Nhà thờ của ngài là sa mạc Sahara.


Cách đây vài tháng, Câu chuyện Truyền giáo nói về công việc của các nhà truyền giáo ở Bờ Biển Ngà và mối quan hệ của các ngài với người Hồi giáo ở quốc gia đó, nơi người Hồi giáo chiếm khoảng 40% dân số. Tháng này, chúng ta chuyển đến Algeria, nơi người Hồi giáo chiếm 99% dân số và người Công giáo chỉ là một thiểu số nhỏ bé chiếm chưa tới 1%. Ở đây rao giảng Tin Mừng gần như không thể, nhưng cũng ở đây, các nhà truyền giáo và các cộng đoàn của các ngài thể hiện khuôn mặt của Chúa Giêsu qua cầu nguyện, tình hữu nghị và lòng bác ái. Đây là những gì mà kinh nghiệm của ĐGM Claude Rault đã cho thấy.

**************

Cát, tĩnh mịch và đạo Hồi. Nhưng cũng có những đoàn người di cư. Đây là sa mạc Sahara ở Algeria. Đức Ông  Claude Rault là một linh mục người Pháp thuộc Dòng Truyền giáo Châu Phi, còn được gọi là dòng Các Cha Trắng. Mãi cho tới cách đây vài tháng, ngài vẫn là giám mục giáo phận Laghouat-Ghardaïa (Algeria, Bắc Phi). Ngài đã nghỉ hưu sau hơn mười hai năm phục vụ. “Toà giám mục của tôi – ngài nói đùa – là chiếc xe của tôi.” Thật vậy, Đức Cha Claude Rault dành hầu hết thời gian của mình di chuyển khắp giáo phận của ngài, một trong những giáo phận lớn nhất trên thế giới: 2,5 triệu cây số vuông.

Ngài coi sóc một giáo phận gồm vài chục người Công giáo, sống rải rác trên một biển cát và Hồi giáo. Ngài hoạt động truyền giáo ở Algeria từ năm 1971 và mới đây Ngài xuất bản cuốn sách “Sa mạc là Nhà thờ chính toà của tôi”, tóm tắt kinh nghiệm nhân bản và đạo đức trong cuộc đời truyền giáo lâu dài của ngài. Đức Giám Mục Claude Rault đã biến cuộc đời của ngài làm lễ vật liên tục dâng lên Thiên Chúa không những với lòng tin cậy đối với Thiên Chúa mà còn với niềm tin đối với con người, cho dù họ vẫn có những thiếu sót và tội lỗi. Đôi mắt màu xanh của Ngài rất thanh thản và giọng nói của Ngài cũng vậy, vẫn bình tĩnh ngay cả khi nói về những vấn đề đau thương.

Sau những năm khủng khiếp của cuộc nội chiến vào thập niên 90, giữa chính phủ và các nhóm dân quân Hồi giáo, tình hình của Giáo hội tại Algeria trở nên yên tĩnh hơn và không phải đối mặt với những tình huống nguy hiểm. Không giống như những quốc gia mà Hồi giáo chiếm ưu thế khác, Algeria cho phép tự do lương tâm và cách đây hai năm, Bộ trưởng Tôn giáo đã tuyên bố mình là người đại diện cho người Hồi giáo, cũng như người Kitô giáo và người Do Thái. Theo Đức Ông Claude Rault, cộng đoàn Kitô giáo nhỏ bé “là một phần của toàn cảnh tôn giáo, có mối quan hệ tốt với thế giới Hồi giáo và thường được tôn trọng.”

Kể từ năm 2000, không chỉ xã hội dân sự mà cả Giáo hội đã bước vào một chặng đường mới, sau những năm tháng bi thảm của cuộc nội chiến. Không còn giáo hội hậu thuộc địa với đa số là người Châu Âu. Cộng đoàn Kitô giáo Laghouat-Ghardaïa hiện nay thuộc 18 quốc tịch và phần lớn là những người trẻ.

Đức Ông  Claude Rault là người sáng lập tổ chức Ribat Es Salam (Dây Hoà Bình), một nhóm đối thoại gồm những người Hồi giáo và Kitô giáo. Đồng sáng lập là Viện phụ Christian de Chergé. Năm 1996, trong cuộc nội chiến, viện phụ đã bị các chiến binh Hồi giáo bắt cóc và chặt đầu cùng với sáu tu sĩ dòng Trappe khác thuộc Tu viện Tibhirine. Nhóm tiếp tục các hoạt động của mình ngay cả trong những năm thử thách và bách hại. Đó không phải là một nhóm thảo luận thần học mà là một nhóm cầu nguyện, ở đó mỗi người đều cố gắng tìm hiểu tôn giáo của người khác. Nhóm tiếp tục họp vài lần mỗi năm và đã lan rộng đến tất cả bốn giáo phận của Algeria. Đức Ông Claude Rault nhấn mạnh: “Trong nhóm, tất cả chúng tôi đều tìm kiếm Thiên Chúa, mặc dù điều này không có nghĩa là nhằm xoá bỏ sự khác biệt mà là cố gắng làm hài hoà những khác biệt đó. Những khoảnh khắc xúc động nhất có lẽ là những lúc tất cả chúng tôi giữ thinh lặng, hiệp nhất trong cầu nguyện.”

Đức Ông  Claude Rault chỉ ra sự phong phú về mặt linh đạo của Hồi giáo, đặc biệt đối với những gì liên quan đến tính siêu việt của Thiên Chúa. “Mặc dù người Kitô hữu chúng ta nhấn mạnh đến việc Thiên Chúa Nhập thể, nhờ đó Thiên Chúa trở nên gần gũi với chúng ta, chia sẻ vận mệnh của chúng ta, nhưng Thiên Chúa vẫn siêu việt và chúng ta không nên quên điều đó.” Một giá trị tích cực khác là lòng hiếu khách: “Nhiều lần tôi được anh em Hồi giáo chào đón với lòng hiếu khách. Khách là thiêng liêng, là dấu chỉ cho sự hiện diện của Thiên Chúa.”

Giáo phận của Đức Ông  Claude Rault cũng là một điểm trung chuyển đối với nhiều người di cư tìm cách đến châu Âu. Mặc dù rất nhỏ, cộng đoàn Kitô hữu địa phương làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ những người di cư đó: chào đón họ tham dự các buổi cầu nguyện, các Thánh lễ và giúp đỡ những người bị bệnh hoặc có nhu cầu đặc biệt.

Tương lai cho Giáo hội ở Algeria là gì? Đức Ông  Claude Rault vẫn nhớ những lời của Chân Phước Charles Focauld, vị thánh đã sống 15 năm ở Algeria giữa bộ tộc Hồi giáo sa mạc Tuareg trước khi bị bọn cướp giết chết: “Ngay cả khi chúng ta không thể nói về Chúa Giêsu, chúng ta vẫn có thể là một trang của Tin Mừng.” Điều này đúng khi sống giữa những người Hồi giáo ở Algeria nhưng cũng đúng ở mọi nơi và trong mọi thời điểm. “Nếu chúng ta là dấu hiệu của tình yêu của Chúa Kitô, chúng ta không sợ tương lai.”

Tác giả: Lorenzo Montanaro

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...