 2) Bạn nên làm gì để động viên người khác cũng xin vâng ý Chúa khi gặp điều rủi ro như: thi rớt đại học, người thân mới qua đời, gặp tai nạn giao thông phải nằm bệnh viện, làm ăn thua lỗ thất bại...?

4. SUY NIỆM:

Hôm nay là Lễ Đức Mẹ Mân Côi, chúng ta vừa nghe Tin Mừng Lu-ca (Lc 1,26-38) kể lại sự việc sứ thần Gáp-ri-en hiện đến truyền tin cho Trinh Nữ Ma-ri-a. Câu chuyện này cho chúng ta thấy tình thương và sự trung tín của Thiên Chúa trong chương trình cứu độ loài người. Thái độ lắng nghe Lời Chúa, tìm hiểu Ý Chúa và mau mắn “Xin Vâng” của Trinh Nữ Ma-ri-a chính là thái độ mà Hội Thánh muốn các tín hữu chúng ta thực hiện khi đọc kinh Mân Côi noi gương Đức Mẹ. Vậy cấu trúc của kinh Mân Côi là gì? Cần có tâm tình nào khi đọc kinh Mân Côi? Kinh Mân Côi mang lại hiệu quả thế nào?

1) VỀ CẤU TRÚC CỦA KINH MÂN CÔI:

Kinh Mân Côi gồm hai phần là miệng đọc kinh và lòng suy niệm các mầu nhiệm:

a) Phần kinh đọc:

- Kinh Lạy Cha do Chúa Giê-su đã dạy các môn đệ cầu nguyện với Thiên Chúa Cha.

- Kinh Kính mừng phần đầu là lời thiên sứ Gáp-ri-en (x. Lc 1,28) và lời bà Isave chào chúc Đức Mẹ (x Lc 1,41-42). Phần sau ”Thánh Ma-ri-a Đức Mẹ Chúa Trời…” là do Đức Piô V cho thêm vào kinh Kính Mừng năm 1569.

- Kinh Sáng Danh là lời ca tụng Ba Ngôi Thiên Chúa cũng được Đức Piô V thêm vào.

b) Phần suy niệm: Suy ngắm các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giê-su và Đức Mẹ.

- Đầu tiên chỉ có 15 mầu nhiệm chia thành 3 phần là năm sự Vui, năm sự Thương, năm sự Mừng. Gần đây Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã thêm vào 5 sự Sáng là những sự kiện xảy ra trong thời gian Chúa Giê-su đi giảng đạo.

- Nếu đọc kinh Mân côi mà không suy niệm các mầu nhiệm kèm theo thì giống như con người chỉ là xác mà không có hồn. Đức Mẹ Fa-ti-ma dạy: "Phải đọc kinh Mân côi và suy ngắm các mầu nhiệm".

2) THEO GƯƠNG ĐỨC MA-RI-A:

Điểm quan trọng mà Hội Thánh muốn các tín hữu noi gương Đức Mẹ trong lễ Mân Côi là thái độ cậy trông, phó thác và vâng phục thánh ý Thiên Chúa như sau:

- “Xin vâng”: Trái với sự kiêu ngạo, không vâng lời Thiên Chúa của bà E-và khi kết hợp với ông A-đam trong vườn địa đàng khi xưa, Đức Ma-ri-a là E-và Mới thời Tân Ước đã cộng tác với A-đam Mới là Chúa Giê-su để lắng nghe Lời Chúa, khiêm tốn tìm hiểu thánh ý Thiên Chúa và cúi đầu “Xin Vâng”. Ngay sau lời thưa này, Chúa Thánh Thần đã tác động làm cho Đức Ma-ri-a thụ thai, như kinh Truyền Tin: “Chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người, và ở cùng chúng tôi”. Từ đây, Đức Ma-ri-a hằng ghi nhớ các sự việc đã xảy ra và “suy đi nghĩ lại trong lòng” (x. Lc 2,19). Ngay sau khi thụ thai Mẹ đã lập tức đem Thai Nhi Cứu Thế đến thăm gia đình Gia-ca-ri-a, làm cho thai nhi Gio-an mới 6 tháng tuổi đã nhảy mừng trong lòng mẹ là bà I-sa-ve (x. Lc 1,41). Nhất là Mẹ còn thể hiện sự “xin vâng” khi đứng dưới chân thập giá để hiệp dâng người Con yêu là Chúa Giê-su lên cho Thiên Chúa hầu góp phần cứu độ loài người.

- Phó thác: Qua biến cố truyền tin, chúng ta cũng noi gương Mẹ để biết cậy trông phó thác mọi sự trong tay Chúa quan phòng. Ngày nay việc giúp những người vô tín nhận biết Thiên Chúa, cũng như giúp các tội nhân bỏ các thói hư và xóa bỏ khỏi môi trường sống các tệ nạn xã hội như sì-ke ma túy, cờ bạc đĩ điếm, lừa đảo cướp giật... không dễ thực hiện, nhưng cũng không khó đối với Thiên Chúa, vì: “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1, 37). Vậy để việc tông đồ truyền giáo đạt kết quả, chúng ta cần noi gương Mẹ Ma-ri-a năng cầu nguyện với Chúa Giê-su và làm theo lời Người dạy, như Mẹ đã yêu cầu các người giúp việc trong tiệc cưới Ca-na hãy vâng lời Chúa Giê-su: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2, 3-5).

- Tạ ơn Chúa: “Tất cả đều là hồng ân”: Khi gặp điều may lành, chúng ta dễ dàng tạ ơn Chúa. Nhưng ngay cả những lúc gặp cơn gian nan thử thách, chúng ta cũng phải sẵn sàng thưa “Xin Vâng”, vì biết rằng: mọi sự Chúa để xảy ra đều có ích cho phần rỗi đời đời của chúng ta. Vì Chúa có thể “rút từ sự dữ ra sự lành”, Ngài không bao giờ triệt đường của chúng ta như người ta thường nói: “Chúa đóng cửa chính, nhưng lại mở cửa sổ” và lời thánh Phao-lô dạy: “Tất cả đều là hồng ân” (x. 1 Cr 15,10).

3) NỮ VƯƠNG BAN SỰ BÌNH AN:

Mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi hôm nay, chúng ta khẳng định có một mối liên hệ sâu xa giữa hai tước hiệu của Mẹ là “Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi” và “Nữ Vương Ban Sự Bình An”. Qua đó chúng ta rút ra bài học: muốn sống trong bình an, người ta không thể xao lãng việc lần hạt Mân Côi.

Kinh Mân Côi chính là một khí cụ mang lại ích lợi cho mọi thành phần dân Chúa: Ai yếu đuối, Kinh Mân Côi sẽ đem lại sức mạnh tinh thần; Ai đang sống trong tội lỗi, Kinh Mân Côi sẽ giúp họ nhận được ơn tha thứ của Chúa; Ai đang gặp phải rủi ro bất hạnh, Kinh Mân Côi sẽ giúp họ tìm ra phương thế đạt được hạnh phúc; Ai đang khô khan nguội lạnh, Kinh Mân Côi sẽ giúp ánh lửa tin yêu còn ẩn giấu trong lòng họ sẽ được bùng lên thành ngọn lửa tin yêu Chúa... Vì kinh Mân Côi chính là phương thế Chúa ban qua lời Mẹ cầu bầu, để mang lại niềm vui, sự bình an và hạnh phúc đến cho loài người.

5. LỜI CẦU:

Lạy Mẹ Mân Côi, “Nữ Vương Hòa Bình”, xin giúp chúng con biết siêng năng lần hạt Mân Côi. Nhờ đó, chúng con sẽ cộng tác với Mẹ xây dựng hòa bình và tích cực góp phần cứu độ thế giới, bắt đầu từ bản thân, rồi đến gia đình, khu xóm, giáo xứ, đất nước và ra đến toàn thể nhân loại. Xin cho chúng con trở thành khí cụ bình an của Chúa để hiệp cùng Mẹ, mỗi ngày chúng con sẽ cải tạo môi trường sống ngày càng an toàn sạch đẹp hơn, công bình nhân ái hơn, hầu Nước Trời bình an hạnh phúc mau xuất hiện theo đúng thánh ý Thiên Chúa.

X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

 

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...