Chúa Nhật I Mùa Chay - Năm A

Chúa Nhật I Mùa Chay - Năm A Dẫn vào Thánh Lễ Anh chị em thân mến, Ba bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay cho chúng ta một cái nhìn tổng quát: Adam thứ nhất đã sa chước cám
Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến,

Ba bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay cho chúng ta một cái nhìn tổng quát: Adam thứ nhất đã sa chước cám dỗ của Satan, Adam thứ hai đã chiến thắng quỉ thần. Chính vì sự sa ngã của Adam thứ nhất mà tội lẻn vào thế gian, nhưng nhờ Adam thứ hai con người được giải thoát khỏi nô lệ tội lỗi, như lời Thánh Phaolô nói với tín hữu Roma. Bởi vậy muốn chiến thắng được con người tội lụy của chúng ta, chúng ta cũng phải biết gắn bó với Đức Kitô bằng đời sống chay tịnh và thống hối, canh tân lối sống hiện tại của mình, để Mùa Chay này sẽ thực sự trở nên mùa Hồng Phúc cho mỗi người chúng ta.

Giờ đây chúng ta cùng nhau sốt sáng cử hành thánh lễ này, để nhờ ân sủng của Mình và Máu Thánh Đức Giêsu nuôi dưỡng, mỗi người chúng ta sẽ kín múc được nguồn sức mạnh thiêng liêng để được luôn sống mật thiết trong tình thân nghĩa với Ngài.

Ca nhập lễ

Nó sẽ kêu cầu Ta, và Ta sẽ nhậm lời nó. Ta sẽ cứu gỡ và làm cho nó được vinh dự, Ta sẽ cho nó được sống lâu dài.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, hằng năm Chúa ban cho chúng con bốn mươi ngày chay thánh, để tôi luyện hồn xác chúng con. Xin giúp chúng con sống những ngày khắc khổ ấy, để học biết Ðức Ki-tô, và dõi theo gương Người, hầu xứng đáng hưởng ơn Người cứu độ. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: St 2, 7-9; 3, 1-7

"Nguyên tổ được tạo thành, và phạm tội".

Trích sách Sáng Thế.

Thiên Chúa lấy bùn đất nắn thành con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở thành một vật sống.

Thiên Chúa lập một vườn tại Eđen về phía đông và đặt vào đó con người mà Ngài đã dựng nên. Thiên Chúa cho từ đất mọc lên mọi thứ cây trông đẹp, ăn ngon, với cây sự sống ở giữa vườn, và cây biết thiện ác.

Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi dã thú mà Thiên Chúa tạo thành. Nó nói với người nữ rằng: "Có phải Thiên Chúa đã bảo: Các ngươi không được ăn mọi thứ cây trong vườn?" Người nữ nói với con rắn: "Chúng tôi được ăn trái cây trong vườn; nhưng trái cây ở giữa vườn thì Thiên Chúa bảo: "Các ngươi đừng ăn, đừng động tới nó, nếu không sẽ phải chết". Rắn bảo người nữ: "Không, các ngươi không chết đâu! Nhưng Thiên Chúa biết rằng ngày nào các ngươi ăn trái ấy, mắt các ngươi sẽ mở ra, và các ngươi sẽ biết thiện ác như thần thánh". Người nữ thấy trái cây đẹp mắt, ngon lành và thèm ăn để nên thông minh. Bà hái trái cây ăn, rồi lại cho chồng, người chồng cũng ăn. Mắt họ liền mở ra và họ nhận biết mình trần truồng, nên kết lá vả che thân.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 50, 3-4. 5-6a. 12-13. 14 và 17

Ðáp: Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa

Xướng: Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác.

Xướng: Vì sự lỗi con, chính con đã biết, và tội con ở trước mặt con luôn. Con phạm tội phản nghịch cùng một Chúa.

Xướng: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con. .

Xướng: Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ, với tinh thần quảng đại, Chúa đỡ nâng con. Lạy Chúa, xin mở môi con, để miệng con sẽ loan truyền lời ca khen. -

Bài Ðọc II: Rm 5, 12-19

"Chỗ mà tội lỗi đã đầy tràn, thì ân sủng đã đầy dàn dụa".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, cũng như do một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, và do tội lỗi mà có sự chết, và thế là sự chết đã truyền tới mọi người, vì lẽ rằng mọi người đã phạm tội. Trước khi có lề luật, đã có tội ở trần gian. Nhưng nếu không có luật, thì tội không bị kể là tội. Thế mà, từ thời Ađam đến thời Môsê, sự chết đã thống trị cả những người đã không phạm tội bất tuân lệnh Thiên Chúa như Ađam đã phạm. Ađam là hình ảnh Ðấng sẽ tới.

Nhưng sự sa ngã của Ađam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Ðức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người. Ơn Thiên Chúa ban cũng khác với hậu quả do một người phạm tội đã gây ra. Quả thế, vì một người duy nhất phạm tội, con người đã bị xét xử để phải mang án, còn sau nhiều lần sa ngã, thì lại được Thiên Chúa ban ơn cho trở nên công chính.

Vì nếu bởi tội của một người mà sự chết đã thống trị do một người đó, thì những người lãnh được ân sủng và ơn huệ dồi dào bởi đức công chính, càng được thống trị hơn nữa trong sự sống do một người là Ðức Giêsu Kitô.

Do đó, tội của một người truyền đến mọi người đưa tới án phạt như thế nào, thì đức công chính của một người truyền sang mọi người đưa tới bậc công chính ban sự sống cũng như thế. Vì như bởi tội không vâng lời của một người mà muôn người trở thành những tội nhân thế nào, thì do đức vâng lời của một người mà muôn người trở thành kẻ công chính cũng như thế.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm

Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.

PHÚC ÂM: Mt 4, 1-11

"Chúa Giêsu nhịn ăn bốn mươi ngày đêm, và chịu cám dỗ".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu được Thánh Thần hướng dẫn vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ. Khi Người đã nhịn ăn bốn mươi đêm ngày, Người cảm thấy đói. Và tên cám dỗ đến gần, nói với Người rằng: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy khiến những hòn đá này biến thành bánh". Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: "Có lời chép rằng: 'Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra'".

Bấy giờ ma quỷ đưa Người lên Thành thánh, và đặt Người trên góc tường Ðền thờ, rồi nói với Người rằng: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy gieo mình xuống đi, vì có lời chép rằng: Ngài đã ra lệnh cho các Thiên Thần đến với ông, và chư vị đó sẽ nâng đỡ ông trên tay, để ông khỏi vấp chân vào đá". Chúa Giêsu đáp: "Cũng có lời chép rằng: "Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi".

Quỷ lại đưa Người lên núi rất cao, và chỉ cho Người xem thấy mọi nước thế gian và vinh quang của những nước đó, rồi nói với Người rằng: "Tôi sẽ cho ông tất cả những cái đó, nếu ông sấp mình xuống thờ lạy tôi". Bấy giờ Chúa Giêsu bảo nó rằng: "Hãy lui đi, hỡi Satan! Vì có lời đã chép: "Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi, và chỉ phụng sự một mình Ngài". Bấy giờ ma quỷ bỏ Người. Và các thiên thần tiến lại, hầu hạ Người.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến, vì Đức Kitô đã vâng lời Thiên Chúa mà chúng ta được trở nên công chính. Vậy chúng ta hãy cầu nguyện để mọi người luôn sống trong sự công chính.

1. Xin cho mùa Chay thánh này trở nên thời gian ân sủng để toàn thể Hội Thánh được đổi mới và canh tân hầu trở nên dấu chỉ của sự sống mới của Chúa Kitô cho mọi người.

2. Xin cho tinh thần hòa giải và chia sẻ trong mùa Chay của các tín hữu Kitô cũng thấm nhập vào tâm hồn mọi dân tộc và những vị lãnh đạo các quốc gia để xây dựng một thế giới hòa bình.

3. Xin cho những ai đang đói khát cơm bánh gặp được sự giúp đỡ của những người chung quanh và những ai đang khao khát sự sống vĩnh cửu được nuôi dưỡng bởi bánh hằng sống là Lời Chúa.

4. Xin cho mọi người trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta luôn vượt qua mọi cám dỗ thử thách để trung thành phụng thờ Chúa.

Chủ tế: Lạy Cha, Con Cha đã chịu cám dỗ thử thách trăm bề như chúng con, nhưng đã không hề phạm tội. Xin ban cho chúng con sức mạnh và ân sủng cần thiết, để chúng con từ bỏ tội lỗi và phụng sự Chúa với tất cả tâm hồn. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, hôm nay là Chúa Nhật đầu mùa chay thánh, chúng con dâng lên Chúa những lễ vật này. Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận và thương biến đổi chính cuộc đời chúng con thành của lễ đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin...

Lời tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con. Khi nhịn ăn bốn mươi đêm ngày, Người đã nêu gương chay tịnh, và khi phá vỡ mưu chước của con rắn xưa, Người dạy chúng con thắng mọi cơn cám dỗ: để khi cử hành mầu nhiệm Vượt Qua với tâm hồn trong sạch, chúng con có thể tới dự lễ Vượt Qua muôn đời. Vì thế, hiệp với toàn thể Thiên thần và các thánh, chúng con không ngừng hát bài ca chúc tụng Chúa, mà tung hô rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!...

Ca hiệp lễ

Người ta không sống nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã thương lấy bánh bởi trời nuôi dưỡng chúng con, làm cho đức tin thêm mạnh mẽ, đức cậy được vững vàng, đức mến hằng tha thiết. Xin dạy chúng con biết khao khát tìm kiếm Ðức Ki-tô là bánh trường sinh đích thực, và biết lấy lời Chúa làm lương thực hằng ngày. Chúng con cầu xin...

Suy niệm

Người ta sống
Sưu tầm

Người ta sống không nguyên bởi bánh.

Chúa Giêsu người đã nói câu đó, không phải là một kẻ mơ mộng hoặc chỉ sống bằng những lý tưởng cao đẹp, hoặc đã có dư ăn dư mặc để có thể dễ dàng lên mặt dạy đời về sự tầm thường của vật chất. Ngài hiểu rõ giá trị của đồng tiền bát gạo vì đã khó nhọc làm ăn nuôi sống gia đình. Ngài biết rằng có thực mới vực được đạo, bằng chứng là có lần Ngài đã phải nuôi ăn cho một đám đông đói khát sau những ngày tìm đến với mình để được nghe giảng dạy. Ngài cũng biết rằng bần cùng sinh đạo tặc, bởi vì Ngài đã thường xuyên lui tới với những đám người khốn khổ nhất của xã hội, biết rõ hoàn cảnh đời sống của họ. Thế nhưng Ngài vẫn nhất định không để cho nhu cầu thiết yếu và căn bản ngự trị trên các nhu cầu khác của con người. Ngài nhất định không coi của cải vật chất là tất cả đến nỗi phải làm bất cứ cách nào cho có được.

Người ta sống không nguyên bởi cơm bánh.

Có một thời cách đây không lâu, chúng ta ngơ ngác không hiểu tại sao thanh niên Âu Mỹ lại chán chường, nổi loạn, phá phách hay làm những chuyện điên rồ, có vẻ vô nghĩa, khi mà họ đã có thừa mứa mọi tiện nghi hưởng thụ. Sở dĩ như thế vì lớp thanh niên này có mọi thứ, nhưng lại thiếu lý tưởng, thiếu lẽ sống, thiếu cái gì cao cả để mà vươn lên. Thời ấy, chúng ta nghe, nhưng vẫn cảm thấy đó là những điều hơi xa lạ và viễn vông. Bây giờ, khi nhìn thấy một lớp trẻ sống thực dụng, không lý tưởng, bất chấp đạo nghĩa, đặc biệt là những hạng con ông cháu cha trong xã hội, thì chúng ta mới thực sự thấm thía. Cha ông chúng ta vốn thường dạy: Tốt danh hơn lành áo. Chết vinh hơn sống nhục. Ở đời muôn sự của chung, hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi. Còn giới trẻ hôm nay thì đã phản ứng ngược lại.

Thầy giáo kể lại câu chuyện về cha Maximilien Kolbê, người đã tình nguyện chết thay cho một bạn tù, là người cha còn trẻ trong gia đình, bị Đức quốc xã giam cùng trại với cha. Vị linh mục nói: Tôi già rồi nếu có sống thì cũng không có lợi ích và cần thiết bằng người cha gia đình này. Nghe xong, một cậu học trò đã phê bình một câu sắc như nhát chém: Sao mà ngu thế.

Ngoài cơm bánh, chúng ta còn đói khát rất nhiều thứ khác, chẳng hạn như đói khát sự thật, đói khát tình thương, đói khát tự do, đói khát phẩm giá, đói khát lòng kính trọng, đói khát kiến thức, đói khát lẽ sống và lý tưởng.

Chúng ta cần phải giúp cho bản thân cũng như cho người khác, để chúng ta cùng nhau vươn lên, vươn lên mãi, cho đến khi gặp được nguồn chân thiện mỹ mới thôi.

Chúa nhật I Mùa Chay - năm A
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 4, 1-11).
 
Khi ấy, Chúa Giêsu được Thánh Thần hướng dẫn vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ. Khi Người đã nhịn ăn bốn mươi đêm ngày, Người cảm thấy đói. Và tên cám dỗ đến gần, nói với Người rằng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy khiến những hòn đá này biến thành bánh”. Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: “Có lời chép rằng: ‘Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra’”.

Bấy giờ ma quỷ đưa Người lên Thành thánh, và đặt Người trên góc tường Đền thờ, rồi nói với Người rằng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy gieo mình xuống đi, vì có lời chép rằng: Ngài đã ra lệnh cho các Thiên Thần đến với ông, và chư vị đó sẽ nâng đỡ ông trên tay, để ông khỏi vấp chân vào đá”. Chúa Giêsu đáp: “Cũng có lời chép rằng: “Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi”.

Quỷ lại đưa Người lên núi rất cao, và chỉ cho Người xem thấy mọi nước thế gian và vinh quang của những nước đó, rồi nói với Người rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những cái đó, nếu ông sấp mình xuống thờ lạy tôi”. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo nó rằng: “Hãy lui đi, hỡi Satan! Vì có lời đã chép: “Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi, và chỉ phụng sự một mình Ngài”. Bấy giờ ma quỷ bỏ Người. Và các thiên thần tiến lại, hầu hạ Người.
 
Suy niệm
 
Mùa Chay đã trở về, đây là thời gian Mẹ Giáo hội mời gọi con cái mình hãy trở lại với đời sống tâm linh của bản thân, rồi cùng nhau kiểm điểm đời sống trong niềm tin và sự khiêm tốn, để thấy sự hữu hạn của một tạo vật, và sự khiếm khuyết trong đời sống tâm linh, từ đây, mỗi người sẽ cố gắng tìm gặp lại chính mình nhờ cầu nguyện, ăn chay và chia sẻ cho tha nhân những gì họ đang thiếu, đang cần.
 
Trở lại với phụng vụ Lời Chúa của tuần thứ nhất Mùa Chay này, chúng ta được nghe lại câu chuyện từ sách Sáng Thế, tác giả kể lại câu chuyện tình giữa Thiên Chúa và con người, họ được Ngài chăm sóc, trò chuyện và song hành mỗi ngày như những người bạn thân. Trước những vẻ đẹp của công trình tạo dựng, con người sống trong niềm hạnh phúc giữa bản thân họ với Thiên Chúa, niềm hạnh phúc đó khiến họ ngày một gần gũi hơn với Thiên Chúa. Thế nhưng, niềm hạnh phúc đó không được kéo dài, bởi Satan đã len lỏi vào trong sinh hoạt cuộc sống của con người. Chúng đã cám dỗ con người, dẫn con người vào kế hoạch của chúng với những cạm bẫy ngọt ngào: “Rắn bảo người nữ: “Không, các ngươi không chết đâu! Nhưng Thiên Chúa biết rằng ngày nào các ngươi ăn trái ấy, mắt các ngươi sẽ mở ra, và các ngươi sẽ biết thiện ác như thần thánh”. Dụ dỗ con người ăn trái cây lành dữ ở giữa vườn Eden thì con người có thể biết mọi sự. Quả đúng như thế, thay vì biết mọi sự tốt lành, thánh thiện, con người liền mở mắt và thấy mình trần truồng, thấy mình là kẻ phản bội Thiên Chúa, thấy mình là kẻ kiêu ngạo trước tình thương bao la của Thiên Chúa: “Người nữ thấy trái cây đẹp mắt, ngon lành và thèm ăn để nên thông minh. Bà hái trái cây ăn, rồi lại cho chồng, người chồng cũng ăn. Mắt họ liền mở ra và họ nhận biết mình trần truồng, nên kết lá vả che thân”. Thưở ban đầu của con người là thế, rất yếu đuối, rất mong manh, dễ sa ngã và dễ trở thành người xa lạ với Thiên Chúa. Khi đã quay lưng lại với Thiên Chúa, con người phải lãnh lấy những hệ quả khôn lường, là phải nhận chịu những đau khổ về thể xác, về tinh thần, phải làm lụng vất vả, phải nhận chịu sự hữu hạn của bản thân trong thế giới này. Từ đó, tội lỗi đã len lỏi vào mọi sinh hoạt của con người, tạo ra sự chia rẽ giữa các thành viên trong một cộng đoàn, tạo ra những áp lực trong mọi tương quan của cuộc sống, phá vỡ sự hài hoà giữa con người và thiên nhiên, môi trường sống. Tội đã phá vỡ tất cả những gì Thiên Chúa đã thiết lập khi tạo dựng con người và vũ trụ, vô tình từ đây, con người phải mang án tử trên mình, phải đau khổ và chịu sự chi phối của Satan.
 
Tất cả mọi thứ như đi vào ngõ cụt khi nguyên tổ con người đưa tay hái trái cây lành dữ, đau khổ hơn là không còn được ở bên cạnh Thiên Chúa và được trò chuyện với Ngài như những người bạn. Không vì thế họ bị rơi vào quên lãng, bởi Thiên Chúa luôn trung tín và rất mực khoan dung, Ngài đã yêu thương họ và yêu thương đến cùng. Ngài đã thể hiện tình yêu đó qua mầu nhiệm cứu độ. Lời thánh Phaolô trong lá thư gởi cho cộng đoàn thành Roma như là một lời khích lệ cho con người, khi họ còn ngụp lặn trong những hố sâu của tội lỗi: “Nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người. Ơn Thiên Chúa ban cũng khác với hậu quả do một người phạm tội đã gây ra. Quả thế, vì một người duy nhất phạm tội, con người đã bị xét xử để phải mang án, còn sau nhiều lần sa ngã, thì lại được Thiên Chúa ban ơn cho trở nên công chính”. Một tia hy vọng đã xuất hiện ở cuối đường hầm. Thiên Chúa đã chiếu ánh sáng cứu độ xuống trần gian, giúp con người tìm lại được nguồn cội của mình, hơn nữa, họ còn tìm lại được mối tình muôn thưở giữa Thiên Chúa và con người qua mầu nhiệm nhập thể của người Con Thiên Chúa. Đức Giêsu Kitô đến không những đem sự sống mới cho con người, Ngài còn đem đến cho con người sự công chính, thánh thiện của Thiên Chúa, để giúp con người tìm lại được giá trị của mình, tìm lại được tương quan giữa con người với Thiên Chúa, và cuối cùng, họ được sống và được ở lại trong ngôi nhà của Thiên Chúa: “Vì nếu bởi tội của một người mà sự chết đã thống trị do một người đó, thì những người lãnh được ân sủng và ơn huệ dồi dào bởi đức công chính, càng được thống trị hơn nữa trong sự sống do một người là Đức Giêsu Kitô”.

Thiên Chúa luôn tôn trọng sự tự do của con người, do đó, còn biết bao nhiêu người không chấp nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa, thậm chí họ còn phủ nhận sự có mặt của Ngài trong vũ trụ. Với những chọn lựa như thế, ắt con người phải nhận chịu những hậu quả khôn dò khi họ hành động theo chủ nghĩa cá nhân với những tham vọng của kẻ muốn làm chủ thế giới. Và rồi, bao nhiêu tội ác đã xuất hiện. Câu chuyện trong bài Tin Mừng thánh Matthêu kể lại cho chúng ta là một minh hoạ, để con người thấy được nguồn cội của mọi tội ác đến từ những yếu tố này: tiền bạc  - quyền bính - địa vị. Khởi đầu công cuộc truyền giáo, Đức Giêsu đi vào hoang địa để ăn chay và tìm thánh ý Chúa Cha trong sứ mạng của Ngài. Nơi đó, Ngài đối diện với những cám dỗ thực dụng của cuộc sống con người. Ma quỷ tấn công Ngài vào cái đói, vào cái quyền, vào địa vị. Ma quỷ biết Đức Giêsu dù là Con Thiên Chúa, nhưng đã làm người, tất Ngài sẽ bị chi phối bởi những yếu đuối đó, thế nhưng, chúng đã lầm, dù sao Ngài vẫn là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa, Ngài không là nạn nhân của chúng. Ngài đã chiến thắng mọi cám dỗ đó khi dùng chính ánh sáng Lời Chúa, đó là một vũ khí mà ma quỷ vô cùng sợ hãi trong những lần cám dỗ con người. Đó cũng là một bài học thiêng liêng vô cùng ý nghĩa, mà Đức Giêsu đã hướng dẫn cho con người khi họ đối diện với những cám dỗ giữa đời.
 
Sống trong một thế giới mà con người đề cao những giá trị của thế gian như tiền bạc, địa vị trong xã hội và quyền bính trong cuộc sống, người tín hữu Kitô không ít cũng nhiều sẽ ảnh hưởng đến, sự ảnh hưởng đó không phân biệt ơn gọi nào hay hoàn cảnh nào. Sống trong ơn gọi hôn nhân, nơi gia đình, người cha, người chồng, người vợ, người mẹ luôn oằn mình với bao công ăn việc làm để có thể nuôi con tốt hơn cách có thể, để con cái có trường học thật tốt và có tương lai sáng lạn, thế nhưng, khi họ lao vào công việc như một con thiêu thân, họ vô tình quên sự hiện diện của con cái trong tổ ấm vẫn là những đứa bé vô tội, cần vòng tay và trái tim ấm áp của mẹ cha, để ấp ủ và chăm sóc. Đồng tiền đã bào mòn tình gia đình, tình cha mẹ và con cái ngày một hao mòn. Khi có tiền, có kinh tế ổn định, họ tìm cho mình địa vị trong xã hội, và rồi từ đó bao nhiêu vấn đề khác nảy sinh, làm rạn nứt gia đình, hạnh phúc vợ chồng bị đe doạ, con cái thiếu đi sự chăm sóc và bảo vệ. Cũng từ những đồng tiền, họ đi tìm sự ảnh hưởng trong quan hệ công việc, trong mọi giao tiếp của cuộc sống, dần dần, sự chung thuỷ của hôn nhân không còn chỗ đứng trong gia đình. Quả thực, tiền – tình – tội ba vấn nạn đang len lỏi vào các gia đình, nhất là các gia đình trẻ Công giáo.
 
Rồi ơn gọi dâng hiến có chịu sự chi phối của những yếu tố đến từ câu chuyện bài Tin Mừng hôm nay không? Chắc chắn là sẽ có, bởi trong mỗi ơn gọi, con người vẫn hiện diện đó. Của ăn, cái mặc ai mà không quan tâm, miếng cơm từng ngày cho mỗi thành viên trong cộng đoàn vẫn là vấn nạn được chú ý nhất, do đó, nhiều sáng tạo, nhiều sáng kiến và nhiều phương cách được gợi mở, để rồi làm sao cho có nhiều vật chất cho cộng đoàn, có khi nào vì yếu tố này mà vô tình để cho những tập sinh, những tu sĩ mất luôn thời gian “TU” trong một ngày sống, và bao bổn phận thiêng liêng khác cần được giữ gìn và thực hiện với chiều kích nội tâm. Một cộng đoàn, kẻ trước người sau bước vào ngôi nhà chung đó, để tìm sự bình an nội tâm, để tìm sự tĩnh lặng cho tâm hồn chứ không ai vào đó đi tìm sự chì chiết lẫn nhau, không ai đi tìm sự khinh miệt và coi thường nhau ở đó, thế mà, nó đã đến và ẩn hiện mỗi ngày nơi nhiều cộng đoàn. Đau khổ nhất là người ta chứng kiến sự tranh giành quyền bính trong các cộng đoàn. Người môn đệ đích thực của Đức Kitô sẽ là người không bao giờ mang tư tưởng đó trong suy nghĩ giữa đời sống dâng hiến. Có khả năng, có quyền bính, tất con người sẽ đi tìm cho mình địa vị, để một lúc nào đó, cá nhân ấy trở thành người đầy tớ bất lương, lấy ảnh hưởng của mình trong cộng đoàn để ban phát, để tìm lấy một chút hư danh giữa thế gian. Đức Giêsu đã hơn một lần chứng kiến các môn đệ của mình tranh giành những yếu tố đó trong cộng đoàn, Ngài đã đề nghị họ xua đuổi những tư tưởng đó khỏi cuộc sống của người môn đệ của Ngài. Ước muốn điều thiện, điều tốt lành thì ai cũng có, nhưng để thực hiện và cố gắng sống điều thiện và sự tốt lành thì quả là một thách đố lớn, lắm lúc còn dùng mục đích là tiến tới sự thiện hoàn hảo, để biện minh cho những việc làm thiếu tình người, thiếu tình bác ái. Chắc chắn một điều cách suy nghĩ và cách hành xử như thế của con người không bao giờ phù hợp với tâm tình của Tin Mừng Thiên Chúa.
 
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đối diện với những cám dỗ trong hoang địa, và những cám dỗ đó ẩn hiện mỗi ngày trong cuộc sống chúng con, xin Chúa cho chúng con biết dùng ánh sáng Lời Chúa làm đèn soi giúp chúng con vượt qua những cám dỗ đó. Để tìm được sức mạnh từ Lời Chúa, chúng con cần niềm tin và lòng mến, xin Chúa ban thêm niềm tin, lòng mến cho chúng con. Để vượt qua được những yếu đuối của kiếp người, chúng con cần sức mạnh của Chúa Thánh Thần, xin Chúa ban thêm sức mạnh Thánh Thần cho chúng con trong mọi biến cố và mọi hoàn cảnh cuộc sống, để chúng con cố gắng chiến thắng mọi cám dỗ giữa cuộc đời. Amen.

Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
 

QUỶ KẾ TINH RANH
(Chúa Nhật I Mùa Chay A) - Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
“Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”. Một lời cầu mà Chúa Giêsu truyền dạy chúng ta trong kinh Lạy Cha khiến chúng ta không thể xao lãng và xem thường chước cám dỗ, nhất là khi chước cám dỗ ấy lại do chính thần dữ chủ mưu gây ra. Bước vào Chúa Nhật thứ nhất của mùa Chay thánh, qua ba bài đọc Lời Chúa, giáo hội cho chúng ta trực diện với chước cám dỗ để nhận rõ sự thâm độc của thần dữ để rồi bền bỉ chiến đấu đến cùng.

Bài đọc thứ nhất trích sách Sáng Thế tường thuật câu chuyện tiên tổ loài người thất bại trước chước cám dỗ của Satan. Thế nhưng bài Tin Mừng cho thấy Satan đã phải chuốc lấy thất bại trước Chúa Giêsu. Thánh Phaolô qua bài đọc thứ hai đã làm một so sánh mang tính đối nghịch giữa sự thất bại của tổ tiên loài người với sự chiến thắng của Chúa Kitô chỉ muốn nhấn mạnh đến tính phổ quát của công trình cứu độ của Đấng làm người.

Xin được mạo muội vạch trần một nét tinh ranh của Satan trong chước cám dỗ của nó và mong sao chúng ta thêm phần cảnh giác. Đã là quỷ thì kế mưu cám dỗ của nó hẳn là tinh ranh và xảo quyệt khó lường. Sự thường nếu lấy điều xấu mà cám dỗ thì rất dễ bị nhận diện. Chính vì thế ma quỷ thường lấy điều tốt để cám dỗ loài người chúng ta. Với tổ tiên loài người thì nó dụ dỗ họ tìm biết sự thiện sự ác. Phân biệt điều lành điều dữ, là điều đáng làm và là việc phải làm cho đúng với phận người. Nỗ lực tìm biết điều lành, điều dữ quả thật là việc làm đáng khen, vì đó là việc rất tốt, việc chính đáng và phải đạo, đạo làm người vốn là hình ảnh của Thiên Chúa. Với Chúa Giêsu thì ma quỷ cám dỗ Người tìm sự thành công trong công cuộc cứu độ nhân trần. Thực thi công trình cứu độ đạt kết quả là một điều tốt, đáng ước mong, vì đó là mục đích của việc nhập thể làm người của Ngôi Hai Thiên Chúa.

Có thể nói rằng quỷ kế của Satan là đề ra một việc tốt, một việc phải làm và đáng làm nhưng rồi lại khôn khéo dẫn dụ chúng ta thực hiện việc ấy bằng những phương thế sai lạc, nghĩa là trái với đuờng lối của Thiên Chúa. Luân lý Công giáo khẳng định rõ nguyên tắc “mục đích không thể biện minh cho phương tiện”. Để đạt một đích tốt phải phải sử dụng những phương tiện tốt hoặc mang tính trung dung nghĩa là tự chúng không xấu. Chủ trương của ngài Đặng Tiểu Bình: “Mèo đen hay mèo trắng cũng được, miễn là bắt được chuột” không phù hợp với luân lý Công giáo.

Satan đâu có cám dỗ tổ tiên loài người làm điều xấu, nó chỉ xúi giục tiên tổ nỗ lực tìm biết sự lành sự dữ. Cái tinh quái của nó là ở chỗ xúi giục tiên tổ lấy bản thân mình, lấy lợi ích của mình làm tiêu chí để phân biệt điều tốt xấu, lành dữ. Chi tiết này được trình bày qua dữ kiện là sau khi ông bà nguyên tổ phạm tội thì thấy mình trần truồng. Người ta thấy mình trần truồng là khi hướng cái nhìn vào bản thân mình.

Phải xác định rằng chỉ có nhà sản xuất mới có khả năng và thẩm quyền khẳng định sản phẩm mình làm ra là tốt hay xấu vì chính họ đặt ra tiêu chuẩn kỹ thuật sản phẩm. Chúng ta nhận ra hiện thực này qua những lần thu hồi xe hơi lỗi kỹ thuật của nhiều nhà sản xuất như Honda, Toyota… Như thế, chỉ có mình Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên vũ trụ vạn vật mới có thẩm quyền xác định các sự vật hiện tượng, các hành vi nào là tốt hay xấu, lành hay dữ. Như thế con người chúng ta chỉ có thể tìm biết điều lành điều dữ cách chuẩn xác dựa vào thánh ý Thiên Chúa, dựa vào chương trình và ý định của Người.

Cái sai lầm của tổ tiên loài người là lấy bản thân mình, lấy lợi ích riêng của mình làm tiêu chí để thẩm định điều tốt xấu, lành dữ. Khi nghiêng chiều theo chước cám dỗ này thì sự lành dữ, tốt xấu không còn mang tính khách quan. Trời nắng tốt dưa, trời mưa tốt lúa và được mùa lúa thì úa mùa xoài… là những điều như hiển nhiên. Như thế một dữ kiện có thể tốt với người này và xấu với người kia. Nếu nhân loại cứ theo sự chủ quan để chọn lựa và hành xử thì sẽ sinh ra hỗn độn.
Satan khi cám dỗ Chúa Giêsu cũng thực hiện chiêu trò này. Nó không cám dỗ Người từ bỏ công cuộc cứu độ nhân loại nhưng nó lại cám dỗ Người thực thi công trình cứu độ theo ý riêng của Người chứ không theo thánh ý Cha trên trời. Cám dỗ thứ nhất: Sử dụng của cải vật chất, cơm áo gạo tiền thì dễ thành công lắm chứ, vì có thực mới vực được đạo, có tiền thì mua tiên cũng được mà. Cám dỗ thứ hai: Sử dụng quyền năng phi thường thì dễ lôi cuốn lòng người và nói gì người ta cũng dễ nghe theo. Cám dỗ thứ ba: Thoả hiệp với mãnh lực sự xấu. Chỉ là tận dụng nó hay là lợi dụng nó mà thôi, có gì đâu phải ầm ĩ. Chúng quả thật là tinh vi và xảo quyệt.

Để chiến thắng chước mưu ma quỷ thì Chúa Giêsu đã phải chiến đấu trong sự tỉnh thức và nỗ lực hết mình. Để có được động thái hoàn toàn vâng phục thánh ý Cha trên trời qua lời thân thưa: “…Xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”, thì Chúa Giêsu đã phải tuôn mồ hôi pha lẫn cả máu đào.

Xây cất nhà thờ là một điều tốt, thành lập một giáo xứ mới cũng có thể là điều tốt, thuyên chuyển nhân sự dễ dàng cũng có thể là điều tốt… tuy nhiên để đạt được những điều tốt ấy thì không thể thoả hiệp với sự dữ, không thể sử dụng những phương thế làm cớ cho những tâm hồn bé mọn vấp phạm… Quỷ kế của Satan luôn tinh quái và chước mưu cám dỗ của nó vẫn còn đó dưới nhiều hình thái tinh vi. Và chúng ta cần phải bền chí khẩn cầu: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”. Thiên Chúa không hề cám dỗ bất cứ một ai, và Người cũng chẳng thể để mặc chúng ta sa chước cám dỗ. Cầu nguyện là gặp gỡ Chúa để nhận biết thánh ý Người. Chắc chắn qua lời cầu xin trên, Thiên Chúa muốn dạy chúng ta hãy cẩn trọng với chước mưu ma quỷ cám dỗ và hãy biết lánh xa dịp tội. Biết mình yếu thì đừng ra đầu gió. Chuyện đơn giản mà thực ra không mấy dễ dàng.

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...