Chúa Nhật IV Mùa Chay – Năm C
Chúa Nhật IV Mùa Chay – Năm C
Lc 15, 1-3.11-32
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật IV Mùa Chay – Năm C
Ca nhập lễ
Hỡi Giê-ru-sa-lem, hãy hân hoan, và hỡi tất cả các ngươi là những kẻ yêu quý thành ấy, hãy tụ họp lại; hỡi các người là những kẻ ưu phiền, hãy hân hoan vui mừng, để các ngươi nhảy mừng và hưởng no đầy nguồn an ủi các ngươi.
Dẫn vào Thánh Lễ
Anh chị em thân mến! Phụng vụ Chúa Nhật hôm nay nói lên lòng thương xót và nhân từ của Thiên Chúa đối với con người. Ngài quảng đại, rộng mở đối với từng người. Ngài sung sướng hân hoan khi thể hiện lòng yêu thương và bác ái đối với con người, Ngài mời gọi họ chia sẻ niềm vui đó. Vì thế, Chúa Nhật IV mùa Chay còn gọi là Chúa Nhật vui mừng, vì con người cảm nghiệm được tình yêu thương sâu xa, dạt dào của người cha khiến con người tin yêu, phó thác, can đảm dấn thân theo Chúa trong cuộc hành trình đức tin tiến về núi Canvê.
Giờ đây, nhờ Chúa Giê-su và trong Chúa Thánh Thần chúng ta cùng dâng Thánh lễ này để tôn thờ, ca ngợi, tạ ơn Chúa Cha, và xin Ngài đặc biệt thương đến những anh chị em Kitô hữu chưa trở về giao hòa với Chúa trong mùa Chay thánh này.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa đã sai Con một giáng trần để thực hiện công trình kỳ diệu là cho loài người được hoà giải với Chúa. Xin ban cho toàn thể dân Chúa khắp hoàn cầu được lòng tin sống động để hăm hở đón mừng lễ Vượt Qua sắp tới. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: Gs 5, 9a. 10-12
“Dân Chúa tiến vào đất Chúa hứa và mừng Lễ Vượt Qua”.
Trích sách Giosuê.
Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Giosuê rằng: “Hôm nay, Ta đã cất sự dơ nhớp của Ai-cập khỏi các ngươi!” Con cái Israel tạm trú tại Galgali và mừng Lễ Vượt Qua vào ban chiều ngày mười bốn trong tháng, trên cánh đồng Giêricô. Ngày hôm sau Lễ Vượt Qua, họ ăn các thức ăn địa phương, bánh không men và lúa mạch gặt năm ấy. Từ khi họ ăn các thức ăn địa phương, thì không có manna nữa. Và con cái Israel không còn ăn manna nữa, nhưng họ ăn thổ sản năm đó của xứ Canaan.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 33, 2-3. 4-5. 6-7
Ðáp: Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao (c. 9a).
Xướng: Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui.
Xướng: Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người. Tôi cầu khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời, và Người đã cứu tôi khỏi mọi điều lo sợ.
Xướng: Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn.
Bài Ðọc II: 2 Cr 5, 17-21
“Thiên Chúa đã nhờ Ðức Kitô giao hoà chúng ta với mình”.
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, nếu ai ở trong Ðức Kitô, thì người đó sẽ là một thụ tạo mới, những gì là cũ đã qua đi: này đây tất cả mọi sự đã trở thành mới. Vì mọi sự bởi Thiên Chúa, Ðấng đã nhờ Ðức Kitô giao hoà chúng ta với mình, và trao phó cho chúng tôi chức vụ giao hoà. Thật vậy, Thiên Chúa là Ðấng giao hoà thế gian với chính mình Người trong Ðức Kitô, nên không kể chi đến tội lỗi của loài người, và đặt lên môi miệng chúng tôi lời giao hoà. Nên chúng tôi là sứ giả thay mặt Ðức Kitô, như chính Chúa dùng chúng tôi mà khuyên bảo. Vì Ðức Kitô, chúng tôi van nài anh em hãy giao hoà với Thiên Chúa. Ðấng không hề biết tội, thì Thiên Chúa làm nên thân tội vì chúng ta, để trong Ngài, chúng ta trở nên sự công chính của Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Câu Xướng Trước Phúc Âm: Lc 15, 18
Tôi muốn ra đi trở về với cha tôi và thưa người rằng: Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha.
Phúc Âm: Lc 15, 1-3. 11-32
“Em con đã chết nay sống lại”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, những người thu thuế và những kẻ tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng; thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng”. Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: “Người kia có hai con trai. Ðứa em thưa với cha rằng: “Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con”. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của thì vừa gặp nạn đói lớn trong miền đó, và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ cặn bã heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó hồi tâm lại và tự nhủ: “Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói. Tôi muốn ra đi trở về với cha tôi và thưa người rằng: “Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha”. Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy ra ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu… Người con trai lúc đó thưa rằng: “Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa”. Nhưng người cha bảo đầy tớ: “Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng: vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất, nay lại tìm thấy”. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.
“Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: “Ðó là em cậu đã trở về, và cha cậu đã giết bê béo, vì thấy cậu ấy về mạnh khoẻ”. Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào. Nhưng anh trả lời: “Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn. Còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn đàng điếm, nay trở về thì cha lại sai làm thịt bê béo ăn mừng nó”. Nhưng người cha bảo: “Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tín hữu
Anh chị em thân mến! Hồi tâm giúp con người nhận biết mình và ý Chúa. Chúng ta hãy dành thời gian cho sự hồi tâm này, để đánh giá đúng mức về mình mà canh tân cuộc sống. Để được như thế chúng ta cùng dâng lời tha thiết nguyện xin:
1. “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã hư mất”.- Xin cho các vị Mục tử luôn sống tâm tình từ bi, nhân hậu và giầu lòng tha thứ, để cuộc sống của các ngài chính là lời mời gọi những người tội lỗi, những kẻ lầm lạc trở về với Chúa trong Hội Thánh Người.
2. “Con cái Israel không còn ăn Manna nữa, nhưng họ ăn thổ sản năm đó của xứ Canaan”.- Xin cho các tín hữu ý thức được hạnh phúc sống trong Hội Thánh, để họ không coi những huấn lệnh của Hội Thánh là những ràng buộc, nhưng là phương thế đưa họ đến hạnh phúc vĩnh cửu.
3. “Thưa Cha con đã phạm đến trời và đến Cha”.- Xin cho các tội nhân được thật tâm ăn năn thống hối, để như người con hoang đàng trở về, họ được Thiên Chúa là Cha thương yêu mở rộng vòng tay đón nhận và trao ban nguồn phúc ân dồi dào.
4. “Thiên Chúa là Đấng giao hòa…và đặt trên môi miệng chúng tôi lời giao hòa“,- Xin cho mọi người trong giáo xứ chúng ta, khi đã lãnh nhận sự khoan hậu của Chúa cũng có một trái tim quảng đại, biết chấp nhận yêu thương nhau, để giáo xứ chúng ta thực sự là sứ điệp hòa giải của Chúa.
Chủ tế: Lạy Chúa, xin cho chúng con kiên trì sống cuộc đời mới trong tình mến Chúa nồng nàn, xa tránh mọi dịp tội, tích cực tập luyện nhân đức và nhiệt tâm với phần rỗi mọi người để mãi mãi xứng đáng là con cái Chúa. Chúng con cầu xin…
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, chúng con hoan hỷ dâng lên Chúa lễ vật này là của lễ đem lại phúc trường sinh. Xin gia tăng lòng kính tin sùng mộ giúp chúng con dâng thánh lễ này cho xứng đáng, hầu mưu ích cho cả trần gian. Chúng con cầu xin…
Lời kinh tiền tụng
Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, nhờ Ðức Ki-tô Chúa chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Vì Chúa ban cho các tín hữu hằng năm được hân hoan đón chờ mầu nhiệm Vượt Qua với tâm hồn đã được thanh tẩy, để khi nhiệt tâm thi hành việc đạo đức và bác ái, nhờ năng chịu các bí tích mà được tái sinh, thì các tín hữu đạt tới sự viên mãn của ơn làm con Chúa.
Vì thế cùng với các Thiên thần và tổng lãnh thiên thần, các Bệ thần và Quản thần, cùng toàn thể đạo binh thiên quốc, chúng con không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng:
Thánh! Thánh! Thánh!..
Ca hiệp lễ
Giê-ru-sa-lem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Lạy Chúa, vì nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên để ngợi khen danh Chúa.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa là ánh sáng muôn đời chiếu soi mọi người sinh ra trong trần thế, xin rộng ban ân sủng làm cho tâm hồn chúng con được bừng sáng huy hoàng, để chúng con hằng biết suy tưởng những điều đẹp lòng Chúa, và chân thành yêu mến Chúa mỗi ngày một hơn. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
Tấm lòng người cha
Dụ ngôn đứa con phung phá hay nói đúng hơn là câu chuyện về tấm lòng của một người cha, là câu trả lời trực tiếp cho những bàn tán của bọn biệt phái trước việc Chúa Giêsu thường đi lại và ăn uống với phường thu thuế và tội lỗi.
Dụ ngôn này, câu chuyện này được chia làm hai phần. Phần thứ nhất nói đến lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa qua hình ảnh người cha mòn mỏi trông chờ đứa con trở về. Và khi cậu trở về thì đã mở tiệc ăn mừng, và trao lại cho cậy đầy đủ quyền làm con như khi trước.
Phần thứ hai có tính cách biện hộ khi diễn tả sự phản đối với cách cư xử của người cha lúc đứa em tội lỗi trở về. Đó cũng chính là tình trạng cụ thể mà Chúa Giêsu gặp phải trong cuộc đời rao giảng Tin Mừng cứu độ của Ngài.
Câu chuyện được kể lại bằng những chi tiết rất sống động. Thực vậy, tội của đứa con hoang đàng quả là rất lớn. Nó đã sử dụng tiền của làm ra với bao công lao khó nhọc vào cuộc truy hoan trác táng, để rồi kết thúc trong nghèo đói và túng quẫn. Đối với người Do Thái heo hay lợn là một con vật nhơ bẩn. Chăn heo hay chăn lợn là một việc làm nhờm tởm. Tình cảnh khốn quẫn đã đưa đứa con đến tột cùng của sự thảm hại, bị loại ra khỏi cộng đồng dân Chúa đã đành, mà còn bị loại ra khỏi cộng đồng con người, bởi vì trong cơn đói khát, nó đã thầm ước được ăn chút cám bã dành cho súc vật mà cũng chẳng được.
Tuy nhiên, điều làm cho chúng ta xúc động vẫn là thái độ của người cha. Câu chuyện kể lại rằng: Ông đã thấy đứa con từ đàng xa. Chi tiết này chứng tỏ ông hằng trông mong và đợi chờ. Và khi đã nhận ra con, ông vội chạy đến ôm chầm lấy con, hôn con một cách nồng nhiệt, đặt đứa con hối cải vào đúng vị trí của nó trong gia đình, rồi mở tiệc ăn mừng.
Thái độ của người con cả cũng được trình bày một cách sống động. Anh là người con chí thú làm ăn, nhưng xem ra quan hệ với người cha không được đằm thắm cho lắm. Tuy ở nhà với cha, nhưng lòng anh vẫn xa cách. Kết quả là anh đã không hiểu nổi cách xử sự của người cha đối với đứa em vừa trở về. Do đó, thay vì nhập tiệc chia vui với người cha và với đứa em, thì anh đã dừng lại ở cửa, tự mình đứng ở cái thế tách biệt với gia đình sum họp.
Đoạn Phúc Âm hôm nay quả là một tin mừng cho người trở lại, nhưng đồng thời cũng là một lời cảnh cáo đối với những người ở trong nhà. Thực vậy, câu chuyện cho thấy người cần phải trở lại hơn hết lại chính là người con cả, người con vẫn ở nhà với cha, nhưng cõi lòng thì không ở cùng cha.
CHÚA NHẬT 4C MÙA CHAY – 2001
(Lc. 15:1-3; 11-32) Lm Lã Mộng Thường
Bài Phúc Âm vừa được công bố thường được chúng ta gọi là câu chuyện người con hoang đàng. Tuy nhiên, Phúc Âm gọi là dụ ngôn. Dụ ngôn là một câu chuyện đưa lên sự việc nào đó dùng để ám định về điều mình muốn nói. Chúng ta thường có thói quen nhận định sự việc hay sự kiện qua nhãn quan xác quyết, hạn hẹp.
Nếu ai để ý sẽ nhận ra, bất cứ sự việc, sự thể nào cũng tự nó chất chứa ít nhất hai bộ mặt đối nghịch tùy phương diện xử dụng. Thí dụ, cùng một ngọn lửa, nếu chúng ta dùng để đốt sáng, nấu nướng thì tốt lành và cần thiết, nhưng nếu chúng ta cho tay vào lửa thì lại là điều không nên. Bởi vậy, nhiều khi có những sự việc không thể giải thích cho những người cố chấp, một chiều, cho nên sự giải thích hay nhất là dùng dụ ngôn. Ngày xưa quý cụ hay dùng điển tích để trả lời ai đó xin ý kiến về việc gì thay vì nói nên thế nọ, thế kia bởi nếu nói rõ ý mình, nhiều khi mang tai họa. Dụ ngôn cũng còn được gọi là ngụ ngôn mang nghĩa câu chuyện ngắn răn đời hay châm biếm, chẳng hạn ngụ ngôn của La Fontain.
Xét thế, dụ ngôn nơi Phúc Âm không phải là một câu truyện có thật nhưng được kiến tạo để dùng với mục đích tỉnh thức người đọc nơi hành trình tâm linh, hành trình tìm kiếm Nước Trời. Chúng ta vì vô tình không để ý về cơ cấu được xếp đặt nơi bài Phúc Âm hôm nay mà thường tự đặt trọng tâm câu chuyện về sự lỗi lầm của người con hoang đàng, và lòng tha thứ của người cha, cùng lắm nếu ai đó cố ý đặt vấn đề thì cũng chỉ dám vạch thêm điểm bực tức của người con lớn tốt lành. Tựu chung, chúng ta quen thói chấp nhận mình tội lỗi nhiều khi cũng không biết mình có những tội gì.
Chúng ta đã được dạy dỗ quá cặn kẽ rằng mình được sinh ra trong tội, mẹ mình đã thụ thai mình trong tội lỗi như lời thánh vịnh 51, “Này trong tà ác tôi đã sinh ra, và đã là tội lỗi khi mới là thai trong bụng mẹ”, mà Công Giáo chúng ta gọi là tội tổ tông. Thế là chúng ta bỏ quên ngay lời giáo đầu của bài Phúc Âm, “Những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng”.
Soạn bài giảng đến đây tôi hiểu thêm được phần nào câu nói, chúng ta chỉ bị phiền hà vì những điều tốt lành mình đã thực hiện. Nhận được như vậy, tôi có cảm nghĩ kể cũng đáng tội cho Đức Giêsu. Suốt thời gian rao giảng đã cố nín nhịn và chấp nhận dân Chúa mà cuối cùng vẫn còn phải van xin, “Lạy Cha xin tha cho chúng vì lầm chẳng biết”. Chúng ta thường được nghe giảng dạy chúng ta là những người con hoang đàng nên phải ăn năn hối cải, phải làm điều lành này, điều phúc đức kia, phải muôn thứ mà thực ra dù cố gắng ép mình ép xác thực hiện, chúng ta cũng không thể nào hoàn thành được những lời khuyên tốt lành vô bổ ấy. Gia tài đâu cho chúng ta chia? Cơ hội nào để chúng ta hoang đàng? Vậy thì lấy gì để hối cải, để xám hối, để ăn năn đánh tội. Chẳng lạ gì đã nhiều người thích xưng tội của kẻ khác để bào chữa cho mình.
Thí dụ, thưa cha, con có la mắng cháu con vì chúng ăn nói hỗn láo. Cũng may cho các linh mục vì luật Giáo Hội cấm xưng tội người khác; nếu không, có lẽ các ngài không còn giờ mà thở. Người con hoang đàng nơi Phúc Âm đã không nhận biết niềm hạnh phúc của mình nhưng đứng núi nọ trông núi kia cao. Tuy nhiên, khi đối diện với cuộc đời trong lúc khốn cùng, anh ta biết tự đặt lại vấn đề; không đổ lỗi cho ai mà nhận định kiếm tìm phương cách giải quyết vấn đề. Chúng ta thì khác, khi chuyện không hay xảy đến do chính mình tạo nên, chúng ta đổ tại Chúa phạt. Chúng ta cả gan dám gán ép cho Chúa đặc tính ác độc như thế. Cũng như chúng ta, người con hoang đàng muốn được làm nhân công, nhưng người cha đã không đếm xỉa gì về những lỗi lầm của anh ta mà chấp nhận không điều kiện. Phúc Âm dùng người cha để chỉ về Thiên Chúa rộng lượng và khoan dung dường ấy trong khi chúng ta quen thói quan niệm phải làm thế này, thế kia mới đẹp lòng Chúa, mới được ân nghĩa cùng Ngài, mới được Ngài ban cho ơn bình an, ơn giầu có… quả là lạ lùng! Một người tội lỗi muốn trở thành tốt lành chỉ đừng thực hiện những điều chẳng nên mà thôi, không cần phải làm gì thêm. Tôi không hiểu Đức Giêsu nghĩ gì, nhưng quả thật, chúng ta quá phạm thượng vì đã đổ cho Chúa đầy dẫy những tính chất tham sân si thế tục!
Chẳng những thế, chúng ta mang đầy thái độ giống người con lớn mà Phúc Âm ám chỉ về những người biệt phái. Người con lớn gây sự với người cha vì đã không trừng phạt, ngược lại đón nhận em mình trong khi chúng ta tìm đủ mọi cơ hội, dùng đủ mưu đồ nếu có thể để hãm hại những người không đồng quan điểm với mình. Không muốn tốn tiền để thuê người làm phiền kẻ khác, chúng ta dùng miệng lưỡi phát ngôn những chuyện bịa đặt với chủ đích xúi mọi người khinh bỉ kẻ mình không ưa vì đã không dám đối diện với lòng mình, không dám sống điều mình cho là đúng nhưng muốn được người khác nghĩ mình cũng là một thứ gì trong khi không biết điều mình nói sẽ mang lại những hậu quả nào.
Người con lớn gây sự với người cha vì không chấp nhận em mình thì đã tự lên án bởi sự thiếu nhận thức. Người cha nơi Phúc Âm trả lời, “Mọi sự của cha đều là của con” thế mà anh ta đã không nhận biết. Cũng nơi Phúc Âm, Đức Giêsu dạy, đức tin con chữa con, đức tin con cứu con, đức tin con là ơn cứu độ của con, thế mà đã ai trong chúng ta dám thử cho là thật để rồi nếu cầu nguyện thì lại quen thói xin ơn này, xin ơn kia, phải thế này, phải thế kia, bắt Chúa phải theo ý mình.
Chuyện không xảy ra theo ý riêng thì dám cả gan phạm thượng cho rằng Chúa phạt. Giả sử nếu Chúa giống như những gì chúng ta nghĩ về Ngài, phỏng còn ai có thể ngồi ở nhà thờ lúc này được nữa. Đức Giêsu cũng đoan chắc nơi Phúc Âm, “Quả thật, Ta bảo các ngươi: mọi điều dưới đất các ngươi cầm buộc thì cũng sẽ bị cầm buộc trên trời, và mọi điều dưới đất các ngươi tháo cởi thì cũng sẽ được tháo cởi trên trời” (Mt. 18:18).
Thiên Chúa ngự trị và hoạt động nơi mỗi người chúng ta; xin quý ông bà anh chị em để ý đừng vì vô minh mà biến quyền lực của Ngài nơi mình thành án phạt chính bản thân. Khi còn sống, ý định, ước muốn của chúng ta thế nào thì sau khi chết, linh hồn chúng ta sẽ bị lệ thuộc vào những điều ấy. Amen.
TÌNH CHA HẬU HĨ
(Chúa Nhật IV Mùa Chay C) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Dưới góc nhìn tình yêu thì người ta có thể nói rằng đoạn Tin Mừng của thánh sử Luca tường thuật câu chuyện kể của Chúa Giêsu về “người con hoang đàng” là đỉnh cao của chữ tình. Người ta còn nói rằng nếu chọn một chương tiêu biểu trong Tin Mừng thánh sử Luca thì chương XV phải được ưu tiên. Và trong chương ấy nếu chọn một vài câu thì bài trích Tin Mừng trong Chúa Nhật IV mùa Chay C đáng phải được chọn làm tiêu biểu.
Nói về chữ tình thì cái tựa đề cũ “người con hoang đàng” hay “đứa con phung phá” không thể lột tả hết. Hẳn nhiên điều này được minh chứng qua động cơ trở về của anh ta là chỉ muốn được no cái bụng. Ngày nay người ta đổi tựa đề câu chuyện kể của Chúa Cứu Thế thành “người cha nhân hậu”. Theo thiển ý cái tựa đề này diễn tả nội dung câu chuyện khá hoàn hảo. Tuy nhiên xin được mạo muội góp một cái nhìn khi thêm một tựa đề đó là “tình cha hậu hĩ”.
Hai từ hậu hĩ gợi mở cho chúng ta cảm nhận sự dư tràn vượt quá mong ước. Quả thật câu chuyện kể của Chúa Giêsu đã khiến người đương thời và cả chúng ta hôm nay chưng hững vì nhiều điều. “Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng”. Và người cha đã chia của cải cho hai con”. Theo luật bấy giờ, người con chỉ được nhận gia tài khi cha đã khuất. Đang sống sờ sờ thế mà một đứa con muốn mình như đã chết. Không sao. Đã khuất trước một đứa con thì sẵn sàng khuất bóng trước cả đứa còn lại. Nước từ trên chảy xuống. Miễn sao con cái được sống thì sự sống của mình vẫn tồn tại. Từng có đó nhiều người cha, người mẹ thanh thản nhắm mắt lìa đời khi thấy con cái đã thành gia thất.
Dù khuất bóng nhưng lòng người cha vẫn mãi dõi theo bước chân con cái mình. Đứa con như vô đạo, bất hiếu có ngờ đâu cha anh vẫn ngóng trông anh từng giờ, từng ngày, trong khi anh đang mãi mê ăn chơi sa đọa. Cái gì đến rồi sẽ đến. Chuyện gieo gió, gặt bão là lẽ như tất nhiên. Lá rụng về cội là điều thường có. Trong thân phận của kẻ hèn kém hơn cả loài heo, người con đi hoang mới chợt bừng tỉnh. “Biết bao người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha…” Chẳng biết anh ta có chút tình nào với người cha già, nhưng sự vị kỷ là có đó: về với cha chỉ vì miếng ăn, chỉ vì cái bụng. Kẻ gian thường tỏ vẻ ngoan. Để che giấu sự vị kỷ của mình, người con hoang đàng đã nhẩm đi nhẩm lại cho thuộc lòng câu thưa thoặt nghe dễ mủi lòng: “Thưa cha, con thật đắc tội với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy”.
Không sao cả, miễn là con ta đi xa nay trở về, đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy. Dù là tấm thân gầy gò đầy bụi bẩn, lẫn mùi phân hôi của loài nhơ uế, nhưng chính là con của ta. Người cha đã vội chạy đến ôm cổ đứa con, hôn lấy hôn để. Vòng tay âu yếm, những nụ hôn yêu thương đã xóa đi mọi cách ngăn sạch nhơ, sang hèn. Có nhiều điều dường như là không thể với khả năng con người, nhưng đều là có thể khi tình yêu hiện diện. Tình yêu mạnh hơn cả sự chết!
Chẳng đợi con dứt câu xưng thú, chẳng cần biết quá khứ của con như thế nào, hôm nay, giờ này, con hiện diện ở đây là đủ. “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng”. Tình người cha, một mối tình bao la đủ làm cho người con nên thanh sạch hơn mọi thứ nước tự nhiên. Cái tình ấy đã được chuẩn bị từ lâu qua con chiên được vỗ béo mà hẳn các gia nhân vốn thừa hiểu.
“Con ta đây đã chết mà nay sống lại”. Có con rồi mới có cha. Có cháu rồi mới có ông, có bà. Sự sống chết của người cha như lệ thuộc vào sự sống chết của đứa con. Đến đây chúng ta mới hiểu sự sâu xa lời của một giáo phụ: “Vinh quang của Thiên Chúa là sự sống của con người”. Thế gian này là chi? loài người là gì? Thảy đều là loài thọ tạo. Thế nhưng Thiên Chúa đã chọn làm hình ảnh của chính Người (x.St 1,27). Và Người đã yêu thương nó đến độ đã ban chính Con Một để cho nó được sống và sống dồi dào (x.Ga 3,16). Vậy ta có thể nói rằng Thiên Chúa không thể bỏ con người, không thể bỏ bất cứ một ai, nếu Người thực sự là Thiên Chúa.
Thánh sử Luca cho chúng ta hay chính vì những lời xầm xì của nhiều người Pharisiêu và luật sĩ khi thấy những người thu thuế và người tội lỗi lui tới với Chúa Giêsu mà Người đã kể câu chuyện này. Họ cảm thấy khó chịu vì tình Chúa quá HẬU HĨ. Họ ganh tị vì thấy tình Chúa như không công bằng. Bọn thu thuế và mấy người tội lỗi kia không đáng được yêu. Và cách mặc nhiên họ cho rằng chỉ mình họ mới xứng đáng. Đằng sau lòng ganh tương đố kỵ luôn có bóng dáng của thần dữ.
Chúa Giêsu đã cảnh giác những tâm hồn đố kỵ ganh tương bằng hình ảnh người con cả trong câu chuyện. Dù đang ở trong nhà nhưng anh ta hành xử như là kẻ làm tôi. Anh còn tự loại mình ra khỏi tình cha, khi không nhìn nhận người em của mình. “Còn thằng con của cha kia…”. Loại bỏ tha nhân, không nhận nhau là anh em một nhà, thì vô tình chúng ta tự loại mình ra khỏi tình Cha trên trời, Đấng từ bi nhân hậu, cho mưa rơi đều trên người công chính lẫn kẻ bất lương, cho mặt trời mọc lên soi sáng người thánh thiện và người tội lỗi, Đấng không bao giờ muốn cho kẻ gian ác phải chết nhưng tìm mọi cách để họ ăn năn sám hối và được sống (x.Mt 5,43-48). Khi nói rằng: “Mọi sự của cha cũng là của con” thì người cha không chỉ xác định với người anh cả về của cải vật chất mà đặc biệt nhắc nhớ anh rằng người con thứ hai của ông chính là em ruột của anh ta. Và ông còn nhấn mạnh: “Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”. (x.Lc.15,31).
Tình Chúa thật bao la hay tình cha luôn hậu hĩ. Trong tình Chúa, không có sự gì là không thể. Bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có thể hưởng nhận tình Cha trên trời, nếu chúng ta biết ngửa tay đón nhận. Chỉ một lời khẩn xin: “Thưa Ngài, khi nào về nước Ngài, xin hãy nhớ đến tôi”, thì hạnh phúc Nước Trời đã được ban cho người gian phi bị treo bên phải Chúa Giêsu năm xưa ngay ngày hôm ấy (x.Lc 23,29-43). Nhưng cũng xin đừng quên chân lý này: không ai hưởng hạnh phúc Nước Trời một mình. Rất có thể chính ta tự đóng đinh số phận của mình, nếu ta loại bỏ tha nhân ra khỏi nghĩa tình huynh đệ.
CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY -C
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 15, 1-3. 11-32).
Khi ấy, những người thu thuế và những kẻ tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng; thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng”. Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: “Người kia có hai con trai. Ðứa em thưa với cha rằng: “Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con”. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của thì vừa gặp nạn đói lớn trong miền đó, và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ cặn bã heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó hồi tâm lại và tự nhủ: “Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói. Tôi muốn ra đi trở về với cha tôi và thưa người rằng: “Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha”. Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy ra ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu... Người con trai lúc đó thưa rằng: “Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa”. Nhưng người cha bảo đầy tớ: “Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng: vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất, nay lại tìm thấy”. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.
“Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: “Ðó là em cậu đã trở về, và cha cậu đã giết bê béo, vì thấy cậu ấy về mạnh khoẻ”. Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào. Nhưng anh trả lời: “Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn. Còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn đàng điếm, nay trở về thì cha lại sai làm thịt bê béo ăn mừng nó”. Nhưng người cha bảo: “Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”.
Suy niệm
Người tín hữu Kitô là người tin có Thiên Chúa, Đấng tạo dựng trời đất, vũ trụ, con người và mọi sinh vật trong thế giới này. Niềm tin đó không phải là một khái niệm mơ hồ, nhưng con người có thể bắt đầu từ việc quan sát vũ trụ vận hành, quan sát thế giới tồn tại, con người có thể nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới này. Hơn nữa, con người có thể dùng lý trí và sự khôn ngoan của một sinh vật cao cả, để truy tìm nguồn cội của bản thân và thế giới này. Tất cả những yếu tố đó giúp người tín hữu xác tín hơn niềm tin của mình, thế nhưng, có bao giờ người tín hữu tự hỏi rằng: Thiên Chúa tôi tin là Đấng như thế nào, Ngài là một vị thần có ảnh hưởng gì đến cuộc đời của tôi không? Dụ ngôn người cha nhân hậu trong phụng vụ Chúa nhật thứ tư mùa chay, sẽ trả lời cho mỗi người Kitô hữu rõ hơn về vị thế của Thiên Chúa trong niềm tin, trong đời sống và trong mối tương quan giữa Thiên Chúa với con người.
Sau khi được giải thoát khỏi ách nô lệ tại Ai-cập, dân Do-thái được Thiên Chúa dẫn tới vùng đất chảy sữa và mật, đó là vùng đất Ngài đã hứa ban cho các tổ phụ dân tộc này. Tại vùng đất đó, một lần nữa, Gio-suê, người đại diện của Thiên Chúa và cũng là của dân Do-thái, đã nhắc lại cho họ ý thức về thân phận của một dân tộc nhỏ bé, như một người nô lệ mất hết quyền làm người, mất hết giá trị nhân phẩm trong thế giới, nay họ được sống trong sự tự do của một con người: “Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Giosuê rằng: “Hôm nay, Ta đã cất sự dơ nhớp của Ai-cập khỏi các ngươi!”. Thiên Chúa đã nghe tiếng họ kêu than, đã thấy kiếp nô lệ khổ đau của họ, đã biết được số phận bi ai của người nô lệ trong đất Ai-cập, quả là một vị Thiên Chúa đã cúi xuống, chung chia với con người mọi nỗi niềm trong phận nô lệ. Ngài đã đưa họ tới vùng trời tự do, tới những giá trị cao quý của một con người. Ngài muốn họ biết Ngài là ai để thờ phượng cho phải đạo làm con, Ngài cũng muốn họ biết chính họ như thế nào, để từng ngày sống không ở trong tình trạng ngoại tình với Thiên Chúa, Đấng nhân lành.
Chứng kiến thái độ sống niềm tin cách đặc biệt, thánh Phaolô đã lên tiếng nhắc nhở con cái của ngài tại giáo đoàn Co-rin-thô. Ngài nhắc họ luôn ý thức về vị thế của mình trước mặt Thiên Chúa, họ chỉ là một tội nhân, không xứng đáng hưởng ơn cứu độ và sự sống đời đời, nếu hôm nay họ biết khiêm tốn đổi thay thái độ sống, họ sẽ được Thiên Chúa yêu thương và tình yêu đó được tuôn chảy qua sự hiện diện gần gũi và thánh thiêng, của người Con yêu dấu là Đức Giesu Kitô: “Vì Ðức Kitô, chúng tôi van nài anh em hãy giao hoà với Thiên Chúa. Ðấng không hề biết tội, thì Thiên Chúa làm nên thân tội vì chúng ta, để trong Ngài, chúng ta trở nên sự công chính của Thiên Chúa”. Thiên Chúa là đấng không bao giờ biết tội là gì, thế mà Ngài đã cho phép con người được gọi Ngài là Cha, được ở trong mái ấm gia đình của Ngài, vì thế, con người phải sống làm sao cho xứng đáng, phải thay đổi suy nghĩ của bản thân cũng như thái độ sống hàng ngày. Có như vậy, con người mới thực sự được thừa hưởng quyền làm con của Thiên Chúa ngay hôm nay.
Dụ ngôn người Cha nhân hậu hay còn được gọi là dụ ngôn đứa con hoang đàng, là một câu chuyện chỉ có thánh Luca viết lại trong tác phẩm của ngài. Câu chuyện đó như một bức tranh làm nổi bật suy nghĩ của con người về Thiên Chúa. Ngài là ai đối với tôi và với con người, Ngài có ảnh hưởng gì tới cuộc đời, tới vị thế và quyền riêng tư của tôi không, và biết bao suy nghĩ khác của con người về Thiên Chúa, người Cha của mình: “Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: “Người kia có hai con trai. Ðứa em thưa với cha rằng: “Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con”. Người cha liền chia gia tài cho các con”. Người cha đó hết mực yêu thương các con, dù còn sống, nhưng ông vẫn chia tất cả những gì ông có cho con cái. Các con ông đã được thừa hưởng của cải từ người cha, nhưng người cha còn sống, thì họ chưa được quyền sử dụng của cải. Thế mà, người con thứ đã sử dụng tất cả theo tính toán và sở thích của mình. Không một lời than trách, không một tiếng ta thán, người cha tôn trọng quyền con người của các con ông ta, thế nhưng, các con ông ta đã nhìn người cha của mình, dưới những góc nhìn khác nhau theo tính toán và tham vọng của mỗi đứa con. Thiên Chúa là đấng tốt lành, nhân từ và rất mực khoan dung, thế mà con người đã nhìn nhận Ngài như một vị thần nghiêm khắc và lắm lúc còn cực đoan đối với con cái, rồi cũng có những lúc Ngài bị gán cho một người cha thiếu công bằng, thiên tư thiên vị trong việc ban phát ân sủng và tình yêu.
Điểm lại đôi nét về người con thứ trong câu chuyện trên, để thấy niềm tin của chính mình đôi lúc lạc vào con đường như cậu ta đi. Trong ánh mắt và suy nghĩ của cậu thứ, người cha là một người hà khắc, cướp mất của cậu ta quyền tự do sống, quyền tự do làm việc và ăn chơi, vì thế, cậu tìm cách thoát ra khỏi cảnh tù túng và đau khổ đó, bằng cách đòi chia gia tài và trốn thoát khỏi căn nhà bất hạnh. Dưới bầu trời mới, cậu mới thực sự là người, mới thực sự được tự do, mới thực sự đáng sống, vì thế cậu tìm cách trải nghiệm mọi nhu cầu cũng như lạc thú, để được gọi là con người đúng nghĩa. Chắc chắn một điều trong trái tim và tâm hồn cậu, không có hình ảnh người cha yêu thương, luôn tôn trọng con cái của mình, mà chỉ có hình ảnh một người quản lý khắc nghiệt và lạnh lùng. Với những suy nghĩ như thế, người con thứ cố gắng tìm cách để vượt thoát khỏi những ràng buộc về quyền bính và vật chất, để sống theo suy nghĩ và tính toán của chính mình. Đó cũng là những suy nghĩ của con người thời nay trước một Thiên Chúa tình yêu, tại sao bắt tôi từ bỏ mình, vác thập giá mình để đi theo Ngài mới có sự sống đời đời, trong lúc đó, người ta đang cố gắng để bảo vệ cái tôi, bảo vệ quyền riêng tư của bản thân bằng mọi cách, Ngài cứ bắt tôi phải đi qua cửa hẹp để vào Nước trời, trong khi đó, cuộc sống bên ngoài cần sự thoải mái và rộng rãi. Quả thực một Thiên Chúa như thế có đáng để thờ phượng, để yêu thương và để sống hiếu thảo từng ngày không?
Hình ảnh người con trưởng trong câu chuyện cũng rất đáng quan tâm, bởi cậu ta không bỏ nhà đi xa, không ăn chơi xa xỉ, như cậu em, nhưng dù sống trong một mái nhà với người cha, nhưng cậu ta chỉ coi người cha là một người quản lý, còn anh ta là một người làm công, hàng ngày chỉ biết làm việc và làm việc. Trong trái tim và tâm hồn của anh ta không có hình bóng người cha thân yêu. Chính vì cho rằng người bên cạnh anh ta là một quản lý tài sản, nên giữa anh với cậu em, không có chút gì liên hệ trong tình anh em, thậm chí trong tình người cũng không có luôn. Có thể nói đó là một người ích kỷ, hẹp hòi và bủn xỉn nữa. khi tình người không còn trong tâm hồn, khi tình cha con, anh em cũng mất luôn trong trái tim, anh ta chỉ biết sống cho mình, chỉ biết đòi hỏi cho mọi nhu cầu của bản thân. Quả thực đó là một thái độ sống dửng dưng và vô cảm với mọi sinh hoạt chung quanh. Và đó là một tình trạng đang hiện hữu trong suy nghĩ và thái độ sống của người tín hữu hôm nay. Họ giữ đạo theo phong trào, theo hình thức và những truyền thống, nếu ra khỏi những yếu tố đó, họ phản đối, la ó và bài xích, họ đâu có một trái tim để yêu mà chỉ có một trái tim để hưởng thụ. Thiên Chúa đối với họ là một ông chủ dịch vụ, phải đáp ứng mọi yêu sách trong cuộc đời con người. Một vết thương luôn rỉ máu trong trái tim của Thiên Chúa tình yêu.
Còn người cha thì sao, đó là hình ảnh của Thiên Chúa. Luôn tôn trọng tự do và yêu thương con cái, sẵn sàng hy sinh tất cả cho con cái, quên luôn cả sự sống và giá trị của một người cha trong gia đình. Tất cả chỉ vì yêu. Thiên Chúa chắc hẳn còn hơn người cha đó nhiều, Ngài yêu con người ngay từ lúc tạo dựng, Ngài chăm sóc và bảo vệ con người, thế mà con người ngay từ ban đầu đã loại ra khỏi cuộc sống mọi kế hoạch, mọi lối nẻo của Thiên Chúa, để sống theo những gì con người thỏa thích. Người cha đó đã cho con cái tất cả. Đáp lại, con cái đã sống tình thảo hiếu như thế nào, coi thường cha mình, chê bai và không tôn trọng cha mình, hơn nữa, còn coi cha mình như một quản lý tài sản, như một người chủ vô tâm, và hôm nay, người cha đó vẫn còn bị quy gán là một người thiếu công bằng trước mọi nhu cầu của con cái, một người cha thiếu sự quan tâm khi còn nhiều người giàu sống bên cạnh những người cơ cực, đói khổ và đau thương. Có phải vì Thiên Chúa không lên tiếng, nên Ngài phải nhận chịu những suy nghĩ rất đời của con cái Ngài?
Lạy Chúa Giesu, khi bước vào chương trình cứu độ trong thân phận một con người, Chúa luôn tìm thánh ý Cha để thực hiện trong mọi nơi, mọi lúc, bởi Chúa luôn yêu mến và thực hành những gì Chúa Cha muốn, xin giúp chúng con biết học nơi Chúa bài học của sự vâng phục và yêu mến, để chúng con thực hiện thánh ý Chúa qua lời dạy của Mẹ Giáo hội và Kinh thánh. Chúa đã vâng lời Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá, để chương trình cứu độ của Chúa Cha trọn vẹn, xin giúp chúng con biết sống ơn gọi mình cách trọn vẹn trong khả năng cùng với ơn Chúa ban. Chúa Cha đã yêu chúng con vô cùng bằng việc ban người Con duy nhất cho nhân loại, xin cho chúng con biết đáp đền tình yêu đó bằng một tình yêu không tính toán, không điều kiện, biết cho đi mà không mong đền đáp điều gì. Amen.