THỨ HAI TUẦN 13 THƯỜNG NIÊN

Đức Giê-su nói: “Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” (Mt 16,13-19)

29/06/2000
THỨ HAI TUẦN 13 THƯỜNG NIÊN
Thánh Phê-rô và Phao-lô, tông đồ



Mt 16,13-19

 

HIỆP NHẤT XÂY DỰNG HỘI THÁNH

Đức Giê-su nói: “Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” (Mt 16,13-19)

Suy niệm: Phê-rô và Phao-lô là hai tông đồ khác nhau như nước với lửa: Phê-rô là dân đánh cá ít học, Phao-lô thuộc tầng lớp trí thức; Phê-rô theo Chúa ngay từ đầu, còn Phao-lô là ‘đứa con đẻ non’ (x. 1Cr 15,8) mãi sau này mới theo Chúa; Phê-rô gắn bó với Ki-tô hữu gốc Do Thái, còn Phao-lô rao giảng cho dân ngoại. Khác nhau về gốc gác, về quan điểm truyền giáo, thế nhưng, trong Đức Giê-su, cùng với Đức Giê-su và vì Đức Giê-su, Đấng cả hai quý mến hơn mọi sự trên đời, Phê-rô và Phao-lô hiệp nhất trong một công trình chung: xây dựng Hội thánh của Đức Giê-su bằng lòng nhiệt thành hăng say rao giảng, bất chấp đòn vọt, tù đày, như thánh Phao-lô đã thốt lên: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16). Hai vị còn giống nhau trong cái chết hy sinh mạng sống cho Đấng mình yêu: Phê-rô bị đóng đinh ngược đầu xuống đất, Phao-lô bị chém đầu.

Mời Bạn: Nhớ rằng Hội thánh chủ ý mừng hai vị tông đồ trong một ngày lễ chính là để nêu cao tinh thần hiệp nhất trong công cuộc xây dựng Hội thánh. Bạn có quyết gạt bỏ những bất đồng để cùng hiệp nhất xây dựng gia đình, cộng đoàn, giáo xứ, đoàn thể… không ?

Sống Lời Chúa: Noi gương hai thánh Phê-rô và Phao-lô, tôi sẽ dẹp bỏ những tị hiềm, gạt bỏ những bất đồng với các thành viên khác, để xây dựng gia đình, cộng đoàn, giáo xứ… tốt đẹp hơn.

Cầu nguyện: Hát: “Này con là Đá trên viên đá này Cha xây Giáo hội muôn đời kiên vững. Này con là Đá, cho muôn sức hùng Sa-tan vẫy vùng không hề chuyển rung.”

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Phêrô và Thánh Phaolô tông đồ

Dẫn vào thánh lễ

Thánh Phêrô và Thánh Phaolô là hai “cột trụ” của Hội Thánh. Trước hết chúng ta hãy dâng lên lời cảm tạ sâu sắc vì Thiên Chúa đã dùng hai Thánh Phêrô và Phaolô để xây dựng Hội Thánh và rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Chúng ta hãy thể hiện một lòng tin yêu son sắt với Hội Thánh, với các Đấng kế vị Thánh Phêrô và các Tông Đồ, đó chính là sứ điệp của Lời Chúa hôm nay.

Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, hai Đấng vĩ đại nhất của lịch sử Giáo Hội, hai kinh nghiệm thấm thía của những tâm hồn cúi sâu vào cuộc thông hối, chứa chan cảm kích vì đã được thương xót.

Trong tâm tình ấy chúng ta cùng nhau thành tâm thống hối để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.

Ca nhập lễ

Đây là những người khi còn sống ở trần gian, đã gieo trồng Hội thánh bằng máu mình; đã uống chén đau khổ của Chúa Kitô và trở nên bạn hữu của Thiên Chúa

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con được vui mừng hoan hỷ nhân ngày đại lễ kính hai thánh tông đồ Phê-rô và thánh Phao-lô. Chính nhờ các ngài Hội Thánh đã bắt đầu đón nhận đức tin, xin cho Hội Thánh cũng luôn trung thành tuân giữ lời các ngài giảng dạy. Chúng con cầu xin...

Bài Ðọc I: Cv 12, 1-11

"Bây giờ tôi biết thật Chúa đã cứu tôi khỏi tay Hêrôđê".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, vua Hêrôđê làm khổ mấy người trong Hội thánh. Ông đã dùng gươm giết Giacôbê anh của Gioan. Ông thấy việc ấy đẹp lòng người Do-thái, nên lại cho bắt cả Phêrô. Bấy giờ là ngày lễ Bánh Không Men. Bắt được người, vua cho tống ngục, giao cho bốn đội binh, mỗi đội bốn người canh giữ, có ý đợi sau lễ Vượt Qua, sẽ điệu người ra cho dân. Phêrô bị giam trong ngục, nhưng Hội thánh vẫn luôn luôn cầu nguyện cùng Chúa cho người. Ðến khi vua Hêrôđê sắp điệu người ra, thì đêm ấy, Phêrô phải mang xiềng xích, nằm ngủ giữa hai tên lính, và có quân canh giữ trước cửa ngục. Bỗng có thiên thần Chúa đứng kề bên, một luồng ánh sáng chiếu giãi vào ngục; thiên thần đập vào cạnh sườn Phêrô, đánh thức người dậy mà rằng: "Hãy chỗi dậy mau". Xiềng xích liền rơi khỏi tay người. Thiên thần bảo người rằng: "Hãy thắt lưng và mang giày vào". Người làm y như vậy. Thiên thần lại bảo rằng: "Hãy khoác áo vào mà theo ta".

Người liền đi ra theo thiên thần, mà chẳng biết việc thiên thần làm có thật chăng, người tưởng như trong giấc mộng. Qua khỏi chặng thứ nhất và chặng thứ hai, thì đến cửa sắt thông ra thành. Cửa ấy tự nhiên mở ra. Thiên thần và Phêrô rảo qua một phố nọ, rồi thiên thần biến đi. Phêrô hoàn hồn và nói rằng: "Bây giờ tôi biết thật Chúa đã sai thiên thần cứu tôi khỏi tay Hêrôđê và khỏi mọi âm mưu của dân Do-thái".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 33, 2-3. 4-5. 6-7. 8-9

Ðáp: Chúa đã cứu tôi khỏi điều lo sợ

Xướng: Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc; miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui. - Ðáp.

Xướng: Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người. Tôi cầu khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời, và Người đã cứu tôi khỏi điều lo sợ. - Ðáp.

Xướng: Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn. - Ðáp.

Xướng: Thiên Thần Chúa hạ trại đồn binh chung quanh những người sợ Chúa và bênh chữa họ. Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao; phúc đức ai tìm nương tựa ở nơi Người. - Ðáp.

Bài Ðọc II: 2 Tm 4, 6-8. 17-18

"Từ đây triều thiên công chính đã dành cho cha".

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Con thân mến, phần cha, cha đã già yếu, giờ ra đi của cha đã gần rồi. Cha đã chiến đấu trong trận chiến chính nghĩa, đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững đức tin. Từ đây triều thiên công chính đã dành cho cha. Và trong ngày đó, Chúa là Ðấng phán xét chí công sẽ trao lại cho cha mũ triều thiên ấy, nhưng không phải cho cha mà thôi, mà còn cho những kẻ yêu mến trông đợi Người xuất hiện. Nhưng có Chúa phù hộ giúp sức cho cha, để nhờ cha, việc giảng đạo nên trọn, và tất cả Dân Ngoại được nghe giảng dạy: và cha đã thoát được khỏi miệng sư tử. Nguyện cho Người được vinh quang muôn đời. Amen.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 16, 18

Alleluia, alleluia! - Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 16, 13-19

"Con là Ðá, Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Cêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: "Người ta bảo Con Người là ai?" Các ông thưa: "Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó". Chúa Giêsu nói với các ông: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?" Simon Phêrô thưa rằng: "Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống".

Chúa Giêsu trả lời rằng: "Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở".

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Anh chị em thân mến !

Với ơn Thánh Chúa, Thánh Phêrô đã sám hối, thánh Phaolô đã được biến đổi và đã trở thành những vị cột trụ của Hội Thánh. Nhờ công nghiệp của các Ngài chúng ta tha thiết nguyện xin:

1. “Con là đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”. - Xin cho Đức Giáo Hoàng, các Đức Giám mục trên khắp thế giới, giữ vững ngôi nhà Thiên Chúa đã đặt để các ngài là đá tảng, nhờ đức tin kiên vững, lòng mến tha thiết, nhờ sự hướng dẫn và cầu bầu của hai Thánh Tông đồ Phê-rô và Phaolô.

2. “Bây giờ tôi biết thật Chúa đã sai Thiên Thần cứu tôi”. - Xin cho Đức Hồng Y Phê-rô của chúng ta luôn tràn đầy Ơn Chúa, kiên trung chèo lái con thuyền Tổng Giáo phận nhờ sự cầu bầu của Thánh Phê-rô và Thánh Phao-lô Tông đồ.

3. “Cha đã chiến đấu trong trận chiến chính nghĩa”. - Xin cho các Kitô hữu ngày càng thêm gắn bó với nhau, trong việc bảo vệ danh dự và vinh quang Nước Chúa trên mảnh đất này.

4. “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”. - Xin cho mỗi người chúng ta nhờ ánh sáng đức tin tông truyền, xác tín vào Chúa Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất của từng người và mọi người.

Kết:

Lạy Chúa, xin cho ngọn lửa tình yêu Chúa luôn bừng cháy trong toàn thể Tổng Giáo Phận chúng con, giúp chúng con biết cộng tác trong hoạt động, nâng đỡ nhau trong buồn vui, để mỗi ngày chúng con thêm xác tín về sự hiện diện của Chúa trong mọi người. Chúng con cầu xin nhờ nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con dâng những lễ vật này để tôn vinh danh Chúa. Xin Chúa thương nhận lời hai thánh tông đồ cầu khẩn, và ban cho chúng con được sốt sắng cử hành lễ tế tạ ơn. Chúng con cầu xin...

Lời tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi, mọi lúc, thật là chính đáng phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con. Hôm nay, Chúa cho chúng con được vui mừng trong ngày lễ trọng kính hai thánh Tông đồ Phê-rô và Phao-lô. Chúa đã sắp đặt để thánh Phêrô là người đầu tiên tuyên xưng đức tin, thánh Phaolô là người làm sáng tỏ đức tin, thánh Phêrô thiết lập Hội Thánh tiên khởi cho người Ít-ra-en, thánh Phaolô là thầy giảng dạy muôn dân. Như vậy, các ngài đã dùng đường lối khác biệt để quy tụ một gia đình duy nhất cho Ðức Kitô, nên các ngài đáng được thế giới ngưỡng mộ và được lãnh nhận cùng một triều thiên vinh quang.

Vì thế, cùng với toàn thể Thiên thần và các thánh chúng con ca ngợi Chúa và không ngừng tung hô rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!...

Ca hiệp lễ

Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Chúa Giêsu đáp: Con là Đá, trên Đá này Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã dùng bí tích thánh thể bồi dưỡng chúng con. Xin dạy chúng con sống trong Giáo Hội như các Kitô hữu đầu tiên, là chuyên cần tìm hiểu giáo lý các tông đồ, và siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, để chúng con yêu mến Chúa hết lòng và nhờ đó được đồng tâm nhất trí với nhau. Chúng con cầu xin...

Suy niệm

LỄ HAI THÁNH TÔNG ĐỒ PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ


Những Tương Đồng Lạ Lùng
Lm Giuse Nguyễn Hữu An


Giáo hội mừng kính hai Thánh Tông đồ, hai cột trụ Giáo hội cùng chung một ngày. Hai con người khác nhau từ cá tính đến thân thế nhưng có rất nhiều cái chung: Cùng chung một ơn gọi từ Chúa Kitô, cùng chung một niềm tin vào Chúa Kitô, cùng chung một sứ mạng Chúa Kitô trao phó, và cuối đời cùng chịu tử đạo vì Chúa Kitô tại Roma. Cả hai Ngài cùng chia sẻ một niềm tin, cùng thi hành một sứ mạng. Chúa Kitô đã đã đưa hai Ngài đến một cùng đích, một vinh quang đội triều thiên khải hoàn, cùng trở thành nền móng xây toà nhà Giáo hội, cùng trở nên biểu tượng hiên ngang của niềm tin Công Giáo. Hai Thánh Tông Đồ được Giáo hội mừng chung vào một ngày lễ 29 tháng 6.

Hai con người khác biệt ấy lại có những điểm tương đồng lạ lùng. Chúa Kitô đã nối những điểm tương đồng ấy để tất cả được nên một ở trong Người. Thánh Phêrô, trước đây hèn nhát, sợ hãi, chối Chúa, về sau yêu Chúa nồng nàn thiết tha; Thánh Phaolô, trước kia ghét Chúa thậm tệ, sau này yêu Chúa trên hết mọi sự. Trước kia hai vị rất khác biệt, bây giờ cả hai nên một trong tình yêu Chúa.

Hai tên gọi cùng được đổi mới.

Theo cách dùngThánh Kinh, tên không những chỉ là danh xưng dùng để gọi một người mà còn là hiện thân của một người (x. Từ điển Công Giáo phổ thông). Tên gọi nói lên một sứ mạng. Tên mới biểu tượng một thân phận mới, một bản chất mới. Ađam đặt tên cho mọi giống vật và đặt tên cho vợ: “Ngươi sẽ gọi tên vợ là Eva, vì bà là mẹ của chúng sinh” (St 3,20). Abram được đổi tên để nhận lấy một sứ mạng cao cả: “Tên ngươi không còn là Abram nữa, mà là Abraham... Sarai, vợ ngươi, sẽ không còn là Sarai nữa. Song tên nó là Sara. Bởi Sara, ngươi có một người con trai, ngươi sẽ đặt tên cho nó là Isaac” (St 17,5-20). Tổ phụ Giacop được đổi tên là Israel: “Người đó hỏi ông: "Tên ngươi là gì?" Ông đáp: "Tên tôi là Giacop. "Người đó nói: "Người ta sẽ không gọi tên ngươi là Giacop nữa, nhưng là Israel, vì ngươi đã đấu với Thiên Chúa và với người ta, và ngươi đã thắng." (St 32,28-29). Theo lời Sứ thần Gabriel, Đức Maria đặt tên cho con là Giêsu. Ông Giacaria đặt tên cho con trai là Gioan.

Khi Anrê dẫn em trai là Simon đến gặp Chúa Giêsu, Người nhìn Simon và nói: “Anh là Simon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha” (tức là Phêrô) (Ga 1,42). Chúa xây dựng Giáo Hội trên Đá Tảng Phêrô: “Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá. Trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18). Chúa còn trao chìa khoá Nước trời cho Phêrô.

Saolô là một biệt phái nhiệt thành. Trên đường đến Đamát, thình lình một luồng sáng từ trời bao tỏa lấy Saolô. Ông ngã xuống đất và nghe một giọng nói với ông: “Saolô, Saolô, tại sao ngươi bắt bớ Ta? Saolô hỏi: “Ngài là ai?” Và có tiếng trả lời “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ” (Cv 9,1-5). Saolô đã bị mù lòa. Ông làm những gì được chỉ bảo. Ba ngày sau, ông Annanias đến, đặt tay trên Saolô và ngay lập tức có cái vảy bong ra khỏi mắt và ông được sáng. Ông đứng dậy và chịu phép rửa (Cv 9,6-18). Từ đó, Chúa Giêsu biến đổi Saolô thành một Tông đồ dân ngoại. Kể từ chương 13 sách CVTĐ, Saolô có tên mới là Phaolô.

Đặt tên cho một người là định hướng cuộc đời người ấy theo tên gọi. Từ đó có một chương trình trong sự quan tâm trìu mến của người đặt tên. Tên Giêsu là sứ mạng của Người (Mt 1,21) nghĩa là cứu độ (Cv 14,3), cứu thoát (Cv 4,12), đem lại sự sống siêu nhiên cách viên mãn (Col 3,17). Ai cầu nguyện nhân danh Đức Giêsu, theo ý hướng của Người sẽ luôn luôn được nhận lời (Ga 15,16); Ai kêu cầu tên Người sẽ được cứu thoát (Rm 10,13); Những ai tin vào tên Người sẽ làm nên Hội Thánh (1 Cor 1,2) và từ đó được gọi là Kitô hữu (Cv 11,26). Simon và Saolô đón nhận tên gọi mới là Phêrô và Phaolô với sứ vụ cao cả là đá tảng và là cột trụ của Giáo Hội.

Hai khuôn mặt cùng một niềm tin

Có nhiều dư luận nói về Chúa Giêsu. Người hỏi các môn đệ: “Các con bảo Thầy là ai?”. Simon Phêrô nhanh nhẹn đáp: "Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16,16). Chúa Giêsu rất hài lòng về câu trả lời của Phêrô. Người nói với Phêrô: "Này anh Simon, con ông Gioan, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời" (Mt 16,17). Phêrô tuyên xưng niềm tin. Chúa Giêsu đặt thánh Phêrô làm đầu Giáo Hội (Mt 16,18).

Từ khi nhận phép rửa, Phaolô đã mạnh dạn rao giảng về Chúa Kitô khiến nhiều người Do Thái ngạc nhiên tự hỏi: "Ông này chẳng phải là người ở Giêrusalem vẫn tiêu diệt những ai kêu cầu danh Giêsu sao? Chẳng phải ông đã đến đây với mục đích bắt trói họ giải về cho các thượng tế sao?" (Cv 9, 21). Phaolô đã làm bẽ mặt những người Do Thái ở Đamát, khi minh chứng rằng Đức Giêsu là Đấng Mêsia (Cv 9, 22). Phaolô đã được các tông đồ tin tưởng nhờ đó ngài và các tông đồ đi lại hoạt động tại Giêrusalem. Phaolô mạnh dạn rao giảng nhân danh Chúa Giêsu Kitô (Cv 9, 28).

Phêrô tuyên xưng đức tin. Trên đá tảng Phêrô, đức tin được xây dựng. Phaolô làm sáng tỏ đức tin. Vị tông đồ dân ngoại hăng hái đem đức tin gieo trồng khắp mọi nơi. Hai khía cạnh của đức tin luôn sống động trong Giáo Hội, sứ mạng củng cố đức tin, xây dựng nội bộ và sứ mạng truyền giáo, đem đức tin đến với muôn dân.

Hai tính cách  cùng một lòng mến

Thánh Phêrô, tính tình nóng nảy, bộc trực và đôi lúc hơi liều lĩnh. Nói về ông người ta không thể không nhắc đến cái vết thật đen trong cuộc đời của ông. Đó là lần ông đã chối Chúa. Alain một nhà tư tưởng lớn của Pháp đã viết những lời như thế thật chua cay về cái biến cố này: "Tôi hình dung ra ông ta đang ở trên Thiên đàng, đầu đội triều thiên hào quang sáng chói nhưng mỗi khi nhớ đến 'dzụ' ấy, chắc ông còn phải đỏ mặt". Lý do, ông viết tiếp: "Tông đồ Phêrô trong hoàn cảnh lúc đó đã lẩn trốn như thỏ hay như chuột". Lời nhận định hơi chua chát một chút nhưng nó cho chúng ta thấy tính cách nghiêm trọng của vấn đề. Vì Phêrô là Thủ lãnh các tông đồ, thủ lãnh nhóm 12 và nhất là trước đó Chúa đã cảnh cáo ông.

Đời ông là giằng co giữa yếu đuối và dũng mãnh, giữa trọn vẹn và dang dở, giữa xa và gần, giữa trời và đất. Trái tim ông có u tối đi tìm ánh sáng, có nuối tiếc đi tìm lý tưởng. Đời ông có tự tin gặp vấp ngã, có phấn đấu gặp thất bại. Tuy nhiên, thánh Phêrô có nhiều đức tính đáng nể phục. Chính những đức tính sáng chói này sẽ làm lu mờ đi những cái tầm thường nơi con người của ngài. Nhờ đó, ngài đã xứng đáng với sự tín nhiệm của Chúa. Thánh Phêrô có lòng quảng đại. Khi được Chúa gọi, ông nhanh nhẹn bỏ tất cả mọi sự rồi theo Chúa. Thánh Phêrô có một đức tin chân thành và lòng gắn bó keo sơn với Chúa: "Lạy thầy, bỏ Thầy chúng con biết theo ai vì Thầy có lời ban sự sống đời đời”. Đức tính đáng cảm phục nhất chính là lòng khiêm nhường. Đó là nhân đức nền tảng của mọi nhân đức. Khiêm nhường là mẹ các nhân đức. Rõ ràng, trong trái tim Phêrô lúc nào cũng yêu Chúa. Ngay cả khi Chúa bảo Phêrô là Satan thì Phêrô cũng không giận Chúa. Chỉ vì sự sợ hãi yếu đuối mà chối Thầy, chứ trong tâm hồn lúc nào Phêrô cũng yêu mến Chúa. Không phải Phêrô yếu đuối vấp ngã mà Chúa bỏ rơi, chính tình yêu chân thành trong tâm hồn Phêrô mà Chúa đã yêu thương chọn làm Tảng Đá.

Saolô là người Do thái, trí thức, thông thạo nhiều thứ tiếng miền Do thái – Hy lạp, rất sùng đạo theo môn phái Gamaliên ở Giêrusalem. Saolô là biệt phái nhiệt thành đi lùng sục bắt bớ Đạo Chúa, tham gia vào vụ giết Têphanô và trên đường Đamát truy lùng các Kitô hữu. Được ơn trở lại, Saolô được biến đổi để trở nên chứng nhân vĩ đại là Phaolô, Tông Đồ dân ngoại. Khi đã biết Chúa Kitô thì “những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa tôi còn coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa của tôi. Vì Ngài, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người. Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Môsê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Giêsu” (Pl 3,7-9). Phaolô hiên ngang được sống và được chết cho Chúa Kitô. Ngài trở thành một Tông đồ dân ngoại kiệt xuất, thành lập nhiều Giáo đoàn, mở mang phát triển Hội Thánh cách quang minh chính đại, khiến bản thân phải ra toà, tù tội, vất vả trăm đường. Các mối phúc thật được kết tinh nơi cuộc đời thánh nhân. Phaolô đã sung sướng tự hào cả khi ý thức những yếu đuối của mình “Ơn Ta đủ cho con vì chưng quyền năng trong yếu đuối mới viên thành” (2 Cor 12,9). Không gì có thể làm nao núng lòng tin mãnh liệt ấy “Chúng tôi bị dồn ép tư bề nhưng không bị đè bẹp; hoang mang nhưng không tuyêt vọng; bị ngược đãi nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt” (2cor 4,8-9). Vị Tông đồ dân ngoại đã nhiệt thành loan truyền Chúa Kitô với tất cả thao thức “Khốn thân tôi,nếu tôi không rao giảng Tin mừng” (1Cor 5,14). Ngài luôn sống trong niềm tin tưởng yêu mến vào Đấng đã kêu gọi Ngài “Tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa,là Đấng yêu mến tôi và thí mạng vì tôi” (Gal 2,20). Vì Đức Kitô và vì Tin mừng, thánh nhân đã sống và chết cho sứ vụ. Cuộc sống buôn ba vì Nước trời được điểm tô muôn ngàn vạn nét đẹp của Phaolô mãi mãi được hát lên như một bài ca khải hoàn “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, gươm giáo? ... Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, hay bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 8,35-39).

Hai vị Thánh Tông Đồ có chung một lòng mến, một niềm tin và một khát khao nên thánh. Cả hai vị đều có những lầm lỗi và yếu đuối. Và cả hai đều hối hận, đều yêu mến Chúa thật tình. Chúa đã gọi và chọn hai vị làm Tông Đồ. Nhân danh và nhờ quyền năng Chúa Giêsu Kitô, hai vị đã làm được nhiều phép lạ.

Phêrô cùng với Gioan chữa lành một người què từ lúc lọt lòng mẹ vẫn ngồi ăn xin ở Cửa Đẹp Đền Thờ (x. Cv 3, 7 – 9 ); Phêrô làm cho người chết sống lại (x. Cv 9, 40 – 42); Phêrô chữa nhiều người đau ốm bệnh hoạn mà dân chúng khiêng họ ra tận đường phố để khi Phêrô đi qua, ít ra cái bóng của ông phủ lên một bệnh nhân nào đó, và tất cả đã được chữa lành (x. Cv 5, 15 – 16)...

Phaolô đã chữa lành một người bẩm sinh bị bại chân tại Lítra (x. Cv 14, 8 – 10). Phaolô cũng làm cho một người đã chết sống lại (x. Cv 20, 9 – 12). Sách Công Vụ Tông Đồ cho biết Phêrô bị bắt giam trong ngục, đã được Chúa sai thiên sứ đến cứu thoát khỏi tay vua Hêrôđê (x. Cv 12, 1–11). Cả hai vị được đầy quyền năng và vinh quang trước mặt người đời.

Cuối cùng hai vị cũng bị bắt và chịu chết vì Danh Đức Giêsu Kitô. Cả hai vị đã bằng lòng hy sinh đến giọt máu cuối cùng để làm chứng cho Đức Giêsu Phục Sinh. Hai vị đã trở nên trụ cột của Giáo Hội. Phêrô là Anh Cả, đứng đầu Tông Đồ Đoàn. Phaolô là Tông Đồ Dân Ngoại. Hai vị có tính tình khác nhau, trình độ văn hóa khác nhau, khả năng làm việc khác nhau, nhưng lại cùng hoạt động, cùng xây dựng Nước Chúa. Những khác biệt của hai vị là để bổ túc cho nhau, giúp đỡ nhau, cùng nhau thăng tiến trong sứ vụ Tông đồ. Trên “tảng đá Phêrô” và “cột trụ Phaolô”, Giáo Hội Chúa Kitô bền vững và phát triển đến thiên thu vạn đại.

Sự nghiệp Tông đồ tiếp bước Chúa Kitô, hai vị hiệp nhất trong cùng một lòng chân thành tuyên xưng, hiệp nhất trong một tâm huyết nhiệt thành rao giảng để rồi mãi mãi hiệp nhất trong cùng một đức tin minh chứng. Mặc dù có nhiều khác biệt về thành phần bản thân, về ơn gọi theo Chúa về hướng truyền giáo, nhưng cả hai vị đã tạo nên sự hiệp nhất trong đa dạng. Hiệp nhất là một công trình được xây dựng với nhiều nổ lực của con người dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh. “Khác nhau trong điều phụ, hiệp nhất trong điều chính, yêu thương trong tất cả”, đó là khuôn vàng thước ngọc cho tinh thần hiệp nhất trong Giáo hội.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...