CN CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA -C

“Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa.” (Lc 3, 16)

09/01/2022
CHÚA NHẬT CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA – C



Lc 3, 15-16.21-22

CẤP ĐỘ THANH TẨY

Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa.” (Lc 3, 16)

Suy niệm: Muốn sống khoẻ, con người cần phải sạch sẽ vệ sinh. Con người luôn có nhu cầu thanh tẩy mình khỏi những dơ bẩn do môi trường bên ngoài cũng như do sự đào thải tế bào của cơ thể ben trong. Về mặt luân lý, con người cũng cần phải thanh tẩy mình khỏi những vết bẩn tinh thần. Gioan Tẩy Giả đã đến đánh thức nhu cầu thanh tẩy lương tâm nơi nhiều người bằng cách ăn năn hối cải những việc làm xấu xa tội lỗi của mình và dốc quyết là điều thiện. Nhưng việc thanh tẩy của Gioan chưa phải là triệt để vì tội lỗi vẫn chưa được xoá bỏ. Gioan làm chứng rằng con người cần phải được thanh tẩy ở một cấp độ sâu xa hơn, do Đấng được Thánh Thần ngự xuống, Đấng ấy “sẽ rửa anh em trong Thánh Thần và lửa.

Mời Bạn: Bạn có cảm thấy nhu cần cần phải thanh tẩy chính tâm hồn của bạn bằng cách không ngừng hoán cải để kết hiệp với Ngôi Lời Nhập Thể, là Đấng Chịu đóng đinh thập giá và đã sống lại? Mời bạn dìm mình, dìm những tư tưởng sâu kín trong lòng bạn, dìm chính linh hồn của bạn vào dòng nước và dòng máu chảy ra từ cạnh sườn của Đấng Cứu Thể để được tái sinh vào sự sống mới.

Sống Lời Chúa: Mỗi lần lãnh nhận bí tích hoà giải, tôi quyết tâm chừa bỏ hẳn một tội mà tôi thường phạm nhất, một nết xấu mà tôi thường quyến luyến nhất.

Cầu nguyệnLạy Chúa Giêsu, con thấy mình vẫn đang sống đời sống của một con người cũ, con người của xác thịt với những đam mê nghịch với thần khí, xin Chúa thanh tẩy chúng con bằng lửa tình yêu và Thánh Thần của Ngài.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa – Năm C

Ca nhập lễ

Sau khi Chúa Giê-su chịu phép rửa, các tầng trời mở ra, và Thánh Thần lấy hình bồ câu đậu xuống trên Người. Cùng lúc ấy, có tiếng Chúa Cha tuyên phán: “Đây là Con chí ái của Ta, Người làm cho lòng Ta vui thỏa”.

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đánh dấu cuộc đời công khai của Chúa Cứu Thế. Khi thấy Gioan làm phép rửa sám hối, Đức Giêsu ý thức sứ mệnh gánh tội trần gian của mình, nên đã chịu phép rửa của Gioan để đại diện cả nhân loại tỏ lòng thống hối trước mặt Thiên Chúa. Hành động này đã làm đẹp lòng Thiên Chúa Cha, khiến Chúa Cha ban Thánh Thần đến dưới hình chim câu, đồng thời công khai xác nhận Ngài là Con.

Việc Chúa Giêsu chịu phép rửa hôm nay, cũng nhắc nhở mỗi người chúng ta về Bí Tích rửa tội của mình, chúng ta đã được tái sinh để trở nên con Thiên Chúa. Qua Bí Tích rửa tội, mỗi người trong chúng ta đã trở nên người mới, được Thiên Chúa yêu thương và được yêu mến Thiên Chúa.

Để được như thế, điều đòi buộc mỗi người là phải chết đi cho tội lỗi, chết đi cho những khuynh hướng xấu của chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Giờ đây chúng ta hãy thật lòng tẩy rửa bằng tâm tình thống hối chân thành.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, khi Ðức Kitô chịu phép rửa tại sông Gio-đan và Thánh Thần ngự xuống trên Người, Chúa đã long trọng tuyên bố Người là Con chí ái. Xin cho chúng con là đoàn nghĩa tử được tái sinh bởi nước và Thánh Thần, hằng bền vững thi hành ý Chúa. Chúng con cầu xin…

Hoặc:

Lạy Thiên Chúa toàn năng, chúng con nhận biết Ðức Kitô Con Một Chúa xuất hiện như người phàm và mặc lấy thân xác giống hệt chúng con. Xin Chúa làm cho tâm hồn chúng con được đổi mới và trở nên giống hình ảnh Người. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc IIs 42, 1-4. 6-7

“Này là tôi tớ Ta, Ta hài lòng về người”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ðây là lời Chúa phán: “Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta chọn, Ta hài lòng về người. Ta ban Thần trí Ta trên người. Người sẽ xét xử chư dân. Người sẽ không lớn tiếng, không thiên vị ai; không ai nghe tiếng người ở công trường. Người không bẻ gẫy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói. Người trung thành đem lại lẽ công bình. Người sẽ không buồn phiền, không nao núng, chỉ lo đặt công lý trên địa cầu, vì trăm đảo mong đợi lề luật người.

Ta là Chúa, Ta đã gọi con trong công lý, đã cầm lấy tay con, đã gìn giữ con, đã đặt con thành giao ước của dân, và nên ánh sáng của chư dân, để con mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 28, 1a và 2. 3ac-4. 3b và 9b-10

Ðáp: Chúa sẽ chúc phúc cho dân Người trong cảnh thái bình (c. 11b).

Xướng: Các con cái Thiên Chúa hãy dâng kính Chúa, hãy dâng kính Chúa vinh quang xứng với danh Người; hãy mang lễ phục thánh để thờ lạy Chúa. 

Xướng: Tiếng Chúa vang dội trên mặt nước, Chúa ngự trên muôn ngàn sóng nước. Tiếng Chúa phán ra trong uy quyền, tiếng Chúa phán ra trong oai vệ. 

Xướng: Thiên Chúa oai nghiêm làm cho sấm sét nổ ran, và trong thánh đài của Chúa, mọi người kêu lên: Vinh quang! Chúa ngự trị trong cơn hồng thuỷ, và Chúa làm vua ngự trị tới muôn đời.

Bài Ðọc II: Cv 10, 34-38

“Chúa dùng Thánh Thần mà xức dầu tấn phong cho Người”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phêrô mở miệng nói rằng: “Quả thật, tôi nghiệm biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận. Thiên Chúa đã sai Lời Người đến cùng con cái Israel, loan tin bình an, nhờ Chúa Giêsu Kitô là Chúa muôn loài. Như anh em biết, điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan đã rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong cho Người. Người đi qua mọi nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở với Người”.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: x. Mc 9, 7

Alleluia, alleluia! – Các tầng trời mở ra, tiếng Chúa Cha tuyên phán: “Này là Con Ta yêu dấu, hãy nghe lời Người”. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 3, 15-16. 21-22

“Khi Chúa Giêsu đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện thì trời mở ra”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, trong lúc dân chúng đang mong đợi, và mọi người tự hỏi trong lòng rằng: “Gioan có phải là Ðấng Kitô không?”, Gioan lên tiếng bảo mọi người rằng: “Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước, nhưng Ðấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa!”

Vậy khi tất cả dân chúng đã chịu phép rửa, và chính lúc Chúa Giêsu cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu, và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tếAnh chị em thân mến! Trong lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, Hội Thánh mời gọi chúng ta nhớ lại Bí Tích Rửa Tội của mình, nhờ đó ý thức về giá trị của ơn thánh, và biết sống nghiêm túc theo những đòi hỏi của ơn gọi Kitô hữu của mình. Trong tâm tình cảm tạ, chúng ta cùng dâng những lời nguyện xin: 

1. “Ta đã gọi ngươi trong công lý, đã cầm lấy tay ngươi, đã gìn giữ ngươi”.- Xin cho Hội Thánh luôn hăng say hoàn thành sứ mạng của mình, là đưa dẫn loài người đến với Đức Giêsu và qua Bí Tích Rửa Tội, dẫn họ vào gia đình Thiên Chúa và Hội Thánh.

2. “Ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận”,- Xin cho những người có ừách nhiệm lãnh đạo, biết chân thành đối thoại, và khiêm tốn lắng nghe mọi hạng người, để giúp cho họ được đón nhận Chúa và mưu cầu lợi ích chung.

3. “Chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa”,- Xin cho các Kitô hữu trên thế giới, quan tâm tái lập sự hiệp nhất trong Bí Tích Rửa Tội, và tình yêu mà chính Đức Kitô mong muốn.

4. “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.- Xin cho các bậc cha mẹ khi xin rửa tội cho con cái, biết hướng dẫn con cái quí mến ơn làm con Chúa và phát huy trong đời sống Kitô hữu.

Chủ tếLạy Chúa, với Tình yêu khôn dò, Chúa đã muôn cho chúng con gia nhập gia đình Chúa: chúng con đã trỏ nên con cái Chúa và Hội Thánh. Xin cho chúng con hết lòng thờ phượng Chúa và phục vụ Hội Thánh với tinh thần con thảo. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, trong ngày Chúa mặc khải Ðức Kitô Con yêu dấu, đoàn tín hữu chúng con dâng lên Chúa những lễ vật này: cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận và làm cho trở nên lễ hy sinh hoàn hảo của Người là chính Ðấng đã thương rửa sạch tội lỗi trần gian. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con. Khi Ðức Kitô chịu phép rửa tại sông Gio-đan, Chúa đã dùng những dấu lạ này tỏ bày mầu nhiệm phép rửa mới: Nhờ tiếng Chúa từ trời vọng xuống, chúng con tin rằng Ngôi Lời của Chúa ở giữa loài người; và nhờ Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu hiện xuống, chúng con nhận biết Ðức Kitô là Tôi Trung của Chúa, được xức dầu hoan lạc và được sai đi rao giảng Tin Mừng cho kẻ khó nghèo. Vì thế, cùng với triều thần thiên quốc, chúng con ở dưới trần gian luôn ca tụng uy linh cao cả và không ngừng tung hô rằng:

Thánh ! Thánh ! Thánh!

Ca hiệp lễ

Đây là Đấng mà ông Gio-an đã nói: “Tôi đã thấy và xin làm chứng rằng: Người là Con Thiên Chúa”.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, nơi bàn tiệc thánh, Chúa đã cho chúng con được no lòng thoả dạ. Xin cũng giúp chúng con luôn trung thành nghe theo lời Con Một Chúa dạy bảo, để không những chúng con chỉ mang danh là con cái Chúa mà còn thực sự sống với Chúa cho phải đạo làm con. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa

Tham dự phụng vụ hôm nay, Thánh sử Luca mời gọi chúng ta hướng nhìn về Chúa Giêsu, để chúng ta sống giống như Chúa Con, “đẹp Lòng Chúa Cha”. Đầu tiên, chúng ta thấy Chúa Giêsu sống khiêm nhường, sống giống mọi người. Trước khi dìm mình trong nước để nhận lãnh phép rửa từ tay thánh Gioan Tẩy Giả, Chúa Giêsu đã nhập đoàn dân chúng giống y như mọi người, khiêm tốn và chia sẻ với mọi người nhu cầu sám hối và thanh tẩy. Con đường của Chúa Giêsu đi cũng là con đường của tất cả mọi người chúng ta. Chúa Giêsu trở thành người và sống như mọi người, sống giữa mọi người.

Kế đến, Chúa Giêsu cho thấy việc thanh tẩy là hình bóng của bí tích rửa tội mà chúng ta lãnh nhận. Tuy nhiên, nghi lễ thanh tẩy của Gioan chỉ là việc tỏ lòng sám hối. Lời Gioan Tẩy Giả cho thấy bản chất của bí tích Rửa tội mà Chúa Giêsu trao ban cho con người gồm hết mọi lễ nghi thanh tẩy của Cựu Ước, bởi vì Chúa Giêsu sẽ thanh tẩy con người với Chúa Thánh Thần và lửa. Bí tích Rửa tội mà Chúa Giêsu hiện thực là lửa đốt cháy sự dữ. Nó như lửa luyện lọc và thanh tẩy lòng con người như lời tiên tri đã báo trước. Nó như nước tẩy rửa mọi vết nhơ trong tâm hồn con người, trao ban phong phú và sự sống. Và điểm đặc thù nổi bật nhất trong bí tích Rửa tội Kitô giáo, là sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, nguyên lý trao ban sự sống của Thiên Chúa cho con người.

Bên cạnh đó, Phúc Âm Luca cho thấy Chúa Giêsu là con người cầu nguyện (Lc 3, 210. Ngài cầu nguyện liên lỉ không những trước mọi biến cố quan trọng trong cuộc đời, mà trong mọi lúc cho đến chết. Chúa Giêsu đã dạy các tông đồ cầu nguyện, đó cũng là cách thế Chúa Giêsu sống mối dây liên hệ yêu thương hiệp thông với Thiên Chúa Cha và với Chúa Thánh Thần.

Và sau cùng là biến cố Chúa Giêsu được thánh hiến trong sứ mệnh cứu độ ấy. Nó được diễn tả bằng lược đồ giải thích thị kiến, thường được các soạn giả Kinh Thánh dùng đến để trình bày một chủ ý thần học hay một kinh nghiệm thiêng liêng nội tâm. Thị kiến như tường thuật trong Phúc Âm là một lời giải thích biến cố Chúa Giêsu lãnh phép rửa thanh tẩy. Biến cố này minh chứng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Ngài là hiện thân toàn vẹn của Thiên Chúa. Chính trong khi Chúa Giêsu cầu nguyện, nghĩa là đối thoại thân tình với Thiên Chúa Cha mà Ngài nhận được tràn đầy Chúa Thánh Thần, Đấng đã hoạt động trong sứ mệnh cứu độ. Sau này, khi các tông đồ tiếp tục sứ mệnh ấy của Chúa Giêsu, các ông cũng sẽ được tràn đầy Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là ơn đầu tiên mà Chúa Giêsu Phục sinh trao ban cho các môn đệ và cho mọi tín hữu sau này qua bí tích Rửa tội.

Trong thư gởi cho Titô (Tt 2, 11-14; 3, 4-7) thánh Phaolô nhắc cho chúng ta biết ơn tái sinh mà Chúa Giêsu Kitô đã trao ban cho chúng ta. Ơn thánh Chúa ban giúp chúng ta tái sinh, nghĩa là có được cuộc sống mới và giúp chúng ta tiếp tục canh tân cuộc sống mỗi ngày bằng cách từ bỏ gian tà, từ bỏ các đam mê xác thịt thế gian, nghĩa là từ bỏ tất cả những gì khiến cho chúng ta xa Chúa và đánh mất đi cuộc sống mới mà Chúa Kitô đã trao ban cho chúng ta qua bí tích Rửa tội.

Chúa Cha xác nhận Chúa Giêsu là Con yêu quý của Ngài, thì chúng ta hôm nay là những người con của Chúa Giêsu, chúng ta cũng phải sống theo gương của Chúa Giêsu, để một ngày nào đó, Chúa Cha cũng xác nhận chúng ta là những người con yêu quí giống như Chúa Giêsu vậy. Trong mỗi người chúng ta, ai cũng phải làm con, rồi mới làm cha làm mẹ. Vậy thì như con cái phải làm vui lòng cha mẹ thế nào, thì chúng ta cũng phải làm vui lòng Chúa như vậy. Rồi các bậc cha mẹ ai cũng ước mong cho con cái mình sống tốt thế nào, thì chính các cha mẹ cũng phải sống tốt như vậy. Nghĩa là phải sống đức tin, sống đạo thật tốt, trung thành với các bổn phận đạo đức, trung thành với bổn phận làm người, sống yêu thương, giúp đỡ tha nhân, làm lành lánh dữ. Và như thế, là chúng ta được sống trong tình Cha con với Thiên Chúa, và Thiên Chúa sẽ nhận chúng ta là những người con yêu quí của Ngài.

Như thế, phép rửa của Chúa Giêsu nhắc nhở cho chúng ta ý thức được ơn gọi cao trọng làm con cái Chúa của mình, ơn gọi mà chúng ta đã lãnh nhận ngày chịu phép Rửa tội. Ơn gọi đó đồng thời cũng bao gồm sứ mệnh làm chứng cho Chúa giữa lòng thế giới này. Và chúng ta chỉ có thể hiện thực được nó khi biết cố gắng sống theo mẫu gương của Chúa Giêsu sống đẹp lòng Chúa Cha mà thôi.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết sống đẹp lòng Chúa Cha, chu toàn bổn phận vì tình yêu mến Chúa và luôn sống thể hiện đức ái cho mọi người, để chúng con trở nên những đứa con ngoan của Chúa. Amen.

CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA -C
(Lc. 3:15-16, 21-22) Lm. Lã Mộng Thường

Bài trích phúc âm theo thánh Luca.

Khi ấy, trong lúc dân chúng đang mong đợi, và mọi người đều hỏi trong lòng rằng, “Gioan có phải là Đấng Kitô không?” Gioan lên tiếng bảo mọi người rằng: “Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước, nhưng Đấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa!

Vậy khi tất cả dân chúng đã chịu phép rửa, và chính lúc Chúa Giêsu cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”. 

Quí ông bà, anh chị em trong Đức Kitô,

Hôm nay, chúng ta hiệp dâng thánh lễ theo truyền thống giáo hội kính ngày Chúa Giêsu chịu phép rửa. Một điều cần được nhắc lại đó là phép rửa thánh Gioan tiền hô thực hiện không phải là bí tích Rửa Tội Công giáo. Phép rửa do thánh Gioan thi hành chỉ là phương tiện minh chứng lòng thống hối ăn năn, minh chứng tâm hồn một người sẵn lòng từ bỏ, xin tha thứ những điều lầm lỗi chẳng nên mình đã vấp phạm đồng thời tuyên xưng, đoan chắc sẽ sống công chính, hòa thuận với mọi người.

Đàng khác, vào thời điểm đó, chưa có bất cứ tổ chức nhân sinh nào được gọi hay lấy danh hiệu là Công giáo. Từ thời Đức Giêsu trở về trước, không ai thuộc về giáo hội Công giáo. Chúa Giêsu, Đức Mẹ, thánh Giuse, thánh Gioan, bố mẹ thánh Gioan là ông Giacaria và bà Elizabeth, tất cả các tiên tri, các vua trong Cựu Ước. không có bất cứ ai là người hay thuộc về tổ chức của giáo hội Công giáo. Thế nên để giãi bày thân phận thực sự của mình, thánh Gioan đã lên tiếng giải thích, “Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước, nhưng Đấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa!”

Chúa Giêsu có chịu phép rửa của thánh Gioan không? Thưa có. Vậy điều gì hay lý do gì Đức Giêsu cần phải ăn năn, phải thống hối để phải chịu phép rửa của thánh Gioan? Mục đích của Đức Giêsu chịu phép rửa của Gioan là gì?

Xét theo quan điểm thế tục, hay nói theo lối nhìn hữu vi, chữ viết được ghi thế nào thì hiểu như vậy, Chúa Giêsu chưa có gì phải ăn năn, phải thống hối mà phải bày tỏ cho mọi người biết qua nghi thức rửa bằng nước của thánh Gioan. Nếu nhìn sự việc đã xảy ra theo khía cạnh này, hành động chịu được rửa của Chúa Giêsu có thể nói chỉ là chấp nhận nghi thức để gia nhập, để hòa mình với mọi người hầu có cơ hội rao giảng, hầu mong thực hiện mục đích của Ngài là rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho họ. Như thế, Đức Giêsu chấp nhận được rửa bằng nước chỉ là một mưu đồ chính trị với chủ đích hoàn thành nhiệm vụ của Ngài là rao giảng Tin Mừng. Thêm vào đó, qua Phúc Âm, cả một cuộc đời của Chúa Giêsu, Ngài đã đương đường công bố mục đích được sai đến của Ngài chính là rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, Tin Mừng Nước Trời như được viết nơi Luca, đoạn 4 câu 43, “Ta còn phải đem Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa; chính vì thế mà Ta đã được sai đến”. Cũng đọc nơi Phúc Âm, Đức Giêsu đã không rửa tội cho bất cứ ai.

Xét theo lối nhìn tâm linh, phúc âm Luca được viết: “Vậy khi tất cả dân chúng đã chịu phép rửa, và chính lúc Chúa Giêsu cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”. Nói cho đúng, tôi không biết dân chúng đang hiện diện ở đó cảm thấy thế nào và có nghe hay nhìn thấy hình chim bồ câu hay không, nhưng cứ theo những gì được diễn tả nơi phúc âm Luca, chúng ta có thể suy luận rằng phép rửa do thánh Gioan thực hiện chỉ với mục đích giới thiệu Đức Giêsu với mọi người chẳng những thời bấy giờ mà còn sau này đối với những ai đọc và suy nghiệm phúc âm.

Riêng đối với chúng ta, nghi thức Chúa Giêsu chịu phép rửa đem lại hay dạy chúng ta điều gì, và chúng học được gì nơi phúc âm? Chúng ta thường được nghe nói về ăn năn hối cải, ăn năn thống hối. Ăn năn hối cải, thống hối là gì, là thế nào đối với mỗi người? Theo nghĩa từ chương, ăn năn hối cải hay thống hối là cảm nhận đau buồn, hối lỗi vì những điều không nên không phải mình đã cố ý vấp phạm trong sự thiếu suy xét, trong nỗi thiếu nhận định kết quả của sự việc vấp phạm. Ai đã vì không để ý thay vì đóng đinh mà dùng búa đập vào tay mình đến độ tét cả ngón tay ra sẽ cảm nhận được tâm hồn mình có quyết định thế nào cho những lần đóng đinh tiếp theo.

Theo nghĩa nơi Kinh Thánh, từ ăn năn hối cải được dịch từ ngôn từ Metanoia nơi tiếng Hy Lạp. Metanoia có nhiều nghĩa. Trước hết, metanoia có nghĩa thay đổi hướng đi, thay đổi chiều hướng suy tư, đổi ngược lại (Kinh Thánh Tân Ước; 1994; Tr.) Khi đối diện với bất cứ sự việc gì, hay vừa được nghe về một sự kiện nào hoặc câu nói nào, chúng ta thường sớm nghĩ đến một kết quả nào đó. Kết quả này được hình thành hay phát sinh từ chính những kinh nghiệm hay hiểu biết nơi mình, không phải từ sự việc hay sự kiện được nghe đến.

Chẳng hạn, khi chúng ta vừa nghe đến ai đó “Đi khám bác sĩ”, chúng ta đều biết đã có chuyện gì hay bệnh hoạn gì xảy đến với người nào đó. Tuy nhiên, vì chúng ta đã quá quen với thành ngữ “Đi khám bác sĩ” và hiểu đúng nghĩa sự việc được nó diễn tả nhưng lại không để ý đến thực trạng ngôn ngữ của thành ngữ này. Thử hỏi, bác sĩ nào để cho mình khám mà nói “Đi khám bác sĩ” thay vì “Đi bác sĩ khám?”

Thứ đến, Đức Giêsu dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha trong khi phúc âm Luca kể lại rằng có tiếng từ trời, “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”. Đẹp lòng Chúa là thế nào? Tâm tư, tâm tình sống đẹp lòng Chúa thì phải thế nào? Khi chúng ta đọc kinh Lạy Cha, chúng ta đọc “Lạy Cha chúng con ở trên trời”, tâm hồn chúng ta cảm thấy gì hay chỉ đọc như con vẹt, đọc nhiều để chứng tỏ mình là con nhà có đạo. Thiên Chúa là gì, liên hệ với mình ra sao, chứng minh được không? Ở trên trời là ở đâu, nơi chốn nào? Tại sao nơi phúc âm được viết “Nước Thiên Chúa ở trong các ông, ở giữa các ông, và gần đến?”

Thiển nghĩ, Đức Giêsu phải chịu phép rửa để ăn năn thống hối vì Ngài đã tiêu phí cả một đời rao giảng Tin Mừng Nước Trời; bởi cho đến nay, đã hơn kém hai ngàn năm qua, dân Chúa vẫn chưa nhận ra Tin Mừng Nước Trời mà Ngài rao giảng là gì!

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...