THỨ HAI TUẦN 3 MÙA CHAY

“Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.” (Lc 4, 24)

13/03/2023
THỨ HAI TUẦN 3 MÙA CHAY

 

t2 t3 MC


Lc 4, 24-30


QUÊ HƯƠNG, CHÙM KHẾ NGỌT
“Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.” (Lc 4, 24)

Suy niệm: Làm một hàng xóm láng giềng tốt với nhau đã khó, làm ngôn sứ tại quê hương mình thì càng khó được chấp nhận hơn. Chúa Giê-su cũng không nằm ngoài quy luật đó. Không những không chấp nhận, những người đồng hương với Chúa còn tìm cách hãm hại Ngài. Nhưng Chúa Giê-su vẫn không ngừng rao giảng, và Ngài đã rao giảng cho đến chết và rao giảng bằng chính cái chết và phục sinh của Ngài.

Mời Bạn: Mỗi người chúng ta được  mời gọi sống và làm chứng đức tin ngay tại quê hương xóm làng và cho chính họ hàng gia đình của mình. Thật không dễ chút nào. Nhưng sự khó khăn không cho phép chúng ta im hơi lặng tiếng. Mỗi người theo cách của mình, đều có thể làm chứng cho niềm tin. Nếu chúng ta cảm nhận được rằng “quê hương là chùm khế ngọt”, thì chúng ta vẫn phải thao thức làm một cái gì đó tốt đẹp cho đồng bào mình. Nếu bạn vững tin và biết cưu mang những điều tốt đẹp, bạn đã làm cho Tin Mừng được loan báo cho trên quê hương mà bạn thương mến.

Chia sẻ: Bạn đã sống thế nào với hàng xóm láng giềng, nhất là với anh em lương dân đồng hương với bạn? Bạn yêu thương họ hết mình chưa?

Sống Lời Chúa: Chọn một gia đình lương dân sống gần bạn để cầu nguyện cho họ mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, dù không được những người đồng hương tiếp nhận, nhưng Chúa vẫn tiếp nhận mọi người và muốn cứu độ mọi người. Xin cho con trái tim của Chúa, để con luôn cảm nhận “quê hương là chùm khế ngọt” và loan báo Tin Mừng cho anh chị em đồng bào của con.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ HAI TUẦN 3 MÙA CHAY

Ca nhập lễ

Linh hồn tôi khát khao và mòn mỏi mong vào hành lang nhà Chúa. Tâm thần và thể xác tôi hoan hỷ tìm đến Thiên Chúa trường sinh.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, xin hằng thương thanh tẩy và giữ gìn Hội Thánh; vì nếu Chúa không hướng dẫn chỉ huy, Hội Thánh không thể nào đứng vững. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: 2 V 5, 1-15a

“Có nhiều người phong cùi trong Israel, nhưng không có một người nào trong bọn họ được chữa lành, mà chỉ có Naaman, người Syria”.

Trích sách Các Vua quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, Naaman, tướng đạo binh của vua xứ Syria, là người có uy thế đối với vua và được tôn trọng, vì Chúa đã dùng ông mà cứu dân Syria; ông còn là người hùng mạnh và giàu có, nhưng lại mắc bịnh phong cùi. Lúc bấy giờ một vài toán dân Syria bắt một thiếu nữ ở đất Israel dẫn về để hầu hạ bà Naaman. Cô ta nói với bà chủ: “Chớ chi ông chủ tôi đến gặp vị tiên tri ở Samaria, chắc chắn vị tiên tri ấy sẽ chữa ông khỏi phong cùi”. Naaman đến tâu vua rằng: “Cô nhỏ xứ Israel đã nói thế này thế này”. Vua xứ Syria liền nói: “Khanh hãy đi, trẫm sẽ gởi cho vua Israel một bức thơ”. Naaman ra đi, mang theo mười lạng bạc, sáu ngàn nén vàng và mười bộ áo. Ông trao cho vua Israel bức thơ nội dung như sau: “Khi bức thơ này đến tay nhà vua, nhà vua biết tôi sai Naaman, tôi tớ tôi, đến với nhà vua, để xin nhà vua chữa ông khỏi phong cùi”.

Sau khi đọc bức thơ, vua Israel liền xé áo và nói: “Ta có phải là Chúa, có thể giết chết và cho sống hay sao mà vua ấy gởi người đến xin ta chữa lành phong cùi? Các ngươi thấy không, vua ấy tìm cớ hại Ta đó”. Khi Êlisêô, người của Thiên Chúa, nghe tin vua Israel đã xé áo mình, nên sai người đến tâu vua rằng: “Tại sao nhà vua lại xé áo? Ông ấy cứ đến với tôi thì sẽ biết trong Israel có một vị tiên tri”.

Naaman lên xe ngựa đi, và dừng lại trước cửa nhà Êlisêô. Tiên tri nói với Naaman rằng: “Ông hãy đi tắm bảy lần ở sông Giođan, thì da thịt ông sẽ được lành sạch”. Naaman nổi giận bỏ đi nói rằng: “Tôi tưởng ông ấy ra đón tôi và đứng trước tôi kêu cầu danh Chúa là Thiên Chúa của ông, rồi đặt tay lên chỗ phong cùi của tôi và chữa tôi lành mạnh. Các con sông Abana và Pharphar ở Ðamas không sạch hơn các con sông ở Israel để tôi tắm và được lành sạch hay sao?” Ông trở về lòng đầy tức giận.

Các đầy tớ của ông đến nói với ông rằng: “Thưa cha, vị tiên tri có yêu cầu cha làm một việc lớn lao thì cha cũng phải làm. Phương chi bây giờ người bảo cha: “Hãy đi tắm, thì được sạch”. Naaman xuống tắm bảy lần ở sông Gio-đan như lời tiên tri, người của Thiên Chúa dạy, da thịt ông lại trở nên tốt như da thịt của đứa trẻ, và ông được sạch.

Sau đó ông và đoàn tuỳ tùng trở lại gặp người của Thiên Chúa. Ðến nơi, ông đứng trước mặt người của Thiên Chúa và nói: “Thật tôi biết không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ, ngoài một Thiên Chúa ở Israel”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 41, 2. 3, và Tv 42, 3. 4

Ðáp: Hồn con khát Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống, ngày nào con được tìm về ra mắt Chúa Trời? (x. Tv 41, 3)

Xướng: Như nai rừng khát mong nguồn nước, hồn con khát Chúa, Chúa Trời ôi!

Xướng: Hồn con khát Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống, ngày nào con được tìm về ra mắt Chúa Trời?

Xướng: Xin chiếu giãi quang minh và chân thực của Chúa, để những điều đó hướng dẫn con, đưa con lên núi thánh và cung lâu của Ngài.

Xướng: Con sẽ tiến tới bàn thờ Thiên Chúa, đến cùng Thiên Chúa làm cho con được hoan hỉ, mừng vui. Với cây cầm thụ con sẽ ca ngợi Chúa, ôi Chúa là Thiên Chúa của con.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Tv 129, 5 và 7

Con trông cậy Chúa, con mong đợi lời hứa của Chúa, vì nơi Chúa sẵn có lòng từ bi và chan chứa ơn cứu độ.

Phúc Âm: Lc 4, 24-30

Như Elia và Elisêô, Chúa Giêsu không phải chỉ được sai đến người Do-thái mà thôi đâu”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

(Khi Chúa Giêsu đến thành Nadarét, Ngài nói với dân chúng tụ họp trong hội đường rằng): “Quả thật, Ta bảo các ngươi, chẳng có một tiên tri nào được tiếp đón tử tế ở quê hương mình. Ta bảo các ngươi, chắc hẳn trong thời Elia có nhiều bà goá ở Israel, khi trời hạn hán và một nạn đói lớn hoành hành khắp nước suốt ba năm sáu tháng, nhưng Elia không được sai đến với một người nào trong bọn họ, mà chỉ được sai đến với một bà goá ở Sarépta xứ Siđôn thôi. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Elisêô, nhưng không một người nào trong bọn họ được chữa lành, mà chỉ có Naaman, người Syria”.

Vừa nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, đẩy Người ra khỏi thành và dẫn Người đến một triền đồi, nơi họ xây thành, để xô Người xuống vực. Nhưng Người tiến qua giữa họ mà đi.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con dâng những lễ vật này lên Chúa để tỏ lòng thần phục suy tôn; xin Chúa biến đổi thành bí tích cứu độ cho chúng con hưởng nhờ. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Toàn thể dân tộc, hãy ngợi khen Chúa, vì tình thương Chúa dành cho chúng ta thật là mãnh liệt.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa cùng nhau tham dự tiệc thánh này; xin Chúa thương thanh tẩy mọi người chúng con và làm cho chúng con nên một trong Chúa. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

KHÔNG CHỪNG SẼ MẤT ƠN CỨU ĐỘ VÌ KIÊU NGẠO! (Lc 4, 24-30)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Quê hương đã trở nên máu thịt cho mỗi người. Nó chẳng khác gì tâm tư của nhà thơ Chế Lan Viên: “Khi ta ở đất chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”.

Với nhà thơ Đỗ Trung Quân thì: “Quê hương là chùm khế ngọt, nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”. Vì thế, trong dân gian, người ta không ngớt khen ngợi quê hương và tự hào: “Không nơi đâu đẹp bằng quê hương mình”; hay để nói về tình nghĩa quê hương, người ta cũng thường nhắc nhở nhau: “Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”.

Những tâm tình ấy cho chúng ta thấy một điều là: nơi mà mình đã từng chôn nhau cắt rốn sẽ theo ta suốt cuộc đời, và dù có đi muôn phương ngàn lối, nhưng ai cũng chỉ có một chốn để về, đó là quê hương.

Có lẽ mang trong mình tâm tình ấy, nên Đức Giêsu cũng đã trở về quê hương của Ngài, nhưng điều oái oăm thay, dân làng đã không đón nhận Ngài, ngược lại, họ tìm cách để hãm hại Ngài. Vì thế, Đức Giêsu đã nói một câu bất hủ mang tính tiên tri: “Không tiên tri nào được sùng mộ nơi quê hương”.

Thật thế, người đương thời với Đức Giêsu, họ không thể chấp nhận một con người bình dân học vụ như thế mà lại là Đấng Cứu Thế! Dưới mắt họ, Ngài chỉ là con của ông thợ mộc Giuse và bà Maria, bản thân Ngài không hơn không kém một thanh niên như mọi thanh niên khác trong làng.

Chính sự coi thường, khinh khi, nên lòng họ ra trai cứng, không còn khiêm nhường, nhạy bén để nhận ra Đấng Uy Quyền, là Chúa Tể trời đất đang ở giữa họ, vì thế, họ đã khước từ chân tính đích thực của Đức Giêsu. Thấy vậy, Đức Giêsu mặc khải cho họ biết: họ sẽ không được bằng dân ngoại, và ơn cứu độ lẽ ra đến với họ trước tiên và phong phú, nhưng khi đã từ trối thì ơn đó sẽ đến với dân ngoại.

Xuyên suốt câu chuyện Tin Mừng cho chúng ta thấy, người Dothái “thích sự thật khi sự thật tán tụng họ, nhưng họ căm ghét sự thật khi sự thật lên án họ” (thánh Augutstinô).

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết khiêm tốn nhìn nhận sự yếu hèn của mình để cần đến ơn cứu độ. Cần tránh thói hư là: “Gần Chùa gọi Bụt bằng anh”; hay  “bụt nhà không thiêng”. Hãy biết tôn trọng anh chị em mình trong sự thật, đừng vì ghen ghét, hiềm khích hay sợ người anh em trổi trang hơn mình mà ra tay làm hại hay nói năng những lời nguy hại đến thanh danh tiếng tốt của họ! Làm như thế, ấy là chúng ta đang đi vào vết xe đổ của những người đồng hương với Đức Giêsu, và như một lẽ tất yếu, chúng ta sẽ mất ơn cứu độ vì không thuộc về Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con biết tôn trọng và yêu mến mọi người. Nhất là những người cùng sống và làm việc trên quê hương với chúng con. Amen.

THIÊN CHÚA LUÔN TỰ DO
(Thứ Hai sau Chúa Nhật III Mùa Chay – 2V 5,1-15a; Lc 4,24-30)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

tbd 130323a

Tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa luôn vượt quá tầm trí hiểu cũng như tầm kiểm soát của loài người. Thiên Chúa luôn tự do nên không một ai, không một thế lực nào có thể kìm giữ ơn lành cho riêng mình. Người đồng hương Nagiaret những tưởng rằng mình có thể độc quyền ân phúc từ người con của quê hương mình, Giêsu. Họ đã lầm. Từ chỗ thất vọng trong nỗ lực độc quyền, độc chiếm ơn lành thì họ đã nhẫn tâm chọn thái độ đáng trách đó là “ăn không được thì đạp đổ”. Họ đã kéo Chúa Giêsu lên tận đỉnh núi để xô Người xuống vực, nhưng Người đã băng qua giữa họ mà đi (x. Lc 4,29-30). Tình yêu và ân phúc của Thiên Chúa là dành cho mọi người. Không một ai, một cơ chế, một tập thể nào có thể độc quyền nắm giữ cho riêng mình.

Thiên Chúa luôn tự do trong việc biểu lộ quyền năng và tình yêu của mình của mình. Thoạt đầu tể tướng Naaman cũng như nhiều người lầm tưởng rằng quyền năng của Thiên Chúa phải được tỏ bày qua những nghi lễ long trọng. Ông chưa thể hiểu rằng với Đấng dựng nên vũ trụ đất trời thì quyền năng của Người không bị trói buộc, không bị hạn chế trong các nghi lễ của loài người, kể cả lễ nghi của các tập thể tôn giáo. Thiên Chúa có thể biểu lộ quyền năng, ban ơn lành cho loài người chúng ta bằng nhiều cách thế. Nhờ biết khiêm nhu nghe lời người hầu gái, tể tướng Naaman đã làm một việc bình thường là xuống tắm dưới sông Giođan bảy lần và ông đã lãnh nhận ân phúc được chữa lành khỏi căn bệnh nan y là phung cùi.

Chước cám dỗ độc quyền Thiên Chúa và độc quyền cách thức đón nhận ân phúc của Người luôn có đó nơi chúng ta nhất là khi chúng ta xem ra là những người có chút liên hệ gì đó và có chút vai vị gì đó trong tập thể tôn giáo. Tôi là Kitô hữu nên tôi phải được ưu tiên hơn bà con lương dân hay anh chị em khác đạo chứ! Để đón nhận ơn lành của Thiên Chúa thì phải theo thể thức và quy định của tôi, của chúng tôi, vì tôi, chúng tôi là những người có chức và có quyền!

Mong sao con mắt đức tin chúng ta mở ra để nhận biết Thiên Chúa là Đấng luôn tự do và chúng ta chỉ là loài thụ tạo. Thiên Chúa là Cha của hết mọi người và bất cứ ai cũng đều là con cái của Người.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...