Thư gửi dân Chúa của THĐ Giám mục
Đây không phải là một hệ tư tưởng mà là một kinh nghiệm bắt nguồn từ Truyền thống Tông đồ.
Thư gửi dân Chúa của Đại hội Thường kỳ lần thứ XVI - Thượng Hội đồng Giám mục
Các tham dự viên Thượng Hội Đồng hy vọng rằng những tháng tới, vốn tách biệt họ khỏi phiên họp thứ hai vào tháng 10 năm 2024, sẽ cho phép mọi người tham gia một cách cụ thể vào tính năng động của sự hiệp thông sứ mạng được biểu thị bằng từ ngữ “sinodo” (chung một con đường). Đây không phải là một hệ tư tưởng mà là một kinh nghiệm bắt nguồn từ Truyền thống Tông đồ.
Thư gửi dân Chúa
của Đại hội Thường kỳ lần thứ XVI - Thượng Hội đồng Giám mục
Anh chị em thân mến,
Khi công việc của kỳ họp đầu tiên của Đại hội Thường kỳ lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục sắp kết thúc, chúng tôi muốn cùng với tất cả anh chị em tạ ơn Chúa vì trải nghiệm đẹp đẽ và phong phú mà chúng ta vừa trải qua. Chúng tôi đã sống thời gian ân phúc này trong sự hiệp thông sâu sắc với tất cả anh chị em. Chúng tôi đã được anh chị em nâng đỡ bằng lời cầu nguyện, đã mang theo những kỳ vọng, những câu hỏi và thậm chí cả những nỗi sợ hãi của anh chị em. Hai năm đã trôi qua kể từ khi, theo yêu cầu của Đức Thánh Cha Phanxicô, một tiến trình lắng nghe và phân định lâu dài đã bắt đầu, mở ra cho tất cả dân Chúa, không một ai bị loại trừ, “cùng nhau bước đi”, dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, như các môn đệ thừa sai bước theo Chúa Kitô Giêsu.
Kỳ họp vốn đã đưa chúng tôi đến quy tụ với nhau ở Rôma từ ngày 30 tháng 9 tạo thành một giai đoạn quan trọng trong tiến trình này. Theo nhiều cách, đó là một trải nghiệm chưa từng có. Lần đầu tiên, theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, những người, nam cũng như nữ, nhờ bí tích rửa tội, được ngồi cùng một bàn để tham gia không chỉ vào các cuộc thảo luận mà còn vào các cuộc bỏ phiếu của Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục lần này. Cùng nhau, trong sự bổ túc cho nhau về ơn gọi, đặc sủng và sứ vụ của mình, chúng tôi đã chăm chú lắng nghe Lời Chúa cũng như lắng nghe kinh nghiệm của người khác. Sử dụng phương pháp trò chuyện trong Chúa Thánh Thần, chúng tôi khiêm tốn chia sẻ sự phong nhiêu và nghèo nàn từ các cộng đoàn của chúng tôi trên khắp các châu lục, cố gắng nhận ra những gì Chúa Thánh Thần muốn nói với Giáo hội ngày nay. Do đó, chúng tôi cũng đã trải nghiệm được tầm quan trọng của việc thúc đẩy trao đổi lẫn nhau giữa truyền thống Latinh và các truyền thống Kitô giáo Đông phương. Sự tham gia của các đại biểu huynh đệ từ các Giáo hội và cộng đoàn giáo hội khác đã giúp các cuộc tranh luận của chúng tôi trở nên phong phú một cách sâu sắc.
Kỳ đại hội của chúng tôi diễn ra trong bối cảnh một thế giới đang gặp khủng hoảng, nơi những vết thương và sự bất bình đẳng đầy tai tiếng đã vọng lên một cách đau đớn trong trái tim chúng ta và khiến cho công việc của chúng tôi có một sức nặng đặc biệt, nhất là khi một số người trong chúng tôi đến từ những quốc gia nơi chiến tranh đang hoành hành. Chúng tôi cầu nguyện cho các nạn nhân của bạo lực tàn sát, không quên tất cả những người bị cảnh nghèo và nạn tham nhũng ném vào con đường di cư nguy hiểm. Chúng tôi đã đảm bảo tình liên đới và sự dấn thân của chúng tôi cùng với những con người, nữ cũng như nam, đang làm việc với tư cách những người kiến tạo công lý và hòa bình ở mọi nơi trên thế giới.
Theo lời mời của Đức Thánh Cha, chúng tôi đã dành một không gian quan trọng cho sự thinh lặng, để khuyến khích việc lắng nghe một cách tôn trọng và ước muốn hiệp thông trong Chúa Thánh Thần giữa chúng tôi. Trong buổi canh thức đại kết khai mạc, chúng ta đã cảm nghiệm được niềm khao khát hiệp nhất ngày càng lớn lên trong việc thầm lặng chiêm ngưỡng Đức Kitô chịu đóng đinh. “Thật vậy, thập giá là ngai tòa duy nhất của Đấng đã hiến mạng sống mình để cứu rỗi thế gian, đã giao phó các môn đệ của mình cho Chúa Cha, để 'tất cả nên một' (Ga 17:21). Hiệp nhất vững chắc trong niềm hy vọng mà sự phục sinh của Chúa Kitô mang lại cho chúng ta, chúng tôi đã phó thác cho Chúa Ngôi nhà chung của chúng ta, nơi mà tiếng kêu la của trái đất và của người nghèo ngày càng vang lên khẩn thiết: 'Laudate Deum!’”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại ngay từ khi bắt đầu công việc của chúng tôi.
Ngày qua ngày, chúng tôi nghe thấy lời kêu gọi cấp bách về sự hoán cải mục vụ và truyền giáo. Bởi vì ơn gọi của Giáo Hội là loan báo Tin Mừng, không phải bằng cách tập trung vào chính mình, nhưng bằng cách phục vụ tình yêu vô hạn mà Thiên Chúa yêu thương thế giới (x. Gioan 3:16). Khi một số người được hỏi về những gì họ mong đợi từ Giáo hội nhân dịp Thượng Hội đồng lần này, vài người vô gia cư sống gần Quảng trường Thánh Phêrô đã trả lời: “Tình yêu!”. Tình yêu này phải luôn luôn là trái tim nhiệt thành của Giáo hội, tình yêu Ba Ngôi và Thánh Thể, như Đức Thánh Cha đã nhắc lại ở nửa chặng đường kỳ họp của chúng tôi, vào ngày 15 tháng 10, qua thông điệp về Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Chính “niềm tin tưởng” mang lại cho chúng tôi sự táo bạo và tự do nội tâm mà chúng tôi đã trải nghiệm, không ngần ngại bày tỏ những điểm hội tụ cũng như những khác biệt, những ước muốn và những thắc mắc của chúng tôi một cách tự do và khiêm tốn.
Và bây giờ? Chúng tôi hy vọng rằng những tháng tới, vốn tách biệt chúng tôi khỏi phiên họp thứ hai vào tháng 10 năm 2024, sẽ cho phép mọi người tham gia một cách cụ thể vào tính năng động của sự hiệp thông sứ mạng được biểu thị bằng từ ngữ “sinodo” (chung một con đường). Đây không phải là một hệ tư tưởng mà là một kinh nghiệm bắt nguồn từ Truyền thống Tông đồ. Như Đức Thánh Cha đã nhắc nhở chúng ta khi bắt đầu quá trình này: “Sự hiệp thông và sứ mạng có nguy cơ vẫn là những thuật ngữ hơi trừu tượng nếu Giáo hội không vun trồng sự hiệp thông và sứ mạng ấy nơi thực hành nhằm cụ thể hóa tính hiệp hành (…), thúc đẩy sự tham gia thực sự của mọi người” (ngày 9 tháng 10 năm 2021). Có nhiều thách thức và nhiều câu hỏi: báo cáo tóm tắt của kỳ đại hội đầu tiên sẽ làm rõ các điểm đã đạt được đồng thuận, nêu bật những vấn đề còn bỏ ngỏ và chỉ ra cách tiếp tục công việc.
Để tiến tới trong việc phân định của mình, Giáo hội tuyệt đối cần lắng nghe mọi người, bắt đầu từ những người nghèo nhất. Điều này đòi hỏi một hành trình hoán cải từ phía Giáo hội, cũng là một hành trình ca ngợi: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn ” (Lc 10:21)! Đó là lắng nghe những người không có quyền lên tiếng trong xã hội hoặc những người cảm thấy bị loại trừ, thậm chí rời khỏi Giáo hội. Đó là lắng nghe các nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc dưới mọi hình thức, đặc biệt là ở một số vùng, những người dân bản địa có nền văn hóa bị chế giễu. Trên hết, Giáo hội trong thời đại chúng ta có nhiệm vụ lắng nghe, trên tinh thần hoán cải, các nạn nhân của sự lạm dụng do các thành viên trong thân thể giáo hội gây ra, cũng như cam kết một cách cụ thể và trên bình diện cơ cấu để đảm bảo rằng điều này không xảy ra nữa.
Giáo hội cũng cần lắng nghe giáo dân, nam cũng như nữ, tất cả những ai được kêu gọi nên thánh nhờ ơn gọi rửa tội: chứng từ của các giáo lý viên, những người trong nhiều tình huống là những người đầu tiên loan báo Tin Mừng; sự đơn sơ và sinh động của trẻ em, sự nhiệt tình của giới trẻ, những câu hỏi và lời kêu gọi của họ; những giấc mơ của người già, sự khôn ngoan và ký ức của họ. Giáo hội cần lắng nghe các gia đình, những mối quan tâm của họ về giáo dục, những chứng từ Kitô giáo mà họ đưa ra trong thế giới ngày nay. Giáo hội cần phải chào đón tiếng nói của những người mong muốn được tham gia vào các sứ vụ giáo dân hoặc vào các cơ quan tham gia phân định và đưa ra quyết định.
Để tiến tới trong việc phân định hiệp hành, Giáo hội đặc biệt cần thu thập nhiều hơn nữa những lời nói và kinh nghiệm của các thừa tác viên thụ phong: các linh mục, những cộng tác viên đầu tiên của các giám mục, những người mà thừa tác vụ bí tích của họ không thể thiếu đối với đời sống của toàn thân thể giáo hội; các phó tế, qua thừa tác vụ của mình, thể hiện mối quan tâm của toàn thể Giáo hội trong việc phục vụ những người dễ bị tổn thương nhất. Giáo hội cũng phải để cho mình được thách thức bởi tiếng nói ngôn sứ của đời sống thánh hiến, như người canh gác tỉnh thức trước những lời mời gọi của Chúa Thánh Thần. Và Giáo Hội cũng phải chú ý đến những người không chia sẻ đức tin với mình nhưng tìm kiếm sự thật, và nơi họ Chúa Thánh Thần là Đấng ban cho “mọi người khả năng được tháp nhập, theo cách mà Thiên Chúa biết, vào mầu nhiệm Vượt Qua” (Gaudium et spes 22) vẫn hiện diện và hoạt động.
“Thế giới mà chúng ta đang sống, cũng là thế giới mà chúng ta được kêu gọi yêu thương và phục vụ ngay cả trong những mâu thuẫn của nó, đòi hỏi Giáo hội phải tăng cường sự hiệp lực trong mọi lĩnh vực sứ mạng của mình. Con đường hiệp hành đích thị là con đường mà Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba” (Đức Thánh Cha Phanxicô, ngày 17 tháng 10 năm 2015). Chúng ta không được ngần ngại đáp lại lời kêu gọi này. Đức Trinh Nữ Maria, người đầu tiên trong cuộc hành trình, đồng hành cùng chúng ta trong cuộc hành hương của chúng ta. Trong niềm vui cũng như nỗi buồn, Mẹ chỉ cho chúng ta Con của Mẹ và mời gọi chúng ta tin tưởng. Chính Người, Chúa Giêsu, là niềm hy vọng duy nhất của chúng ta!
Vatican, ngày 25 tháng 10 năm 2023
Vatican News