CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN - NĂM B


TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN - NĂM B

Lời Chúa: Đnl 18, 15-20; 1 Cr 7, 32-35; Mc 1, 21-28

MÙA THƯỜNG NIÊN

Chúa Nhật Tuần IV - Năm B

BÀI ĐỌC I: Đnl 18, 15-20

"Ta sẽ gầy dựng một tiên tri và Ta sẽ đặt lời Ta vào miệng người".

Bài trích sách Đệ Nhị Luật.

Môsê nói với dân chúng rằng: "Chúa là Thiên Chúa các ngươi, sẽ gầy dựng giữa các ngươi và giữa những anh em các ngươi, một tiên tri như ta: các ngươi sẽ nghe lời người, như các nguơi đã xin cùng Chúa là Thiên Chúa các ngươi ở Horeb khi có cuộc đại hội, và các ngươi nói rằng: Tôi không muốn nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa tôi nữa, tôi không muốn thấy ngọn lửa vĩ đại này nữa, kẻo tôi phải chết. Và Chúa phán cùng tôi: sự họ đã nói, là tốt. Ta sẽ gầy dựng giữa anh em của họ một tiên tri như ngươi; Ta sẽ đặt vào miệng người những lời của Ta, người sẽ nói cho họ biết tất cả những điều Ta sẽ truyền cho người. Và nếu kẻ nào không nghe lời của Ta mà người sẽ nói nhân danh Ta, chính Ta sẽ xét xử nó. Nhưng tiên tri nào tự phụ, nhân danh Ta mà nói lời Ta không truyền phải nói, hoặc nhân danh các thần khác mà nói, thì sẽ chết".

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9.

Đáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: các bạn đừng cứng lòng (c. 8).

Xướng: 1) Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Đá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người. - Đáp.

2) Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Đấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người. - Đáp.

3) Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: "Đừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta". - Đáp.

BÀI ĐỌC II: 1 Cr 7, 32-35

"Người nữ đồng trinh lo lắng việc Chúa, để nên thánh".

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, tôi ước mong anh em khỏi phải lo lắng. Người không có vợ thì lo lắng việc Chúa, và tìm cách làm đẹp lòng Chúa. Nhưng người đã có vợ thì lo lắng việc đời này, và tìm cách làm đẹp lòng vợ mình, và họ bị chia xẻ. Cũng thế, người phụ nữ không có chồng và đồng trinh thì lo lắng việc Chúa, để nên thánh phần xác và phần hồn. Còn người phụ nữ đã có chồng thì lo lắng việc đời này, và tìm cách làm đẹp lòng chồng mình. Tôi nói thế vì ích lợi cho anh em, chứ không phải để gài bẫy anh em đâu, nhưng là để hướng dẫn anh em đến đời sống đoan chính và hoàn toàn khắng khít với Chúa.

Đó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 1, 14 và 12

Alleluia, alleluia! - Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta; những ai đón nhận Người, Người sẽ ban cho quyền làm con cái Thiên Chúa. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Mc 1, 21-28

"Ngài giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

(Đến thành Capharnaum) ngày nghỉ lễ, Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.

Đang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: "Hỡi ông Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai, là Đấng Thánh của Thiên Chúa". Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: "Hãy im đi và ra khỏi người này!" Thần ô uế liền dằn vặt người ấy, thét một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy. Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: "Cái gì vậy? Đấy là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả thần ô uế và chúng vâng lệnh Người". Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa.

Đó là lời Chúa.

"Ngài giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền".


SUY NIỆM:

Đức Giêsu vào hội đường giảng dạy, người ta kinh ngạc về giáo huấn của Ngài. Giáo huấn của Đức Giêsu mới mẻ vì biểu lộ tình yêu thương vô vị lợi. Ngài dạy dỗ như Đấng có uy quyền: Vì lời Ngài có sức biến đổi, có sức tiêu diệt thần ô uế. Sự hiện diện của Đức Giêsu làm thần ô uế phải tru trếu lên. Mặc dù đối kháng với Thiên Chúa, nhưng ma quỷ cũng phải tuyên xưng. Ngài là Đấng Thánh của Thiên Chúa và Ngài đã chiến thắng nó.

LỜI NGÔN SỨ

(Chúa Nhật IV TN B) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa - Ban Mê Thuột

“Chúng tôi không dám nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi nữa, chúng tôi không dám nhìn ngọn lửa lớn này nữa, kẻo phải chết” (Đnl 18,16). Thấy dân chúng kêu ca có lý, Thiên Chúa hứa sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ và Người sẽ đặt lời của Người vào miệng ngôn sứ. Như thế, sứ ngôn là người nói thay cho Thiên Chúa, nói nhân danh Thiên Chúa, nói đúng Thánh ý Thiên Chúa. Sự tồn vong của ngôn sứ hệ tại ở sứ mệnh cao cả và lắm cũng gian truân này. Theo nhãn quan Cựu Ước thì  ngôn sứ nào to gan nhân danh Thiên Chúa mà nói lời Người đã không truyền cho nói, hoặc nhân danh những thần khác mà nói, thì ngôn sứ đó phải chết (x.Đnl 18, 20).

Tuy nhiên làm sao để biện phân đâu là ngôn sứ thật và đâu là ngôn sứ giả? Làm thế nào để nhận biết một ngôn sứ thật nhưng không nói lời Thiên Chúa truyền mà chỉ nói lời của mình hay lời của các thần giả trá xui khiến? Một Đại Ngôn sứ, một ngôn sứ trên mọi ngôn sứ đã xuất hiện chính là Đức Kitô. Bài trích Tin mừng thánh Maccô mà Hội Thánh giới thiệu trong thánh Lễ Chúa Nhật IV TN B gợi mở cho chúng ta hai tiêu chí để thẩm định sự chính danh, chính ngôn, chính phận của một ngôn sứ.

Lời có uy quyền: Dân chúng kinh ngạc vì Chúa Giêsu giảng dạy như một Đấng có uy quyền chứ không như các kinh sư. Lời nói của một đấng có uy quyền thì thuyết phục người nghe và làm cho người nghe biết nghe theo. Lời giảng dạy của Chúa Giêsu có uy quyền không chỉ vì nội hàm của chúng mà trên hết vì Người là Ngôi Lời, đồng thời chính Người là người tiên phong sống và thực hiện những gì Người giảng dạy.

Các Kinh sư cũng giảng dạy nhưng họ lại không sống điều mình giảng dạy khiến Chúa Giêsu đã từng nói với dân chúng rằng: “Các kinh sư và các người Pharisêu ngồi trên toà ông Môsê mà giảng dạy. Vậy những gì họ nói thì anh em hãy làm và hãy giữ, nhưng đừng theo hành động của họ mà làm, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất trên vai người ta, nhưng chính họ lại không buồn động ngón tay vào” (Mt 23,2-4). Đức chân phước giáo Hoàng Phaolô VI đã từng nói: ngày nay người ta không thích nghe (nghe theo) những nhà giảng thuyết mà lại nghe theo những chứng nhân. Sở dĩ người ta nghe theo các nhà giảng thuyết vì họ đã là những chứng nhân, tức là đã thực hiện những gì mình giảng dạy.

Lời có sức khử trừ sự dữ và thông ban sự sống: Dân chúng sững sờ nói với nhau: “Thế nghĩa là gì? Lời giảng dạy thì mới mẻ, Người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!” (Mc 1,27). Thần ô uế bị trục xuất thì người bị quỷ ám được chữa lành. Lời của ngôn sứ thật là lời phát xuất từ Thiên Chúa. Xưa Thiên Chúa đã phán với Giêrêmia: “Đây Ta đặt lời Ta vào miệng ngươi. Coi, hôm nay Ta đặt ngươi đứng đầu các dân các nước, để nhổ, để lật, để huỷ, để phá, để xây, để trồng” (Gr 1,9-10).

Cả hai hiệu quả là diệt trừ sự xấu, sự dữ và trao ban sự sống luôn cùng đi sánh đôi. Nếu chỉ tuyên phán những lời hứa tốt đẹp hay ngược lại chỉ nói những lời quở trách phê phán mà thôi thì rất có thể là do thần dữ xúi khiến. “Đức Chúa các đạo binh phán như sau: “Đừng nghe lời các ngôn sứ (giả hiệu) tuyên sấm, chúng phỉnh phờ các ngươi; điều chúng nói chỉ là thị kiến do tưởng tượng, chứ không phải do miệng Đức Chúa phán ra. Chúng dám nói với những kẻ khinh miệt Ta: “Đức Chúa phán: anh em sẽ được bình an!” Và với những kẻ lòng chai dạ đá: “Tai hoạ chẳng bao giờ ập xuống anh em” (Gr 22,16-17). Vì tuyên bố những lời dối trá phỉnh phờ dân nên ngôn sứ giả Khanangia đã phải bị trừng phạt nhãn tiền (x.Gr 28,1-17).

Sứ mạng ngôn sứ của mọi Kitô hữu: Từ khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, mọi Kitô hữu đều đã được thông phần vào ba chức vụ của Chúa Kitô là ngôn sứ, tư tế và vương giả. Đường lối của Thiên Chúa thì trước sau như một. Xưa nhiều lần, nhiều cách Người đã nói với tổ tiên cha ông chúng ta qua các ngôn sứ, đến thời viên mãn Người đã nói với loài người chúng ta cách trọn vẹn qua chính Người Con Một làm người là Chúa Giêsu Kitô (x.Dt 1,1-2). Và mãi cho đến ngày tận thế, Thiên Chúa vẫn còn tiếp tục nói với loài người qua những con người. Nhân loại này, thế gian này vẫn mãi cần đến sứ ngôn để nhận biết thánh ý Thiên Chúa. Con người, đặc biệt các Kitô hữu được mời gọi làm ngôn sứ của Thiên Chúa để nhân danh Thiên Chúa, nói lời của Người.

Sứ mạng ngôn sứ thật cao cả và cũng thật lắm gian truân, nguy hiểm. Sự hiểm nguy, gian truân không chỉ đến do người đời bách hại mà còn có thể do bởi chính các ngôn sứ, vì lý do nào đó, đã không nói lời của Thiên Chúa mà chỉ nói lời của mình, thậm chí con nói lời do thần dữ xui khiến. Để tránh những tai hoạ này, không gì hơn, Kitô hữu chúng ta, cách riêng những người chuyên lo việc giảng dạy hãy xét xem mình đã thực hiện ra sao điều mình giảng dạy, hãy xét xem những lời mình giảng dạy có sức thuyết phục như thế nào và đồng thời hãy xét xem các lời tuyên dạy của mình có đủ đầy hai phương diện đó là vừa xua trừ sự xấu, sự dữ và vừa làm phát sinh tình yêu, phát sinh sự sống như thế nào?

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa - Ban Mê Thuột

QUYỀN NĂNG
SƯU TẦM

Ralph Waldo Emerson chiếm vị trí như là một trong những nhân vật văn học vĩ đại của Mỹ vào thế kỷ 19. Vốn là một học giả, một nhà văn tiểu luận và một thi sĩ gây ảnh hưởng rộng rãi, ông trở nên một trong những tiếng nói quan trọng nhất trên quê hương ông. Ông là một kẻ thù ác liệt của sự nô lệ và thối nát về mặt chính trị. Một trong những bài tiểu luận của mình, ông nói một điều gì đó rất phù hợp dưới ánh sáng của bài Tin Mừng hôm nay:

“Tôi chỉ biết rằng mình sống đến mức độ này mà thôi. Ngay khi chúng ta biết rằng những lời nói của người nào mang nặng hơi thở cuộc sống, thì ngay tức khắc, tôi học hỏi được từ bất cứ thuyết trình viên nào về lối sống của họ. Một người nói từ bên trong, hoặc từ kinh nghiệm, là sở hữu chủ của sự kiện; người nào nói từ bên ngoài, thì như một khán giả, hoặc như một người mới làm quen với những sự kiện dựa trên chứng cứ của một người thứ ba. Không cần phải rao giảng cho tôi từ bên ngoài. tôi có thể tự mình làm được điều đó”.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta đọc được rằng lối giảng dạy của Đức Giêsu đã “làm cho dân chúng sửng sốt, bởi vì người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư”. Tại sao Đức Giêsu gây được tác động như vậy trên các thính giả của Người? Bởi vì theo lối nói của Emerson, thì “ Đức Giêsu luôn luôn nói từ bên trong, và theo một mức độ vượt lên trên tất cả những người khác. Nhưng đây là cách thức mà mọi người nên luôn luôn áp dụng. Tất cả mọi người đều không ngừng trông đợi sự xuất hiện của một nhà giảng dạy giống như thế”.

Trong đời sống thiêng liêng, lối nghe gián tiếp ít có giá trị. Ở đây, người duy nhất nói với quyền năng, chính là người đã sống với điều đang nói đến. Không có quyền năng nào giống như quyền năng của người đã sống điều mà họ đang nói.

Ngay khi Đức Giêsu bắt đầu giảng dạy, ngay tức khắc dân chúng nhận ra rằng có một sự mới mẻ và trong suốt trong lời giảng dạy của Người. Mặc dù Người không có cùng một loại kiến thức giống như các kinh sư vào thời đó. Nhưng theo một cách thế nào đó, thì đây lại là một lợi thế. Van Gogh nói “Về một phương diện nào đó, thì tôi lại vui mừng vì mình không được học vẽ”. Có nhiều cách học hỏi hơn là từ trong sách vở. Trường đời thật là vĩ đại.

Điều này đã gây được ấn tượng nhiều nhất nơi nơi các thính giả của Đức Giêsu chính là quyền năng mà Người đã sử dụng khi giảng dạy, mặc dù Người không hề giữ một vị trí chính thức nào cả. Nhưng để có khả năng nói bằng năng quyền, người ta không cần phải giữ một vị trí chính thức nào. Trên thực tế, đôi khi sự thật còn trái ngược lại. Người giữ một cương vị chính thức không sống theo con người riêng của họ. Người đó bị bắt buộc phải thúc ép theo đường lối của đảng phái. Trong khi người không nắm giữ một cương vị chính thức nào, thì có quyền tự do để nói đúng điều cần phải nói.

Trong thời của Đức Giêsu, không có một kinh sư nào diễn tả được theo ý riêng của mình. Ông ta luôn luôn phải mở lời bằng cách nêu ra uy tín của mình. Ông ta dựa vào những lời trích dẫn từ các thày thông luật vĩ đại trong quá khứ, để hỗ trợ cho câu nói của mình. Điều cuối cùng mà ông ta làm được, đó là đưa ra một lời phê phán độc lập.

Đức Giêsu nói với tiếng nói của riêng Người, với quyền năng của bản thân Người. Người không hề biện hộ cho tất cả mọi điều mà Người nói, bằng cách trích dẫn Kinh Thánh, hoặc câu nói của một vị thày thông luật khác. Điều đó sẽ chỉ càng chứng tỏ rằng người đó thiếu năng quyền mà thôi.

Về một khía cạnh, chúng ta phải phân biệt giữa quyền năng và ảnh hưởng, và về khía cạnh, phải phân biệt giữa sức mạnh và sự kiểm soát. Một số người có quyền năng vĩ đại nhất về mặt luân lý, lại không hề có sức mạnh; và có người gây ảnh hưởng nhất, lại không cần phải kiểm soát những người mà họ gây ảnh hưởng. Một người có thể có tất cả quyền năng trên trần gian, lại vẫn thất bại trong vai trò của một người giảng dạy.

Có một số người có tính ưu việt về mặt tinh thần, mà không thể giải thích được. Điều này đem đến cho họ năng quyền vĩ đại về mặt luân lý. Họ có được năng quyền này, không phải là do chức vụ mà họ nắm giữ, nhưng là do ở chính con người của họ. Đây là năng quyền vĩ đại nhất và cao cả nhất vượt lên trên tất cả mọi sự. Điều này bắt nguồn từ chính năng quyền của Thiên Chúa. Nếu không có được năng quyền này, thì người nắm giữ một chức vụ chỉ là một người thừa hành, chỉ là một người phát ngôn mà thôi.

Đức Giêsu đã có loại quyền năng này, với một mức độ mà không có bất cứ người nào khác đạt được. Mỗi người Kitô hữu, bất kể người đó nắm giữ một chức vụ gì, đều có thể và nên có loại quyền năng này – loại quyền năng xuất phát từ việc sống theo tính cách của một con người chính trực trong suốt.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...